Có những lúc người lính không còn nghe tiếng súng...

CÓ NHỮNG LÚC NGƯỜI LÍNH KHÔNG CÒN NGHE TIẾNG SÚNG VÀ KHÔNG ĐƯỢC NHÌN HỎA CHÂU RƠI TRÊN TRỜI

Lê Châu An Thuận

Cách đây 51 năm chúng tôi, thủy thủ đoàn của Trợ Chiến hạm Nguyễn Ngọc Long HQ. 230, được lịnh mang chiến hạm đi sửa chửa đại kỳ tại Đảo Guam. Thực ra Hải Quân Công Xưởng của chúng ta dư sức để hoàn thành tốt sửa chửa chiến hạm loại nầy, nhưng vì để gắn thêm bộ lưới che quanh phòng lái phòng chống lại loại chống tăng B.40 cho an toàn khi công tác trên các vùng sông ngòi miền Nam nên Bộ Tư Lệnh Hải Quân và Bộ Tư Lệnh Hạm Đội quyết định đưa một loạt các chiến hạm loại nầy đi Guam để sửa chữa vì họ có kinh nghiệm gắn thêm bộ lưới chống đạn B.40 và độ ổn định, ship stability, của chiến hạm không bí phá vỡ. Trước đây chúng tôi để những bao cát che chắn cho phòng lái, làm cho khu vực nầy đã chật chội càng thêm hẹp lại nhiều.

Nhớ lại các khâu chuẩn bị ráo riết của mỗi bộ phận của chiến hạm trước khi rời đất nước, và thủ tục giấy tờ đủ loại với cơ quan MACV, Military Asistance Command, Vietnam tại Saigon mà giựt mình. Mọi sĩ quan phụ trách từng nghành đều lu bu không thể tưởng tượng, nhưng bù lại viễn cảnh sinh sống ở nước ngoài một thời gian khá dài cũng làm anh em háo hức...

Rồi mọi chuyện cũng qua đi suông sẻ, giờ đây là những giây phút bịn rịn với người thân trong gia đình. Tôi tạm bỏ lại sau lưng gia đình cha mẹ, một người vợ với một cháu gái chưa đầy một tuổi và một cháu nữa sẽ ra đời vào tháng Tám năm nay, sau nầy qua thơ của vợ tôi mới biết là một cháu trai. Hoàn cảnh của trai thời chiến là như vậy, quyến luyến khi chia tay, ấm cúng vui vẻ khi tàu về bến!

Khoảng cách từ Việt Nam sang Philippines khoảng 982 miles nhưng chiến hạm chạy như rùa vì hai máy chánh cứ hụt hặc, phải nhìn nhận do nhiều người có trách nhiệm quan niệm để qua đó sửa luôn cho “đáng đồng tiền bát gạo” nhưng những người mang con tàu “qua đó” khốn khổ không ít, nhất là anh em các ngành cơ, điện khí... Tàu lết đến Subic Bay thì hư hỏng khá nặng nên xin vào để sửa chửa nhưng chính quyền Philippines làm khó dễ đủ điều, can thiệp của nhiều cấp chức khác nhau nên chiến hạm được vào tạm sửa chửa những hư hỏng cần thiết và tiếp tục hành trình vào San Bernardino Strait, lòng vòng qua nhiều hòn đảo của Philippines, lớn có nhỏ có đẹp tuyệt vời nhất là vào ban đêm. Tàu đánh cá đông đúc không khác gì trên các vùng biển của nước ta, khác chăng là cấu trúc tàu thuyền có khác và có màu sắc rực rỡ.

