Có những cánh buồm lạc hướng tâm hồn dạt sóng đi xa Lênh đênh sông hồ để bến mong chờ từ bao năm qua …
(Cánh buồm chuyển bến – Hoài Linh)
Những cánh buồm dùng sức đẩy của gió để di chuyển những con tàu xuôi ngược khắp đại dương là phương tiện ít tốn kém nhứt từ ngàn xưa đến bây giờ, được kiến tạo bằng vải thô nặng nề căng trên những cột buồm cao ngất trong thời kỳ xa xưa được thay thế bằng những vật liệu hiện đại nhẹ nhàng và dễ xử dụng, ít cần đến sức người trong thời nay. Những cánh buồm căng phồng lênh đênh lướt sóng xa xa trên biển trong buổi chiều tà êm ả gợi lên nổi sầu man mác, cũng là nguồn cảm hứng trong văn chương:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa…
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Tuy nhiên trên thực tế, hệ thống những giây néo giữ cột buồm dần dần tỏ ra không thích hợp với công việc chuyển vận hàng hóa nên những nhà kiến trúc hàng hải nghĩ ra những thiết bị khác đơn giản hơn và hiệu quả hơn.
Hãng đóng tàu Đức quốc ENERCON chuyên đóng những loại tàu chuyên chở cánh quạt gió khổng lồ đã nghĩ đến việc khai quật lại nguyên tắc của con quay (rotor) Flettner để làm sức đẩy phụ và áp dụng cho chiếc tàu E-ship 1 trọng tải 10000 tấn, dài 132m, rộng 22,50m, được trang bị 4 rotor (2 ở phía trước và 2 phía sau) với chiều cao 27m và rộng 4m.
Rotor Flettner nhìn từ xa giống như một ống hình trụ xử dụng hiệu ứng Magnus, xin được nhắc lại là khi một ống hình trụ quay tròn trong một luồng gió sẽ phát sinh ra một lực thẳng góc với luồng gió.
Vào đầu thập niên 20, kỹ sư hàng không Đức Anton Flettner (1885-1961) đã nghĩ ra ý định áp dụng hiệu ứng nầy vào sức đẩy của tàu biển. Năm 1922, ông trình bằng sáng chế rotor-ship và áp dụng trên chiếc tàu ba cột buồm bằng thép Buckau được mua lại. Buckau dài 47,50m, rộng 8,7m, tirant d’eau (mớn nước) 3,8m được đóng vào năm 1920 ở Hambourg bởi xưởng đóng tàu Friedrich Kruup AG Germaniawerft. Dàn cột buồm được tháo gỡ xuống và thay thế bằng 2 ống hình trụ bằng thép nặng 7 tấn, chiều cao 15,25m ( 12,8m thấp hơn những cột buồm nguyên thủy), đường kính 2,75m. Mỗi rotor được vận chuyển bởi một động cơ điện công suất 11kW cung cấp bởi một hệ thống máy phát điện chạy bằng Diesel công suất 45cv, nó có thể vận chuyển những ống hình trụ theo hai chiều khác nhau. Những rotor nầy tương ứng với 10% diện tích cánh buồm cổ điển với sức đẩy tương đương, cường độ sức đẩy của nó tùy thuộc vào vận tốc quay của chính nó và vận tốc của gió. Chiều của lực tổng hợp thẳng góc với chiều của gió và tùy thuộc vào chiều quay của rotor. Sự vận chuyển của tàu Buckau cũng dễ dàng khi di chuyển với gió ngược, khi hải hành xoay mạn chỉ xoay với góc 25 độ tối đa bên phải và bên trái của hướng gió thay vì 45 độ đối với cánh buồm cổ điển (tàu buồm không thể di chuyển đối đầu với gió ngược mà phải chạy theo hướng zigzag với góc 45 độ với hữu mạn hoặc tả mạn với hướng gió, tạm gọi là hải hành xoay mạn). Hướng gió lý tưởng là gió ngang vì như thế lực tổng hợp phát sinh do hiệu ứng Magnus sẽ hướng về phía trước hoặc sau tùy theo chiều quay của rotor.
M/S Buckau
Tàu Buckau cũng đã dự thi cuộc đua với tàu buồm Anon, cùng kiểu với nó trước khi được biến đổi, giửa Dantzig và Leith qua kênh đào Kiel. Kết quả, chiếc Buckau thắng cuộc, đến trước sau khi hứng chịu hậu quả do thời tiết xấu, có lúc phải ngưng xử dụng rotor. Anton Flettner trở thành sở hữu chủ của chiếc Buckau và đổi tên nó thành Baden-Baden năm 1926. Cũng trong năm đó, ông được nổi tiếng trong chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương. Khởi hành từ Hambourg ngày 2 tháng Tư tiến vào hải cảng New York ngày 9 tháng Năm được nhiều người quan tâm, sau khi ghé bến ở Canaries.
Tuy nhiên dự án kể trên không gây nhiều ảnh hưởng mà nó xứng đáng, chính yếu do giá nhiên liệu giảm giá thấp và do tính chất của hướng gió không nhất định nên dự trù lịch trình đi đến của con tàu không thể xác định được. Flettner sau đó chú tâm đến dự án khác, khi đó Baden-Baden được bán lại và được trang bị lại trở thành tàu buồm cổ điển như lúc nguyên thủy và nó bị đắm ở Caraïbes năm 1931.
Thế nhưng, sau đó một công ty cở lớn Hambourg Amerika Linie có dự định đầy tham vọng đã đặt mua 10 chiếc tàu trang bị cánh buồm con quay với xưởng đóng tàu Deschimag-Weser ở Brême, nhưng sau cùng chỉ có một chiếc được đóng xong, chiếc Barbara dài 89,70m, rộng 13,20m, trọng tải 3020 tấn. Barbara được trang bị 3 rotor to lớn cao 17m, đường kính 4m quay với vận tốc 150t/m bởi một động cơ điện công suất 17kW và được thiết kế phân phối từ trước ra sau. Chiếc tàu chạy trên đường Đức – Địa trung hải trong 6 năm, sau đó nó được mua lại bởi công ty Đức Bugsier năm 1933 và được đổi tên lại trở thành Birkeneau, dàn rotor bị tháo bỏ. Sau đó nó được bán lại cho công ty Đan Mạch Ove Skou vào năm 1947, nó được đổi tên lần nữa thành Else Skou. Nó được bán lại lần nữa cho một thuyền chủ Hy Lạp vào năm 1963 với cái tên mới Fotis P. Sau cùng nó được đổi tên lần nữa thành Star of Riyadh vào năm 1947 và bị đắm vào năm 1978 ngoài khơi Djeddah.
M/S Barbara
Trong cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ hai, hình ảnh cánh buồm hình ống lại tái xuất giang hồ trên chiếc tàu thí nghiệm Alcyone được đóng vào năm 1987 do Thuyền trưởng Cousteau làm sở hữu chủ. Cánh buồm hình trụ được gọi là Turbovoile từ xa trông giống như rotor Flettner nhưng thật ra nó giống cái cánh máy bay dựng thẳng đứng, không quay nhưng có thể xoay chiều được, cao 10m, rộng 2m. Lực đẩy tổng hợp được thành hình do sự khác biệt của áp xuất không khí của hai bề mặt của hình ống. Alcyone được đóng bằng nhôm vào năm 1986 ở La Rochelle theo họa đồ của André Mauric và Jean Charles Nahon. Alcyone mang hình dáng kiểu cổ điển, thật vững, có thể đạt đến tốc độ 10 gút, khi chỉ vận chuyển bằng 2 turbovoile với sức gió 30 gút (knot). Trong điều kiện hải hành bình thường, hai máy diesel được vận dụng thì có thể tiết kiệm từ 25% đến 35% nhiên liệu. Nhưng một lần nữa, giá dầu lại hạ thấp nên dự án trên không gây sự chú ý và bị bỏ xó.
M/S Alcyone
Gần đây, cánh buồm con quay (rotor sail) xuất hiện trở lại trên kiến trúc của tàu biển. Hăng tàu của Đức-Đan Mạch đã ký một thỏa ước với nhà chế tạo Norsepower để thiết kế một cánh buồm con quay trên chiếc ferry Copenhagen được khai thác giữa Rostock (Đức) và Gedser (Đan Mạch). Rotor nầy cao 30m, đường kính 5m.
Hai công ty Phần Lan Wärtsilä và Norsepower đã ký một thỏa ước phát triển khai thác hệ thống cánh buồm con quay. Norsepower có thể đặt hàng những công việc bảo trì ở hãng Wärtsilä và phần khác thì Wärtsilä co thể theo dõi và bán những dự án của cánh buồm con quay (rotor sail). Được tung ra thị trường năm 2014, cánh buồm con quay của Norsepower là một kiểu mẫu tân tiến của nguyên tắc con quay Flettner, một ống hình trụ quay xử dụng hiệu ứng Magnus để tăng cường sức đẩy của con tàu. Hệ thống nầy đã được thiết kế trên ba chiếc tàu: chiếc ferry Viking Grace (Viking Line), tàu chở xe Estraden và tàu chở hóa chất Maersk Pelican. Ngoài ra, hệ thống nầy cũng sẽ được dự tính thiết kế trên chiếc ferry Copenhagen (Scandlines).
Tôi sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, nói đến Nha Trang không thể không nhắc đến Biển. Dù cuộc sống “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh à” như từng lớp sóng lúc rì rào êm nhẹ, lúc ầm ĩ dữ dội đưa đẩy tôi trôi dạt tới các bến bờ xa lạ; dù sống ở đô thị mịt mù khói… xăng hay núi cao mờ ảo sương sớm thì Biển vẫn luôn bên cạnh tôi, vỗ về, dỗ dành những lúc tôi tưởng chừng kiệt sức, cho tôi hiểu những giọt lệ có chút vị mặn mặn từ mắt mình nhỏ xuống quá nhạt nhẽo so với vị mặn mà của Biển cả bao la…Tôi luôn hướng về Biển mỗi khi khó khăn để như một “cánh buồm” mới, nương gió mà lướt sóng; tôi tìm về Biển cả những lúc thanh thản để cảm thấy hạnh phúc của mình được bay bổng hơn, trải rộng hơn…
Thuở bé sáng nào tôi cũng theo má tôi ra biển, hòa vào làn nước bằng vòng tay “đu” vào cổ má tôi; má tôi bơi rất cừ, hình như cả “xóm trên” từ công viên Yến Phi ( trước tòa Tỉnh ) đến viện Pastuer thời đó không ai bơi giỏi bằng má tôi, cả những thanh niên cũng không thể bơi dẻo dai bằng người phụ nữ trên 50 tuổi lúc nào cũng có một con nhóc bám chặt trên lưng. Tôi lười tập bơi, không thích đeo cái “pis-cy” bằng ruột xe hơi hay ruột xe Vespa mà chỉ thích bám vào cổ má tôi, đôi chân đạp tung tóe nước; cho đến cuối năm lớp 6 khi sức nặng của tôi đôi lúc làm má tôi nghẹt thở và khoảng cách từ bờ ra xa ngắn dần tôi mới chịu thả tay ra khỏi cổ bà mà tự bơi một mình.
Khi còn ở Trường Nữ Tiểu Học, trường không xa nhà mấy nhưng tôi lúc nào cũng xém trễ vì cái tội mê tắm không lo về đi học, có khi gần đến giờ, về nhà chỉ kịp xối ào 1 gàu nước rồi “xộc” cái áo đầm vào, cũng may tôi có nhỏ bạn cùng lớp ở gần nhà, ba nó và còn anh tôi thay nhau chở 2 đứa đến trường mới kịp giờ vào lớp. Chuyển qua Nữ Trung Học đoạn đường xa hơn, cần phải ôn bài trước khi vào lớp kỹ hơn, mặc áo dài tốn nhiều thời gian hơn…nhưng tôi cũng không bỏ biển. Có lẽ trừ những ngày mưa bão, mỗi năm 365 ngày thì tôi có mặt ở biển đến hơn 300 ngày; trong khi các bạn cùng lứa đã biết “điệu”, biết chăm sóc dáng vẻ con gái dậy thì thì da tôi đen sạm, chân tôi nứt nẻ, tay tôi nhăn nheo, tóc tôi khô cháy, xác xơ vàng hoe chẻ ngọn à tôi không quan tâm, chỉ lo trời mưa không ra biển được. Ngày khai trường vào lớp Đệ Thất Ba tôi bận việc, sau buổi tắm biển từ tờ mờ sáng, tôi vừa đi vừa chạy gần nửa tiếng mới đến được Trường Nữ mới, ngay buổi chào cờ đầu tiên, trong khi Cô Hiệu Trưởng đọc diễn văn Khai giảng thì dưới này tôi…xỉu vì say nắng, các cô giáo vội đưa tôi vô phòng y tế chăm sóc. Gần một giờ sau khi tôi hồi phục, cô Hoàng (vợ GS Phạm Tấn Phước chứ không phải cô Mỹ Hoàng vợ GS Thái Huy Bào ) phải đưa tôi về nhà. Từ đó ba tôi không để “con gái rượu” đi bộ đến trường nên mỗi ngày phải có người trong nhà đưa đón. Hai năm học ở Trường Nữ Trung Học mới nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng và ba năm ở Trường Nữ cũ ở đường Lê Văn Duyệt có lẽ tôi chỉ “được” đi bộ từ Trường về nhà khoảng 5 lần với cô bạn gần nhà xinh đẹp hiền lành với cái tên mỹ miều Lê thị Thúy Kiểu và 2 lần với cô bạn lanh như sóc giống con trai kể cả cái tên nếu bỏ đi chữ “Thị” : Phan Thị Sơn khi có tiết nghỉ đột xuất. Tôi thích ba tôi đưa lẫn đón hơn anh trai hoặc ông tài xế hay làm ra vẻ vội vàng vì ba luôn sẵn lòng chở thêm vài cô bạn của tôi đi cùng và tôi có thể vòi vĩnh ba quẹo vòng ra đường Duy Tân 1 tí để xem biển sóng lớn hay sóng nhỏ, nước đục vàng hay trong xanh…. Trong khi hằng ngày theo má tôi vẫy vùng trong làn nước thì trong suốt ký ức của mình tôi chưa lần nào thấy… chân Ba tôi ướt vì nước biển. Ông chỉ thích ngồi trên những chiếc ghế bố có dù che để ngắm biển, hóng gió và nhâm nhi ly bia hay cốc Johnny Walker với con mực khô nướng thơm lừng lựng. Ba tôi không thích tắm biển, ông thường “dọa” tôi trong nước biển có nước…tè ! Nhưng tôi biết ông rất thích biển bằng chứng là hàng tháng khi chở cả nhà vào Phan Rang thăm ông Nội tôi, ba tôi thường “làm một vòng” qua biển Ninh Chữ hay ghé Cam Ranh uống nước dừa ngắm biển còn anh em tôi thi nhau bắt còng, nghịch cát… cũng như mỗi ngày rằm hay mùng một gì đó ra mộ bà Nội tôi thắp nhang ở đường Quốc Lộ 1 ngoài cầu Xóm Bóng, trước mặt nghĩa trang Phật Giáo này có một con đường nhỏ đâm ra Bãi Dương, ba tôi cũng luôn tiện “quẹo một cái” để tìm chút gió biển và tôi thì tha hồ nhặt vỏ sò cùng san hô dày đặc trên bãi. Tôi là “dân Chợ Đầm” chính hiệu nhưng lúc ấy lại quen thuộc với từng khe đá, biết lối tắt để trèo lên tảng đà lớn nơi có “bàn tay” nhanh nhất, biết chỗ nào có những con hào bám trên đá nhiều nhất… Thỉnh thoảng ba tôi cũng “tiện chân” đạp ga băng qua đèo Rù Rì để ngắm khoảng trời nước xanh ngắt với đường cong của bờ cát mịn màng có cái tên hơi giống…Tàu : Lương Sơn !
Ba tôi là thầu khoán, tôi nhớ khoảng năm tôi lớp 6, ba tôi đang nhận thầu xây nhà đèn ở gần Cầu Đá, thường ngày ông đi đến công trường bằng chiếc xe Jeep đen còn chiếc Peugeot trắng để đi giao dịch hoặc chở cả nhà đi chơi. Tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng “khôn” lắm, biết chiếc Jeep trống trải nhìn vào thấy ngay người ngồi trên xe nên có lần tôi dấu chìa khóa chiếc Jeep, ba tôi phải lấy chiếc Peugeot đi làm không biết tôi đã “ém” mình ở dưới băng ghế phía sau. Xe ngừng, ba tôi vừa đưa tay mở cửa xe thì phía sau tôi chồm người “hù”, ông giật bắn người rồi đành… lắc đầu cười và kéo tôi băng qua đường ra phía bãi biển; bãi nơi này vừa cách đường xa cái, vừa vắng người, rừng cây dương um tùm che mất màu xanh của biển, ông dọa lần sau mà theo ba kiểu này ba sẽ bỏ lại đây luôn, tôi không sợ vì biết ông không bao giờ bỏ mặc mình nên rút tay khỏi tay ông chạy vòng quanh và nấp sau các cây dương trốn ba tôi làm ông một phen hoảng hốt vì sợ tôi đạp nhầm mảnh chai hoặc vướng dây thép gai đâu đó…
Tôi có người cô thứ Bảy thỉnh thoảng thuê ghe chở cả nhà đi đảo, ghe thường xuất phát từ chợ Xóm Bóng. Mỗi lần đi, cô tôi luôn chuẩn bị kỹ càng, mang theo bún tươi, rau sống, nước mắm giả tỏi ớt…và cái nồi hấp thật lớn ! Tôi chỉ còn nhớ mang máng cái tên bãi Trụ, Bích Đầm… nhưng tôi nhớ rõ mồn một những con cá thu dài hơn nửa thước mua ngay trên đảo còn tươi roi rói. Sau một buổi lặn hụp dưới làn nước trong veo, lên bờ chúng tôi “chiến đấu” tại chỗ với những phần cá thu hấp hành vô cùng hấp dẫn; cái vị béo ngọt của cá thu tươi hấp cuốn bánh tráng rau sống tại đảo trong ký ức của tôi tuyệt vời đến nỗi có lẽ tất cả món ăn được gọi là “độc đáo” của các nhà hàng “sành điệu” thời nay không thể nào so sánh nổi.
Buổi trưa cuối tháng 3 năm 1975, tôi đang xếp cắt cái áo bằng giấy cho con búp bê cũng bằng giấy vở, cô tôi hớt hải chạy đến nhà thúc ba má tôi thu dọn để cùng đi với cô. Ba má tôi lắc đầu vì chị dâu tôi sắp sanh, anh tôi còn đang trong đơn vị ở Cam Ranh, cô khóc lóc giận dỗi rồi lại năn nỉ cho tôi đi cùng cô… Ba tôi không cho má tôi ngăn lại, còn tôi thì thích thú khi nghe 2 chữ “đi thuyền” nên vội vàng chạy lên phòng tìm mấy bộ đồ mới nhất nhét vào xách tay rồi nhanh nhẹn chạy theo cô. Người đạp xích lô chờ sẵn trước nhà “vận 10 phần công lực” thoăn thoắt chở hai cô cháu qua Chợ Xóm Bóng. Chen chúc bên bến cá có vô số tàu thuyền lớn nhỏ, chiếc tàu cô tôi thuê khá lớn, chiếc xe Toyota màu vàng đồng của Dượng tôi đã được đặt ngang trên boong tàu, trong khoan đầy những cây vải có bọc thêm lớp ni lông được sắp ngay ngắn, máy tàu đã nổ sình sịch chỉ chờ cô tôi leo lên là tàu rời bến. Cái háo hức của cuộc “đi chơi” biển khiến tôi quên mất ba má tôi, đến lúc tàu đã ra khỏi cảng nhưng phóng tầm nhìn vào bến chợt thấy dáng vẻ quen thuộc của má và người chị lớn tôi đang ngoắt ngoắt tay rồi đưa hai tay lên miệng nói điều gì đó nhưng tôi không nghe rõ (sau này tôi mới biết khi nghe tin tôi theo cô, chị tôi từ nhà chồng tức tốc chạy về nhà kéo má tôi ra cảng “đòi” tôi lại nhưng không kịp vì tàu đã xa) thì tôi bật khóc đòi quay trở lại nhưng người lái tàu vẫn cứ đi thẳng…Cô tôi có 11 người con, 3 người đầu đã lập gia đình và có con nhỏ, thêm vài người cháu của Dượng tôi, mấy người lái tàu nữa tổng cộng khoảng 25 người; tàu vẫn rộng đủ chỗ để đám con trai ngồi chơi bài “xì lát” và một nhóm con nít chơi “bầu cua cá cọp”. Giữa mênh mông biển khơi, thỉnh thoảng có vài chiếc tàu của những gia đình hình như cũng quen với cô dượng tôi vượt qua mặt giơ tay lên miệng “hú hú” rồi vẫy vẫy chào nhau… Hầu hết đám phụ nữ em họ tôi đều say sóng nằm bẹp dí trên tàu, duy chỉ có mình tôi từ sáng đến tối cứ ăn xong là chạy qua lại trên boong, khi thì ngồi trước mũi tàu, lúc sang hông tàu ngồi thòng chân xuống nước. Tôi thường đi tắm biển vào lúc mặt trời chưa mọc cho đến khi ánh sáng tỏa hồng khắp nơi, thường bơi ngửa rồi nằm im hướng mặt về hướng Đông, lim dim theo dõi mặt trời từ từ nhô cao… nhưng lần đầu tiên được ngắm bình minh giữa biển khơi, tôi ngây ngất trước ánh hồng to lớn, rực rỡ à cao dần, nhỏ dần… Tuy nhiên đến đêm tôi cứ thút thít khóc đòi quay về…. Hình như cô tôi cũng khóc, tuy mệt nhừ vì sóng biển cô vẫn cố kéo ôm tôi vào sát bên cô như để dỗ tôi ngủ yên. Sau đêm thứ ba trên biển, không biết đã ra hải phận quốc tế hay chưa tôi không rõ lắm, cô tôi bỗng ngồi bật dậy đòi ghe quay trở lại, dượng tôi cố gắng dỗ dành nhưng cô tôi càng khóc to và luôn miệng kêu “Cha ơi, anh Hai ơi..”, cô nói sống chết có nhau chứ không thể bỏ ông Nội tôi và Ba tôi ở lại trong nguy hiểm… Cuối cùng dượng tôi chịu thua và bảo tàu quay lại. Hai ngày sau ghe cập bến ở biển Long Hải, cô thuê chiếc xe “ba lua” chở cả đoàn người cùng số ít tài sản vào Sài gòn vào tuần cuối tuần thứ nhất tháng 4 năm 75. Có lẽ Dượng tôi và mấy người con lớn của cô dượng tôi chưng hửng, thất vọng, lo lắng đủ điều duy có tôi là vui mừng vì khi vào Sài Gòn vài ngày sau tôi lại được “đoàn tụ” với người anh trai đang học Đại học ở đây, gặp lại chị tôi với người anh rể Sĩ quan Không Quân vừa rời khỏi Nha Trang bằng chiếc trực thăng “áp chót”, chị tôi cho hay má tôi nhất quyết không chịu rời nhà vì sợ chị dâu tôi chuyển dạ bất thình lình; cuối cùng tôi gặp lại anh trai lớn đã phải lội từ Cam Ranh vô Sào Gòn vì đường ra Nha Trang đã bị cắt…Chúng tôi ở lại Sài Gòn trong những ngày hoảng loạn; lúc này biển rất xa vời, tôi không còn tâm trí để nghĩ đến màu sắc của biển mà quay quắt nhớ ba má tôi, nhớ đứa trai cháu nhỏ cứ luôn đu theo chân tôi làm nhiều lúc tôi phát cáu, nhớ đứa cháu gái mới tập đi lững chững miệng suốt ngày bập bẹ “cô,cô…”, nhớ gia đình người chị lớn với ba đứa cháu gọi tôi bằng dì không ở cùng nhà, nhớ cả cái áo đầm giấy cho con búp bê chưa kịp vẽ hoa nữa à.
Giữa tháng 5 năm 75, cô dượng tôi thuê xe 1 chiếc xe tải chất đầy đoàn thê tử cùng với chiếc Toyota của Dượng quay trở lại thành phố biển. Đoạn đường từ Sài Gòn tới Nha Trang hơn 450 km gập ghềnh và dài lăng lắc, chúng tôi bị những người đội nón cối tay cầm khẩu AK chận xét nhiều lần nhưng rồi cuối cùng hơn một ngày đường cũng về được nhà với nỗi mừng vui khó tả khi gặp lại người thân ruột thịt à.
Như hầu hết những gia đình khác, nhà tôi cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng, hai người anh rể và người anh trai đều phải đi “học tập cải tạo”, tài sản trong nhà theo gió bay đi, ba tôi trước đó ít khi hút thuốc thì nay trừ lúc ngủ, trên tay ông lúc nào cũng có điếu thuốc tự quấn và ngày nào cũng phải “tu” ít nhất là nửa lít rượu… Những thay đổi không ngờ như những con sóng bạc đầu mùa giông bão giận dữ đổ ập vào nhiều người vốn lương thiện; vài tháng sau ngày trở về cô tôi bị tịch thu gia sản, bị quy vào tội “tư sản mại bản” chỉ vì buôn bán vải và có con trai đang ở Pháp (?!). Gia đình cô dượng tôi hoàn toàn rơi vào tình trạng khánh kiệt, hai ông bà cùng đổ bệnh, vài năm sau dượng tôi mất và cô tôi cũng đi theo ông vĩnh viễn chỉ cách nhau đúng một tuần…
Có lẽ quyết định sai lầm của cô tôi trong giây phút mềm yếu trước tình cảm gia đình đã đưa gia đình cô tôi vào tình trạng bi đát, giá như cứ giữa lòng biển khơi, lướt gió mà thẳng tiến, tôi không biết sẽ ra sao nhưng tôi nghĩ ít ra cũng không thê thảm hơn. Đôi khi tôi cũng tự hỏi phải chăng mình cũng có lỗi khi đêm đêm bật ra tiếng thút thít làm người cô rối lòng mà đành quay trở lại bờ ? Biển đã mở đường, đã dang tay che chở nhưng chính mình bỏ lỡ thời cơ…
Phần tôi, dù thế sự thăng trầm tôi vẫn chỉ là một con bé trong sự bảo bọc của gia đình, tôi vẫn tiếp tục mỗi sáng chạy ra biển bơi vài vòng trước khi đến trường, vẫn tận dụng bất kỳ khoảnh khắc rảnh rỗi ngang qua biển thăm…ngọn sóng ! Từ nhỏ bạn tôi toàn là con gái nay phải học chung với đám con trai “hay dòm ngó”, tôi mặc kệ, không quan tâm giữ mái tóc cho mượt,giữ cho làm da mịn màng…tôi vẫn đam mê hụp lặn trong làn nước mặn mặc cho mái tóc dậy thì xác xơ chẻ ngọn, mặc cho làn da thanh xuân giống y da… Mẹ Mốc !
Cho đến nay, tôi vẫn không thể tách mình ra khỏi biển. Không còn được ở gần biển, ít có cơ hội ra biển tôi đành “mang biển” vào nhà. Như một căn bệnh khó chữa, mỗi lần đi đâu, gặp bất cứ cái gì liên quan đến Biển là tôi “tha” về nhà, riết rồi căn nhà nhỏ xíu của tôi trở thành 1 “đại dương” kỳ quặc, tuy hơi “quái đản” một chút nhưng hàng ngày tôi có thể thả lỏng cơ thể mình trước “biển của tôi”, ngắm sóng và các sinh vật biển, nghe tiếng sóng vỗ về ngay trong không gian chật chội nhưng có cảm giác rộng mở như đứng trước biển (qua trí tưởng tượng của tôi)… Một điều giản dị mà tôi có thể thốt lên là “Biển ơi, ta yêu biển…” và giá như tôi tìm thấy ông Thần Đèn trôi dạt từ mớ chai lọ và những sinh vật biển mà tôi thu lượm được bấy lâu nay tôi sẽ xin ông ban cho tôi một điều ước : mang tôi về với Biển của tuổi thơ tôi, biển Nha Trang thời bình yên, hiền lành và chan hòa nắng ấm…
Tôi luôn luôn có cái ám ảnh của những con sóng trên từng chặng đường đời.
Lớn lên trong thành phố biển đầy nắng gió, tôi yêu biển lúc nào không hay, yêu như chính máu thịt mình được nuôi đẫm đầy muối mặn Nha Trang, như chính cái tình kết tinh tự thuở hạt muối còn là giọt nước lóng lánh tung bọt lên trời xanh rồi chết lặng trên bờ ruộng mặn, như một tình yêu xa mà thực, tưởng hời hợt mà thắt lòng đắm say, tưởng mong manh, phôi pha mà đột ngột ùa về cuốn phăng, nhận chìm trong cảm xúc thương và nhớ đến nghẹn lời!
