Bớt đi một trái

Bớt  đi  một  trái

Bình Nguyên Lộc

            Bọn họ về đến Thủ Đức là đã mười một giờ khuya. Sau khi viếng chợ đêm ngày Tết của Sài Gòn tưng bừng ánh sáng và màu sắc, họ trở về với chợ quận và có cảm giác là đang ở nhà lầu thì phải tuột xuống nhà tranh.

            Ánh sáng đô thành vẫn thấy đỏ rực trên trời đằng hướng Nam và nhìn vầng sáng ấy, họ nhớ đến những tà áo muôn màu họ vừa ngắm một giờ trước đây. Giờ đây, màu đen của y phục những người đi sắm Tết từ trong xóm ra, sao mà u buồn lạ.

            Những gian hàng, phần lớn thắp đèn dầu, sao mà trông nghèo khổ và bịnh hoạn vô cùng.

                        – Bây giờ ta phá cái gì cho vui đặng qua đêm chớ. Thạch đề nghị.

                        – Thì lại cũng cứ lăn dưa chớ còn trò gì nữa đâu. Công quyết định.

            Đó là một bọn con trai năm người, sống vào thời tiền chiến rất yên ổn ngày xưa, đã hưởng rất nhiều thú vui mà vẫn còn thấy thiếu.

                                    – Hồi sớm, tao để ý đến một hàng dưa do một con bé có duyên lắm trông nom. Không biết ở xứ nào tới mà coi bộ ngây thơ lạ. Ta có lăn dưa thì nên lăn dưa của con bé ấy và nếu có thể được, lăn luôn… nó cho vui trò.

                        – Mầy nói niết, ban ngày nó có coi hàng, nhưng tối lại thì ông già, bà già nó coi chớ còn đâu nó nữa.

                        – Ậy ! Mầy mới dốt phong tục. Ở chổ khác, dưa tứ xứ về bằng ghe. Trên ghe có cả ông già, bà già, con cái lu bù thay phiên nhau mà coi hàng. Ở chỗ ta không có sông, dưa về bằng xe bò. Xe bò đậu lâu không được. Tao thấy ông già, ổng đánh xe bò về hồi sớm.

                        – Bây giờ bắt thăm coi đứa nào phải lăn năm nay đây.

                        – Tao cho !

                        – Tao !

                        – Tao mới phải ; bốn năm liền tao chưa lăn lần nào hết.

                        – Năm nào mầy cũng kiếm cớ thoái thác. Năm nay lại tham. Tao biết mà, tại có con bé ấy. May là bây chưa thấy mặt nó đa mà còn giành như vậy. Nếu bây mà thấy như tao thì…

                        – Thì tao còn giành dữ hơn tụi bây nữa.

                        – Hơn bao giờ hết, ta phải rút thăm mới được.

                        – Coi chừng nó gian lận tụi bây ơi ! Nó đã thấy con bé rồi thì chết, nó cũng lập mưu mà lăn cho được. Phải kiểm soát cho gắt kẻo trúng phải lá « thăm tráo » của Từ Mậu Công.

            Bọn họ kéo nhau vào một quán cà phê ở dãy phố ngó vào một gian hàng ngỏ đó mà rằng:

                        – Đó, gian thứ nhì kế gian góc bên trái chợ.

                        – Đâu ? Con bé đâu ?

                        – Nó ngồi trong tối làm gì thấy được.

Phiên chợ Tết miền Nam Việt Nam trước 1975

            Trong bất kỳ chợ Tết của nơi nào, cả chợ Tết của Sài Gòn cũng vậy, nếu gian mứt, gian rượu sáng sủa sạch sẽ bao nhiêu thì gian hàng dưa, bưởi lôi thôi, tối tăm bấy nhiêu.

            Những gian hàng ấy luôn luôn ở cuối chợ và trông giống như những người bà con nghèo ở ngõ hẻm.

