Xuân về trên Gò Bồi

Xuân về trên Gò Bồi

 

Huyền Châu

Nữ sĩ Huyền Châu sinh năm  1918 và mất năm 2006 tại Pháp, quê quán ở Gành Ráng, một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Bình Định. Tại hải ngoại, bà cộng tác với các báo Quê Mẹ, Hành Động, Tự Do, Văn, Phụ Nữ Diễn Đàn. Xuân về trên Gò Bồi và Xuân tuổi trăng rằm được trích đăng dưới đây từ quyển Gành Ráng, trong đó tác giả đã ghi lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu trong vùng quê và đó cũng là nếp sống chất phát, hiền lành, giản dị của người dân vùng thôn dã Việt Nam vào thập niên 30 và cũng để giới thiệu với các bạn một nét đẹp quê hương miền Trung Việt Nam thời xa xưa.

                        Năm đó, má tôi nhứt định đưa Bạch Trang, Linh Qui và tôi về Lương Tài quê ngoại của tôi để ăn Tết. Chiếc đò dọc đưa về Lương Tài thuộc loại đò máy chỉ có sáu người khách kể chung với bốn mẹ con tôi. Còn lại hai người kia là học sinh về quê ăn Tết.

                        Chiếc đò tách rời bến sau chùa Hải Nam thẳng xuôi  theo giòng sông Huỳnh Giản đưa về Gò Bồi. Từ Gò Bồi chúng tôi phải cuốc bộ trên ba cây số mới đến làng Lương Tài.

                        Nước bắt đầu đổi chiều. Trời xanh đậm in vào gương nước trong vắt. Hễ khi nước trong là mùa mưa thoảng xa và mùa Xuân lại về.

                        Đò vừa cặp bến Gò Bồi thì đã quá ngọ. Phố xá, chợ búa đã vắng thưa người. Các cửa tiệm cũng bắt đầu đóng cửa. Lũ trẻ ranh bắt đầu đốt pháo đì đùng. Hai chàng học sinh kia cũng về chung một đường với chúng tôi. Nắng mùa Xuân tuy trong nhưng thật gắt làm mọi người đổ mồ hôi, nhưng nhờ có gió Xuân mát dịu thổi lao xao làm chúng tôi quên mệt. Đường đất khô ráo, sạch sẽ nên dễ đi. Chúng tôi phải băng qua mấy thửa ruộng, vì vừa mới gặt lúa nên ruộng cũng khô ráo. Hôm nay trên đường đưa về Lương Tài vắng vẻ không có phiên chợ nhóm như thường nhật. Các quán tranh nho nhỏ bên vệ đường bỏ trống trơn. Có những khóm tre ốm tong teo vì đã quá già, có cây bị con sùng, con đuôn tàn phá, nên rủ lá xác xơ. Có cây tre trổ bông từng chùm như hột lúa, tre ra hoa là tre sắp chết.

                        Trong khung cảnh hoang vắng xác xơ, điểm tươi sáng nổi bật là cổng những ngôi nhà hai bên đường đã dán những cặp liễn đỏ, nổi chữ mực tàu đen nhánh. Cây mai trong sân nở lấm tấm búp vàng đón Xuân. Hàng rào cây trà trước nhà  đã được cắt xén thẳng băng.

                        Vừa đến trước cửa chùa Thập Phước, chúng tôi đã thấy dì tôi cùng anh Mỹ, chị Hạnh đã chờ sẵn. Nhìn nét mặt vui vẻ của dì tôi, tôi biết năm nay nhà ngoại tôi sẽ ăn Tết lớn. Mà đúng vậy, nhà ngoại trang hoàng rực rỡ. Đèn giấy, cờ giấy tam sắc kết dài trước mái hiên. Bàn ông Thiên trước nhà đã chất sẵn hoa quả để cúng giao thừa. Trong nhà có vài người tá điền đưa vợ con về ăn Tết, phụ giúp việc nhà luôn. Cảnh nhà hôm nay đông như mở hội. Cây nêu đã cột sẵn giỏ tre đựng giấy tiền vàng bạc, trầu cau, gạo muối cùng chiếc khánh bạc kêu leng keng. Chờ giờ dậu là ngoại dựng nêu trước sân nhà theo tục lệ hàng năm.

                        Vừa thấy Bạch Trang, Linh Quy và tôi, ngoại tôi mừng lắm, ôm từng cô cháu nước mắt rưng rung. Ngoại bảo chị Hạnh :

                        –  Hạnh, con lấy mấy trái mảng cầu dai mà ngoại dú trong hũ gạo cho ba em con ăn chơi. Mấy con nầy lớn xộn rồi đây.

                        Dì tôi nói :

                        –  Con Trang càng lớn càng có vẻ nết na, hiền lành, con Linh Quy mới mười bốn tuổi mà ra vẻ con gái dậy thì rồi. Còn con Huyền Châu…

                        Dì nheo mắt ngó tôi, làm tôi mắc cỡ. Má tôi đỡ lời :

                        –  Càng lớn nó bớt khỉ khọn, tuy nhiên tánh tinh quái vẫn không chừa. Phải chi nó thùy mị như con Mỹ Hạnh thì vợ chồng em bớt la rầy rát cổ.

                        Dì tôi khoe :

                        –  Có con ông Hương Cả ở làng trên đi hỏi con Hạnh rồi. Sang năm chị gả cháu…

                        Chị Mỹ Hạnh mắc cỡ cầm tay Linh Quy lui xuống bếp. Bạch Trang khều tôi ra gốc khế đơm đầy hoa tím. Hồi mười tám năm về trước, ngoại với than góa bụa, nuôi ba cô con gái là má chị Mỹ Hạnh, má Bạch Trang và má tôi nên người. Ngoại đã từng tự hào là ba cô con gái mình xinh đẹp, khôn ngoan. Giờ đây, ngoại tìm niềm vui ở lũ cháu ngoại gái. Trong đám chị em, về nhan sắc, tôi kém sút hơn hết. Nhưng tôi nổi bật hơn họ là ở tánh ranh mảnh, thích pha trò. Ba má, ngoại và các dì xúm lại rầy tôi ào ào nhưng trong bụng có phần thiên vị tôi hơn hết. Ngoại thường tuyên bố :

                        –  Vắng con Châu là nhà cửa lạnh tanh.

                        Dì tôi thường khuyên má tôi :

                        –  Em chớ rầy la nó thái quá. Nó còn trẻ ăn chưa no, lo chưa tới…

                        Bạch Trang hôm nay ra vẻ cô nương lắm rồi. Nó thuộc vai chị của tôi nhưng nhỏ tuổi hơn tôi. Chị em nào tôi cũng thương yêu, luôn cả anh Mỹ. Nhưng tôi thích Bạch Trang hơn, vì tôi nghĩ rằng nó yếu đuối, cần được tôi che chở. Bạch Trang nói :

                        –  Nè Châu ! Ngoại cưng tao và mi nhiều hơn anh Mỹ, chị Hạnh vì tao sớm mồ côi mẹ, còn mi thì làm con nuôi ông thầy pháp, sống ở nhà thầy suốt mười hai  năm ở làng Hương Thạnh.

                        – Ừ hén ! Mà sao mi hay để ý chuyện đó làm chi ? Mà sao mi buồn quá vậy Trang ?

                        Bạch Trang lại nói :

                        –  Nè ! Bắt đầu từ ngày mai mi không được kêu tao bằng mầy nữa nghe chưa ! Ngoại nói tụi mình đã lớn rồi. Tao là vai chị của mi, mi phải kêu tao bằng chị Trang.

                        Tôi gật gù :

                        –  Ừ ! Mầy nói cũng phải đó ! Nhưng tụi mình lỡ xưng hô mày tao mi tớ quen rồi, giờ đổi cách xưng hô nghe mắc cỡ, nhột miệng quá !

                        –  Ngoại nói mầy đã mười sáu tuổi là tuổi trăng tròn. Đó là vừa đúng tuổi cập kê.

                        –  Cập kê là gì hả chị Trang yêu quí của em ? Cập kê là cập con gà mái kè kè một bên phải không ?

                        Má tôi bỗng ở đâu trờ tới, nghe tôi phát ngôn ẩu tả liền rít lên :

                        –  Cập kê là cài trâm, nghe chưa con ôn dịch. Cứ nói tầm phào luôn đi. Con gái lớn rồi, liệu mà ăn nói cho nghiêm chỉnh với người ta.

                        Sáng ngày mồng Một Tết, tiếng trống múa lân ở đầu làng bên cổng chùa Thập Phước vọng inh ỏi. Tiếng pháo ở các nhà hàng xóm đì đùng nổ ròn.

                        Chúng tôi, trừ anh Mỹ, gồm Bạch Trang, Mỹ Hạnh, Linh Quy và tôi đã thức dậy từ năm giờ sáng. Chúng tôi rửa mặt, chải tóc và trang điểm. Bạch Trang và Mỹ Hạnh vốn tánh giản dị, chọn màu áo lụa nguyệt bạch. Linh Quy năm đó mới lớn nên diện chiếc áo lụa màu cánh sen. Còn tôi năm đó, tôi thích màu u tối, không phải vì bi quan, sầu muộn mà vì chiếc áo gấm màu vỏ măng cụt đẹp quá hợp với nước da tôi, nên dung nó trang điểm cho ngày Nguyên Đán. Cả ba đều mặc quần lụa trắng, kết reng ở hai ống. Cả ba đều đeo kiềng vàng chạm, bông tai tong teng kiểu hai trái châu tròn. Chúng tôi đòi ngoại cúng nước xong, mừng tuổi ngoại, được ngoại lì xì bằng phong bao hồng đơn gó đồng bạc mới tinh.

                        Phía trước nhà tôi, cách một đám ruộng, người ta đã cất sẵn khu chơi bài chòi. Tiếng trống chầu thùng thùng giục giả khách du Xuân đến đó tham dự.

                        Khi Bạch Trang, Mỹ Hạnh và tôi ra đến khu bài chòi thì đã có khách ngồi sẵn trên chòi, chỉ có chòi trung ương là còn trống. Bạch Trang và Mỹ Hạnh không dám ngồi vào chòi nầy vì nó được cất quay mặt về hướng đông.

                        Tôi dục hai cô nương nhát như thỏ kia :

                        –  Đừng có sợ ! Má tui nói chòi trung ương lẩm rẩm vậy chớ hên lắm. Thây kệ mình thử ngồi xem.

                        Không đợi sự đồng ý của nhị vị cô nương, tôi bắt thang leo tuốt lên chòi. Hai nhỏ cũng đành riu riu theo sau.

                        Lẽ ra, chòi chỉ chứa có hai mạng. Vậy mà cả ba dồn vào đó làm chòi rung rinh. Ai cũng nhìn chúng tôi xa lạ vì họ biết chúng tôi là dân ở Gành Ráng, không phải dân làng Lương Tài nầy. Chòi dựng trên bốn cây cột sang, che tranh, lót ván, cao chừng hơn hai thước, phía dưới có phủ một tấm sáo tre nhỏ. Một cây đèn dầu vuông với cái tán gồm bốn mảnh kiếng ghép lại đủ soi sáng cho người chơi bài. Trong chòi có một cái mõ tre và cây gõ mõ.

                        Tất cả gồm chín chòi. Mỗi ván bài là phải đậu năm cắc, chín chòi thì được bốn đồng rưởi, nhưng chỉ có bảy cây cờ. Khi ai tới bài trước thì lãnh được ba đồng rưởi, còn ban tổ chức lấy xâu hết một đồng. Khi tới bài, người thắng cuộc phải ăn đủ ba cây bài. Lúc đó có một cậu thanh niên hoặc một cô thiếu nữ đem đến cho chòi trúng một khai có rượu, trầu cau và số tiền trúng. Họ hò lên vài câu bài chòi tán thưởng người ăn bài, và người ăn bài phải lì xì cho họ.

                        Chòi trung ương của tôi hên quá, trúng liên tiếp ba ván. Mỗi khi họ vừa hô Tứ Tượng, tôi đánh mõ liên hồi, cười khanh khách, thay vì chỉ đánh ba tiếng mõ cốc cốc. Chị Mỹ Hạnh nguýt :

                        –  Vừa thôi nghen Châu ! Mầy làm quá, thiên hạ chê cười đa ! Con gái, con ghiếc gì cứ láu táu hoài !

                        Bạch Trang phụ họa :

                        –  Chòi thì nhỏ xíu, mà mỗi khi ăn được con bài nào là nó vừa la, vừa nhảy cởn làm chòi rung muốn sập. Mấy tấm ván kêu cúc kít nghe rợn người. Con nầy không sợ chúng ghét mà !

                        Bạch Trang ngồi ở phía trong, không thể ló mặt ra được. Tôi mỗi khi ăn là có thể ló mặt ra nheo mặt, chẫu môi với các con bạc ở chòi khác. Bạch Trang cứ la tôi từng chập. Chị Mỹ Hạnh đỏ mặt mắc cỡ vì tánh liếng thoắng trẻ con của tôi.

                        Thế là trong một bàn gồm bảy cây cờ, chòi tôi chiếm hết ba cây. Tôi còn muốn đậu bàn khác thì anh Mỹ ở dưới chòi chõ miệng réo :

                        – Về nhà đánh cờ Quan, Châu ơi.

                        Chúng tôi tuột xuống chòi về nhà.Tụi trẻ nít chạy theo la ơi ới :

                        –  Cô mặc áo măng cụt và cô mặc áo lợt đi bên cô Hạnh chắc ở Giả (Qui Nhơn) lên chơi đó bây.

                        Một bà đứng tuổi xía vào :

                        –  Cô Hạnh hôm nay diện coi được quá. Còn hai cô có vẻ tỉnh thành. Mấy cô nầy chỉ tằng hắng một tiếng là thiếu gì kẻ cầu hôn.

                        Tôi mặc kệ cho chị Mỹ Hạnh và Bạch Trang đứng lại chuyện trò với người quen biết trong làng. Tôi dông một lèo về nhà, kiểm điểm số tiền ăn bài và số tiền do ngoại và dì dượng lì xì.

                        Hôm nay có vài anh bạn của anh Mỹ đến chúc Tết. Họ mặc áo dài sa teng, nút đồng xi đỏ chói, quần vải xe lửa trắng tinh, chân mang giầy xăng đan da nâu, đầu chải dầu sáp bóng loáng. Cứ mặc cho họ ngó trộm, liếc lén, tôi chui vào bếp vì tôi đói bụng quá rồi. Nhưng vào ngày đầu năm tôi không dám ăn vụng sợ bị mắng mà xui xẻo suốt năm, nên đành phụ ngoại, dì và mẹ dọn cổ bàn cúng ông bà. Các món ăn lần lượt sắp lên ván. Nào là lỗ tai ngâm dấm để ăn với bánh tráng, rau sống chấm mắm nêm, nào là thịt kho, cá kho nước dừa để ăn với bánh tét. Nào là dồi thập cẩm xắc mỏng để ăn với bánh tráng nướng dòn. Đặc biệt là mắm nêm do ngoại tôi làm lấy thật nhiều, để dành ăn lâu. Con mắm cá cơm bé xíu, màu hồng đậm thêm và tỏi ớt trộn ngon lành, thơm hơn mắm cá cơm bán ở ngoài chợ. Ngoài mắm nêm ngoại còn làm mắm cua, mắm sặc để ăn sau Tết… và để cho chị em tôi mang về Gành Ráng cùng với chuối ép khô, đu đủ, bầu xắc phơi khô.

                        Tôi phụ ngoại làm thêm món xào để bày cúng. Đó là món bầu xào tôm thịt. Bầu đã được xắt sợi, phơi khô cất sẵn trong hũ sành, chỉ cần lấy ra ngâm nước ấm cho soi bầu nở lớn ra.

                        Bàn thờ bày biện trang hoàng lộng lẫy. Tấm ảnh phóng đại của ông ngoại tôi được lau chùi bóng loáng cả khung lẫn mặt kiếng. Bộ lư đồng mắt tre được anh Mỹ và dượng tôi chùi bằng trái khế từ hôm hăm tám tháng Chạp. Hai chân đèn gắn trên cặp hạc cũng được chùi bóng. Bốn cây nhang và khoanh trầm được đốt lên, tuôn khói thơm ngào ngạt. Một cành mai vàng được cặm trong chiếc độc bình vẽ hình Bát Tiên Quá Hải. Một cái cổ bồng đựng ngủ quả đương mùa gồm trái thơm phụng màu hồng lá dài, một trái mảng cầu xiêm da xanh mướt, hai trái xoài thơm xanh ửng vàng, một trái đu đủ xiêm màu xanh nhưng khi xẻ ra là thấy ruột đỏ tím. Một trái dừa Tam Quan to. Trước tấm ảnh được bày nào là bánh tét, bánh in, mè xửng, kẹo cau…

                        Trước bàn thờ, ở hai bên cây cột có treo cặp liễn mun, chữ thếp vàng lóng lánh.

