Những tàu của Nha Thủy Vận Việt Nam Cộng Hòa

Những tàu của Nha Thủy Vận Việt Nam Cộng Hòa

Albatros

Trước năm 1975, Nha Thủy Vận của Việt Nam Cộng Hòa sở hữu 2 chiếc tàu thủy đạo Tiên Sa và Cửu Long được xử dụng trong những công tác thăm dò lòng sông và biển, đặt phao, cọc tiêu để đánh dấu cho tàu bè qua lại an toàn. Tàu Tiên Sa bị mắc cạn ở cửa biển Thuận An – Huế vào năm 1973 và bị cát chôn vùi, trở thành xác tàu (épave) tại đó. Riêng chiếc Cửu Long vẫn còn hoạt động đến ngày hôm nay.

Tàu Tiên Sa

Tàu Tiên Sa (phải) và Cửu Long (trái) cập cầu Bạch Đằng - Sài Gòn

Tiên-Sa là tên mới được đổi lại từ chiếc tàu hải dương của Mỹ Spencer F. Baird được Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa năm 1965. Tàu thuộc class ATA, displacement 934 tons, dài 143 feet, rộng 33 feet, draft 6 feet 5" khi chở đầy hàng, tốc độ 11,5 gút, tầm hoạt động 6800 miles. Thủy thủ đoàn Mỹ lúc đó gồm 20 người và 15 chuyên gia khoa học. Tàu được trang bị nhiều máy kéo chạy bằng điện và thủy lực (electric and hydraulic winches), một trong những máy kéo có khả năng mang cuộn cáp đường kính 3/4 đến 3/8 inch dài đến 40 000 feet có thể đạt đến đến bất cứ độ sâu nào của đại dương.

Tàu Hải Dương (Research Vessel) Spencer F. Baird

Chiếc tàu nầy trước đó là một tàu kéo của quân đội Mỹ (Army Tug LT-581) thuộc quyền sở hữu Hải Quân Hoa Kỳ, được chuyển giao cho Ủy ban Hàng Hải nhưng sau đó, được ủy thác cho cơ quan Scripps khai thác (Viện Khảo Cứu Hải Dương Học) vào tháng Tám năm 1951. Chiếc tàu được gọi bằng tên tắt Baird đã tham dự những chuyến khảo cứu cùng chung với chiếc tàu Horizon cùng một kiểu với nó và sau đó nó được hoàn trả lại cho Ủy ban Hàng Hải Hoa Kỳ vào tháng Mười năm 1965. Baird sau đó được viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa xử dụng dưới tên mới Tiên Sa. Tàu được chuyển giao tại San Diego năm 1965 do Thầy Phùng Lương Ngọc, cựu Giám Đốc của TrườngViệt Nam Hàng Hải làm Thuyền Trưởng, đem về Sài Gòn.

Tàu Hải Dương Horizon

Tàu Spencer F. Baird được Hải Quân Hoa Kỳ đặt theo tên của một nhà khoa học thiên nhiên nổi tiếng Spencer Fullerton Baird (1823–1887) là Giám Đốc đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu về cá, nó đã được xử dụng như tàu khảo cứu của U.S. Fish and Wildlife Service trước khi chuyển giao cho cơ quan Scripps.

Pont phía sau của RV  Spencer F. Baird

Tàu Tiên Sa được xử dụng cho Ty Thủy Đạo - Sở Hàng Hà - Sài Gòn. Khi tàu về đến Việt Nam, Nha Thủy Vận đã cho tháo gỡ dàn cần trục sau lái tàu có thể vì bất tiện cho việc chuyển vận trong bến hoặc vì không cần thiết. Đầu năm 1973 tàu Tiên Sa được gởi đi công tác thủy đạo, thăm dò và đo đạt cửa Thuận An – Huế. Đây là một cửa sông hẹp được coi là nguy hiểm vì những bãi cát bồi di chuyển thường xuyên nên chỉ có những tàu nhỏ như tàu kéo, LCU mới có thể vào đây. Trong chuyến đi nầy, lúc vào cửa Thuận An, tàu Tiên Sa đã hoàn tất tốt đẹp công tác thủy đạo và đến cập cảng Tân Mỹ-Huế. Trong chuyến về, lúc trở ra khi đến chiếc phao cuối của lòng lạch dẫn ra biển thì tàu bị sóng lớn đánh dạt về phía bờ cát và bề ngang con lạch tương đối hẹp nên con tàu bị dạt lên bãi cạn. Sau nhiều lần cố gắng tìm cách cứu vãn với nhiều phương tiện khác nhau nhưng không kết quả, con tàu đã bị bỏ lại tại cửa Thuận An và bị cát vùi lấp.