            Trước gian hàng mà Công chỉ, họ chỉ thấy một ngọn đèn dầu hôi đang un khói. Sau ngọn đèn, trên chiếc đệm, dưa chồng chất như kim tự tháp, nền lớn, ngọn nhỏ. Và sau dãy núi dưa, có lẽ con bé đang ngủ gục vì vào giờ nầy chỉ còn lưa thưa vài khách hàng đi mua nhang đèn, bánh, pháo thôi.

            Sợ Công gian lận, họ oản tù tì chớ không bắt thăm. Đê được thăm, anh ta nhảy ra liền khỏi tiệm.

            Lạ ! Năm ngoái anh bắt thăm trúng, tự cho là xui xẻo, vì đi ăn cắp dưa Tết có ngày phải ăn chổi chà. Nhưng năm nay anh lại mừng hùi hụi và cứ tự bảo là vận mình đỏ lắm.

            Đê bước đi những bước nhẹ nhõm, lòng thong thả không lo ngại gì hết vì anh thấy tán gái quê không gì khó cả.

            Không mấy chốc anh đã tới trước gian hàng, đặt chân lên đệm và dõng dạc hỏi to:

                        – Ai bán dưa ?

            Người chủ gian hàng bưởi bên cạnh là một người đàn bà đứng tuổi, vạch vách ngăn bằng đệm dòm qua. Bên nầy thì im lặng lạ lùng. Trong bóng tối, sau trái núi dưa hấu, đôi mắt như hai hột ngọc đang nhìn ra ngoài.

            Trong ánh đèn vàng úa, Đê thoáng thấy một gương mặt không đẹp mà dễ thương, hiền hậu mà không khờ khạo tí nào. Gương mặt ấy đương bình thản nhìn anh ta hơi mỉa mai kiêu ngạo một chút.

                        – Dưa bao nhiêu một chục cô ?

                        – Dạ, bán rẽ cho thầy chín đồng.

                        – Sao lại bán rẽ cho tôi ?

                        – Vì có lẽ thầy không biết trả lên, trả xuống, em không nỡ nói thách.

            À ! Con bé quá quắc lắm. Nó dùng tiếng « không nỡ » là khinh mình đây ! Đê nghĩ rồi nói:

                        – Chín đồng một chục thì chạy chín cắc một trái. Như vậy mà cô bảo là bán rẽ cho tôi. Má tôi mua dưa cỡ nầy ba cắc một trái thôi.

                        – Thầy làm toán chia tài dữ ! Chín đồng một chục, mà ra chín cắc một trái…

            Bây giờ Đê đã ngồi xuống. Chàng ta nhìn cô gái để đợi cái phút cô lo ra đặng thi hành kế quỉ. Nhưng cô gái vẫn không nhìn đâu khác hơn là người khách hàng nữa đêm.

                        – Thì một chục là mười, nếu có đầu là mười hai, thì chín cắc một trái có lẽ là tạm trúng rồi chớ gì.

            Nghe câu đó, cô gái không nghiêm trang được nữa, rũ ra mà cười.

            Đê không thèm để ý, liếc mắt dòm lại sau lưng mình thì thấy bạn hữu đã đưa nhau đứng gác từng khoảng cách nhau sáu thước.

            Cô bé cười híp mắt, lắm khi rũ xuống.

            Đê thừa dịp tốt, lấy tay hất một trái về hướng Công, người đứng đầu trong sợi dây xích ăn cắp dưa nầy.

            Đây là một bọn trai trẻ con nhà giàu, chơi trò lăn dưa cho vui vậy thôi, không nghĩ là mình ăn cắp và không thấy ghê tởm khi làm công việc nầy.

            Lăn xong một trái, và chắc bụng là bạn hữu đã chuyền mà đưa trái dưa ấy đi xa. Đê làm bộ ngạc nhiên hỏi:

                        – Sao cô lại cười tôi ?

                        – Thầy đi mua dưa mà không biết dưa hấu một chục mấy trái thì lầm chết.

