Trên tàu Cap Anamur

Trên tàu Cap Anamur

Diên Hoàng

Vừa dắt xe đạp vô nhà, mẹ tôi nghiêm nghị hỏi :

- Mi đi mô từ chiều tới chừ ?

- Dạ con đi chơi với thằng Hải.

- Rứa chừ mi có muốn ĐI nữa không ? Mẹ tôi hỏi tiếp, nhấn mạnh chữ ĐI.

- Dạ đi chứ. Giọng tôi sôi nổi. Có chỗ đi rồi hả mẹ ?

Từ hôm đi hụt ở Nha Trang, tôi giận ông trời ghê gớm. Bao nhiêu người đi lọt, đánh điện tín về, còn phần tôi cứ đèo đuột mãi. Tôi vung văng với mẹ tôi là số tôi chưa tới, thôi để dành cho thằng em kế lên ưu tiên một. Ra Nha Trang, nằm dài ở nhà bà cô ruột tôi chờ bà dì ruột ở Cam Ranh ra bốc đi. Ba ngày dài dẵng trôi qua, bà dì tôi ra báo ông dượng tôi và thằng em họ đã đi! Vì ăn chia không đều, ghe phải bỏ lại một nửa khi công an biên phòng rượt. Ngoài miệng vâng dạ nhưng trong bụng tôi cũng căm bà dì không chịu lo cho tôi chu đáo, họ tổ chức cho người xuống ghe ở Chụt chứ xa xôi chi lắm mà không báo cho tôi một tiếng.

Chưa đến một tháng, nhà tôi nhận được điện tín ba tôi đánh về: “Cha con Gà Rù được tàu vớt vào Singapore”, tôi ngửa mặt than trời. Số mình lận đận quá, thi đại học thì diện 13 bị đánh rớt dù trên điểm đậu so với giới thường dân, kiếm đường lao ra biển thì bị bỏ lại, không lẽ cứ sống lây lất xách xe đạp chạy mánh hằng ngày. Hải bảo tôi cố gắng ôn bài thi lại nhưng đầu óc đâu mà ôn đạo hàm với tích phân. Sóng biển, giang hồ lãng tử ám ảnh tôi mỗi giấc ngủ. Đi, lao ra biển là chấp nhận cái chết để tìm đường sống. Nhưng với lý trí của thằng thanh niên trai trẻ, đi là một cuộc phiêu lưu không định hướng kỳ thú vô ngần. Tôi không sợ chết, tôi không sợ say sóng mửa ra mật xanh mật vàng như thư từ người đi trước về kể lại, tôi cũng không sợ hải tặc, tôi tin số tôi đi ra có quý nhân phù trợ như số tử vi mẹ tôi nhờ ông Chiếu chấm.

Sau khi đi tù về, ba tôi mang số ưu tiên một. Thật tình mà nói, vốn liếng nhà tôi đã kiệt quệ, sạp vải Tân Bình mẹ tôi ngồi bán chung với người bạn chỉ đủ nộp tiền cho thuế vụ. Rồi ba tôi trổ tài ngoại giao, tìm bạn bè đi trước trả sau, và nhờ kiến thức sử dụng la bàn, ông làm hoa tiêu cho chuyến ghe. Nhờ trời Phật độ, ông được tàu vớt vào Singapore và được định cư ở Mỹ chớp nhoáng trong vòng ba tháng. Từ đó, ông lo cày để vớt từng thằng anh em tôi ra biển.

Trong gia đình, có một người đi lọt như có một cái phao cứu rỗi, mẹ tôi mạnh dạn tìm mối đi trước trả sau dù giá cả gần gấp rưỡi, gấp đôi. Phong trào vượt biên nở rộ từ đầu thập niên 80, bây giờ đã là 86, thành phần có tiền đã đi hết nên những tổ chức vượt biên đành phải chịu bốc người đi trước trả sau như tôi. Trễ, nhưng còn hơn không.

- Thôi vô ăn cơm đi. Mẹ tôi bảo tôi. Từ rày về sau con không được đi mô quá nửa tiếng. Đi mô thì nhớ nói cho nhà biết để có chuyện chi kiếm về kịp mà đi. Đừng nói chi với thằng Hải hết.