Gần đến vùng rời khỏi các đảo để vào bờ biển phía đông của Philippines thì biển rất động, theo tin khí tượng thì có thể bão sẽ không thổi qua vùng nầy, nhưng sức gió rất mạnh. Ông Hạm Trưởng, HQ. Đại Úy Nguyễn Văn Chuyên họp sĩ quan lại và ra quyết định neo chiến hạm sát gần đảo, tôi không còn nhớ tên của đảo, chờ cơn bão qua sẽ tiếp tục hành trình. Thủy thủ đoàn tiếp tục đi ca theo chế độ tàu neo đậu trong thời tiết xấu, ôn hòa không cho ghe thuyền của người dân địa phương lại gần quan hệ mua bán. Neo đã 3 ngày mà thời tiết chỉ dịu lại chút đỉnh, đến ngày thứ tư thì đại diện của chính quyền địa phương ăn mặc đẹp và mang ra cho chúng tôi hoa quả và thức ăn. Ông Hạm trưởng mời vị đại diện lên thăm chiến hạm và giải thích cho họ rõ hoàn cảnh của chúng tôi. Ngày hôm sau họ mời chúng tôi vào thăm đảo, ông và các sĩ quan không trực ca vào thời điểm đó lên bờ và được họ đón tiếp trọng thể, ông Hạm trưởng cũng biếu cho họ một chút quà xã giao mà chúng tôi có mang theo để biếu khi thăm các viên chức của Hải Quân Công Xưởng Guam có trách nhiệm sửa chửa chiến hạm chúng tôi. Hai ngày sau thời tiết dần dần tốt, chiến hạm tiếp tục lên đường rời San Bernardino Strait vào biển phía Đông của Philippine Sea và trực chỉ đến đảo Guam. Như vậy chúng tôi đã vượt qua được khoảng 982 miles từ Saigon đến Subic Bay, và 240 nautical miles từ Subic Bay và ra khỏi vùng San Bernardino Strait.

Chúng tôi, những sĩ quan ngành chỉ huy làm vị trí chính xác của tàu bằng hàng hải cận duyên, ban đêm thì nhờ hải đăng San Bernardino, kiểm soát lại bằng radar, chúng tôi cần vị trí chính xác để sau đó đi bằng hàng hải thiên văn nếu thời tiết tốt hoặc hàng hải phỏng định vì chúng tôi đã biết vận tốc của tàu vào khoảng 9.5 gút. Anh em chúng tôi phấn khởi vì biển tương đối tốt, mọi máy móc trên tàu hoạt động bình thường, công đầu thuộc về anh em cơ, điện khí.

Khoảng cách từ bờ biển phía đông của Philippines đến đảo Guam là 1,415 nautical miles. Còn khoảng 6.5 ngày nữa chúng tôi sẽ hoàn thành việc đưa tàu đến nơi sửa chửa, có thể nói là một phần ba trách nhiệm của chúng tôi trong công tác xa nhà lần nầy, hai phần ba còn lại là theo dõi sửa chửa, gỏ sét, sơn phết làm đẹp chiến hạm và mang nó về lại cảng mẹ. Biển êm anh em mang đàn và nhiều giọng ca vàng nổi lên với những bản nhạc về biển, về em, về hòa bình cho đất nước. Anh em thoải mái tự do ca hát...

Rồi điều không may lại xảy đến, chỉ còn cách đảo Guam khoàng 200 miles hay một ngày đường thì thời tiết trở nên xấu, anh vô tuyến điện trao chúng tôi công điện thời tiết có một cơn bão nhiệt đới ập đến và chúng tôi hứng chịu sự ảnh hưởng không nhỏ của nó, một trong hai máy chánh lại bị bất khiển dụng và anh em cơ khí hết mình lo sửa chửa trong khi sức gió bắt đầu mạnh; càng lúc tình trạng kỹ thuật của con tàu càng tệ, biển động mạnh với những cơn sóng cao. Hạm Trưởng họp sĩ quan lại để cùng nhau góp ý đưa ra hướng giải quyết nhanh. Sau cùng ông quyết định ra lịnh cho vô tuyến phát tín hiệu báo nguy Mayday hầu hy vọng tàu thuyền gần chúng tôi có thể đến giúp đỡ, trên tàu có anh sĩ quan đệ tam HQ. Trung úy Huỳnh Quang Sửu có tiếng Anh tốt liên lạc với những tàu thuyền gọi lại chúng tôi, nhưng không có tia hy vọng nào vì họ đều ở xa chúng tôi, nhưng may mắn có một thương thuyền nghe được và chuyển tiếp đến giới chức có trách nhiệm trên đảo Guam, họ cho tàu chạy ra giúp và radar của họ bắt được vị trí của chiến hạm chúng tôi, hướng dẫn hướng cho chúng tôi chạy tránh bão, sáng ngày hôm sau một chiếc máy bay bay lượn trên tàu, liệng xuống cho chúng tôi máy liên lạc để họ trực tiếp nói chuyện với chúng tôi, sau cùng thì tàu cấp cứu chạy đến chuyền dây để chúng tôi cột vào tàu mình và họ kéo giúp, sáng ngày hôm sau nữa bão đã êm và đảo Guam đã lù lù trước mặt chúng tôi, họ thâu dây kéo lại, chúng tôi cảm ơn các bạn ân nhân, đúng là tứ hải giai huynh đệ, và trực chỉ “lết” vào quân cảng Apra Harbor Guam.