Ngôi trường thiếu nữ kề bên biển, những sáng sớm, những trưa muộn, biển động dội qua cửa lớp tiếng ầm ầm của sóng, hòa theo tiếng réo rắt phi lao, cho tôi bất chợt lúc nào đó, ngẩn ngơ rời mắt khỏi bảng đen, đưa trí tưởng tượng hun hút nghe biển réo gọi ngoài kia, để thèm đặt chân trần trên cát reo hò với sóng.
Biển của tôi, đằm thắm dịu dàng mùa hè, cô đơn và dữ dội mùa đông, ưỡn ngực đón gió, bản lãnh theo từng mùa bão động … nơi tôi đã cười, khóc, đã thầm thì, hét vang cùng sóng và gió lồng lộng, nơi tâm hồn trẻ thơ đã được nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên bằng gió và nắng hào phóng , để đêm đêm, nghe tiếng sóng xa xa vọng về, êm êm dỗ tôi vào giấc ngủ trong cái nôi hậu phương bình yên của miền Nam Việt Nam những ngày lửa khói.
Khi đất không còn là nơi chốn an ổn, biển của tôi đã đưa tôi đi xa ngôi trường, con đường, thành phố tuổi thơ… Biển ân cần, vỗ về đưa tôi bình yên đến bờ bến lạ, nơi đất lành chim đậu, nơi tôi an nhiên đi lại từ đầu với trường lớp và tổ ấm mới.
Biển ôm vòng quê hương mới của tôi, xanh thẫm, rộng tình chở che cho tôi mỗi độ hè sang, tôi tìm về với biển New Castle, biển Rockdale, biển Sapphia, biển Terrigal …. thủ thỉ những lời của đứa trẻ ngây ngô ngày xưa, về những ước mơ đăm đắm đâu đó trong lòng, hay ngậm ngùi với biển về những xót xa trong đời, để được sóng ôm ấp vào lòng hòa tan từng niềm an ủi! Tôi yêu biển những lúc ấy, và yêu với mối tình mãnh liệt, chiếm đoạt, chìm hẳn trong nhau rồi tan tác, vỡ òa như sóng, như quy luật của cuộc đời, của số phận con người.
Tôi giờ đã đổi thay, tôi không còn là tôi với đôi mắt chim sẻ ngơ ngác bên thềm lớp trước tiếng chuông vào học, không còn là tôi của những niềm tin vào đời trong veo lý tưởng, tôi với trái tim mỏng mảnh của một tôi thời niên thiếu… dễ khóc dễ tin theo … nhưng biển và sóng của tôi thì không thay đổi, vẫn xanh biếc sắc trời, vẫn mênh mông muối mặn, vẫn là tình yêu xưa của tôi, dẫu biển ở một châu đại lục nào khác, vẫn mặn nồng sâu lắng.
Tôi tìm về biển bằng sức bật của con Bửa Củi cố gắng lật mình, kiên nhẫn đi qua những đoạn đời không bằng phẳng, để được sóng vuốt ve và mang đi tất cả những bụi bặm trần gian, và chỉ có thế, để những ngày sau tôi mạnh mẽ trở lại với guồng máy thường nhật, cắm cúi nén chặt nỗi nhớ cồn cào ruột gan từng ngày qua!
Về với biển tôi nguyên vẹn là tôi của ngày xưa, hồn hậu niềm vui theo nhịp vỗ rào rạt thanh bình, tôi hoan ca cùng con nước xanh biếc đến độ lắng trong cả lòng, hay tôi ngẩn ngơ nhìn bọt biển đục ngầu, vỡ toang từng đợt sóng mỏi mệt giận dữ rồi trả về mọi thứ im lìm, phẳng lì trên cát.
Về với biển tôi không còn là con Cuốn Chiếu co mình trước nắng gió bên đời, tôi ôm biển và vững chải đón sóng ùa đến. Bạn có bao giờ phải đối diện với những cơn sóng to ập tới cuộc đời chưa? Biển sẽ dạy bạn cách đối phó, như tôi đã học từ sóng, bài học đối đầu với sóng gió, hoặc tôi hoảng hốt để bị đập lộn tùng phèo vùi xoáy, uống nước phình bụng, hoặc tôi an nhiên chờ đón, lao đầu vào sóng, chìm dưới nước sâu, lướt qua cơn thủy ba, hoặc tôi quay lưng chấp nhận cú đập vào đầu vào cổ, có khi té nhào tan tác trong cát bị rong cuốn chặt …. Nhưng khi lao vào sóng, tôi nhẹ hẫng lòng lo, tôi hòa vào nước và dập dềnh với sóng, bởi tôi chấp nhận đương đầu với sóng bằng cách lao vào sóng.
Những mùa trăng cũng thường làm tôi nhớ biển, nhớ sóng, …. “đêm mùa trăng úa, làm vỡ hồn ta… lung linh bóng sáng từng thoáng lệ ngân, mà hồn phân vân cuồng điên nhớ . Long lanh tiếng Nguyệt cầm tiếng đàn trầm . Ai nhớ Nương Tử một đêm nao trăng thanh trong lời hát, chết theo nước xanh chết theo nước xanh”…. ( CT)
Nước xanh của tôi giờ đây dậy sóng, những tin tức bên nhà sôi theo ngày nắng … tin đất, tin biển …. sóng ở Bondi, Cronula, Byron Bay, Forster, Wollongong, St Kilda, Phillip Bay, Gold Coast … cuộn theo sóng Nha Trang, Đà Nẵng, Lý Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa … Ôi những cơn sóng xa mà mặn chát tình quê!
Chiều nay, tiếng lễ hội chiêng cồng của ngôi chùa ở vùng Wetherill Park bỗng mang theo âm hưởng: Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây Chín tầng gươm báu trao tay Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh….
Tiếng trống hào hùng của ngày xưa cũ giờ ở nơi nào … để cho bóng nguyệt lặng ngắt một màu tê tái …. để cho tiếng sóng ầm ầm nơi xa vẫn là nỗi day dứt không nguôi trong tôi, từng chiều ngồi nhớ quê xa …
Cậu con trai từng chơi đùa trên bãi biển Vũng Tàu, say sưa dỏi mắt theo những con tàu qua lại ngoài khơi rồi nuôi mộng hải hồ mà giờ đây đã từ giả cỏi đời trên xứ người vào lúc chỉ còn vài tháng nữa là đến sinh nhật thứ 100 (1920 -2019).
Người ấy là Đề đốc Trần Văn Chơn, cựu Tư lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà.
Trùng dương réo gọi nên chàng thanh niên Vũng Tàu thi vào ngành Hàng hải Thương thuyền của Pháp tại Sài Gòn năm 1940 sau khi đậu Tú tài phần I năm 1939. Thời gian phục vụ ở ngành Hàng hải Thương thuyền, Sĩ quan Trần Văn Chơn đã được cấp các chứng chỉ chuyên môn của ngành: Cơ khí Hàng hải (năm 1941), Vô tuyến Hàng hải (1942), Sĩ quan Hoa tiêu (1948), Thuyền trưởng Thương thuyền (1949).
Sau khi được Pháp trao trả độc lập thì Quốc gia Việt Nam thành lập đã thúc giục thanh niên gia nhập Quân đội. Sĩ quan hàng hải thương thuyền, Trần Văn Chơn và đồng nghiệp Lâm Ngươn Tánh, Trần Văn Phấn, Chung Tấn Cang, Hồ Tấn Quyền cùng với Thiếu uý Bộ binh Lê Quang Mỹ, Đoàn Ngọc Bích, Nguyễn Văn Lịch, Phan Thanh Tùng đã theo tiếng gọi non sông mà gia nhập Hải Quân vì cùng chung mộng hải hồ.
Họ nhập học Khoá 1 Sĩ Quan Hải Quân mà sáu người trước học « ngành chỉ huy », ba người sau theo « ngành cơ khí ».
Theo vận nước nổi trôi, Đô đốc Chơn từng chỉ huy giang đoàn, chiến hạm nên rất am tường khả năng tác chiến, sức chịu đựng và lòng can trường, tính xốc vác, quan niệm yêu đời, tình đoàn kết đồng đội của các chiến hữu trên biển cả bao la và sông ngòi chằng chịt để cư xử với nhau như anh em ruột thịt trong gia đình Hải Quân.
Quan niệm của Sĩ quan Trần Văn Chơn rất rõ ràng: Phục vụ Tổ quốc Dân tộc, không hoạt động chính trị để giữ vị thế trung lập của một quân nhân.
Đầu năm 1957, Hải quân Thiếu tá Trần Văn Chơn được bổ nhiệm vào chức Tư lệnh Hải Quân (1957-1959) thay thế cho Hải quân Đại tá Lê Quang Mỹ, kiêm nhiệm chức Giám đốc Hải quân Công Xưởng. Năm 1959, bàn giao cho Hải quân Thiếu tá Hồ Tấn Quyền và được cử đi tu nghiệp tại Đại học Hải chiến Hoa Kỳ (Naval War College) ở Rhode Island. Thời gian tu nghiệp này đã giúp cho Hải quân Trung tá Trần Văn Chơn hiểu rõ hơn về chiến lược toàn cầu của Hải Quân Hoa Kỳ và cách điều động các lực lượng khắp thế giới và giữ trung lập với hệ thống chính trị.
Về nước tháng 10 năm 1960, Trung tá Chơn trợ giúp Bộ Tổng Tham Mưu tổ chức và chỉ huy Lực lượng Tuần giang để yểm trợ cho Lực lượng Địa Phương Quân.
Đại tá Chơn trở lại chức Tư lệnh Hải Quân (1966-1974) thay thế cho Trung tướng Cao Văn Viên và được mang cấp bậc Đề Đốc trước khi giải ngũ năm 1974 do đáo hạn tuổi.
Nhiệm kỳ Tư lệnh lần thứ nhất chỉ lo tổ chức lực lượng và đào tạo nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn Hải Quân vì thuộc vào thời bình khi cộng sản chưa tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam nên quân số Hải Quân vào khoảng 9,700 người.
Nhiệm kỳ thứ hai đè nặng lên vai Tư lệnh Trần Văn Chơn với ba nhiệm vụ chính:
Một là, đoàn kết trong nội bộ binh chủng hơi lỏng lẻo sau vụ Tư lệnh Hồ Tấn Quyền bị thuộc cấp sát hại và tình hình chính trị rối ren ở Sài Gòn, Huế do cộng sản gia tăng hoạt động kể cả trên sông ngòi và tiếp tế vũ khí, đạn được từ Miền Bắc bằng đường biển. Như thế, cần hướng tất cả sĩ quan và đoàn viên các cấp vào mục tiêu chính của Quân chủng Hải Quân: Tổ quốc Đại Dương.
Cựu Tư lệnh Hải Quân, Trần Văn Chơn đến Hoa Kỳ năm 1992 theo diện H.O. đã trả lời Ký giả Điệp-Mỹ-Linh: “Tôi không thích chính trị, không hiểu biết nhiều về chính trị và tôi cũng không nghe ai nói với tôi về việc Đại-Tướng Dương-Văn-Minh mời tham dự Nội các. Từ khi Ông làm Quốc-Trưởng cho đến lúc Ông nhận chức Tổng Thống, chúng tôi chỉ gặp nhau trong những cuộc họp”.
Thời gian thụ huấn tại Đại học Chiến Tranh Hải Quân (Naval War College), Trung tá Chơn được đi thăm nhiều thành phố và các cơ sở quân sự, hành chính quan trọng được nên biết Quân đội Hoa Kỳ đứng ngoài các tranh chấp chính trị mà chỉ dồn nỗ lực vào vai trò vệ quốc được giao phó.
Hai là, phối hợp với Hải Quân Hoa Kỳ trong mục đích tiêu diệt Cộng sản trên các sông rạch và biển cả. Năm 1965, Hoa Kỳ quyết định đưa quân chính quy vào Việt Nam để ngăn chặn Bắc Việt được Liên Sô và Trung Quốc yểm trợ tối đa trong mưu đồ chiếm Việt Nam Cộng Hoà trên con đường thống trị Đông Nam Á. Đó là chiến lược toàn cầu của Chính phủ Hoa Kỳ được đa số dư luận dân Mỹ và Lưỡng viện Quốc hội ủng hộ.
Nói cho cùng chiến lược đó có lợi cho Việt Nam Cộng Hoà vì năm 1964, Lực lượng vũ trang cộng sản được phe tả thế giới trợ giúp làm rối loạn tình hình Miền Nam vĩ tuyến 17. Quân đội Việt Nam Cộng Hoà nói chung bị rơi vào tình trạng phòng ngự hơn là phản công trên khắp lãnh thổ. Hợp tác với chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ là một chọn lựa đúng đắn nếu muốn bảo tồn được nền độc lập, tự do, phát triển của Việt Nam Cộng Hoà.
Đại Hàn không thể trở thành quốc gia độc lập, tự do, phát triển và tiên tiến như ngày hôm nay nếu chống lại, hoặc không-hợp tác với chiến lược toàn cầu của Mỹ. Hoa Kỳ và Đại Hàn đã thoả thuận sẽ giao Tướng lãnh Đại Hàn đảm nhiệm vai trò Tư lệnh Liên quân Hàn-Mỹ từ năm 2014, nhưng, vào giờ chót phía Đại Hàn từ chối do không-hữu-hiệu khi tác chiến mà còn tạo điều kiện cho Hoa Kỳ rút quân. Đại đa số dân tộc Đại Hàn không muốn 28,000 lính Mỹ rút đi. Kể từ khi thành lập NATO năm 1949, tướng lãnh Mỹ vẫn giữ vai trò Tư lệnh Lực lượng Hành quân.
Hải Quân Hoa Kỳ đã cử Phó đô đốc Elmo Zumwalt làm Tư lệnh Lực lượng Hải quân trên Biển và Sông tại Việt Nam được sự phối hợp chặt chẽ của Tư lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn giúp cho các binh chủng bạn tái chiếm và bình định nhiều vùng đã lọt vào tay cộng quân sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại.
Đô đốc Zumwalt chỉ muốn mang vào chiến trường Việt Nam nhiều phương tiện hành quân nhất để tương lai sẽ trao lại cho Việt Nam từ chiến hạm, chiến đỉnh; đồng thời giúp cải thiện đời sống quân nhân Hải Quân và gia đình. Khi trở về nước được gắn 4 sao và bổ nhiệm vào chức vụ Tư lệnh Hải Quân thứ 19 vẫn tiếp tục tận tình giúp Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà bất cứ lúc nào có thể.
Đề đốc Trần Văn Chơn muốn mượn lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ để tiêu diệt tiềm lực cộng sản trên biển và sông ngòi, đồng thời, xây dựng Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà được Jane’s Fighting Ships 1972-1973 xếp hạng 9 trong các cường quốc Hải Quân trên thế giới.
Sát cánh bên nhau nên giữa hai ông Zumwalt và Chơn trở thành đôi bạn thân vì cùng mục đích tiêu diệt tiềm lực cộng sản và tăng cường sức mạnh cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà.
Tin tức về kế hoạch tiếp tế súng ống, đạn dược, thuốc men từ Bắc vào Nam bằng đường biển từ năm 1960 được Hải Quân Mỹ-Việt phối hợp, giám sát và phá vỡ vào các năm sau: Phá tan mật khu Vũng Rô (15/02/1965). Liên tiếp đánh chìm tàu tiếp vận của Bắc Việt ở Cửa Tiểu (08/01/1966), Cửa Bồ Đề (10/05/1966), Ba Động (20/06/1966), Cửa Bồ Đề lần thứ hai (01/01/1967), Đức Phổ (01/03/1967), Mũi Batangan (14/03/1967), Sa Kỳ (15/07/1967), Hòn Hèo (01/03/1968), Cửa Việt (01/03/1968), Cửa Bồ Đề lần thứ ba (01/03/1968), Cửa Cung Hầu (22/11/1970), Gành Hào (22/11/1971). Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 đánh chìm tàu tiếp vận 645 của Bắc Việt trong vùng biển Phú Quốc (24/4/1972) nhờ Tiềm thuỷ đỉnh nguyên tử USS Sculpin và phi cơ hải tuần P-3 của Mỹ theo dõi suốt lộ trình 2,500 hải lý trên Biển Nam Trung Hoa. Vì thế, Bắc Việt ngưng kế hoạch tiếp tế vũ khí bằng đường biển.
Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà năm 1975 có 43,000 binh sĩ, 84 chiến hạm; 5 vùng Duyên hải với 133 chiến đỉnh và 500 ghe đủ loại; 2 vùng Sông ngòi và 3 lực lượng tác chiến trong sông với trên 950 chiến đỉnh đủ loại.
Tổng thống Lyndon Johnson quyết định rút quân tác chiến khỏi Việt Nam được Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird đưa ra chương trình Việt-Nam-hoá Chiến tranh nhằm chuyển giao trách nhiệm quốc phòng cho Quân đội Việt Nam Cộng Hoà.
Thứ ba, tiếp nhận chiến cụ và phương tiện chiến tranh của Hải Quân Hoa Kỳ tại Việt Nam cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. Đô đốc Zumwalt và Đô đốc Chơn phối hợp nhịp nhàng và dễ dàng khi thực hiện Chương trình Chuyển giao Cấp tốc (The U.S. Navy’s Accelerated Turnover Program, ACTOV) như đôi bạn chí thân. Cả hai đều có chung khát vọng muốn xây dựng một lực lượng hải quân cho Việt Nam đủ sức kiểm soát và bảo vệ bờ biển Việt Nam và sông ngòi chằng chịt ở miền Nam vĩ tuyến 17.
Phía Việt Nam phải tuyển mộ và huấn luyện cấp tốc cho đủ quân số cần thiết 40,000 tại các Trung tâm Huấn luyện Hải Quân Nha Trang, Cam Ranh, Sài Gòn. Hải Quân còn gửi 750 nhân viên theo học ở Officer Candidate School (OCS), nơi các vị Tổng thống Mỹ từng thụ huấn như John Kennedy, Lydon Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, và George H.W. Bush. Sau khi tốt nghiệp, họ phục vụ trong mọi đơn vị của Hải quân Việt Nam Cộng Hoà.
Tính đến giữa năm 1970, Hải Quân Hoa Kỳ đã chuyển giao hầu hết 500 chiến đỉnh và hoạt động hải quân cho phía Việt Nam. Các căn cứ tiếp vận của Việt Nam từ Cửa Việt đến Mũi Cà Mau cũng tuần tự được chuyển giao.
Hiệp định Hoà bình Paris năm 1973 quy định Việt Nam Cộng Hoà có thể một đổi một vũ khí chiến cụ hư hỏng. Tuy nhiên, tình hình chính trị căng thẳng ở Hoa Kỳ nên bất-khả-thi khi Hải quân Việt Nam thiếu cơ phận thay thế để sửa chữa tàu bè và chiến cụ. Đô đốc Chơn đích thân sang Hoa Kỳ và lưu trú tại tư gia của Đô đốc Zumwalt đang làm Tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ để nhờ giải quyết khó khăn. Hai bên thoả thuận đặt một sĩ quan tiếp liệu của Việt Nam tại Mỹ để chuyển trực tiếp nhu cầu tới các ban phụ trách cung ứng cơ phận của Hải Quân đã làm giảm bớt khó khăn.
Tình hình Nhóm đảo Hoàng Sa (Paracel Islands, Tây Sa) trở nên căng thẳng khi Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 đang chở một phái đoàn 6 người gồm cả một người Mỹ đến Đảo Hoàng Sa hôm 16/01/1974 để khảo sát việc thiết lập phi trường cho C130. Tình cờ, HQ 16 phát hiện tàu mang cờ Trung Quốc gần các đảo lân cận với đảo Hoàng Sa nên lập tức báo cáo về Bộ Tư lệnh Vùng I Duyên hải, đồng thời dùng loa ra lệnh họ ra khỏi hải phận Việt Nam. Phía tàu Trung Quốc cũng bảo HQ 16 rời hải phận Trung Quốc.
Đô đốc Chơn theo dõi sát tình hình Hoàng Sa và đưa ra các chỉ thị cần thiết cho Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Vùng I Duyên hải và phái Tư lệnh phó, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh ra Đà Nẵng để trực tiếp chỉ huy. Do bận gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nên khi trận hải chiến Hoàng Sa nổ ra trong 30 phút thì Tư lệnh Hải Quân còn trên phi cơ bay tới Đà Nẵng.
Nhóm đảo Hoàng Sa lọt hoàn toàn vào tay Trung Quốc là một nỗi đau xé lòng cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam, ngoại trừ bọn thần phục Bắc Kinh.
Vận nước nổi trôi, khi hưng lúc thịnh, nhưng, những chàng trai nước Việt lúc nào cũng sẵn sàng đưa vai gánh vác dù cho có phải oằn vai.
Tháng Năm biển Đông vẫn còn yên lặng, sóng không lớn quá cấp ba, nước biển màu xanh và bầu trời quang đãng. Ba chiếc tàu đánh cá Việt Thủy rời hải cảng Singapore ngày 10-5-1975 đi Subic Bay, Phi Luật Tân. Ba con tàu nối đuôi và chạy cách nhau trong tầm mắt. Mỗi con tàu chứa khoảng ba, bốn trăm người với một số thức ăn, và nước uống. Thức ăn hầu hết là đồ hộp được cung cấp bởi phái đoàn Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Khối người trên tàu chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp. Di chuyển trên tàu cả là một vấn đề phiền phức, nên, hầu hết người ta chỉ ngồi một chỗ suốt đoạn đường đi. Bốn đứa chúng tôi (Th, H, C và tôi) là những người độc thân, không gia đình, không thân thuộc và nhảy lung tung từ tàu này qua tàu kia để được đi chung, nên cuối cùng không được « tiếp tế » lương thực và nước uống trước khi tàu rời bến. Nhưng thân thanh niên, khỏe mạnh, một thân một mình nên những điều đó không làm chúng tôi phân vân. Sự phân chia và chọn người lái tàu đã được sắp xếp từ hải cảng Singapore mấy ngày qua. Hôm lên đường chiếc Việt Thủy 3 được điều khiển bởi một tài công người Nhật Bản. Người « Thuyền trưởng » Nhật Bản này đã khai báo và cho biết rằng ông ta có mười lăm năm kinh nghiệm đi biển, và đặc biệt ông biết nhìn trăng sao trên bầu trời là có thể xác định được vị trí và hoạch định ra hải trình. Những lời tuyên bố tài năng của ông làm cho lòng người tị nạn thêm yên tâm, và không ngần ngại trao thân phận, sinh mạng gia đình cho tài nhìn trăng sao của ông! Việt Thủy là tàu đánh cá loại nhỏ, dụng cụ hải hành không đầy đủ và tối tân gì mấy. Tàu được trang bị với sáu máy log thẳng, chạy bằng dầu diesel. Trên tàu không có thợ máy chuyên nghiệp, cho nên mọi lo toan về trợ giúp đều do vị « Thuyền trưởng » xem xét và kiểm soát trước giờ ra đi. Thời tiết êm xuôi, ba con thuyền nối đuôi nhau băng qua khúc biển giữa Mã Lai và Nam Dương trong bình an. Những người tị nạn xúm nhau từng nhóm theo gia đình, đùm bọc ngồi xúm xít trong khoang tàu. Thỉnh thoảng những tiếng la khóc của những đứa trẻ vì đói khác và nóng nực. Hai ngày sau con tàu đến vùng duyên hải Borneo. Vì tàu nhỏ, đông người nên Việt Thủy chạy rất chậm và dựa theo ven biển Borneo cho an toàn. Vùng biển này xanh biếc và nhiều san hô trải dài đến biển Palawan. Ngày đó Việt Thủy đi ngang qua những hòn đảo nhỏ của Trường Sa, nhưng có lẽ không mấy người để ý hay biết đến. Hai ngày một đêm trôi qua thật chậm. Bốn đứa chúng tôi quay quần bên thành tàu, chia xẻ nhau những làn khói thuốc, nhìn bọt nước, những gợn sóng bạc đầu và từng đàn cá chuồn bay lẹt xẹt trên mặt biển. Có những lúc đói bụng, ruột gan cào nghe ột oạt tôi lại lục những gói mì còn sót trong túi hành trang cho đở đói. Nhưng nước sôi lại không có nên chỉ biết nhai và nuốt đại những sợi mì. Trên tàu những gia đình lớn bé đều được cung cấp những lon đồ hộp và sữa đặc. Người trên tàu xuống bếp nấu cơm và đun nước sôi. Nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không được chia xẻ đến một miếng ăn, ngay cả khi đói khát đến khờ người. Gia đình nào cũng thủ cho bản thân họ, tôi nghĩ đó cũng là chuyện thường khi con người nằm trong cảnh lâm nguy, nên cũng chẳng lấy làm buồn. Đoàn người trên tàu chật như nêm, không có chỗ trống, tôi ngồi co chân trên nắp thùng phi bên cạnh mái che bằng vải. Có những hôm trời mưa, những giọt mưa đọng trên miếng vải che, chúng tôi đẩy chỗ thủng cho những giọt nước mưa trên miếng vải chảy vào lon nhựa để uống cho qua cơn khát. Không gì làm tôi lảng vảng xuống hầm máy xem chơi. Và vào ngày thứ hai viên « Thuyền Trưởng » cần người giúp chấm dầu. Đám bốn đứa chúng tôi liền tình nguyện làm « thợ chấm dầu ». Và từ đó tôi thường trực dưới hầm máy. Lần đầu tiên trong đời tôi đi làm thợ máy! Tôi nghĩ chắc cũng dễ thôi, chỉ cần cầm lon dầu chấm vào ổ máy là xong. Vậy mà bốn đứa chúng tôi trở thành người quan trọng. Và cái quan trọng lớn nhất đối với chúng tôi là từ ngày đi làm « thợ máy » chúng tôi được chia xẻ những miếng cơm, giọt nước từ những gia đình trên tàu mỗi khi đói khát. Đến ngày thứ tư ba chiếc Việt Thủy vẫn còn trong tầm mắt trên vùng biển san hô giữa Trường Sa và Borneo. Nhưng chiều hôm thứ tư con tàu Việt Thủy 3, con tàu chạy sau cùng bỗng nhiên chạy chậm lại. Viên Thuyền Trưởng người Nhật xuống phòng máy xem, phát giác hai trong sáu máy không còn chạy! Người Thuyền Trưởng nói:
-Máy tàu bị lột dên.