Làm sao tôi giữ bí mật với thằng bạn đời được. Với bồ bịch bạn gái, tôi còn im lặng làm trai ôm mộng phiêu lưu ký, dãi nắng dầm sương. Chứ với thằng bạn đời, chỉ mới biết tin chuẩn bị lên giàn phóng là tôi đã ngứa cái miệng còn hơn nổi phong mề đay! Hôm sau, tôi ở nhà cả ngày, đi ra đi vô tù túng đôi chân. Đến chiều tối, tôi vác xe đi học thêm Anh Văn ở đại học Tổng Hợp, phải lo trả cuốn truyện cho Tú kẻo mắc nợ rồi số ra đi sẽ không suôn sẻ. Mẹ tôi dặn học xong là về, không café cà pháo nữa, tôi dạ nhưng vẫn cứ đi.

Ngồi quán café, hai thằng trầm ngâm với khói thuốc ngó ra cửa. Tiếng Lionel Ritchie hát Hello không còn quyến rũ tôi. Nói gì được khi đây là lần thứ ba tôi từ giã hắn. Hai lần trước bắt tay chào đi rồi lại về, mừng rỡ rằng không bị bắt ở tù nhưng cũng man mác buồn cho số phận chưa hanh thông. Tôi dặn hắn trả tiền mấy điếu thuốc 555 tôi ký sổ với cô nàng bán thuốc lá lẻ trước nhà hắn. Hắn im lặng gật đầu. Tôi dặn hắn đừng cho Bích Ngà biết, chờ khi tôi điện về rồi hãy báo tin, hắn gật đầu im lặng. Hai thằng dắt xe đạp ra về với dấu hỏi to tướng trong đầu, nếu tôi đi lọt, biết bao giờ mới gặp lại ? Hắn chấp nhận làm trí thức XHCN, sau khi xong Đại học sẽ phụng sự đất nước, tôi làm kẻ phản đồ ra đi. Một bờ đại dương xa thẳm chớm chia cách tình bạn bài trùng của tôi.

Tôi về nhà sớm hơn thường lệ nhưng trễ hơn giờ đi học về một tiếng, mẹ tôi bực mình gắt gỏng. Kéo tôi vào phòng bên, đóng cửa, mẹ tôi mở tủ lôi nửa chỉ vàng đưa cho tôi :

- Ngày mai họ tới đón đi, con cất 5 phân ni qua bên nớ bán đánh điện tín qua cho ba để ba báo về cho mẹ biết.

Mẹ tôi chỉ cái giỏ nhựa đi chợ có sẵn hai lon sữa ông Thọ và hũ mật ong :

- Bới theo một bộ áo quần thôi. Họ dặn đừng mang chi nhiều. Ngày mai pha nước sôi để nguội vô bi đông, khi mô hết nước trên ghe mới mang ra uống nghe con. Học thuộc địa chỉ của ba chưa? Đừng có viết vô giấy mang theo, có chuyện chi họ biết mình vượt biên.

Mẹ tôi dặn tới dặn lui nhiều lắm, tôi nghe tiếng được tiếng không, mấy lần đầu còn chăm chú nghe, sang đến lần đi thứ tư, thứ năm, tôi có cảm giác đã trưởng thành trong khói lửa. Biết đâu mai đi chơi một vòng rồi lại về như những lần trước đi hụt. Tôi đã biết lên ghe là phải lo giữ đôi dép, lỡ chạy du kích thấy còn đôi dép chứ có mấy người thành phố về quê đi chân đất. Tôi đã biết chuyện ráng đi chậm đàng sau để được ngồi phía trên, tránh xuống hầm ghe nóng nực, ói mửa. Lần chạy ở rừng đước Bà Rịa đã dạy tôi một mớ kinh nghiệm.

