Thơ Tế Hanh

Nhớ con sông quê hương

Tế Hanh    (1956)

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.

Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng

Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?

Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi !

Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ

Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

 

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu

Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy

Bầy chim non bơi lội trên sông

Tôi giơ tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ

 

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả

Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến

Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển

Vẫn trở về lưu luyến bên sông

 

Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc

Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc

Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”

Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng

Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc

Tôi nhớ cả những người không quen biết

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy

Hình ảnh con sông quê mát rượi

Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới

 

Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông

Tình Bắc Nam chung chảy một dòng

Không ghành thác nào ngăn cản được

Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước

Tôi sẽ về sông nước của quê hương

Tôi sẽ về sông nước của tình thương

Quê hương

 Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nữa ngày sông
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá


Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Mảnh thuyền to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.


Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời , biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi non thân bạc trắng


Dân chài lưới làng da ngăm rám nắng
Khắp thân người nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mõi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.


Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá

Nhớ anh chiến sĩ Cộng hoà

Nhớ anh chiến sĩ Cộng hoà

Minh Long

Nhớ anh áo trận bạc màu,
Rừng sâu truy giặc, chiến bào đẫm sương.
Anh đi gìn giữ quê hương,
Thân trai thời loạn, sa trường máu loang.

Nhớ anh nón đỏ hiên ngang,
Áo Hoa giầy trận , dẹp tan quân thù.
Thiên Thần mở rộng cánh Dù,
Một lòng  » CỐ GẮNG  » mịt mù rừng sâu.


Nhớ anh nơi Phú Vân Lâu,
Mũ xanh viết sử , nâng cao ngọn cờ
.
Thuỷ Quân Lục Chiến người chờ,
Cổ Thành Quảng Trị , xoá mờ thương đau.

Nhớ anh lính trận mũ nâu,
Lời thề Sát Cộng tuyến đầu xông pha .
Chiến trương dậy tiếng hoan ca,
Oai nghi một thuở : Cọp Ba Đầu Rằn
.

Nhớ anh Thiết Giáp xe tăng,
Nón đen oai dũng cản ngăn bước thù.
Bao lần danh trấn biên khu,
Phá tan mưu giặc , anh chu vẹn phần.

Nhớ anh lính chiến Không Quân,
Dội bom phá giặc trăm lần hiểm nguy
.
Xá gì sinh tử biệt ly,
Một thời bay lượn , Quân Kỳ thoả trông.

Nhớ anh Thuỷ Thủ biển sông,
Hiên ngang nón trắng , tang bồng chí trai.
Ngày đêm truy giặc miệt mài,
Vui cùng sông nước , sáng tài sử xanh.

Nhớ anh Biệt Kích hùng anh,
Âm thầm phá giặc , lưu danh với đờ
i.
Bình Long anh dũng một thời,
Máu xương trải rộng , một đời chiến binh.

Nhớ anh lính trận Bộ Binh,
Bốn vùng chiến thuật, đậm tình quê
hương.
Xông pha lửa đạn gió sương,
Mang niềm hạnh phúc, an phương mọi
nhà.

Nhớ anh Chiến Sĩ Cộng Hoà,
Tri ân anh giữ quê nhà bình an
.
Chung tay nâng ngọn Cờ – Vàng,
Tri ân anh lính hiên ngang kiên cường
.

Nhớ anh Chiến Sĩ quật cường,
Không quên Tổ Quốc Quê Hương sáng ngời.
Xứ người lòng quyết một lời
,

Ngày về quang phục, xây đời bình an …

 

Thuyền Và Biển

Thuyền Và Biển

Xuân Quỳnh

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển

« Từ ngày nào chẳng rõ

Thuyền nghe lời biển khơi

Cánh hải âu, sóng biếc

Ðưa thuyền đi muôn nơi

 

Lòng thuyền nhiều khát vọng

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa… còn xa

 

Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Thì thầm gởi tâm tư

Quanh mạn thuyền sóng vỗ

 

Cũng có khi vô cớ

Biển ồ ạt xô thuyền

Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên ?

 

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

 

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau, rạn vỡ

 

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố ! « 

Sóng

Sóng

Xuân Quỳnh  ( 29-12-1967  )

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

 

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

 

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên ?

 

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu ?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

 

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức 

 

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương

 

ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở 

 

Cuộc đời đi dài thế

Năm tháng vãn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

 

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Ðể ngàn năm còn vỗ. 

Tưởng Niệm thầy Jean Ducasse của cựu sinh viên Hoàng Mộng Giới

Tưởng Niệm thầy Jean Ducasse

của cựu sinh viên Hoàng Mộng Giới

Hoàng Mộng Giới

1–Pont 1 — Thầy Jean Patron .
Biến cố Phi-Công Phạm Phú Quốc Và Phi-Công Nguyễn Văn Cử ( bỏ bom ) Dinh Độc Lập đánh dấu niên học đầu tiên của chúng tôi tại Trường Hàng Hải. Giáo Sư (chính) của Pont 1 là Thầy Jean Patron, vị Thầy được lũ sinh – viên chúng tôi kính mến Và …. Nghịch ngợm phá phách (trong Sự bao dung, thân yêu của Thầy!) Thầy là cựu SQ HQ Pháp . Hè đến lớp chúng tôi được Trường gởi cho đi (chơi) một chuyến trên các thương thuyền cận duyên Saigon – Đà Nẵng. (Bạn Nguyên Và tôi được đi trên Thương Thuyền Phong Châu, tôi được Vị Thuyền Phó Phạm Ngọc Lũy chỉ dẫn về phương – cách xử dụng tay lái và hướng dẫn phương – cách làm (compensation du compas magnetique en pleine mer), quá khó đối với một sinh – viên Pont 1 như chúng tôi!
2– Pont 2 — Ông Thầy nào đây?

Hết hè, chúng tôi tựu lại về Trường, đến giờ Navigation Thầy Châu đi vào lớp với một Vị Giáo Sư mới , được Thầy Châu giới thiệu là Thầy Jean Ducasse, vị Giáo Sư thay thế Thầy Patron. Thế là bắt đầu niên học thứ Nhì với một vị Giáo Sư mới / Thầy Ducasse chỉ trong thời gian thật ngắn đã chinh phục lũ sinh viên chúng tôi (Tâm phục / khẩu phục) = không phục Thầy sát đất sao được khi mà đám học trò chúng tôi không bao giờ thấy Thầy tỏ vẻ ( hiểu ) tiếng Việt… Cho đến ngày, khi Thầy cho đề Calcul Nautique cho chúng tôi làm trong lớp ( khoảng 2 hay 3 tiếng đồng Hồ ) Thầy kéo ghế ngồi, điềm nhiên mở tờ Nhật báo Trắng Đen ra, đọc chuyện Cậu Chó của Lê Xuyên!  Câu chuyện có thật nhưng Tôi chỉ kể ( tếu ) cho vui mà thôi / chứ chúng tôi thật sự kính mến / trân quí tinh – thần giảng dậy của Thầy đối với đám học trò / nhất là đối với những bạn yếu Pháp – Văn,  Thầy cố tình giảng bài chậm rãi / lập đi lập lại nhiều lần / Và Thầy viết bài – học trên bảng đen, mà Thầy đã cố gắng viết thật ngắn / gọn / sáng sủa… để tất cả môn – sinh đều có thể hiểu được (những bài học hóc – búa của Môn Hàng Hải).  Nhờ Thầy mà chúng tôi khi ra đời, Hải – nghiệp khá vững – vàng, Toán Hàng Hải Thiên Văn hay làm (Compensation du Compas ), chúng tôi khá tự – tin… Tất cả đều nhờ vào tâm – huyết giảng dạy của các Thầy ở Trường / mà trong đó cố nhiên có Thầy Ducasse.