Phải công nhận một điều là trong lúc nguy khốn toàn thể thủy thủ đoàn của chiến hạm thật tuyệt vời, không phải ca của mình cũng bỏ ngủ lên phụ giúp lẫn nhau không phân biệt ngành nghề, biển động mạnh mà phải liên tục thay phiên nhau ở trên boong tàu trông chừng giây của tàu kéo đang cột một đầu trên tàu của chúng tôi, có khi phải đổ nước vào dây vì sự cọ xác của dây với trụ buộc, tuy có mang phao cấp cứu nhưng trên đài chỉ huy nhìn xuống tôi thấy các anh em bị sóng nhồi khi thì bị đẩy qua bên tả hạm khi thì bên hữu hạm của tàu làm tôi rất âu lo! Đã qua cơn bĩ cực, bây giờ đến hồi... gỏ sét sơn lót, làm đẹp chiến hạm và soi mói từng bộ phận của tàu để lên danh mục sửa chửa. Khi mang tàu về phải trong tình trạng hoàn hão, không như tàu mới nhưng dứt khoát không bết bát như lúc ra đi!

Nói nhanh về đảo Guam, vùng lãnh thổ chưa sáp nhập của Hoa Kỳ; đây là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Mariana với 30 dặm (48 km) chiều dài và 9 dặm (14 km) chiều rộng. Đảo thuộc quyền quản lý của Hoa Kỳ từ năm 1898 sau chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ. Vào năm mà chúng tôi có mặt ở đây dân số chỉ có 82,000 người, hiện nay thì đã tăng gắp đôi. Đảo có một ông Thống Đốc được bầu ra mỗi 4 năm, Thủ đô hành chánh có tên là Hagatna rất nhỏ . Guam trải qua một lịch sử với nhiều biến cố và thăng trầm. Vào năm 1521, nhà thám hiểm Ferdinand Magellan thừa lịnh nhà vua Charles I của Tây Ban Nha đặt chân lên đảo Guam, và cai trị hòn đảo nầy trong 300 năm. Sau chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ kết thúc vào năm 1898, Guam và cả Philippines nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ. Trong Chiến tranh Thế giới II, quân đội Nhật Bản chiếm đóng Guam khoảng 31 tháng. Vào tháng 7 năm 1944, Mỹ trở lại và tái chiếm hòn đảo này từ tay Nhật Bản và cho người dân đảo Guam được mang quốc tịch Hoa Kỳ. Đây là căn cứ và trạm tiếp liệu quan trọng của Mỹ trên vùng Tây Thái Bình Dương.

Cũng nói nhanh về Apra Harbor Guam, như chúng ta đều biết Guam là căn cứ quan trọng của Hoa Kỳ, có căn cứ hải quân đặt tại cảng Apra Harbor ở phía tây đảo, còn có kho tiếp liệu lớn cho Hải Quân, một hải quân công xưởng có tầm vốc và một nhà máy điện cở lớn, đây cũng là căn cứ tàu ngầm của Hoa Kỳ; và căn cứ không quân chiến lược đặt tại phía bắc của đảo có tên là Andersen Air Force Base với những máy bay ném bom như B-52 mà người Việt Nam hai miền đều nghe đến. Chúng tôi có lái xe đến đây nhiều nhiều lần và nhìn phi trường từ bên ngoài, cũng xin xác nhận máy bay B-52 không có hình dáng như người anh hùng trung tướng Phạm Tuân mô tả mới đây, nó “mềm mại” và “đẹp” hơn ông trung tướng nói nhiều. Tiếc cho ông tướng Tuân thật, thời @ và các cháu thanh niên thông minh lắm, ông google giúp các cháu biết ai nói thật và ai nói “chơi” ngay với một cái nhích của “con chuột”!