Thế là tôi đi. Sáng hôm sau có người đi Honda đến đón tôi xuống chợ Tân Bình nhập vào đoàn người đi thăm nông trường Duyên Hải chi đó. Ngang qua nhà Hải, mẹ hắn vẫn chưa mở cửa tiệm rượu đế, hắn đã lọc cọc đạp xe đi học từ sớm. Chỉ có những nhà văn mới vẽ vời tâm trạng của kẻ ra đi bịn rịn như thế nào với thành phố bỏ lại đằng sau, còn tôi, trong đầu lúc đó chỉ nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra. Dáng dấp của mình có giống kẻ đang tìm đường vượt biên hay giống người đi thăm nuôi? Những con mắt thiên hạ bên đường ngó tôi có hoài nghi tôi đang đóng kịch hay không ? Đi ở đâu ? Xuống bãi nào ? Ghe có lớn, bao nhiêu lốc ? Nếu chạy thì chạy về hướng nào ? Biết bao nhiêu câu hỏi xoáy quanh trong đầu, tôi hầu như không nghĩ đến chuyện bỏ lại gia đình, bè bạn hay người yêu sau lưng. Tôi chỉ biết nghe lời người trưởng nhóm, anh ta bảo đi đái là lo nhảy xuống đường vạch tằm đái cho lẹ rồi lên xe ngồi, anh ta bảo vào quán mua cơm là vào quán mua cơm nhai cho lẹ. Miệng thèm điếu thuốc nhưng cũng ráng chờ anh ta đi khuất mới dám đốt rít vài hơi.

Đến gần bốn rưỡi chiều, xe đến nông trường. Đoàn người đóng kịch thăm nuôi được đi rửa ráy mặt mày ăn cơm tối. Tôi nhận ra vài người quen nhưng giả làm mặt lạ, không quen biết, không chào hỏi. Cơm nước xong xuôi, đến bảy giờ tối họ cho lên ghe, đoàn thăm nuôi xếp hàng thứ tự ngang nhiên lên ghe như đoàn du lịch, tôi bảo bụng tổ chức này ghê quá, không giống lần trước tôi phải núp trong những nhà tranh, đưa từng người ra bãi, mỗi lần nghe tiếng chân người là nằm rạp xuống đất trốn, sợ du kích đi tuần. Tôi nấn ná đi sau để được ngồi bên trên, người bà con quen ngoắt tay bảo tôi xuống hầm ghe, tôi lắc đầu.

Chiếc ghe xì xạch chạy đến 1 giờ đêm mới ra tới cửa biển, tôi nghe tiếng người chào nhau với ghe đi ngược. Ra tới cửa biển là coi như thành công một nửa, tôi thiếp vào giấc ngủ với tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật cứu khổ cứu nạn lúc nào không hay. Bên trên, bầu trời đêm với ngàn sao trong vắt.

Tôi thức giấc khi ánh mặt trời chiếu nhẹ vào mắt. Sáng rồi, thoát rồi, ra tới biển rồi! Bấy giờ, tôi mới định thần nhìn kỹ xung quanh. Tôi không còn nhớ chiếc ghe dài bao nhiêu thước, chỉ nhớ là nó lớn hơn gấp đôi chiếc ghe lần tôi chạy ở Bà Rịa. Nằm bên cạnh tôi là một cha con nói giọng Huế. Đêm qua, người cha bị anh tài công quát tháo nằm xuống che đầu khi ông ta ngẩng đầu nhìn chiếc ghe chạy ngược chiều. Khoang trên cùng của chiếc ghe chứa khoảng chừng mười người, nằm co chân. Tấm bạt che phần phía trước của ghe được kéo xuống, tôi thấy được người ngồi bó gối bên dưới hầm ghe. Tiếng máy ghe vẫn nổ đều, sóng rất nhẹ, bập bềnh nhưng tôi không định hướng được ghe chạy.

Tôi không cảm thấy khát nước hay đói bụng. Cũng không thèm cà phê hay khói thuốc. Gió biển thổi nhè nhẹ, trời mát. Tôi mắc đái kinh khủng ! Lần cuối đi đái là lúc ăn tối xong, từ sáu giờ chiều qua. Suốt đêm qua, tôi lo sợ, quên chuyện mắc đái, bây giờ thức dậy, bọng đái căng đầy khó chịu. Phải tìm chỗ đi đái, thằng nhỏ căng cứng nhắc nhở tôi. Nhưng đái ở đâu khi người xếp sát nhau, chen chân không lọt! Tôi nhìn quanh, tính dợm lên đi về phía đuôi thì đã có tiếng quát ngồi yên kẻo lật ghe.

- Làm đại ra ngoài đi. Người cha ngồi kế bên chỉ ra biển.