3– Các Khoá đàn – anh của Khoá tôi / hoặc các Khoá về sau đều chỉ học chuyên hoặc với Thầy Jean Patron hoặc chỉ chuyên với Thầy Jean Ducasse.  Khoá chúng tôi ( K.11 ? ) được cơ – duyên học với cả hai vị giáo – Sư đáng quí = Pont 1 học với Thầy Patron / qua Pont 2 được học với Thầy Ducasse !
Về sau, khi tôi về Trường để học thi Application, tôi còn được may mắn gặp lại Thầy Ducasse. Trong lớp Application, tôi là ( thằng con nít ) các đàn – anh (loup- de -mer) Hải – nghiệp đầy mình Và phong – trần (Ôi , gió hỡi gió , phong – trần ta đã chán!) Tôi lại học Calculs Nautiques với Thầy Ducasse , Môn Rapport de Mer với Thầy Phùng Lương Ngọc… Nhìn vào các Thầy, nhìn sang các đàn – anh ( về thi Application ) với mình, thấy mình còn phải học hỏi nhiều nhiều lắm… Thầy Ducasse vẫn tận – tâm với học -trò, với môn – sinh, già hay trẻ, giỏi hay dở, Thầy chỉ dẫn, dạy… không nề hà, không phân – biệt đối – xử, Kiên nhẫn và tận – tuỵ.

Tấm gương khiêm – tốn Và tận – tuỵ của Thầy, của Các thầy Patron, thầy Châu, thầy Ngọc, Thầy Quyền, thầy Tomasi… đã mấy chục Năm qua, cho đến cái tuổi đời 75 bây giờ, vẫn luôn làm tôi ngạc nhiên và kính – phục.

Học – trò Năm xưa của Quí Thầy,
Hoàng Mộng Giới .

 

42 NĂM GIỖ TRẬN HOÀNG SA: Sĩ Quan HHTT hi sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa

42 NĂM GIỖ TRẬN HOÀNG SA: Sĩ Quan Hàng Hải Thương Thuyền hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa

Hải Quân Đại Úy HUỲNH DUY THẠCH

Lê Châu An Thuận

Vào tuần lễ cuối năm 1973 và đầu tháng 01, 1974 tôi và anh Nguyễn Thanh Công, Hạm Phó HQ. 603 có gặp và trò chuyện cùng anh Ngụy Văn Thà và anh Huỳnh Duy Thạch tại cầu tàu Vùng I Duyên Hải. Anh Ngụy Văn Thà là Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm HQ. 10 và anh Huỳnh Duy Thạch là Cơ Khí Trưởng. Tôi quen biết anh Thà khi hai chúng tôi cùng sang lãnh 2 tuần dương hạm HQ.16 và HQ. 17 tại nước ngoài, lúc đó anh là Hạm Phó HQ. 17 và tôi là Trưởng Khối Hành Chánh Tiếp Liệu của Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ. 16. Còn anh Huỳnh Duy Thạch là bạn cùng khóa 13 với tôi tại trường Việt Nam Hàng Hải niên khóa 1963-1965, tôi học ngành Pont còn anh học ngành Cơ khí.
Huỳnh Duy Thạch, sinh ngày 2 tháng 11 năm 1943, quê quán Ðà Lạt, nhà gần khu vực Domaine De Marie, cựu học sinh trường “École d’Adran” Ðà Lạt. Rời Ðà Lạt để về Saigon, vì trúng tuyển vào trường Việt Nam Hàng Hải thuộc Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ. Anh ở nhà người chị ruột sinh sống ở Thủ Thiêm, Saigon.
Sau khi ra trường anh em chúng tôi có việc làm khác nhau, tôi là Sĩ quan tập sự cho tàu dầu Cyprea của hãng Shell, còn Thạch làm việc trên các thương thuyền Việt Nam trong một thời gian.
Chiến trường rất gay go vào những năm sau đó, nên với lệnh tổng động viên anh em chúng tôi lần lượt vào quân đội, tôi vào trường Võ Bị Thủ Đức khóa 21, Thạch khóa 24. Cũng gần giống như anh em hàng hải thương thuyền khác, sau khi hoàn tất giai đoạn I ở Quân Trường Thủ Ðức, Thạch được chuyển sang Quân Chủng Hải Quân để học nốt giai đoạn II. Tốt nghiệp Thủ Ðức, anh được chuyển hẳn sang Hải Quân với cấp bực HQ Chuẩn Úy CK/HHTT và lần lượt phục vụ trên các chiến hạm của Hạm Ðội VNCH.
Chức vụ sau cùng của anh ở Hải Quân là HQ Trung Úy CK/HHTT, Cơ Khí Trưởng Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ. 10.
Thạch là một con người nhã nhặn, ít nói, giọng trầm, người ngâm ngâm đen, ăn mặc quân phục lúc nào cũng tươm tất, đối xử tốt với bạn bè, kính trên nhường dưới, anh ưa thích hút thuốc Bastos, và hút quá nhiều, và còn thích uống café đen đậm, anh em khuyên bớt thuốc lá thì lúc nào cũng hứa nhưng chỉ hứa để làm vui lòng anh em mà thôi chớ không bớt chút nào.
Bức thơ chia buồn của Đề Đốc Trần Văn Chơn gởi đến chị Huỳnh Duy Thạch
Đời binh nghiệp:
      – Ngày 05 tháng 11 năm 1968: Thạch ra trường và được biệt phái về quân chủng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc chuẩn úy. – Ngày 05 tháng 01 năm 1969: được phong cấp bậc thiếu úy. – Ngày 20 tháng 02 năm 1971: được phong cấp bậc Trung úy. – Ngày 19 tháng 01 năm 1974: được truy thăng cấp bậc Đại úy.
      – Công tác và chức vụ đảm nhận trên một số chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa như sau:
      – Cơ khí trưởng HQ-471 (16-01-1968 – 16-07-1969), – Cơ khí trưởng HQ-473, (16-07-1969 – 16-03-1971), – Phục vụ công trình chế tạo chiến đỉnh Cá Sấu – thuộc Hải Quân công xưởng (16-03-1971–16-04-1973), – Cơ khí trưởng hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 từ ngày 16 tháng 04 năm 1973.
Trận đánh cuối cùng
Trước khi chiến hạm rời Đà Nẵng ra Hoàng Sa công tác, Thạch đã nhận được lệnh biệt phái về phục vụ cho Hàng Hải Thương Thuyền; thay vì lên máy bay về Saigon để có cuộc sống dân sự thoải mái và sung túc, anh đã chọn “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm” và quyết định ở lại cùng đồng đội.
Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ.10 đã cùng với các chiến hạm Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng, HQ.5, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ.16, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư, HQ.4 tham dự trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên quần đảo Hoàng Sa đang bị quân Trung Cộng lấn chiếm.
Trong trận chiến, HQ. 10 là chiến hạm đã khai hỏa đầu tiên vào chiếc 389 của Trung Cộng làm nó bốc cháy khói mịt mù phải lùi lại phía sau, cùng lúc khẩu 127 ly trên HQ. 16 trực xạ vào chiếc 396 và chiếc này bị trúng đạn ngay đài chỉ huy.
Vì HQ.10 chỉ còn lại duy nhất một máy khiển dụng, do đó chiếc 389 đã lợi dụng tấn công tới tấp. HQ. 10 trúng đạn ở Đài chỉ huy và phòng lái. Hầu hết Sĩ Quan có mặt trên ĐCH và phòng lái đều tử trận ngoại trừ Hạm Phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng.
Hầm máy và hầm đạn cũng bị nổ tung và phát hỏa do trúng đạn của Trung Cộng, Trung úy Huỳnh Duy Thạch cùng các nhân viên thuộc cấp cũng đã bị tử thương.
Đến 14 giờ 52 phút thì HQ. 10 chìm hoàn toàn xuống biển (tại địa điểm cách phía Nam bãi đá ngầm Hải Sâm (Antelope reef) khoảng 2,5 km), mang theo hầu hết những quân nhân tử thương trên tàu.
Anh đã cùng 73 quân nhân khác đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển mẹ Hoàng Sa, máu của anh hòa cùng máu của các đồng đội để cố bảo vệ từng tấc giang sơn lãnh hải của Tổ Quốc Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã tặng thưởng và truy tặng anh 6 huy chương, trong đó có Đệ ngũ đẳng Quân vụ Bội tinh, Đệ ngũ Đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu và truy thăng anh lên cấp Đại úy.
Các anh đã anh dũng hy sinh, là “74 ngôi sáng sáng chói trên vòm trời Hoàng Sa muôn thuở của quê hương”. Thân xác các anh nhập vào lòng biển cả mênh mông, hóa thành cột mốc biên cương của tổ quốc. Tổ quốc và đồng bào luôn ghi nhớ công ơn các anh. Cầu chúc linh hồn các anh được siêu thoát.
TÔI TIN CHẮC RẰNG SẼ CÓ MỘT NGÀY QUẦN ĐẢO HOÀNG SA SẼ TRỞ VỀ VỚI ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM CHÚNG TA.
 

