Chuyến đi Nam Vang

Chuyến đi Nam Vang

Chí Hợi

Hè 2008 – Melbourne

Lên tầu nhận việc

Chiếc M/V Monte Christo từ Singapore đi Nam Vang phải ghé qua cảng Saigon để thay Thuyền Trưởng khác vì ông Reboul, đương kim Thuyền Trưởng, một người Việt nhưng mang quốc tịch Pháp không muốn lái tầu đi Nam Vang và đồng thời để nhận hàng, một số gạo do viện trợ Mỹ cung cấp cứu dân Kam-pu-Chia. Liên lạc được biết người Thuyền Trưởng sẽ thay thế là ông Nguyễn Thế Nghiệp và đang thiếu Thuyền Phó, tôi đi lại ngay hãng Đại Diện tầu (Shipping Agent) xin việc và được chấp thuận làm Thuyền Phó. Lòng mừng rỡ vì có việc làm, lương tương đối khá cao nhưng ngựơc lại rất gian nan, khó khăn và nguy hiểm. Nhiều đoạn đường sông đi Nam Vang thường hay bị phục kích, giật mìn thuỷ lôi.

Chiếc tầu cũ kỹ, chủ là ông Tăng Bạ, một thương gia rất giàu người Hoa, có nhiều cơ sở kinh doanh ở Nam Vang. Tôi viết tên  theo lối nói của thủy thủ đoàn người Miên gọi nhưng chưa bao giờ được giáp mặt nói chuyện với ông ta. Toàn  thân tầu đựơc  quét một lớp sơn mới, trông xa rất đẹp nhưng khi lại gần, nhìn thật rõ mới biết tầu rất cũ, sét rỉ nhiều chỗ. Đài chỉ huy ở giữa, hầm hàng ở trứơc và một ở sau. Phần trên boong có chỗ ăn ở cho mọi ngừơi thật rộng rãi, khoáng đãng, phần hầm ở phía dưới là máy và láp chân vịt. Nguyên thủy là máy chạy bằng hơi nước (machine à vapeur), nhưng sau này đựơc thay  thế bởi một máy Diesel cũ, nhưng mạnh. Nồi xốt-de (chaudière) vẫn còn đang xài và dùng để chạy cần câu bốc dỡ hàng. Trọng tải khoảng 3000 tấn.

SQ Đệ tam là một người Miên, anh này thích hay phô trương. Lúc nào cũng trịnh trọng trong bộ short trắng, vai đeo lon, chân đi giầy da đánh bột trắng bóc khác xa với hai người Việt chúng tôi, lúc nào cũng mặc áo bỏ ngoài, lúc đi dép, lúc đi giầy. Xếp máy là một thanh niên trẻ tên Diệp Lên, có du học tại Đông Đức về máy tầu nên có đựơc  bằng cấp cao, anh này rất thân với tôi và nói tiếng Pháp giỏi. Còn lại tất cả thủy thủ đoàn đều là người Miên, trong đó có một số ít người già có kinh nghiệm lâu năm làm nghề tầu biển, số còn lại là thanh niên trẻ. Nghe họ nói bọn trẻ này là con nhà giầu, có tiền nhiều để chạy mua đút lót sổ thủy thủ (livret marin), trốn quân dịch đi lính và được xuất ngoại. Một đôi người nói tiếng Việt giỏi và có người lấy vợ Việt nhưng sống ở Nam Vang. Tất cả nhân viên đều vui vẻ, lịch sự và lễ phép với nhau lúc chung sống và làm việc trên tầu.

Thương thuyền được các chiến đỉnh và chiến hạm hộ tống trên sôngMékong

Tôi xuống tầu Monte Christo để nhận việc lúc nó đang được cột tại phao, gần phía  bên bờ Thủ Thiêm, đối diện trụ sở văn phòng của hãng Messageries Maritimes. Tầu đang chờ đợi bến trống để cặp bến « ăn gạo ». Một chiếc đò nhỏ đưa tôi qua sông và leo lên tầu đúng lúc đang có một chiếc ghe bầu cặp bên cạnh để đưa cát lên và được dùng để phòng thủ với những bao cát đựơc đổ đầy. Được giới thiệu với cai boong và các nhân viên đang xúc cát đổ đầy vào các bao, tôi bắt tay từng người, chào hỏi vui vẻ.

Vào phòng nhận buồng và đi một tua quan sát tầu, đài chỉ huy, phòng vô tuyến, phòng ăn, nhà bếp và hầm máy, hầm hàng. Thôi cũng tạm chấp nhận giang sơn mới của mình, nơi đây sẽ đổ mồ hôi, sức lao động kéo cày kiếm sống qua ngày. Các bao cát được chuyền lần và chất đầy xung quanh đài chỉ huy, trông có vẻ vững chắc, tạm đủ bảo vệ chống phục kích của Miên Cộng.

Một số ghe nhỏ bu quanh tấp nập để hỏi han các thuỷ thủ có hàng gì bán không. Tôi thấy họ trao nhau nhiều món đồ nhỏ như đồng hồ Seiko 5, từng bao hộp dầu xanh hiệu con ó,  radio transistor lọai nhỏ có một và hai băng, thuốc lá thơm đủ loại. Họ cũng lén lút, dấu diếm tránh quan thuế, nhưng vẫn có những kẽ hở để hàng lậu lọt qua được. Đứng trên đài cao nhìn xuống thấy vui vui và buồn cười, phần vì ngôn ngữ bất đồng, phần thì mặc cả, trả giá qua lại, hai bên giằng co, giằng lại, người muốn bán, người không muốn mua.

Qua hôm sau có Hoa tiêu xuống, dắt tầu qua bên kia thương cảng cặp bến để chuẩn bị « ăn hàng ». Tầu không cặp bến mà cặp bên cạnh một chiếc tầu buôn to lớn, khổng lồ của Mỹ để từ đó câu gạo trực tiếp từ tầu lớn qua tầu bé. Đây là chính đúng lúc tôi  đảm nhiệm vai trò Thuyền Phó, nhận mọi giấy tờ các cơ quan liên hệ về quan thuế,  giấy nhận hàng ( manifeste de cargo ) do cơ quan viện trợ Mỹ đưa xuống, lập bảng chia gạo trong các hầm hàng (plan de cargo), trông coi kiểm sóat nhân viên đếm hàng (pointers ) xem có bao nhiêu bao gạo chất xuống tầu cho thật đúng với giấy tờ, công việc thật bận rôn, nhưng tôi đã quá quen nên không có gì khó khăn cả.