                        Tôi liên tưởng tới câu chuyện về cái chết ông ngoại tôi mà cảm thương cho thân phận bà ngoại tôi trong những ngày góa bụa tần tảo nuôi con. Ông ngoại tôi từ Bà Rịa vào rừng Khánh Hòa lượm mù u về ép dầu, bị cọp vồ mất xác. Bà ngoại tôi phải bỏ Bà Rịa trôi nổi ra đây. Hình ảnh ông ngoại tuy còn đó để cho con cháu tưởng niệm, thờ cúng nhưng bây giờ dù cả nhà có cúng mâm cao cổ đầy biết ông ngoại có về hưởng cùng con cháu hay không ?

                        Nhìn khói nhang bay từng cuộn, tôi chợt buồn mông lung. Sau khi ăn cổ xong, tôi lén ra vườn sau, thơ thẩn một mình. Buổi trưa im lìm. Tiếng ru con của chị Chín hàng xóm mở đầu bằng tiếng hò ơ… ơ nghe buồn buồn. Con chim gõ mõ gõ từng hồi lạch cạch trên cây bông gạo.

                        Ngoại góa bụa vì thương các dì và mẹ, tảo tần ngược xuôi để có gia viên điền sản. Dì Hai tôi, mẹ của anh Mỹ và chị Mỹ Hạnh lấy chồng cùng xứ, được ở với ngoại. Dì Ba tôi là má Bạch Trang lấy chồng Pháp. Dượng rể dị chủng của tôi về Pháp đem theo chị Linh, để lại Bạch Trang ở với dì và ngoại. Nhưng dì đã thất lộc từ lâu. Còn má tôi thì lấy chồng lai Khách Trú, theo chồng sống ở Gành Ráng. Bây giờ ngoại đem hết cuộc đời còn lại thương yêu lũ cháu. Chị Linh ở bên Pháp viết thư về cho Bạch Trang luôn và nhắc nhở ngoại thật nhiều. Thời thơ ấu của chúng tôi đầy hình ảnh hiền hậu của ngoại.

                        Mẹ thương con, bà thương yêu cháu. Nước mắt lúc nào cũng chảy xuống chớ có trở ngược lên bao giờ. Từ thuở bé tôi vì bệnh họan, nên ba má tôi đem gởi nhà ông thầy pháp ở làng Hương Thạnh. Sống với cha mẹ nuôi được mười hai năm, tôi được trở về nhà. Cha mẹ nuôi đã cưng tôi bao nhiêu thì bà ngoại cưng, chìu chuộng tôi như vậy. Tuổi thơ và tuổi mới lớn của tôi tràn ngập tình thương.

                        Tôi đến bên ao sen. Mùa nầy sen tàn. Những chiếc lá già nhô lên mặt nước, lá tròn và lõm sâu ở giữa màu xanh đậm. Lớp lá non nằm ở trên mặt nước như những đồng tiền sắp lớp bên nhau. Phải đợi mùa hạ, sen mới nở rộ bông. Có bông vượt khỏi lá từ búp thuôn thuôn nở xòe từng cánh ôm lấy cái gương nhụy màu vàng tươi. Có bông núp trong bóng lá xanh, để rồi tìm cách ngoi lên đón ánh sang mùa hè. Khi sen tàn, hồ trở nên trống và rộng, bày lớp nước trong vắt, có những khóm bèo cánh tròn, ngâm dưới nước một chùm rễ trắng.

                        Mùa Xuân quê ngoại, hàng bưởi ổi thấp ra hoa. Thân cây bưởi xám mốc, xây bàn thang thành nhiều nhánh, các nhánh nhỏ đều có gai. Hoa bưởi trắng như hoa mù u, hái hoa giắt vào tóc thì hương hoa thấm vào tóc thơm ngát.

                        Mùa Xuân quê ngoại, hàng cây mảng cầu ta (người Bắc gọi là Na) trổ lộc non màu cẩm thạch và trổ trái nhỏ bằng ngón cẳng cái. Mảng cầu ta lúc chín thơm ngát, khi tách vỏ, cắn vào ruột mềm sẽ gặp những hột đen lóng lánh, hột để dành chơi đánh búng thay thế hột me.

                        Mùa Xuân quê ngoại, đám ổi cửu ngoạt (tức cửu nguyệt) chỉ trồng trong vòng chín tháng là đã có trái cắn vào dòn rụm. Khi chín ruột ổi đỏ tía, lẫn những chấm hột màu ngà. Ngoại hái lá ổi, cùng các lá thơm khác, nấu nước cho chúng tôi tắm để trị rơm sẩy vào mùa nóng, thuở chúng tôi hãy còn thơ bé.

                        Sau nhà là khu trồng chuối. Những quày chuối sứ quằn xuống đất vì đơm nhiều trái mập tròn. Chuối cao lửa đỏ ửng. Khi phơi khô, chuối sứ phải ép mỏng, còn chuối cao để nguyên trái. Khi chuối cao phơi khô sạm mặt là chất mật trong trái chuối tươm ra, thơm mộc mạc.

                        Mùa Xuân quê ngoại, đám thơm tây đâm tủa lá dài, viền gai nhọn, màu ửng hồng. Trái thơm tây lớn hơn trái thơm ta. Đặc biệt là đám thơm phụng, lá cũng dài và viền gai nhọn, trái có nhiều đầu kết với nhau trông rất đẹp, đầu giống như đầu chim phụng. Quê ngoại tôi đó, mùa Hè ăn mít, mùa Thu ăn bưởi, mùa Đông ăn mận, chuối và dừa, mùa Xuân ăn cam, ăn quít, ăn khế, hái rau cần…

                        Mùa Xuân quê ngoại có pháo chuột vấn giấy hồng đơn đỏ thắm, có pháo tre vuông vuông, tiếng nổ chát chúa làm tôi giật mình…

                        Tôi giựt mình sực tỉnh không phải vì tiếng pháo mà là tiếng động bên ngoài hành lang. Giấc mơ thời quá khứ đã tàn. Sáng nay là mồng Một Tết ở cao ốc thuộc quận 13 Paris. Tuy ở xứ người, nhưng mỗi khi Tết đến, tôi cũng sửa soạn cúng rước vong hồn cha mẹ tôi. Bàn thờ giờ đây vẫn bày hoa quả, thắp nhang ấm cúng. Tôi cũng bày thêm trà, bánh tét, bánh ích, rượu và trầu cau. Trong các bửa cơm, tôi cũng làm các món thịt kho, nem, dồi thập cẩm.

                                    Bức ảnh của ngoại, của ba má cũng được bày trên bàn thờ. Khói nhang trầm thơm ngát như từ quê ngoại hồi bốn mươi năm trước thoảng tới. Tôi lim dim tưởng niệm cố hương và người thân đã khuất núi từ lâu.

                                    Ngoài cửa kiếng, tuyết rơi nhiều, trắng xóa khắp công viên phía dưới cao ốc. Cây đã trụi lá, cành cây bám dầy tuyết giá trắng ngần như thủy tinh…

VỀ MIỆT VƯỜN ĂN TẾT

VỀ   MIỆT   VƯỜN   ĂN   TẾT

Nguyễn văn Ba

Phơi lúa ngày cận Tết

 
                        – Năm nay về miệt vườn ăn Tết với tao nghen mậy

                        – Miệt vườn là ở đâu ? Phong cảnh ra làm sao ? Có gì đặc biệt ?

                        – Miệt vườn là quê tao, ở vùng châu thổ sông Cửu Long, cũng có ruộng như mầy thấy ngoài ngoại ô thủ đô Sài Gòn, miệt Phú Lâm, Bình Chánh. Đất ruộng thấp, ngập nước, nông dân đào đất, lên líp cao trồng cây ăn trái, cây xoài, cây ổi, cây mận … nói chung là làm vườn nên gọi là miệt vườn.

                        – Ngoài Phú Lâm cũng có vườn, tao ra đó coi thì biết, cần gì phải đi xuống tới xứ của mầy cho xa xôi.

                        – Ậy, mầy đừng nói vậy, vườn ở Phú Lâm và vườn ở xứ tao khác nhau chớ, làm sao giống được …

                        Đó là một phần câu chuyện khi Long mời tôi về quê nó ăn Tết hồi năm ngoái, tôi ngần ngại vì nghe đâu dưới miệt vườn không có điện, phải dùng đèn bánh ú, đèn dầu đậu phộng, dầu dừa, dầu chai, dầu mù u, lù mù, không có nước máy, phải xài nước sông đen thủi đen thui như nước dưới bến chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh … Tôi ừ ẹt cho qua chuyện rồi trốn biệt.

                        Năm nay Long mời nữa, tha thiết, quyết liệt hơn, nó lấy quần áo tôi bỏ vô va li, sẵn sàng lên đường sáng ngày mai. Tôi soạn lại bổn cũ, miệng hứa hẹn nhưng bụng thì tính kế đào tẩu.

                        Trưa nay ở Đại Học Xá Minh Mạng vắng vẻ chẳng khác chùa Bà Đanh, mới hôm qua còn ồn ào như cái chợ, tụi sinh viên như tôi hầu hết đã về quê ăn Tết hồi sáng nầy. Hơi nóng từ mái nhà fibro xi măng tỏa ra hâm hấp, điệu nhạc chát chúa của “chương trình phát thanh thương mại” ngày cận Tết phát ra dồn dập, inh ỏi làm đầu tôi nhức như búa bổ : “tằng ta răng, tắng tắng tăng … tằng ta răng, tắng tắng tăng …” điệu nhạc thiệt vô duyên, rổng tuếch, mấy thằng bạn tôi đọc trại ra : “Trời Phật ơi, ngó xuống coi … bà con ơi, chó cắn tui …” nghe mà tức cười. Mà tôi nhức đầu không phải vì trời nóng và điệu nhạc ong óng, Đại Học Xá Minh Mạng lúc nào mà không nóng, không ồn ào, tháng Hai, tháng Ba còn nóng hơn. Tôi nhức đầu phần khác là do tối qua đi ăn tiệc Tất Niên với mấy thằng bạn đằng trường Khoa Học, uống đủ thứ rượu, thức tới gần hai giờ sáng. Lò mò về tới Đại Học Xá, tưởng đi ngủ được liền, nào ngờ gặp lúc thằng Bảy cùng phòng dẫn về một cô gái giang hồ để làm chuyện xả xui cuối năm, phòng nầy nối liền phòng khác bởi một vách tường cao chỉ quá đầu người, thằng Bảy đang hì hục hành lạc bên trên, cô gái nằm ngữa đưa mắt ngó lên, chợt thấy ba phía vách tường đen đầu người đang chăm chú ngó xuống, hoảng hồn cô đứng phắt dậy, mặc quần áo vô, hấp tấp rời Đại Học Xá. Xong vụ thằng Bảy, cả bọn nam sinh viên còn thức bàn tán, nói chuyện tới bốn giờ sáng.

                        Tôi thả bộ lại trường Chu văn An định kiếm một trái dừa xiêm giải khát nhưng chiếc xe bán dừa ướp lạnh không có ở đó, chắc đã nghỉ bán theo thời gian nghỉ Tết của học sinh. Tôi trở lại nhà ăn Đại Học Xá, ăn cơm khẩu phần, uống trà đá. Sinh viên về gần hết, khẩu phần một tăng lên hai, ba, muốn ăn bao nhiêu cũng được. No bụng, tôi đón xe ra Nguyễn Huệ xem chợ hoa, không quên tối nay có chương trình Tất Niên với một nhóm bạn ở Đa Kao, Long cũng sẽ tới dự.

                        Năm giờ sáng, Long xốc tôi dậy bỏ lên xe xích lô máy chở ra Xa Cảng Miền Tây. Mắt nhắm mắt mở, đầu nặng chịch nhưng tôi cũng nhớ ra mình trúng kế Long, hồi hôm Long phục rượu tôi đến say mèm nên tôi chẳng còn biết ất giáp gì, tôi quên hẳng chuyện tìm cách lẫn trốn không về miệt vườn ăn Tết với nó sáng nay, mà nếu có nhớ, không chắc tôi còn đủ sức thực hiện ý định.

                        Suốt lộ trình Sài Gòn – Bắc Mỹ Thuận tôi ngủ gà ngủ gật, phú thác mọi thứ cho Long, mơ mơ màng màng có lúc tôi nghe tiếng rao bán khóm, bán mía thơm dịu, mía gò cát, mận hồng đào, bánh lá dừa, bánh lá ú, nước dừa xiêm … tiếng người lơ xe kêu hành khách ăn hàng xả rác trong xe, tắt thuốc qua cầu, đóng sáo qua cầu … Cho tới lúc lổ mũi tôi ngữi thấy mùi thịt nướng thơm lừng cũng là lúc chiếc xe đò ngừng hẳn, tiếng người lơ xe kêu : “Tới chổ rồi cô bác ơi, xuống xe qua đò, xuống xe qua bắc Mỹ Thuận”. Long lôi tôi, hối hả trong dòng người lũ lượt theo nhau xuống bắc. Hàng quán tràn ngập hai bên đường, ổi xá lị, cam sành, cam mật, quit ta, lạp xưởng, bánh phồng khoai, chuối khô … tôi muốn ngừng lại mua mấy thứ làm quà cho gia đình Long nhưng hắn gạt đi : “Mấy thứ đó ở miệt vườn thiếu gì, tao có mua mấy ổ bánh mì hồi ở Xa Cảng Miền Tây rồi, bánh mì Sài Gòn đem về vườn mới quí ”.

                        Sông Mỹ Thuận thiệt rộng, thiệt hùng vĩ, nước chảy cuồn cuộn khuấy đục phù sa, xô giạt con đò đầy, đằng xa là làng mạc, cù lao xanh rờn cây trái, những chiếc thuyền máy di động nhấp nhô, sóng lưởi búa làm tung bọt nước trắng xóa … màu nước sông trong lành, ngập tràn sức sống, thật hoàn toàn khác hẳn những con kinh nước đen tù hảm ở thủ đô Sài Gòn.

                        Đò vừa cặp bến, chúng tôi tất tả theo dòng người, chiếc xe lam vừa hết chổ, tôi và Long đành ngồi phía trước, hai bên người tài xế, ngày Tết tranh nhau về nhà sớm, không ai chịu đợi chờ, chậm một chút là mất chổ. Không ngủ gục được nửa, tôi đưa mắt quan sát miệt vườn, đã là miệt vườn hay chưa tôi cũng không biết, cầu đúc Cái Gia, ruộng, vườn, vườn, cầu sắt, chợ Cái Tàu Hạ, sao mà Cái nhiều quá, vườn, ruộng, vườn, cầu xi măng Mù U, vườn, ruộng, vườn, cầu Cái Xép, lại Cái nữa, vườn, ruộng, vườn, cầu đúc Nha Mân, xe qua cầu rồi ngừng lại, Long kêu tôi xuống.

                        Nha Mân, một chợ nhỏ cách Bắc Mỹ Thuận khoảng sáu cây số trên liên tỉnh lộ Vĩnh Long – Sa Đéc. Long gởi hành lý ở tiệm giải khát đầu chợ rồi đưa tôi đi một vòng chợ Tết, dưa hấu, mai vàng, hoa vạn thọ, bánh mứt, ông đò già ngồi viết liễng, một sạp bán báo Xuân, vài sạp bán pháo … đó là những nét đơn sơ của một chợ Tết miệt vườn, dĩ nhiên còn có những thứ mà ngày nào cũng thấy, cá, thịt, rau cải, tạp hóa … Long giới thiệu tôi với rất nhiều người quen trong chợ, họ mời chúng tôi đến chơi trong dịp Tết, lời mời nghe thật đơn giản nhưng chắc nịch, chân tình. Lúc trở lại quán cà phê lấy hành lý đã thấy anh Năm chủ quán chờ sẵn, anh kêu hai đứa tôi lên lầu “lai rai ba sợi” cho ấm bụng trước khi về bên cù lao.

                        Có bốn cái ghế quanh chiếc bàn tròn, trên bàn dọn sẵn chén đũa, ly, nhạo, một chùm nem chua, mấy quả mận hồng đào, muối ớt, nước mắm chanh và một dĩa lòng với lại thịt gà xào hành lá bốc hơi thơm lừng.