Tôi nghĩ máy không bị lột dên mới là chuyện lạ! Vì khối người đông như kiến, con tàu đã quá tải và hai hôm nay người Thuyền Trưởng bảo tăng vận tốc máy, ép tàu chạy cho lẹ để kịp với hai chiếc kia. Mọi người trên tàu nhốn nháo sợ sệt, rù rì bàn tán khi biết máy tàu bị hư. Việt Thủy 1 và 2 càng lúc càng đi xa. Nhưng nếu có còn đâu đây cũng không kéo thêm Việt Thủy 3 nổi, vì mỗi con tàu đã kéo ngoài khả năng của nó! Việt Thủy 3 tắt máy để sửa. Con tàu bắt đầu trôi. Ngoài những mảnh san hô màu xanh xanh trắng trắng thấp thoáng dưới đáy biển, và những ngọn sóng bạc đầu, người ta không nhìn thấy gì khác. Một khối người đông như nêm trên tàu tự dưng bất động, chỉ còn nghe tiếng nguyện cầu và những ánh mắt buồn, lo lắng. Trời về chiều, không mưa, không gió nhưng trong lòng mọi người đã cảm thấy lạnh. Tôi rời phòng máy bước lên sàn tàu, đưa mắt nhìn vào khoảng chân không, giống như lòng tôi đang trống rỗng. Vị Thuyền Trưởng loay hoay sửa chữa, một hồi sau tiếng máy tàu lại nổi lên. Mọi người châu mặt về người Thuyền Trưởng, viên Thuyền Trưởng nói: « Chỉ chạy được bốn máy thôi ». Ông dặn dò những người chấm dầu xong bước lên phòng lái. Những nỗi lo âu trên từng gương mặt lại từ từ chìm xuống. Việt Thủy 3 chạy rất chậm và đã ngoài tầm mắt của Việt Thủy 1,2. Từ đây Việt Thủy 3 một mình trên biển Đông. Đêm về muôn ngàn vì sao lấp lánh trên không, con tau vẫn ì ạch mang đoàn người di chuyển về hướng Manila. Trên tàu vấn đề ăn, uống và việc giải quyết chuyện cá nhân là cả một vấn đề, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, vì ở hoàn cảnh này con người không còn biết mắc cở nữa. Vị Thuyền Trưởng hằng đêm vẫn nhìn bầu trời đầy trăng sao để định vị, và lèo lái con tàu cho đến đích. Tôi nhìn ông với lòng đầy khâm phục. Kiến thức của tôi về thiên văn học rất hạn hẹp, tôi chỉ biết có sao Bắc Đẫu, có dãy Ngân Hà, có trăng non trăng già. Nhưng để nhìn những vì tinh tú trên bầu trời và hoạch ra một hải trình để đi thì ngoài khả năng của tôi và nhiều người. Và rồi con tàu vần chạy, và đoàn người vẫn đếm từng ngày hồi hộp, mong thấy bờ bến. Đến ngày thứ bảy con tàu vẫn chạy theo ven biển, nhưng nơi nào thì cả vị Thuyền Trưởng cũng không biết! Mọi người trên tàu bắt đầu thắc mắc. Theo như bài tính đơn giản, tàu chạy 10 hải lý một giờ thì khoảng năm ngày hơn là tàu phải đến Subic Bay. Nhưng đã bảy ngày rồi, Subic Bay vẫn như vì sao lạc. Nhiều người trên tau đâm ra lo sợ và góp ý cùng vị Thuyền Trưởng nên tấp vào bờ để biết tàu đang ở đâu. Vậy là Việt Thủy chuyển mũi tàu hướng vào ven bờ. Khi vào gần bờ, nhiều người dân địa phương, da đen luốc chèo thuyền độc mộc đến cập vào Việt Thủy. Sau khi cho xem bản đồ và hỏi ra thì biết Việt Thủy đã đi lạc về bắc Phi Luật Tân hơn một ngày hải hành, và sắp vào địa phận của giống dân man rợ Bắc Phi vẫn còn ăn thịt người! Mọi người thở phào nhẹ nhỏm, và trong đám đông có nhiều tiếng xì xầm về tài nhìn trăng sao của vị Thuyền Trưởng! Việt Thủy cập vào bờ và mọi người trên tàu trút hết nỗi sợ hãi xuống biển. Những người dân Phi Luật Tân miền biển đen đuốc nhưng rất hiền hòa, tiếp đón con tàu Việt Thủy rất niềm nở. Họ chèo thuyền độc mộc mang đầy dừa tươi cập bên Việt Thủy và xin đổi lấy đồ hộp. Biết là sẽ được đến Subic Bay nay mai nên những người trên Việt Thủy không ngần ngại đổi những lon đồ hộp lấy dừa tươi uống. Và có lẽ chính quyền địa phương đã được lệnh nên mang Bác Sĩ và thuốc men đến khám bệnh chích thuốc cho người trên tàu. Với một ít vốn liếng Anh văn tôi trở thành một thông dịch viên cho những cuộc khám bệnh cho dân tị nạn trên tàu. Hầu hết những lời khai bệnh chỉ là nhức đầu, sổ mũi, nóng lạnh nên với vốn liếng Anh văn bặp bẹ tôi đã giúp nhiều gia đình có con em nhỏ. Từ đó tôi được nhiều thiện cảm với đồng bào trên tàu hơn, và cũng từ đó họ ân cần ban bố cho tôi một ít thức ăn như sữa đặc và đồ hộp. Tôi vẫn đưa tay nhận lấy mà trong lòng thầm nghĩ: « Những thứ này không cho thì ngày mai cũng sẽ bỏ lại trên tàu thôi, những ngày qua đói khác xin thì không cho, bây giờ mình giúp họ họ lại bố thì của thừa này đây, nghĩ mà buồn cười cho con người. » Nhưng rồi tôi vẫn làm nhiệm vụ của một thông dịch viên vui tươi. Đến bây giờ, chắc có lẽ nhiều người đi trên con tàu Việt Thủy vẫn còn đâu đây và chắc chắn họ cũng nhớ những giây phút này. Nhưng có lẽ điều mà tôi nhớ mãi là hình ảnh những người con gái Phi Luật Tân xinh đẹp chích thuốc và săn sóc những đứa bé bị bịnh, vội vàng trao những mảnh giấy nhỏ có đề tên và địa chỉ trước khi Việt Thủy quay đầu về hướng Nam, với một lời dặn ân cần là khi nào đến Mỹ hãy viết thư liên lạc với mấy cô. Tôi gom góp những mảnh giấy nhỏ bỏ vào túi, lòng vui cười vẫy tay chào tạm biệt, và biết vẫn còn có những tấm lòng cao thượng. Việt Thủy quay đầu rời bến, qua ngày hôm sau là đến Subic Bay. Mọi người vui mừng rời con tàu cũ kỷ, để lại tất cả những thức ăn, nước uống lại trên tàu, bước chân vào trại tỵ nạn Subic Bay. Trại tị nạn là những túp lều bằng vải, nằm san sát trên một sân cỏ bằng phẳng, đã được dựng lên từ lâu. Mỗi túp lều chu vi khoảng 4, 5 thước vuông và được kê hai ba dãy giường bố nhà binh cho khoảng tám người ở. Ngoài những lều vải, trại Subic Bay còn có những khu barrack nằm rãi rác trong khu rừng cây xanh um. Vào giai đoạn đầu của làn sóng tị nạn, chiến dịch Đời Sống Mới (Operation New Life), Subic Bay là trung tâm chuyển tiếp, đón nhận thuyền nhân, lập hồ sơ rồi đưa đi những nơi khác như Guam, Wake và vào lục địa Hoa Kỳ. Những lúc cao điểm Subic Bay có thể lên đến vài ngàn người tị nạn. Hằng ngày người tị nạn được ăn ba bửa: sáng, trưa, tối. Và những dịch vụ vệ sinh đều được binh lính Mỹ phục dịch. Nhưng sau vài ba tuần lễ đầu, vì tinh thần vệ sinh chung trở nên bê tha nên trại tị nạn phân chia những nam thành viên thay phiên nhau đi làm dịch vụ vệ sinh trong trại. Subic Bay nằm trên hòn đảo Grande Island gần Manila, trên đảo có vài bãi tắm nước trong xanh và nhiều cá bơi lội trong dòng nước. Người tị nạn suốt ngày bơi lội ở những bãi tắm này. Ngoài ra trên đỉnh đồi Subic là rừng xoài bên cạnh những nhà tù được xây lên từ thời Phi Luật Tân còn là thuộc địa của Tây Ban Nha. Một điều đặc biệt là khoảng một tháng trước ngày Sài Gòn thất thủ, vị giáo sư toán của trường đại học Khoa Học Sài Gòn, Lâm Lý Hùng, đã dùng thuyền gỗ nhỏ đưa gia đình (9 người gồm hai vợ chồng và 7 người con) rời Sài Gòn đi Úc Đại Lợi. Ngày đó, khoảng tháng 3, 1975, người dân Sài Gòn xôn xao bàn tán về chuyến đi của gia đình giáo sư Lâm Lý Hùng. Nhiều người ca ngợi lòng can đảm của ông, và nhiều người khác đánh giá sự độc tài của chế độ cộng sản qua chuyến đi một còn một mất của gia đình ông. Khi gia đình giáo sư Lâm Lý Hùng còn lênh đênh ngoài khơi Thái Bình Dương thì Sài Gòn mất, và gia đình ông nhập vào đoàn người tỵ nạn tại Subic Bay. Có lúc giáo sư Lâm Lý Hùng cũng là trại trưởng của trại tỵ nạn Subic Bay. Người tị nạn ở đây, trong khi chờ làm thủ tục để đi định cư, họ được học Anh văn và đời sống phong tục của dân Mỹ. Chiều tối về, ngày nào cũng vậy, ban quản trị trại chiếu phim hoạt họa trên màn ảnh lớn cho toàn trại xem. Những khúc phim ngắn của Road Runner, chú thỏ Bug Bunny và cảnh rượt bắt của những con vật trong đời sống hằng ngày, mà mỗi lần một khúc phim chấm dứt là một tràng cười nổi lên, kế đến là hàng chữ “That’s All Folks” lại hiện ra. Có phải những khúc phim đó muốn nhắc lại cho mọi người biết là cuộc chiến giữa Nam Bắc Việt Nam cũng chỉ là những cuộc chém giết, rượt bắt như trò đùa của những con nộm mà giờ chót đã đến, đã hết rồi, để chỉ còn tràng cười và hàng chữ « That’s All Folks ». Trong hàng khán giả kia đâu phải chỉ có đám con nít! Họ là những nhà trí thức, những vị giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, những cấp chỉ huy và những người sinh viên rường cột của nước nhà, là tinh hoa của miền Nam Việt Nam. Đã bị đánh lừa, bị phản bội và bây giờ được nhắc nhở bằng một tràng cười và câu: « Chỉ vậy thôi, các bạn ». Sau khi nhập trại, làm thủ tục đăng ký tên tuổi nghề nghiệp, tôi lại lang thang trong trại tìm người thân. Tôi đến thung lủng tị nạn nơi có treo bảng thông tin to như tấm bảng đen dưới gốc cây, đọc những tin nhắn tìm người thân trên đó. Không thấy tên nào quen, tôi lại lang thang trong rừng người và bất chợt tôi gặp lại hết những người đi trên Long Châu: Anh Hoàng và những anh chị em của anh Hoàng. Tất cả đã đến đây trước bốn đứa chúng tôi. Tay bắt mặt mừng, anh Hoàng gom hết anh em lại và điểm danh không thiếu một ai. Nhưng Điễn và những người lính Lôi Hổ trên tàu há miệng Hải Quân ở căn cứ chuyển vận kho 18, Tân Thuận thì không có mặt trên Subic Bay, họ đã đi thẳng đên Guam hoặc Wake. Vài ba tuần sau khi đến Subic Bay, anh Hoàng, T và ông Si trở lại Long Châu chạy qua Guam. Còn lại chúng tôi hằng ngày chỉ biết tắm biển, lên ăn, rồi lại xuống tắm biển rồi lại ăn. Chiều về chun vào mấy lớp Anh Văn học năm ba chữ hoặc lên hồ bơi, bơi lội, thụt bi-da. Sướng quá nên chúng tôi nói: « Vui chơi đời tị nạn » là vậy! Có một điều làm những người tị nạn chúng tôi rất hãnh diện là đội bóng chuyền của dân tị nạn. Nói đúng ra là vài tay bóng chuyền cừ khôi của Hải Quân VNCH. Tôi nhớ một người tên Thạch Sến và một người tên Giám. Hai anh này chơi bóng chuyền rất hay và làm cho đội bóng chuyền của binh lính Mỹ và Philippine phải nghiêng đầu kính phục. Thạch Sến một mình chấp 6 tay bóng chuyền Mỹ mà vẫn thắng vẽ vang dưới tiếng vỗ tay ầm ỉ của người xem! Cho nên những buổi chiều nhiều người kéo nhau ra chờ xem đấu bóng chuyền. Khoảng một tháng sau lần lượt những người trên đảo đều rời Subic Bay qua căn cứ không quân Clark để đi tiếp. Những người còn lại của nhóm anh Hoàng trên tàu Long Châu đều ra đi khác chuyến. 20-6-1975 tôi rời Subic Bay lên chiếc C-130 (máy bay di chuyển quân đội của Hoa Kỳ) tại căn cứ Clark với vài ba trăm người khác, bay qua Guam. Những người đến sau tiếp tục ở lại Subic Bay, trầm mình trong làn nước biển xanh, và chiều về lại xem những khúc phim rượt chạy để cuối cùng âm thanh của hàng chữ « That’s All Folks » và tiếng cười lại vang lên trong tâm tư khó chịu của người thất trận! Chiếc C-130 vội cất cánh rời phi đạo Clark, trong nhấp nháy tôi nhìn lại Subic Bay nhỏ như hột cát. Tiếng động cơ máy bay ầm ì đều đặn, và đoàn người ngồi yên lặng, dõi mắt nhìn qua khung cửa sổ, cố ghi lại hình ảnh một vài giờ vui.
Ba con tàu đổ bộ kéo miệng lên kín nghít vội vàng di chuyển ra giữa dòng sông Sài Gòn. Tối 29 tháng 4 bầu trời đen như mực, những người trên tàu lớn – bé – già – trẻ đều được lệnh ngồi im xuống sàn tàu. Con tàu được điều chỉnh với tiếng máy thật nhỏ, chỉ đủ sức để đẩy khối sắt và đoàn người đi trong im lặng. Đoàn tàu chứa đầy gia đình binh lính Lôi Hổ, lính thiện chiến của QLVNCH. Những người lính này thường được di chuyển vào ban đêm để đột nhập vào phòng tuyến của địch. Hay những đêm tối trời họ nhảy dù xuống mật khu trà trộn trong vùng địch với những phi vụ tình báo. Hoặc những cuộc trinh sát một còn một mất. Nhiều khi họ chỉ được trở về thành phố sau nhiều tháng sống trong rừng sâu, vì vậy mà lối ăn mặc, tóc tai và bản tính của họ có phần không giống với những binh chủng khác. Nhưng đêm nay những người lính Lôi Hổ này như cọp trong chuồng. Trước mặt họ không có quân thù, không có rừng sâu, không có những tiếng kêu rùng rợn của loài cầm thú, hay tiếng cóc nhái rỉ rã giữa đêm trường nằm ngóng quân thù. Mà chỉ có một màng đêm đen tối. Khi con tàu qua địa phận Rừng Sát những tiếng súng nhỏ nổi lên lẻ tẻ từ hai bên bờ sông nhưng không đáng kể, con tàu vẫn âm thầm trôi đi trong bóng tối. Ngồi khép mình bên mạn thuyền tôi nhìn về vùng trời Sài Gòn, nơi đó có Mẹ, có anh em, và Phương. Có lẽ giờ này Phương đã ngủ yên giấc! Nhìn chung quanh, khối người chật như nem nhưng tuyệt nhiên im phăng phắc. Tiếng sóng lăn tăn vẫn vỗ vào mạn thuyền nghe róc rách, và con tàu di chuyển thật chậm. Nhìn về bầu trời Thủ Thiêm, những ngọn lửa đỏ làm sáng cả góc trời và chen lẫn những tiếng nổ ì ạch. Một đêm tôi thức trắng, và có lẽ nhiều người khác cũng thức trắng đêm. Sáng 30 tháng 4, 1975 ba con tàu đã có mặt ngoài khơi Vũng Tàu. Chúng di chuyển sát nhau và quần thảo trên vùng biển nhỏ, dường như họ đang chờ đợi ai. Gió biển lạnh, thổi rì rào làm buốt da thịt. Màu nước biển đen và ánh sáng mập mờ đã thu đại dương bao la thành một không gian nhỏ bé bao quanh con tàu. Và trong không gian nhỏ này, con tàu cứ lảng vảng như vẫn còn luyến tiếc điều gì nơi bến nó ra đi. Khi mặt trời bắt đầu ló dạng trên biển Đông, xa xa những tia sáng yếu ớt màu hồng đập vào mặt nước làm lóe lên những gợn sóng bạc đầu thì, nhấp nhô từ xa những con thuyền, to có, nhỏ có bắt đầu lù lù hiện ra. Một chiếc, hai chiếc, rồi ba chiếc, những chiếc ghe đánh cá bằng gỗ đông nghẹt người cứ nhô lên rồi lại chìm xuống. Trời đã sáng, đoàn tàu càng lúc càng nhiều hơn. Mọi người trên tàu đổ bộ đã tỉnh. Từ phía chân trời hiện lên chiếc tàu hải quân Mỹ màu xám tro nằm lù lù trên mặt biển. Thế là những chiếc tàu vượt biên đều quay đầu về chiếc tàu hải quân Mỹ mà chạy. Bên cạnh tàu hải quân Mỹ, khoảng vài ba trăm thước, là chiếc xà lang chở đầy người lố nhố. Chiếc xà lan này đi từ Đà Nẳng vào từ mấy ngày nay. Tàu hải quân Mỹ, chiếc USS Thomaston LSD-28 thuộc Đệ Thất Hạm Đội Thái Bình Dương, có bải đậu trực thăng. Bên cạnh chiếc LSD là một chiếc soái hạm (thuộc loại FFG) chạy theo sau hộ tống.
USS Class Thomaston LSD-28 ship
Khoảng 9 giờ sáng ngày 30 tháng 4, từ xa chiếc tàu đánh cá chở đầy người đang bập bềnh nhấp nhô theo nhịp sóng như muốn chìm trong biển sâu, cố gắng lại gần tàu đổ bộ. Khi đến gần, những người trên tàu đánh cá chờm mình lên mũi tàu van xin được cứu vớt. Nhìn họ như những con chim ướt sũng, run rẫy trong cơn gió lớn muốn tìm một tàn cây để núp. Con tàu nhỏ bé vẫn bập bếnh trên ngọn sóng và những khuôn mặt hãi hùng giương tròn đôi mắt nhìn về chiếc tàu đổ bộ khẩn cầu. Nhưng, một khẩu lệnh từ đâu trên chiếc tàu đổ bộ đưa xuống: « Bắn! » Liền sau tiếng « Bắn » người lính Lôi Hổ kéo cò cây súng M16 rắc một tiếng. Hàng loạt những viên đạn bay vèo vèo về chiếc tàu đánh cá, găm chụt chụt xuống nước, ria thành hình chữ V bao quanh mũi tàu. Chiếc tàu đánh cá mong manh khựng lại, và những người trong tàu chấp tay lạy như rái. Những gương mặt hốc hác run rẩy lại càng thêm run rẩy, và con tàu nhỏ bé lặng lẽ lùi dần ra xa. Tôi đứng đó, tay siết chặt thành tàu nhìn đám người chấp tay lạy trước làn đạn mà lòng tê cứng. Không biết họ kinh hoàng hay chính lòng tôi thấy sợ. Ngoài khơi Vũng Tàu lúc này tàu vượt biên càng đông hơn, quần thảo lại một vùng như buổi chợ nổi. Tiếng kêu cứu, van xin, la hét như loạn. Mọi người đều nhắm vào chiếc tàu hải quân Mỹ và chiếc xà lan khổng lồ.
LCU US NAVY chở dân di tản 1975
Nhưng tiếng súng chát chúa vừa rồi xua đuổi con tàu đánh cá đã giấy lên một không khí rối loạn trên mặt biển. Đáp lại những tiếng súng từ chiếc tàu đổ bộ là, chiếc soái hạm chạy bắn nước, đánh một vòng bên cạnh chiếc LSD như con ngựa trở chứng! Và kế tiếp là lệnh từ đâu đưa ra bảo mọi người phải vứt tất cả súng ống xuống nước mới được lên tàu lớn. Những khẩu Carbin xếp, M16, và những cây súng lục ngắn gọn rất đẹp lần lượt được ném xuống biển sâu! Từ đây trên tàu đổ bộ trở thành một nơi vô trật tự, không ai nghe ai. Nơi đây nếu còn luật lệ thì chỉ còn luật mạnh còn yếu chết. Trong đám tàu kia có hai chiếc tàu buôn: Long Hồ và Long Châu, hai chiếc tàu cùng một chủ đang đi bên cạnh nhau. Tôi biết anh Hoàng là sĩ quan cơ khí của tàu Long Hồ, mấy tuần nay tình hình rối loạn ở Sài Gòn tôi không liên lạc được. Bây giờ Long Hồ xuất hiện ở đây, tôi nghĩ thế nào cũng có người quen trên đó. Trước những cảnh đáng sợ, tiếng súng đạn và con người cấu xé lẫn nhau để được bốc lên tàu lớn, đã làm chùn ý tưởng « ra đi ôm mộng trùng dương » của tôi. Tôi quay mắt theo dõi chiếc Long Hồ. Bất chợt chiếc tàu đổ bộ tôi đi quay đầu về chiếc Long Châu. Khi hai chiếc tàu sắp chạm nhau tôi mới biết là trên Long Châu có một vị quân nhân Lôi Hổ cấp Tá có gia đình đang đi bên tàu đổ bộ, và vị sĩ quan cấp Tá này muốn nhảy qua tàu đổ bộ cùng gia đình. Trong khi hai chiếc tàu đang điều động gần nhau tôi thấy anh em anh Hoàng có mắt trên Long Châu, tôi vội mừng như kẻ sắp chết đuối vớ được phao, tôi la lớn: -Anh Hoàng tui qua bên tàu anh được không? Anh Hoàng liền đáp: -Tàu tao trở lại Sài Gòn. Nghe mấy tiếng « trở lại Sài Gòn » tôi mừng quá. Tôi liền nói: -Anh đợi tui qua với, tui cũng muốn trở lại Sài Gòn. Anh Hoàng liền nói: -Ừ, qua đi. Tôi quay qua Điện: -Anh ở lại đi nhe, tui trở lại Sài Gòn. Điện nghe tôi nói thế liền đáp: -Mầy về thì tao cũng về chứ đi một mình chi. Tôi chen chân bước về hướng mũi tàu, nơi hai chiếc tàu sẽ chạm nhau cho vị sĩ quan cấp Tá bước qua. Tôi liền nói với mấy anh Lôi Hổ đang ôm súng đứng trước mũi tàu: -Anh cho tôi qua chiếc tàu kia nhe. -Không được. Không được lộn xộn, trở lại không tao bắn chết bây giờ. Anh lính Lôi Hổ nhìn tôi sừng sộ, nạt. Nhìn nét mặt anh tôi hoảng sợ, liền ôm túi sách lùi lại phía sau tàu. Hai chiếc tàu chỉ còn một chút nữa là chạm nhau, tôi thấy viên sĩ quan cấp Tá đang đứng trên mũi Long Châu, chờ bước qua. Tôi ao ước được làm như ông ta, nhưng không được! Hai con tàu chỉ cập sát nhau để chuyển một người rồi sẽ gian ra xa. Tôi quẩn trí, không biết phải làm sao để qua bên kia, để được về với gia đình, với Phương, và với sự bình an mà hằng ngày tôi vẫn có, và nhất là để khỏi thấy cảnh con người đối xử tàn nhẩn với con người. Chỉ một bước thôi, một bước là tôi sẽ xa rời những ưu phiền sợ sệt, những hãi hùng mà sáng nay tôi đã chứng kiến. Nhưng bước chân đó tôi không thực hiện được! Khi hai con tàu xích gần lại nhau thì người trên tàu đổ bộ xôn xao, ồn ào như náo loạn. Người lính Lôi Hổ phải bắn chỉ thiên mấy phát và ra lệnh mọi người đứng im tại chỗ. Tôi nhìn anh Hoàng, chỉ tay xuống biển ra ni và nói: -Anh thả phao xuống kéo tui lên được không? Anh Hoàng nhìn xuống mặt nước, ngước mặt nhìn tôi nói: -Được. Nhưng mầy dám nhảy xuống không? Lúc này hai chiếc tàu đâu lại thành hình chữ V, vị sĩ quan cấp Tá sắp bước chân qua, và Điện đang đứng sát bên tôi. Tôi không còn thì giờ để do dự, chỉ có giây phút này thôi rồi hai con tàu sẽ xa nhau, và cơ hội trở lại Sài Gòn sẽ không đến với tôi lần thứ hai trên biển này. Tôi liền tròng túi hành trang qua cổ, xong, nhảy xuống biển! Liền theo đó Điện cũng nhảy xuống biển theo tôi. Hai chiếc phao từ Long Châu liệng xuống nhưng cả tôi lẫn Điện đều chụp hụt, lập tức hai chiếc phao bị dòng nước tống ra phía sau. Con nước giữa hai chiếc tàu như một dòng sông chảy xiết, chỉ trong vòng vài ba phút phấn đấu tôi đã mệt lã, và con nước xoi tôi và Điện về phía đuôi tàu. Tôi ngóc đầu lên nhìn những người trên tàu Long Châu, con sóng lại đánh tôi lao chao, tôi quậy tay chân giữ thăng bằng, và hai cái phao thứ hai liệng xuống. Tay tôi quờ quạng trong con sóng và chụp được chiếc phao, khi tôi chỉ còn cách chân vịt khổng lồ của Long Châu không bao xa. Tôi vội vàng chui đầu vô phao cấp cứu, lấy sợi dây còn lại quấn lia lịa trên mình, trên phao, rồi nằm như con cá chết! Mấy người trên Long Châu kéo tôi lên khỏi mặt nước, bỏ trên boong tàu. Tôi mệt lã người, chỉ hỏi: -Điện đâu? -Nó chụp hụt phao, nước đẩy ra sau và được tàu đánh cá vớt rồi.
Tiếng nói của ai đó trên tàu Long Châu cho tôi biết. Tôi nằm sãi sòng trên boong tàu, người lã đi. Hơn nữa tiếng đồng hồ sau tôi bình phục và đi lại trên tàu Long Châu. Chiếc tàu đổ bộ hải quân đã tách xa Long Châu và đang nhập với những chiếc tàu khác bên cạnh xà lang và tàu hải quân Mỹ. Tôi dõi mắt nhìn theo những chiếc tàu chung quanh nhưng không thấy bóng dáng Điện. Từ đó tôi mất liên lạc Điện. Nhìn lại trên tàu Long Châu chỉ có trên dưới 20 người kể cả gia đình Thuyền Trưởng và anh em anh Hoàng. Những người trong nhóm anh Hoàng tôi đều biết. Đã gần trưa ngày 30 tháng 4, Long Châu chở đầy xăng dầu và Long Hồ chở gạo nằm ì tại chỗ. Máy vẫn nổ nhưng tàu chỉ lần quần ngoài khơi Vũng Tàu, chưa chịu đi. Tôi hỏi chừng nào quay đầu trở lại Sài Gòn thì chỉ nghe anh Hoàng nói đợi một lát nữa. Nữa tiếng đồng hồ rồi một tiếng, hai tiếng đồng hồ trôi qua tàu vẫn chưa nhúc nhích. Tôi đi lòng vòng trên tàu, vào những phòng ngũ của thủy thủ xem xét. Lật nệm giường ngủ lên tôi thấy súng M16, đạn dược và lựu đạn nằm la liệt dưới giường. Thì ra chiếc Long Châu từ Đà Nẵng vào chở hơn một tiểu đội Lôi Hổ. Khi đến Vũng Tàu những người lính Lôi Hổ trở vào bờ bỏ lại súng đạn nơi đây, và trong số người từ Đà Nẵng vào có vị sĩ quan cấp tá Lôi Hổ, một Đại Tá Cảnh sát và một tà lọt. Tôi nôn nóng đợi không biết chừng nào tàu sẽ trở lại Sài Gòn. Nơi đây không khí càng lúc càng sôi nổi. Những chiếc ghe đánh cá thi nhau chạy về tàu lớn.
Dân di tản hướng về tàu lớn
Khoảng 10:30 trưa 30 tháng 4, trên radio lời tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh được loan đi. Chấm dứt! Chính thể Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam chấm dứt vào lúc trưa 30 tháng 4, 1975! Ngoài khơi biển Vũng Tàu dậy sóng. Những chiếc tàu con chạy loạn xạ tìm tàu cứu vớt. Chiếc LSD hải quân Mỹ thả lưới xuống kéo người từ xà lang và những chiếc ghe con. Từ xa tôi nhìn về chiếc LSD, hàng hàng lớp lớp những bàn tay con người nhôn nháo bám vào mảnh lưới để được kéo lên như kéo những kiện hàng. Người đạp lên người, những bàn tay bám víu vào mảnh lưới không chịu nỗi sức nặng của chính mình, và rớt lủm bủm xuống nước giữa hai con tàu. Xa quá, tôi không biết những người rơi rớt xuống biển có được cứu vớt lên không? Hay chỉ là miếng mồi cho cá! Hay có lẽ đã bị nghiền nát bởi hai thành tàu! Từ thành phố Sài Gòn những chiếc trực thăng ào ạt mang người di chuyển ra chiếc LSD và Đệ Thất Hạm Đội Thái Bình Dương. Khi những nhân viên cuối cùng đáp xuống chiếc LSD an toàn thì những chiếc trực thăng cũng lần lượt bị xô xuống biển, lấy chỗ cho chiếc khác đáp xuống. Trời về chiều, gió thổi mạnh và bọt nước chung quanh chiếc LSD như lớp sương mù. Và hết lưới này đến lưới khác, bóng người vẫn đu đeo, và bóng người vẫn rơi rớt giữa hai con tàu. Ba con tàu đổ bộ từ căn cứ chuyển vận kho 18, Tân Thuận Đông quay đầu lên đường đi Subic Bay, Phi Luật Tân. Những tàu sắt có khả nămg đi một mình thì ra đi. Long Châu và Long Hồ cũng bắt đầu lên máy. Tôi quay qua hỏi anh Hoàng: -Sao anh đi hướng này? -Thì tao nói với mầy tàu tao trở lại Sài Gòn để khỏi bị nhiều người bu lên, đơn giản vậy thôi. Tôi ngỡ ngàng nhìn anh Hoàng! Long Châu hú lên một hồi còi, tôi nhìn lại chiếc xà lan và đám ghe nhỏ mong manh. Chắc Điện đang loi nhoi đu đeo theo lưới trong đám người đó! Rồi tôi tự hỏi: « Long Châu sẽ đi về đâu? ». Long Châu, những ngày rong ruổi!