Tôi mắc cỡ, trên này còn có mấy người phái nữ, không lẽ nhông nhông vạch tằm thải là mất zin đời con trai trong trắng ? Không lẽ cứ tiếp tục nín cho nó từ từ rỉ ra ướt quần, ướt sàn nằm ngủ ? Tôi tiếp tục đấu tranh đánh trâu tư tưởng, thằng nhóc vẫn la làng vùng lên hỡi các nô lệ thế gian. Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh, thằng nhỏ bắt đầu không nghe lời thằng lớn. Tôi đành quỳ lên, kéo phẹc mơ tuya, ưỡn người chĩa nó ra ngoài thành khoang. Xả, khoan khoái xả, nhắm mắt xả, thằng nhỏ ca hát không ngừng.

- Đụ má thằng nào đái ở trển đó bây ?!

Tiếng quát bên dưới khiến tôi hoảng hốt nín lại, rồi lại xả ra cho lẹ. Gió biển thổi tạt nước tiểu của tôi vào cửa sổ khoang máy bên dưới. Chưa kịp rảy rảy cho hết nước, tôi kéo vội phẹc mơ tuya rồi ngồi xuống. Tôi hết mắc cỡ, ngộ biến phải tòng quyền, biết sao chừ.

Bắt đầu ngày thứ nhất. Tôi giở gói đồ mang theo, lấy miếng cơm vắt chấm đậu phụng mẹ tôi bới theo cho ra nhai chầm chậm. Trưa nay họ cho ăn gì đây ? Trong túi còn mớ tiền VN, tôi tiếc rẻ, nếu biết suôn sẻ thế này tôi đã mua một gói Tourist mang theo hút cho thơm ria, tôi chỉ còn nửa gói Đà Lạt. Tôi đã nghe lời mẹ tôi dặn đừng tiêu hoang, dành tiền về xe nếu có bể ổ. Bây giờ mớ tiền đó chỉ là giấy vụn.

Thư từ ba tôi kể chuyến vượt biên của ông năm 84 mất cả 5 ngày 5 đêm mới được tàu vớt. Đầu năm 86, ông dượng tôi và thằng em họ đi cũng mất 7 ngày 7 đêm, ghe hết nước, hết dầu mới được tàu vớt. Tôi chỉ mới bắt đầu ngày thứ nhất chạm mặt với biển cả. Trời xanh, sóng nhẹ, tháng ba bà già đi biển, bây giờ đã là tháng sáu, biển mênh mông một màu xanh đẹp quá. Biển chưa nổi cơn cuồng nộ nên tôi không dám nghĩ chuyện đen tối như chuyện bà Thanh Lương, sui gia với ngoại tôi, có người con trai duy nhất ra đi rồi bặt âm vô tín ! Tôi nghĩ đến ba tôi. Ba ơi, vài ngày nữa thôi là ba nhận được điện tín của con. Chắc là ba tôi mừng lắm. Tù đày suốt 8 năm, về nhà ở với vợ con, bươn chải kiếm cơm và kiếm đường đi chỉ hơn một năm là ba tôi lại xa cách mẹ và anh em tôi. Nhờ những thùng quà của ba tôi, nhà tôi đã lên giai cấp, giai cấp nhận hàng Mỹ với những cái quần jeans, mấy cục xà phòng Coast thơm phức. Giai cấp ăn rồi đi học Anh Văn để chờ giấy bảo lãnh xuất cảnh. Từ ngày ba tôi đi, tôi đã không còn đạp xe đạp với cái thùng tổ chảng đàng sau đi bỏ bánh kẹo cho mấy bà già bán quán quanh vùng chợ Hòa Hưng, Lê Văn Duyệt. Tôi ra hàng Tân Sơn Nhất, hút thuốc 555 với mấy anh mấy chị Hải Quan. Tôi chạy mánh, đủ tiền café mỗi tối với Hải.

Từ khi xuống ghe, tôi đã cố nhớ từng chi tiết chuyến đi để mai này tới đảo, tôi sẽ viết thư tường tận kể cho mẹ tôi xem để lấy kinh nghiệm cho mấy thằng em tôi đi sau. Tôi sẽ viết thư kể cho Hải, không giấu nó một điều gì như lúc còn đi học HS. Tôi nghĩ đến chuyện gửi về cho nó hộp bút kim hiệu Steadler của Đức để nó vẽ luận án ra trường Kiến Trúc. Bây giờ mày đang đi học phải không ? Đêm qua mày có lên Đỉnh Thiêng Quán ngồi nhớ tao không ? Mày có kêu cho tao ly Café phin rồi đốt một điếu thuốc để cháy trên gạt tàn nhớ tao như lần tao với mày gặp ông lãng tử ngồi yên đốt thuốc nhớ bạn ở quán Café bên Bà Chiểu một tối mưa bay không ? Tao biết bà già mày sẽ trách bà già tao rằng sao bí mật tính chuyện cho tao đi mà không giới thiệu đường dây cho bà già mày lo cho anh em mày.