                        Chủ khách mời nhau nhập tiệc. Tôi ngạc nhiên hỏi anh Năm :

                        – Tụi em mới đi một vòng chợ, chưa đầy 15 phút mà anh đã làm xong một con gà thì lẹ thiệt.

                        – Đâu có lẹ dữ vậy, chẳng qua đó là sáng kiến của mấy bà nội trợ miệt nầy. Cắt cổ gà xong thì lấy ngay bộ đồ lòng và hai miếng thịt ức làm món xào dấm để mấy ông nhâm nhi chờ món khác.

                        Anh Sáu rót rượu đế từ cái chai ba xị vô nhạo, rồi từ nhạo ra ly nhỏ, anh làm việc rất thành thạo, cái nhạo lên cao chậm rãi, đều đặn, theo sau là những bọt rượu trắng tinh, tuy nhiên cũng có khi vài giọt rượu nhễu ra ngoài ly, anh chắt lưỡi hít hà:

                        – Cắt cổ hơn đổ rượu.

                        Rượu rót tròn vòng, chủ khách nâng ly tiễn đưa năm cũ. Anh Năm, anh Sáu, mỗi người cầm ly lên, chỉ nghe một tiếng “trót”, ly rượu của họ đã cạn sạch. Long uống theo, khè ra một hơi dài thành tiếng chứng tỏ rượu cay lắm. Thiệt vậy, phần tôi dù là một trong những tay đệ tử Lưu Linh có tiếng của Đại Học Xá Minh Mạng, sau khi làm xong “nhiệm rượu” đã phải giùng mình mấy cái, mặt nhăn như khỉ ăn phải ớt, rượu nếp Nha Mân có khác, cay xé mây, rượu di chuyển tới đâu tôi biết nóng tới đó, đâu có giống rượu “công xi”, rượu nếp than tôi hay nhâm nhi ngoài lề đường Nguyễn Tri Phương với nghêu sò.

                        Anh Sáu cười ha hả:

                        – Rượu nầy nấu bằng nếp nguyên chất, đâu có ngâm rắn hổ mà khè dữ vậy a chú Long !

                        Anh Năm khề khà:

                        – Chú Ba nầy uống rượu giống như cụ Phan Thanh Giản uống thuốc độc !

                        Tôi chống chế:

                           – Tại hồi tối em bị say rượu.

                        – Hồi hôm say thì bây giờ mình giải nghễ, vô thêm vài ly nữa là hết “bựa” liền chú em à.

                        Thế là anh Năm :

                        – Rót đầy cái ly cạn.

                        Anh Sáu :

                        – Uống cạn cái ly đầy.

                        Rồi anh Năm cùng với anh Sáu “hòa tấu”:

                        – Ly nầy rồi ly nữa, ly giữa lại ly bìa.

                      – Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, rượu ngon mà gặp bạn hiền thì ngàn chén nào có say đâu.

                        – Ly thứ nhứt “nhâm nhi tình bạn”, ly thứ hai “trút cạn lòng sầu”, ly thứ ba “mũi chảy tới râu”, ly thứ tư “ngồi đâu gục đó”, ly thứ năm “cho chó ăn chè”, ly thứ sáu “vợ đè cạo gió” …

                        Anh Năm, anh Sáu vừa nhậu vừa ngâm nga, hát hò, đùa cợt, thái độ các anh thật hào phóng, sảng khoái.

                        Rượu được ba tuần, đồ nhấm gần hết, thì như có sắp đặt sẵn, thằng con trai anh Năm bưng lên dĩa gỏi gà trộn chuối cây và mấy tô cháo nóng để chửa lửa.

                        Chai ba xị đế gần cạn, con anh Năm đem thêm một chai khác để kế bên. Ai uống ngàn chén không say ở đâu thì tôi không thấy, riêng tôi mới vô có mấy ly đế Nha Mân (do hai anh châm chế, không bắt uống nhiều) đã muốn bò càng, đầu choáng váng, tôi đá chân Long làm hiệu. Hiểu ý tôi, Long đứng lên cáo từ gia chủ, mượn cớ đường còn xa. Vậy mà anh Năm và anh Sáu còn cầm khách uống thêm hai ly nữa, rồi trước khi chia tay lại dặn dò Tết nhớ ghé qua uống tiếp.

                        Từ chợ Nha Mân muốn về quê của Long ở bên cù lao Tân Hiệp còn phải đi khoảng một cây số đường bộ, theo bờ rạch Nha Mân ra vàm, trước khi đến bến đò để được sang sông. Trên đoạn đường ngắn ngủi ấy, thằng cháu uống rượu nhăn mặt của cụ Phan Thanh Giản đã bị bà con đón đường ba lần nữa để bắt uống nhiều loại “độc tửu” khác nhau cùng với lươn um xả, tôm càng nướng, cá mè vinh hấp lá bạc hà …

                        Tôi thở vắn than dài:

                        – Tao “quỷnh” quá rồi Long ơi ! Còn mấy cái ải “rượu” nữa mới tới bến đò ?

                        Long cười hề hề:

                        – Chắc đây là trạm chót, trời tối rồi, chắc không ai thấy mình để mời mọc nữa đâu. Mầy còn lạ, phần tao đã quen rồi, mỗi lần về quê là tao như theo bước Ông Quan Vân Trường thời Tam Quốc, Ông Quan Vân Trường “quá ngũ quan, trảm lục tướng”, còn tao thì “quá ngũ quan, ẩm lục xị”, rồi say túy lúy càn khôn,  nhiều khi uống không nỗi, nhưng đâu đễ gì từ chối sự mời đón của bà con.

                        Và mặc dù đã quá chén, nhưng tại bến đò chú Tư, mỗi đứa tụi tôi còn phải nốc thêm nửa ly bầu quặng rượu đậu nành để ông lái đò hài lòng trước khi đưa người qua sông Dịch. Đến nhà Long thì đã quá nửa đêm, phần say, phần mệt, tôi chỉ còn kịp chun vô cái mùng lưới mắc sẵn trên bộ ngựa gõ trải chiếu bông, mát lạnh, đánh một giấc đến sáng bét ngày hôm sau.

                        Ba Mươi Tết, một ngày bận rộn ở vùng quê, tảo mộ ông bà, chùi lư, dán liễng, trang hoàng trước ngỏ, trong nhà, chưng dọn bàn thờ tổ tiên … Tôi, Long và Hổ, em trai út của Long phụ trách việc chưng dọn, trong khi má Long lo nấu cỗ, chuẩn bị lễ rước ông bà.

                        Trước nhà Long là một rạch nhỏ còn được gọi là xẻo, mùa mưa xẻo lúc nào cũng đầy nước, mùa nắng như những tháng cận Tết, nước ròng, lòng xẻo cạn queo. Xẻo cắt ngang cù lao Tân Hiệp, có ba xóm, Xóm Vàm ở vàm xẻo, cách chợ Nha Mân bởi nhánh sông Sa Đéc. Long ở Xóm Giữa, gần ngôi đình làng cỗ kính có những cây dầu, cây sao thân suông đuột, cao vút. Xóm Trong tận cùng ở bờ bên nầy sông Tiền, bên kia sông Tiền là Rạch Ruộng thuộc tỉnh Định Tường. Dân chúng ba xóm cất nhà dọc theo hai bên bờ xẻo, liên tục hoặc cách nhau bởi những thửa vườn cây ăn trái, những đồng lúa phì nhiêu.

                        Mặt trời vừa xế, bà Hạnh, má Long giục chúng tôi dọn cỗ lên bàn thờ tổ tiên, các bàn thờ được dựng tạm thời dành cho cô bác, đất đai vương trạch. Trái cây, dưa hấu, bánh phồng, bánh tráng nướng … dọn lên bàn Thông Thiên, bàn thờ Phật, bàn thờ Ông Quan Công, miễu Bà Chúa Xứ. Má Long dặn lúc nước dưới lòng rạch bắt đầu chảy vô thì làm lễ rước ông bà về ăn Tết.

                        Bửa ăn gia đình sau đó gồm có tôi, Long, Hổ, má Long và Thu, em gái Long. Từ lâu tôi biết Long có em gái, lòng tò mò muốn xem mặt coi xấu đẹp cỡ nào. Thu đi chợ bán bánh mức từ sáng sớm, lúc tôi chưa tỉnh cơn say, mới về chừng nửa giờ trước đây và trốn biệt dưới bếp cố ý không cho tôi gặp mặt.

                        Tôi đã gặp bà Hạnh nhiều lần trong những dịp bà về Sài Gòn bán ổi xá lị ở chợ Cầu Ông Lãnh và ghé Đại Học Xá Minh Mạng thăm Long. Bà dáng phúc hậu, đoan trang, ông giáo chồng bà qua đời ở tuổi bốn mươi, bà quyết định ở vậy lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Bà Hạnh rất khéo tay, tôi đã thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc do chính tay bà nấu nướng mỗi khi bà ghé qua Đại Học Xá.

                        Bà Hạnh rất tự hào về người chồng quá cố, hay kể chuyện về ông giáo như là một người đầy lòng nhân ái, hồi xửa hồi xưa, ông là giáo viên trường Tiểu Học ở Nha Mân bên kia bờ sông. Rồi cù lao Tân Hiệp thành hình, dân chúng tới ở ngày một đông, sanh con đẻ cháu thêm nhiều, thăm cù lao mấy lần, thấy các cháu nhỏ chịu cảnh dốt nát vì sông lớn cắt ngang, sóng to gió lớn khó bề qua lại hằng ngày, Ông Hạnh đã xin Ty Tiểu Học Tỉnh mở một trường Sơ Cấp ở Xóm Giữa. Lớp học đầu tiên là một căn nhà lợp lá dừa nước, nền đất, vách bùn trộn rơm, gần bốn chục học sinh trình độ vở long gồm đủ các lứa tuổi, giáo viên không ai chịu thuyên chuyển đến đây, chỉ có ông Hạnh là thầy giáo duy nhứt kiêm trưởng giáo. Mùa nước nổi năm học đầu tiên, ngôi trường giống như một hòn đảo nhỏ giữa vùng nước bao la, thầy xăng quần tới háng lội nước “xộn xộn”, tụi học trò nhỏ có đứa cổi hết quần áo đội lên đầu chung với tập vở. Nay trường có 12 lớp của toàn bậc Tiểu Học, tám phòng học và một văn phòng Hiệu Trưởng khang trang, cao ráo , nền lót gạch Tàu, nóc lợp fibro xi măng. Ông Hạnh đem hết bầu đoàn thê tử sang ngụ hẳn ở cù lao, ngoài giờ dạy học, ông chăm sóc miếng vườn ổi xá lị đào lên từ đất ruộng.

                        Trong bửa cơm chiều, tôi đã trò chuyện với bà Hạnh:

                        – Thưa bác giáo, cháu xin lỗi bác, hồi hôm cháu và Long về muộn, để bác phải trông đợi.

                        – Ối ! Lỗi phải gì, bác biết hai đứa bây về tới chợ Nha Mân lúc mười giờ sáng ngày hôm qua, mấy người hàng xóm đi chợ về nói lại, nhưng bác cũng trông sơ sơ thôi, vì đã quen rồi. Dân miệt nầy hiếu khách lắm, mỗi lần thằng Long về là họ cầm ở lại chơi tới tối. Ở đây thêm vài ngày rồi cháu sẽ thấy, ai cũng là người thân thuộc. Hồi ba sắp nhỏ còn sanh tiền, một tuần lễ ổng đi ăn đám giỗ hết ba bốn ngày, dạy học rồi đi tới khuya lơ khuya lắc mới về, còn cuối tuần mà ổng nói đi chợ Nha Mân uống cà phê là kể như đi chơi luôn hết ngày đó. Ba thằng Năm ở quán cà phê đầu chợ mà cháu có ghé qua là ông hương quản Mùi, bạn thân của ba sắp nhỏ, nay tình bạn truyền sang đời con, rồi không chừng sang luôn đời cháu.

                        – Thưa bác, tại sao mình rước ông bà lúc nước lớn ?

                        – Tập quán đã có từ lâu, người dân mong cho tiền vô như nước, cháu đi thăm thử năm ba gia đình miệt nầy sẽ thấy ngày Tết lúc nào nước cũng đầy lu, gạo đầy khạp. Một cỗ lệ khác là không quét rác ra khỏi nhà trong ba ngày đầu Xuân, ý mong tiền bạc ở lại trong nhà, không bị tiêu tán. Cũng có một số bà con rước ông bà từ lúc sáng sớm, vì quá nôn nóng, họ nói đùa, rước sớm được ông bà tốt, mạnh khỏe, lành lặn … trể, người khác rước hết chỉ còn ông bà xấu, bịnh hoạn, cùi đui sứt mẻ … Thật ra ông bà của ai thì người nấy rước, dễ gì ông bà mình chịu về nhà khác ăn Tết, dù cho mâm cao, cỗ đầy hay thênh thang võng lọng, phải không cháu ?

                        – Dạ, bác giáo nói phải. Còn đất đai vương trạch là ai mà cháu chưa bao giờ nghe nói tới ?

                        – Dân chúng miền quê tin rằng đất có Thổ công, sông có Hà bá. Đó là hai vị thần bảo vệ đất nước cho họ yên ổn làm ăn.

                        – Cháu thấy nhà có mấy quài chuối chín vàng hực, trông rất đẹp mắt, ngon lành, sao mình không đem chưng cúng ?

                        – Ngày Tết chỉ chưng những loại trái cây tượng trưng cho sự tốt lành như mãng cầu gai, mãng cầu ta, đu đủ, xoài cát … đó là bộ ba “cầu đủ xài”, hoặc trái sung nói lên sự “sung túc”. Trái chuối dù tươi tốt cách mấy nhưng nói trại đi là “chúi”, có nghĩa là “chúi xuống” hay “cất đầu không lên”, chẳng mấy người dám chưng trên bàn thờ.

                        Tôi còn hỏi nhiều câu khác, việc nào cũng được bà Hạnh trả lợi có lý, có tình, tôi cảm phục vô cùng, phục người đàn bà hiểu nhiều, biết rộng, giàu tình thương và nghị lực.

                        Thu ít nói, nhưng những gì thốt ra đều cẩn trọng, chính xác. Theo lời Long, Thu tốt nghiệp trường Sư Phạm Vĩnh Long năm vừa qua và về dạy trường Tiểu Học Tân Hiệp để gần mẹ và em. Người nhỏ nhắn, tóc đen nhánh chấm vai, mặt trái xoan, nước da bánh ếch. Ở Thu tôi bắt gặp những e ấp, thẹn thùa của một nữ sinh, một cô giáo mới, nét đẹp của Thu kín đáo, tự nhiên, không phấn son, không đài các, chen lẫn vẻ nhu hòa thùy mị Á Đông hợp cùng sự tươi vui, thanh nhã của loại người ưa thích hoạt động.

                        Trong bữa ăn cơm chiều, tôi và Thu ngồi đối diện, nàng ngượng nghịu, mất tự nhiên, rồi một phút tình cờ bốn mắt chúng tôi gặp nhau, nàng bẽn lẽn cúi đầu, gò má ững hồng. Chúa ơi ! Phật ơi ! Có biết lòng con đang mở hội hoa đăng. Thu chỉ ăn một chén cơm rồi buông đũa chạy xuống bếp.

                        Sau bữa cơm, Hổ dắt tôi đi xem cái rộng chứa đầy tôm càng râu xanh đỏ ở cái mương sau nhà, mấy khạp da bò chứa cá lóc, lươn, cá trê … cùng với mấy rỗ khô lươn, khô cá lóc ướp xả ớt, tàu vị yểu bông sen … đó là những thứ do chính tay Hổ tát mương bắt được.

                        – Tát mương bắt bao nhiêu cá tôm đó chắc phải vất vả lắm hả ?

                        – Hồi xưa cực vì phải dùng sức người với thùng thiếc hay gàu giai, nay có máy Kohler bốn ngựa làm hết, nên khỏe re.

                        Hổ tiếp tục chỉ tôi nồi thịt kho nước dừa xiêm, mấy thố dưa cải tùa xại, dưa hành, dưa giá, dưa kiệu, dưa đầu heo, cơm rượu … mấy rỗ bánh phồng, bánh tráng mè, bánh tráng ngọt. Rồi còn những múi mứt mãng cầu trắng tinh có hột đậu phộng ở giữa, thố chuối khô ngào đường tươm mật vàng tươi điểm những mảnh đậu phộng trắng ngà, keo thủy tinh đầy mứt gừng, mứt bí, mứt hạt sen, mứt chùm ruột, mứt dừa, mứt cà chua, mứt chanh, mứt ớt …

                        – Mấy thứ nầy do chị em làm.