Thời gian thật cấp bách, hàng phải xuống cho thật nhanh, phải đủ số lượng nhận theo tờ manifeste, nhưng phu bến tầu làm chậm quá. Thuyền Trưởng tầu Mỹ cứ hối thúc đòi cho làm cả đêm lẫn ngày để mau xong việc, tách bến về Mỹ. Phần tầu của tôi cũng vậy, cũng phải tranh thủ thời gian cho mau xong để cùng gia nhập đoàn công voa (convoi) có hộ tống đi Nam Vang. Đến ngày giờ ấn định, hai tầu đều phải tách bến mặc dầu số gạo chất qua chưa đủ. Hầm phải đóng lại, niêm chì, làm biên bản và hoàn tất thủ tục giấy tờ các lọai.

Ngày giờ khởi hành đã ấn định, tất cả chuẩn bị chu đáo. Giấy tờ về hàng hóa đã xong, quan thuế kiểm soát cẩn thận kỹ lưỡng. Trên boong, dưới máy, nhà bếp đi chợ mua lương thực đầy đủ. Hoa tiêu lên tầu, cờ chử P (sắp khởi hành) và cờ chữ H (có hoa tiêu trên tầu) đựơc kéo lên cao ngọn cờ. Các dây đỏi tháo hết kéo về,  tầu từ từ xa bến, đổi hướng hạ giòng đi ra biển.

Qua Vũng Tầu, Hoa Tiêu sông Saigon xuống và Hoa Tiêu sông Cửu Long lên để thay đổi nhau. Tầu quay một vòng, chạy ngược lên phía Cửa Tiểu, cũng giang hành trong sông. Hai bên bờ cây cối đủ lọai xanh rì, ẩn hiện lấp ló bên trong những căn nhà tranh, vách lá của cư dân địa phương. Tầu vẫn tiến mạnh, chạy hết tốc độ. Qua ngang Mỹ Tho, nơi dây quá quen thuộc và thân thương đối với tôi.  Bắc (đò ngang) Bến Tre, đò dọc, ghe đuôi tôm, ghe bầu đi hàng đoàn  dài được giòng bởi một chiếc tầu kéo nhỏ xíu nhưng có máy rất mạnh chạy xuôi ngược, tấp nập trông nhộn nhịp thật vui mắt. Không bao lâu đã đến Tân Châu, Hồng Ngự, nơi gần biên giới Kam-Pu-Chia, lúc đó đã xế chiều. Hoa tiêu xuống rời tầu, sau khi đã thả neo để tầu nhập cùng một đoàn thương thuyền khác đã đến đó từ trước, đang đậu chờ đợi đoàn tầu escorte convoi của HQ Kam-Pu Chia đến. Được ngắm nhìn cảnh trời, sông nước bao la của một buổi chiều tàn trên sông Cửu Long, đó là cả một niềm phấn khởi lý thú, tràn ngập đầy thi vị. Tầu HQVN sẽ hộ tống phụ tiếp vào lãnh thổ Miên cho đến tận « Hố Lương » (ngừơi Miên gọi là Neak Luong), rồi tiếp đó giao phó hoàn toàn cho HQ Miên đảm nhiệm phần còn lại. Đoàn tầu vượt biên giới gồm  năm chiếc thương thuyền, trong đó có một chiếc tầu dầu  mà tôi rất lo ngại thương xót cho số phận của nó nếu bị bắn trúng.

Vượt biên giới

Một buổi sáng, vào giờ khởi hành đã ấn định, tất cả rục rịch kéo neo, nổ máy vượt biên giới, hướng sang Kam Pu Chia. Đoàn tầu nhỏ của HQ hộ tống lăng xăng chạy chung quanh, phân chia vị trí để bảo vệ cho đoàn tầu buôn. Quang cảnh có phần thay đổi khác với bên VN, các tầu vẫn nối đuôi nhau hàng một tiếp tục theo nhau đi trong sông. Hai bên hông, đoàn tầu nhỏ hộ tống chạy kề kề, súng ống chỉa thẳng vào bờ sẵn sàng nổ súng khi hữu sự. Nhà cửa đều là loại nhà sàn, cư dân có vẻ thưa thớt khi lần lần xa hơn, khác lúc ở gần biên giới. Điểm đặc biệt khác với địa thế vùng VN là hai bên bờ sông, mô đất nhô lên cao hơn mặt nứơc khoảng 1 hay 1,5 mét,  cây cối, bụi cây mọc xanh um, khó có thể  thấy đựơc xa tận bên trong cùng vì bị che lấp tầm mắt bởi cây cối rậm rạp. Nhiều chỗ  cảm thấy rất thuận tiện cho các cuộc phục kích bất ngờ của địch quân. Bờ đất đỏ khô cứng, đôi chỗ thụt lõm vòng cung vào bên trong, đôi chỗ dôi ra vòng cung bên ngoài, phần trên đất mọc các loại cây chằng chịt, rất tốt cho địch ẩn núp quan sát, mà ta chẳng hề hay biết gì vì bị khuất tầm mắt .

Được nghe kể lại, sau các lần phản pháo bắn trả lại địch trong các cuộc phục kích, quân ta đổ bộ lên bờ, quan sát trận địa. Kết quả báo cáo cho biết địch quân chạy tán loạn vào bên sâu trong đất liền, trốn thóat đựơc qua khỏi tầm nhìn quan sát và tầm đạn truy kích tác xạ của ta. Địch an toàn tiếp tục chạy sâu vào bên trong mà quân ta không dám truy kích đuổi theo. Súng lớn, hỏa lực chánh sử dụng đều thuộc loại có công dụng phòng không như Oerlikon 20 mm hay Bofor 40mm, nay đựơc trang bị cho tiểu đĩnh nên không thích hợp mấy ngọai trừ khẩu pháo cối 81 ly (có tầm xa  tối đa 4 km bắn cầu vồng)  hay cối 60 ly (xa 1 km) có tác dụng hữu hiệu nhất một khi bắn trúng đích.