Nghiệp Hải Hồ

Nghiệp Hải Hồ

Màng Võ

Nguồn: Hành Trình SQHQ « Lưu Đày »

Lễ gắn “pad đen” sau khi huấn nhục

 

Gần về hưu, ngẫm nghĩ lại thấy mấy câu thơ cuối trong « Truyện Kiều » của Nguyễn Du, tôi giật mình; không ngờ nó lại áp dụng vào đời mình!

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”

Tôi không có tài. Tiếng Anh thì bập bẹ khi còn ở trường trung học dưới quê. Khi vào Hải Quân (HQ) thì không đủ điểm đi học trường OCS (US Navy’s Officer Candidate School). Ở Mỹ gần 2 năm nhưng tôi cũng không có một ngày học tiếng Anh của giới học đường mà chỉ học những từ ngữ ngoài phố (street language). Thế thì làm gì tôi có “tài” mà vào được ngưỡng cửa đại học ? Nhưng… có lẽ tôi vướng phải cái « nghiệp » mà nghiệp đó đã đưa đẩy tôi vào trường Hàng Hải Thương Thuyền để theo nghề đi biển (US Merchant Marine).

Năm 1976, tôi bắt đầu tìm hiểu về “nghiệp” sông nước. Vào thời đó không có Internet, không có Google nên muốn tìm tin tức, học hỏi thêm thì phải vào thư viện. Nơi tôi ở là vùng quê – Newton, New Jersey – cách New York City (NYC) khoảng 100 cây số về hướng Tây. Vì ở xa thành phố nên nhân viên thư viện vùng nầy không thuộc hàng thông thái lắm. Khi vào thư viện hỏi về US Merchant Marine, họ chỉ tôi đến chỗ đăng đi US Marines (Thuỷ Quân Lục Chiến)! Tôi đâu muốn đi lính. Tôi vừa rời khỏi HQ mà! Nhưng sau đó “định mệnh đã đưa đẩy” tôi đi về nghề cũ! Định mệnh bắt đầu trên một chuyến xe bus.
Một hôm khi đang đi xe bus từ NYC về quê, tôi thấy một anh chàng người Mỹ khoảng 30 tuổi cầm trên tay quyển sách “Nautical Almanac” – sách giúp định vị trí ngoài biển. Tôi thầm nghĩ: “À, anh nầy thế nào cũng biết về US Merchant Marine.” Tôi làm quen, từ đó học hỏi thêm rất nhiều. Tôi được biết nước Mỹ có 7 trường Merchant Marine Academy. Ngọai trừ US Merchant Marine Academy nằm tại Kings Point NY là dành riêng cho công dân Mỹ, 6 trường kia ở nhiều tiểu bang khác nhận non-US citizen cũng dạy tương tự nhau.

Kings Point là do chánh phủ Liên Bang đài thọ (federally subsidized) tức là sinh viên sĩ quan (SVSQ – cadets) học miễn phí. Còn 6 trường kia là do Tiểu Bang quản trị. Phần lớn chi phí do sinh viên chịu trách nhiệm.
Lúc đó tôi không phải là công dân Mỹ nên chỉ xin vào State Academy mà thôi. Tuy nhiên tôi phải dự định như thế nào để khi ra trường tôi phải là US Citizen. Nếu không, US Coast Guard (USCG) sẽ không cấp bằng lái tàu. Sinh viên nam / nữ sau khi tốt nghiệp một trong những trường trên sẽ trở thành sĩ quan làm việc trên tàu dân sự, nôm na là tàu buôn của Mỹ, hay là làm trên bờ. SV vào trường Maritime Academy đều phải qua 2 giai đoạn: Thứ nhất là huấn nhục, thứ hai là văn hoá.

Thời kỳ huấn nhục

Khi vào các trường academy trên, cadets đều phải mặc quân phục, phải qua thời gian huấn nhục 1-2 tháng tuỳ theo trường. Sau đó họ sẽ bắt đầu học văn hoá như chương trình đại học dân sự – tuỳ theo nghành mình chọn. Loại trường nầy chỉ đào tạo hai ngành chính. Một là ngành chỉ huy (deck officer or Mate), hai là ngành cơ khí (Engineer). Tôi chọn ngành chỉ huy! Trong lúc học, SVSQ phải tuân theo kỷ luật của quân đội như tôn trọng đàn anh “quay” đàn em, bị thanh tra quân phục, tóc tai, điểm danh, sắp hàng chào cờ…v.v. Chương trình học là 4 năm cộng thêm 3 mùa hè đi tàu huấn luyện thực tập: “gõ sét, châm dầu nhớt, học đi ca, định vị trí…v.v.” Tổng số tín chỉ (credits) mà cadets cần đạt được khoảng 155-160 trước khi ra trường. 

Trước khi tốt nghiệp SVSQ sẽ tham dự một kỳ thi toàn khoa để lấy bằng làm việc gọi là “mates or engineer’s license” do USCG tổ chức tại khuôn viên của trường vào năm cuối. Cuộc thi kéo dài khoảng 3-4 ngày. Nếu đậu tất cả các môn thì sau khi ra trường cadets sẽ có hai mảnh bằng. Một là degree chứng minh họ tốt nghiệp đại học. Hai là license chứng nhận là họ đã được chánh phủ Liên Bang chứng nhận (Federal government certified) để lên tàu Mỹ làm việc. Nếu không đậu license mà chỉ có degree thì chỉ được làm việc trên bờ. Còn xuống tàu thì chỉ làm “lính” vài tháng sau về thi tiếp. Còn nếu “bựa” chỉ lo lấy license, mà không có đủ credits để lấy degree thì trường sẽ giữ (hold) license lại cho dù đã đậu license.

Sau khi thông hiểu chương trình, tôi bắt đầu xin (apply) vào 2 trường thuộc state academy. Một là trường NY Maritime Academy ở NYC còn trường kia là Massachusetts Maritime Academy ở Cape Cod (Boston). Tôi cũng phải “trầy da tróc vẩy” thi toán, thi Anh Văn, liên lạc Thượng Nghị Sĩ lấy giấy giới thiệu mới có đủ giấy tờ cần thiết khi nộp đơn. Đã vậy tôi còn mang “bịnh” nghèo và sợ mất tiền “non-refundable application fee” khi nộp đơn nên tôi chần chờ. Một hôm bạn Phan H. Hải (K.19) đến chơi, nói: “Tao sẽ ký tặng mầy cái check $50 kèm theo application của mầy. Vào phòng đem giấy tờ ra đây tao phụ đọc cho.” 3 tháng sau tôi nhận được giấy mời lên trường NY State Maritime Academy gọi lên interview. Như trong thơ dặn, khi đến nơi tôi tìm gặp Commander (HQ Tr. Tá) Cerny, đương kim là director của Admission Office. Cũng hên, ông nầy có tham dự chiến tranh VN, cũng là HQ nên dễ thân mật hơn. Tôi bảo tôi là cựu SQHQ từng phục vụ HQ 3 (ex WHEC 380 – Yakutat của USCG) ông ta có cảm tình ngay. Sau khi kiểm soát giấy tờ, nói chuyện bâng quơ về HQ, ông bảo tôi về đi, chờ thơ của trường.  