                        – Thu khéo dữ vậy à !

                      – Chẳng những làm ăn mà còn bán nữa chớ. Gái Nha Mân mà, anh không nghe người ta nói sao ?

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.

                        Đêm Ba Mươi Tết về ở miệt cù lao. Bầy đom đóm lập lòe trên đám bần, bụi dứa gai ven sông. Từ những máy dầu, máy xăng phát điện, đèn măng xông mỗi căn nhà, ánh sáng ấm cúng hắt ra khoảng đường cái vắng vẻ, chia cắt đêm đen trừ tịch âm u ra từng phần nhỏ, mặt nước sông bằng phẳng cùng với ánh đèn phản chiếu tạo cho tôi cái ảo giác dòng sông là một đại lộ thênh thang với hai hàng trụ đèn thẳng tắp.

                        Bên cạnh nồi bánh tét sôi sùng sục và trên chiếc đệm bà Hạnh và Thu đang gói nốt những đòn bánh tét cuối năm. Tôi, Long và Hổ uống trà tàu, nhai mứt gừng, nói chuyện năm cũ, ngày mới. Sau mấy lần trộm nhìn đôi má ửng hồng của Thu bên ánh lửa đêm Xuân, tôi chợt thấy lòng mình chùng lại, từ bấy lâu, những tranh đấu, bon chen, công danh, sự nghiệp … đã làm tôi luôn bận tâm, những thứ đó tối nay đi đâu mất hết. Tôi nghĩ gì ? Muốn gì ? Phải chăng tôi mong ước có một cuộc đời thanh đạm, an bình ở miệt vườn, một người vợ như Thu, một mái ấm …

                        Long lôi tôi về thực tại :

                        – Ba à, mầy còn nhớ bác năm Thơ mình gặp sáng hôm qua bên chợ Nha Mân hông ?

                        – Nhiều người quá làm sao tao nhớ hết ? Tao chỉ còn nhớ anh Năm, anh Sáu và chú Tư lái đò. Bác năm Thơ là ông nào ?

                        – Cái ông đồ viết liễng đó mà.

                        – Ờ ! Tao nhớ rồi ! Ổng mặc áo dài, bới tóc, đội khăn đóng, ăn trầu, mài mực Tàu viết liễng trên giấy hồng đơn. Mà hai câu liễng ổng viết cho gia đình mầy hay lắm, để tao nhớ lại coi,  » Đa tử, đa tôn, đa phú quí. Tấn tài, tấn lợi, tấn bình an « , phải hông mậy ? Nét chữ ổng thiệt là như rồng bay phượng múa. Mà tao thấy đâu có mấy người mướn ổng viết liễng, Tết còn vậy, ngày thường ổng làm sao sinh sống ?

                        – Ờ ! Mầy nhớ đúng rồi. Mà nhìn ổng viết liễng mầy có liên tưởng tới bài thơ Ông Đồ không ?

                        Thôi thằng Long hỏi ngay « tủ » của tôi rồi, thơ thì tôi chỉ biết có vài bài, trong đó Ông Đồ là một.

                        – Có, có chớ ! Mà tao thuộc lòng bài Ông Đồ như cháo cá nấu nhừ, để tao đọc cho mầy nghe.

                                                                       …

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Ông Đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay …

                        Long hỏi :

                        – Tác giả bài nầy là ông Vũ…Vũ gì hà ?

                        Tôi đáp ngay không cần suy nghĩ :

                        – Vũ đình Liên, mà ông ấy chỉ có bài Ông Đồ nổi tiếng, còn mấy bài khác cũng thường thường thôi.

                        Bà Hạnh gói xong đòn bánh tét cuối cùng, bà đứng dậy đi ra nhà sau.

                        Có lẽ bài thơ Ông Đồ gải đúng chỗ ngứa của Thu nên cô phát biểu gọn ơ :

                        – Anh Ba thuộc thơ lại nhớ tên tác giã, chắc túi thơ nặng lắm anh có thể cho bà con nghe thêm vài bài thơ Xuân anh thích ?

                        Tay tôi gải đầu, miệng thầm than khổ. Gieo cái nhân thì gặt lấy hậu quả, từ chiều đến giờ tôi cố ý chọc Thu mở miệng nhưng nàng im tiếng, bây giờ Thu lên tiếng thì tôi muốn cứng họng. Tôi biết mình đang ở thế cởi cọp, bằng mọi cách phải cố mà gỡ gạc, không thể để mất mặt với cô giáo vườn nầy.

                        – Cô Thu cho tôi suy nghĩ một chút nhé.

                        Tôi soát lại bầu rượu và túi thơ của mình. Bầu rượu thì coi như bể rồi, tửu lượng tôi còn kém xa bà con miệt vườn mấy bực. Túi thơ thì sắp lủng đáy. Văn, thơ, nhạc thứ nào tôi cũng yêu, nhưng mỗi thứ chỉ thuộc vài bài, đoạn còn đoạn mất. Như thơ, ngoài Ông Đồ tôi chỉ nhớ Tình Già của Phan Khôi, trời xui đất khiến hôm nay Long hỏi đúng một trong hai nên tôi mới cà khịa được. Bây giờ đào đâu ra bài thơ Xuân ? À ! Thôi tôi nhớ ra rồi, hồi năm ngoái tôi và thằng Khải thua bài xiểng niểng, mới sáng mùng Hai Tết đã sạch túi, đành phải đứng dựa lan can lầu Đại Học Xá, nhìn bà con nườm nượp du Xuân, thằng Khải bất giác ngâm nga hai câu thơ, thấy đúng tâm sự mình tôi khen hay, còn hỏi hai câu thơ đó ở đâu mà ra. Khải nói đoạn thơ tả tình cảnh Dũng trong Đoạn Tuyệt.

                        Tôi liền tả oán :

                        – Như Thu biết chúng tôi là những sinh viên xa nhà trọ học, có năm vì hoàn cảnh đặc biệt không thể về quê ăn Tết, buồn lắm, thế nên hai câu thơ tiền chiến trong Đoạn Tuyệt tả tâm trạng bơ vơ của Dũng những ngày cuối năm được chúng tôi yêu mến nhứt vì cùng một tâm sự với chúng tôi.

Giũ áo phong sương trên gác trọ

Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang.

                        Đọc xong hai câu thơ, tôi thấy Thu có vẻ mơ màng, cảm động, chắc trong bụng nàng phục lăn tôi, tôi thừa thế tấn công :

                        – Giờ tới lượt cô giáo cho mấy thằng học trò già thưởng thức vài đoạn thơ Xuân nhé !

                        Thu nhỏ nhẹ, chậm rải :

                        – Nhà thơ tiền chiến Thu thích nhứt là Chế Lan Viên, thơ  » Xuân  » của ông rất lãng mạn và cay đắng.

Tôi có chờ đâu có đợi đâu

Ai xui Xuân đến gợi thêm sầu

Với tôi tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau…

                        – Bây giờ Thu còn thích Chế Lan Viên ?

                        – Thưa không.

                        – Lý do ?

                        – Mời anh nghe thêm một đoạn trong bài  » Xuân « 

Có những người nghèo không biết Tết

Mang lì chiếc áo độ Xuân tàn

Có đứa trẻ thơ không biết khóc

Vô tình bỗng cất tiếng cười vang…

                        Theo ý Thu, thời tiền chiến, đoạn thơ trên cùng với nhiều đoạn văn, bài thơ có nội dung tương tợ nhằm mục đích mô tả sự cơ cực của người dân dưới ách phong kiến thực dân, tác giả là Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Ngày nay cũng với nội dung trên, đoạn thơ mô tả cảnh không biết Tết của hàng triệu người Việt Nam nghèo khó ở khắp hai miền Nam Bắc, mà thủ phạm chính là những nhà thơ tiền chiến và chế độ cộng sản Hà Nội của họ, kẻ phát động cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa cộng sản, xâm chiếm miền Nam tự do, gây biết bao tang thương đổ nát trên quê hương. Làm sao Thu có thể tiếp tục yêu mến họ như xưa được phải không anh ?

                        Thu làm tôi bối rối, nàng đọc thơ rồi phê bình thơ, chuyện văn chương bước qua chuyện chánh trị, tôi bị hụt chân, không theo kịp nàng. Tôi chưa kịp phản ứng thì có tiếng pháo chuột lác đác nổ từ xa, Long hối mọi người đứng dậy đi dựng nêu và đón mừng giao thừa.

Đời sống miệt vườn

                        Những ngày vui Xuân ở cù lao Tân Hiệp đối với tôi là một chuổi ngày hoan lạc. Tôi đi tắm sông, tắm cồn, bơi xuồng, chèo ghe, chạy máy đuôi tôm, thăm những vườn ổi xá lị sai quả, nặng cành, vườn cam quít tuy đã hái hết trái nhưng rõ ràng là phì nhiêu, sung túc, những cánh đồng thơm mùi rạ, mùi lúa chín… Tôi trò chuyện với Thu và đón nhận những ánh mắt chứa chan cảm tình của nàng để tâm hồn bay bổng lên chín từng mây, để mộng tưởng, ước mơ một ngày mai không còn xa cách.

                        Và tôi phải nói ra đây thêm chuyện nhậu nhẹt, ngày nào cũng vậy, tôi hầu như « sáng xỉn, chiều say, trưa lai rai, tối tỉnh say nhậu nữa« . Tôi dự tính đi thăm hết bà con Xóm Vàm, Xóm Giữa và Xóm Trong, nhưng tôi và Long đã không ra khỏi cái Xóm Giữa có quá nhiều « ải rượu », say ở đâu thì ngủ lại đó, tỉnh dậy đã có nhà kế bên đợi sẵn để nhậu tiếp tục.

                        Rượu và đồ nhắm ở miệt vườn, không những vào dịp Tết mà bất cứ lúc nào cũng dồi dào, gần như vô lượng, trong khi tửu và thực lượng của tôi thì có hạn. Rượu đế thượng hảo hạng, nấu bằng trăm phần trăm nếp, nước trong vắt, rót ra ly sủi bọt không ngớt. Rượu nếp than màu tím nhạt, trên trong dưới đục, hậu vị ngọt ngào, uống vô cảm thấy nhẹ nhàng, không cay, không nóng, nghĩ rằng uống không biết bao nhiêu mới say, nhưng rồi ngã lúc nào không hay. « Huýt ky bà quẹo » chế biến đơn giản và nhanh, đổ một lít rượu đế và hai trái dừa xiêm vô một cái thau, quậy đều, thêm một cục đá lớn, uống rất êm, không cháy cổ như rượu chưa pha, ngọt và mát lạnh, nhưng « quẹo » cũng rất nhanh và êm ái. Rượu mít, rượu chuối hay « lão tửu » cần sự chế biến công phu hơn, mít nghệ hoặc chuối cau chín lột võ, phơi cho heo héo đoạn nướng trên than hồng đến khi vừa cháy xém, ngâm với rượu nếp khoảng hai ba tháng trước khi uống. Rượu mít vàng, trong vắt, lão tửu trắng đục, cả hai thứ trái cây nầy làm nên một loại thức uống đặc quẹo, ngọt và thơm. Rượu đậu nành, hổ cốt, tắc kè, chanh, sa kê… loại nào uống cũng khoái khẩu, nhiều lúc trong tiệc rượu, tôi ước mình được như một Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung, uống thật nhiều cho đã ông thần khẩu, rồi rượu chạy theo đường « nhất dương chỉ » phát tiết ra ở đầu ngón tay, để tôi được uống mãi, uống mãi, uống thêm nữa, cái tình cảm hiếu khách, chân thật của người dân miệt vườn.

                        Tôi không thể kể ra hết mười mấy tiệc rượu mà tôi đã tham dự, sợ mất thì giờ của quí độc giả, lại cũng sợ làm mình nhớ và thèm, nên chỉ kể ra đây một tiệc tiêu biểu.

                        Lúc đó là mười một giờ đêm mồng một Tết, chúng tôi đến nhà anh hai Thanh. Dưới ánh đèn điện phát ra từ chiếc máy dầu Yanmar, anh chị hai đang coi vô tuyến truyền hình, mấy đứa nhỏ không có ở nhà, có lẽ đang đánh bài cào con ở khu vực đình làng. Trên bộ đi văng cẩm lai, bốn vị « anh hùng » nằm ngủ ở vị thế không mấy ngay ngắn, chắc vừa trải qua một trận « tửu chiến » kinh hồn.

                        Anh hai thân tình:

                        – Bốn cha nội đây say quá về nhà không nỗi, tôi uống với mấy ổng sơ sơ hết gần ba lít rượu mít, tôi cũng mới đánh một giấc vừa thức dậy coi truyền hình với bà xã thì hai chú tới.

                        Anh hai lên đèn, thắp nhang trên bàn thờ để Long mừng tuổi ông bà, chị hai đi xuống bếp. Tôi nghe tiếng động dao, động thớt, mò xuống chơi, thấy chị hai đang dùng nhánh tre lụi qua thân hai con cá lóc bự. Chị xốc đứng nhánh tre trên nền đất sau nhà, lấy rơm phủ kín cá rồi châm lửa đốt. Khi lửa bén rơm, chị bắt hai con lươn vàng từ khạp da bò, đập đầu, vuột nhớt với tro bếp, rửa sạch, mổ bụng lấy ruột, rồi nướng trên than hồng để làm món lươn xé phai trộn gỏi dưa ngó sen và rau răm. Cách chị làm việc nhẹ nhàng, rụp rụp. Lươn vừa đặt lên bếp thì hai con cá lóc cũng vừa chín tới, gạt bỏ lớp vảy cháy xém bên ngoài để lộ thớ thịt trắng tinh, chị xẻ cá làm đôi theo đường sống lưng, bỏ mở hành vô.

                        Cá lóc nướng cuốn với bánh tráng, rau thơm, rau cần ống, rau vấp cá và đọt điều, chấm nước mắm me. Anh hai lôi một chai rượu thuốc từ trong tủ ra. Thấy rượu hơi lạ, tôi hỏi:

                        – Rượu gì vậy anh hai ?                    

                        – Rượu thuốc ngâm bìm bịp.

                        – Thuốc gì ? Bìm bịp là con gì ? Rượu thuốc ngâm bìm bịp có công dụng gì ? Cách chế biến ra sao ?

                        – Bìm bịp là giống chim rất khỏe mạnh ở miệt nầy, bắt cá tôm ngoài ruộng, dưới sông rạch, làm ổ trên cây cao. Loại chim bìm bịp có hai đặc điểm, thứ nhứt, hót khi nước bắt đầu lớn, nói rõ hơn là chúng kêu inh ỏi khi thủy triều lên, thế nên ca dao miệt vườn có câu:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi

Buôn bán không lời chèo trống mỏi mê.

                        Đặc điểm thứ hai của giống bìm bịp là có khả năng dùng dược thảo thiên nhiên chửa bệnh gãy xương rất hữu hiệu. Lợi dụng đặc tính đó, nông dân trèo lên cây cao, tới tận ổ chim bẻ chưn bìm bịp con hay bìm bịp ra ràng, chim mẹ thấy con bị thương sẽ đi tìm thuốc về băng bó, thuốc rất công hiệu, chỉ trong vòng năm bảy ngày là chỗ xương gãy lành lại như thường. Nông dân bắt bìm bịp ra ràng ngâm rượu, thuốc ở đây là dược thảo thiên nhiên đã ngấm vào cơ thể bìm bịp con. Rượu thuốc ngâm bìm bịp, phải ít nhứt là một năm, giúp chống lạnh, xương cốt dẽo dai, tăng cường sinh lực, ngừa phong thấp. À ! Mà mấy ông kỳ lão khuyên chỉ nên uống mỗi ngày một ly nhỏ thôi, nhứt là mấy người trẻ tuổi, dồi dào sinh lực, lại chưa có gia đình như hai chú uống nhiều rượu nầy sẽ bị… hà hà.

                        – Bị, bị… gì vậy anh hai ? Phải bị tẩu hỏa nhập ma hông ?

                        – Chú nói cái danh từ gì nghe có vẻ mới mẻ, thành thị quá, anh không hiểu, nhưng chắc cũng… gần gần như vậy !

                        Khi anh hai rót ly rượu thứ hai, tôi thắc mắc:

                        – Mấy ông kỳ lão nói tụi em không được uống nhiều rượu nầy mà !

                        – Mèn ơi ! Tao nói chơi mà tụi bây tin được sao ?