Đạn 20 mm, khi chạm chỉ phá một lỗ trong lòng đất  khoảng lớn như trái dưa hấu (cỡ hơn trái bánh đá một ít), vả lại là loại rất nhậy nổ (chuyên để phòng không), chỉ chạm cành cây hay thân cây nhỏ, đạn cũng tự nổ ngay lập tức. Kết quả là chưa chạm địch thì đạn đã nổ rồi, công dụng tàn phá không trúng đích.

Đạn 40 mm có sức công phá mạnh hơn, nhưng cũng là loại phòng không, không thích hợp mấy cho việc tiêu diệt hay công phá các mô đất, các hang núp bắn sẻ cá nhân  đào sâu trong lòng đất của du kích. Đạn đụng bất cứ vật gì là nổ ngay, cho dù chưa chạm đích, ngoại trừ đó là đạn xuyên phá. Sức công phá chỉ đào đụơc trong đất một khoảnh lớn độ hơn thể tích cái lu đất mà thôi, không có tác dụng hữu hiệu tiêu diệt địch núp trong những hang hóc (danh từ địch gọi là ổ hang cóc) ở trên bờ mô đất cao.

Một chiếc PBR cặp lại kè bên, cột dây vào để đựơc tầu tôi kéo chạy theo, nhân viên lười không muốn lái, nghỉ ngơi và đùa giỡn với nhau. Tôi được nói chuyện với viên Thiếu Úy chỉ huy con tầu nhỏ đó. Anh ta trịnh trọng trong bộ quân phục mầu xanh cứt ngựa, ủi hồ láng cóng, chân đi đôi giầy đen cũng được đánh xi láng cóng, đầu đội casquette có huy hiệu écussion thêu kim tuyến chỉ vàng nổi bật sáng chói, vai đeo giây biểu chương  cũng có chỉ kim tuyến vàng, có thể nhìn thật rõ từ đàng xa. Tôi thầm nghĩ, đi tác chiến, không biết lúc nào chạm địch mà quân phục mặc cũng như  trong ngày đại lễ không bằng. Tác chiến gì với loại SQ công tử, con nhà giầu như thế này. Đựơc biết SQ Miên rất trẻ  đều thuộc loại « danh gia vọng tộc » hay là con nhà giầu có mới đựơc tuyển vào học lớp SQ/HQ.

Đựơc dịp nói chuyện với giới chức thẩm quyền, tôi đề nghị xin được cho đem một khẩu đại liên M 60 và nhiều thùng đạn, đem  lên gắn trên nóc đài chỉ huy của tầu. Lý do :  ở trên cao có thể dễ quan sát, tầm đạn bắn đựơc đi xa và hữu hiện nhiều  hơn, vả lại có nhiều bao cát phòng thủ che chở, an toàn cho xạ thủ. Viên Thiếu Úy không đồng ý và nói súng không được phép để xa khỏi tầu. Tôi buồn bực, chán nản vì câu trả lời kém sáng suốt, chứng tỏ kẻ chỉ huy không có một tí kinh nghiệm chiến trường gì cả. Tôi đành phải chịu thua, vì lúc này tôi là dân sự rồi, không còn một  quyền hành quân sự nữa. Thầm nghĩ, khi đụng trận mới biết ý kiến đề nghị của tôi thật hữu hiệu.  Tầu vẫn tiếp tục giang hành, chưa có triệu chứng gì báo hiệu một cuộc phục kích sắp xẩy ra. Trên đài chỉ huy, Hoa tiêu người Miên tiếp tục ra lệnh miệng cho lái tầu, người lái nhận lệnh răm rắp tuân theo, thi hành đúng y như vậy. Con tầu vẫn bủa sóng, mạnh tiến lên phía trước với vận tốc « Full Ahead » (nhanh hết tốc độ).

Thấy lấp ló bên trong các chiến đỉnh, một vài tà áo mầu, hay nói cho đúng ra là một vài chiếc xà-rông  xanh, đỏ đi lại, lẫn khuất, lúc thấy, lúc không. Hỏi ra mới đựơc biết đó là vợ của các SQ đi theo. SQ Miên thường hay đem theo vợ lúc hành quân, đồng thời các bà đó cũng là những tay buôn lậu chuyên nghiệp, buôn bán rất lớn, đủ mọi lọai hàng kể cả vàng, kim cương hay xì ke, ma túy.

Thương thuyền nước ngoài tiếp tế Nam Vang trên sông Mékong

Cảnh tang hoang, điêu tàn của chiến tranh từ từ hiện dần theo quang cảnh hai bên bờ sông. Một xác tầu chìm từ bao giờ, không rõ tên của một thương thuyền nào đó, sét rỉ, nằm lẻ loi trơi trọi giữa lòng sông. Cột tàu, cần cẩu và ống khói nhô cao lên, phần còn lại chìm sâu dưới nước. Mọi người đều hướng mắt theo dõi chiếc tầu chìm, rồi quay lại nhau, nhún vai, lắc đầu như muốn tỏ ra một điều lo sợ lớn lao mà không nói thành lời.  Từ đây, dọc bờ sông cũng còn một vài xác tầu chìm như vậy, nằm án ngữ giữa sông, chỗ sâu nhất, các tầu khác qua lại đều  phải tránh né, luồn lách sang một bên, đôi khi rất khó khăn vì sơ đụng chạm vào nhau, làm hư hại vỏ tầu của mình.