                        – Chớ cô nói một chục mấy trái ?

                        – Dưa hấu thì một chục hăm bốn trái.

                        – Dữ vậy à ? Đê ngạc nhiên thật tình mà nghe con số kỳ dị nầy.

                        – Lại còn thứ trái cây một chục mười sáu trái. Chục trầu thì chỉ có hai lá thôi. Ấy ! Chục của ta nó rắc rối lắm, cô bé nói thêm.

                        – Trời ơi ! té ra tôi còn non. Cũng may là đi mua dưa thôi, chớ đi coi vợ mà khờ khạo như vầy thì « lầm chết », đúng y như cô vừa nói.

                        – Không sao, thầy đừng lo. Một cô gái hai mươi tuổi thì vẫn hai chục tuổi. Vì tuổi tác không có chục mười sáu, chục hăm bốn mà lo.

                        – Nếu có chục hăm bốn thì tôi, tôi đoán là cô chưa đủ chục, có phải không cô ?

                        – Cái đó là việc khác, không ăn thua đến vụ mua dưa.

            Đê một lần nữa nhận ra gái quê dạn nói cà rỡn hơn gái chợ trong dịp trêu ghẹo của con trai. Họ bộc lộ hơn gái chợ, lắm khi rất trây trớt và có lẽ nhờ thế, họ không bị uất khí và ít sa ngã.

            Bấy giờ Đê đã lăn đến trái thứ năm. Mấy anh kia, bắt dưa dính như thủ môn giỏi bắt ba lông, và đưa dưa đi tài tình như trên bải cỏ, các cầu tướng « giao nhỏ ».

            Cô bé mảng cà rỡn mà không thấy gì hết.

            Đê làm bộ lập nghiêm vì thấy cô gái cũng là tay bản lĩnh, tán láo không được. Anh hỏi qua về quê quán, gia đạo cô gái, hẹn gặp nhau năm tới và tiếc phải chia tay.

                        – Năm tới có lẽ ba em sẽ đi chợ khác. Cái nghề dưa nầy không thể nào bám mãi một chợ được. Mỗi năm phải tiên đoán coi chợ nào ít người bán mà vào, rủi đụng đầu với nhau nhiều thì nguy.

            Đê cũng hơi bùi ngùi, đứng dậy nói:

                        – Rất tiếc không mua giúp cô được, vì tôi ngỡ một chục mười trái nên thiếu tiền.

                        – Không hề gì, thầy lấy chơi năm trái, thì trả tiền năm trái là xong.

            Đê bủn rủn tay chơn, muốn té quỵ xuống. Không phải vì anh ta sợ tốn tiền. Cũng không phải sợ tội ăn cắp. Nhưng bị một cô gái như thế lột mặt nạ một cách bình tỉnh như vậy khiến anh ta kinh khủng không biết ngần nào.

            Anh ấp úng :              

                        – Tôi… thử… xem cô có lanh mắt không.

                        – Em vẫn biết thầy thử, nên em cố lơ đãng cho vui trò vậy mà !

            À ! Nó khéo lắm, con bé ấy. Thế mới chết !

                        – Dạ (Đê thấy cần phải lễ phép), dạ, bây giờ cô tính bao nhiêu cô ?

                        – Dạ, dưa mua thì tính giá khác. Còn dưa ăn thử thì cứ một đồng một trái, lấy rẻ thôi.

                        – Con bé mắc dịch ! Đê rủa thầm. Nhưng nếu nó đòi mười đồng một trái, mình cũng phải trả, chớ dám nói gì.

            Khi Đê theo kịp bạn hữu, anh ta mặt bí xị và làm thinh mãi, không họa theo họ mà reo đắc thắng.

                        – Sao ? Có nước mẹ gì không mà coi bộ sò thế ? Tạo hỏi.

                        – Có nước con thì có, chớ nước mẹ gì.