TDH Trần Nhật Duật (HQ3). Displacement (trọng tấn – full) 2,750 Tons, LOA (dài): 311 ft, Beam (ngang) 41 ft, Draft (sâu) 13.5 ft. Speed (vận tốc) 18.2 Knots (gút)

Hai tháng sau, tức là khoảng tháng 3 năm 1977, tôi nhận được thơ của trường thông báo: “Welcome you to the Regiment of Cadets…” và đồng thời cho biết ngày “trình diện”. Tôi vào hãng báo cho xếp biết là sẽ nghỉ việc vào mùa hè. Đến giữa tháng 7 tôi trả căn nhà trọ, bán chiếc xe Mustang cũ – mua hùn với người bạn – gọi bạn bè đến apartment cho hết đồ đạc trong nhà rồi cuốn gói lên đường “nhập ngũ”. Hành trang của tôi chỉ là một cái valise nhỏ chứa đựng vật dụng cá nhân và đồ lót. Còn tất cả quần áo, giày vớ thì khỏi lo. Trường sẽ cung cấp quân phục theo tiêu chuẩn “nhà binh”.  

Sáng sớm ngày Chủ Nhật 24 tháng 7, năm 1977, bạn tôi, ông Đỗ K. Tiếng (K18), tình nguyện chở tôi “nhập trại”. Tôi đang suy nghĩ không biết đàn anh của Mỹ huấn nhục mình như thế nào. Tôi vừa lo, vừa run. Lo vì không hiểu tiếng Anh như Mỹ, run vì sợ mình học không qua khỏi một mùa học mà bị đuổi nửa chừng lại vác gói về hãng cũ làm “cu li” tiếp thì “mấy em cười thúi đầu.” Còn chuyện huấn nhục thì tôi không ớn. Cùng lắm là giống như VN thôi. Tôi nghĩ mình cứ làm theo đám đông là OK.

Location of NY Maritime In NYC, Bronx, Long Island Sound

Tới cổng trường rồi. Tụi đàn anh đang chờ mầy kìa. Ráng lên nha. Một tháng nữa Minh, Vạn, và tao vào thăm nuôi mầy. Good luck, nha mậy”. Ông Tiếng nói xong, quay đầu xe Capri, trở về trường New Jersey Institute of Technology nơi mà ông ta đang học.

Vừa xuống xe, một sinh viên (SV) khóa đàn anh chỉ vào mặt tôi: “You! You follow me to pickup uniforms and then get a nice and GOOD haircut. You sloppy punk!” Tôi trả lời: “Yes, Sir” rồi ngoan ngoãn đi theo một SVSQ đàn anh trước tôi hai năm. Chức vụ của anh ta là IDO (indoctrination officer). Cũng cần nói thêm là khoá tôi có khoảng 200 cadets một nửa là cơ khí (Engineer), còn nửa kia là chỉ huy (Mate). Trong số 200 người, chúng tôi được chia ra làm 10 trung đội, mỗi trung đội khoảng 20 cadets do 2 IDO quản trị. Trung đội chia theo vần ABC. Nếu last name bắt đầu bằng chữ A thì chắc chắn sẽ vào trung đội 1. Tôi họ Võ nên vào trung đội 10.

Sau khi lãnh quân phục, hớt tóc xong, chúng tôi sắp hàng vào trung đội của mình, chờ lịnh. Một anh IDO thấy tôi “không giống ai – người VN đầu tiên lúc đó”, anh ta tiến đến gần, đứng trước mặt tôi cách không đầy 3 inches, mũi anh gần đụng mũi tôi, nhìn tôi sừng sộ. Tôi đứng thế nghiêm nhìn vào mắt của anh. Anh ta bảo tôi: “Don’t stare at me, boy!” Tôi hãi quá nhìn thẳng, anh ta tiếp: “Go to your room on the double, throw your hippy pants (quần ống loa), and your disco shoes (giày cao gót) to a dumpster. We only wear uniforms here. UNDERSTAND ?” “Sir, Yes sir.

Sau chỉ thị “Fall out – tan hàng”. IDO cho chúng tôi 10 phút chạy về phòng thay quân phục “áo thun, quần shorts, vớ trắng, giày bata xuống sân trường trình diện, ngay”. Hôm đó, chúng tôi bị quay từ 8 giờ sáng cho đến lúc ăn trưa. Sau đó, chúng tôi có 30 phút để về phòng làm giường chuẩn bị phòng, chờ IDO thanh tra. Cả bọn bị “quần” cho đến 2300 giờ thì có lịnh tắt đèn đi ngủ.  

Mỗi ngày chúng tôi thức dậy lúc 0500 giờ, tập họp điểm danh, chạy tập thể dục chung quanh trường, ca hát vang trời. Ngày thì mang súng đi diễn hành (không có đạn); ngày khác thì học chèo xuồng (monomoy rowing); ngày thì xuống tàu huấn luyện – tại cầu tàu của trường – học cách kéo dây, chầu dây; ngày thì lên đài chỉ huy vẽ lại hoạ đồ của đài chỉ huy kê khai dụng cụ trang bị trên tàu…v.v. Ngoài ra chúng tôi phải học thuộc lòng nhiều bài hát như: “The Bells of St. Mary’s” (Alma Mater of the Maritime College); “Anchors Aweigh”…v.v.

NY Maritime College – Monomoy Rowing

Điều mà tôi nhớ nhất là chuyện học thuộc lòng bài Sallyport Saying: “Sir, but men and officers must obey, no matter at what cost to their feelings. For obedience to orders, instant and unhesitating, is not only the lifeblood of armies, but the security of states, and the doctrine that under any conditions whatever, deliberate disobedience can be justified, is treason to the Commonwealth, Sir.” Đoạn văn nầy là của Col. G. Henderson – a British Soldier – viết during American Civil War. Ông rất ưng ý, nên ra lịnh nhân viên khắc những chữ đó, mạ vàng, trên cổng đá của cổ thành tên Ft. Schuyler nằm trong trường nầy. Tôi phải thuộc lòng đoạn văn trên mà lúc đó tôi cũng không hiểu 100% ! Xin nói thêm Ft. Schuyler cũng là nickname ám chỉ SVSQ tốt nghiệp trường nầy.  

Còn vài chuyện quan trọng nữa mà cadets phải có đó là trong túi lúc nào cũng phải có “change for a dollar, và một con dao – knife”. Tiền lẻ để giúp đàn anh đổi tiền. Dao thì dùng để cắt dây khi cần – nhất là làm việc trên tàu. Miệng thì sẵn sàng trình diện theo nguyên tắc “nhà binh”. Tức là khi ai gọi trình diện như: “You. Sound off” thì cứ “sủa” thuộc lòng: “Sir / Ma’am: Cadet Vo, fourth-class, Sir / Ma’am”.

Tiếng Anh không cần giỏi trong lúc huấn nhục. Khi IDO hay SQ cán bộ hỏi gì thì mình chỉ “sủa” những câu nằm lòng căn bản như sau:

« Sir, yes, Sir” or “Ma’am, yes, Ma’am », or « Sir, no, Sir” or “Ma’am, no, Ma’am ».

« Sir, no excuse, Sir” or “Ma’am, no excuse, Ma’am ».

« Sir, I will find out, Sir” or “Ma’am, I will find out, Ma’am »

« Sir, I do not understand, Sir” or “Ma’am, I do not understand, Ma’am » or “Request permission to …”

Mỗi ngày chúng tôi bị “quay” từ cách ăn, cách nói, cách đội nón, xếp quần áo, mang giây giày, thắt cà vạt, cách làm giường, cách chào… nói chung là học theo etiquette copied từ US Navy. Khoảng 1 tháng sau – ngày làm lễ mãn khoá huấn nhục – chúng tôi sắp hàng, đi diễn hành ra sân vận động để làm lễ “mang pad màu đen, không có gạch vàng nào cả, đội nón có dây vàng, mang súng, mang cờ, chào kíếm…”.