30-4-1975: HỎA VẬN HẠM HQ.472 TRONG NHỮNG THÁNG NGÀY CUỐI CỦA CUỘC CHIẾN
Lê Châu An Thuận
MẤT NƯỚC LÀ MẤT TẤT CẢ! ĐỪNG BAO GIỜ TRÔNG CHỜ VÀO SỰ BAO DUNG ĐỘ LƯỢNG CỦA ĐỐI PHƯƠNG, DÙ ĐỐI PHƯƠNG ĐÓ LÀ NGƯỜI CÙNG MÀU DA, CÙNG TIẾNG NÓI VỚI MÌNH!
Đang là Hạm trưởng Hỏa Vận Hạm – HQ. 472, thì vào đầu tháng 2 năm 1975, tôi nhận Lệnh thuyên chuyển về làm Thuyền trưởng cho hãng tàu Vishipco Lines, và chờ vị Hạm Trưởng mới đến thay thế tôi; đến giờ nầy tôi vẫn còn giữ LTC làm “kỷ vật”. Tiếc thay vị đó lại đi học khóa Tham mưu cao cấp, một vị khác lại được chỉ định đến thay thế cho tôi, nhưng không biết vì lý do gì cũng chưa trình diện BTL/Hạm Đội để nhận công tác. Ông Chỉ Huy Trưởng Hải Đội động viên tôi đi thêm một chuyến công tác. Từ cực nam của miền Nam chúng tôi “dong ruỗi” trên con đường tiếp tế cho từng vùng để các đơn vị, các chiến hạm có đủ nhiên liệu hoạt động trên biển. Từ An Thới, Phú Quốc chúng tôi bom đầy cho Căn cứ Yểm Trợ Tiếp vận và các chiến hạm hoạt động trong vùng; ghé qua Côn Sơn tiếp tục nhiệm vụ của mình và trực chỉ Vũng Tàu để vào Cát Lỡ lấy dầu và tiếp tế cho các chiến hạm đang neo đậu tại đây.
Nhận được lịnh ra Qui Nhơn để tiếp tế cho các chiến hạm từ Vùng I Duyên Hải trên đường xuôi nam. Tình hình chiến sự trong đất liền thì càng lúc khó khăn cho miền Nam, tinh thần anh em dưới tàu của tôi không có biểu hiện hoang mang hay lo sợ. Tôi vững lòng vì mọi người trong chúng tôi hiểu lẫn nhau và đã cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn trong một thời gian tương đối khá dài.
Từ nhiều nguồn quân sự và dân sự tôi biết chắc rằng miền Nam Việt Nam đang trải qua những ngày tháng đen tối, từ sai lầm chiến lược và chiến thuật, chúng ta khó có thể đảo ngược và gìn giữ sự nguyên vẹn của miền Nam như trước đây. Giải pháp chính trị nào cho Việt Nam đây? Thi hành Hiệp định Paris? Đành chờ và xem!
Tôi và anh em trên tàu phải làm tròn trách nhiệm mà mình đang gánh trên vai, tuy nhỏ nhoi nhưng chúng tôi phải làm tốt để cuộc triệt thoái được thành công. Ngày 21/3/1975 sau khi vào lấy dầu tối đa có thể tại Căn cứ xăng dầu của Quân vận tại Qui Nhơn, tôi ra lệnh anh em phải cẩn thận vì tối hôm trước đó người nhái Việt cộng toan tính đặt mìn tàu bịnh viện hạm HQ.400 nhưng may mắn anh em phát hiện và bắt được hai người, chúng tôi ra neo ở ngoài cảng và cho một số anh em ra phố đi chợ vì thực phẩm trên tàu đã cạn kiệt; anh em đi chợ về cho biết thành phố gần như bỏ ngõ, chỉ lèo tèo vài anh cảnh sát còn phụ trách lưu thông trên đường phố.
Tôi nhận được yêu cầu từ Hộ tống hạm HQ. 08 đến tiếp tế dầu; tôi được biết Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lịnh Vùng I Duyên Hải đang trên chiến hạm nầy. Tôi gặp anh Nguyễn Trường Yên, Hạm trưởng, anh là một trong ba bốn anh cùng khóa 15 rất xuất sắc và đảm nhiệm chức vụ Hạm trưởng trên các chiến hạm lớn sớm nhất của Hạm đội. Tôi lên đài chỉ huy của chiến hạm trình diện Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, và nhận thấy ông đang mặc jacket hải quân và trên mặt có vết sước nhẹ. Trọng tâm của ông trong lúc nầy là rước càng nhiều càng tốt anh em binh sĩ Sư đoàn 3 Bộ binh và hướng dẫn các đơn vị chiến hạm, chiến thuyền của vùng I về Vũng Tàu.
Tách khỏi chiến hạm HQ. 08, thì vào lúc 1:00 chiều ngày 31 tháng 3 năm 1975, chúng tôi đón tiếp HQ. Đại tá Nguyễn Công Hội, Tư Lịnh phó Vùng I Duyên Hải lên chiến hạm chúng tôi để chỉ huy đơn vị trưởng các chiến đỉnh của vùng tập trung lại để cùng về Vũng Tàu. Tôi và ông có quan hệ trong công tác, trước đây ông là Chỉ huy trường Hải đội Tuần Duyên và tôi là Hạm trưởng một chiếc PGM dưới quyền ông; sau nầy khi ông về vùng I thì tôi lại trình diện ông mỗi khi công tác ở đây. Ông là người trầm tĩnh, ít nói, có kinh nghiệm chỉ huy cao.
Đồng thời chúng tôi cũng có chở Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh và các Sĩ quan Tham mưu của ông trên chiến hạm của chúng tôi. Mọi người đều lo lắng cho các đơn vị và binh sĩ dưới quyền. Binh lính của Sư đoàn 3 Bộ binh có mặt trên tàu khá đông song anh em giữ kỷ luật rất tốt.
Đính kèm là trang số 40 của Nhật Ký Tư Lệnh do Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh viết:”Tôi cùng đại tá Hội, tư lệnh phó Vùng I Duyên hải sang tàu dầu 542 [ đính chánh 472] (hạm trưởng trung úy An Thuận [đính chánh đại úy]) cùng một đoàn tàu nhỏ đi về Cam Ranh.
Sau cùng thì cả đoàn tàu đã về đến Cam Ranh an toàn. Các vị quan khách lần lượt rời chiến hạm, trả lại không gian an bình và sinh hoạt bình thường cho chúng tôi. Trong suốt thời gian qua vì cùng phụ giúp các vị tướng, tá chỉ huy trên tàu nên tôi chỉ ngủ được chừng một tiếng đồng hồ/ngày. Café và trà là nguồn trợ lực rất quý giá cho tôi, ăn uống chỉ là phụ. Ai nấy đều như “xác không hồn”. Sáng sớm ngày 2 tháng 4 năm 75, chiến hạm được lệnh rời Cam Ranh lên đường về Vũng Tàu để chuẩn bị vào lại Căn cứ Yểm trợ Tiếp Vận Cát Lở lấy dầu; về đến Vũng Tàu ngày 4 tháng 4 năm 1975. Tiếp tế dầu và nước cho các chiến hạm đang neo đậu tại Vũng Tàu, nhưng vì tình trạng kỹ thuật tàu của chúng tôi quá tệ, nên lệnh cho chúng tôi neo tại chỗ để các cơ xưởng hạm có mặt ở đây sửa chửa những hư hỏng kỹ thuật cho chúng tôi. Quyết định sau cùng là phải vào Ba Son để sửa chữa vì các cơ xưởng hạm ở đây không có các bộ phận thay thế. Anh em có thân nhân ở Saigon hoặc ở các vùng phụ cận, và bản thân tôi, chỉ mong được về Saigon sau một chuyến công tác dài ngày trên biển từ cực nam đến cực bắc duyên hải của miền Nam, và trong giai đoạn nghiêm trọng nầy của đất nước chúng tôi cũng còn có trách nhiệm với gia đình vợ con.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức trao quyền cho cụ Trần Văn Hương, anh em chúng tôi trên tàu biết rằng miền Nam của chúng ta đang trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn và chắc chắn không đủ sức cầm cự được lâu.
Về đến Saigon chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, tôi cho anh em về nhà để mang gia đình vào sáng sớm ngày hôm sau, để số còn lại sẽ về nhà ngay, trong đó có tôi. Tối hôm đó thì thợ Ba Son xuống tháo ráp máy móc hư hỏng dưới tàu để đem về xưởng, cùng với anh em còn lại, chúng tôi theo dõi tiến trình sửa chữa; tôi lên BTL/Hạm Đội gặp sĩ quan trực để biết thêm tình hình hiện tại của Hải Quân và của đất nước, và gọi điện thoại về nhà, báo cho gia đình chuẩn bị sẳn sàng để ngay mai khi tôi về thì có thể rời nhà ngay. Những quyết định gấp rút và khó khăn vô cùng cho mọi người!
Ngày hôm sau khi tôi về nhà, đang loay quay kêu gọi người thân trong nhà chuẩn bị đi thì đã có lời kêu gọi hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện của Tổng Thống Dương Văn Minh. Tôi và vợ tôi hy vọng vào các bạn tôi đang neo tàu buôn ngoài sông Saigon, vô ích và không có kết quả, cố gắng vào Cảng Saigon, kết quả cũng không có gì tốt hơn.
Mặc dầu có nhiều cố gắng nhưng chúng tôi không thành công, thôi thì đành tự an ủi “không thành công thì cũng thành nhân” nhưng cái giá phải trả lại quá đắt là những năm tháng tù đày đói rách tại miền bắc, và bài học đầy máu và nước mắt mà tôi học được là: Mất nước là mất tất cả, đừng bao giờ trông chờ vào sự bao dung độ lượng của đối phương, dù đối phương đó là người cùng màu da, cùng tiếng nói với mình! Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều nước thuộc địa khác không cần hy sinh hơn hai triệu con dân của mình và mất 20 năm nội chiến để giành độc lập cho xứ sở của mình; họ không ngu dại để “chúng ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”, phát biểu của Lê Duẩn; nước Đức thống nhất không có đổ máu, không có phân biệt đối xử quốc gia hay cộng sản, người dân Tây Đức hy sinh tiền của để cưu mang người dân Đông Đức và cả nước cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh như ngày hôm nay, và đương kim thủ tướng Đức là một chính trị gia xuất thân từ nửa nước Đức “hậu cộng sản”… Vậy ai khôn hơn ai?
Vận nước đến hồi đổi thay để mọi người dân miền Nam cùng chia sẻ với dân miền Bắc, cùng nhau chạm mặt chế độ cộng sản, một chế độ đàn áp có hệ thống các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội và tập hợp hòa bình và sẵn sàng trấn áp những ai dám kêu gọi dân chủ, tự do.
Giờ đây giới trẻ đã có ý thức rằng họ phải bảo vệ tổ quốc, và họ đã và đang dấn thân trong việc thực thi dân chủ và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam, bắt đầu tiến trình thoát khỏi chế độ cộng sản cầm quyển với bản tánh ích kỷ, vô lương. Hy vọng đây là mở đầu cho một giai đoạn mới cho tuổi trẻ thức tỉnh và vùng lên để lấy lại chính nghĩa cho tổ quốc.
Vào năm 492 trước Công Nguyên, linh hồn của những người thủy thủ ra đi trên một chiến hạm bị đắm trong cơn bão đã hóa thành những chú chim bồ câu bay vào đất liền để báo tin cho người thân, trao gửi những yêu thương cuối cùng…
Đó là lý do mà bồ câu từ đó đã trở thành biểu tượng của hòa bình và yêu thương. Sự xúc động mãnh liệt từ câu chuyện này đã đem đến một kiệt tác âm nhạc cho nhân loại, một ca khúc dù đã 156 tuổi nhưng chưa hề già đi ở bất cứ góc phố nào trên thế giới: La Paloma. La Paloma của Andre Rieu cùng dàn nhạc của ông cho đến nay vẫn là một bản La Paloma xuất sắc nhất mọi thời đại
Câu chuyện về những người thủy thủ ra đi vĩnh viễn không trở về.
Ca khúc La Paloma (tên Việt: “Cánh buồm xa xưa”) bắt nguồn từ câu chuyện xưa về cuộc xâm lược xứ Hy Lạp của vua Darius I nước Ba Tư vào năm 492 trước Công nguyên, thời điểm mà chim bồ câu còn chưa được biết đến ở châu Âu.
Lúc đó, hạm đội Ba Tư do đại tướng Mardonius chỉ huy đã gặp phải một trận bão ngoài khơi đỉnh Athos, nhiều thuyền chiến Ba Tư đã bị đắm trong trận bão này.
Nhiều thuyền chiến Ba Tư đã bị đắm trong trận bão này. (Ảnh minh họa: pixabay.com)
Người Hy Lạp đã nhìn thấy nhiều chú chim bồ câu bay ra khỏi các xác tàu Ba Tư bị đắm, bay qua biển mênh mông. Người ta đặt câu hỏi những chú chim bồ câu trắng này phải chăng là linh hồn của những thủy thủ hóa thân?
Hay những chú chim này mang về đất liền những thông điệp tình yêu cuối cùng của những thủy thủ đã bỏ mình giữa biển cả cho cha mẹ, vợ, con, người yêu?
Mối liên hệ cuối cùng của tình yêu vượt qua cả cái chết và sự chia ly đã được cất lên trong bài “Cánh buồm xa xưa” (bản thân cái tên tiếng Tây Ban Nha “La paloma” có nghĩa là “chim bồ câu”).
Trong khi lời bài hát ở các phiên bản ngoại ngữ có thể không đúng so với nguyên bản, tinh thần đó của bài hát vẫn được bảo tồn sau nhiều lần thu âm, dù dưới dạng nào và bài hát vẫn thể hiện được cao trào của sự chia ly với và đoàn tụ, cái chết và tình yêu vĩnh cửu. (Paloma như một biểu tượng vĩnh cửu về tình yêu vượt qua cái chết)
Bồ câu trắng của hòa bình và tình yêu.
Từ câu chuyện xa xưa đó, chim bồ câu và ca khúc Paloma đã trở thành biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu và ước vọng hòa bình.
Trong các cuộc chiến tranh, chim bồ câu còn được huấn luyện để đưa thư, và có rất nhiều những bức thư tình mà những chú chim bồ câu đã giúp kết nối giữa người ở nhà và người ra chiến trận, những bức thư thông báo kết thúc chiến tranh.
Chính trên bến cảng La Habana, nhạc sĩ người Tây Ban Nha Sebastian Iradier từ cảm hứng của câu chuyện xưa và đàn bồ câu trắng đã sáng tác nên kiệt tác bất hủ này, khi ông đến thăm Cuba vào năm 1861 và bài hát ra đời khoảng vào năm 1863.
Ảnh hưởng của thể loại nhạc Habanera, một kiểu nhạc dance rất phổ biến ở Cuba trong thế kỉ 19 thường đã tạo nên những giai điệu rất khác biệt cho La Paloma, và dù được dịch ra ở thứ tiếng nào, và chơi bằng loại nhạc cụ nào đi nữa thì ai đều cũng có thể cảm nhận được khát khao về tình yêu và hòa bình được truyền tải trong bài hát này.
Chính trên bến cảng La Havana, người nhạc sĩ đã viết nên ca khúc này (Ảnh: pixabay.com)
Khi lời hát du dương cất lên, người ta có cảm giác trái tim như tan chảy…
Một ca khúc trở thành dân ca…
La Paloma được chuyển thể cho rất nhiều phiên bản và nhạc cụ và phổ biến đến mức ở một số nước như Mexico, Tây Ban Nha, Philippines, Đức, Romani…bài hát đã trở thành một dạng nhạc dân ca. Đây là một trong những bài hát được dịch ra nhiều thứ tiếng và có nhiều phiên bản nhất.
Tiếng đàn Guitar Hawaii của Phạm Mạnh Đạt đã khiến người nghe không thể quên giai điệu của La Paloma:
Số lượng thu âm của bài hát này thậm chí còn được cho là nhiều hơn cả bài Yesterday mà sách kỉ lục Guiness công nhận là bài hát có số lượng thu âm kỉ lục nhất mọi thời đại.
Ca khúc này được Elvis Presley thể hiện bằng tiếng Anh với tựa đề “No More” về một ước vọng tình yêu thật dịu dàng êm ái.
Ở Việt Nam, mấy mươi năm về trước, Từ Vũ và Phạm Duy viết lời Việt cho La Paloma và đặt tựa đề là “Cánh Buồm Xa Xưa”.
Dalena, ca sĩ người Mỹ xinh đẹp nhưng hát tiếng Việt chuẩn xác, ngọt ngào, cao vút.
La Paloma của bản gốc tiếng Tây Ban Nha, với chất giọng như nhạc, như nước, như suối chảy của Julio Iglesias, ca sĩ có đĩa bán chạy nhất trong lịch sử trong thể nhạc Latin và cũng là một trong những ca sĩ có đĩa bán nhiều nhất thế giới:
Thuyền ai đang lênh đênh vượt sóng biếc cho tan vơi cơn sầu Ai đang đắm đuối trên lưng muôn con sóng xanh bạc đầu Biệt ly sao chua cay làm mắt ướt tóc xanh nay phai màu Nhớ mãi, nhớ mãi môi em cười khi bến xa con tàu…
Quả thật, kỷ niệm đẹp có thể không phải vì nó vui hay buồn, mà vĩnh viễn không bao giờ trở lại với chúng ta nữa… Hãy vững bước vượt lên mọi nghịch cảnh để mỉm cười.
Lời mở đầu : Kể từ đầu năm 1975, nhiều biến đổi xáo trộn đột ngột và nhanh chóng về Quân Sự và Chính Trị đã đem đến cho miền Nam nhiều điều không thuận lợi. Mỹ và Đồng Minh đã rút hết khỏi VN từ lâu, để lại một lỗ hổng to lớn trên chiến trường mà QLVNCH phải đảm nhiệm, đồng thời với sự sút giảm viện trợ quân dụng, đạn dựơc, quân ta phải chiến đấu trong tình trạng rất thiếu thốn, ngay cả thuốc men, bông băng, nứơc biển, huyết thanh tại các Quân Y Viện cũng phải dè sẻn, không đủ dùng. Trong khi đó CSBV đựơc sự trợ giúp tối đa về quân sự của khối CS Nga và Tầu, đã tung ra nhiều trận địa chiến lớn với đại pháo và thiết giáp hạng năng. Quân ta phải đơn phương chống trả mãnh liệt, hai bên đều thiệt hại nặng nề. Một phần nữa, các báo chí đã vi phạm luật thông tin báo chí, những tên phóng viên VC nằm vùng hay thân Cộng tung ra những bản tin không có lợi cho Quân ta, làm cho nhiều người dân hoang mang, lo sợ, không còn biết tin tưởng ở đâu. Giới nhà giầu có đi rút tiền ở nhà băng và đi mua dollar hay vàng lá. Giới hiểu biết nhiều về tình hình chính trị lo thu xếp công việc, nhà cửa chuẩn bị di tản sớm ra ngoại quốc. Giới nghèo và kém hiểu biết hoang mang, ngơ ngác không biết hành động ra sao ?
Tuy nhiên, tình hình tại Saigon vẫn an ninh, trật tự, không có hỗn lọan hay cướp bóc xẩy ra, viêc buôn bán, làm việc, đi lại đều bình thường. Người tinh mắt quan sát nhận thấy có một điều gì bí ẩn tiềm tàng khác thường trong cuộc sống của cư dân Sài Thành, khó ai có thể tiên đoán tương lai đất nước sẽ đi về đâu ?
Các tin tức chiến sự từ miền Trung, việc thất thủ từng giai đoạn các phần đất miền Tây Cao Nguyên, dinh Độc Lập bị ném bom, nhà báo đột lốt đóng tuồng đi ăn mày. Tên ký gỉa Phạm xuân Ẩn được Mỹ thuê làm việc, đi hàng hai, ban đêm tung tin tình báo thâu lượm đựơc trong ngày bá cáo hết cho bọn VC nên Hànội biết rõ các chi tiết hành quân của ta. Các giới trong chính quyền tố cáo lẫn nhau về tham nhũng, và càng ngày càng làm cho tình hình Saigon nóng bỏng, hỗn loạn như dầu sôi trong chảo, thế tất đặng chẳng đừng thì kéo đến sự sụp đổ của miền Nam.
Nhưng than ôi ! Tổng thống Nguyễn văn Thiệu yêu nước thật chân tình, cho dù Ông ta có cố gắng hết sức lực đến đâu đi nữa cũng không thể nào làm gì hơn đựơc, vì định mệnh của VN, một nước nhược tiểu đã được cường quốc đặt lên bàn cờ chính trị làm quân « chốt thí », đưa đẩy con chốt đó đi qua phải hay qua trái, tiến hay lùi, ăn hay thua trong bàn cờ là do bàn tay lông lá của ngoại bang mà thôi !
Mời quý vị đọc thiên hồi ký, tả lại một mảnh nhỏ của cuộc đời qua lăng kính, trong hàng trăm, hàng ngàn mảnh nhỏ khác của cuộc hỗn loạn binh đao đã xẩy ra trên đất nước này hơn ba mươi năm qua mà tôi đã được chứng kiến qua nhãn quan. Người viết xin được tả lại chân thật, không bịa đặt, khoác lác hay phóng đại ra thêm.
M/V Đông Hải cặp cầu Nguyễn Huệ Sài Gòn. Cặp phía bên ngoài là tàu Phú Sĩ, sau ngày 30/4/1975 bị đổi thành Sông Bé 12
Nhận tầu , chuẩn bị chuyến đi
Tôi đi làm Thuyền Phó cho commandant Nguyễn Đình Khôi của chiếc M/V (Motor/ Vessel ) Đồng Nai đuợc khoảng năm, sáu chuyến công tác thì phải trả lại chỗ cho anh Nguyễn Hữu Lễ (cựu Thuyền Phó) để anh này ở bờ một thời gian và đã làm xong thủ tục gia hạn « hoãn dịch », hợp thức hóa cho việc đi làm tầu biển.
Buồn vời vợi vì « nồi cơm nuôi gia đình đang bị bể », nhưng trong lòng vẫn vui vì tôi đã giữ trọn lời hứa trước khi xuống chiếc Đồng Nai làm việc. Lái xe chạy quanh văn phòng các hãng tầu cũ, hỏi xem có chổ trống (vacancy) để xin việc làm. Đi dò la thì được biết có chiếc tầu « Đông Hải » đang bị « cột » ( không đựơc phép chạy ) tại kho thương cảng Khánh Hội và đang được rục rịch, sửa sọan tách bến chạy công tác.
Tầu Đông Hải bị thủy thủ đoàn đình công không cho tháo dây chạy, lý do ông chủ tầu đang bị vỡ nợ ( bankruptcy ), không đủ tiền trả cho thủy thủ đoàn nhiều tháng lương. Để đươc tiếp tục chạy, chủ tầu phải thanh toán hết số tiền nợ cho mọi người.
Tôi mò mẫm chạy vào bên trong kho thương cảng thì được người thủy thủ canh gác tầu kể chuyện như vậy. Mừng rỡ, chạy lại văn phòng hãng, tìm gặp chủ tầu là ông Trần văn Tòng, ông này biết tôi nhiều, vì tôi đã từng làm nhiều tầu cho ông Hồ văn Tư như tầu Anh Tuấn và Nam Việt, một nghiệp chủ và cũng là một bạn thân cùng chung vốn làm ăn với ông Tòng. Ông chấp nhận ngay cho tôi làm Thuyền Trưởng và nói rõ là đang có người muốn thuê tầu chạy miền Trung ; trong một thời gian ngắn nhất, tầu sẽ tách bến.
Một trở ngại rất lớn mà tôi phải giúp chủ tầu giải quyết về vấn đề trả lương cho thuỷ thủ đoàn để tầu có thể tách bến, chấm dứt cuộc đình công. Tiền không có, tôi phải khuyến dụ thũy thủ đoàn đồng ý chấp nhận cho chủ tầu mắc nợ các khỏan lương cũ, đồng thời xin đòi « chủ mới đi thuê tầu » phải trả ứng trước một tháng lương cho mọi người lúc tầu khởi hành sắp tới, và đến khi tầu xong chuyến công tác, chủ tầu nhận đựơc tiền thuê sẽ thanh toán ngay lương cũ cho mọi ngừơi. Tất cả đều thông cảm tình trạng « lỗ nợ » của chủ tầu và đồng ý chấp nhận các điều kiện nêu ra.
Một thủy thủ đoàn mới được tuyển thêm cộng thêm một số cũ đã làm đầy đủ thành viên để tầu có trọn cấp số nhân lực theo luật định và có thể ra khơi đựơc. Ông Xếp Máy Đốt, Máy Nhì Hoàng Trọng Tý tự là « Tý Bồ Cào » và các thợ máy khác (oiler ) đã phải bỏ nhiều công sức, tu bổ lại, cho thêm dầu mỡ, lau chùi kỹ lưỡng toàn bộ máy chánh, máy phát điện và các động cơ phụ khác vì con tầu này đã bị bỏ hoang phế trên boong cũng như máy, không người trông coi hơn nửa năm trời.
Được biết người thuê tầu là bà « Công Tằng Tôn Nữ Từ Uyển », ý định của chuyến đi này là đến Đànẵng để chở về triệt thối một số hàng quí giá của các thương gia giầu có và một ít xe du lịch kiểu mới đắt tiền. Hãng Vishipco Lines của ông Trần Đình Trường đã chở về được một vài chuyến tầu như vậy nên có người bắt chước làm theo trục lợi. Đã có sự dàn xếp trước, tôi chỉ có tiếp xúc trực tiếp với người thuê mà thôi, tức là bà Uyển, ông Tòng không còn liên hệ gì nữa và người thuê phải ứng ra tiền mua dầu, giải quyết thỏa mãn về tiền bạc cũng như lương bổng.
Theo sự yêu cầu của thủy thủ đoàn, tôi xin bà Uyển ứng trứơc tiền một tháng lương cho mọi người. Được gặp bà trong lúc đang có mặt trên tầu, bà Uyển nhăn nhó mặt, đưa ra một quyển tập giấy viết học trò, trong đó ở giữa từng trang một có ghim các tấm vàng lá dát thật mỏng như tờ giấy quyến pelure đánh máy, nhìn xuyên qua có thể trông suốt đựơc ( loại vàng này thuộc loại rất cổ xưa, tôi chưa từng bao giờ thấy, mà chỉ có thấy các khối vàng lá hình chữ nhật hiệu Kim Thành mà thôi ) và nói :
– Ông Thuyền Trưởng ơi ! Đây là vàng xưa của nhà tôi, bây giờ tôi phải đem đi ra cầm bán để lấy tiền mua dầu, ông thông cảm hộ, tôi cũng kẹt quá !.
Tôi bèn trả lời ngay :
– Bà mà kẹt tiền thì cả tầu này ai ai cũng đều kẹt tiền cả ! Tôi làm sao ăn nói với thủy thủ đoàn để họ đồng ý chạy tầu đây ?
Nói xong, bà liền năn nỉ xin cho xuất trước tiền mua đồ ăn, lương thực đem theo chuyến này, còn tiền lương ứng trước xin cho trả một ít thôi để họ mang về nhà cho vợ con lúc ra đi. Tôi đứng giữa trung gian không có quyền hành gì cả mà phải chờ sự đồng ý chấp thuận của đại đa số nhân viên trên tầu. Hai bên cù cưa bàn tính qua lại, rốt cuộc đồng ý theo lời yêu cầu của bà Uyển, mọi ngừơi tự nghĩ rằng có được đồng nào trong tay trước thì nắm lấy còn hơn không có gì. Tầu chuẩn bị khởi hành. Thuyền Phó là anh Hoàng Minh, thiếu « dịch » tức SQ đệ tam, tầu phải đi « thiếu » người ( tức manquant Officier en troisième ), SQ Radio có anh Trần Hồng. Tất cả đều quen biết nhau thân thiết từ lâu vì cùng làm một nghề tầu buôn, nên toàn tầu từ trên xuống dưới đều hợp tác làm việc chung với nhau vui vẻ.
Chiếc Đông Hải đang được cột bất khiển dụng tại chốn tận cùng ở kho phế thải của thương cảng Khánh Hội, nay được rục rịch chuẩn bị máy móc, sẵn sàng. Tầu phải di chuyển qua bến Nguyễn Huệ để nhận dầu, nước, lương thực, nhân viên đầy đủ.
Lúc này, với cương vị một Thuyền Trưởng, tôi mới cảm thấy, nhận thức một sự lo lắng to lớn tràn ngập cho trách nhiệm an toàn con tầu vì nó quá cũ.