Tôi lại nhớ bóng dáng Bích Ngà. Khi tới đảo viết thư về kể chuyện đi, tôi nhất quyết là tôi sẽ tỏ tình với nàng. Đối mặt, câu nói anh yêu em sao khó nói quá, tôi hy vọng cách mặt, qua thư từ, dễ viết hơn. Nhưng lại nhớ câu Nhất cự ly, nhì cường độ, tôi đã xa nàng vời vợi thì làm sao giữ nàng? Hoàng sẽ lựa xấp vải KT Mỹ đẹp nhất gửi về cho Ngà may áo Tết hay may áo đi dạy nhé. Ngà cứ may kiểu áo tròng đầu, không khuy nút đàng trước, kiểu áo đó hợp với Ngà, trông trẻ trung nhí nhảnh lắm. Hoàng sẽ kiếm băng nhạc Carpenters gốc cho Ngà. Hoàng sẽ kiếm băng gốc Lionel Richie hát Hello cho Ngà. Ngà đợi Hoàng nhé. Đừng giận Hoàng đi không từ giã chia tay. Có gì Hải sẽ ghé đưa thư Hoàng cho Ngà.

Bắt đầu ngày thứ nhất… tôi miên man nghĩ đến chuyện tương lai…

- Đm ! Sao có chiếc tàu nó ví mình nãy giờ vậy ?

- Có phải tàu Hải Quân không? Cờ của nó màu gì ?

- Thằng nào giữ cái ống nhòm ?

Tiếng lao xao của mấy chàng tài công làm cả ghe bừng tỉnh.

- Đổi hướng đi. Tao thấy cờ màu đỏ.

- Bà con ngồi yên nghen.

Tôi co người ngồi lại, nhìn về phía xa, quả có chiếc tàu đang hướng về ghe, xa lắm, chỉ là một chấm nhỏ. Sự lo lắng hiện lên trên khuôn mặt mọi người xung quanh.

- Ra tới hải phận quốc tế rồi, Hải quân không bắt đâu.

Tiếng niệm Phật, niệm Chúa bắt đầu rì rầm râm ran. Nhìn đồng hồ người bên cạnh, chỉ mới 11 giờ. Ghe đã đổi hướng tìm đường chạy nhưng chiếc tàu mỗi lúc mỗi gần.

- Cờ của nó có màu Đỏ, Đen, Vàng ! Vậy là cờ nước nào ?

Tôi chửi thầm trong bụng, đi vượt biên mà cả đám không biết cờ nước nào, cứ thấy màu đỏ là bỏ chạy, mấy màu khác là Okay. Tôi giận mình dốt địa lý khôn tả!

- Chết mẹ, coi chừng cờ Đông Đức !

- Tụi Đông Đức làm chó gì bắt người vượt biên?

- Hay là cờ Tây Đức ?

- Tây Đức vớt mình thì đi Đức cũng được.

- Đứt chếnh, đứt cống thì có, nó rượt mình mà cứ mừng nó vớt.

- Mày coi lại xem nó có súng không ?

Tôi bắt đầu thấy hình dáng con tàu với bệ chỉ huy, ăng ten cao vời. Chiếc tàu đã đuổi theo ghe tôi cả tiếng đồng hồ, khoảng cách càng lúc càng thu ngắn. Không lẽ được vớt, còn sớm quá, chưa hết ngày thứ nhất mà ! Không lẽ lại bị bắt, đưa vào Côn Đảo ở hầm cọp là tiêu đời ma ! Nam mô A Di Đà Phật cứu khổ cứu nạn !