                        Tới hôm ấy bìm bịp mới ngâm vừa tròn ba tháng, phần chị hai làm món nhậu quá hấp dẫn, phần nhiệt tình của anh hai, ba chúng tôi đã uống cạn chai rượu không chừa một tí nước cốt để ngâm lại lần thứ hai.

                        Ngày vui qua mau, ạch đụi rồi hạ nêu cũng tới. Trên chuyến xe đò về lại thủ đô Sài Gòn, có lúc tôi miên man nghĩ ngợi, không biết ông Vũ Bằng khi viết bài Chuột Đồng trong cuốn Món Lạ Miền Nam, ông có thật sự về tận miệt Long Xuyên lúa sạ, ăn thịt chuột và yêu mến người em gái miệt nước nỗi ấy. Riêng tôi sau chuyến đi nầy, tôi đã thật sự ưa thích phong cảnh ruộng vườn, quí mến tính chân thành, hồn hậu của người nông dân, « chịu » những món ăn đồng quê, và nhứt là… mê em gái miệt vườn.

                        Long đang ngủ gà ngủ gật, tôi đánh thức hắn dậy:

                        – Ê Long, tao cho mầy biết, tao sẽ cưới em gái mầy, nhưng dứt khoát không có chuyện kêu mầy bằng anh đâu nghen.

                        Long nhừa nhựa:

                        – Ừ ! Thì có sao đâu !

                        Long lại dựa đầu vô thành ghế ngủ tiếp. Tôi lay mạnh hắn:

                        – Mà dứt khoát cũng không có chuyện con của tao và Thu kêu mầy bằng bác đâu nghen.

                        Long đổ quạu:

                        – Mầy sao lôi thôi quá ! Để yên cho tao ngủ một chút coi ! Con mầy kêu tao bằng cậu chớ làm sao bằng bác được !

BÁO TẾT, BÁO XUÂN … CÁCH ĐÂY 38 NĂM

BÁO  TẾT,  BÁO  XUÂN  … CÁCH  ĐÂY  38  NĂM  

(Bài viết được xuất bản năm 1992)              

Phạm  Thăng

Sạp báo Xuân

            Cứ độ cuối thu sang đông, nhìn tờ lịch treo tường, người Việt đang sống bốn phương trời xa lạ đều nhớ về quê hương.

            Người ở thôn quê trước đây thì nhớ hàng cau già in dáng gầy trên nền trời trong đêm trăng sáng, nhớ những tàu lá dừa lả ngọn ven sông, nhớ dề lục bình trôi lững lờ, nhớ hương bưởi hương cau, nhớ mùi rạ mới. Chao ơi, nhớ lắm, nhớ tiếng tu hú kêu vào buổi chiều gió chướng, nhớ tiếng chày vồ quết bánh phồng vào những ngày Tết, nhớ buổi lặt lá cây mai vàng trước sân cho kịp nở đầu Xuân, nhớ đến đôi liển dán trên cột trước hàng ba, mực đen ánh trên giấy hồng điều, nhớ những buổi trưa ngồi trên bờ rạch chờ xuồng của mẹ đi chợ Tết về…

            Người ở thành thị nhớ chợ hoa nhộn nhịp, áo màu khoe sắc với hoa tươi, nhớ những đống dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng chất cao như núi nhỏ dọc theo bến chợ có nhiều gian hàng bánh mứt ồn ào chen chúc kẻ bán người mua, nhớ mấy sạp báo khác hẵn ngày thường vì có treo quanh sạp nhiều tập báo Xuân đủ màu đủ cở.

            Bao nhiêu nỗi nhớ in sâu vào tiềm thức đã được nhiều bạn ghi lại trên giấy suốt mấy năm qua để thương về quê cha đất Tổ. hôm nay tôi xin gởi đến các bạn kỷ niệm về báo Tết, báo Xuân.

             Hàng năm, báo chí Việt có thông lệ ra tập báo Tết. Tôi nhớ từ năm 1943, 1944, vài tờ báo ở Hà Nội đã có ra số đặc biệt Xuân  với bìa và phụ bản vẽ bóng bẩy của Họa sĩ Tô ngọc Vân, Thịnh del…

            Thời kỳ đó phụ bản màu in bằng lithographie (thạch bản) được ba , bốn màu với nét chấm (trame) đậm nhạt đã là tác phẩm nghệ thuật tiến bộ rồi. Độc giả hoan nghinh những hình ảnh cô thiếu nữ áo lụa trắng, búi tóc buông lơi đen huyền, má hồng môi đỏ đứng dựa gốc đào, tựa là Hoa đào trước gió hoặc cảnh Hái lộc đầu Xuân với đền Ngọc Sơn  đông người chen chúc, cầu Thê Húc màu son với nhiều thiếu nữ xanh đỏ, ai ai cũng thích (ờ mà lạ thật, cứ vẽ tranh là họa sĩ vẽ thiếu nữ).

            Lúc bấy giờ, tôi đã 14 tuổi. Ba tôi và chị tôi là độc giả thường trực của Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ Thông bán nguyệt san, nên những hình ảnh số Xuân năm ấy không thiếu trong nhà, riêng tôi đã có những tập cho thiếu nhi như Sách hồng, Hoa Mai, Cậu ấm cô chiêu, Truyền bá, dù khuôn khổ nhỏ vẫn có bìa ba màu xanh, đỏ, đen do họa sĩ Nguyệt Hồ trình bày.

            Mỗi tuần tôi bồn chồn đến nhà sách quen thuộc của tỉnh Châu Đốc để chờ tập báo thân yêu đến từ Hà Nội cách xa gần 2000 cây số, và khi chiếc xe đò quen thuộc ngừng trước cửa tiệm, biết có sách mới về, tôi đã có mặt để sau đó ôm tưng tiu tập sách, không đọc vội, sợ bay mất hơi hướng giấy mực nhà in. Mùi thơm của giấy đã in sâu vào lòng nên đến năm 1947, từ miền Tây ba tôi cho lên Sài Gòn học vẽ họa đồ công chánh, tôi lại vào trường Mỹ Thuật Gia Định học vẽ trang trí, ấn loát… chỉ vì trót mê các phụ bản của các anh họa sĩ lúc bấy giờ là Hưng Hội, Thế Chương. Những phụ bản báo Thần Đồng do anh vẽ đã thúc giục tôi lao vào báo chí hồi nào không hay.

            Năm Canh Dần ghi sâu kỷ niệm bằng tờ báo Xuân đầu tiên : tờ Xuân Tuổi Trẻ. Tờ nầy do một số học sinh trường Mỹ Thuật « hùn tiền » để ra mắt bàng dân thiên hạ.

           Tâm trạng chúng tôi lúc đó, đứa thì khoái tranh khôi hài, đứa được vẽ bìa màu, đứa nạo óc non để « có bài đăng báo » hầu góp mặt trên… văn đàn với đàn anh, nên tiền cơm tháng, tiền ăn quà biến thành 2000 số báo Xuân năm đó.

           Sau khi phân công, tôi gò gẫm nắn nót về chuyện Táo quân, anh Nam có khiếu « nhớ thơ » của người, phụ trách mục Thơ thẩn, đang nhìn trần nhà, miệng rên ư ử :

 Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau..

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu…ư…ư…

            Nghe anh đọc chán lỗ tai mà chưa thấy anh viết được câu nào, giấy vụn bỏ đầy bàn.

            Anh Lâm Tư, người nhỏ loắt choắt nhưng là kẻ đứng đầu lớp môn vẽ hoa-lá-thú-chim nên được vinh dự vẽ bìa. Anh chàng ít nói nhưng rõ ràng đôi mắt sáng rực niệm kiêu hãnh « được vẽ bìa báo Xuân ». Sau bốn đêm bôi bôi, xóa xóa dưới ánh đèn dầu, cái bìa được cả bọn gật gù tán thưởng. Đó là hình con cọp đang nhe nanh, mình vàng rằn đen. Đôi mắt cũng ngầu lắm !

             Bọn tôi ngây thơ cứ tưởng sáng tác học được ở trường cứ đem áp dụng cho ấn loát, dễ quá, nào ngờ khi đem đến nhà in, họ nói vẽ kiểu nầy khó thực hiện, phải đơn giản nét lại để làm cliché in ty-pô.

            Thời kỳ đó ngành ấn loát tại Sài Gòn chưa biết phân lọc màu theo phương pháp ốp-sết (offset). Muốn đạt được như hình mẩu phải gở qua tận Hồng Kông, tiền chỉ có bấy nhiêu nên chúng tôi phải chịu sửa lại và khi in xong, bìa Xuân cũng màu mè, đen vàng như ý muốn, nhưng trông con cọp yếu xìu, quờ quạng… Không sao, cũng là Canh Dần mà !

           Chắc chắn nội dung và hình thức nếu so với ngày nay thì thua những đặc san của các bạn trẻ ở đây với kỹ thuật ấn loát cao, tài liệu dồi dào, nhưng tờ báo Xuân của chúng tôi cũng đã tạo niềm phấn khởi cho 9 học sinh suốt tháng 10, tháng 11 và mãi đến ngày 23 tháng Chạp năm đó mới… xẹp đi phần nào.

            Ngày 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về chầu Trời, chúng tôi đến nhà anh Ngũ văn Bằng, đại diện nhóm giao dịch với nhà phát hành Nam Cường để lấy tiền, với hy vọng tràn trề : năm nay mua quà Tết về cho gia đình bằng tiền mình tạo ra và sẽ mang tác phẩm về quê cho các bạn ở Long Xuyên, Châu Đốc « lé chơi ».

            Chín đứa chúng tôi ngỡ ngàng nghe báo cáo báo bán lẻ Sài Gòn có 25 số, các tỉnh phải qua Tết mới thanh toán, và đến ngày nay chưa thấy nhà nào đòi gởi báo thêm.

            Chết cả đám chưa ! Tưởng đâu in 2000, bán sơ sơ cũng trên 1000 số, trừ tiền huê hồng thì có tiền về xài Tết huy hoàng, ai dè tiền bán 25 số báo, trừ đi 50 phần trăm huê hồng cắt cổ của nhà phát hành, chúng tôi chỉ còn đủ tiền ăn đậu đỏ bánh lọt  ở Đa Kao để chia tay về quê ăn Tết.

            Nhưng chúng tôi còn được an ủi vì mỗi cậu ôm về cả xấp báo để tặng bà con bạn bè quê nhà để được khen: Chà ! Thằng nầy cũng làm báo ! Vả lại cũng còn hy vọng qua Tết trở lên Sài Gòn thâu tiền đợt sau…

            Chợ Châu Đốc chỉ có hai nhà sách và một sạp báo. Nói là sạp báo cho oai vì cuối năm, vào dịp bán báo Xuân mới xuất hiện sạp nầy tại bến xe. Về sách, tạp chí, nhà xuất bản từ Hà Nội gởi vào chi nhánh tại Sài Gòn để nơi đây phân phối để nơi đây phân phối xuống các tỉnh, riêng về báo ngày lúc bấy giờ chỉ có mấy tờ: Thần Chung, Đuốc Nhà Nam, Phục Hưng, Tin Điển… hàng tuần có Tiếng Chuông nên dân Châu Đốc  khao khát đón chờ mỗi ngày vào khoảng một giờ trưa. Họ chờ chuyến xe từ Sài Gòn về.

           Phải nói là dân chúng xa thủ đô thèm đọc tin tức chiến sự, tin trong nước của báo Đuốc Nhà Nam cũng lắm mà chờ đọc truyện Châu về Hiệp Phố của nhà văn Phú Đức đăng trên báo Thần Chung thì nhiều. Thời gian nầy chưa có truyện chưởng của Kim Dung nên truyện Châu về Hiệp Phố ăn khách với những hồi đánh võ gay cấn, bắn súng lục bách phát bách trúng của Hiệp Liệt (một Zorro của thời bấy giờ).

            Độc giả chán ghét những cuộc bố ráp của quân đội viễn chinh Pháp, chống đối ngầm bằng cách tìm đọc trên báo chí để bàn tán quanh ly cà phê những chuyện ly kỳ hồi ký của Sơn Vương, chúa đảo Côn Nôn năm 1945, những chuyện thương tâm trong lao tù của tù nhân chánh trị vừa qua, những chuyện dọc ngang một thời của lãnh tụ Bình Xuyên, Ba Dương v,v… và chàng hiệp sĩ tên Hiệp Liệt với đứa đầy tớ tên Lục Tặc đã làm khoái chí họ, tờ báo Thần Chung được tranh nhau mua sớm.

            Dịp nầy cũng nên nhắc đến hiện tượng lạ trong giới xe đò miền Tây lúc bấy giờ: để làm vừa lòng khách muốn đi mau, về sớm và phục vụ độc giả mê báo, các ông chủ xe đò Đại Đồng và một hiệu xe khác tôi quên tên ra giải thưởng bằng tiền mỗi ngày cho anh tài xế nào lái xe từ Sài Gòn về đến bến sớm nhứt. Cũng may lúc đó xăng tốt không pha tùm lum, bánh xe cũng ngon lành nên mặc dù các bà lớn tuổi thấy xe chạy ào ào tranh nhau qua mặt để đến bắc Mỹ Thuận, Vàm Cống khỏi bị kẹt công voa (convoy: đoàn xe nhà binh có hộ tống) các bà chỉ biết niệm Phật, cầu Chúa cho tai qua nạn khỏi suốt lộ trình 250 cây số, đâu dám phản đối các bác tài trẻ tuổi vừa thích tiền thưởng vừa muốn được tiếng chạy giỏi, chạy hay của… tỉnh nhà.

            Vì vậy ngày thường đâu cần sạp báo nầy, chỉ khi nào quanh nhà lồng chợ mọc lên những gian hàng Tết là bến xe có thêm sạp báo Xuân.

            Tôi đạp xe qua lại để tìm « tác phẩm » của mình và cảm thấy râm ran trong lòng khi thấy tập báo nhỏ nằm khiêm nhường cạnh mấy tờ Xuân khuôn khổ to lớn hơn. Nói là khiêm nhường vì nó được xếp cạnh những tập có bìa màu xanh đỏ tươi tắn thì nó trông giống một tạp chí thường nếu không để ý thấy con cọp nhe nanh và chữ Xuân Tuổi Trẻ.

             Ngày nào tôi cũng đi qua đó để thấy những tập Thời Cuộc, Thần Chung vơi đi mà Xuân Tuổi Trẻ vẫn phơi gan còn lại.

            Một hôm tôi đánh bạo chỉ tờ Tuổi Trẻ hỏi bác bán báo. Bác ta vui mừng tưởng tôi mua, sau đó biết tôi hỏi thăm kết quả, bác cười thông cảm, trả lời:

                        – Cũng được ba số rồi !

                        – Trời hỡi ! Từ 20 tháng Chạp đến 29 Tết chỉ bán được 3 số !

            Gia đình tôi và vài bạn được tôi cho báo, có đứa phục lắm và khen nữa (báo cho, đâu cầm mua mà lại chê sao) chỉ có chị tôi nói:

                        – Chị đọc thấy bài vở… ít quá, em à !

            Cái Tết năm đó sao mà lâu hơn mọi năm, chắc các bạn tôi cũng trông mau tới ngày mùng 8, tựu trường lên Sài Gòn để thâu tiền báo.

           Kết quả là chúng tôi vỡ mộng ban đầu của tuổi trẻ hăng hái « mê làm báo ». Chúng tôi chỉ lấy được tiền vài chục số báo ở đợt sau, đủ làm tiền mướn xe ba bánh chở gần 2000 tập báo Xuân, nói theo văn nghệ, văn gừng: « đứa con tinh thần đầu lòng » vào Chợ Lớn cân ký lô cho Ba Tàu, vớt vát số tiền nhỏ về trả tiền cơm tháng còn thiếu trước Tết.

            Và nhờ bị thất bại, chúng tôi mới biết là dầu báo Xuân hay báo thường cũng đều cần có những quảng cáo của các hãng buôn, mới thâu lại phần nào tiền chi !

           Chúng tôi hy vọng nhiều để thất vọng lớn, nhưng thất bại cũng phải, vì năm Canh Dần nầy, lần đầu tiên báo Xuân miền Nam in màu, khổ lớn.