Tôi phải kể công lao nhiều nhất của Xếp Máy Đốt ( quên tên full name rồi ), anh Máy Nhì Hoàng trọng Tý và một số thợ máy khác ( gọi theo từ hàng hải là Oiler ) đã bỏ nhiều công sức đầy thiện chí nhiệt tình ra tu bổ, lau chùi bảo trì lại tất cả dàn máy ở dưới hầm cho được hoàn hảo nên chuyến công tác sắp đi không gặp một trở ngại kỹ thuật nào cả.
Tầu quá già, vỏ tầu sét rỉ từng tảng to lòi ra trông thấy rõ. Suốt nơi hông lườn, từ mũi đến lái, đều không đựơc sơn phết cả hơn nửa năm trời, từng tảng sét to lớn hơn bàn tay và dầy hiện ra rõ rệt. Máy móc lại càng tệ hơn, bỏ phế thải không chạy từ lâu, cũ, yếu, mất công xuất vì vòng kín piston bị hở mà chạy lại ăn tốn nhiều dầu. Tôi lo lắng cho chuyến đi sắp tới, chạy đường trường xa, không biết có sự gì bất trắc xẩy ra hay không ? Nếu chết máy dọc đường là một đại họa. Các Thuyền Trưởng khác đều chê con tầu này, tôi lúc này có thể ví như » điếc không sợ súng » hay là » con nghé mới sinh không sợ con cọp » và » dê non hay húc càn… » mà.
Thôi, tôi chấp nhận cả. Giao phó cho định mệnh, miễn là có chữ ký chấp nhận cho phép hợp pháp của sở Hàng Hải để tách bến là tôi an lòng. Tuy nhiên tầu cũng vẫn chưa khởi hành ngay được vì còn nhiều vấn đề tuy có vẻ đơn giản nhưng chưa được giải quyết ổn thỏa, còn phải chờ một thời gian nữa mới xong.
Chuẩn bị và chờ đợi
Một buổi sáng, tôi xuống tầu làm việc. Lúc này con tầu đã có đủ nhân viên để thường trực canh gác, bảo vệ, không còn trong tình trạng hoang phế, hiu quạnh như lúc trước nữa. Con tầu sống động vì có người ra vào, lên xuống, trông nhộn nhịp hẳn lên. Cũng vẫn có khách đi qua lại, trông nom, dòm ngó tò mò » cô nàng Đông Hải » đang được cột dây tại bến Nguyễn Huệ, còn có vẻ oai nghi, phong độ lắm để hòa nhịp với cảnh sầm uất » trên bến, dưới thuyền » của chốn bến tầu.
Mặt trời lên cao lưng chừng chiếu xuống những tia nắng ấm áp của buổi sớm ban mai vào dịp đầu Xuân ( 3/75 ). Tôi đứng trên cao đài chỉ huy, nhìn qua bên kia bờ sông, từng dẫy mái lá, mái tôn của Thủ Thiêm liền san sát nhau. Lúc này nứơc đang ròng, các trụ nhà sàn bằng xi-măng, bằng cừ tràm lòi ra, cao lều khều nâng đỡ những căn nhà nhỏ bé, đựơc xây cất bằng những vật liệu nhẹ, mỏng và rẻ tiền.
Một vài chiếc xuồng ba lá có gắn máy đuôi tôm hoặc chèo tay chạy qua lại. Quay sang phía tay phải, nhà hàng nổi » Mỹ Cảnh » như đang im lìm đóng cửa, các dẫy bàn ghế đựơc xếp lại gọn ghẽ, chất chồng đống lên nhau. Phía bên phải là « bến đò phụ Thủ Thiêm » có tiếng người gọi nhau ơi ới khi người nọ bước lên bờ, tay đang nâng cao chiếc xe đạp và người kia đang vội bước xuống ghe đò. Bến đò chính Thủ Thiêm ở phía tay trái đang được đi qua lại một lượt hai chiếc bắc ( bac ) sơn mầu trắng toát, chở nhiều xe hai bánh đủ loại và đầy khách quá giang. Bên kia sông, hãng đóng tầu CARIC của Pháp vang lên những tiếng búa đóng ầm ầm, mỏ hàn điện bắn văng ra những tia sáng lấp lánh làm chói mắt.
Lòng lo lắng, nghi vấn không biết chuyến hải trình sắp tới như thế nào ??? Ngước nhìn lên trời xanh, từng tảng mây trắng bồng bềnh từ từ trôi hay là đang tan loãng từng mảnh nhỏ trên không trung. Nhìn phía xa xa, bến Thương Cảng kho 5 Khánh Hội, một vài chiếc tầu ngoại quốc to lớn thuộc loại Viễn Dương đang nhả lên trời xanh những cụm khói đen xịt, làm ô uế cả một góc trời. Quay nhìn sang phía trái, xa xa thấy dẫy nhà lầu tường vàng của Hạm Đội và Trung Tâm Huấn Luyện Bổ Túc, vài ba chiếc chiến hạm sơn mầu xám nhạt bất khiển dụng đang được sửa chữa, cột thành hàng dài cho đến tận cùng cuối Sở Hàng Hà bên Thị Nghè.
Quay lại nhìn phía mũi trước, con tầu vẫn ngoan ngoãn nằm im lìm cạnh cầu. Các sợi dây đõi cột yên lặng, đôi khi hơi lắc lư với nhịp tầu dạt ra, dạt vào thành cầu theo các đợt sóng nhỏ. Chiếc cầu thang coupée đặt từ đất lên hông tầu kẽo kà, kẽo kẹt, phát ra những âm thanh do sự ma sát nghe như tiếng võng đu đưa êm tai. Máy treuil, máy kéo neo sét rỉ trơ gan cùng tuế nguyệt đang nằm im lìm ở trên phía trước, được che đậy bởi các tấm bố bạt ( bache ) rách nát, vá víu chắp nối nhiều chỗ, trông như chiếc áo rách của kẻ ăn mày .
Tấm bố to lớn che đậy miệng hầm ( cargo hatch ) cũng chung một số phận, từng ô vuông lớn hơn gang bàn tay cũng đựơc vá chắp nối với các mầu xanh, vàng, đen khác nhau giống như technicolor phủ bằng phẳng trên mặt tầu. Lòng hoang mang, bối rối muốn tìm một việc gì làm. Quay vào bên trong đài chỉ huy, một làn không khí nóng bức bao trùm lấy tôi vì lúc đó đã gần trưa và xung quanh phòng, các cửa kính đều kéo lên cao kín hết. Tiến lại bàn giám lộ, hai tay kéo hộc ngăn tủ trên cùng, một tấm hải đồ của chuyến hải trình trước còn để nguyên y như cũ lộ ra. Nét viết chì ghi định vị trí con tầu chưa được tẩy xóa. Cúi xuống tìm cục gôm để tẩy xóa, tôi chà tới, chà lui cho thật nhẹ tay vì tấm hải đồ đã quá cũ, có nhiều chỗ như muốn bị lủng, mòn nát khắp các nơi.
Bất chợt tìm được một khung kính ảnh nhỏ cỡ gang bàn tay, lòng mừng không xiết như bắt được vàng thỏi. Đó là tấm bảng biểu đồ độ sai la bàn từ (Table de Déviations), không có vật quý này, tôi rất khó hải hành an toàn cho con tầu được. Trong khung kính có ghi rõ hai đường SIN đánh dấu hai mầu xanh, đỏ khác nhau. Đó là hai đường Déviations của hai la bàn chính ( compas étalon ) ở trên nóc đài chỉ huy và la bàn tại phòng lái. Mở tiếp các hộc tủ khác, kiểm kê lại các bản đồ, thấy cũng còn đầy đủ, mặc dầu đều cũ và rách nát. Đồng hồ Chronomètre và Sextant biến mất đâu, không tìm thấy, có lẽ đã bị mất cắp hay là chủ tầu cất giữ, tôi không rõ, để xin hỏi lại chủ tầu sau. Kiểm soát lại la-bàn từ, tất cả còn trong tình trạng tốt, đựơc bao che bởi một tấm bao bố trắng, phủ kín cẩn thận, ràng buộc bởi các sợi dây thừng nhỏ như chưa có người táy máy, sờ mó làm hư hại.
Một » cái bánh xe quay nước mía » to lớn đặt sau la bàn, đó là tay lái chính của con tầu, tay lái điều khiển bằng rỏ rẻ (poulie ) kéo dây cáp nên to lớn bằng gần một sãi tay, cỡ đừơng kính 1m50. Tôi mừng thầm, tay lái này không bao gìơ hư hỏng vì chẳng có dùng một tí gì về thủy động lực ( hydrolique ) hay là điện, duy chỉ trừ khi bị đứt dây cáp mà thôi. Tuy nhiên phải quay nhiều vòng để bánh lái quay 5 -10 độ và hơi nặng nề cho thủy thủ lái. Máy do áp lực không khí ( Baromètre ) và nhiệt kế (Thermometre ) vẫn yên lặng làm việc đúng, không hư hỏng. Mỗi khi » bánh xe nứơc mía » ( tay lái ) được quay, nó phát ra những tiếng » kẹt…kẹt…kẹt ….. » nghe rất êm tai, chứng tỏ nó đang làm việc tốt, …như thì thầm : » Ông Quan Tầu ơi ! Cứ yên tâm, tôi đang làm tốt đây, yên chí đi, đừng có lo ……. ». Yên tâm, tôi tự nhủ đây là giang sơn tung hoành, đất dụng võ của tôi, nơi mà tôi phải vận dụng tất cả tài năng và kinh nghiệm để dắt đưa con tầu đi và về » Xuất Nhập Bình An » đến bến.
Không khí bứt rứt, nóng nực vì lúc ấy mặt trời đã trên đỉnh đầu. Tay sờ lên trần sơn trắng thấp tè tè của đài chỉ huy, cảm thấy nóng bỏng. Chiếc đồng hồ vỏ đồng đánh bóng treo ở tường, chết đứng từ bao giờ, tôi quay lại tìm chiếc chìa khóa máng ờ phía sau từ từ, nhè nhẹ, chậm chạp quay từng vòng lên giây, khai sinh lại cho nó họat động. Nhìn đồng hồ đeo tay, kim chỉ đúng 12 giờ.
Nhìn mũi tầu một lần nữa trước khi rời đài chỉ huy, thấy cửa kho hầm vận chuyển mở toang. Nhưng chợt nhớ có lần tôi đã vào bên trong quan sát, chẳng còn gì quí giá để bị ăn cắp cả, chỉ còn trơ lại vài đoạn xích rỉ sét, vài cuộn dây đỏi cột tầu cũ rích chất đống mà thôi. Sơn, cọ quét, dụng cụ chữa hỏa không còn một cái gì nữa.
Đi về phía lái, nơi có người thủy thủ gác, đang nằm võng đu đưa, miệng ca câu vọng cổ cải lương thật mùi mẫn. Đến gần, anh thủy thủ ngồi nhỏm dậy, tôi lớn tiếng :
– Tôi về nhà ăn cơm trưa, chiều không trở về tầu. Nếu có gì quan trọng, anh cho ngừơi chạy Honda lại nhà báo cho tôi hay nghe !
Anh thủy thủ đáp lại :
– Quan tầu cứ yên trí về nhà đi ! Tầu này còn lâu mới chạy, chỉ khi nào trả đủ tiền cho chúng tôi, tầu mới » mở đỏi chạy được « .
Nhoẻn miệng cười, tôi giơ cao tay chào và bước xuống cầu thang.
Lù lù từ phía đường lớn, chạy thẳng vào cầu thang, một chiếc xe nhà đẹp lộng lẫy, kiểu mới đậu thắng ngay trứơc mặt tôi. Tài xế xuống xe, mở cửa sau phía tay phải để một ngưòi đàn bà gọn gàng và duyên dáng trong chiếc áo dài bứơc ra. Đó là bà Uyển, người vừa ký hợp đồng thuê mướn chiếc tầu vời ông Tòng, chủ tầu, để chạy một chuyến SG/ Đànẵng / SG.
– Chào bà chủ, chắc có tin mừng, tầu sắp chạy rồi phải không ?
Bà trả lời với giọng Huế rặt, giọng ấm, khoan thai dịu dàng của các cô gái lá ngọc cành vàng đài các, « danh gia vọng tộc » bên trong thành nội, nghe nhè nhẹ thật êm tai :
– Còn vài bữa nữa mới được, chờ tôi liên lạc đựơc với Đànẵng xong xuôi đâu đó, tầu sẽ chạy liền ….
Tại phía xe, nơi cửa trước bên phải, một người đàn ông đầu chải tóc, trên mình mặc chiếc áo tràng dài mầu nâu xậm, đi vòng phía sau, tiến đến gần bà Uyển. Tôi đoán đây cũng là một nhân vật quan trọng trong phía chủ thuê, và vội cúi đầu chào xã giao. Ông kia cũng đáp lễ lại. Bà Uyển nhanh nhẹn lên tiếng giới thiệu :
– Đây là Thầy Cúng, tôi thỉnh thầy tới đây làm » Lễ Cầu An » cho chuyến đi sắp tới. Cầu mong » Trời Phật Gia Độ » bình an cho công việc làm ăn cho chuyến đi sắp tới.
Người thủy thủ gác đang nằm võng, chợt im bặt nghêu ngao tiếng ca cải lương, ngồi nhỏm dậy, tò mò xuống khỏi tầu, chạy lại phía tôi để nghe ngóng chuyện. Anh tài xế mở cốp sau xe, bà Uyển nói ngay :
– Thuyền Trưởng cho ai mang lên tầu các đồ cúng này dùm tôi.
Sẵn ngừơi thủy thủ gác đúng bên cạnh, anh nhanh nhẩu lại phía sau xe, vác lên vai một con heo sữa nhỏ còn nóng hổi đựng trên một cái mâm gỗ sơn đỏ. Phần còn lại là hoa, quả, nhang, đèn nến, giấy cúng, tiền âm phủ đựng trong hai giỏ ny-lông lớn được anh tài xế xách theo sau.
Tôi nhường bước cho bà Uyển theo sau người thủy thủ vác con heo sữa và anh tài xế. Tiếp theo bà là thầy cúng, tay thầy có cầm một chai rựơu đựơc bọc bên ngòai lớp giấy mầu đỏ in hình hoa hồng. Sau này tôi biết đó là chai rượu sâm banh chính hiệu Made in France . Tôi lên cầu thang cuối cùng, tất cả mọi người đi dần về phía mũi tầu, nơi đây sẽ xấp đặt lễ cúng cầu an.
Anh thủy thủ nhanh nhẹn, vui mừng như sắp được ăn một bữa cỗ, vội vàng vác mâm gỗ đặt ngay lên boong, trên ổ máy kéo neo. Hoa quả, bánh trái, vàng giấy, tiền âm phủ đựơc đặt xung quanh. Hiểu ý như cuộc lễ sắp bắt đầu, một anh chạy lại phía kho mũi tìm kiếm một cái xô sắt múc nước, sẵn sàng để đốt hàng mã và tiền giấy.
Riêng tôi là người Công giáo, cũng đã chứng kiến nhiều lần lễ cầu an của từng chuyến hải hành do chủ tầu đề xướng. Đạo Công giáo cũng có quan niệm cầu khẩn các đẳng linh hồn mồ côi phù hộ cầu bầu cho các người còn sống trên dương trần được thoát khỏi các hiểm nghèo, tai ương trong cuộc sống. Phần tâm linh, quan niệm ý nghĩa có điểm giống nhau, nhưng hình thức nghi lễ có đôi chút bất đồng. Tất cả đều có ý nghĩa thiêng liêng đáng tôn trọng nên tôi cũng nghiêm trang, chắp tay xá lạy như tất cả mọi người.
Thầy cúng tay cầm chuông nhỏ gõ coong coong xen lẫn tiếng tụng niệm. Khói hương nghi ngút, dầy đặc tỏa lên không gian. Tiếp theo là tiếng gõ mõ cóc cóc nghe thật đều đặn, nhịp nhàng thầy đứng lên qùy xuống, khấn vái nhiều lần. Lễ xong, tiếp đến việc đốt vàng, giấy. Cơn gió lộng thổi từ phía bờ bên kia qua, làm tro tàn quyện với khói nhang bay cao, lung tung tản mát lên không gian. Thầm cầu mong cho chuyến hải hành sắp tới đựơc » Xuất Nhập Bình An « , đó là ý nguyện thâm sâu nhất của tôi, vì tôi rất sợ các tai nạn bất trắc có thể xẩy ra lúc nào, một phần nữa rất quan trọng là do tình hình chung sôi bỏng của miền Nam thay đổi luôn từng giờ, từng phút, ảnh hưởng rất nhiều.
Thầy cúng cởi áo tràng và tất cả mọi ngừơi theo thầy đi xuống, rời khỏi mũi tầu đi về hướng chân cầu thang. Tại đây, thầy xé giấy bọc đỏ của chai rựơu xâm-banh, đưa cho bà Uyển và nói :
– Đây là phần Bà, Bà sẽ đập chai rựơu này vào mũi tầu để cầu hên, bọt của chai rựơu này hòa cùng bọt của sóng biển, sẽ đưa con tầu đi và về bến BÌNH AN.
Tôi vội ngoác tay, ra hiệu cho ngừơi thủy thủ trực lấy ở kho mũi sợi dây liệng mồi ( dây lance amare ) để bà Uyển làm lễ HẠ THỦY cho chuyến tới.
Nhanh nhẹn, một sợi dây nhỏ đựơc liệng từ mũi tầu lên bờ, thầy cúng vội chạy lại phía trước, bắt ngay sơi dây và cột vào cổ chai rựơu. Thầy cầm chai rựơu, đưa cao lên trán, lâm râm đọc ít câu tụng niệm, rồi sau đó đưa chuyền qua cho bà Uyển, thầy nói :
– Bà giơ lên cao, lấy trớn rồi liệng chai rựơu này đúng chỗ mũi tầu, nếu trúng cái neo thì càng tốt.
Bà Uyển giơ cao tay, lấy trớn, dùng hết sức mạnh liệng, chai rựơu va vào neo tầu. Một tiếng « boooaaang » ngắn, chát chúa vang lên, chai rượu bể tung, tan nát, bọt rượu trắng xóa bám lên mỏ neo, các mảng vụn chai bắn ra xa, rơi tỏm xuống nước. Chỉ còn lại riêng cái đầu cổ chai cùng với cái nút và giấy bạc mầu trắng bao bọc còn đeo tòng teng, lủng lẳng, lắc qua lắc lại nơi mũi tầu. Tất cả mọi người xung quanh vỗ tay hoan hô. Bà Uyển và thầy cúng cùng nhau nhoẻn một nụ cười thông cảm rồi đồng tiến lại phía xe ra về. Tai nghe thầy to tiếng với bà :
– Thánh đã nhận lời rồi đó, chuyến đi này có hậu vận tốt lắm. Bà yên chí đi.
Tiễn xong bà chủ, xe khuất bóng, tôi quay về tầu ngoắc gọi người thủy thủ gác :
– Đợi một chút xíu cho tàn hết nhang, chờ cho các cô hồn ăn xong đồ cúng, tôi giao lại hết cho anh, gọi tất cả các người khác trong tầu lại làm một bữa cho vui, rồi chuẩn bị ít hôm nữa ra khơi !
Anh thủy thủ cám ơn rối rít, tỏ ý hơi hối tiếc chai rựơu xâm-banh kia bị bể tan tành, không để cho ăn nhậu. Anh còn khẩn khoản mời ở lại nhậu chung, nhưng tôi từ chối và nói phải về nhà ngay vì đã quá trưa rồi.
Thầm nghĩ chắc giờ này, vợ con đang chờ ăn trưa bên mâm cơm đã nguội ngắt vì về nhà quá trễ. Tôi luôn nghĩ bữa cơm bên gia đình bao giờ cũng quí hóa, hiếm có mặc cho dù đạm bạc rau dưa. Thời gian ở bờ quá ngắn và ít so với thời gian đi biển, cho nên tôi phải tận hưởng những giây phút vàng son, êm đềm thật thân thương đó.
Hôm sau, một chiếc xe camion-citerne (loại xe bồn chở dầu ) chạy lại cầu tầu, bơm dầu đầy đủ cho chuyến tới. Chiếc xà-lan chở nước cũng lại cặp, bơm chuyền lên tầu nước chứa tràn ngập các ballasts. Tiền được giao ứng trước một số nhỏ cho thủy thủ đem về nhà cho vợ con cũng được cấp phát, nhà bếp nhận đủ tiền đi chợ mua thức ăn, lương thực khô cũng như tươi đầy đủ. Một chiếc xe Lam chở đầy cây nước đá dùng ướp lạnh đồ ăn đang được từ từ chuyển lên kho lương thực vì máy lạnh bị hỏng. Trên boong cũng như máy, tất cả chuẩn bị hoàn hảo, sẵn sàng lên đường.
Lên đường
Lệnh ra từ đài chỉ huy tuần tự theo trứơc sau, các dây đỏi lần lựơt được tháo ra, kéo an toàn về, thân tầu từ từ, nhẹ nhàng , chậm chạp rời xa bến, trở đầu, mũi hướng hạ giòng, trực chỉ thẳng ra cửa biển.
Vài người trên bờ vung khăn tay, giơ cao vẫy vẫy, trong đó tôi thấy có bà Uyển, các người nhà và ông Tòng cũng vẫy theo. Trên mặt hầm tầu được đóng kín bởi các tấm bố, khoang bên trong trống rỗng không hàng, tầu nhẹ nổi tung lên cao sau khi đã đựơc dằn ballasts.
Sau ít giây phút tập trung cao độ của trí óc để vận chuyển con tầu an toàn tách bến, có điều làm tôi bối rối lo lắng nhất là đám ghe bầu gỗ từ lục tỉnh chở gạo lên Saigon vẫn còn đậu xếp hàng bốn, hàng năm quanh tầu tôi. Họ tháo dây, dạt ra chừa lối cho tầu tách bến. Chỉ một sơ hở nhỏ, một va chạm táng nhẹ là đám ghe bầu gỗ kia trở thành ván vụn, trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khoái, tâm hồn và thể xác thư thả như bớt được gánh nặng thoát khỏi con người, đồng thời gió tứ phía từ các nơi thổi qua đài chỉ huy làm tôi rất dễ chịu, vui sướng. Tầu từ từ tăng tốc độ theo nhịp nóng đều của máy chánh, bửa sóng tiến nhanh phía trước. Nhìn vào bờ, xe cộ đủ loại chạy xuôi ngựơc như mắc cửi, lại một lần nữa, xin tạm biệt Saigon, tạm biệt mà thôi nhé, hẹn ngày đẹp trời nào đó trở lại.
Lòng tự nhiên lại đâm phân vân, nổi lên một mối lo lắng không an tâm khác thường. Tôi đã từng tách cái bến thân thương này nhiều lần, nhưng lần này quá lạ lùng và thật đặc biệt. Con tầu đã đựơc chuẩn bị chu đáo đầy đủ, máy cũng như boong, không còn gì lo lắng nữa, nhưng cái linh tính khác thừơng đã đến, không giống như các chuyến đi trước. Tình hình chiến sự thay đổi từng giờ, từng ngày. Quân ta quần thảo với địch tranh lại nhau từng tấc đất, thiệt hại hai bên đều nặng nề mà phần » phi pháo » yểm trợ bị giảm sút, quân ta chiến đấu trong tình trạng rất chật vật, khó khăn về tiếp liệu. Lệnh rút quân vùng Tây Nguyên làm bao người hoang mang, bối rối.
Phần chính trị cũng xáo trộn không kém, nào hội nghị Ba-Lê bế tắc, Mỹ áp lực TT Thiệu nhiều điều phải chấp thuận rất phi lý mà Ông không đồng ý. Nào thành phần thứ BA, nào da cọp, da beo, xôi đậu, lấn dất dành dân v.v… Lại còn phần ký giả đối lập phá thối, Linh Mục hốt rác tố cáo tham những tùm lum, các nhật báo tung những tin rất bất lợi cho phe ta, làm cho nhiều ngừơi hoang mang. Tại bờ tôi hay mua báo theo dõi tin tức hằng ngày. Tầu tách bến, một chiếc radio transistor loại thật tốt hiệu Zenith mua được ở chợ Cồn (chợ trời), tại Đà-Nẵng có nhiều băng SW bắt đựơc đài xa đem mang theo, lắp piles mới thật mạnh để có thể theo dõi các đài VOA hay BBC.
Tầu vẫn đều đều giang hành chạy ở giữa sông, ra phía của bể Vũng Tầu. Nhân viên lái tầu thuộc loại kỳ cựu, lành nghề lâu năm ( HHTH gọi người lái tầu là Timonier hay là helmsman), họ lái rất điêu luyện, vững chắc trong sông nên Thuyền Trưởng chỉ việc trông chừng, định vị trí lại trên bản đồ, ít khi phải ra lệnh lại để chỉ huy, mặc cho họ lái để tầu ở vị trí giữa sông, chỉ liếc mắt xem chừng mà thôi.
Đi theo lộ trình thường xuyên quá quen thuộc, tầu ra khỏi khu « Rừng Sác », qua Gành Hào, đèn hải đăng Cap St Jacques, ra đến phao hiệu cuối cùng của con lạch (channel ), quẹo trái, đâm lên phía Bắc đi miền Trung. Qua mũi Kỳ Vân, núi TA KOU trông thấy rõ lúc ban ngày và ban đêm trên đỉnh của nó có đài kiểm báo của Mỹ được thắp đèn sáng trưng rất dễ nhận diện, qua Long Hải rồi đến Phan Thiết với ngọn đèn hải đăng » Kê Gà « , vịnh Phan Rí, Phan Rang v.v… Rồi tiếp đến trông thấy hòn Iles des Pêcheurs là thấy hòn Dung ( Ile Pyramide ) có hình dáng như một tam giác đều cạnh. Ngay lúc đó anh Trần Hồng, SQ Truyền Tin ( giới báo chí vinh danh, tặng anh này tước hiệu là “Lão Tướng Trần Hồng » vì anh đã tự tay lái xe ủi đất cán xập cánh cổng chánh tòa Đại Sứ VC tại Paris cách đây nhiều năm ) đưa tôi một công điện khẩn mới nhận đựơc, ra lệnh cho cặp bến Cầu Đá, Nha Trang để nhận hàng. Lý do Đà-Nẵng không thể đến được vì đã bị tràn ngập.
Hải trình đựơc đổi để quay vào Nha Trang. Lúc này cũng đã qúa trưa, độ ba giờ chiều của ngày hôm sau khởi hành ( tức là đã đi được khỏang 30 giờ ).
Cầu Đá lộ ra trông rõ và càng lúc càng gần, tôi đặt ống dòm quan sát, tìm cầu trống để gọi điên thoại vô tuyến với bờ xin cặp bến.
Tầu không cặp đựơc vì không có chỗ trống, đã có một chiếc tầu » Bà « , tầu do Hỏa Xa VN điều hành, không nhớ rõ tên và chiếc tầu dầu M/T ( Motor/Tanker ) Cypréa của hãng Shell VN đang ở bến. Giải pháp thông thường là phải neo, nằm chờ mà thôi.
Tầu neo nhưng không cách xa bến, chỉ độ trăm mét. Một lúc sau, trên cột cờ cao của chiếc Cypréa kéo cờ chữ P ( Partant hay là Papa ), báo hiệu sắp khởi hành tách bến. Mừng rỡ vì sẽ có chỗ trống, tầu có thể vào cặp đựơc. Khi chiếc Cypréa vừa ra khỏi (lúc này anh Bùi Xuân Đàm tức Chuẩn Tướng Đàm làm Thuyền Trưởng ) bất ngờ từ xa có chiếc tầu kéo to lớn, sơn tòan vàng ở phần trên, toàn đen ở dưới lườn đang tiến tới. Trên ống khói có gắn hiệu » Mặt mọi da đỏ, gắn lông gà ở trên đầu » của hãng Alaska Barge đang trờ tới.
Đó là chiếc tầu của Mỹ đang kéo còi inh ỏi, đồng thời đánh đèn đòi xin tranh cặp cầu, đằng sau còn kéo thêm một xà-lan chứa đầy ngừơi tỵ nạn. Tôi đành phải nhường để họ vào cặp. Tầu kéo Mỹ cặp chiếc xà-lan, từ từ tắp nhẹ nhàng vào cầu. Khi các dây đỏi cột chặt xong xuôi, tầu kéo liền bỏ xà-lan lại, tách bến, tăng tốc độ thật lẹ, chạy vút ra khơi. Đặt ống nhòm nhìn, trên chiếc xà-lan đầy người. Nào đàn bà, con nít, đàn ông, lính tráng đủ loại đang ngổn ngang, lò bò, trèo leo để vươt thành cao của xà lan lên bờ, vì xung quanh có nhiều bao cát và lưới hàn chống B-40 làm cản trở.