Đến 1 giờ trưa, chiếc tàu đã sừng sững ở mạn trái của ghe. Tôi nghĩ là tàu hàng, bên mạn tàu, một băng rôn có dòng chữ CAP ANAMUR II và treo cờ Đỏ, Đen và Vàng. Ghe tôi đã tắt máy chịu thua, không dám bỏ chạy nữa, để mặc sóng bập bềnh. Chợt có tiếng nữ qua loa phóng thanh cá nhân bằng tiếng Việt :

- Đây là tàu Cap Anamur cứu người vượt biển. Xin đồng bào yên vị, đừng đứng lên làm lật ghe. Chúng tôi sẽ thả ca nô qua giúp đồng bào.

Vừa nghe câu tuyên bố nọ, cả ghe tôi ồ lên. Tiếng con nít khóc òa lên sau khi bị mẹ bụm miệng bắt im suốt nãy giờ. Chị người Việt trên tàu Cap Anamur tiếp tục nhắc lại câu nói. Tôi lặng người! Vậy là được cứu thật rồi ! Lạy Trời lạy Phật, vậy là số mạng của con cuối cùng được thoát ! Chiếc ca nô với ba thủy thủ cặp ghe tôi, hai người tóc vàng nhanh nhẹn nhảy lên ghe, một người đầu ghe, một người cuối ghe đứng cạnh tài công chỉ cách cặp vào mạn tàu. Chiếc thang đã được thả xuống, con tàu lớn che gió, chiếc ghe nhỏ bé của tôi từng chút nhích vào bên hông. Những sợi dây được cột cứng chiếc ghe vào thang, đàn bà con nít được lên trước. Phía trên cao, tôi thấy có ông Tây to lớn thu hình, chụp ảnh. Chị người Việt tiếp tục cầm loa phóng thanh dịch lại mệnh lệnh vị thuyền trưởng.

Đến lượt tôi ôm giỏ áo quần lên thang. Tôi vẫn còn mơ. Bảy giờ tối lên ghe, một giờ đêm ra tới cửa biển, một giờ chiều hôm sau được tàu vớt. Như chuyện thần tiên! Tôi để lại đôi dép trên ghe, đi chân không để khỏi sợ trợt. Chào mi nhé dép ơi, đời ta đã sang trang. Ta bỏ mi lại như ta bỏ lại quê hương. Ta bỏ mi lại với biển cả. Biển xanh rờn đẹp nhất trong đời tôi.

Tôi đứng mông lung trên boong tàu nhìn về phía xa của biển. Màn đêm phủ một màu đen trên biển, khoảng chân trời xa, có chút ánh sáng dội lên, tôi đoán đó là đất liền. Thành phố nào đây ? Vũng Tàu, Nha Trang hay Đà Nẵng. Một tuần đã trôi qua. Khi chị Phượng, người thông dịch viên, thông báo cho mọi người biết là con tàu sẽ tiếp tục chạy dọc theo chiều dài bờ biển quê hương để đón vớt người vượt biển cả tháng mới vào đất liền, niềm háo hức của mọi người lắng xuống. Lâu quá, làm sao báo tin cho người nhà đang hồi hộp lo lắng số phận người đi ?

Trước khi vớt chuyến ghe của tôi, Cap Anamur đã vớt được một chiếc ghe nhỏ khoảng 20 mạng. Nghe đâu chuyến ghe đó có một em bé thiệt mạng. Ghe xuất phát từ miền Trung, có vẻ là dân chài, nửa tiếng Anh Yes No không biết. Mấy người đàn ông xúm lại hỏi chuyện mấy ma mới và xin thuốc lá. Ghe tôi đếm được tổng cộng là 96 mạng nên được đặt tên là Group 96, đa số là dân Sài Gòn.

Tôi chứng kiến cảnh đổi đời. Những anh tài công, thợ máy một đêm hoạnh họe dưới ghe bỗng trở nên hiền lành im lặng. Ngược lại, vài ông già nằm rũ rượi say sóng dưới ghe như gà mắc mưa lại trở thành ông thiếu tá này, anh trung úy kia, người xổ tiếng Pháp, kẻ liếng tiếng Anh… làm trưởng nhóm, phó nhóm lăng xăng lui tới !