Máy truyền tin PR-C 25 của chiếc tiểu  đĩnh cặp bên cạnh phát ra những tràng tiếng Miên oang oang qua ống khuếch đại (loud speakers) không ngớt. Rồi từ xa, phía  trước mũi tầu tôi, một chiếc khác chĩa vào bờ khẩu pháo SKZ 75 mm  (súng không giật ngựơc phía sau khi bắn) làm một tiếng ầm khá lớn, vang dội trong không gian  đang yên tĩnh. Đạn trúng một mô đất mầu đỏ khá cao dọc bờ sông, nhô ra hình vòng cung khỏi ra phía trước bờ nước, đi vào ở sâu khoảng  độ 5-7 mét ở bên trong đất nơi có các lùm cây xanh rì, thì viên đạn nổ văng tung tóe lên trời các mảnh khói lân tinh mầu xám tro,  bay lên cao theo hình chử V, rồi từ từ tắt lịm (tiếng nổ của đạn lửa chống xe tăng). Tầu  nhỏ tác xạ đại liên vào những chỗ nghi ngờ có phục kích, bắn cầm chừng hăm dọa địch quân. 

Từ trên cao, với cái nhìn và quan sát kỹ của con mắt chuyên môn quân sự, tôi hơi cảm thấy lo lắng cho bản thân và toàn thể nhân viên trên tầu. Nhận thấy nếu địch quân mở cuộc phục kích đại quy mô, xử dụng một lực lượng khá đông với nhiều B-40, B-41, súng SKZ 57mm hay 75 mm, địch có thể tiêu diệt dễ dàng đoàn tầu buôn chúng tôi. Quan sát kỹ cuộc bắn hăm dọa vừa rồi vào bờ,  viên đạn 75mm chỉ xuyên vào đất khỏang 5-7 mét là đã tự động nổ tan tành rồi. Địch quân ở sâu 10m, 12m, đào hang cóc núp ẩn không có hề hấn gì, ngoại trừ chỉ nghe tiếng nổ inh tai, long óc mà thôi. Hai bên bờ sông, đất cao nhô lên như bức thành bê tông cốt sắt che chở cho địch. Xin nhắc lại địa thế hai bên bờ sông Mê Kông trên lãnh thổ Miên rất cao, đất ở bên trong rất cứng, có nhiều bụi cây râm rạp. Phần bờ đất bên VN thấp, mềm, sình lầy, mùa nước lớn có thể tràn ngập vào ruộng bên trong. Địch lợi dụng tối đa  » ĐỊA  LỢI  » tốt kể trên nên có thể áp đảo quân ta một cách  dễ dàng. Nên nhớ, súng SKZ có đường khương tuyến, bắn đi rất xa, cở 1 hay 2 km là chuyện thường và nếu được điều chỉnh máy ngắm cho thật thiện nghệ, chắc chắn viên đạn sẽ trúng đích. Bắn xong địch quân cứ việc lăn vào hang cóc là an toàn cho bản thân. Lính HQ không dám đổ bộ lên bờ tác chiến hay truy kích.

Súng phóng hỏa tiễn B-40 hay 41 có tầm gần hơn chỉ vài trăm mét mà thôi. Ai nấy cũng đều chú ý vào phát bắn hăm dọa đầu tiên đó và bắt đầu hoảng sợ. Riêng tôi cũng ở trong tình trạng đó. Lúc còn trong quân ngũ, đã có vài lần đụng độ sát cạnh với địch nhưng tôi không sợ một tí gì cả. Phần vững chắc là có quân chỉ huy dưới tay, súng ống đầy đủ, trội mạnh nhiều hơn đối phương, truyền tin liên lạc luôn luôn duy trì để được trợ giúp. Nhưng nay tôi đã là kẻ « adieu aux armes »,  một tấc sắt cũng không có trong tay,  sự lo sợ đến với tôi là chuyện đương nhiên. Một lo sợ nữa, nếu chết trong quân đội, tôi được vinh danh chết cho Tổ Quốc, may ra cũng có huy chương « Anh Dũng »  gắn trên  quan tài, nay chết trơ trọi ở xứ ngừơi, thây xác không biết có đựơc mang về cho vợ con hay gia đình không ? … Tôi  cảm thấy dại dột quá, tự quyết  định sẽ xin nghỉ việc sau chuyến này.

Cách đó độ ít tháng, tôi cũng đã từng bỏ tầu giống như chiếc này, khi làm việc cho hãng Alaska Barge, một hãng tầu Mỹ chuyên kéo và giòng các xà lan,  có huy hiệu  hình đầu  người da đỏ gắn lông gà ở trên. Huy hiệu này được mang trên ống khói các tầu của hãng.                                     

Chuyến đó, tầu  kéo một xà lan đầy đạn đại bác. Khi  đến Tân Châu chờ convoi đi Nam Vang, nghe nói tình hình địch quá căng thẳng nên tôi trốn tầu, lên xe đò về Saigon.  Hãng cũng vẫn trả lương đầy đủ cho tôi, không phạt cúp tiền gì cả. Thế mới hay, người Mỹ đôi khi cũng sòng phẳng lắm. Chiếc này do ông Vân (cựu HHTT) làm Thuyền Trưởng.  Chuyến đó, tầu kéo bị ăn B-40, Thuyền  Phó ngừơi Mỹ tử thương, hãng phải bồi thường một số tiền rất lớn, còn riêng tôi thoát chết. Ôi may mắn quá! Thoát chết, được ông bà phù hộ cho một lần nữa. Nếu tôi nhớ không lầm, chiếc tầu này tên CHEEROKEE một tầu kéo, vỏ thân bằng gổ, máy rất mạnh, thuộc lọai « Ocean Going tug boat » của hãng tầu kéo ALASKA BARGE.

Tất cả mọi người, ngoại trừ những ai đang đi quart tại đài chỉ huy như Thuyền Trưởng, Hoa tiêu và tôi, đều chạy vào hầm hàng chứa gạo. Nơi đây họ đã dùng các bao gạo, xây xung quanh thành những hố cá nhân che chở rất hữu hiệu, giống như các công sự phòng thủ bằng cát ở  trên đất. Vang vọng từ dưới hầm lên các lời tụng kinh cầu Phật oang oang, đều đều. Tôi cảm thấy bây giờ là lúc lòng tin mãnh liệt nhất của các tín đồ Phật giáo, tin tửơng nơi đấng thiêng liêng phù hộ.