Sau lễ xong, tôi đi tìm thân nhân xem có ai đến không? À có mấy người bạn HQ đây! Tôi mừng rỡ khi gặp ông Đỗ K. Tiếng (K.18), Trần P. Vạn (K19), Lợi C. Minh (K.19). Tôi và bạn “đồng đội” được 3 ngày nghỉ phép để sau đó trở vào trường học văn hoá. Tôi theo bạn tôi về nhà Minh ở Queens, NYC.

Thời kỳ học tập văn hoá

Tuy đã qua thời gian huấn nhục, nhưng vì chúng tôi là lớp thấp nhất – gọi là Mug (fourth class, nicknamed Mug – Freshman) – nên khi ra khỏi building là phải chạy lúp xúp. Không được đi xéo mà phải đi thẳng 90 độ. Không được đi tắt ngang mà phải đi vòng. Khi đến góc đường là phải bẻ góc (square that corner). Khi gặp đàn anh, hay SQ cán bộ là phải đứng lại chào, sau đó chạy tiếp. Mugs chỉ đi hàng dọc không được cặp kè hàng ngang… Những luật lệ nầy chúng tôi phải tuân theo cho đến hết năm đầu. Chuyện nầy coi như không khó đối với tôi. Bây giờ đến lúc khó hơn – học văn hoá.

Đến thời kỳ nầy thì trung đội của tôi phân tán ra. Chúng tôi phải đi học riêng theo ngành mình chọn như ngành cơ khí hay chỉ huy. Ngành chỉ huy có nhiều phân khoa khác nhau nhưng khi ra trường thì ai cũng có Bachelor of Science degree. Phân khoa chuyên về đi tàu gọi là Marine Transportation, còn những phân khoa khác thì có nhiều “đường binh” hơn – tức là họ có thể đi tàu, có thể làm trên bờ trong ngành Metrology and Oceanography, Computer Science Mathematics.  

Còn ngành cơ khí thì nếu đi tàu sẽ làm SQ cơ khí, còn khi về bờ thì xin làm Engineer của nhiều corporations khác nhau. Ra trường họ đều có Bachelor of Engineering degree.

NY Martime Academy Logo

Ngành Marine Transportation học chữ thì nhiều nhưng học số như toán, vật lý, hoá học, …v.v. thì lại ít. Sinh viên với sức học trung bình theo học đông. Tôi thì vì cái “nghiệp” sông, biển nên cũng gia nhập nhóm nầy. Semester đầu của chương trình nầy chúng tôi phải ghi danh 5 lớp. Lớp mà tôi thích là Calculus I (toán), và Nautical Science 101 – Operations. Còn 3 lớp kia (Principle of Economics I, English Composition I, History 101 – American History I) thì … nếu nói là không thích thì tôi xạo. Tôi sợ rớt “điên người” luôn. Sau hơn 1 tháng học, tôi cảm thấy mình chọn lầm phân khoa!

Tôi phải làm sao? Bỏ học, đáo về quê cũ, xin trở lại hãng Mack Wayne Plastic Company làm thợ đúc (molder), hay là xin “Drop American History class”, đến mùa hè xin vào Community College học dễ hơn. Nhưng không được vì mùa hè tôi còn phải đi theo tàu thực tập 2 tháng. Tính tới, tính lui, sau cùng tôi quyết định ở lại trường tiếp tục học.

Hàng ngày, sau khi cơm chiều xong, tôi khệ nệ mang quyển tự điển Anh Việt dầy 5 inches của Nguyễn V. Khôn do nhà sách Khai Trí xuất bản, cộng thêm hai quyển “Macro Economics” và “American History I”, chạy lúp xúp đến thư viện. Đọc hơn 1 trang American History, tra tự điển nhiều chữ khó, mất cả tiếng đồng hồ, vậy mà tôi vẫn chưa hiểu rõ. Tôi ráng đọc tiếp, cố gắng tra khảo nhưng vẫn mù mờ. Tôi bèn đổi qua sách Macro Economics. Ở đó cho đến 2200 giờ thì thư viện đóng cửa. Nếu về phòng thì 2300 giờ là phải tắt đèn, tôi quyết định chạy qua lớp học (classroom) mở đèn lên, học tiếp cho đến gần nửa đêm. Về phòng, tôi lén vào phòng dùng đèn pin mò mẫm đi ngủ. Gần đến ngày thi midterm tôi nhờ một người bạn Mỹ (Mark Wollman) đến classroom giải thích những gì tôi đọc mà không hiểu. Nhờ tính kiên trì, rồi tôi cũng qua được semester đầu. Như vậy là tôi đã hoàn thành được 17 tín chỉ.

Đến semester thứ hai thì tiếng Anh tôi đã khá hơn nhưng chương trình học cũng khó dần. Lần nầy tôi phải lấy 18 tín chỉ, đó là:

Eco. 102, Principle of Eco. II.

English 102, English Composition II.

American Hist 102, Amer. Civil. II

Calculus II

Comp. Sci. 122, Computer Sci. I

Nav. 205, Terrest. Nav

Thấy English 102, và American Hist tôi mừng. Tôi nghĩ các lớp nầy là chỉ dạy tiếp lần trước nên tôi bắt đầu “chĩa mũi dùi” vào lớp mới lạ – computer. Mãi đến lần thi “hỏa tốc – 15 minute-quiz” tôi mới “tá hỏa”. Bà thầy dạy English phát bài thi bắt đầu từ chỗ tôi ngồi – bàn đầu, cho đến bàn cuối. Khi trở lên, khoảng 10 phút sau bà thâu bài bắt đầu từ chỗ tôi ngồi đi xuống dưới. Tôi ngớ người vì viết chưa đầy 1/4 trang trong khi đó bà “required 250 words” – khoảng nửa trang giấy. Còn lớp computer thì lại “thần sầu quỉ khốc” hơn. Quá trừu tượng mà lại mất rất nhiều thì giờ trong phòng lab. Tôi cố gắng vượt bực nên đã qua được 2 semesters đầu.

NY Maritime Training Ship Empire State VI. Displacement 17,000 tons. LOA 565 ft, Beam 76ft, Draft 25 ft., Speed 22 Kts

Tính tổng cộng tôi có được 35 tín chỉ. Sau đó tôi chuẩn bị đi theo tàu school training ship đi biển thực tập 2 tháng để lấy thêm 3 tín chỉ nữa. Như vậy tổng cộng là 38 tín chỉ.

Đến tuần lễ đầu tháng 5 năm 78, hè đến, cả 3 khoá của trường khoảng 500 Cadets, cùng SQ huấn luyện lên tàu training ship của trường, ra khơi đi thực tập. Chương trình năm đó đi Italy, Portugal, và Spain nên ai cũng hớn hở. Lúc nầy tôi như “cá về với nước.” Tôi đã từng làm SQ trưởng phiên trên chiến hạm HQ 3 thì chuyện đi ca không có gì xa lạ. Tuy nhiên “tôi không ra mặt” mà chỉ làm những gì trong phạm vi và trách nhiệm của mình. Trong 4 giờ đi ca, chúng tôi thay phiên nhau làm quan sát viên, tập làm thủy thủ vận chuyển lái tàu, tập làm points cận duyên (định vị trí của tàu khi thấy hải đăng, núi…), tập xài hai thước tam giác (triangles), quan sát radar. Có một lần, tôi nhìn radar muốn học hỏi thêm, thì 1 đàn anh bảo tôi: “You don’t know radar, so don’t touch it. Wanted to try it, let me know”. Tôi bảo “Sir, yes Sir”. Đàn anh không ai biết tôi đã đi tàu cho đến một hôm tàu chúng tôi gặp tàu HQ Mỹ!

