Hải Âu tự truyện

Hải Âu tự truyện

D.V.Liêm

            "Ðời Thủy Thủ" ba chữ quyến rũ, lãng mạn mà có lẽ không ai ở tuổi thanh xuân tràn nhựa sống có thể cưởng lại được. Ba chữ ấy ngoài cái ý nghiã trữ tình còn là một sự thách thức như một cuộc mạo hiểm đầy những bất ngờ vừa khó khăn vừa hứa hẹn những điều ngạc nhiên thích thú. Cũng chính vì ba chữ ấy mà chàng thanh niên tỉnh lẽ như tôi đã trở thành một sinh viên của trường Việt Nam Hàng Hải. Và cũng vì ba chữ định mệnh đó mà giờ đây tôi lại có dịp đoàn tụ lại với những người bạn của thời thanh xuân đầy kỷ niệm đẹp của mình.

Có điều lạ lùng là trong những năm cuối của bậc trung học, tôi chưa từng nghe đến tên trường Việt Nam Hàng Hải. Tôi chỉ hình dung mình sẽ trở thành một anh sinh viên Khoa Học hay Sư Phạm. Hoặc giả nếu may mắn hơn thì sẽ trở thành một chàng Kỷ Sư, kỷ siếc của một ngành nào đó vì tôi biết mình không đủ tài cán để trở thành Bác Sĩ hay các ngành "sĩ" nào khác (ngoại trừ Sĩ Quan Thủ Ðức).

Ðến khi vào nộp đơn ở Trung Tâm Quốc Gia Kỷ Thuật Phú Thọ thì trường Việt Nam Hàng Hải bổng dưng từ đâu hiện ra nổi bậc hơn tất cả các trường chung quanh. Cho tới lúc ấy, chàng thanh niên tỉnh lẽ này củng chỉ mường tượng hình dung một cuộc sống thật là thơ mộng của những chàng trai xuất thân từ trường VN Hàng Hải. Tuy nhiên để cho chắc ăn, tôi đã chọn ngành Cơ Khí vì không biết là mình có thể theo đuổi nghiệp hải hành bao lâu, nhở có lên bờ thì ngành cơ khí cũng có hy vọng tìm được kế sinh nhai như sửa xe Honda chẳng hạn. Còn theo ban Pont mà thất nghiệp thì chắc chỉ có nước đi ép nước mía (đó chỉ là ý nghĩ vụng dại khi còn trai trẻ, xin qúy bằng hữu ban Pont đừng chấp nhất).

Rồi chừng như định mệnh đã an bày, tôi đã trúng tuyển mặc dù lúc đi thi chẳng mải may hy vọng. Vì thế là tôi đột nhiên trở thành một chàng Sinh Viên Sĩ Quan (Cơ Khí) Hàng Hải Thương Thuyền. Cái chức danh dự đặt ra đó đã làm cho các bạn cũ của tôi ngấm ngầm ghen tức. Sang năm thứ hai, vì hoàn cảnh thay đổi tôi đã phải bon chen đi học thêm ban Kinh Tế ở Ðại Học Vạn Hạnh. Từ đó tôi trở thành "Sinh viên Sĩ quan Cơ khí Kinh tế Hàng hải Thương thuyền", một cái tên vừa có cái vẻ quân sự, chính trị, kinh tế, khoa học mà cũng chẳng kém phần lãng mạn, trử tình... 

Có lần về quê thăm bạn cũ, sau khi hàn uyên tâm sự thì anh em hỏi thăm về ngành và trường học của nhau. Tất cả bạn của tôi đều lấy làm khâm phục khi được biết tôi đã trở nên chàng "Sinh Viên Sĩ Quan Cơ Khí Hàng Hải Thương Thuyền" của trường Việt Nam Hàng Hải trong Trung Tâm Quốc Gia Kỷ Thuật Phú Thọ. Một anh bạn tôi đã nghiêm nghị phán rằng "tớ nghĩ trường Việt Nam Hàng Hải của bạn là số một, hơn hẳn tất cả mọi trường đại học, trung tiểu học của nước ta kể cả các trường như Quốc Học Huế, Quốc Gia Hành Chánh, Quốc Gia Kỷ Sư Công Nghệ, Ðại Học Y Khoa, Dược Khoa, Nha Khoa Sài Gòn, Khoa Học Cần Thơ, Trung Học Kỷ Thuật Long Xuyên, Trung Học Sa Ðéc, v. v.  Vì các trường này chỉ dám dùng tên thành phố hay giỏi lắm là dùng hai chữ "quốc gia" chứ chẳng trường nào có được tên của nước Việt Nam như trường Việt Nam Hàng Hải của bạn". Ý nghĩ đó quả thật là chí lý. Mà theo ý tôi có lẻ ít có trường nào trên thế giới dám cả gan dùng tên của quốc gia cho tên trường của mình như trường Việt Nam Hàng Hải của chúng ta.

Thế rồi đến hai năm dùi mài kinh sử để chuẩn bị cho cuộc sống hải hồ. Biết bao kỷ niệm buồn vui. Từ buổi khám sức khoẻ ở Quân Y Viện Hải Quân cho tới buổi lễ Nhập Môn truyền thống, những bài vẽ kỷ nghệ họa hóc búa cho tới những giờ thực tập mệt nhoài ở xưởng. Hai năm đã trôi qua thật nhanh nhưng hai năm ấy đã để lại trong lòng tôi không biết bao nhiêu là kỷ niệm khó quên.