            Công ngắt, chận lại nói :

                        – Các anh à, bọn bán dưa họ biết cái ngón của mình nên đề phòng dữ. Cứ mỗi năm, ta làm kém năm rồi một, hai trái.

                        – Mỗi năm bớt đi một trái dưa cũng chưa nguy. Tôi sợ năm nay phải bớt đi một người trong bọn ta ! Đê than.

                        – Anh định bỏ chúng tôi đi lăn con bé à ?

                        – Không lăn nó, mà chính tôi tự lăn vào nó đấy !

                        – Úy mẹ ơi ! Một cậu trong bọn mình si tình rồi đây, bây ơi !

                       – Không si tình sao được, các anh. Phải chi các anh có bị đánh như tôi, nó vừa đánh, vừa vuốt ngực thì mới biết.

                        – Nó đánh bằng chổi chà hay bằng gì ?

                        – Bằng cái đòn tinh khôn mà rất dễ thương của nó !

PHIM « ILE DE LUMIÈRE »

Phim « ILE DE LUMIÈRE »

Cuốn phim  » Ile de Lumière  » về chiếc tầu được đặt tên là Đảo Ánh Sáng, đã cứu vớt hàng trăm ngàn boat people Việt Nam sẽ được trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia Pháp France 2 , 23H05 đêm thứ ba 20/02/2018.
Ông Nicolas Jallot. Ảnh GettyImages

Cuốn phim của điện ảnh gia Nicolas Jallot đã gây xúc động lớn khi trình chiếu trong Đại hội Quốc Tế Phim Ảnh Lịch Sử ( Festival International du Film d’Histoire ) tại Pessac ( Pháp ) tháng 11 vừa qua.

Trong 65 phút, cuốn phim đã thuật lại cuộc vượt biển hãi hùng của hàng triệu người Việt đi tìm tự do khi Cộng Sản xâm chiếm miền Nam VN .

Nhiều khán giả tại đại hội đã không cầm được nước mắt, nhưng cũng đã hãnh diện vì dân tộc Pháp, trong dịp này, đã bày tỏ tinh thần quảng đại, nhân đạo đáng cảm phục.

Nicolas Jallot nói, trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh France Inter, có nước Pháp trước và sau Ile de Lumière. Trước Ile de Lumière, người Pháp thường chia rẽ, tranh cãi về mọi vấn đề. Ile de Lumière là trường hợp hi hữu tất cả xã hội Pháp đã ủng hộ hết lòng một chương trình nhân đạo.

Trước Ile de Lumière, nước Pháp chia ra hai phe, tả và hữu. Những gì phe tả ủng hộ, phe hữu chống , và ngược lại. Với Ile de Lumière, hai lãnh tụ trí thức , hai triết gia hàng đầu của Pháp, Jean Paul SARTRE, lương tâm của tả phái, và Raymond Aron, lương tâm của hữu phái, sau 30 năm bút chiến gần như hận thù, đã bắt tay nhau, vào điện Elysée để yêu cầu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đón nhận boat people.

Sartre trước đó đã từ chối giải Nobel văn chương, từ chối gặp gỡ bất cứ một chính trị gia nào bị ông ta cho là phản động.

Lần đầu tiên tất cả báo chí thuộc mọi khuynh hướng đều nồng nhiệt ủng hộ một chương trình nhân đạo. Trừ một bài báo rụt rè trên tờ L’Humanité của Đảng Cộng Sản Pháp, tờ báo vốn bênh vực ngưòi anh em Cộng Sản Việt Nam một cách nhiệt thành hơn, chỉ trích các đảng phái chính trị khác đã « lợi dụng một thảm kịch để bôi nhọ cuộc chiến đấu của người Cộng Sản VN ». Nhưng đó chỉ là tiếng nói trong sa mạc

Trước một phong trào nhân dân nhất trí chưa từng có, tổng thống Pháp đã quyết định đón nhận, giúp an cư lạc nghiệp cho 130.000 boat people, mặc dù chính sách của ông lúc đó là hạn chế tối đa di dân vì nước Pháp đang gặp khó khăn kinh tế và vấn đề di dân đã bắt đầu rắc rối trong xã hội Pháp.