Rồi bỗng một tiếng nổ « ầm »  thật lớn, inh tai, nhức óc. Tầu bị một phát đạn B-41 trúng ngay phần trên miệng hầm hàng, phía trước đài chỉ huy. Thuyền Trưởng, Hoa tiêu vẫn bình tĩnh điều khiển con tầu chạy trong sông, tuy nhiên tầu cũng hơi hơi chao đảo nhè nhẹ một ít mà thôi. Thế rồi lại một sự yên lặng nghẹt thở kéo dài ít phút. Bỗng nhiên  từ trong miệng hầm, tất cả đồng thanh la lớn vang lên  bằng tiếng Miên, báo cho đài chỉ huy biết không có ai bị thương hay chết cả. Một phen hú hồn, mọi ngừơi từ từ lấy lại bình  tĩnh, một vài cái đầu lấp ló nhú lên cao khỏi miệng hầm tò mò ngó xem trong bờ.

Viên đạn bắn trúng ngay giữa miệng hầm, phá vỡ thanh đà sắt thẳng đứng, chỗ lớp sắt thép dầy nhất ( cỡ 10mm ) có tiết diện chữ H. Sức công phá xé tan, cuốn tròn thanh  đà sắt ngựơc tròn vào phía trong, khoan thủng một lỗ to cỡ trái dưa hấu. Mảnh văng bên ngoài, chém tứ tung miệng hầm thành những vết lủng lởm chởm, có vết chém to cỡ hột mít, vết nhỏ cở hột mảng cầu. Tầu đến bến, tôi đi quan sát, trông rõ mà rùng mình. Thật là một điều may mắn cho mọi người. Viên đạn trúng chỗ thật cứng nhất, nổ ngay tại chổ. Bao nhiêu sức công phá nổ tối đa đựơc dội ngựơc ra bên ngoài, không thiệt hại gì bên trong. Nếu trường hợp viên đạn trúng lớp thép mỏng, xuyên thủng vào bên trong rồi mới nổ, sẽ không thể biết được thiệt hại xảy ra, bao nhiêu nhân mạng sẽ thương vong ?

Lập tức đoàn tầu chiến nhỏ nả đại liên dữ dội vào hai bên bờ, chỗ nào nghi ngờ, động đậy là họ chỉa súng bắng hàng tràng. Đôi lần, họ cũng thụt súng SKZ hay từng loạt Bofor nổ văng khói, bụi đất bay tứ tung, khói bốc lên cao từng cuộn nhỏ.

Tai nghe đủ loại súng bắn vào bờ hàng tràng như pháo ngày Tết, nhưng chỉ có tiếng nổ của đạn Bofor là êm tai nhất, nghe rầm rì, ầm ầm nho nhỏ như tiếng đàn « đại hồ cầm » (contre basse) đập nhịp rất êm tai.

Đoàn convoi vẫn tiếp tục giang hành sau cơn trúng đạn,  lần lũi bửa sóng tiến lên phía trước như không có sự gì xảy ra. Từ đây cho đến khi cặp bến Nam Vang, đoàn tầu không còn bị tấn công gì nữa.

Qua một khúc sông cong, cua quẹo, đã thấy bóng dáng một vài cao ốc của thành phố. Trời cũng đã xâm xẩm tối, ánh đèn điện vàng vọt thấp thoáng mờ mờ nơi chân trời xa xa. Mọi người hân hoan, tầu đã vào đất Nam Vang rồi.

Qua hệ thống truyền tin vô tuyến, mỗi chiếc thương thuyền được phân chia theo thứ tự để cặp cầu, có chiếc không có bến trống phải neo giữa giòng sông chờ đợi.

Tàu chở dầu tiến vào Nam Vang

Cặp bến và xuống hàng tại Nam Vang

Trời đã đổ đêm xuống qua các trụ đèn dọc theo cầu tầu, ánh đèn mờ vàng vọt chiếu xuống, một vài ngừơi đang chờ đợi, tay giơ giơ ngoắc ngoắc chào mừng khi tầu cặp bến. Quan Thuế và  Cảnh Sát lên tầu làm thủ tục. Một thủy thủ Miên, người nhà thân tín của chủ tầu mà tất cả người khác đều kính sợ và coi như là một thứ  « ăng ten » (tên chỉ điểm đáng sợ) có nói với tôi bằng giọng Việt lơ lớ : « Tuy Quan Thuế và Cảnh  Sát lên tầu làm việc khám xét, tất cả đã có dàn xếp từ trước rồi, nên công việc chỉ là hình thức cho qua mà thôi ». Tôi còn nhớ, người này tên là Y Kong, người mảnh nhỏ, ôm ốm nhưng hay báo cáo ngầm cho « Bà Chủ  tầu » mọi sự việc xẩy ra trên tầu trong chuyến đi hay là tình trạng buôn lậu của thủy thủ đoàn. Tên này nói tiếng Việt khá, nhưng cũng vẫn pha giọng Miên, tai nghe nói phát âm ra không đúng những tiếng ngộ nghĩnh, buồn cười.

Một toán lính Miên, súng đạn đầy người leo lên tầu, chúng còn khiêng theo vài thùng lựu đạn loại tấn công MK-3 dùng để áp đảo người nhái địch trường hợp bị đặc công đặt mìn. Công việc làm chưa ra gì thì có đứa vào nhà bềp đòi nấu cơm cho ăn. Anh SQ Đệ tam (dịch ) người Miên phải ra lệnh nhà bếp nấu cho chúng một bữa ăn thịnh soạn, có đ ăn, đồ nhậu và bia đàng hoàng thì chúng mới canh gác đựơc an toàn. Suốt cả đêm, thỉnh thoảng nghe từ mũi đến lái những tiếng vang dội ầm ầm của lựu đạn MK-3 do bọn lính ném xuống. Cả đêm khó ngủ, nhưng tôi cũng cố nhắm mắt để ngày mai tiếp tục làm việc.