Cửa Thuận An - Căn cứ Tân Mỹ - Huế

Tàu Cửu Long – HQ 451

Tàu Cửu Long - Sở Hàng Hải - Nha Thủy Vận - VNCH

Tàu Cửu Long thuộc Ty Hải-Đăng Hải-Hiệu, Sở Hàng Hải là một trong hai chiếc tàu loại FS (Freight and Supply) được Pháp chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa. Chiếc tàu FS thứ hai mang tên Ingénieur en Chef Girod là tàu thủy đạo được bàn giao cho Hải Quân VNCH ngày 01/12/1955 đổi tên thành Hóa Giang - HQ 451.

Tàu Thủy Đạo Ingénieur en Chef Girod

Lương Vận Hạm Hóa Giang - HQ 451

Trước Đệ Nhị Thế Chiến, quân đội Hoa Kỳ xử dụng một số tàu biển loại nhỏ được xếp vào loại "Freight and Pasenger Boat" hay FP. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, loại tàu nầy được đổi thành FS (Freight and Supply), được áp dụng cho nhiều loại tàu nhỏ với những kiến trúc và kích thước khác nhau được biến cải thành tàu chở hàng. Những con tàu có tổng dung tích (gross tonnage) từ 180 đến 573 tons được đóng bằng gỗ hay bằng sắt. Một trong những kiểu của loại tàu nầy được đặt tên Design 330-D và được mang tên từ FS-162 đến FS-234.

Loại tàu FS được đóng theo nhiều kiểu khác nhau, 2 kiểu tiêu biểu thông dụng nhất: Design 330Design 381.

Tàu Cửu Long vẫn được xử dụng sau ngày 30/4/1975

Design 381 thuộc loại tàu Supply, là loại tàu chở hàng nhỏ có 2 hầm chứa hàng và cột hàng nằm giửa hai hầm hàng. Tàu được đóng bằng thép, chiều dài 177 feet trang bị động cơ Diesel.

Design 330 cũng có đặc điểm tương tự như Design 381 nhưng chỉ khác là cột hàng nằm phía sau hầm chứa hàng.

Loại tàu FS Design 330Design 381 tuy có những chi tiết về kiến trúc hơi khác nhau nhưng có những đặc tính chung sau đây :

Displacement 550 t.
Length 177'
Beam 33'
Draft 10'
Speed 12 kts
Complement 42.
Propulsion two 500hp GM Cleveland Division 6-278A 6-cyl V6 diesel engines, twin screws

Tàu Cửu Long không rõ xuất xứ, có cột hàng (mât de charge) nằm phía sau hầm chứa hàng, được đóng theo kiểu Design 330.

Ingénieur en Chef Girod (FNMT) nguyên thủy là tàu của US Army FS-287 – Governor Wright, bắt đầu hoạt động vào năm 1943, được xử dụng để chuyên chở và tiếp tế võ khí, đạn dược và lương thực cho những căn cứ quân sự Hoa Kỳ nằm trên những quần đảo của Thái Bình Dương. Vào năm 1948, nó được chuyển đến Manille cho Bộ Công Chánh Pháp xử dụng và năm 1949, nó được cho Hải Quân Pháp tạm mượn và chuyển giao cho Hải Quân VNCH ngày 01/12/1955. HQ 451 có cột hàng (mât de charge) nằm giửa hai hầm chứa hàng được đóng theo kiểu Design 381.

Tàu FS được chọn làm bối cảnh trong cuốn phim Mister Roberts được trình chiếu vào năm 1955, do John Ford, Mervyn LeRoy và Joshua Logan thực hiện phỏng theo vở kịch Mister Roberts của Joshua Logan và quyển tiểu thuyết mang cùng tên của Thomas Heggen.

Sau ngày 30/4/1975, tàu thủy đạo Cửu Long vẫn được tiếp tục xử dụng tại Việt Nam.

Cám ơn sự cộng tác của hai bạn Lê Thanh Tân và Bùi Khắc Thạch K19 Pont đã cung cấp những chi tiết để hoàn thành bài viết nầy.