Nicolas Jallot nói sau đó, nước Pháp đã đón nhận 300. 000 thuyền nhân, và họ đã hội nhập , thành công, đóng góp cho xã hội Pháp, không gây một vấn đề gì.

Nicolas Jallot là một điện ảnh gia, một tác giả chuyên về những vấn đề hậu Cộng Sản. Ông đã viết hàng chục cuốn sách và nhiều phim tài liệu về Nga, Đông Âu, nhất là giai đoạn sau khi bức tường Berlin sụp đổ.

Ông nói lần đầu, thực tế phũ phàng về thiên đường Cộng Sản đã đập vào mắt người Pháp. Trước đó đã có những tác phẩm tố cáo, như những tác phẩm của Soljénitsyne, nhưng không có gì gây ấn tượng mạnh hơn là những hình ảnh.

Mỗi ngày, trong mỗi gia đình, người ta theo dõi hoạt động của con tàu Ile de Lumière, không cầm được nước mắt trước địa ngục trần gian và hãnh diện thuộc một dân tộc đã đứng ra cứu vớt người tị nan.

Hình ảnh boat people lần đầu đến với người Pháp đầu tháng 11/ 1978 với phóng sự về tàu Hải Hồng, một con tàu chờ 2500 thuyền nhân bị chặn ở biển, không được phép vào hải phận Malaysia.

Hai ngàn 500 người đói khát, bịnh tật giữa trùng dương. Từ đó, các phóng sự liên tiếp trên các đài truyền hình nói về thảm cảnh của hàng triệu người Việt Nam bất chấp sóng biển, hải tặc cướp bóc, hãm hiếp đã vượt biển tìm tự do, chạy trốn một xứ sở mà trước đó báo chí thiên tả nói vừa được giải phóng.

Cả một thế hệ người Pháp, chứng kiến trực tiếp cuộc chạy trốn kinh hoàng của người Việt, đã coi như được chích ngừa vĩnh viễn giấc mộng « xã hội chủ nghĩa » kiểu Marx, Lénine.

Hình ảnh bi thảm của thuyền nhân tàu Hải Hồng đã khiến Bernard Kouchner, một « French doctor » nổi tiếng về những chương trình nhân đạo ở Phi và Á Châu, nghĩ đến việc tạo con tàu Ile de Lumière đi cứu vớt thuyền nhân lênh đênh ngoài biển cả.

Sáng kiến của bác sĩ Kouchner được cả nưóc Pháp ủng hộ , khởi đầu là các nhà trí thức, nghệ sĩ tên tuổi như Michel Foucault, André Gluckmann, Yves Montand, Simone Signoret.

Ile de Lumière đã tuần tiễu cả vùng biển Đông Nam Á để cứu, chăm sóc và định cư hàng trăm ngàn thuyền nhân, mở đầu cho nhiều con tàu khác, nhiều chương trình nhân đạo lớn lao khác.

Sau 1975, đã có hàng triệu người vưọt biển. Ít nhất một phần ba đã bỏ mình trên biển cả.

Việc một đài truyền hình quốc gia chiếu một cuốn phim về thuyền nhân VN chứng tỏ, với công luận thế giới, đó vẫn còn là một thảm kịch lớn nhất trong lịch sử cận đại.

http://www.danchimviet.info/phim-ile-de-lumiere/02/2018/8752/

Xem thêm tài liệu :

https://www.youtube.com/watch?v=IL5Eh3sk9rk

https://www.youtube.com/watch?v=CnCCuuQ_k5Y

https://vimeo.com/232827503  – un film de Nicolas Jallot

https://www.france.tv/documentaires/histoire/412981-infrarouge-l-ile-de-lumiere-quand-la-france-sauve-les-boat-people.html

 

 

Tôi ăn thịt chó !