Trời còn tối, chưa sáng tỏ đã có toán phu bến tầu xuống làm việc, bốc dỡ gạo. Họ phải làm sớm như vậy là để nhanh chóng xong công việc, tránh cái nóng bức dữ dội, khó chịu của mùa hè xứ Chùa Tháp. Tiếng liệng vứt nắp ván đậy hầm hàng ầm ầm vang lên trên boong, tiếng máy cần câu chạy hơi nước kêu xình xịch, ống dây cáp cần trục kêu ro ro đưa lên xuống các lưới chứa đầy bao gạo mang lên bờ.  Công việc chính của tôi là lo việc bốc giỡ  gạo và kiểm kê hàng hóa. Phu bốc dỡ làm việc đến quá trưa thì nghỉ, buổi chiều không làm.

Các bao gạo được chất thành hàng lối kỹ lưỡng trong hầm tầu tại Saigon, không một bao bố gạo nào bị lủng hay rách. Tại đây, bọn phu cố tình đập phá, tìm đủ mọi cách  để cho bao gạo rách, chảy ròng ròng khi được cần câu  kéo lên bờ. Làm như vậy, bọn phu mới có dịp ăn cắp gạo rơi rớt, ăn chặn mang về nhà.  Mặc dầu giới có thẩm quyền nhận gạo có ngăn cản, cấm đoán nhưng cũng không làm được gì.

Lúc ra về, người phu nào cũng có đeo một bao gạo (cỡ bao cát phòng thủ), nặng nề đem ra khỏi kho thương cảng. Bị Quan Thuế chặn lại tại cổng chính,  bắt mọi người phu phải đổ lại gạo trên một tấm bố lớn, trải rộng trên mặt đất. Họ chỉ đổ ra một nửa cho có lệ rồi được cho phép mang hết số gạo còn lại ra ngoài. Tấm bố trải dưới đất vun cao lên thành một đống gạo lớn. Khi tất cả các phu bốc đã đi ra ngoài hết, phần còn lại Quan Thuế và Cảnh Sát chia nhau ăn số gạo chất đống đó. Hàng viện trợ Mỹ mà, đồ của « Chùa » từ trên trời rơi xuống cứu trợ dân Kam Pu Chia đang ốm đói,  ai nhanh tay, mánh lới cao hốt đựơc thì tự hưởng lấy,  đâu có ai khiếu nại đâu. Rốt cuộc qua bao nhiêu kẽ hở dọc đường, gạo đến tay dân ốm đói thật sự không có đựơc hưởng là bao nhiêu, một xứ nổi tiếng tham nhũng mà.

Thương cảng Nam Vang có một cơ xưởng nhỏ, đủ khả năng để sửa chữa máy móc hư hỏng nhỏ nhẹ hay là hàn gắn, vá víu các chỗ lủng, chỗ rách trên thân tầu. Ông Trưởng Ty Thương Cảng người Miên (Port Master) cứ xuống tầu liên lạc với Thuyền Trưởng đòi sửa chữa, vá víu lại chỗ bị ăn đạn B-40 ở miệng hầm, đòi cho bằng được để sửa chữa, ngõ hầu có thể ăn thêm tiền cò (tiền commission) ăn ké của thương cảng. Nếu không được, ông hăm dọa không cấp giấy phép cho rời cảng. Chủ tầu đành phải chịu thuận theo, tôi không biết tiền sửa chữa tính thành bao nhiêu ?  Đắc hay rẻ ?

Qua bữa đầu xuống hàng, sau cơm trưa, buổi chiều rảnh rỗi không có việc làm, tôi nghĩ đến việc đi bờ, thăm quang cảnh đẹp xứ Chùa Tháp. Tất cả mọi người đều về nhà chỉ trừ người trực ở lại canh gác mà thôi. Lòng lo sợ vì một mình lẻ loi đặt chân đến một xứ xa lạ, tôi cũng cố mạnh dạn đi ra khỏi bến để vào thành phố. Bến tầu ngay sát đường lộ lớn không xa mấy, đi bộ ít phút là vào trung tâm, khu buôn bán sầm uất.

Nam Vang được người Pháp thiết kế, lập nên thành phố xinh đẹp, có nhiều đường  lộ lớn, xe cộ đi lại hai ba lằn xe, hai bên được trồng nhiều cây cao xanh, to lớn tỏa lan ra nhiều bóng râm mát. Đi bộ dưới bóng mát đó lúc trưa hè cảm thấy mát rượi. Hàng phố buôn bán tương tự như khu Lê Lợi, Hàm Nghi ở Saigon. Chủ nhân đa phần là người Hoa. Xe du lịch nhỏ, xe Honda hai bánh có phân khối lớn 90cc, xe lôi kéo chạy ngựơc xuôi đầy trong những khu buôn bán sầm uất. Có ngôi chợ mới xây,  theo kiểu kiến trúc hiện đại, cao ráo với nhiều xập hàng bán đủ loại được đặt tên là XA-THƠ-MÂY. Đa số là hàng cá khô sản xuất tại Biển Hồ, các loại bát đĩa sứ đẹp, bình thủy, quần áo may sẵn chế tạo tại Trung Cộng và các đồ xài linh tinh khác.

Tôi có đi ngang qua Hoàng Thành (cung điện nhà vua) với tường vôi trắng cao bọc xung quanh nhưng không đựơc phép vào. Thăm Bảo Tàng Viện, vào bên trong được thấy nhiều cổ vật quí giá của văn minh Khmer. Các tượng đá hay gỗ khắc cao to cỡ người thường đặt tại khắp các góc tường, một ít đồ dùng, trang sức nhỏ bé đuợc đặt bên trong lồng kính, được đèn điện chiếu sáng trông rõ suốt. Một vài chiếc « Giá Xa » (xe vua đi bên ngoài cung điện) bằng gỗ, chạm trổ tinh vi, một vài cỗ « Long Sàn » (giường vua ngủ) chạm trổ, điêu khắc kỹ lưỡng đẹp đẽ. Nhận định : đa phần các đồ chưng bên trong  to lớn, khó có thể mang đi đựơc như tượng đá, tượng đầu người to lớn, tượng gỗ thì còn tồn tại bên trong rất nhiều và được đặt các nơi. Các đồ quí bé nhỏ dễ di chuyển mang đi tồn tại rất ít, chỉ có vài tủ kính chưng bầy mà thôi. Thầm nghĩ  tự nhủ, các đồ nhỏ dễ mang đi, quí giá đã bị cướp bóc qua những biến chuyển, hỗn loạn to lớn về chính trị hay quân sự.