Trong lúc khoá đàn anh – First Class cadets (seniors) – thực tập “đánh đèn”, thì “xui thay” có một tàu HQ của Mỹ muốn liên lạc với tàu chúng tôi. Lúc đó khoảng 2000 giờ, trời vừa chập tối. Tàu chúng tôi đang chạy chung quanh đảo Mallorca (Đảo của Spain in Mediterranean) cho cadets thực tập làm points thì chiến hạm của HQ Mỹ đánh đèn cho tàu của tôi. Thấy ai cũng “quíu” hết, tàu không có nhân viên giám lộ, tôi ra tay nghĩa hiệp: “Sir, if you don’t mind, I will take it over”. Chỉ làm 1 chuyện nhỏ thôi, tiếng đồn vang cả trường!

Đèn cờ thì tôi có khiếu. Tôi nhớ lại đêm 30 tháng 4 năm 75, tôi đã đánh đèn trả lời 1 chiến hạm HQ Mỹ khi họ muốn HQ3 “put out ladders” cho Đ/Uý Phú lên tàu! Sau nầy tôi mới biết được Đ/Uý Phú chính là Richard Armitage – người đã phụ trách dẫn đoàn tàu HQVNCH qua Phi Luật Tân. Chuyến đi nhớ đời đó có Tr/Tá Nguyễn K. Triệu (K7) làm Hạm Trưởng cùng đi với Th/Tá Quyền và những bạn đi cùng tàu Đ/Uý Võ H. Thông (K19), Tr/Úy Phan H. Hải (K19), Thiếu Uý Hoàng (Đà Lạt), …v.v.  

Đến năm thứ hai thì chúng tôi có đàn em (Next class arrived) chúng tôi không còn chạy lúp xúp nữa. Tuy nhiên năm nay tôi phải lấy nhiều tín chỉ hơn. Vì không muốn bạn đọc chán với những chi tiết về các lớp học, tôi chỉ kể vắn tắt các lớp học cho 3 năm còn lại mà thôi.

Năm thứ nhì (Total 41 credits):

Fall semester: 19 credits.

English 201, Hum. I

Language, Spanish

Math 215, Statistics

Nautical Sci 206, Ops II

Phys 209, College Phys I

Spring semester: 19 credits.

Engr 301, Ship Construction & Stability

Language, French

Meteology 311 and Lab; Meteo for mariners

Nav301, Nauti. Astro, Celes. Nav.

Phys 210, College Phys.

Summer sea term: 3 credits.

Training ship ports: Montreal, Quebec, Charleston, Ft. Lauderdale, Bahamas…

Năm thứ ba: (Total 44 credits)

Fall semester: 20 credits

Acct 301, Accounting I

Eco 301, Theo Inter.

English 202, Human II

Mar. Trans 201, Mar. Cargo Oper

Engr 321, Basic Marine Engineering

Naut 304, Rules of the road

Nav 311 Princ. Mar. Elec.

Spring semester: 18 credits

Eco 303, Money and Banking

Eco 401, International Eco.

Eco 409 Financ. Anal

Mar. Trans 202, Ocean Trans;

Naut 306, Oper III

Nav 312, Elec. Nav. Sys.

Summer sea term (last summer sea term): 6 credits.

Training ship ports: Naples, Italy; Lisbon, Portugal, Copperhangan, Denmark.

Năm thứ Tư – last year. Total 33 credits

Fall semester: 17 credits

Computer Science 437, Linear prog & Games Theory

Eco 402, Labor Eco

Eco 404, Ship management

Law 403, Maritime Law

Naut Sci 408, Lic Seminar

Nav 402, Advanced Nav

Naut Sci 405, MMO II.

Spring semester: 16 credits

Oceanography 411E, Oceanography For Mariners

Seminar in Eco., Mar. Trans

Law 404, Maritime Law

Mar Trans. 402, Mar. Trans. Ins.

Như vậy là tôi phải lấy 156 credits. Thời gian là 4 năm và 3 mùa hè – Summer Sea Term, mà mỗi mùa hè đi thực tập khoảng 2 tháng. Ngoài mùa hè đi thực tập, chúng tôi còn phải đi gác đêm (Night Watch). Tùy theo sự chia cắt của “Xử Lý Thường Vụ” đại đội, chúng tôi thay phiên nhau trực hàng đêm từ 1800 giờ cho đến sáu 6 giờ sáng hôm sau cho nhiều vị trí khác nhau. Trung bình khoảng 2 lần mỗi tháng, mỗi lần 4 tiếng. Khi nào trúng ca “graveyard” – từ 0200-0600 – thì sáng hôm sau đi học “ngáp dài”.

Buồn Vui « Đời Thuỷ Thủ »

NY Maritime Academy Yearbook Picture – Taken 1980

Những kỷ niệm buồn vui của thời SVSQ ở trường NY Maritime Academy rồi cũng đến ngày cuối. Kỷ niệm mà tôi không quên lúc ở quân trường là thời gian nghỉ hè sau khi đi tàu thực tập về. Lúc đó trường đóng cửa 1 tháng cho sinh viên “nghỉ xả hơi” cho đến mùa học tới nên ký túc xá (dorms), nhà bàn (food services), đóng cửa. Gần như hầu hết sinh viên trở về đoàn tụ với gia đình. Còn tôi vì “con bà phước” nên tôi xin trường cho tôi ngủ trên tàu, còn chuyện ăn uống thì tự túc. Có một lần tôi lười biếng đi chợ (đi bộ cách tàu khoảng 3 miles one way), tôi “tử thủ” trên tàu, ăn mì gói “Kung Fu” 1 tuần lễ. Đến ngày thứ 8 tay tôi run lập cập khi cầm muỗng. Tôi “teo” quá lội bộ ra đường chính, mua 2 cái “big mac”, tôi “Dzứt hết luôn”! Hôm sau là lại sức ngay.  

Kodiak (Exxon Ship). LOA 870 ft, beam 138 ft, draft: 45 ft. Displacement 150,000 tons in Puget Sound (Seattle, WA) April, 2010. New owner 2014.

Cuối cùng ngày vui đã đến. Tôi may mắn vượt qua tất cả các kỳ thi của trường cùng cuộc thi của USCG nên ngày lễ ra trường, tôi nhận được hai mảnh bằng chính trong tay. Một là USCG license chứng nhận tôi “Licensed to serve as Third Mate of United States Steam or Motor Vessels of Any Gross Tons upon Oceans.” Mảnh bằng thứ hai là degree của trường và nhiều certificates khác.

In HQ 3 Officer’s Mess: L to R: Tr/úy Đức k1/70 (K. 1 ĐB), Th/Úy Hoàng (Đà Lat), Tr/Uy Xuyên (Đà Lạt), Tr/Uy Màng K6/69, K. 2ĐB…etc… Tàu HQ 3 neo ở Namyit (Một đảo của quần đảo Trường Sa – August 74)

Nhận license làm SQ tàu biển đã nhắc tôi một kỷ niệm lúc tôi còn trong HQ. Tháng 5, năm 73 sau khi tốt nghiệp “Khoá 2 Đặc Biệt Nha Trang” tôi đã cởi chiếc áo HQ Tr/ úy CB, mà bọn tôi dí dỏm tự đặt mình là “đám SQ Lưu Đày” sống ngang tàng nơi sông rạch hay trong đám Hải thuyền, v.v. để trở thành HQ Tr/úy của Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật (HQ 3).