TÔI ĂN THỊT CHÓ !

Lê Châu An Thuận

Tôi là dân Nam Kỳ nhưng tôi có nhiều bạn thân là người Bắc và Trung, anh em thường họp mặt để trao đổi bài vở học ở trường, rủ nhau đi coi hát, uống nước miá, đi cắm trại, đi làm các công tác xã hội, có khi gặp nhau để đánh bài và người nào thắng thì lấy “vốn” lại và số tiền “kiếm được” đải anh em ăn cháo trắng hột vịt muối…

Cả đám cùng đậu Trung học đệ nhất cấp chương trình Pháp, lấy bằng Brevet xong, chẳng qua để cho cha mẹ vui lòng, chớ bằng cấp nầy không giúp chúng tôi để bước vào đời được; và anh em chúng tôi thoải mái vui chơi khi học năm lớp đệ tam, classe de seconde; có cái không vui là một bạn thân của nhóm rớt năm rồi, anh ta học có vẻ khổ sở quá và cha mẹ rầy la mỗi ngày nên anh em họp kín là làm sao thi giúp cho anh ta; tôi nghe xong đổ mồ hôi vì tánh của tôi “nhát” lắm mà anh em lại nhắm vào tôi cùng góp sức trong phi vụ nầy. Không ai bắt buộc ai nên tôi từ chối vì nghĩ tương lai của mình sẽ mù mịt nếu dính vào vụ nầy. Sau nhiều ngày, nhiều tranh cải tôi xiêu lòng giúp một tay… Tôi chọn sẽ đứng ra thi vấn đáp một môn mà thôi và anh em đồng ý.

Có anh bạn làm giả cho mỗi người tham gia một thẻ học sinh có tên anh bạn thi rớt, tôi cũng có một thẻ học sinh như vậy, anh ta đúng là dân chuyên môn, nhìn kỹ thẻ học sinh, bạn không thấy một sơ hở nào, tất cả đều dưới tên anh bạn ngoại trừ tấm hình là của tôi; anh chàng chọn thi viết giúp cho bạn là một anh chàng lỳ không thể nói, sau nầy anh ấy là một kiến trúc sư, còn tôi vào vấn đáp cũng vất vả không kém vì quá run sợ, bắt được câu hỏi xong tôi không e ngại gì vì tôi dư khả năng trả lời các câu hỏi, và may mắn thay khi gặp vị giám khảo, tự nhiên tôi bạo dạn và hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ” được giao phó. Kết quả anh chàng “quỷ” nầy lấy được bằng Brevet. Tôi về và khi nhớ lại sự việc nầy tôi bịnh mấy ngày và không ngớt chửi thằng bạn, cũng không dám nói cho anh tôi biết.

Khi cả nhóm đậu tú tài, tụi bạn rủ đi ăn và anh chàng mà trước đây chúng tôi thì dùm đải anh em chúng tôi một bữa ăn Nai Đồng Nội ở khu vực Trương Minh Giảng – Saigon. Vào tiệm ăn thay vì Thịt bò bảy món thì chúng tôi ăn Nai bảy món, tôi cảm thấy hôm nay ăn ngon miệng quá, miếng thịt nào họ chế biến cũng ngon gồm nai luộc, nướng, dồi… ăn với mắm tôm, tôi thì ăn với nước mấm, mấy thằng bạn Bắc kỳ cứ thúc dục ăn nai phải uống thêm chút rượu cho tiêu hóa tốt. Tôi nhớ còn rầy tụi nó là tụi bây còn nhỏ mà bày đặt uống rượu.