Theo lệ thông thường, tầu đến bến cho dù là tầu đang neo hay cặp cầu, người của hãng Đại Lý tức Shipping Agent phải liên lạc liền với Thuyền Trưởng để làm ngay mọi thủ tục giấy tờ. Tôi đợi mãi mà chẳng thấy gì, vì không có ai để tiếp xúc, sốt ruột, bèn ngoắc chiếc ghe đánh cá nhỏ, thuê bao chở vào bờ. Tại đây, một ngạc nhiên to lớn đập vào mắt tôi. Toán dân tỵ nạn trên xà-lan thật đáng thương tâm. Họ ngổn ngang, lúc nhúc, đông lắm, không đoán được bao nhiêu. Tất cả như muốn lả ra, nằm la liệt trên cầu tầu hay hãy còn một số ở dưới xà-lan, nhăn nhó chịu đựng dưới cái nóng bức của trưa hè, mặt trời chiếu dọi thẳng xuống đỉnh đầu.
Nhận thấy một ông già, mình mặc bộ bà ba trắng nằm ngửa mặt lên trời, con cháu xung quanh, tay lấy nón lá hay dù che cho ông, kẻ la, người khóc. Không biết ông ta sống chết ra sao ? Nhưng không lại gần vì tôi còn lo đi tìm người của Đại Lý.
Một số quân nhân khác rủ nhau vác súng đi nhanh lên bờ, biến mất sau đường dốc cao của Cầu Đá. Một số thanh niên có mang xuống đựơc xe đạp hay xe Honda, vội chạy lái lên bờ, thoát chốc đã biến đi đâu mất hút. Chỉ còn lại một số lớn đàn bà con nít đang bơ vơ, bỡ ngỡ không biết làm gì giữa trời nóng bức. Họ đang khát, đói vì lâu không có gì được ăn hay uống. Quang cảnh hỗn độn nhưng có vẻ trật tự, không có hiện tượng cướp bóc, giựt của xẩy ra. Một tiểu đội Cảnh Sát Dã Chiến đi trong một chiếc xe tải quân đội to lớn đến đậu ở dốc đường dẫn xuống Hải Học Viện. Họ xuống xe, tản mát ra nhiều nơi canh giữ trật tự, nhưng không hành động gì.
Đợi mãi không thấy bóng dáng đại diện của hãng Đại Lý ở đâu và lúc này trời cũng về chiều, sắp tối, tôi lo vội tìm ghe trở về tầu.
Cơm chiều xong, như thường lệ, radio được mở để nghe đài BBC, hết chương trình liền đổi tần số sang nghe đài VOA, rồi sau đó nghe tiếp vận đài Saigon hay các đài địa phương, theo dõi tin tức thời sự.
Âm thanh đựơc vặn lớn, mọi ngừơi trong tầu đều lắng nghe chăm chú.Tin tức nhận được không mấy an lòng vì có chiều bất lợi cho phía miền Nam, tin chán rồi nghe nhạc cho đỡ căng thẳng.
Đứng trên cương vị Thuyền Trưởng, tôi có trách nhiệm to lớn cho sự an toàn của con tầu. Học được kinh nghiệm trong HQ, để đề phòng đặc công VC đặt mìn phá chìm tầu. Ban đêm không neo ở bến mà thường hay đi tuần trong vịnh, để sáng hôm sau trở lại cặp bến. Tầu buôn không làm điều này vì thường hay gặp rắc rối đủ điều. Tôi bèn tập họp mọi người, cắt nghĩa cho biết ý định của tôi như vậy trong lúc ở HQ. Cả tầu hân hoan đồng ý vì sự an toàn cho mọi người và con tầu.
Tầu kéo neo, tiến thật chậm, từ từ ra phía » Hòn Dung » ( Ile Pyramide ) để chạy ra khơi trong suốt đêm với một tốc độ chậm nhất. Sáng sớm hôm sau, lúc trời chưa sáng tỏ, đã trở về neo lại vị trí cũ.
Chiếc xà-lan đang cặp bến đầy ngừơi hôm qua, nay hoang vắng, trơ trọi, chỉ còn lại ngổn ngang một đống bao cát và lưới kẽm chống B-40. Dân tỵ nạn biến dâu mất, cầu tầu vắng vẻ trong cái mát lạnh, trong sáng của ban mai. Tôi muốn cặp cầu, nhưng xét lại neo có lợi hơn vì lúc gặp khi hữu sự sẽ dễ dàng » dzông chạy « .
Anh Trần Hồng, SQ Truyền Tin đưa cho công điện từ Saigon cho biết : » Bà chủ thuê tầu, tức bà Uyển sẽ ra Nha Trang bằng máy bay « , nhưng không cho biết chuyến bay và ngày giờ đến. Phân vân lo ngại, Đại Lý Agent không liên lạc được, tôi chỉ có cách đi tìm đón bà Uyển tại phi trường để lấy chỉ thị và nhận hàng.
Đón ghe bước lên bờ sau khi đã dặn rõ cho tất cả mọi ngừơi đừng đi đâu cả. Có thể tầu sẽ khởi hành ngay lập tức khi tôi trở về.
Vẫy một chiếc xe ôm tại Cầu Đá đi chạy lại ngay phi trường Nha Trang để tìm bà chủ Uyển. Tại phòng chờ đợi của phi trường, một cảnh náo nhiệt, hổn độn bất thường xẩy ra. Hành khách nhao nhao, xô lấn nhau bên cạnh chiếc cửa sắt đã kéo kín, không cho ai ra hay vào. Có ngừơi lớn tiếng la lối phản đối, rồi sau dó văng lời chửi thề tục tiễu. Lý do : một chuyến máy bay về Saigon bị hủy bỏ.
Lúc này Hàng Không VN rất bận rộn vì số hành khách từ miền Trung gia tăng đột ngột quá nhanh nên phải mướn thêm phi cơ của Đài Loan để tăng thêm chuyến bay. Một chiếc phi cơ mướn loại Viscount, chong chóng bán phản lực ( prop jet ) thuê bao, chở không từ Saigon ra Nha Trang đón đầy khách về Saigon. Lúc đáp xuống phi đạo và trở đầu ( taxing ) để vào nhà ga đón khách, phi công không quen phi đạo ngắn và chật của Nha Trang, nên bánh trước phi cơ ( front landing gears ) bị lọt xuống sân cỏ.
Phi công phải vận dụng hết khả năng để đưa chiếc bánh đó trở về sân cứng xi-măng. Lúc qua khỏi được chỗ sân cỏ, Phi công trưởng tuyên bố không an toàn, cần phải kiểm soát lại kỹ lưỡng do chuyên viên kỹ thuật làm nên máy bay chẳng chở ai, không lấy hành khách về Saigon. Báo hại làm cho mấy chục người đang chờ trong niềm hy vọng to lớn bị tan nát, không đi được.
Phi cơ rồ máy phát ra những tiếng ầm ầm, tiến chạy nhanh trên phi đạo rồi cất cánh bay bổng, lao vút trên trời xanh, mất hút trong đám mây trắng.
Kẻ ở lại lo ó, chửi rủa thậm tệ, nhân viên hãng hàng không phải một phen kinh hoảng, sợ sốt vó.
Ngoắc « xe ôm » đi ra Nha Trang, lại hãng đại diện tầu ( Shipping Agent ).Tại đây văn phòng đóng kín cửa, gỏ đập nhiều lần mà không ai trả lời. Chán nản, tôi nói anh lái xe ôm chở cho đi một tua xem tình hình thành phố ra sao ? … Anh này hơi ngần ngại không muốn lái, tôi bèn đưa trứơc một số tiến lớn. Anh vui vẻ chấp nhận, đưa đi mọi nơi trong thành phố.
Thành phố vẫn yên lành, an ninh, tuy nhiên rất vắng vẻ ít xe cộ, trông có vẻ hơi khác thường không như mọi ngày vì có sự hiện diện của nhiều lính tác chiến đủ mọi đơn vị đang lang thang, tay xách súng đi lại trên đường phố. Ghé lại một trường tiểu học ( có lẽ là công lập ) một ít phút quan sát. Anh tài xế xe ôm cho biết một số lính và vợ con họ đang sống ở trong trường, đã từ Quy Nhơn chạy về và vào trú lánh tại đây. Hỏi rõ ra, anh này cũng là lính cùng đon vị trên, hết tiền, chạy xe ôm kiếm ăn, vợ con anh cũng có ở trong đó. Họ chụm đấu nhau hai ba chiếc bàn học sinh làm giường, trên đó ngổn ngang chăn, màn , gối và vài ba đứa nhỏ đang nằm ngủ say sưa. Bên ngoài sân trừơng, các bà đang tìm củi, gom lá dương khô rớt dưới đất về chụm lửa, nấu cơm, khói xanh bay làm cay mắt bay tủa khắp nơi.
Anh xe ôm chở đi một vòng quanh bờ biển. Nước biển vẫn xanh, yên lặng với sóng vỗ nhẹ rì rào. Cố nhìn về hướng Cầu Đá, tìm xem con tầu thân thương của tôi ở đâu, nhưng bị vướng tầm nhìn bởi nhà nghỉ mát của Bảo Đại và Hải HọcViện tại Cầu Đá che khuất, không trông thấy đựơc.
Các quán nước im lìm dưới bóng dừa, đóng cửa kín mít, bàn và ghế xếp lại gọn ghẽ, chất một đống bên nhau. Một vài chiếc xe be làm rừng chở gỗ súc, chỉ có thân bánh sau và đầu máy mà thôi, máy nổ to lớn ầm ầm chạy ngang qua. Tôi ngạc nhiên hỏi anh xe ôm. Anh này cho biết, số xe be làm rừng đó từ Plei Ku và Ban Mê Thuột về, dọc đường bị VC chận lại, khám xét và biết họ đều là dân sự làm rừng nên cho đi nhưng bắt tài xế phải tháo hết các ống bô hãm thanh, để cho máy nổ ầm ầm, to lớn chạy về thành phố làm cho quân ta khiếp sợ. Một đôi chiếc xe be vứt bỏ lại cái rờ-mọc ( remorque, xe móc hậu ) loại có hai bánh đôi gắn chung một trục cầu xe, phía trứơc có một cần gỗ dài to bằng bắp đùi, dùng làm móc gắn vào thân sau xe vận tải để kéo đi khi không có gổ súc để chở. Chiếc rờ-mọc xe be bỏ lăn lóc dọc dài theo bờ biển, gọng chỉa lên trời như khẩu súng phòng không.
Sau này, tôi có dịp đựơc tranh cãi với một SQ phòng nhì KQ/VN khi anh đưa cho coi một số không ảnh chụp sau ngày Nha Trang thất thủ. Cả Phòng Nhì kết luận là súng phòng không của CSBV xâm nhập vào thành phố, tôi xác định, đó là càng gỗ rờ-mọc xe be đuợc vứt bỏ, chổng gọng lên trời, không phải là súng phòng không. Không ảnh thấy hình rất nhỏ và mờ vì máy bay chụp ở cao, không dám bay xuống thấp.
Trở về Cầu Đá lúc trời xâm xẩm tối, được gặp Đại Tá Quân Trấn Trưởng Nha Trang đi đến cùng một vài Cảnh Sát Dã Chiến, ông ra lệnh trưng dụng tầu tôi và không cho phép tách bến. Trong lòng tôi rất bực tức và tự nói nhất quyết không tuân lệnh này.
Tình cờ gặp lại được đứa cháu họ, con của bà chị họ, đang thụ huấn khóa 27 SVSQ/HQ. Lúc này TTHL/HQ Cam Ranh đã di tản vào Nha Trang, mạnh ai nấy chạy tháo thân, một số vào trình diện TTHL/HQ Nha Trang xin tá túc.
Tình thế lộn xộn, phức tạp, SVSQ của Quân Trường Nha Trang và các khóa sinh khác được phân tán từng toán nhỏ canh gác các địa điểm xung quanh quân trường.
Hắn tên Hoàng Gia Lộc, hai cậu cháu nó chuyện, bàn qua lại tình hình. Tất cả đều hoang mang vì không có nguồn tin chính thức nào và lệnh thống nhất của cấp chỉ huy. Nhìn về phía con tầu Đông Hải, các ghe nhỏ đánh cá được một số người thuê, lần lượt từng chuyến chở ra phía tầu tôi, leo đại lên mà không ai có thể ngăn cản được, giống như nước vỡ bờ. Rồi lần lượt một số ghe Hải Thuyền, một số PCF cũng chở nhiều đợt dân tỵ nạn cặp nhào đại vào tầu. Tình trạng càng lúc càng hỗn độn vì số người càng lúc càng gia tăng, trong đó cũng thấy quân nhân đủ binh chủng và một số quân nhân HQ.
Tôi liền đề nghị với cháu Lộc đi di tản theo tầu về Sai Gon. Hắn lưỡng lự, phân vân không biết quyết định ra sao, nhưng cuối cùng hắn nghĩ vì tinh thần kỷ luật còn cao, phải chờ lệnh cấp trên, không dám đơn phương trốn khỏi đơn vị khi không có lệnh. Cuối cùng hắn quyết định ở lại, không theo tầu về Sài Gòn. Từ đó gián đoạn không liên lạc gì với cháu Lộc được. Bẵng đi đến năm 1998, tôi có dịp qua Texas – Houston, gặp đươc lại hắn trong tình cảnh hết sức ngạc nhiên bỡ ngỡ. Bố mẹ hắn cũng không biết hắn thất lạc nơi đâu, nhưng rốt cuộc cũng đoàn tụ tại Mỹ.
Buổi chiều hôm đó, lúc đi xe ôm ngang qua » nhà thờ Đá Nha Trang « , tôi có ghé vào nhà thờ đọc ít kinh, xin Chúa ban sự bình an cho chuyến về, cầu xin Ơn Trên phù hộ cho tất cả mọi người trong con tầu. Nhà thờ đang làm nghi thức » Chúa chịu nạn ngày thứ Sáu Tuần Thánh » (Good Friday). Tôi muốn nán lại ở lâu, nhưng không đựơc vì phải cấp tốc về tầu, trời cũng sắp tối.
Tại Cầu Đá sau khi nói chuyện với cháu Lộc và khuyên nhủ hắn đi theo, nhưng biết hắn nhất định ở lại theo Quân Trường và các khóa sinh khác, tôi chia tay và theo ghe nhỏ trở về tầu, đi Saigon.Về đến tầu đúng lúc đài BBC bắt đầu phát thanh, tin nóng hổi loan ra cho biết Nha Trang đã thất thủ vào tay VC. Mọi ngừơi nghe đều bất mãn vì tin truyền đi đều hòan tòan thất thiệt, chỉ có lợi cho bọn VC. Nha Trang vẫn còn vững, quân ta đang làm chủ, chưa có giao tranh lớn mà đã loan tin sai, gây hoang mang làm lợi cho địch. Tiếp đến hết chương trình, vặn qua đài VOA, các tin nhận đựơc không mấy phấn khởi, ai nấy cũng nản lòng mong cho tầu chóng chạy để thoát thân.
Về bến cũ
Mỗi lúc, tầu nhận thêm từng loạt dân tỵ nạn do các ghe nhỏ đánh cá bao thuê chở ra. Đồng thời HQ cũng làm như vậy, một số quân nhân và gia đình tới tấp cặp vào bên hông tầu. Tôi nghĩ đây cũng là dịp tốt để cứu giúp đồng bào ta, tầu nán đợi thêm ít lâu nữa để nhận thêm người. Đến nửa đêm, số lượng ước tính khỏang 1000 ngừơi, chật hết cả boong tầu, cảm thấy không an toàn nữa nếu lấy thêm người, nên lệnh kéo neo khởi hành được ban ra.
Một vài chiếc tầu nhỏ HQ cố chạy đuổi theo và cũng đưa đựơc thêm môt số ngừơi lên. Tầu trực chỉ ra khơi, mắt nhìn về phía Cầu Đá, lòng tôi đau quặn vì còn nhiều người đang vẫy tay xin theo qúa giang nhưng tầu không đủ khả năng lấy thêm nữa. Trên bến còn nhiều người đang xót xa thất vọng, giơ cao tay ngoắc ngoác xin đi.
Bên trên cao, bầu trời đen tối đầy tinh tú nhấp nháy, bên dứơi biển rất êm, con tầu không lắc lư mà vững như bàn thạch. Vì số ngừơi trên boong quá đông, mọi người được các thủy thủ dìu xuống hầm tầu, sâu ở phía dưới để tránh sóng, gió có thể bất ngờ đến lúc nào. Đa phần đều có chuẩn bị trước nên họ có mang theo một ít đồ ăn như bánh mì, bánh tét, sữa, đồ hộp cho chuyến hải trình này.
Trời chưa sáng tỏ mà mỏm núi đá Padaran (mũi DINH) đã mờ mờ nhận dạng, đứng sừng sững bên cánh phải mũi tầu. Tầu không có radar và đi với tốc độ con RÙA biển 7-8 hải lý giờ. Gặp đợt sóng ngang, tầu chao đảo, lắc lư làm nhiều người say sóng, ói mửa. May mắn thay, quãng độ hơn vài tiếng đồng hồ, tầu qua khỏi đợt sóng ngang đó khi tôi đổi hướng đi lại cho con tầu bớt lắc lư, ai nấy cảm thấy dễ chịu hơn.
Trời sáng tỏ, con tầu bằng phẳng lần lũi tiến lên phía trước trông có vẻ oai hùng. Nó hãnh diện lắm vì đang làm một công việc đầy lòng nhân ái và phước thiện, trên mình đang có bao nhiêu con người đã trốn thóat đựơc ách nạn Cộng Sản.
Mọi ngừơi hân hoan thức dậy, đón nhận ánh bình minh mới đang chiếu xuống những tia sáng ấm áp. Gió mát nhẹ hiu hiu thổi, vuốt ve khuôn mặt và mái tóc bay bay bồng bềnh của các cô, các bà hành khách đang đứng trên mặt hầm tầu. Ai nấy đều thơi thới, vui tươi, nhoẻn nụ cười chào nhau qua một đêm chập chờn mất ngủ.
Trời thật chiều lòng người, không một đợt sóng lớn nào va vào con tầu cho đến khi tới bến. Quãng đường đi còn thật dài, phải vựơt qua Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết rồi thì mới thấy mỏm núi đá Kê Gà với ngọn hải đăng hình cột trụ sơn trắng toát rất dễ nhận dạng. Qua tiếp đó là mỏm núi Kỳ Vân, Long Hải, bóng dáng ngọn núi lớn Vũng Tầu mờ mờ hiện ra cuối đường chân trời, với tòa nhà hải đăng cùng mầu sơn trắng toát trên đỉnh đồi.
Một vài vị khách lên tận đài chỉ huy, nằm la liệt đầy trên sàn làm cản trở việc hải hành, lái tầu. Nhưng đối với tôi không sao, không thành vấn đề miễn là không có chuyện tai nạn xẩy ra thôi. Đặc biệt trong những vị khách qúy bên cạnh tôi trong đài chỉ huy, có cha SƠN thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang, dắt theo một số thầy tập sinh ( tu tập thành linh mục ), cha này cũng đã có dậy dỗ, giáo dục tôi lúc còn nhỏ. Đựơc tình cờ gặp lại ngài, tôi mừng lắm, tình » Phụ Tử » thắm thiết trò chuyện không dứt. Bà dì ruột của vợ tôi cũng bỏ tất cả nhà cửa, của cải, dắt con cái chạy thóat thân theo tầu về chuyến này.
Trời yên, bể lặng cho đến qua sáng sớm hôm sau, lúc hừng đông đã đi vào được cửa bể Vũng Tầu.
Qua điện thọai vô tuyến, đựơc lệnh của Quốc Vụ Khanh tại Sai gon, tầu phải neo tại vịnh để mọi hành khách lên bờ và về Saigon bằng đường bộ.
Mọi người phải vào bờ. Tôi không thể nào làm hơn là thi hành lệnh từ trên đưa xuống. Đồng thời bên cạnh tầu, neo phía xa xa nhưng có thể thấy rõ bằng mắt thường, một chiếc tầu buôn (không nhớ rõ tên, ai biết tên xin nhắc hộ ) thật to lớn, loại xuyên Đại Dưong của Mỹ, đang cho đi xuống mọi hành khách bằng tầu nhỏ HQ, để mọi người lần lựơt lên bờ như lệnh đã được ban hành.
Chuyện kể rằng : » Đa phần khách trên tầu đều là quân nhân tác chiến, di tản từ miền Trung về. Thuyền Trưởng được lệnh phải chở đổ bộ tại Phú Quốc. Tất cả mọi người đều phản đối, đòi xin chở về Saigon. Họ hăm dọa nếu đòi hỏi không đựơc thỏa mãn, sẽ cho MÌN nổ tung con tầu và cảnh hỗn loạn bắt đầu nỗi lên. Thuyền Trưởng và thủy thủ đoàn phải đóng kín hết các cửa sắt bên trong, không cho thông thương với toán hành khách đang làm loạn trên tầu. Điện về Hoa Thịnh Đốn và Saigon, cuối cùng đựơc chấp thuận cho trở về Vũng Tầu, nhưng phải đổ bộ mọi người lên bờ « .
Tôi được chứng kiến tận mắt việc Quân Cảnh Việt và Mỹ đứng trên tầu nhỏ của HQ/VN tịch thu tất cả vũ khí của tóan lính di tản trứơc lúc lên bờ. Súng chất thành núi như đống củi trên tầu nhỏ, và mọi người tuần tự lần lượt bước lên đất liền. Vậy mà cũng có một vài quân nhân lén đem đựơc vài trái lựu đạn, lận dấu trong người và mang vào bờ. Toán quân nhân vô kỷ luật này đã làm nhiều vụ cướp bóc trong thành phố Vũng Tầu, nhưng rốt cuộc cũng bị Quân Cảnh chế ngự và bắt cầm tù.
Sau khi mọi người rời tầu, chiếc Đông Hải nhẹ nhàng, nổi tưng, lần lũi, lẻ loi lững thững đi vào Saigon qua sông Lòng Tào và cặp bến cầu Nguyễn Huệ an lành. Trên bến được sự chào đón của các người thân yêu, ông Tòng và bà Uyển.
Chuyến » đi & về » này không đem lợi lộc gì cho chủ tầu cũng như người thuê, nhưng ai nấy cũng vui vì đã làm một chuyện « Phứơc Thiện » mà do sự tình cờ đem đến.
Thủy thủ lại nêu ra vấn đề tiền lương và tiền thiếu nợ. Tôi đóng vai đầu, » đứng mũi chịu sào « , bắt buộc phải hành động để bảo vệ quyền lợi cho thủy thủ đoàn. Đi lại văn phòng hãng tầu, gặp chủ tầu Tòng, ông trả lời:
– Không có đựơc một đồng xu nào do người thuê đem trả cho tôi! Anh lại liên lạc bà Uyển, may ra có thể đòi lại ít tiền hứa lúc trước!
Xong rồi ông đưa cho địa chỉ nhà bà Uyển để liên lạc.
Đi tìm lại nhà bà Uyển đôi ba lần. Đó là căn nhà đẹp xinh xắn tại trung tâm » cư xá Đô Thành » thuộc giới trung lưu cao cấp cư ngụ, trong phòng khách có bộ đàn piano mầu nâu, gỗ đánh bóng loáng. Lần nào cũng không gặp bà, người nhà nói bà đi công chuyện, không biết bao giờ về. Một lần đựơc một » Bà MỆ » già tiếp đón, cụ là hình ảnh của các bà già quí phái của giới trung lưu trưởng giả HUẾ, người nhỏ bé, lưng hơi còm còm, mặc bộ đồ bà ba lụa trắng, tóc dài búi thành củ hành nhỏ ở phía sau. Cụ tươi cười tiếp đón tôi, tay cầm chiếc quạt nan tre, phe phẩy đuổi cái nóng trưa hè :
– Mạ nọ đi mô mà không biết chi cạ, đi cạ ngày, chừ chiều túi mợi về.
Nói xong cụ lại nưng niu đúa con trai độ 5-6 tuổi mà tôi không biết cụ là bà Nội hay bà Ngoại của nó. Cụ ôm hôn nó, hôn xong nó phụng phịu, lấy tay phủi phủi cái má, tỏ ý như không bằng lòng.
Cụ lên tiếng :
Tao hung (hôn) mi, cưng mi mà mi làm như tao dớp (dơ ) lắm, lấy tay phụi phụi ( phủi phủi ) cái mạ …
Xong rồi cụ cười, tỏ ý vui vì con nít chẳng biết chi. Ôi! Tình bà cháu thắm thiết làm sao? Tôi chào bà xin ra về vì thấy không có ích gì khi nán ở lại thêm.
Trở lại văn phòng ông Tòng, lúc này ông đang tiếp chuyện với một bà tuổi trung niên, mà giới dân đi làm tầu đều quen biết và gọi tên bà là » Bà Tầu Thủy « . Sở dĩ có cái tên ngộ nghĩnh như vậy là vì bà làm chủ một chiếc xà-lan, sống bằng nghề chuyên cung cấp, tiếp tế nước ngọt cho các tầu buôn tại bến tầu. Bà Tầu Thủy lại văn phòng đòi tiền nước đã cung cấp chuyến đi vừa qua. Cảnh « tréo cẳng ngỗng » lại xẩy ra tại chính văn phòng, ông Tòng xuống nước năn nỉ trả lời:
– Chủ cho thuê tầu mà không đựơc một đồng tiền dính túi do người thuê mang lại, làm sao tôi có tiền đưa cho Bà ? Hai bên dằng co qua lại, tôi bèn rút lui vì ông Tòng đang mắc phải một nghịch cảnh thật khó khăn.
Tình trạng như vậy kéo dài nhiều ngày, chiếc Đông Hải vẫn bị « cột » tại bến, thủy thủ không tiền lương nhưng vẫn chia nhau canh gác con tầu, không cho ai lại gần, dòm ngó hay có ý muốn » Chạy tầu « ( cướp ). Thỉnh thỏang tôi vẫn lái xe, chạy tạt qua xem tình hình như thế nào, nhưng tất cả đều y như cũ, tiền lương vẫn còn nợ, thủy thủ vẫn dài cổ trông chờ, chưa có đồng nào thanh toán.
Rồi đến qũang khỏang tuần lễ cuối cùng tháng 4/75 , Cảnh Sát Thương Cảng phái một « Phú-Lít Giang Cảnh » lái chiếc « ho-bo » ( hors-bord ) lại cặp phía lái tầu, họ thay phiên nhau canh gác 24/24, không cho tầu rời bến theo « lệnh trưng dụng » của cấp trên. Bực mình vì có sự hiện diện của Cảnh Sát trên tầu mà không có lợi ích gì, tôi lại gần và nói thẳng với anh ta :
– Anh về nhà lo dọn đồ, tìm đường đem vợ con di tản đi, đã bao ngừơi làm rồi, họ đã đi máy bay hết, các ông lớn đi trước từ lâu sao anh còn gác vô ích như thế !
Anh Cảnh Sát nghe tôi nói như chẳng hiểu biết về tình hình chính trị đang diễn ra là gì cả, anh vẫn thản nhiên giăng võng đu đưa qua lại, miệng tiếp tục vài câu ca vớ vẩn.
Tối đêm 28/04/75, ông Tòng lái xe, đem đến bến tầu vài ba người khách lạ. Mọi người xuống xe và đem xuống tầu một số va-li, rương hòm chất chứa ở phía kho trước mũi. Kho được đóng khóa kỹ lưỡng và giao cho tên « Mười Áo » được mướn canh giữ. Tên Mười Áo này chuyên đứng bến, tay anh chị trong làng « dao búa » thứ thiệt (một loại giống như Security Guard không chính thức hành nghề). Nếu được giao cho tên này mướn canh giữ với một số tiền « Chịu Chơi » cho hắn, hàng hóa bảo đảm không bao giờ bị mất cắp hay hư hỏng. Không có tên du đãng nào dám bén mảng tới ăn cắp, vì nếu tới kiếm ăn, sẽ bị tên Mười Áo này xin tí huyết.
Thủy thủ đoàn cho biết, ông Tòng đang dự định một chuyến di tản khác, một vài người thủy thủ thân tín đã được ông hứa trả tiền để đi với ông khi ông kiếm thêm được nhiều « hành khách di tản » chạy ra nước ngoài.
Nhưng than ôi ! Biến cố 30/04/75 đến quá đột ngột và nhanh chóng, nhiều người không có thì giờ trở tay hành động kịp.
Sáng sớm, lúc tan giờ giới nghiêm ngày lịch sử đó, tôi chạy xe xuống bến tầu, chiếc Đông Hải vẫn còn ngoan ngoãn nằm im lìm nơi bến đậu. Xuống tầu ghé xem sự tình trong đêm qua thế nào, mọi sự vẫn tốt lành, yên tĩnh, an ninh. Không có cướp bóc hay phá hoại xẩy ra trong đêm, nói chuyện một ba câu với thủy thủ gác, xong rồi tôi về nhà vì sợ bị lạc đạn. Bên tai vẫn còn nghe lác đác từ xa tiếng súng lớn nhỏ vọng lại phía Hàng Xanh, xa Lộ………….