Vì mang “nghiệp” sông biển “di truyền” của cha ông, nên chuyện làm việc trên tàu – sông, biển, dây cột…- không lạ gì với tôi. Sau gần 2 tháng đi biển – được ông bạn Đoàn X. Sơn (K.18) huấn luyện – tôi được lên làm SQ Trưởng Phiên và giữ chức vụ Trưởng Ban Vận Chuyển. Ban nầy cũng quá dễ đối với tôi vì ba tôi làm nghề “đi ghe chài” – loại ghe lớn chở hàng trong sông rạch miền Nam mà tôi đã theo phụ cha trong lúc nghỉ hè ở trung học. Sau khoảng 1 năm trên HQ 3 tôi được giao phó nhiệm vụ Trưởng Khối Trọng Pháo / Vận Chuyển cho đến tháng 5 năm 1975! Ngày mà tôi nghiêm chỉnh chào quốc kỳ VNCH lần cuối, trong buổi lễ bàn giao HQ 3 cho US Navy, lúc tàu chúng tôi cách Manilla không đầy 10 hải lý. Đó là ca gác sau cùng (last watch) mà tôi “cẩn” trên chiến hạm.  

Sau khi lá cờ Mỹ tung bay trên cột cờ chính (forward mast), tôi quay sang vị SQHQ Hoa Kỳ nghiêm chỉnh chào anh ta và nói: “She’s all yours!” Sau đó, tôi lê bước, ngậm ngùi rời khỏi “đài chỉ huy”.

Exxon Charleston. LOA: 636 ft, Beam 106 ft, Draft 42 ft. Speed: 16.8 kts. Displacement: 62,500 tons. New owner 2004

Tưởng rằng đời Thuỷ thủ đã chấm dứt từ đó, nào ngờ 6 năm sau, cũng vào tháng 5, của năm 1981 tôi chính thức trở lại nghiệp sông biển! Tôi rất vui mừng khi nhận được tin Exxon đồng ý mướn tôi với chức vụ Sĩ Quan Đệ Tam – 3rd mate (SQ chỉ huy cấp nhỏ nhất). Tôi vác sac marin (sea bag) đi lêu nghêu dưới cầu tàu, nhưng khi bước lên hạm kiều (gangway), tôi không sao quên được hình ảnh ngày tôi cũng vác sac marin bước lên hạm kiều của HQ 3, cũng vào tháng 5, năm 1973 đúng 8 năm về trước.

Exxon Long Beach. LOA: 987 ft, Beam 166 ft, Draft 64 ft. Speed: 16.0 kts. Displacement: 240,000 tons. New owner 2010

Sau 18 năm làm việc (6 năm ở bộ tư lịnh), và sau nhiều cuộc thi lên cấp của USCG, cuối cùng năm 1999 tôi đạt được nguyện vọng cao nhất trong cuộc đời thuỷ thủ. Năm đó, tôi đậu bằng Thuyền Trưởng – với “Licensed to serve as Master of United States Steam or Motor Vessels of Any Gross Tons upon Oceans”. Khoảng 6 tháng sau Exxon cử tôi làm Thuyền Trưởng lần đầu tiên trên chiếc tàu tên Exxon Charleston mà tôi đã làm thuyền phó (chief mate) gần 10 năm. Đây là cỡ tàu mà dân Merchant Marine của chúng tôi gọi là Panama class. Lý do là chiều ngang của tàu là 106 ft đủ để đi qua locks của kinh đào Panama rộng 110 ft.  

Exxon Charleston trọng tấn 65,000 tons, dài (LOA) 635 ft, ngang (Beam) 106 ft, sâu (Draft) 42 ft, vận tốc tối đa: 16.8 gut). Tính ra, trong suốt thời gian làm việc cho Exxon, chiếc tàu lớn nhất mà tôi được vinh hạnh đảm nhận chức vụ Thuyền Trưởng là chiếc VLCC (Very Large Crude Oil Carrier) Exxon Long Beach trọng tấn 240,000 tons, dài 987 ft, ngang 166 ft, sâu 64 ft. Vì tàu nầy chỉ có 1 lớp vỏ (single-hull tanker) nên năm 2010 đã ngưng chở dầu và Exxon đã bán lại cho một chủ nhân khác. Đây cũng là năm tôi được đổi về hậu cứ để giữ chức vụ Senior Marine Advisor cho Tư Lịnh Hạm Đội. Nói là Tư Lịnh cho oai thôi, lúc nầy Exxon chỉ còn lại 4 chiếc tàu để chở dầu mà thôi.

SR Puget Sound (Exxon Ship). LOA 650 ft, beam 106 ft, draft: 40 ft. Displacement 60,000 tons encountered stormy weather while going from Alaska to San Francisco in December 2005. New owner 2006

Cuộc đời ngang dọc rồi thì cũng có một ngày “gác mái chèo”. Hiện tại tôi cố gắng duy trì bằng Master license mà USCG đã cấp cho tôi. Mặc dù không còn làm Thuyền Trưởng nữa nhưng Exxon vẫn muốn tôi đảm nhận những công tác đặc biệt như những lúc tàu, mà Exxon mướn chở dầu, bị tai nạn.

Tôi mang ơn Exxon đã giúp tôi đạt được ước nguyện sau cùng của đời thuỷ thủ, nên nếu hãng cần “help during an emergency event” là tôi lên đường ngay. Tôi cám ơn NY Maritime Academy đã cho tôi cơ hội thực hiện “nghiệp” sông biển của mình. Và cũng vì muốn “pay back to school” tôi đã trở về School Training Ship làm việc – coi như là volunteer – để dạy lớp “Advanced Navigation” vào 2 mùa hè liên tiếp. Mỗi lần đi thì 2 tháng mới về nhà.

Tôi xin cám ơn tất cả người thân và bạn bè đã khuyến khích tôi trong lúc “bơ vơ” nơi cổng trường xa lạ. Cám ơn anh Lương Q. Bình (TN SVSQ K21 NT, K.1/70 TĐ, K. 1 ĐB NT), và nhiều bạn khác, đã khuyến khích tôi viết bài nầy cho thế hệ sau. Nếu con cháu bạn cần biết thêm, muốn theo nghề nầy, cứ tự nhiên liên lạc với tôi qua chủ nhiệm quyển HTLĐ hay quý anh phụ trách Website nầy.

Mang Vo, 81 Ft. Schuyler (NY Martime College)

30 tháng 4, 2016
 

 

 

 

Những thương thuyền « tiêu chuẩn » Nhật Bản

Những thương thuyền « tiêu chuẩn » Nhật Bản

Albatros

M/S Neptune Sardonyx, standard cargo type Freedom

Vào cuối thập niên 1960, trên thị trường to lớn đóng tàu biển loại mới thay thế loại tàu liberty-ship già nua, hãng đóng tàu của Nhật IHI đã dẫn đầu một cách thành công đối với những hãng của Anh và Đức khi tung ra nhiều loạt tàu giản dị và hiệu quả nhưng nối bật với những kỹ thuật mới.

M/S Good Friend, một loại « Freedom Hispania » được đóng ở Matagorda (Espagne) năm 1970

Trong gần 20 năm sau Đệ Nhị Thế Chiến, một phần lớn của hạm đội thương thuyền tramping trên thế giới đã đáp ứng tiêu chuẩn 10/10/10 : trọng tải 10 000 tấn, tốc độ  10 gút với mức tiêu thụ 10 tấn dầu một ngày. Đó là tiêu chuẩn của những loại tàu liberty-ship xuất hiện vào giửa thập niên 60 càng lúc càng lỗi thời do những tăng trưởng của nhu cầu thương mại trên thế giới. Tình trạng cũ kỹ và hư hại của những thương thuyền trên dẫn đến sự dự trù những kiến trúc mới với những trọng tải to lớn hơn (khoảng độ 15 000 tấn) nhưng không quá to lớn để có thể cập được tối đa những hải cảng với tốc độ nhanh hơn (13-14 gút) nhưng vẫn giử được tính chất tiết kiệm năng lượng của loại tàu liberty-ship. Ba quốc gia đã tập trung kiến trúc một phần lớn những tàu mang đặc tính liberty-ship : Anh Quốc với loại tàu SD14, Đức Quốc với Mehrzweckfrachter, L36 và Nhật Bản với Freedom.