Món cuối cùng đưa lên là cháo………… trời đất ơi, tôi muốn xĩu ngay tại chỗ vì cháo có cái đầu lâu của chó nữa. Xin lỗi mấy bạn, tôi chạy ra ngoài ói, ói và ói đến mật xanh, mật đỏ gì đó tôi cũng không biết và không thèm nói gì với ai tôi leo lên xe đạp, đạp về nhà một mách và suy nghĩ tôi quá là ấu trĩ và khờ khạo khi tin chúng bạn, nhất là mấy thằng bạn Bắc kỳ của tôi. Tôi không quan hệ với chúng bạn trên ba tháng! Đây phải là lần đầu và lần cuối tôi ăn thịt chó.

Sau nầy khi đi lính, vào khoảng cuối năm 1972 khi chiến hạm công tác vùng 4 Duyên Hải, vị Tư Lịnh Vùng lúc đó là một ông Đại tá mà người ta gán cho cái tên là “cao bồi” vì ông có nhiều quyết định cao bồi lắm trong nhiều lãnh vực, tôi thì vô thưởng vô phạt, tôi chỉ biệt phái công tác trong vùng của ông một thời gian, xong công tác là về Saigon nên tôi kính trọng ông và không có gì để than phiền ông, và ông đối đãi với anh em chúng tôi rất là đúng mực. Xong một chuyến tuần tiểu ngắn ngày, về lại căn cứ của vùng tôi được một sĩ quan trên bờ báo cho biết là Tư Lịnh mời ăn cơm chiều vào ngày hôm sau. Thật ra ăn là để xã giao chớ ăn với các “quan lớn” thì có vui vẻ gì.

Trong phòng ăn có các sĩ quan tham mưu của vùng, một anh Hạm Trưởng khác biệt phái như tôi, có một nhóm thầy cô giáo và nữ sinh Rạch Giá thăm Phú Quốc. Các món ăn gồm các loại hải sản phong phú của biển, cá các loại, ghẹ luộc, tôm, mực, ốc, gỏi, và ngon nhất có lẻ là con biên mai, là một loài sò chỉ có vùng biển nầy mới có, đúng hơn là còi của con biên mai ngon lắm.

Ông Tư Lịnh vui vẻ, và hết món ngon nầy đến món ngon khác được đưa lên bàn để đãi khách, trong đó có nai của vùng nầy mà ông và các sĩ quan khác của ông không ngớt đề cập đến. Tôi ăn và uống cầm chừng và rất giữ kẽ, vì ông là người BẮC và lại đề cập đến món NAI, hai chữ đó nó làm tôi liên tưởng đến lần bị gạt khi còn đi học. May mắn cho tôi là món nai đã trên dĩa ăn của tôi, do nài ép của nhiều người, nhưng một anh bạn cùng học trường Việt Nam Hàng Hải với tôi, hiện là sĩ quan của vùng nháy mắt ra hiệu cho tôi (hiện anh đang ở Chicago, Illinois). Tôi vừa mới nói chuyện với anh trước khi viết bài nầy. Tôi hiểu ngay và món nai đó không làm tôi mắc bẩy như lần trước, tôi nghĩ thầm “xưa rồi tám”. Sau đó thì bí mật về nai cũng được “bạch hóa” sau buổi ăn tối, nhưng tôi đã cao bay xa chạy rồi vì một công tác khẩn ngay trong đêm.

Tội nghiệp các cô giáo và một số học sinh nữ cảm thấy “đau khổ” như tôi trước đây.

Tôi biết rằng ăn hay không ăn thịt chó là một đề tài gây tranh cãi. Không ai có quyền lên án một sở thích của ai!

Nhưng tại sao lại ăn thịt chó? Theo thống kê mỗi năm 5 triệu con chó bị ăn thịt tại Việt Nam.

Theo tôi thật là tàn nhẫn khi ăn thịt chó vì chó thông minh, có tình có nghĩa hơn biết bao nhiêu con người!

Hy vọng sẽ có thay đổi tích cực trong xã hội Việt Nam chúng ta trong thời gian tới.

Houston, ngày mưa 7 tháng 2 năm 2018