            Tờ Thời Cuộc của ông Đinh xuân Tiếu trình bày cô gái miền Nam, bới tóc, choàng khăn quàng cổ, gương mặt phúc hậu, màu xám nhạt, nền xanh hồng, in thạch bản tại Sài Gòn Ấn Quán. Báo lại có nội dung phong phú với nhiều cây bút già dặn như Thiên Giang, Thê Hút, Tam Ích, Quốc Ấn, Lê văn Ngôn… và độc đáo hơn là tờ Thần Chung của ông Nam Đình Nguyễn thế Phương, bìa báo được nhà in Hoa Dương o bế gởi sang Hồng Kông mướn làm bản phân màu và in bằng phương pháp ốp-sết tại … Chợ Lớn. Bìa là hình nguyên gương mặt cô gái má phính đều đặn, mặc áo dài hoa sặc sỡ. Các anh ba tàu retouche phân màu và được nhà in Chợ Lớn in nhiều màu hồng nên trông giống cô gái Tàu, nhưng vẫn hấp dẫn hơn những tờ vẽ nét, vả lại cái tên Thần Chung và bài trong ruột đã làm say mê độc giả dễ tánh sống trong nước bị lửa loạn đang nhìn về thế giới tự do mà thèm đi, thèm sống.

            Suốt 36 trang ruột đầy hình đen trắng, thu thập trên các tạp chí Tây Âu như Paris  Match, Life… với nội dung đường xa xứ lạ, sưu tầm các kỳ quan thế giới như con thanh sư trước Kim Tự Tháp Ai Cập, tháp nghiêng thành Pise, những chuyện lạ bốn phương như cô gái khổng lồ nặng 387 kí lô, người lùn nhứt thế giới… những chuyện không dính dáng tới Việt Nam, không có hình ảnh « nàng Xuân e lệ » đến thềm năm mới gì gì cả, nhưng tạo được sự thoải mái, lòng hiếu kỳ của độc giả.

            Sau hai tờ nầy, tờ Tin Điển của cô Anna Lê Trung Cang có các cây viết cừ khôi là Nam Quốc Cang, Trần Tấn Quốc mổ xẻ thời sự, Thiệu Võ tường thuật thể thao, Ngọa Long, Việt Tha Lê văn Thử viết hồi ký, chuyện vui, tờ Khỏe của các anh Phan Như Mỹ, Thanh Đạm, Lê Quang Ngà chuyên về thao trường, hình bìa in ba màu vàng đen đỏ, vẽ một ngôi sao có sáu gương mặt lực sĩ đang nổi danh: võ sĩ Minh Cảnh, cầu thủ Phan Như Mỹ, tay vợt tơ nít Võ văn Bảy, bơi lội Nguyễn văn Phân, cây vợt bóng bàn Mai văn Hòa, cua rơ Lê thành Các… được giới trẻ khoái lắm.

            Từ Tết tới mãn khóa năm đó, chúng tôi không dám nghĩ đến văn nghệ, tỏi, gừng gì nữa, nhưng chắc nghiệp dĩ của tôi phải ăn cơm nhà báo nên gần cuối năm đó tôi vẽ lại truyện bằng tranh: Sự tích ông Táo, mang đến báo Tiếng Chuông của ông Đinh văn Khai, lúc bấy giờ còn là tuần báo, vài tháng sau ra báo ngày. Ông là vị thầy đầu tiên đời làm báo của tôi. Ông nhận tôi làm họa sĩ cho nhà báo, chuyên vẽ tiêu đề, manchette, vignettes…

            Tôi được gia nhập làng báo trong lúc báo Tiếng Chuông đang chuẩn bị số Xuân Tân Mão 1951, được sống chung với mấy ký giả lớn tuổi mà từ trước đến nay chỉ « văn kỳ thanh » chớ chưa được « kiến kỳ hình », tôi hãnh diện vô cùng.

            Rút kinh nghiệm năm vừa qua, năm nay các báo chuẩn bị kỹ, cố gắng hết mình cho số báo Xuân để làm đà tiến cho số thường, nên các ông bà chủ báo âm thầm kiếm họa sĩ vẽ bìa và dặn trước nhà in không được cho ai biết hình dung bìa của báo mình.

            Báo Tiếng Chuông do họa sĩ Thế Chương vẽ một thiếu nữ đẹp ngồi vuốt ve con mèo, phía trên là chữ Tiếng Chuông Xuân Tân Mão 1951 và bình hoa mai. Áo cô gái màu vàng, nền cũng màu kem, nên tờ báo trông sáng sủa lắm.

             Tôi là thành viên chuyên nghiệp của nhà báo, nhìn thấy hình vẽ già dặn, màu sắc hài hòa và nét chữ cứng cát sắt nét của Thế Chương mới thấy mình còn là học sinh non. Tôi được giao nhiệm vụ vẽ tựa cho bài vở số Xuân.

            Ông Phi Vân, tác giả cuốn Đồng Quê, giải nhứt cuộc thi văn chương của Hội Khuyến Học Cần Thơ 1943 là chủ bút báo Tiếng Chuông, hiền hậu, đạo mạo như thầy giáo, vì túi bụi lo cho báo, cắt xén bản tin, sắp xếp bài phóng sự điều tra, xào nấu cách nào cho hấp dẫn độc giả mà vừa khẩu vị các ông kiểm duyệt trên Nha Thông Tin, nên giao cho anh Phong Đạm phụ trách hẵn số Xuân nầy.

            Phụ trách không phải viết hay tìm tòi tài liệu gì cả, mà chỉ lo gom các bài của ký giả, hoặc lựa, đọc kỹ những bài do độc giả gởi tới.

            Tôi được sáng mắt khi thấy bài vở Xuân về rất nhiều, không như lúc trước chúng tôi mò mẫm, nạo óc non nớt để viết ra.

            Phải nhận rằng lúc ban đầu tờ báo Xuân chỉ là đặc san cuối năm viết về đề tài Xuân do các ký giả của báo hằng ngày viết để có tiền thưởng của chủ báo ngày Tết, giống như tiền bonus. Chủ báo bày ra việc xuất bản để có dịp thâu lại phần nào tiền thưởng của mình, nào ngờ được độc giả hoan nghinh, sau đó thành thông lệ, cứ hàng năm còn hơn hai tháng nữa mới Tết, các cây viết chuyên nghiệp nghèo đã nghĩ đến đề tài cho bài Xuân và các ông bà chủ báo giàu như Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới, Phụ Nử, Thần Chung đã lo tìm họa sĩ để lôi cuốn bạn đọc.

            Phải ở trong làng báo mới thương những ký giả nghèo chạy tiền Tết cho vợ con. Mới tháng Mười, ngoài thiên hạ chưa thấy gì rục rịch năm hết Tết đến, mà các anh đã lo thai nghén tác phẩm rồi. Các anh cũng dấu đề tài kỹ lắm, để bài mình được độc đáo hơn mới mong nổi tiếng chớ.

            Báo Tiếng Chuông là báo bề thế, qui tụ nhiều ký giả có tiếng. Ngoài các cây viết nổi danh như Bình Nguyên Lộc, Tiểu Nguyên Tử viết bài gởi đến, ký giả thường trực tại nhà báo có Phi Vân, Việt Quang, Nguyễn Duy Hinh, Đoàn Hùng, A. Trung, Phong Đạm, Quốc Phượng. Để lo cho báo hàng ngày còn có các anh Phan Như Mỹ, Huyền Vũ, Nguyễn Ang Ca, An Khê, Ngọc Sơn, Thanh Thủy… viết bài và ghé qua tòa soạn lúc nào cũng được.

            Anh Tiểu Nguyên Tử tức Luật Sư Dương Tấn Trương là cây viết chuyên về bài châm biếm hằng ngày. Bài viết cay độc nhưng dí dỏm, anh chơi chữ thật tài tình, bọn tham quan mọt nước, các tay hạm chuyên áp phe rất ngán anh mà vẫn phải cười thua. Còn nhiều anh nữa, nên lúc gần Tết, bài vở về Xuân gởi về nườm nượp, ông chủ nhiệm, ông chủ bút phải tách riêng một bộ phận chỉ chuyên lo về số Xuân, và phân công cho mọi người viết tùy theo cảm hứng của họ.

            Những bài chung chung về đề tài bói toán đã có anh Huỳnh Liên, Anh Đỗ. Các anh tha hồ tán hưu, tán vượn cũng trúng đấy nhé, nên các bà, các cô mua báo Xuân để dành đọc tới, đọc lui suốt năm). Bài về hồi ký trong tù có cụ Võ Oanh, bài về các tay tổ rừng Sát có anh Tô Yến Châu với giọng văn bóng bẩy duyên dáng, những bài về thể thao, kịch trường có Phan Như Mỹ, Huyền Vũ, Nguyễn Ang Ca cứ xào nấu các thành tích trong năm của các lực sĩ rồi thêm danh từ, hình dung từ, động từ thật dao to búa lớn là độc giả thể thao mê liền. Kịch vui ngắn do Huyền Vũ viết rất dí dỏm, bố cục linh động. Những năm nầy, tên Huyền Vũ nổi bật với những kịch ngắn đăng trên Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới còn hơn Huyền Vũ nói trên đài phát thanh sau nầy.

           Tôi đọc bài các anh để tìm ý vẽ tựa nên thấy các ký giả gởi bài đến sớm nhứt vẫn là những người viết đề tài: Năm Thìn nói chuyện Rồng, năm Mão nói chuyện mèo… Các anh lục lọi tìm tài liệu lịch sử kể lại những biến cố quan trọng, hoặc năm Thìn xa xưa có bão lụt, chuyện con mèo ngậm ngọc, con mèo đi hia… nhưng lại thương các anh viết đề tài Tết.

           Nhìn anh ký giả ôm xấp bản thảo ngoài cửa bước vô, miệng cố cười nhưng méo xệch, có lẽ vì thức sáng  đêm để viết cho xong, thiếu cà phê thuốc lá (vì nghèo), đầu tóc còn chưa chải, nhưng bài của anh: Xuân đã về với mọi nhà hoặc  Cành mai nơi quê ngoại hoặc Nồi thịt hầm đêm ba mươi… Chao ơi ! Chạy ăn muốn hụt hơi, nhưng các anh nạo óc tưởng tượng để hiến cho độc giả hình ảnh vui tươi của ngày Xuân êm đềm…

            Một hạng ký giả còn ngon lành hơn nửa là ký giả viết « cuộc chạy đua ». Các anh tự tạo ra cuộc chạy đua trong làng báo hoặc trong hàng ngũ nghệ sĩ. Dù là cuộc đua tưởng tượng nhưng phải dựa vào ít nhiều sự kiện có thật trong năm qua, anh thêm mắm thêm muối thế nào để cho độc giả đọc bài mà hình dung cảnh tranh đua trong giới. Ví dụ, « bà Bút Trà chạy xe đua qua mặt ông Đinh văn Khai nhờ bài báo không có thật mà rất giựt gân: Người đàn bà lấy khỉ tại… Cà Mau« , hoặc « ông Nam Đình vọt qua mặt các báo khác bằng bài bắt hạm của Nguyễn Duy Hinh: Con cọp ăn bạc ở Lăng Ông Bà Chiểu« …

            Loại nầy là sở trường của Nguyễn Ang Ca. Anh quen nhiều, viết hay, né giỏi, viết đúng sự thật mà các đương sự trong cuộc không giận, nhưng vẫn bị nhiều người đẹp níu kéo… Người đẹp Kim Cương cằn nhằn: « Em hổng chịu viết em như vậy à nghen ! ».

            Tôi vẽ tựa cũng đại khái theo tưởng tượng hình con mèo hay thôn nữ bên cành mai, tùy theo ý bài rồi viết chữ tựa lớn vào.

            Một kỷ niệm nhớ mãi là lúc đó trình bày hai hay ba cột và hình vẽ thòng xuống một cột, trông giống cây súng sáu, cái nào cũng na ná như vậy. Có hôm ông Tam Mộc Mai Lan Quế, ba của bạn tôi, anh Mai Lan Phương, học trên tôi một lớp, đến chơi thấy tôi vẽ như vậy có phê bình: « cậu vẽ có một kiểu giống cây súng sáu vậy ! ». Mà đúng thật. Từ đó tôi trình bày đổi thay, có khi vẽ tựa và hình thẳng từ trên xuống. Ngoài tôi còn có họa sĩ Hiếu Đệ và Bạch Đằng vẽ tiếp. Họa sĩ Hiếu Đệ chuyên vẽ tranh sơn dầu mà lại vẽ hí họa rất bay bướm điêu luyện, họa sĩ Bạch Đằng vẽ chuyện tranh: Quang Trung đại phá quân Thanh

            Cuộc đua của các báo về số Xuân cứ diễn âm thầm suốt tháng Chạp. Báo lớn giàu có đã có nguyên một ban lo liệu và đủ tiền mua giấy bìa, giấy ruột in xong trước tháng Chạp, chỉ thương báo nghèo cũng ráng vay nợ mua giấy mướn in cho kịp ngày.

             Ký giả chúng tôi đã ký « bông » lảnh tiền xài hết nhẵn mà năm vẫn còn cũ xì, đã thấy Xuân sang đâu. Lúc thấy còn ứ đọng bài vở, ban làm báo Xuân  bèn có ý kiến: nên giải quyết nhiều bài hay, giá trị (hoặc vì độc giả gởi trễ hoặc do các an hem nhà sáng tác thêm) vào số báo tất niên và số tân niên 8 trang. Chủ nhiệm chịu liền, thế là các anh có dịp ký « bông » nữa. Cái « bông » nầy mới thật là hoa Xuân. Tôi đã ngồi ở ban quản lý Tiếng Chuông nhiều năm nên biết rõ cái « bông » ngày cận Tết của anh em trót mang nghề ký giả, ca tụng cái đẹp mùa Xuân mà nghèo nầy.

            Đến ngày hai mươi tháng Chạp âm lịch, nha Thông Tin mới cho bán báo Xuân. Cả thành phố như nở hoa. Sạp báo nào cũng đua nhau căng dây chung quanh để treo bao Xuân rực rỡ. Có sạp ở Gia Định, gần Lăng Ông Bà Chiểu căng dây từ sạp qua gốc cây gần đó để người đi đường dù đi xe mau hay đi bộ chậm cũng thấy các cô gái trên bìa báo cười duyên với mình. Đêm đến, các sạp đốt đèn điện sáng trưng để bán tới khuya. Ai ai cũng thấy quang cảnh nhộn nhịp của người bán cười tươi chào mời, người mua không biết tập nào giá trị, tập nào đẹp.

            Đúng là giới nhật trình ăn Tết sớm hơn các giới khác.

           Theo lịnh chủ nhiệm, tôi đi vòng quanh Sài Gòn, Gia Định để thăm dò tình hình của báo nhà và thực lực của báo khác.

           Đa số hình bìa vẫn là thiếu nữ, nhưng ấn loát tiến bộ hơn. Báo Thần Chung do họa sĩ Nguyễn văn Ky trình bày bằng phấn tiên (pastel) cô gái nhu mì, lại có thêm phụ bản màu hình Đức Mẹ Việt Nam (gương mặt, áo dài, khăn đội đầu Việt Nam) đứng trên quả địa cầu ban phước lành do thầy tôi là ông Bùi Kỉnh vẽ. Độc giả thích lắm chen vào mua vì báo có bìa mà lại thêm phụ bản đẹp để treo tường. Báo Sài Gòn Mới do Lê Trung vẽ cô gái áo dài màu xanh đứng dựa gốc cây chờ đò bên ven sông. Người đẹp của họa sĩ Lê Trung thì ngực nào cũng căng phồng nhựa sống, eo bụng nhỏ xíu, môi son mọng như trái nho ngon lành, và đặc biệt là cô nào cũng giống nhau.

            Báo nầy bán chạy nhứt ở tỉnh vì dân chúng thích có hình màu đậm đà để trang trí cho tươi nhà. Độc giả Sài Gòn trầm trồ khen gái đẹp nầy ở vùng quê hay ở đô thành về ? Họ muốn theo người đẹp về bên sông nầy, nhưng chọn lựa mãi, họ lại mua tờ Tiếng Chuông hoặc Việt Thanh của ông Văn Hoàn. Năm nay có nhiều báo xuất hiện do những cây viết tên tuổi đảm nhiệm. Có những tập giai phẩm Xuân không cần hình thiếu nữ cười duyên mời mọc nhưng bài vở súc tích như Nhân Loại, Đời Mới của cụ Trần văn Ân vẫn được độc giả tìm mua.

            Độc giả khó tánh đứng bên sạp báo lựa mãi, so sánh… Toàn là độc giả, tôi không thấy anh ký giả chuyên nghiệp nào léng phéng bên sạp báo như tôi năm vừa qua ở Châu Đốc thập thò tìm tác phẩm của mình. Các ký giả đang chạy đua với thời gian để lo Tết cho gia đình và chuẩn bị số tân niên từ ngày… còn trong năm. Chỉ có các ông bà chủ báo giàu hỉ hạ chờ anh cập rằng báo ôm cặp tiền đến thanh toán (cho báo phát hành tại thủ đô). Báo phát hành dưới tỉnh sẽ được thanh toán sau Tết.