Quãng trưa, tiếng súng hơi êm, đôi lúc im bặt nên tôi mạnh dạn dắt xe ra khỏi nhà. Lúc này ông Dương Văn Minh và Phan Khắc Sửu đã lên tiếng kêu gọi binh sĩ của QLVNCH buông súng đầu hàng. Súng ống, đạn dược, máy truyền tin, quân xa, quân phục vứt đầy đường, hè phố, nhiều nhất là khu Lăng Cha Cả, cổng Trại Phi Long Không Quân, Bộ Tổng Tham Mưu, đường Chi Lăng, Tổng Y Viện Cộng Hòa Gò Vấp.
Chạy lại thăm cô nàng Đông Hải, thì hỡi ôi ! Cô nàng không cánh mà bay đi phương trời nào rồi. Hỏi thăm bà già bán xe bia, nước ngọt bên cạnh bến tầu, được biết HQ và TQLC đã nhẩy lên, cưỡng chiếm, bắt Đông Hải di tản rồi, tha phương nơi chốn nào không rõ ! Nhìn phía xa xa, nơi bến cầu đừơng Tự Do, một chiếc LCM 8 to lớn, mới tinh của Quân Vận, không biết ai phóng hỏa, đang bốc lửa lên cao cháy dữ dội mà không có người dám lại gần, sợ đạn cháy nổ văng miểng.
Lòng bùi ngùi, lái xe trở về nhà cho mau chóng, trên đường thì thầm khẩn cầu đừng có chuyện bất trắc xẩy ra vì tôi có thấy xác chết một vài quân nhân nằm trơ trọi, lạnh lẽo, ngừơi cứng còng trên đường Chi Lăng dẫn đến gần phi trường Tân Sơn Nhất.
Viết đến đây, tôi vẫn nhớ ơn ông Tòng, tình « chủ tớ » vẫn luôn thắm thiết cho dù ông mang hoạn nạn trên đường thương nghiệp, ông vẫn luôn chơi đẹp với » đàn em » và đã giúp đỡ tôi rất nhiều về tài chánh nhất là lúc tôi đi tù cải tạo về. Đối với bà Uyển cho dù bà có thất bại lỗ vốn làm ăn, vẫn luôn mong có ngày » tái ngộ trùng phùng » để mà vuì vẻ gặp lại nhau … đó là ý nguyện chân thành của tôi.
Chị Uyển ơi! Trái đất tròn, mong có ngày đẹp trời nào đó ……….hữu duyên thiên lý năng tương ngộ……để đựơc vui vẻ gặp lại chị!… có phải thế không chị !
Ai biết chuyện kể từ lúc cô nàng Đông Hải bị cưỡng bức di tản rời khỏi VN, xin kể tiếp, mua vui cho mọi người. Nghe đâu, « cát bụi lại trở về cát bụi », cô nàng Đông Hải sét rỉ đã không thoát khỏi cái « Kiếp Luân Hồi » để rồi « thân sắt lại trở về thân sắt » không thoát khỏi kiếp « Scrap Metal Recycle », đã thành « ve chai, đồng nát vụn » rồi.
Các bạn HQ hay các bạn đồng hành khác, ai có di tản trong chuyến từ Nha Trang về như tả ở trên, nếu có dịp tốt, xin cùng tìm nhau, gặp lại chung vui với tôi qua chén rượu « hội ngộ tương phùng », cho trọn câu :
« Một chuyến đi nên NGHĨA…..…Một chuyến về nên ÂN » ……….
Đất nước, con người đều có định mệnh, đôi khi gắn bó ràng buộc chặt chẽ với nhau đi đến suốt cuộc đời. Định mệnh đã an bài, không ai chối cãi được.
Tôi là người kém hiểu biết về thời cuộc, mặc dù vẫn hàng ngày theo dõi tin tức chính trị, quân sự qua báo chí, radio và các đài ngoại quốc, và chẳng biết ai là các bậc « ANH MINH, CAO TRÍ » để được xin thỉnh giáo, vấn kế chỉ dẫn. Rốt cuộc cũng không hành động được một cách khôn ngoan khi các biến cố dồn dập xẩy đến trong những ngày cuối « tháng TƯ ĐEN ». Mặc dù có phương tiện di chuyển (cô nàng Đông Hải) cầm chắc trong tay, cũng chỉ vì quá chậm chạp trong việc quyết định hành động nhanh chóng trong lúc cấp bách, nguy hiểm đang dồn dập tới….. để rồi chịu chung số phận « Học Tập Cải Tạo », đã bóc hai tấm lịch rưỡi như nhiều người …………..Thôi xin chịu vậy :
» Nhìn xem CON TẠO xoay vần đến đâu…………. » ( Nguyễn Du )
« Để ghi nhớ lại ngày Quốc Hận 30/04/75………. »
Chí Hợi Australia
Ghi Chú :
1- Con tầu Đông Hải, lúc ban sáng còn đang bị cột đỏi tại cầu tầu Nguyễn Huệ. Đến quãng trưa thì biến mất, để lại bến tầu một quang cảnh cô đơn, hiu quạnh. Có người nói rằng, cô nàng Đông Hải đã bị cưỡng ép di tản trưa hôm đó cùng với một số hành khách và thủy thủ đòan bất đắc dĩ. Ai biết rõ sự chuyện hay là cùng ở trong cảnh di tản đó, xin cùng nhau kể lại cho vui,viết thành hồi ký nhân ngày kỷ niệm Quốc Hận 30/04.
2- Các thủy thủ làm trên tầu buôn VN thường đều lớn tuổi, đa phần đếu đáo tuổi hưu trí, nhưng họ cũng vẫn phải đi làm. Lý do cũng vì kế sinh nhai, cuộc sống vật chất khó khăn để nuôi gia đình, vợ con, đôi khi phải nuôi cả cháu của họ nữ. Điểm lợi là họ không vướng mắc gì về phần quân dịch, hơn nữa họ còn khỏe mạnh, đều làm lâu năm nghề này nên rất sành sỏi mọi công việc, không cần phải chỉ huy hay theo dõi việc họ làm. Nhiều người nổi tiếng được các chủ tầu qúy mến, luôn luôn thâu tuyển, mời mọc họ làm việc mỗi khi tầu thiếu người. Có ngừơi làm từ thời còn Pháp thuộc cho các hãng Messageries Maritimes, Chargeurs Réunis, Denis Frères v.v… Đặc biệt họ nói tiếng Pháp rất hay theo kiểu của họ, đôi khi phát ra nhiều chuyện phì cười rất ngộ nghĩnh, thế mà các Quan Tầu Pháp đều thấu hiểu hết.
Theo luật, phải có sáu (06) ngừơi lái tầu timoniers cho 3 chi đội đi quart, mỗi quart 2 người. Sáu người đó tự động cặp đôi với nhau để đi quart, tùy theo sở thích của họ. TT hay TP chẳng phải nhọc công phân chia quart như trong HQ. Quart hải hành được chia cố định, không bao giờ thay đổi. SQ Dịch đi quart sớm số 1 ( HQ gọi là quart Cách Mạng ) từ 0000- 0400 và từ 1200-1600 TP đi quart trưa số 2 từ 0400-0800 và từ 1600-2000, TT đi quart ngày số 3 từ 0800-1200 và từ 2000-2400. Trường hợp tầu lớn, cấp số bắt phải có 2 SQ Dịch, TP đi quart ban ngày, còn hai 2 quart kia chia cho 2 dịch, TT không đi quart, nhưng trông nom, canh chừng mọi chuyện hải hành.
HQ có thông lệ đi quart xoay vòng, không cố định, phân chia như sau : 0000-0400, 0400-0800, 0800-1200, 1200-1500, 1500-1800, 1800-2000, 2000-2400, như vậy tổng cộng trong ngày là 7 quarts, con số lẻ, nên hôm nay ai đi quart nào thì qua ngày hôm sau thụt lui lại một quart, cứ như vậy xoay vòng cho đến khi hết hải hành.
Bàn về chuyện lành nghề của các thủy thủ già, kỳ cựu lâu năm đi biển, họ rất giỏi công việc chuyên môn, mặc dù chẳng được xuất thân, huấn luyện từ một trường chuyên nghiệp nào, tất cả đều là do « nghề dậy nghề », học đươc từ hồi còn nhỏ. Các công việc dựng cần câu kéo hàng, việc này rất nguy hiểm nếu không có kinh nghiệm, dễ bị cần câu xập, gây chết người, họ thoăn thoắt làm rất nhanh nhẹn, chớp nhoáng. Việc kiểm soát hầm hàng, đóng chốt, cài bù-loong, đậy bố che miệng hầm cho kín nước để bảo vệ hàng hóa, họ làm thật đầy lương tâm nghề nghiệp, dưới sự chỉ huy nhẹ nhàng của cai boong. Lúc cặp hay tách bến, họ hiểu ý Thuyền Trưởng để kéo về tầu dây đỏi nào trước, dây đỏi nào sau. Sự hiểu biết đồng bộ ( tâm đầu ý hợp ) với TT, làm cho công việc ma-nớp (manoeuvre ) vận chuyển thật nhẹ nhàng, nhanh chóng.
Lúc hải hành, một ngừơi lái và thay phiên nhau xoay vòng trong một tiếng đồng hồ và còn ngừơi kia đứng quan sát, báo cáo mọi việc bất thường xung quanh tầu cho SQ đương phiên. Trường hợp biển êm lúc ban ngày, người không lái có thể đựơc chỉ định xuống boong tầu, phụ giúp cùng cai boong và thợ mộc ( charpentier ) tu bổ con tầu như gõ sét hay sơn tầu. Ngoài ra còn có pointers ( người kiểm soát hàng hóa ) cho mỗi miệng hầm. Công việc của các người này rất quan trọng và đầy trách nhiệm cho việc kiểm soát mất hay còn của hàng hóa. Tầu tại bến, các người này bận vô cùng, đôi khi làm không có giờ nghỉ ngơi lúc đang lên hay xuống hàng. Tầu hải hành, họ không làm một việc gì cả, ngoài việc tính lại sổ sách số hàng đã chất lên tầu mà thôi .
Phần cơ khí, máy chánh là chủ chốt kiếm ra tiền lợi nhuận cho chủ nên lúc nào cũng đựơc o bế một cách đặc biệt. Động cơ không bao giờ hư hỏng bất thường vì luôn đựơc tu bổ, thay thế các cơ phận mòn, hư hỏng thường xuyên.
Cổ lệ từ lâu đời để lại, chủ tầu thường hay thưởng cho toàn thuỷ thủ đoàn một món tiền, thường được gọi là » tiền thưởng chuyến » sau khi chuyến thứ 2 được hoàn tất trong tháng, nếu trong tháng còn làm thêm chuyến nào thì cũng đựơc thưởng theo cũng như vậy.
TT, thuỷ thủ đoàn thường vui sống trong cảnh » trên thuận, dưới hòa » trong suốt các cuộc hải hành cũng như trong lúc ở bến, rất hiếm khi xẩy ra những chuyện bất bình. Nhưng họa chăng, nếu có thì sẽ được cùng nhau giảng hòa ngay lập tức, qua đôi ba ly chén rượu nồng, thế là mọi chuyện qua đi và quên hết mọi sự.
Chiếc M/V Monte Christo từ Singapore đi Nam Vang phải ghé qua cảng Saigon để thay Thuyền Trưởng khác vì ông Reboul, đương kim Thuyền Trưởng, một người Việt nhưng mang quốc tịch Pháp không muốn lái tầu đi Nam Vang và đồng thời để nhận hàng, một số gạo do viện trợ Mỹ cung cấp cứu dân Kam-pu-Chia. Liên lạc được biết người Thuyền Trưởng sẽ thay thế là ông Nguyễn Thế Nghiệp và đang thiếu Thuyền Phó, tôi đi lại ngay hãng Đại Diện tầu (Shipping Agent) xin việc và được chấp thuận làm Thuyền Phó. Lòng mừng rỡ vì có việc làm, lương tương đối khá cao nhưng ngựơc lại rất gian nan, khó khăn và nguy hiểm. Nhiều đoạn đường sông đi Nam Vang thường hay bị phục kích, giật mìn thuỷ lôi.
Chiếc tầu cũ kỹ, chủ là ông Tăng Bạ, một thương gia rất giàu người Hoa, có nhiều cơ sở kinh doanh ở Nam Vang. Tôi viết tên theo lối nói của thủy thủ đoàn người Miên gọi nhưng chưa bao giờ được giáp mặt nói chuyện với ông ta. Toàn thân tầu đựơc quét một lớp sơn mới, trông xa rất đẹp nhưng khi lại gần, nhìn thật rõ mới biết tầu rất cũ, sét rỉ nhiều chỗ. Đài chỉ huy ở giữa, hầm hàng ở trứơc và một ở sau. Phần trên boong có chỗ ăn ở cho mọi ngừơi thật rộng rãi, khoáng đãng, phần hầm ở phía dưới là máy và láp chân vịt. Nguyên thủy là máy chạy bằng hơi nước (machine à vapeur), nhưng sau này đựơc thay thế bởi một máy Diesel cũ, nhưng mạnh. Nồi xốt-de (chaudière) vẫn còn đang xài và dùng để chạy cần câu bốc dỡ hàng. Trọng tải khoảng 3000 tấn.
SQ Đệ tam là một người Miên, anh này thích hay phô trương. Lúc nào cũng trịnh trọng trong bộ short trắng, vai đeo lon, chân đi giầy da đánh bột trắng bóc khác xa với hai người Việt chúng tôi, lúc nào cũng mặc áo bỏ ngoài, lúc đi dép, lúc đi giầy. Xếp máy là một thanh niên trẻ tên Diệp Lên, có du học tại Đông Đức về máy tầu nên có đựơc bằng cấp cao, anh này rất thân với tôi và nói tiếng Pháp giỏi. Còn lại tất cả thủy thủ đoàn đều là người Miên, trong đó có một số ít người già có kinh nghiệm lâu năm làm nghề tầu biển, số còn lại là thanh niên trẻ. Nghe họ nói bọn trẻ này là con nhà giầu, có tiền nhiều để chạy mua đút lót sổ thủy thủ (livret marin), trốn quân dịch đi lính và được xuất ngoại. Một đôi người nói tiếng Việt giỏi và có người lấy vợ Việt nhưng sống ở Nam Vang. Tất cả nhân viên đều vui vẻ, lịch sự và lễ phép với nhau lúc chung sống và làm việc trên tầu.
Thương thuyền được các chiến đỉnh và chiến hạm hộ tống trên sôngMékong
Tôi xuống tầu Monte Christo để nhận việc lúc nó đang được cột tại phao, gần phía bên bờ Thủ Thiêm, đối diện trụ sở văn phòng của hãng Messageries Maritimes. Tầu đang chờ đợi bến trống để cặp bến « ăn gạo ». Một chiếc đò nhỏ đưa tôi qua sông và leo lên tầu đúng lúc đang có một chiếc ghe bầu cặp bên cạnh để đưa cát lên và được dùng để phòng thủ với những bao cát đựơc đổ đầy. Được giới thiệu với cai boong và các nhân viên đang xúc cát đổ đầy vào các bao, tôi bắt tay từng người, chào hỏi vui vẻ.
Vào phòng nhận buồng và đi một tua quan sát tầu, đài chỉ huy, phòng vô tuyến, phòng ăn, nhà bếp và hầm máy, hầm hàng. Thôi cũng tạm chấp nhận giang sơn mới của mình, nơi đây sẽ đổ mồ hôi, sức lao động kéo cày kiếm sống qua ngày. Các bao cát được chuyền lần và chất đầy xung quanh đài chỉ huy, trông có vẻ vững chắc, tạm đủ bảo vệ chống phục kích của Miên Cộng.
Một số ghe nhỏ bu quanh tấp nập để hỏi han các thuỷ thủ có hàng gì bán không. Tôi thấy họ trao nhau nhiều món đồ nhỏ như đồng hồ Seiko 5, từng bao hộp dầu xanh hiệu con ó, radio transistor lọai nhỏ có một và hai băng, thuốc lá thơm đủ loại. Họ cũng lén lút, dấu diếm tránh quan thuế, nhưng vẫn có những kẽ hở để hàng lậu lọt qua được. Đứng trên đài cao nhìn xuống thấy vui vui và buồn cười, phần vì ngôn ngữ bất đồng, phần thì mặc cả, trả giá qua lại, hai bên giằng co, giằng lại, người muốn bán, người không muốn mua.
Qua hôm sau có Hoa tiêu xuống, dắt tầu qua bên kia thương cảng cặp bến để chuẩn bị « ăn hàng ». Tầu không cặp bến mà cặp bên cạnh một chiếc tầu buôn to lớn, khổng lồ của Mỹ để từ đó câu gạo trực tiếp từ tầu lớn qua tầu bé. Đây là chính đúng lúc tôi đảm nhiệm vai trò Thuyền Phó, nhận mọi giấy tờ các cơ quan liên hệ về quan thuế, giấy nhận hàng ( manifeste de cargo ) do cơ quan viện trợ Mỹ đưa xuống, lập bảng chia gạo trong các hầm hàng (plan de cargo), trông coi kiểm sóat nhân viên đếm hàng (pointers ) xem có bao nhiêu bao gạo chất xuống tầu cho thật đúng với giấy tờ, công việc thật bận rôn, nhưng tôi đã quá quen nên không có gì khó khăn cả.
Thời gian thật cấp bách, hàng phải xuống cho thật nhanh, phải đủ số lượng nhận theo tờ manifeste, nhưng phu bến tầu làm chậm quá. Thuyền Trưởng tầu Mỹ cứ hối thúc đòi cho làm cả đêm lẫn ngày để mau xong việc, tách bến về Mỹ. Phần tầu của tôi cũng vậy, cũng phải tranh thủ thời gian cho mau xong để cùng gia nhập đoàn công voa (convoi) có hộ tống đi Nam Vang. Đến ngày giờ ấn định, hai tầu đều phải tách bến mặc dầu số gạo chất qua chưa đủ. Hầm phải đóng lại, niêm chì, làm biên bản và hoàn tất thủ tục giấy tờ các lọai.
Ngày giờ khởi hành đã ấn định, tất cả chuẩn bị chu đáo. Giấy tờ về hàng hóa đã xong, quan thuế kiểm soát cẩn thận kỹ lưỡng. Trên boong, dưới máy, nhà bếp đi chợ mua lương thực đầy đủ. Hoa tiêu lên tầu, cờ chử P (sắp khởi hành) và cờ chữ H (có hoa tiêu trên tầu) đựơc kéo lên cao ngọn cờ. Các dây đỏi tháo hết kéo về, tầu từ từ xa bến, đổi hướng hạ giòng đi ra biển.
Qua Vũng Tầu, Hoa Tiêu sông Saigon xuống và Hoa Tiêu sông Cửu Long lên để thay đổi nhau. Tầu quay một vòng, chạy ngược lên phía Cửa Tiểu, cũng giang hành trong sông. Hai bên bờ cây cối đủ lọai xanh rì, ẩn hiện lấp ló bên trong những căn nhà tranh, vách lá của cư dân địa phương. Tầu vẫn tiến mạnh, chạy hết tốc độ. Qua ngang Mỹ Tho, nơi dây quá quen thuộc và thân thương đối với tôi. Bắc (đò ngang) Bến Tre, đò dọc, ghe đuôi tôm, ghe bầu đi hàng đoàn dài được giòng bởi một chiếc tầu kéo nhỏ xíu nhưng có máy rất mạnh chạy xuôi ngược, tấp nập trông nhộn nhịp thật vui mắt. Không bao lâu đã đến Tân Châu, Hồng Ngự, nơi gần biên giới Kam-Pu-Chia, lúc đó đã xế chiều. Hoa tiêu xuống rời tầu, sau khi đã thả neo để tầu nhập cùng một đoàn thương thuyền khác đã đến đó từ trước, đang đậu chờ đợi đoàn tầu escorte convoi của HQ Kam-Pu Chia đến. Được ngắm nhìn cảnh trời, sông nước bao la của một buổi chiều tàn trên sông Cửu Long, đó là cả một niềm phấn khởi lý thú, tràn ngập đầy thi vị. Tầu HQVN sẽ hộ tống phụ tiếp vào lãnh thổ Miên cho đến tận « Hố Lương » (ngừơi Miên gọi là Neak Luong), rồi tiếp đó giao phó hoàn toàn cho HQ Miên đảm nhiệm phần còn lại. Đoàn tầu vượt biên giới gồm năm chiếc thương thuyền, trong đó có một chiếc tầu dầu mà tôi rất lo ngại thương xót cho số phận của nó nếu bị bắn trúng.
Vượt biên giới
Một buổi sáng, vào giờ khởi hành đã ấn định, tất cả rục rịch kéo neo, nổ máy vượt biên giới, hướng sang Kam Pu Chia. Đoàn tầu nhỏ của HQ hộ tống lăng xăng chạy chung quanh, phân chia vị trí để bảo vệ cho đoàn tầu buôn. Quang cảnh có phần thay đổi khác với bên VN, các tầu vẫn nối đuôi nhau hàng một tiếp tục theo nhau đi trong sông. Hai bên hông, đoàn tầu nhỏ hộ tống chạy kề kề, súng ống chỉa thẳng vào bờ sẵn sàng nổ súng khi hữu sự. Nhà cửa đều là loại nhà sàn, cư dân có vẻ thưa thớt khi lần lần xa hơn, khác lúc ở gần biên giới. Điểm đặc biệt khác với địa thế vùng VN là hai bên bờ sông, mô đất nhô lên cao hơn mặt nứơc khoảng 1 hay 1,5 mét, cây cối, bụi cây mọc xanh um, khó có thể thấy đựơc xa tận bên trong cùng vì bị che lấp tầm mắt bởi cây cối rậm rạp. Nhiều chỗ cảm thấy rất thuận tiện cho các cuộc phục kích bất ngờ của địch quân. Bờ đất đỏ khô cứng, đôi chỗ thụt lõm vòng cung vào bên trong, đôi chỗ dôi ra vòng cung bên ngoài, phần trên đất mọc các loại cây chằng chịt, rất tốt cho địch ẩn núp quan sát, mà ta chẳng hề hay biết gì vì bị khuất tầm mắt .
Được nghe kể lại, sau các lần phản pháo bắn trả lại địch trong các cuộc phục kích, quân ta đổ bộ lên bờ, quan sát trận địa. Kết quả báo cáo cho biết địch quân chạy tán loạn vào bên sâu trong đất liền, trốn thóat đựơc qua khỏi tầm nhìn quan sát và tầm đạn truy kích tác xạ của ta. Địch an toàn tiếp tục chạy sâu vào bên trong mà quân ta không dám truy kích đuổi theo. Súng lớn, hỏa lực chánh sử dụng đều thuộc loại có công dụng phòng không như Oerlikon 20 mm hay Bofor 40mm, nay đựơc trang bị cho tiểu đĩnh nên không thích hợp mấy ngọai trừ khẩu pháo cối 81 ly (có tầm xa tối đa 4 km bắn cầu vồng) hay cối 60 ly (xa 1 km) có tác dụng hữu hiệu nhất một khi bắn trúng đích.
Đạn 20 mm, khi chạm chỉ phá một lỗ trong lòng đất khoảng lớn như trái dưa hấu (cỡ hơn trái bánh đá một ít), vả lại là loại rất nhậy nổ (chuyên để phòng không), chỉ chạm cành cây hay thân cây nhỏ, đạn cũng tự nổ ngay lập tức. Kết quả là chưa chạm địch thì đạn đã nổ rồi, công dụng tàn phá không trúng đích.
Đạn 40 mm có sức công phá mạnh hơn, nhưng cũng là loại phòng không, không thích hợp mấy cho việc tiêu diệt hay công phá các mô đất, các hang núp bắn sẻ cá nhân đào sâu trong lòng đất của du kích. Đạn đụng bất cứ vật gì là nổ ngay, cho dù chưa chạm đích, ngoại trừ đó là đạn xuyên phá. Sức công phá chỉ đào đụơc trong đất một khoảnh lớn độ hơn thể tích cái lu đất mà thôi, không có tác dụng hữu hiệu tiêu diệt địch núp trong những hang hóc (danh từ địch gọi là ổ hang cóc) ở trên bờ mô đất cao.
Một chiếc PBR cặp lại kè bên, cột dây vào để đựơc tầu tôi kéo chạy theo, nhân viên lười không muốn lái, nghỉ ngơi và đùa giỡn với nhau. Tôi được nói chuyện với viên Thiếu Úy chỉ huy con tầu nhỏ đó. Anh ta trịnh trọng trong bộ quân phục mầu xanh cứt ngựa, ủi hồ láng cóng, chân đi đôi giầy đen cũng được đánh xi láng cóng, đầu đội casquette có huy hiệu écussion thêu kim tuyến chỉ vàng nổi bật sáng chói, vai đeo giây biểu chương cũng có chỉ kim tuyến vàng, có thể nhìn thật rõ từ đàng xa. Tôi thầm nghĩ, đi tác chiến, không biết lúc nào chạm địch mà quân phục mặc cũng như trong ngày đại lễ không bằng. Tác chiến gì với loại SQ công tử, con nhà giầu như thế này. Đựơc biết SQ Miên rất trẻ đều thuộc loại « danh gia vọng tộc » hay là con nhà giầu có mới đựơc tuyển vào học lớp SQ/HQ.
Đựơc dịp nói chuyện với giới chức thẩm quyền, tôi đề nghị xin được cho đem một khẩu đại liên M 60 và nhiều thùng đạn, đem lên gắn trên nóc đài chỉ huy của tầu. Lý do : ở trên cao có thể dễ quan sát, tầm đạn bắn đựơc đi xa và hữu hiện nhiều hơn, vả lại có nhiều bao cát phòng thủ che chở, an toàn cho xạ thủ. Viên Thiếu Úy không đồng ý và nói súng không được phép để xa khỏi tầu. Tôi buồn bực, chán nản vì câu trả lời kém sáng suốt, chứng tỏ kẻ chỉ huy không có một tí kinh nghiệm chiến trường gì cả. Tôi đành phải chịu thua, vì lúc này tôi là dân sự rồi, không còn một quyền hành quân sự nữa. Thầm nghĩ, khi đụng trận mới biết ý kiến đề nghị của tôi thật hữu hiệu. Tầu vẫn tiếp tục giang hành, chưa có triệu chứng gì báo hiệu một cuộc phục kích sắp xẩy ra. Trên đài chỉ huy, Hoa tiêu người Miên tiếp tục ra lệnh miệng cho lái tầu, người lái nhận lệnh răm rắp tuân theo, thi hành đúng y như vậy. Con tầu vẫn bủa sóng, mạnh tiến lên phía trước với vận tốc « Full Ahead » (nhanh hết tốc độ).
Thấy lấp ló bên trong các chiến đỉnh, một vài tà áo mầu, hay nói cho đúng ra là một vài chiếc xà-rông xanh, đỏ đi lại, lẫn khuất, lúc thấy, lúc không. Hỏi ra mới đựơc biết đó là vợ của các SQ đi theo. SQ Miên thường hay đem theo vợ lúc hành quân, đồng thời các bà đó cũng là những tay buôn lậu chuyên nghiệp, buôn bán rất lớn, đủ mọi lọai hàng kể cả vàng, kim cương hay xì ke, ma túy.
Thương thuyền nước ngoài tiếp tế Nam Vang trên sông Mékong
Cảnh tang hoang, điêu tàn của chiến tranh từ từ hiện dần theo quang cảnh hai bên bờ sông. Một xác tầu chìm từ bao giờ, không rõ tên của một thương thuyền nào đó, sét rỉ, nằm lẻ loi trơi trọi giữa lòng sông. Cột tàu, cần cẩu và ống khói nhô cao lên, phần còn lại chìm sâu dưới nước. Mọi người đều hướng mắt theo dõi chiếc tầu chìm, rồi quay lại nhau, nhún vai, lắc đầu như muốn tỏ ra một điều lo sợ lớn lao mà không nói thành lời. Từ đây, dọc bờ sông cũng còn một vài xác tầu chìm như vậy, nằm án ngữ giữa sông, chỗ sâu nhất, các tầu khác qua lại đều phải tránh né, luồn lách sang một bên, đôi khi rất khó khăn vì sơ đụng chạm vào nhau, làm hư hại vỏ tầu của mình.