Trên đường phố, cũng thấy qua lại nhiều quân nhân mặc sắc phục, vai đeo lon và huy chương đầy trước ngực, có các cô gái xinh đẹp, phấn son diêm dúa, mặc xà-rông mầu sặc sỡ đi kề kề bên cạnh, cảnh y như ở đường Nguyễn Huệ, Tự Do ở Saigon vậy. Trời chưa xế bóng chiều, tôi lo sợ nên vội vàng trở về tầu sau khi đã mua đựơc một ít chục chén bát kiểu, ít ký lô  khô cá. Ngừơi bán biết tôi là người Việt, nói tiếng Việt với tôi rành rẽ, nhưng tôi không biết họ là Miên hay Việt.

Trên đường trở về tầu, đi dọc theo bờ tường cao của thương cảng để vào cổng chánh, gặp một nhóm vài ngừơi Miên đang đứng ở đó, mặt mày hầm hầm, ngước nhìn tôi có vẻ khiêu khích, mắt lườm lườm. Tôi hoảng sợ, không dám nhìn lại, chân nhanh bước cho lẹ như chạy để mau về tầu. Sau này hỏi lại, được biết có một số người Miên rất ghét và kỳ thị người Việt, nếu có gặp họ từ xa, nên tránh đừng lại gần để ngừa hậu hoạn.

Hôm sau đi bờ, tôi được một anh Miên dắt di ra  phố nhân lúc trên đường anh về nhà. Đựơc đi xem một ngôi nhà thờ Công Giáo khá to lớn, xây cất kiểu Gotique giống y như ở VN, bên cạnh có núi đá « Đức Mẹ », có sân chơi cho học trò vì trường học ở ngay bên cạnh. Một vài bà nữ tu đang đứng xung quanh, tôi cúi đầu chào rồi tiếp tục đi. Nhiều khu đất rộng rãi được trồng các loại rau cải thành từng luống xanh rì, chạy dài dọc theo bờ sông, đang có ngừơi gánh nước tưới rau. Thành phố Nam Vang còn nhiều đất rộng, người thưa chứ không chật hẹp đông ngừơi, thiếu đất như Saigon. Đi mãi cũng chán vì quang cảnh, dân chúng sinh hoạt, đi lại buôn bán cũng tương tự như ở VN, chỉ có phần khác rất dễ biết, đó là nước da đen đen, ngâm  ngâm dòn của cư dân địa phương rất dễ nhận dạng vì họ thuộc chủng tộc Khmer.

Đi bộ ngang qua trường học của các Sư Huynh Công Giáo (Ecole des Frères Chrétiens) trường mang tên Miche, tường cao, kín cổng, không thấy gì bên trong. Đứng ngoài nhìn vào, tôi thầm nghĩ, có biết bao nhân tài đã đựơc đào tạo và học qua ngôi trường danh tiếng nhất này của Nam Vang (tương đương như trường Tabert ở Saigon). Trở về tầu sớm hơn hôm qua, tôi ghé lại uống nước tại ngay một quán cóc nằm xê xế với cổng chánh thương cảng. Chủ nhân ra đón là một thiếu nữ trạc hai mươi ngoài  trông rất trẻ và đẹp nhưng có nét Tây Phương, tôi đoán lai Pháp, đang nuôi một đứa con nhỏ độ hơn một tuổi. Gọi bia uống, cô mang ra và nói bập bẹ vài câu tiếng Việt. Hỏi tiếng Pháp, cô lắc đầu không trả lời được. 

Đến bây giờ, lúc đang viết bài này, hồi tưởng lại người thiếu nữ duyên dáng xinh đẹp lai Pháp đó,  tôi không biết phương vị hiện tại của  cô ở đâu, sống chết ra sao ? Không biết cô có bị Khmer Rouge sát hại năm 1975 hay không khi bọn khát máu đó tràn ngập thủ đô Phnong Penh. Xin « chào nhớ thương, luyến tiếc » người đẹp trong mộng được gặp một lần đầu và cũng là lần cuối cùng.

Chuẩn bị về

Vài ngày bốc gạo đã qua, tôi rất chán ngán cái xứ Chùa Tháp này rồi, chẳng còn gì để xem cho thỏa chí tò mò. Có ngừơi nói đi xem Đế Thiên, Đế Thích (Angkor Thom, Angkor Wat) hấp dẫn lắm, nhưng ai mà dám đi, ngay cả dân Nam Vang cũng không dám bén mảng lại gần vì sự mất an ninh của chiến tranh và bọn Khmer Rouge. Tôi mong cho chóng lên hết gạo để tầu mau tách bến về Saigon, và đồng thời xin nghỉ việc luôn.

Buổi chiều hôm cuối cất hàng xong hết lên bờ, phu phen đóng nắp hầm hàng thật kỹ lưỡng và ra về hết. Con tầu trở nên thinh lặng, yên tĩnh lạ thừơng. Các máy móc đều tắt hết, không một tiếng động nhỏ vang lên ngoại trừ tiếng xì xì nho nhỏ do hơi nứơc thừa của nồi hơi, có áp xuất thừa xả ra. Đó là lúc tôi nhe nhàng, thở trút gánh nặng nghìn cân trong người.

Mong mau chóng hôm sau khởi hành. Biên bản giao hàng hoàn tất, phần cuối có ghi chú một số lớn gạo thất thoát trong  chuyến đi và trong lúc bốc dỡ,  tôi nhắm mắt ký đại, không cần biết con số thất thoát là bao nhiêu. Hàng Mỹ viện trợ mà, đồ không chủ  còn hay mất  bao nhiêu cũng không cần biết.