            Riêng tôi cố tìm trong số lượng báo chí bày lên sạp báo có bao nhiêu tập san Xuân của nhóm thanh niên say mê tiếng gọi của báo chí ? Chắc chắn năm nào cũng cá một vài tập san mang hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, hy vọng góp mặt với trường văn trận bút, nhưng tiếc lắm, đa số đều phải « trả góp » tiền nợ khi qua giêng.

            Nhưng giới nào cũng vậy, « thất bại là mẹ của thành công » nên phải có những tập san nhỏ dò dẫm ban đầu mới mong thâu thập kinh nghiệm để làm ra tập báo lớn sau nầy. Giới cầm bút có rất nhiều ký giả tên tuổi đã từng xuất thân ban đầu bằng giai phẩm nhỏ.

            Theo chu kỳ, sau năm Mèo đến năm Thìn, sau Thìn đến Tị… Mỗi năm có ý mới thay ý cũ, vậy mà những đề tài nồng cốt kể trên vẫn đại khái như vậy: năm Tị kể chuyện rắn, năm Ngọ kể chuyện ngựa… chỉ có hình bìa cải tiến không ngừng. Họa sĩ Lê Trung được ăn khách nhờ tranh vẽ hấp dẫn thêm mấy năm sau phải nhường cho hình chân dung phụ nữ đẹp của nhà nhiếp ảnh Tân Mỹ, Bình Minh rồi sau có Đống Đa.

            Trước tiên là hình nghệ sĩ điện ảnh Thu Trang, Trang Thiên Kim, Kim Vui, Mỹ Lệ Hoa của ban vũ Lưu Bình, Lưu Hồng… rồi đến Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Khánh Ngọc… Ôi ! Bao nhiêu vẻ đẹp, bao nhiêu nét khả ái, thùy mị, hấp dẫn, nhí nhảnh… năm nào cũng được đưa lên mặt báo Xuân để khách đi đường vào những ngày cuối năm được bao nhiêu người đẹp chào đón, mời mọc trong lúc họ chạy tiền Tết cho vợ con muốn hụt hơi.

            Hổng lẻ cứ người đẹp làm bìa hoài sao ? Mà đố có ông bà chủ báo nào dám đưa gương mặt hay thân hình phái nam lên bìa Xuân, dù có tiếng như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Vân Hùng… nên khoảng năm 1958, 1959 các báo đổi phụ bản thành bản đồ Việt Nam, bản đồ Thế Giới với hình lạ đẹp, in màu sắc rõ ràng, có thể treo nhà, vừa để coi, vừa để học.

            Từ sau cuộc di cư 1954, văn nghệ sĩ miền Bắc, Trung nhảy vô làng báo. Nhiều cây viết, nhiều sáng kiến độc đáo, nên độc giả báo Xuân bị chia manh xẻ mún, các báo trước kia không còn làm mưa làm gió nữa. Có năm bìa báo Xuân không là cô gái đẹp mà là bức tranh dân gian nghệ thuật như tranh lợn, hái dừa. Các báo cũng cố gắng giữ nếp cũ, không để độc giả thiếu quà tặng, nên thay cho phụ bản Bản đồ là cuốn lịch 6 tờ hoặc một tờ lịch lớn. Độc giả lại hoan nghinh vì vừa có báo đọc vừa có nguyên cuốn lịch màu với sáu cô xinh đẹp tặng không. Các nhà buôn lịch la ơi ới.

            Báo Xuân, báo Tết, món ăn tinh thần của mọi gia đình ngày Xuân và là « tiền Tết » của các ký giả nghèo cứ theo mà tồn tại, dù cho vật giá kiệm ước leo thang, đồng tiền có bị lạm phát.

            Ngày Tết, nhiều gia đình bày tập báo Xuân trên bàn khách cạnh gói thuốc, chén rượu đãi bạn bè. Có đọc hết 7, 8 tập báo Xuân đó chăng ? Không cần biết. Miễn là trên bàn có bánh mứt, củ kiệu la-de, mai vàng, dưa hấu đỏ mà thiếu báo Xuân thì coi như nhà nầy thiếu không khí Tết.                     

            Cho đến năm 1975, Xuân Ất Mão là con mèo cuối cùng bị cộng sản đuổi chạy khỏi khung trời Xuân thân thương quen thuộc.

            Những bạn ký giả nghèo không còn dịp nạo óc kể chuyện Xuân đã sang trong khi còn năm cũ, không còn hớn hở ký « bông  » lãnh tiền nhuận bút bài Tết đem về cho vợ con kịp chạy ù ra chợ Bến Thành mua bánh mứt, chậu hoa vạn thọ cúng ông bà.

            Giờ đây chúng ta lưu lạc bốn phương trời. Người ở vùng nắng cháy miền Nam nước Mỹ, người ở tuốt phương Bắc sáu tháng tuyết phủ giăng giăng, kẻ ở Âu, người ở Úc… bao giờ có dịp nhìn thấy những sạp báo Xuân với hình ảnh các cô gái dễ thương mỉm cười mời mọc ? Nhìn lại những tập báo mang tim óc của giới cầm bút viết lại những cái hay, cái đẹp của quê hương cho độc giả giải trí trong ba ngày Xuân ?

Cảm nghĩ về Mùa Xuân

Cảm nghĩ về Mùa Xuân   

Albatros

Trích Đặc San Xuân Hàng Hải 2015

            Xuân về, Xuân về… Như hàng Năm, khi mùa Đông ra đi, khi những cánh chim én, không hẹn nhưng lúc nào cũng trở về đúng chu kỳ đã qui định, bay lượn trên bầu trời xanh dịu, những con chim đậu thành hàng dài trên những đường dây điện trong thành phố kêu chíu chít hay la đà trên những thửa ruộng đã gặt còn trơ lại những luống rạ và những vũng nước cạn còn đọng lại sau mùa gặt, mùa Xuân lại trở về đem theo những cơn gió chướng mát mẻ, êm dịu trong không gian xanh da trời, lơ thơ vài đám mây trắng, thổi xào xạc trên những khóm tre và khua rầm rập trên những mái nhà lợp tôn. Mùa Xuân trở về khi lá me già rơi tơi tả trên mặt đất và những trái me chín rơi rụng vương đầy lối đi, khi hàng cây so đủa trổ bông trắng xóa đem đến hương vị đậm đà cho những tô canh chua bông so đủa cá rô mề, món ăn đạm bạc của dân quê vào những ngày cận Tết. Mùa Xuân quê hương, tình tự của những ngày tháng êm đềm, của những kỷ niệm quá khứ nhưng còn sống mãi trong lòng người Việt tha hương luôn luôn hướng về quê cha đất tổ. Mùa Xuân dịu dàng như cơn gió lành lạnh mơn man đôi má người thiếu nữ xuân thì, ngọt ngào như bánh ít, bánh trôi nước, tình tự như khi trao nhau cánh thiệp Xuân của tuổi vừa mới lớn và làm ngây ngất những người trẻ khi sánh vai đi bên nhau trên bến khi con tàu trở về sau chuyến hải hành xa xôi.

Chợ hoa đường Nguyễn Huệ Việt Nam Cộng Hòa

            Thủ đô Sài Gòn trong dịp Tết được tưng bừng trang hoàng đầy màu sắc với những gian hàng Tết mọc lên tranh nhau hấp dẫn người mua, những cánh chim biển trở về đất liền trong dịp Xuân về lại có dịp hò hẹn trên bến tàu, cùng nhau, vai bên vai bên người em gái nhỏ, tay trong tay dìu nhau đi trên đại lộ Nguyễn Huệ ngắm chợ hoa, đi qua từng gian hàng san sát nhau chất đầy những cành hoa mai còn tươi rói từ rừng mai Biên Hòa, những chậu cúc, thược dược, mồng gà, vạn thọ đến từ miền Tây chen lẫn với những núi dưa hấu xanh ngát. Những cơn gió Tết thỉnh thoảng thổi tung đám bụi rồi quyện vào nhau thành những cơn trốt nhỏ, làm tung bay những tà áo dài duyên dáng đầy màu sắc như những cánh bướm. Sài Gòn ngày xưa của tôi đó ! Tết ở Sài Gòn ngày xưa đơn sơ nhưng duyên dáng và lãng mạn của tôi như thế đó ! Rời đại lộ Nguyễn Huệ, đôi bạn tung tăng đến ăn kem ở Phương Lan hay Mai Hương trên đại lộ Lê Lợi, lơ đãng nhìn dòng người tấp nập qua lại, mơ màng chuyện đón Tết vào những ngày sắp tới, tình tự nhìn nhau thưởng thức hương vị Xuân tràn ngập không gian, mùa Xuân cũng đang nở hoa trong lòng họ và dường như khoảng không gian đầy màu sắc và sinh động kia chỉ dành riêng cho hai người. Sau khi ăn kem xong, đôi bạn trẻ tiến về chợ Bến Thành, trung tâm của mua sắm và cũng ồn ào nhất của Thủ đô. Phía bên ngoài chợ là những gian hàng bán khô nai, khô cá thiều, không thể vắng bóng trong những phiên chợ Tết ở Sài Gòn, tiếng quảng cáo ra rả qua máy phóng thanh : »Khô nai, nhậu lai rai, khô cá thiều, nhậu nhiều nhiều » hay là : »Ăn chơi đã ngon, nói chi đến ăn thiệt, ăn thiệt lại càng ngon hơn« . Bên cạnh đó là những gian hàng bột gạo lức Bích Chi, rượu quinquina, kem đánh răng Perlon, Leyna, Hynos, đặc biệt kem Hynos độc đáo với bài hát trong phần phát thanh thương mại trong những năm 67,68 : »Anh yêu em hay anh yêu kem, hay anh yêu anh Bảy… Chà và da đen ? « . Tiếng phát thanh quảng cáo của nhiều gian hàng pha lẩn vào nhau, tạo thành thứ âm thanh hổn độn, ồn ào vang dội một góc chợ nhưng cũng không làm phiền người nghe, một năm mới có một lần, một sắc thái riêng biệt rất « Sài Gòn », rất « Tết », chỉ ở Sài Gòn mới có, tạo thành một bức tranh sinh động đầy màu sắc và âm thanh ; cái âm thanh và màu sắc đã thấm sâu vào máu, vào óc, vào tim như thuốc phiện, không thể cai nghiện, không thể bỏ được, suốt đời không thể quên dù rằng trên 40 năm đã trôi qua nhưng hương Xuân Sài Gòn năm xưa vẫn còn đeo đuổi, vẫn còn lơ lững hay lãng đãng đâu đó trong lòng những dân Việt tha hương.

            Mùa Xuân năm nay, tập Đặc San Hàng Hải được phát hành để tiếp nối truyền thống của trường Việt Nam Hàng Hải đã có từ trước năm 1975 để cùng ôn lại những kỷ niệm cũ, cùng chia xẽ những vui buồn của cuộc sống hiện tại, cùng an ủi, ủy lạo những cánh chim không còn đủ sức bay cao hay đang kéo dài những giây phút cuối đời người trong bệnh viện hay nhà dưỡng lão.

Chợ Tết Bến Thành – Việt Nam Cộng Hòa

            Những cánh chim Hải Âu xuất phát từ ngôi trường mẹ của Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, giờ đây, có những cánh chim đã vĩnh viễn ra đi, có những cánh chim già yếu và bệnh tật và những cánh chim còn lại trẻ nhất cũng đã bước vào tuổi 60,  những cánh chim đã một thời vùng vẫy bay lượn trên những đại dương, những hải cảng xa xôi : Sài Gòn, Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Kaoshiung, Keelung, Yokohama, Manila, San Fernando, Singapore, Port Klang, Dunkerque, Le Havre, Rio de Janeiro, Buenos Aires, Montevideo, Papeete, Sydney…

            Mùa Xuân là mùa cây cối, vạn vật nẩy mầm sống lại sau mùa Đông băng giá, là mùa hồi sinh của ý thức sau những đam mê, vật lộn, tranh giành với sự sống. Nhìn những người thân hay bạn bè, quen biết tuần tự đã ra đi hay đang chống chỏi với cơ thể bệnh tật, tôi cũng tự hỏi đời sống con người còn lại những gì và của cải, tiền bạc có thể giúp ích gì trong cơn hoạn nạn đau khổ ? Đến lúc đó con người mới thấy những thứ đó không giúp đỡ được gì và cũng không mang theo được qua bên kia thế giới. Lúc đó tâm thức mới bừng sáng dù muộn màng và khởi sự đi tìm ý nghĩa thật sự của đời sống, lúc đó con người mới bắt đầu từ bỏ đời sống vật chất để đi tìm đời sống tâm linh. Tuổi trẻ ít khi quan tâm và tìm hiểu đến tâm thức nhưng tuổi già vì phải đối phó với bệnh tật, sức khỏe suy yếu, trí nhớ suy kém, tinh thần suy sụp và nhất là sự cô đơn trong định luật sinh, trụ, hoại, diệt mới bắt đầu ý thức dần dần đến ý nghĩa thật sự của đời sống con người.

            Và một lần nữa, mùa Xuân lại trở về, chúng ta lại có thêm một tuổi đời và thêm kinh nghiệm học hỏi trên đường đời, rốt cuộc chỉ để đúc kết tâm thức và sau cùng chọn lựa con đường cần thiết cho tâm linh chính mình.

Người tìm Mùa Xuân

NGƯỜI TÌM MÙA XUÂN

 

Sơn Vũ

Trích Giai phẩm Xuân Hàng Hải 1971

                Biển tối om. Thật lạnh ! Một vài đóm sao. Yên lặng đến hoang sơ dù trời sắp vào Xuân. Cô Lý dọn dẹp quán từ mấy hôm trước để xông nhà ăn Tết. Sao Hôm vừa lặn, hai người đàn ông đẩy cửa bước vào. Nét mặt rạm nắng, góc cạnh của người già không dấu được đôi mắt đầy sức mạnh và uy quyền. Người trẻ có mái tóc bồng hoe vàng vì nắng. Khách lạ có cái nhìn độc đáo đến nổi cô Lý phải để ý. Họ gọi rượu và uống yên lặng. Bên ngoài trời gió và sóng vổ.

                Người già nhìn nàng chăm chú. Nàng không đẹp lắm, nhưng những đường nét gần gũi, cảm nhận được làm ông xúc động. Thật ra, ông là một thủy thủ già, nhưng ông chưa nhận thấy như thế. Bỏ nhà ra đi từ lúc lên mười. Bốn mươi năm với biển cả, ông chưa có một bến trọ. Nhiều người đàn bà đã đi qua vòng tay ông, nhưng người yêu chưa một lần đến. Với sự quả cảm và tài chỉ huy thần khốc, ông đã làm cho các thuyền buôn lậu khiếp đảm. Sói đen. Một con sói biển lạnh lùng như một pho tượng bằng sành. Ý tưởng ấy làm ông nhếch mép. Những tháng ngày dài sống cô đơn trên biển cả, ông chỉ có mỗi một thằng Bẻo. Nhưng chưa bao giờ thằng Bẻo nghe ông nói với nó một câu âu yếm. Những lúc buồn. Những lúc buồn, nó nghĩ như thế, nó thấy ông yên lặng thở khói nghi ngút từ cái ống vố bằng gỗ Anh Đào.

                Rồi một buổi chiều, khi nhìn cánh én thiên thần mang tin Xuân về cho thủy thủ, người ta thấy ông thoáng buồn. Ông lấy ra một bức hình cũ kỹ và nhìn rất lâu. Ánh sáng vàng khè buổi chiều hằn lên từng vệt sâu trên mặt ông. Thằng Bẻo dụi mắt hỏi :

                – Ông có bịnh không ông ?

                Ông bổng đứng phắt dậy, gương mặt đột ngột trở về nét kiêu dũng muôn đời làm nó khiếp sợ.                

                – Không, ông đáp cụt ngủn, hay xếp đồ đi con.

                Và ông dừng bước giang hồ … vì khao khát một mái nhà mà ông chưa một lần có. Khó mà biết được nhưng một điều chắc chắn là hình ảnh nàng Lý làm ông nao nức. Ông lấy bức ảnh cũ kỹ dạo nào nhìn một lần nữa. Ông nhếch mép :

                – Mùa Xuân đã về !