Máy truyền tin PR-C 25 của chiếc tiểu đĩnh cặp bên cạnh phát ra những tràng tiếng Miên oang oang qua ống khuếch đại (loud speakers) không ngớt. Rồi từ xa, phía trước mũi tầu tôi, một chiếc khác chĩa vào bờ khẩu pháo SKZ 75 mm (súng không giật ngựơc phía sau khi bắn) làm một tiếng ầm khá lớn, vang dội trong không gian đang yên tĩnh. Đạn trúng một mô đất mầu đỏ khá cao dọc bờ sông, nhô ra hình vòng cung khỏi ra phía trước bờ nước, đi vào ở sâu khoảng độ 5-7 mét ở bên trong đất nơi có các lùm cây xanh rì, thì viên đạn nổ văng tung tóe lên trời các mảnh khói lân tinh mầu xám tro, bay lên cao theo hình chử V, rồi từ từ tắt lịm (tiếng nổ của đạn lửa chống xe tăng). Tầu nhỏ tác xạ đại liên vào những chỗ nghi ngờ có phục kích, bắn cầm chừng hăm dọa địch quân.
Từ trên cao, với cái nhìn và quan sát kỹ của con mắt chuyên môn quân sự, tôi hơi cảm thấy lo lắng cho bản thân và toàn thể nhân viên trên tầu. Nhận thấy nếu địch quân mở cuộc phục kích đại quy mô, xử dụng một lực lượng khá đông với nhiều B-40, B-41, súng SKZ 57mm hay 75 mm, địch có thể tiêu diệt dễ dàng đoàn tầu buôn chúng tôi. Quan sát kỹ cuộc bắn hăm dọa vừa rồi vào bờ, viên đạn 75mm chỉ xuyên vào đất khỏang 5-7 mét là đã tự động nổ tan tành rồi. Địch quân ở sâu 10m, 12m, đào hang cóc núp ẩn không có hề hấn gì, ngoại trừ chỉ nghe tiếng nổ inh tai, long óc mà thôi. Hai bên bờ sông, đất cao nhô lên như bức thành bê tông cốt sắt che chở cho địch. Xin nhắc lại địa thế hai bên bờ sông Mê Kông trên lãnh thổ Miên rất cao, đất ở bên trong rất cứng, có nhiều bụi cây râm rạp. Phần bờ đất bên VN thấp, mềm, sình lầy, mùa nước lớn có thể tràn ngập vào ruộng bên trong. Địch lợi dụng tối đa » ĐỊA LỢI » tốt kể trên nên có thể áp đảo quân ta một cách dễ dàng. Nên nhớ, súng SKZ có đường khương tuyến, bắn đi rất xa, cở 1 hay 2 km là chuyện thường và nếu được điều chỉnh máy ngắm cho thật thiện nghệ, chắc chắn viên đạn sẽ trúng đích. Bắn xong địch quân cứ việc lăn vào hang cóc là an toàn cho bản thân. Lính HQ không dám đổ bộ lên bờ tác chiến hay truy kích.
Súng phóng hỏa tiễn B-40 hay 41 có tầm gần hơn chỉ vài trăm mét mà thôi. Ai nấy cũng đều chú ý vào phát bắn hăm dọa đầu tiên đó và bắt đầu hoảng sợ. Riêng tôi cũng ở trong tình trạng đó. Lúc còn trong quân ngũ, đã có vài lần đụng độ sát cạnh với địch nhưng tôi không sợ một tí gì cả. Phần vững chắc là có quân chỉ huy dưới tay, súng ống đầy đủ, trội mạnh nhiều hơn đối phương, truyền tin liên lạc luôn luôn duy trì để được trợ giúp. Nhưng nay tôi đã là kẻ « adieu aux armes », một tấc sắt cũng không có trong tay, sự lo sợ đến với tôi là chuyện đương nhiên. Một lo sợ nữa, nếu chết trong quân đội, tôi được vinh danh chết cho Tổ Quốc, may ra cũng có huy chương « Anh Dũng » gắn trên quan tài, nay chết trơ trọi ở xứ ngừơi, thây xác không biết có đựơc mang về cho vợ con hay gia đình không ? … Tôi cảm thấy dại dột quá, tự quyết định sẽ xin nghỉ việc sau chuyến này.
Cách đó độ ít tháng, tôi cũng đã từng bỏ tầu giống như chiếc này, khi làm việc cho hãng Alaska Barge, một hãng tầu Mỹ chuyên kéo và giòng các xà lan, có huy hiệu hình đầu người da đỏ gắn lông gà ở trên. Huy hiệu này được mang trên ống khói các tầu của hãng.
Chuyến đó, tầu kéo một xà lan đầy đạn đại bác. Khi đến Tân Châu chờ convoi đi Nam Vang, nghe nói tình hình địch quá căng thẳng nên tôi trốn tầu, lên xe đò về Saigon. Hãng cũng vẫn trả lương đầy đủ cho tôi, không phạt cúp tiền gì cả. Thế mới hay, người Mỹ đôi khi cũng sòng phẳng lắm. Chiếc này do ông Vân (cựu HHTT) làm Thuyền Trưởng. Chuyến đó, tầu kéo bị ăn B-40, Thuyền Phó ngừơi Mỹ tử thương, hãng phải bồi thường một số tiền rất lớn, còn riêng tôi thoát chết. Ôi may mắn quá! Thoát chết, được ông bà phù hộ cho một lần nữa. Nếu tôi nhớ không lầm, chiếc tầu này tên CHEEROKEE một tầu kéo, vỏ thân bằng gổ, máy rất mạnh, thuộc lọai « Ocean Going tug boat » của hãng tầu kéo ALASKA BARGE.
Tất cả mọi người, ngoại trừ những ai đang đi quart tại đài chỉ huy như Thuyền Trưởng, Hoa tiêu và tôi, đều chạy vào hầm hàng chứa gạo. Nơi đây họ đã dùng các bao gạo, xây xung quanh thành những hố cá nhân che chở rất hữu hiệu, giống như các công sự phòng thủ bằng cát ở trên đất. Vang vọng từ dưới hầm lên các lời tụng kinh cầu Phật oang oang, đều đều. Tôi cảm thấy bây giờ là lúc lòng tin mãnh liệt nhất của các tín đồ Phật giáo, tin tửơng nơi đấng thiêng liêng phù hộ.
Rồi bỗng một tiếng nổ « ầm » thật lớn, inh tai, nhức óc. Tầu bị một phát đạn B-41 trúng ngay phần trên miệng hầm hàng, phía trước đài chỉ huy. Thuyền Trưởng, Hoa tiêu vẫn bình tĩnh điều khiển con tầu chạy trong sông, tuy nhiên tầu cũng hơi hơi chao đảo nhè nhẹ một ít mà thôi. Thế rồi lại một sự yên lặng nghẹt thở kéo dài ít phút. Bỗng nhiên từ trong miệng hầm, tất cả đồng thanh la lớn vang lên bằng tiếng Miên, báo cho đài chỉ huy biết không có ai bị thương hay chết cả. Một phen hú hồn, mọi ngừơi từ từ lấy lại bình tĩnh, một vài cái đầu lấp ló nhú lên cao khỏi miệng hầm tò mò ngó xem trong bờ.
Viên đạn bắn trúng ngay giữa miệng hầm, phá vỡ thanh đà sắt thẳng đứng, chỗ lớp sắt thép dầy nhất ( cỡ 10mm ) có tiết diện chữ H. Sức công phá xé tan, cuốn tròn thanh đà sắt ngựơc tròn vào phía trong, khoan thủng một lỗ to cỡ trái dưa hấu. Mảnh văng bên ngoài, chém tứ tung miệng hầm thành những vết lủng lởm chởm, có vết chém to cỡ hột mít, vết nhỏ cở hột mảng cầu. Tầu đến bến, tôi đi quan sát, trông rõ mà rùng mình. Thật là một điều may mắn cho mọi người. Viên đạn trúng chỗ thật cứng nhất, nổ ngay tại chổ. Bao nhiêu sức công phá nổ tối đa đựơc dội ngựơc ra bên ngoài, không thiệt hại gì bên trong. Nếu trường hợp viên đạn trúng lớp thép mỏng, xuyên thủng vào bên trong rồi mới nổ, sẽ không thể biết được thiệt hại xảy ra, bao nhiêu nhân mạng sẽ thương vong ?
Lập tức đoàn tầu chiến nhỏ nả đại liên dữ dội vào hai bên bờ, chỗ nào nghi ngờ, động đậy là họ chỉa súng bắng hàng tràng. Đôi lần, họ cũng thụt súng SKZ hay từng loạt Bofor nổ văng khói, bụi đất bay tứ tung, khói bốc lên cao từng cuộn nhỏ.
Tai nghe đủ loại súng bắn vào bờ hàng tràng như pháo ngày Tết, nhưng chỉ có tiếng nổ của đạn Bofor là êm tai nhất, nghe rầm rì, ầm ầm nho nhỏ như tiếng đàn « đại hồ cầm » (contre basse) đập nhịp rất êm tai.
Đoàn convoi vẫn tiếp tục giang hành sau cơn trúng đạn, lần lũi bửa sóng tiến lên phía trước như không có sự gì xảy ra. Từ đây cho đến khi cặp bến Nam Vang, đoàn tầu không còn bị tấn công gì nữa.
Qua một khúc sông cong, cua quẹo, đã thấy bóng dáng một vài cao ốc của thành phố. Trời cũng đã xâm xẩm tối, ánh đèn điện vàng vọt thấp thoáng mờ mờ nơi chân trời xa xa. Mọi người hân hoan, tầu đã vào đất Nam Vang rồi.
Qua hệ thống truyền tin vô tuyến, mỗi chiếc thương thuyền được phân chia theo thứ tự để cặp cầu, có chiếc không có bến trống phải neo giữa giòng sông chờ đợi.
Tàu chở dầu tiến vào Nam Vang
Cặp bến và xuống hàng tại Nam Vang
Trời đã đổ đêm xuống qua các trụ đèn dọc theo cầu tầu, ánh đèn mờ vàng vọt chiếu xuống, một vài ngừơi đang chờ đợi, tay giơ giơ ngoắc ngoắc chào mừng khi tầu cặp bến. Quan Thuế và Cảnh Sát lên tầu làm thủ tục. Một thủy thủ Miên, người nhà thân tín của chủ tầu mà tất cả người khác đều kính sợ và coi như là một thứ « ăng ten » (tên chỉ điểm đáng sợ) có nói với tôi bằng giọng Việt lơ lớ : « Tuy Quan Thuế và Cảnh Sát lên tầu làm việc khám xét, tất cả đã có dàn xếp từ trước rồi, nên công việc chỉ là hình thức cho qua mà thôi ». Tôi còn nhớ, người này tên là Y Kong, người mảnh nhỏ, ôm ốm nhưng hay báo cáo ngầm cho « Bà Chủ tầu » mọi sự việc xẩy ra trên tầu trong chuyến đi hay là tình trạng buôn lậu của thủy thủ đoàn. Tên này nói tiếng Việt khá, nhưng cũng vẫn pha giọng Miên, tai nghe nói phát âm ra không đúng những tiếng ngộ nghĩnh, buồn cười.
Một toán lính Miên, súng đạn đầy người leo lên tầu, chúng còn khiêng theo vài thùng lựu đạn loại tấn công MK-3 dùng để áp đảo người nhái địch trường hợp bị đặc công đặt mìn. Công việc làm chưa ra gì thì có đứa vào nhà bềp đòi nấu cơm cho ăn. Anh SQ Đệ tam (dịch ) người Miên phải ra lệnh nhà bếp nấu cho chúng một bữa ăn thịnh soạn, có đồ ăn, đồ nhậu và bia đàng hoàng thì chúng mới canh gác đựơc an toàn. Suốt cả đêm, thỉnh thoảng nghe từ mũi đến lái những tiếng vang dội ầm ầm của lựu đạn MK-3 do bọn lính ném xuống. Cả đêm khó ngủ, nhưng tôi cũng cố nhắm mắt để ngày mai tiếp tục làm việc.
Trời còn tối, chưa sáng tỏ đã có toán phu bến tầu xuống làm việc, bốc dỡ gạo. Họ phải làm sớm như vậy là để nhanh chóng xong công việc, tránh cái nóng bức dữ dội, khó chịu của mùa hè xứ Chùa Tháp. Tiếng liệng vứt nắp ván đậy hầm hàng ầm ầm vang lên trên boong, tiếng máy cần câu chạy hơi nước kêu xình xịch, ống dây cáp cần trục kêu ro ro đưa lên xuống các lưới chứa đầy bao gạo mang lên bờ. Công việc chính của tôi là lo việc bốc giỡ gạo và kiểm kê hàng hóa. Phu bốc dỡ làm việc đến quá trưa thì nghỉ, buổi chiều không làm.
Các bao gạo được chất thành hàng lối kỹ lưỡng trong hầm tầu tại Saigon, không một bao bố gạo nào bị lủng hay rách. Tại đây, bọn phu cố tình đập phá, tìm đủ mọi cách để cho bao gạo rách, chảy ròng ròng khi được cần câu kéo lên bờ. Làm như vậy, bọn phu mới có dịp ăn cắp gạo rơi rớt, ăn chặn mang về nhà. Mặc dầu giới có thẩm quyền nhận gạo có ngăn cản, cấm đoán nhưng cũng không làm được gì.
Lúc ra về, người phu nào cũng có đeo một bao gạo (cỡ bao cát phòng thủ), nặng nề đem ra khỏi kho thương cảng. Bị Quan Thuế chặn lại tại cổng chính, bắt mọi người phu phải đổ lại gạo trên một tấm bố lớn, trải rộng trên mặt đất. Họ chỉ đổ ra một nửa cho có lệ rồi được cho phép mang hết số gạo còn lại ra ngoài. Tấm bố trải dưới đất vun cao lên thành một đống gạo lớn. Khi tất cả các phu bốc đã đi ra ngoài hết, phần còn lại Quan Thuế và Cảnh Sát chia nhau ăn số gạo chất đống đó. Hàng viện trợ Mỹ mà, đồ của « Chùa » từ trên trời rơi xuống cứu trợ dân Kam Pu Chia đang ốm đói, ai nhanh tay, mánh lới cao hốt đựơc thì tự hưởng lấy, đâu có ai khiếu nại đâu. Rốt cuộc qua bao nhiêu kẽ hở dọc đường, gạo đến tay dân ốm đói thật sự không có đựơc hưởng là bao nhiêu, một xứ nổi tiếng tham nhũng mà.
Thương cảng Nam Vang có một cơ xưởng nhỏ, đủ khả năng để sửa chữa máy móc hư hỏng nhỏ nhẹ hay là hàn gắn, vá víu các chỗ lủng, chỗ rách trên thân tầu. Ông Trưởng Ty Thương Cảng người Miên (Port Master) cứ xuống tầu liên lạc với Thuyền Trưởng đòi sửa chữa, vá víu lại chỗ bị ăn đạn B-40 ở miệng hầm, đòi cho bằng được để sửa chữa, ngõ hầu có thể ăn thêm tiền cò (tiền commission) ăn ké của thương cảng. Nếu không được, ông hăm dọa không cấp giấy phép cho rời cảng. Chủ tầu đành phải chịu thuận theo, tôi không biết tiền sửa chữa tính thành bao nhiêu ? Đắc hay rẻ ?
Qua bữa đầu xuống hàng, sau cơm trưa, buổi chiều rảnh rỗi không có việc làm, tôi nghĩ đến việc đi bờ, thăm quang cảnh đẹp xứ Chùa Tháp. Tất cả mọi người đều về nhà chỉ trừ người trực ở lại canh gác mà thôi. Lòng lo sợ vì một mình lẻ loi đặt chân đến một xứ xa lạ, tôi cũng cố mạnh dạn đi ra khỏi bến để vào thành phố. Bến tầu ngay sát đường lộ lớn không xa mấy, đi bộ ít phút là vào trung tâm, khu buôn bán sầm uất.
Nam Vang được người Pháp thiết kế, lập nên thành phố xinh đẹp, có nhiều đường lộ lớn, xe cộ đi lại hai ba lằn xe, hai bên được trồng nhiều cây cao xanh, to lớn tỏa lan ra nhiều bóng râm mát. Đi bộ dưới bóng mát đó lúc trưa hè cảm thấy mát rượi. Hàng phố buôn bán tương tự như khu Lê Lợi, Hàm Nghi ở Saigon. Chủ nhân đa phần là người Hoa. Xe du lịch nhỏ, xe Honda hai bánh có phân khối lớn 90cc, xe lôi kéo chạy ngựơc xuôi đầy trong những khu buôn bán sầm uất. Có ngôi chợ mới xây, theo kiểu kiến trúc hiện đại, cao ráo với nhiều xập hàng bán đủ loại được đặt tên là XA-THƠ-MÂY. Đa số là hàng cá khô sản xuất tại Biển Hồ, các loại bát đĩa sứ đẹp, bình thủy, quần áo may sẵn chế tạo tại Trung Cộng và các đồ xài linh tinh khác.
Tôi có đi ngang qua Hoàng Thành (cung điện nhà vua) với tường vôi trắng cao bọc xung quanh nhưng không đựơc phép vào. Thăm Bảo Tàng Viện, vào bên trong được thấy nhiều cổ vật quí giá của văn minh Khmer. Các tượng đá hay gỗ khắc cao to cỡ người thường đặt tại khắp các góc tường, một ít đồ dùng, trang sức nhỏ bé đuợc đặt bên trong lồng kính, được đèn điện chiếu sáng trông rõ suốt. Một vài chiếc « Giá Xa » (xe vua đi bên ngoài cung điện) bằng gỗ, chạm trổ tinh vi, một vài cỗ « Long Sàn » (giường vua ngủ) chạm trổ, điêu khắc kỹ lưỡng đẹp đẽ. Nhận định : đa phần các đồ chưng bên trong to lớn, khó có thể mang đi đựơc như tượng đá, tượng đầu người to lớn, tượng gỗ thì còn tồn tại bên trong rất nhiều và được đặt các nơi. Các đồ quí bé nhỏ dễ di chuyển mang đi tồn tại rất ít, chỉ có vài tủ kính chưng bầy mà thôi. Thầm nghĩ tự nhủ, các đồ nhỏ dễ mang đi, quí giá đã bị cướp bóc qua những biến chuyển, hỗn loạn to lớn về chính trị hay quân sự.
Trên đường phố, cũng thấy qua lại nhiều quân nhân mặc sắc phục, vai đeo lon và huy chương đầy trước ngực, có các cô gái xinh đẹp, phấn son diêm dúa, mặc xà-rông mầu sặc sỡ đi kề kề bên cạnh, cảnh y như ở đường Nguyễn Huệ, Tự Do ở Saigon vậy. Trời chưa xế bóng chiều, tôi lo sợ nên vội vàng trở về tầu sau khi đã mua đựơc một ít chục chén bát kiểu, ít ký lô khô cá. Ngừơi bán biết tôi là người Việt, nói tiếng Việt với tôi rành rẽ, nhưng tôi không biết họ là Miên hay Việt.
Trên đường trở về tầu, đi dọc theo bờ tường cao của thương cảng để vào cổng chánh, gặp một nhóm vài ngừơi Miên đang đứng ở đó, mặt mày hầm hầm, ngước nhìn tôi có vẻ khiêu khích, mắt lườm lườm. Tôi hoảng sợ, không dám nhìn lại, chân nhanh bước cho lẹ như chạy để mau về tầu. Sau này hỏi lại, được biết có một số người Miên rất ghét và kỳ thị người Việt, nếu có gặp họ từ xa, nên tránh đừng lại gần để ngừa hậu hoạn.
Hôm sau đi bờ, tôi được một anh Miên dắt di ra phố nhân lúc trên đường anh về nhà. Đựơc đi xem một ngôi nhà thờ Công Giáo khá to lớn, xây cất kiểu Gotique giống y như ở VN, bên cạnh có núi đá « Đức Mẹ », có sân chơi cho học trò vì trường học ở ngay bên cạnh. Một vài bà nữ tu đang đứng xung quanh, tôi cúi đầu chào rồi tiếp tục đi. Nhiều khu đất rộng rãi được trồng các loại rau cải thành từng luống xanh rì, chạy dài dọc theo bờ sông, đang có ngừơi gánh nước tưới rau. Thành phố Nam Vang còn nhiều đất rộng, người thưa chứ không chật hẹp đông ngừơi, thiếu đất như Saigon. Đi mãi cũng chán vì quang cảnh, dân chúng sinh hoạt, đi lại buôn bán cũng tương tự như ở VN, chỉ có phần khác rất dễ biết, đó là nước da đen đen, ngâm ngâm dòn của cư dân địa phương rất dễ nhận dạng vì họ thuộc chủng tộc Khmer.
Đi bộ ngang qua trường học của các Sư Huynh Công Giáo (Ecole des Frères Chrétiens) trường mang tên Miche, tường cao, kín cổng, không thấy gì bên trong. Đứng ngoài nhìn vào, tôi thầm nghĩ, có biết bao nhân tài đã đựơc đào tạo và học qua ngôi trường danh tiếng nhất này của Nam Vang (tương đương như trường Tabert ở Saigon). Trở về tầu sớm hơn hôm qua, tôi ghé lại uống nước tại ngay một quán cóc nằm xê xế với cổng chánh thương cảng. Chủ nhân ra đón là một thiếu nữ trạc hai mươi ngoài trông rất trẻ và đẹp nhưng có nét Tây Phương, tôi đoán lai Pháp, đang nuôi một đứa con nhỏ độ hơn một tuổi. Gọi bia uống, cô mang ra và nói bập bẹ vài câu tiếng Việt. Hỏi tiếng Pháp, cô lắc đầu không trả lời được.
Đến bây giờ, lúc đang viết bài này, hồi tưởng lại người thiếu nữ duyên dáng xinh đẹp lai Pháp đó, tôi không biết phương vị hiện tại của cô ở đâu, sống chết ra sao ? Không biết cô có bị Khmer Rouge sát hại năm 1975 hay không khi bọn khát máu đó tràn ngập thủ đô Phnong Penh. Xin « chào nhớ thương, luyến tiếc » người đẹp trong mộng được gặp một lần đầu và cũng là lần cuối cùng.
Chuẩn bị về
Vài ngày bốc gạo đã qua, tôi rất chán ngán cái xứ Chùa Tháp này rồi, chẳng còn gì để xem cho thỏa chí tò mò. Có ngừơi nói đi xem Đế Thiên, Đế Thích (Angkor Thom, Angkor Wat) hấp dẫn lắm, nhưng ai mà dám đi, ngay cả dân Nam Vang cũng không dám bén mảng lại gần vì sự mất an ninh của chiến tranh và bọn Khmer Rouge. Tôi mong cho chóng lên hết gạo để tầu mau tách bến về Saigon, và đồng thời xin nghỉ việc luôn.
Buổi chiều hôm cuối cất hàng xong hết lên bờ, phu phen đóng nắp hầm hàng thật kỹ lưỡng và ra về hết. Con tầu trở nên thinh lặng, yên tĩnh lạ thừơng. Các máy móc đều tắt hết, không một tiếng động nhỏ vang lên ngoại trừ tiếng xì xì nho nhỏ do hơi nứơc thừa của nồi hơi, có áp xuất thừa xả ra. Đó là lúc tôi nhe nhàng, thở trút gánh nặng nghìn cân trong người.
Mong mau chóng hôm sau khởi hành. Biên bản giao hàng hoàn tất, phần cuối có ghi chú một số lớn gạo thất thoát trong chuyến đi và trong lúc bốc dỡ, tôi nhắm mắt ký đại, không cần biết con số thất thoát là bao nhiêu. Hàng Mỹ viện trợ mà, đồ không chủ còn hay mất bao nhiêu cũng không cần biết.
Đêm cuối cùng ngủ tại Nam Vang tôi thao thức lạ thường. Bên ngoài, bọn lính canh gác cũng vẫn đều đều liệng lựu đạn xuống nước chống ngừơi nhái phá hoại. Lòng cầu xin cho đựơc mau về nhà và con tầu luôn đựơc « xuất nhập bình an ».
Sáng sớm hôm sau, Hoa tiêu xuống. Giờ khỏi hành bắt đầu, tầu tách bến, quay mũi hạ giòng, rời Nam Vang. Chuyến về này không theo công voa, không có HQ Miên đi theo hộ tống, tầu tự túc đi về một mình, không hàng hóa, nhẹ tưng nổi lên cao lêu khêu. Nỗi lo sợ bị phục kích không còn vì bọn Miên Cộng thường hay tha cho chuyến về, chỉ phục kích chuyến đi, tầu mang đầy hàng mà thôi.
Tầu qua Tân Châu, ngừng lại ít phút để thay đổi Hoa tiêu Miên và Việt, tiếp tục đi theo Cửa Tiểu chạy đến Vũng Tầu, cũng dừng lại ít phút để thay Hoa tiêu sông Saigon. Từ đây tầu chạy thẳng một mạch đến bến thương cảng kho 5 Khánh Hội.
Tôi giao lại tất cả giấy tờ cho người ở lại, rời tầu. Quay lại nhìn lên cao ống khói đang phun lên không trung một màng mỏng khói xanh lợt, tay vẫy ngoác ngoác người ở lại và thầm nói : « Adieu, mon cher MONTE CHRISTO ». Tôi lên văn phòng Đại Lý Agent xin nghỉ việc, đồng thời ký sổ lảnh lương lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của công ty.
Trở về căn nhà nhỏ xinh xinh, sum họp hạnh phúc với gia đình sau chuyến đi đầy gian nan và nguy hiểm. Tôi hoàn toàn dấu gia đình, cha mẹ, vợ con câu chuyện thoát nguy vừa qua.
Đến bây giờ, viết hồi ký, một dịp thuật lại câu chuyện hồi hộp, lâm ly gian nan này.
Ghi chú :
Chuyến sau, tầu cũng lấy gạo từ Saigon đi Nam Vang, có anh Trần Hồng (lão tướng chống Cộng hăng say, hiện đang sống tại Paris) xuống làm Sĩ Quan truyền tin và tôi thì đã « Farewell M/V Monte Christo ».
Xe vận tải lớn ở Nam Vang có máy chạy Diesel, không cần bình điện ác-quy để phát hành động cơ, họ dùng tay quay (manivelle) gắn vào đầu máy. Đầu tay quay phía ngoài đựơc hàn gắn vào một tambour thắng cũ, loại phế thải. Một sợi dây thừng nhỏ quấn quanh tambour thắng vài ba vòng. Hai, ba ngừơi đứng bên cạnh, hô to tiếng : » Muôi…Pi….Bây….( một ..hai…ba) rồi giựt sợi giây đó, tambour thắng quay vài vòng là động cơ phát hành, nổ máy liền. Tương tự như quay động cơ máy đuôi tôm. Một phát minh hay ho của xứ chậm tiến khi mà chiến tranh xẩy ra, nơi đó các vật cần thiết đều khan hiếm.
Các cơ phận thay thế cho động cơ, máy móc, đều do thương gia Miên hay các ông Ba Tầu qua VN, lên Saigon mua đem về Nam Vang xài.
Nhận xét về giai đọan này, nền Kinh Tế của Nam Vang tràn đầy hàng hóa do Trung Cộng chế tạo gồm đủ mọi mặt hàng, không thiếu một món gì. Món hàng ưa chuộng nhất là chén kiểu ăn cơm, gọi nôm na là « chén hạt dưa », các loại dĩa kiểu, các bình thủy loại thiệt (rất tốt vì giữ nóng lâu) và quần áo may sẵn đủ lọai.
Các loại rượu quí của Pháp, Anh sản xuất mua tại tiệm lớn ở phố không sợ giả vì toàn là hàng nhập cảng chính hiệu. Đồng hồ Seiko 5, cassette, radio transistor đủ kiểu chưng bán đầy trong tủ kiếng, tất cả bán khá đắt, cao giá hơn ở Saigon.
Một vài Snack Bars, Dancing to lớn chiếm một gỉai đất rộng bề ngang, cửa đóng kín mít vì chỉ hoạt động ban đêm, tọa lạc tại đường » Hai Mươi », vì người Việt tại Nam Vang gọi như vậy. Lý do đường rộng lớn, bề ngang đo đựơc 20 mét.
Khô cá do Biển Hồ sản xuất rất ngon, to lớn, nhiều thịt nạc, tỏa ra mùi thơm phức khi nướng trên lò than, dùng ăn với cơm gạo thơm thật tuyệt vời. Loại dép Nhật hiệu Cheap Lang do Nam Vang sản xuất rất bền và đẹp.
Tóm lại, kinh tế Kam-Pu-Chia thuộc loại « Nhập Cảng » hàng ngoại quốc để xử dụng trong nước và hàng viện trợ Mỹ. Hàng sản xuất tại nội địa rất ít, chỉ có nước ngọt, diêm quẹt, dép cao-su, một số hàng thủ công nghiệp đủ loại. Kinh tế thuộc loại nước « kém mở mang » do tình trạng chiến tranh xẩy ra.
Các bạn có thể xem Vidéo về những chuyến convoi tiếp tế Nam Vang trên Youtube