Đêm cuối cùng ngủ tại Nam Vang tôi thao thức lạ thường. Bên ngoài, bọn lính canh gác cũng vẫn đều đều liệng lựu đạn xuống nước chống ngừơi nhái phá hoại. Lòng cầu xin cho đựơc mau về nhà và con tầu luôn đựơc « xuất nhập bình an ».

Sáng sớm hôm sau, Hoa tiêu xuống. Giờ khỏi hành bắt đầu, tầu tách bến, quay mũi hạ giòng, rời Nam Vang. Chuyến về này không theo công voa, không có  HQ Miên đi theo hộ tống, tầu tự túc đi về một mình, không hàng hóa, nhẹ tưng nổi lên cao lêu khêu. Nỗi lo sợ bị phục kích không còn vì bọn Miên Cộng thường hay tha cho chuyến về, chỉ phục kích chuyến đi, tầu mang đầy hàng mà thôi.   

Tầu qua Tân Châu, ngừng lại ít phút để thay đổi Hoa tiêu Miên và Việt, tiếp tục đi theo Cửa Tiểu chạy đến Vũng Tầu, cũng dừng lại ít phút để thay Hoa tiêu sông Saigon. Từ đây tầu chạy thẳng một mạch đến bến thương cảng kho 5 Khánh Hội.

Tôi giao lại tất cả giấy tờ cho người ở lại, rời tầu. Quay lại nhìn lên cao ống khói đang phun lên không trung một màng mỏng  khói xanh lợt, tay vẫy ngoác ngoác người ở lại và thầm nói : « Adieu, mon cher MONTE CHRISTO ». Tôi lên văn phòng Đại Lý Agent xin nghỉ việc, đồng thời ký sổ lảnh lương lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của công ty.

Trở về căn nhà nhỏ xinh xinh, sum họp hạnh phúc với gia đình sau chuyến đi đầy gian nan và nguy hiểm. Tôi hoàn toàn dấu gia  đình, cha mẹ, vợ con câu chuyện thoát nguy vừa qua.          

Đến bây giờ, viết hồi ký, một dịp thuật lại câu chuyện hồi hộp, lâm ly gian nan này. 

Ghi chú :

Chuyến sau, tầu cũng lấy gạo từ Saigon đi Nam Vang, có anh Trần Hồng (lão tướng chống Cộng hăng say, hiện đang sống tại Paris) xuống làm Sĩ Quan truyền tin và tôi thì đã « Farewell M/V Monte Christo ».

Xe vận tải lớn ở Nam Vang có máy chạy Diesel, không cần bình điện ác-quy để phát hành động cơ, họ dùng tay quay (manivelle) gắn vào đầu máy. Đầu tay quay phía ngoài đựơc hàn gắn vào một tambour thắng cũ, loại phế thải. Một sợi dây thừng nhỏ quấn quanh tambour thắng vài ba vòng. Hai, ba ngừơi đứng bên cạnh, hô to tiếng : »  Muôi…Pi….Bây….( một  ..hai…ba)  rồi giựt sợi giây đó, tambour thắng quay vài vòng là động cơ phát hành, nổ máy liền. Tương tự như quay động cơ máy đuôi tôm. Một phát minh hay ho của xứ chậm tiến khi mà chiến tranh xẩy ra, nơi đó các vật cần thiết đều khan hiếm.

Các cơ phận thay thế cho động cơ, máy móc, đều do thương gia Miên hay các ông Ba Tầu qua VN, lên Saigon mua đem về Nam Vang xài.

Nhận xét về giai đọan này, nền Kinh Tế của Nam Vang tràn đầy hàng hóa do Trung Cộng chế tạo gồm đủ mọi mặt hàng, không thiếu một món gì. Món hàng ưa chuộng nhất là chén kiểu ăn cơm,  gọi nôm na là  « chén hạt dưa »,  các loại dĩa kiểu, các bình thủy loại thiệt (rất tốt vì giữ nóng lâu) và quần áo may sẵn đủ lọai.

Các loại rượu quí của Pháp, Anh sản xuất mua tại tiệm lớn ở phố không sợ giả vì toàn là hàng nhập cảng chính hiệu. Đồng hồ Seiko 5, cassette, radio transistor đủ kiểu chưng bán đầy trong tủ kiếng, tất cả bán  khá đắt, cao giá hơn ở Saigon.

Một vài Snack Bars, Dancing to lớn chiếm một gỉai đất rộng bề ngang,  cửa đóng kín mít vì chỉ hoạt động ban đêm,  tọa lạc tại đường  » Hai Mươi »,  vì người Việt tại Nam Vang gọi như vậy. Lý do đường rộng lớn, bề ngang đo đựơc 20 mét.

Khô cá do Biển Hồ sản xuất rất ngon, to lớn, nhiều thịt nạc, tỏa ra mùi thơm phức khi nướng trên lò than, dùng ăn với cơm gạo thơm thật tuyệt vời. Loại dép Nhật  hiệu Cheap Lang do Nam Vang sản xuất rất bền và đẹp.

Tóm lại, kinh tế Kam-Pu-Chia  thuộc loại « Nhập Cảng »  hàng ngoại quốc để xử dụng trong nước và hàng viện trợ Mỹ. Hàng sản xuất tại nội địa rất ít, chỉ có nước ngọt, diêm quẹt, dép cao-su, một số hàng thủ công nghiệp đủ loại. Kinh tế thuộc loại nước « kém mở mang » do tình trạng chiến tranh xẩy ra.

Các bạn có thể xem Vidéo về những chuyến convoi tiếp tế Nam Vang trên Youtube

SYND 04/06/74 A CAMBODIAN GOVERNMENT CONVOY UNDER ATTACK ON THE MEKONG RIVER
SYND 31 5 73 SUPPLY CONVOY ON MEKONG RIVER
UPITN 21 4 73 RELIEF CONVOY OF SHIPS ARRIVE ON MEKONG
SYND 10-4-73 RELIEF SUPPLY CONVOY SAILS TO PHNOM PENH