Tấm hình duy nhất còn sót lại của chuyến công tác, hình chụp tại khu picnic facilities sát biển

Trở lại chuyện của chúng tôi, sau vài ngày ngắn ngủi chuẩn bị, Hải Quân Công Xưởng Guam [HQCX/G] cung cấp thủy thủ đoàn cấp Hạ sĩ quan và thủy thủ một xe buýt chuyên chở anh em hàng ngày để từ nhà ở, barrack, đến chiến hạm làm việc, đến nhà ăn, đi xem hát, và đi mua sắm... ăn uống thì phải nói là dư thừa so với anh em sĩ quan chúng tôi, tôi có đến thăm khi anh em dùng cơm, nơi đây có treo bảng:”Take all you want but eat all you take” ăn uống phủ phê nhưng đừng bỏ phí, đúng thôi. Đây là phòng ăn của Hải Quân Hoa Kỳ nên tấm bảng nầy nhắc nhở chung mọi người được vào đây ngồi ăn, được treo từ lâu trước khi chúng tôi đến, không có ý ám chỉ ai cả. Về phần sĩ quan thì họ cho hai xe jeep, một cho Hạm Trưởng và Hạm Phó, một chiếc cho ba sĩ quan còn lại, nơi ngủ nghỉ thì tại một BOQ, Bachelor Officer Quarters, khu dành riêng cho sĩ quan Hoa Kỳ hoặc đồng minh công tác tại đây, chúng tôi được nhận tiền lương hàng ngày tính bằng dollar và phải trả tiền ăn bằng tiền túi của mình, giặt, ủi quần áo thì nhờ người dọn phòng hoặc tự mình giặt với máy móc trang bị đầy đủ cho mọi người, tôi tự giặt khăn, quần áo lót nhưng quần áo dân sự hoặc quần áo lính thì nhờ người làm phòng giặt vì họ ủi rất đẹp.

Ổn định cuộc sống và sinh hoạt tại chỗ ở mới nầy, cả thủy thủ đoàn tập trung vào việc sửa chửa đại kỳ cho chiến hạm, mỗi người mỗi công việc cố gắng làm tốt công việc của mình, đó là trách nhiệm và kỳ vọng của mỗi cấp tại đây cũng như tại quê nhà, công nhân làm việc tại HQCX/G đa phần là người Philippines và người Guamanian, cấp cao hơn là người Mỹ. Người Philippines ở đây thì nhỏ con hơn so với Guamanian, họ đi lao động ở đây và gởi tiền về cho thân nhân ở quê nhà, có một số khá đông chọn đảo quốc nầy là nhà, lập gia đình và sống chết nơi đây. Người Guamanian thì cao lớn hơn có khi còn cao hơn người Mỹ, đương nhiên là họ lưu loát tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ Chamorro và Tây Ban Nha, họ tốt bụng với chúng tôi và sẵn sàng giúp đỡ khi chúng tôi cần. Hết giờ làm việc tất cả thủy thủ đoàn của chiến hạm về nghỉ ngơi tại nơi cư trú mới còn thợ hay sĩ quan của tàu cần theo dõi công việc thì có mặt tại tàu.

Thỉnh thoảng chúng tôi được ông Giám Đốc HQCX/G mời đến thăm ông tại văn phòng làm việc của ông và muốn nghe ý kiến của chúng tôi về tiến triển công tác sửa chửa hoặc mời chúng tôi về tư gia của hai ông bà để ăn cơm tối, cả hai nơi tôi đều thấy ông bà treo những kỷ vật về quê hương Việt Nam tại những nơi trang trọng trong nhà hay nơi làm việc, những vật kỷ niệm nầy do các ông Hạm Trưởng trước chúng tôi trao tặng.

Giải trí của chúng tôi nơi hòn đảo xa xôi nầy là chiều chiều sau buổi ăn tối, ra phố mua sắm chút đỉnh quà, vì tại PX post exchange cho quân nhân, bán đồ rẻ nhưng không thích hợp lắm cho người nước ngoài, uống chút cà phê ăn bánh ngọt hay uống chai bia nghe nhạc cho đỡ nhớ nhà, đi xem phim ngoài trời ngồi ngay trong xe. Lái xe đi vòng vòng quanh đảo, kích thước hòn đảo quá nhỏ bé, dài chỉ 48km, rộng 14km thì nếu muốn chúng tôi đi bao nhiêu vòng cho đã đây, xăng thì cứ hết là đến cây xăng trong căn cứ để bom đầy, những ngày trời mưa nhiều, nếu không có công việc cần chúng tôi không dám lái xe ra đường vì phải cán không biết bao nhiêu là con cốc, nghe rợn cả người. Nơi tôi thích đến nhất là bia kỷ niệm ngày đoàn thám hiểm của ông Ferdinand Magellan đặt chân lên đảo ngày 6 tháng 3 năm 1521, các thắng cảnh khác như một số nhà thờ và bãi biển, đó cũng là những nơi thu hút khách du lịch từ các nước Á Châu khác đến thăm viếng hòn đảo nầy.