Dưới khoang tàu dùng để chứa Containers khi chở hàng, họ sắp dài hai hàng ván gỗ, trên đó, chiếu mền để sẵn. Sau khi được nhóm y tá người Đức khám sơ sức khỏe, tôi vác mớ áo quần vừa được phát về một tấm ván, trải chiếu ra nằm. Tôi làm quen với anh Nguyễn Xuân Lai, cựu Pilot trực thăng. Anh Lai có bộ râu như ông Kỳ, đẹp trai dáng đàn ông nhưng mặt rầu rĩ vì bỏ lại vợ và hai con gái. Khi mấy ông cựu Quân nhân năng nổ làm thiện nguyện viên, anh Lai lui mình nằm dài tán chuyện với tôi, hai anh em share từng điếu thuốc còn lại. Anh có thân nhân anh em ở Mỹ nhưng muốn đi bất cứ nước nào để có thể bảo lãnh vợ con qua nhanh chóng.

Một sáng, nhóm thủy thủ đi ca nô nhảy qua ghe tôi hôm nọ đi lòng vòng thăm hỏi bà con. Nhờ võ vẽ vài ba tiếng Anh, tôi làm quen được chàng thủy thủ tóc vàng hoe người Đức, tự xưng là phó thuyền trưởng. Tôi ngờ nghệch lôi hũ mật ong ra biếu anh ta tỏ lòng biết ơn, tôi cứ nghĩ mật ong là quý lắm, anh ta lắc đầu từ chối : You need it more than I do. Tôi cứ dúi vào tay anh ta, bắt nhận cho được. Anh ta hỏi tôi có muốn làm thiện nguyện, lên đài chỉ huy cầm ống nhòm phụ tìm ghe vượt biên hay không, tôi gật đầu.

Sinh hoạt trên tàu cho cả trăm người dần dần đi vào nề nếp. Mấy cụ già, phụ nữ xung phong nấu cơm ngày hai buổi trưa chiều. Buổi sáng, họ cho ăn đồ khô. Phía đầu tàu, họ để những bếp gas dã chiến làm bếp. Khác hẳn với thư từ ba tôi viết về kể là khi được tàu Mỹ vớt, đồ ăn bánh kẹo thoải mái hay thủy thủ cho thuốc lá hút bể phổi, Cap Anamur không phát thuốc lá hay bánh kẹo. Thực phẩm khô đựng trong container lớn trên boong khóa lại kỹ càng. Dãy nhà tắm bằng thép được hàn thêm bên mạn phải con tàu, tuy nhiên, hình như tàu không đủ nước ngọt nên dân tỵ nạn phải tắm bằng nước biển, rít rát. Tôi không còn nhớ đi tiêu đi tiểu ra sao, vì tôi bị bón ! Món cá hộp sốt cà chua và hành tây ăn ngon miệng được vài ngày đầu, mấy ngày sau ngán tận cổ. Thèm món canh thịt bò sả mẹ tôi nấu vô ngần.

Sang đến ngày thứ hăm mốt, Cap Anamur đã vớt thêm được ba ghe, nâng tổng số người vớt lên tới 202. Vẫn còn thua chuyến mấy tháng trước, hơn ba trăm mạng. Chị Phượng và anh Đinh Quang Anh Thái vẫn thông báo tình hình cho bà con, xấu, rất xấu, tất cả các nước đều quyết định không cấp chiếu khán nhập cảnh cho người Cap Anamur vớt. Cap Anamur thuộc hội thiện nguyện của Đức và Pháp, Đức và Pháp phải chịu trách nhiệm cấp chiếu khán. Singapore không cho quá cảnh, các trại tỵ nạn khác đều lắc đầu. Những người có thân nhân ở Mỹ như tôi đầy lo lắng. Thôi, đi Đức qua ở với ông dượng và thằng em họ cũng được, tôi an ủi. Một số người than vãn một câu rất ư là vô ơn : “Biết vậy xin thêm dầu và lương thực chạy đến đảo cho rồi !!!”, tôi chỉ biết lắc đầu chịu thua.

Hai trăm mạng người Việt tỵ nạn trên tàu là một xã hội nhỏ, có người tốt, người xấu, ở lâu, chuyện gì tới phải tới. Một vài cô gái được nhóm thủy thủ mời vào phòng, đi ra tươi cười với vài đồ vật trên tay, miệng cười cười khiến tiếng xầm xì khắp nơi. Có đêm, người ta bắt gặp một cô gái trẻ ngồi tán chuyện với một chàng thủy thủ trẻ đằng trước mũi tàu, tiếng đồn không hay lại lan ra. Tôi nhớ cô ấy tên Hồng, sau này đi Úc. Cả tàu chỉ mong ngày vào đất liền !