M/S Kallang, cargo type Freedom được đóng ở Jurong- Singapore năm 1974

Cộng tác với Hãng nghiên cứu GTR Campbell, hãng đóng tàu Ishikawashima Harima Heavy Insductries (IHI) quyết định đóng một loạt những tàu theo kiểu mẫu mới. Không những con tàu theo tiêu chuẩn mới nầy được hoàn toàn  cải thiện để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới nhưng phương cách sản xuất được xem xét lại để đạt được hiệu quả tối đa và cũng để bảo đảm giá bán cạnh tranh vững vàng. Chương trình nầy đã góp phần vào sự thịnh vượng tuyệt diệu của ngành đóng tàu của Nhật Bản trong thập niên 1970, nó đã giử được vị trí hàng đầu trong nhiều năm của thế giới.

Coupe transversale của Freedom ship

Những con tàu kế vị liberty ship của Anh và Đức tập trung vào sự giản dị và đơn sơ và không có những cải thiện nào ngoại trừ động cơ Diesel tốc độ chậm thay thế động cơ loại cũ chạy bằng hơi nước của tàu liberty-ships. Loại tàu Freedom, cái tên được lựa chọn có chủ ý, ra đời với nhiều tham vọng. Ý kiến chính yếu là ở chổ phối hợp những đặc tính của tàu chở hàng cổ điển « shelter deck » với hai tầng pont và loại tàu chở hàng vraquier (tàu chở những hàng hóa không bao bì như ngũ cốc, than đá, quặng mỏ) chỉ cần một pont cho thấy tính chất đa dụng của loại tàu Freedom. Đặc điểm của tàu được thiết kế với những hầm chở hàng dài và ngắn xen kẻ nhau, tất cả có 4 hầm, với 6 panneaux Mc Gregor single pull bằng kim loại có thể xếp lại được ( 2 panneaux xếp mỗi bên của hầm chở hàng). Panneaux của pont giửa thuộc loại plat-pont có 2 phần có thể xếp lại. Nếu pont tầng giửa cần thiết cho việc chuyên chở hàng hóa linh tinh nhưng nó lại cản trở sự chuyên chở hàng hóa « vrac » như lúa mì, quặng mỏ, ngủ cốc… phía ngoài rìa của panneaux. Để sửa chửa khiếm khuyết đó, Freedom được trang bị những lổ hổng trên pont tầng giửa hay « feeder » có chấn song chỉ để hàng hóa loại nhỏ như ngủ cốc, quặng mỏ đi xuyên qua.Sự đa dụng của Freedom tuy nhiên bị giới hạn bởi chiều dài tương đối ngắn của những panneaux nên không thể chất những loại hàng dài như đầu máy xe lửa. Càng đáng tiếc hơn khi chiều dài của hầm số 2 và 4 vượt hơn 30m. Tuy nhiên, một vài chiếc tàu thuộc loại nầy được trang bị những panneaux dài ở hầm 2. Sự chuyển vận được vận chuyển bởi 4 cần trục (corne de charge) 10 tấn và 8 cần trục 5 tấn với 12 máy kéo chạy bằng điện có khả năng 2,5/5 tấn, tất cả được gắn trên 3 cặp cột hàng tàu (mât de charge).

Phần kiến trúc chìm dưới nước với phía sau khá thon nhưng với vòng cong phía trước to hơn, gần giống như liberty-ship. Nó có một bulbe ở mũi tàu (bulk) giống như kiến trúc của những chiếc tàu bây giờ, nhưng lúc đó chưa phổ biến nhiều. Freedom có trọng tải 15 000 tấn với độ sâu 9,03m cũng giống chiếc « German liberty » nhưng với tốc độ chậm hơn 1.5 gút.

Tàu Freedom nổi bật với độ tự động hóa rất tiến bộ cho phép giảm bớt một cách đáng kể nhân viên thủy thủ đoàn so với thế hệ của những tàu chở hàng cổ điển.

Tập đoàn IHI đã dành riêng biệt trong mỗi xưởng đóng tàu ở Tokyo và Aioi, một ụ tàu chỉ để chế tạo duy nhất loại tàu Freedom. Những thành phần của tàu được tiền chế và trang bị được thực hiện nhanh chóng cho phép kỹ nghệ hóa sự sản xuất trong khuôn khổ chế tạo hàng loạt. Tất cả có 123 chiếc Freedom được đóng tại Nhật trong giửa năm 1967 và 1979. Ngoài ra, Freedom còn được đóng dưới bản quyền ở Singapore – Jurong (16 chiếc), ở Đài Loan (China Shipbuilding Corporation ở Keelung (2 chiếc), ở Tây Ban Nha (16 chiếc do hảng Astilleros Espagnoles) ở Séville và Matagorda và 3 chiếc khác ở hảng Union Naval de Levante ở Valence và 7 chiếc ở Á Căn Đình  do hảng Astilleros Alianza, Buenos Aires. Những chiếc Freedom đóng ở Tây Ban Nha khác biệt, có một bulbe to hơn và một bề rộng 20,65m.

M/S Anangel Fortune, một loại Fortune ship được đóng vào năm 1974 bởi IHI Tokyo

Fortune

Do sự khó khăn khi thiết kế động cơ do phòng máy không đủ dài, lúc đầu dự trù loại cho động cơ nhỏ hơn, IHI đề nghị nhanh chóng kiểu tàu Fortune, cũng là một loại tàu tiêu chuẩn, hơi lớn hơn Freedom nhưng để dùng chở hàng « vrac » tiện lợi hơn. Vì vậy Fortune không có tầng pont thứ hai nhưng giử lại phần wingtank và kiến trúc nằm trên của hầm chở hàng. Khác với kiến trúc của Freedom, Fortune gọn hơn để có thể gia tăng thể tích của hầm chứa hàng. Fortune có 5 cần trục hàng (corne de charge) loại Universal Cargo Gear (UCG) có khả năng vận chuyển 10 tấn với những máy kéo électro-hydrolique áp xuất thấp. Về phần động cơ, thiết kế tổng quát giống như chiếc Freedom với động cơ Pielstick 16PC2V với công suất 8000 ch ở 500t/m và quay một chân vịt 5 cánh bán kính 5,27m.

Chiếc Fortune đầu tiên, Attica được bán cho một công ty Hy Lạp vào năm 1971. Ít được thông dụng như Freedom, Fortune cũng không thành công tuyệt diệu như Freedom dù rằng có đến 60 chiếc đã được đóng tại Nhật Bản chính yếu ở xưởng đóng tàu IHI (Tokyo) và kế đó ở Aioi, Nagoya và Yokohama giửa năm 1971 và 1982.

M/S Myra thuộc loại Freedom Mk2 đóng bởi IHI Yokohama năm 1979

Freedom MK 2

Khi những chiếc tàu Freedom được sản xuất trong 10 năm liên tiếp thì hãng IHI và GTR Campbell đã dự trù tung ra một kiểu tàu tiếp nối lớn hơn, nhanh hơn và được trang bị những cần tàu (mât de charge) giống như của chiếc Fortune, đó là chiếc Freedom Mk 2. Bù lại, Freedom Mk2 giử tính chất « tàu hàng đa dụng » nguyên thủy của thế hệ 1 với pont tàu nằm chính giửa dài suốt 5 hầm tàu. Những hầm tàu được đóng bằng những panneaux có thể xếp lại làm 2.

M/S Ntobep, Friendship cargo type đóng bởi IHI Tokyo năm 1982

Friendship

Friendship là một phiên bản khác của Freedom, được trang bị với hệ thống cần trục hàng tân tiến hơn. Tổng cộng chỉ có 34 chiếc được đóng ở Nhật trong khoảng 1978 và 1987.

Sơ đồ thương thuyền Freedom

Sơ đồ thương thuyền Freedom MK2
Sơ đồ thương thuyền Fortune