Thơ thẩn ngoài phố với những người xa lạ, hay ngồi uống cà phê bên ngoài của một quán, tôi có cảm tưởng như tôi đang ngồi ở tiệm Givral Saigon và đất nước tôi đã hết chiến tranh, những người lạ kia là những du khách đang rủ nhau đến thăm thủ đô của Miền Nam, tôi là người lính ngồi đây không còn nghe tiếng súng hay phải bắn những quả đạn để yểm trợ các đồn bót ven biển trước sự tấn công của đối phương, ánh sáng của những hỏa châu cũng không còn rơi xuống từ trên không. Hòa bình sao đáng yêu thế!

Là người thường nhận những khiếu nại của sĩ quan trực của HQCX/G nên tôi phải nói những điểm không tốt của anh em thủy thủ là phá phách quá đáng như thọc dừa trong công viên để uống, trong giờ làm việc dưới tàu lén mài những cây sắt nhọn dùng để phóng giết những con chim cúc ngoài thiên nhiên để đem nướng ngoài park, lặn xuống biển bắt những con ốc để nướng trên lò của khu picnic ngoài bãi biển... Không phải để thỏa nhu cầu ăn uống vì đói khát mà để cho vui mà thôi. Thời gian xa nhà cũng khá lâu, công việc sửa chửa chiến hạm đã gần như hoàn tất, chúng tôi bắt đầu dần dần dọn xuống tàu để ở, mọi chuyện trôi chảy một cách suông sẻ. Đã đến lúc phát anh em những đồng lương cuối cùng bằng dollar để anh em mua sắm những món quà về tặng cho gia đình.

Dàn chào hải cảng lần cuối để vĩnh biệt những người bạn mới trong nhiều tháng qua, chúng tôi trở về quê hương yêu dấu của chúng tôi, trong trên 30 anh em chúng tôi đang có mặt trên con tàu nầy sẽ có bao nhiêu người đóng góp một phần thân thể hoặc cả mạng sống của mình cho quê hương. Tôi thoáng nghĩ chúng tôi sanh lầm thế kỷ và sanh lầm trong một đất nước mà mọi con người không còn tình người chỉ biết bắn giết nhau cho một thứ chủ nghĩa vớ vẫn!

Từ đảo Guam trở về nước, mọi máy móc trên tàu hoạt động hữu hiệu và khi bắt được hải đăng San Bernardino chúng tôi vui mừng vô kể, khả năng của mỗi người trên tàu đã được nâng cao rất nhiều. Ra khỏi San Bernardino Strait chúng tôi đi thẳng về Saigon; và hải đăng Vũng Tàu trên núi Nhỏ đang chiếu sáng để chúng tôi định lại vị trí con tàu mới là hải đăng đáng yêu nhất trong chuyến công tác xa nhà lần nầy.

Kể từ nay tôi sẽ đêm đêm trông thấy lại hỏa châu rơi trên trời và hàng ngày sẽ cùng anh em trên chiến hạm nả pháo để bảo vệ các đồn ven biển, cứu giúp những người lính khác đang gìn giữ từng tấc đất trên đất liền, bảo vệ cho khu vực dân cư mà mình đang phụ trách.

Hình chụp chiến hạm trước khi lắp lưới chống B-40

Trợ chiến hạm Nguyễn Ngọc Long, HQ. 230

Đặc tính chiến hạm:

Trọng tải: tiêu chuẩn 227 T, chở nặng 383 T

Kích thước: 159 X 23.7 X 5.7 bộ

Vũ khí: 1 khẩu 76.2 ly, 4 khẩu 40 ly, 4 đại liên

Máy chánh: dầu cặn 1600 ML, 2 trục

Tốc độ: 14 gút

Thủy thủ đoàn: khoảng 40

Có tham khảo nhiều tài liệu về Philippines và đảo Guam

Thanks to Unknown Photographers

  • Viết vào ngày 27 tháng 3 năm 2020

  • Thân tặng tất cả anh em đã từng phục vụ trên

  • chiến hạm Nguyễn Ngọc Long, HQ. 230

Sourcehttps://fr-fr.facebook.com/notes/le-chau-an-thuan/c%C3%B3-nh%E1%BB%AFng-l%C3%BAc-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-l%C3%ADnh-kh%C3%B4ng-c%C3%B2n-nghe-ti%E1%BA%BFng-s%C3%BAng-v%C3%A0-kh%C3%B4ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-nh%C3%ACn-h%E1%BB%8Fa-ch%C3%A2u-r%C6%A1/2638285616456326/