Chị Phượng ra thông báo Cap Anamur sẽ rời biển Đông, vào cảng Singapore, mang sức sống hy vọng lại cho mọi người. Tàu sẽ neo ở cảng Singapore 3 ngày để tiếp tế lương thực, nước nôi, xăng dầu rồi sẽ chở chúng tôi qua trại tỵ nạn Palawan của Phi Luật Tân. Cao ủy tỵ nạn Palawan cho phép chúng tôi quá cảnh. Trong vòng ba ngày ở Singapore, tất cả mọi rác rưởi phải được bỏ đúng chỗ, không được búng tàn thuốc xuống nước. Mỗi mẩu tàn thuốc vất xuống nước sẽ bị phạt $500, chị dặn đi dặn lại và mong chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Một nhóm thiện nguyện khác sẽ thay thế nhóm của chị, có thể có một vài người Việt đến từ California.

Đêm tàu vào cảng Singapore, tôi nôn nao ngủ không được. Ra boong tàu đứng, từng chiếc tàu hàng sáng rực đèn xếp hàng chạy. Suốt gần một tháng, tôi chỉ thấy màn đêm phủ một màu đen trên biển. Singapore đó, nơi ba tôi và ông dượng quá cảnh ba tháng nhưng bây giờ tôi được phép đặt chân lên. Singapore, thành phố của văn minh và tự do nhưng tôi chỉ được phép ngó từ xa. Khi thuyền bỏ neo, tôi khám phá ra 3 ngày tàu đậu lại cảng là một cực hình. Trời nóng khó chịu khi tàu neo lại, dưới hầm quá ngột ngạt, lên boong lại nắng chói, nắng từ thép tàu hắc lên mặt như tra tấn. Trời lại ít gió, cứ mong sao 3 ngày chóng qua để được đưa tới Palawan.

Ký giả Dương Phục và một tay quay phim của đài truyền hình Việt Nam ở California lên tàu thăm, làm phóng sự, chúng tôi bu quanh âu lo thăm hỏi số phận. Khi ký giả Dương Phục hỏi cần gì để ông có thể giúp, cả bọn đàn ông đều xin thuốc lá ! Tôi đã nhờ anh chàng phó thuyền trưởng người Đức đánh điện cho ba tôi. Một chiều, ký giả Dương Phục quay lại với đống thuốc lá, đây là $200 của anh em thiện nguyện góp lại mua thuốc lá cho đồng bào. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, sàn tàu Cap Anamur đầy rẫy mẩu đầu lọc thuốc lá khiến vị thuyền trưởng nhăn mặt, ra lệnh làm tổng vệ sinh ! Nhưng ông ta không cần ra lệnh cấm hút, còn thuốc lá đâu nữa mà hút, anh Lai và tôi phải moi dế nhủi dưới ván lên quấn với giấy báo hút.

Cả tàu tôi hào hứng chuẩn bị đón Tiến Sĩ Rupert Neudeck đến thăm. Kho lương thực được mở ra để quý bà trổ tài nấu nướng, nhờ được tiếp tế đồ ăn tươi, menu có phần phong phú hơn. Quý ông trưởng nhóm, phó nhóm lo quét dọn boong tàu sạch sẽ, một gã Trung sĩ thông dịch viên cũ cầm sơn khoanh một vòng để chữ VIP. Tôi chẳng biết VIP là gì, chỉ biết chỗ đó dành cho các nhân vật quan trọng, đừng dại đặt đít vô ngồi kẻo bị rủa. Trước bữa ăn, nghi lễ nho nhỏ với vài lời phát biểu tỏ lòng biết ơn ông Tiến Sĩ và vị thuyền trưởng khá cảm động. Hôm sau, tàu nhổ neo hướng về Palawan.

Palawan, phải, Palawan, không phải là Galăng, Biđông, hay Sikhiew như những thư từ kể lại. Palawan, nơi tôi sắp tới để bắt đầu khoác áo làm dân tỵ nạn. Palawan nghe sao đáng yêu quá !

Source : https://hoiquanphidung.com/showthread.php?18921-Tr%C3%AAn-t%C3%A0u-Cap-Anamur