                Mùa Xuân ấy có hai người thủy thủ lạ, một già, một trẻ dừng bước ở làng chài.

                Ông bước ra ngoài, ông không muốn thấy cảnh « bọn trẻ » âu yếm. Một con hải âu kêu buồn. Biển cả. Con tàu. Tình người. Ông vừa kịp nhận ra là mình đã già. Cô Lý chỉ xem ông như một người cha. Sao đêm vẫn lặng lẽ hành trình. Loài sao biển cũng biết đi tìm người yêu nữa em Lý ạ ! Sao em không có cái nhìn âu yếm thay vì chối từ ? Sao em không vòng tay đón nhận một con sói biển trong ngày về ? Như một mến thương, như một trao đổi giữa người với người ? Người ta có thể san sớt tất cả. Trừ tình yêu. Phải không Bẻo ? Nhìn một con sư tử nằm trong chuồng sắt, ta mới thông cảm cho số kiếp con Sói biển già …

                Khi bọn trẻ thức giấc, chúng không thấy người « cha già » nữa. Ông đã ra đi vĩnh viễn. Bọn trẻ nhớ thương nhưng rồi cũng quên đi. Chỉ riêng ông đi tìm một mùa Xuân không bao giờ đến nữa.

Sớ Táo Quân

Sớ Táo Quân

 

Đào Chủng Đức – K19 Cơ Khí

Trích Giai Phẩm Xuân Hàng Hải 1971

 

Muôn tâu Thánh Hoàng

Thần Táo Hàng Hải

Nay về tâu lại

Chẳng dám nói sai

Bao việc trần ai

Suốt năm Canh Tuất

Trước tiên là việc                 

 Dân tình rên siết

Song hành Nam Việt

Vật giá lên miết

Chính phủ tăng lương

Quân Công có đường

Cuộc sống lên hương

Đở cơn túng hụt

Ai ngờ lương sụt

Đành chạy nước rút

Tham nhũng được lúc

Cùng bọn gian thương

Luật pháp coi thường

Ra tay vơ vét

Tiền bạc mất giá

Dân lại xa hoa

Ăn chơi hết ga

Lã lướt Honda

Trộm cướp nhào ra

Như không cảnh sát

Súng dao kề sát

Khổ chủ đưa ngay.

Trời chẳng thương sao ?

Miền Trung hết gạo

Lại bão ào ào

Nước lụt dâng cao

Dân chúng kêu gào

Tiêu tan sản nghiệp

Cứu trợ cần thiết

Miền Nam phối hiệp

Chẳng ai bỏ qua

Tặng phẩm gởi ra

Xoa dịu xót xa

Những kẻ trôi nhà

Hậu Giang tốt lúa

Nước lủ ùa vào

Ngập hư hết lúa

Thành thử mất mùa

Sinh viên kháng cự

Thụ huấn quân sự

Lực lượng thật cừ

Lập trường khư khư

Nhưng không kết quả

Đành lên quân xa

Để tạm xa nhà

Tập tành bắn phá

Vượt chướng ngại vật

Đội hình chiến thuật

Bò ngữa, bò sấp

Một tháng học tập

Thời gian thật gấp

Mãn khóa bồi hồi

Giả từ cá mối

Bánh tiêu nhân xôi

Nhưng chuyện đã rồi

Về nhà tỉnh khô

« Ta » chuyên đi bộ

Chẳng hề gian khổ

Chỉ có một tội

Hay dựa khi ngồi

Thụ huấn xong rồi

Cũng chưa chịu yên

Tranh đấu liền liền

Chống đối huyên thiên

Thật là lắm chuyện

Về phần Hàng Hải

Sinh viên cố chạy

Cho kịp đủ bài

Bù lại năm ngoái

Bải khóa liên miên

Quang Trung tạm biệt

Bắt đầu học liền

Dù chưa khai giảng

Sinh viên chẳng chán

Mấy thầy cố ráng

Thù lao chẳng màng

Nghĩ tội sinh viên

Lên nha động viên

Ôi thôi là phiền

Xin được gia hạn

Giấy tờ lạng quạng

Phải nộp buổi sáng

Nghe mà phát chán !

Ra trường thấy ham

Là khá mười tám

Thần chẳng nói nhảm

Đỗ hết hai bằng

Chẳng tên nào văng

Rồi lại lăng xăng

Tìm nơi thực tập

Có Ông Giám Đốc

Thuyền trưởng chính gốc

Chẳng ngại khó nhọc

Cải tổ việc học

Giáo sư tăng cường

Kỹ sư, Thuyền trưởng

Giúp đỡ nhà trường

Hướng dẫn sinh viên

Truyền lại kinh nghiệm

« Cử chỉ rất hiếm »

Đất nước đang thiếu

Giám Đốc thấu hiểu

Thi tuyển lấy nhiều

Mỗi ban hăm ba (23)

Còn thêm dự khuyết

Thần đây nói thiệt

Lo sao cho siết

Sinh viên mượn đủ

Sách vở dụng cụ

Kẻo chúng lại vu

Văn phòng số bù (10)

Nói qua sinh hoạt

Hàng Hải có khác

Sinh viên ồ ạt

Hoạt động tưng bừng

Kẻ bande, tiếp chuyện

Mừng Tân sinh viên

Tiệc trà làm liền

Bầu ban đại diện

Lập bàn pingpong

Thao dượt giờ trống

Với bao hi vọng

Đoại giải trung tâm

Sáng sớm Chúa Nhật

Đâu cở một chục

Đào, đáp hùng hục

Phát cỏ vi vút

Suốt cả nửa ngày

Thần hỏi mới hay :

Anh em tiếp tay

Cùng ban đại diện

Lập ban bóng chuyền.

Còn ban báo chí

Bài vở thiếu gì

Kẹt không có quỹ

Đành lập sổ vàng

Đi quyên đàng anh

Cho kịp hoàn thành

Giai Phẩm Hàng Hải

Trước Xuân Tân Hợi

Nội màn chọn bìa

Sao cho ý nghĩa

« Học tập và Nghề »

Cũng là khó nghĩ

Hết hạn nhận bài

Thạch lo đánh máy

Đứa khác lại chạy

Quảng cáo nhà in

Hôm gần Giáng Sinh

Các bạn nhị niên

Được đi thăm viếng

Tàu Thương Tín Một

Mới thấy (mình) còn dốt

Nhìn chung Hàng Hải

Chơi thì cũng khá

Học lại thật cừ

Bởi thế mới đừ !

Thần xin nói riêng

Về ban Đại Diện

Ôi thôi lắm chuyện !

Chủ Tịch Đại diện

Thái độ bất cần

Nhiều tên nổi giận

Đòi bất hợp tác

Khi mà tự ái

Bị chà đạp mãi

Sỉ vả hàng ngày

Cũng như báo chí

Chủ tịch chờ khi

Bài vở xong thì

Chẳng cần bay nữa !

Làm thần quá mệt

Vẻ bìa sơn phết

Bơ phờ gần chết !

Chủ Tịch khá tức

Khi năm thứ Nhứt

Chẳng thèm hợp tác

Có tên còn ác

Đòi bất tính nhiệm

Chủ Tịch Đại diện

Trở lại chuyện học

Nhiều anh năm chót

Ghi danh đại học

Chẳng phải chăm học

Mà vì « hoãn dịch » !

Bệ Hạ xót thương

Ký gấp cho trường

Được qui chế mới

Sẵn đầu năm Hợi

Thần trộm nghĩ rằng

Đã hai mươi năm

Đều đều hai năm

Học sớm nghỉ trễ

Như chẳng có hè

Còn không muốn kịp

Hết bài cần thiết

Sinh viên hơi nản

Dù có yêu nghề

Nhưng lại tức ghê

Mãn khóa vừa xong

Lính kêu đành dong

Thật chẳng bằng lòng

Vì chưa thực tập

Có qui chế mới

Khỏi phải nhắc mời

Bọn chúng hết chơi

Học hành tấn tới

Báo cáo hơi nhiều

Mà vẫn còn thiếu

Bão, biển nổi sóng

Thần đứng trên Pont

Nên lem mấy dòng

KÍnh xin Bệ Hạ

Bỏ lỗi, thứ tha

Năm sau, Thần lên

Báo cáo đáp đền

Đủ hơn năm nay

Giờ tàu sắp chạy

Thần phải về ngay

Kẻo kẹt trên này

Hết trông ăn Tết

Kính chúc Thánh Hoàng

Thọ tỷ Nam San

Đầy kho bạc vàng

Thần xin tạm biệt

Vì còn một tiệc

Đang dọn tại trường

Tạm biệt Hoàng Thượng

Làm tại Bếp Hàng Hải

Ngày Hăm Ba Tháng Chạp năm Canh Tuất

Táo Hàng Hải ấn ký

Nhật Ký Mùa Xuân

NHẬT KÝ MÙA XUÂN

 

TP

Trích Giai Phẩm Xuân Hàng Hải 1971

                Mấy ngày rồi, trời bổng nhiên trở lạnh, những cơn gió như xoáy tận lòng anh. Anh chợt nhớ bây chừ là mùa Xuân, mùa huy hoàng rực rỡ. Cảnh vật hẳn thay đổi nhiều và mang đến cho con người những giây phút thoải mái sau những ngày lao mình vào cuộc sống, cuộc tranh đấu giửa từng lớp người trong xã hội ; vật lộn với chính mình, với tha nhân để tìm những thỏa mãn cho dù là tương đối thôi.

                Bỏ ngoài tất cả những cảm nghĩ ngoại trạng, anh muốn trở về để được nhìn thấy hình ảnh em trong tâm não. Những kỷ niệm êm đềm của một mùa Xuân năm nào mà em và anh, chúng ta đã dìu nhau tận hưởng những giây phút êm đềm của mối tình đầu của những kẻ vừa biết thế nào là hạnh phúc tình yêu.

                Tối qua, lang thang tìm về kỷ niệm, anh đã mòn gót ở chợ hoa, Những hoa Cúc vàng rực rỡ, những đóa Hướng dương, những cành Mai trơ trụi lá nhưng đầy nụ hoa sắp nở. Vượt lên một đoạn đường, tầm mắt anh bổng gặp những đóa Hồng thắm làm anh chợt nhớ đến em hơn bao giờ hết. Nhìn sắc hồng, anh bổng nghĩ đến những lời em đã thốt : « Hoa Hồng tượng trưng cho tình yêu nồng nàn của những kẻ thương nhau, ửng hồng đôi má », và ngập ngừng, em nói tiếp : « như chúng ta … » Hôm đó, nếu không vì chỗ đông người, anh sẽ không ngần ngại đặt vào đôi môi đó một nụ hôn nồng nàn, dễ thương cho cô bé, đã thốt được một câu đáng yêu.

                Đại lộ vẫn đông người, em nhĩ, nhưng chúng ta dường như có thấy gì đâu, tay trong tay, mặt nhìn mặt, chúng ta như đôi cánh nhạn tung bay giửa trời Xuân.

                Hôm nay cuộc hành trình lại tiếp tục cho những người trót mang nghiệp biển cả. Tàu anh lênh đênh trên biển bao la, trước mắt là bầu trời xanh đen, ánh sáng chiếu rọi xuống mặt sóng như hàng ngàn con rắn lặn hụp. Bốn bề yên lặng, chỉ có tiếng máy và tiếng sóng đập vào thành tàu, anh nhắm mắt để dỗ giấc ngủ, anh sẽ thấy em, khuôn mặt dịu dàng, nụ cười xinh như đóa Hồng và anh ôm lấy đôi bờ vai nhỏ nhắn của em yêu, và để thấy đời không còn sóng gió nữa. Anh cố gắng, anh thao thức, hình ảnh em hiện hữu trong anh hơn bao giờ hết. Giấc mơ không đến với anh trong đêm nay.

                Tiếng gọi của người trực làm anh trở về thực tại. Anh lên đài chỉ huy, sao lấp lánh trong bầu trời tối đen : anh tìm một chòm sao quen thuộc. Đây rồi, chòm sao sáng long lanh như đôi mắt của em, và nó đã mang tên em. Con tàu thẳng hướng tới chòm sao cũng như anh đã lấy hình ảnh em để tiến bước trong cuộc đời.

                Đêm nay, anh cũng như mọi người có mặt trên tàu. Ai cũng tưởng nhớ về một mái nhà êm ấm ; đón chờ tiếng pháo khai niên, quây quần, chúc tụng nhau những lời thân tình. Nhưng không ai có được vì cuộc chiến tranh bẩn thỉu nầy vẫn còn tiếp diễn. Mặc dù ở đây, một điểm nào trong vùng biển, không phương tiện gì  để gởi về cho người thân một món quà dù rằng hai ngày nữa là Tết. Nhưng cũng như ước vọng mà tất cả những con người hiện sống trên trái đất nầy, và nhất là trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, anh đang muốn gởi về em tất cả những gì anh đang có. Bây chừ anh đã gởi về em, anh sẽ tiếp tục gởi về em mãi mãi.

                Phương Đông đã bắt đầu đỏ ửng và trên trời, những vì sao cũng giả từ dần dần. Anh bổng buồn bã lạ, anh cảm thấy một cái gì vuột khỏi tay anh : Em vĩnh viễn xa rời và trong anh, mùa Xuân không đến nữa.

                                                                                                                   Tạm biệt và hôn em

                                                                                                                        T.P

 

 

                                                                                                                                                                                                   

Gieo quẻ đầu năm

GIEO QUẺ ĐẦU NĂM

 

An Nam Quốc

Hàng Hải Động

Thầy bói : Chỏng

Gieo quẻ hồng

Đào Chủng Đức – K19 Cơ Khí

Trích Giai Phẩm  Xuân Hàng Hải 1971

                       Bổn mạng con chuột đồng                          

                           Vận may sa hủ nếp                                        

                           Tiền bạc đầy cả kết                                       

                           Kêu to mèo chụp hết                                    

Sữu                    Tướng tinh con trâu đen             

                           Yêu lắm lại hay ghen                                    

                           Đỗ đạt nhờ sách đèn                                    

                           Hàng xóm tới làm quen                               

Dần                    Xác phàm là Cọp Bạch                  

                           Song hành nên đói rách                               

                           Sức khỏe lại dồi dào                                      

                           Cưới hỏi phải lo mau                                    

Mẹo                    Ậy, cái con mèo mun                    

                            Ăn vụng lại hay run                                       

                            Tiền bạc nghĩ phát khùng                           

                            Gia đạo rối lung tung                                    

Thìn                   Quả thật con rồng lộn                  

                           Tiền bạc vô khá bộn                                      

                           Thi cử thật là xôm                                         

                           Việc cưới chớ có nôn.                                  

Tị                       Số kiếp là rắn lục                             

                           Ráng tu và làm phúc                                     

                           Vợ chồng ưa lục đục                                     

                           Ngân quỹ hay túng hụt 

Ngọ                    Con ngựa hay chạy rong

                           Tiền bạc tính từ đồng

                           Giao thiệp phải đề phòng

                           Công danh chớ chờ mong

Mùi                    Cốt cách con dê xồm

                           Nói láo vẫn quen mồm

                           May mắn lúc đêm hôm

                           Bóp tiền luôn dầy cộm

Thân                  Bẩm sinh là khỉ đột

                           Học hành lại ngu dốt

                           Bản tánh ưa bốc hốt

                           Làm trò thì số một

Dậu                    Gà nòi ưa đạp bậy

                            Kiếm bạc cũng thật hay

                            Việc học cố hằng ngày

                            Tình cảm thật là may

Tuất                   Tuổi Tuất con chó cò

                            Đêm đêm lại nằm co

                            Tiền bạc chẳng màng lo

                             Bổn mạng quới nhơn phò

Hợi                      Heo hầm kêu năm tuổi

                             Thi cử thật may rủi

                              Chớ nghe lời người xúi

                              (coi chừng vô Chánh Hưng)

                               Tình cảm rất là vui                         

                                                                                             

       Ghi chú :   Nam nữ đồng xem chung

                         Muốn cho quẻ linh ứng

                          Băm lăm tuổi trở xuống

                          Lốc Cốc Tử, tục danh Chỏng       

Vài cảm nghĩ của một sinh viên Hàng Hải

Vài cảm nghĩ của một sinh viên Hàng Hải

 

Cao Minh Duyên – K20 Pont

Trích Giai Phẩm Xuân Hàng Hải 1971

            Trường VIỆT NAM HÀNG HẢI nằm trong Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ, một tòa nhà cũ kỹ, chứng tỏ cái hiện hữu lâu đời của nó, tiếc rằng cái hiện hữu này không tạo cho nó một hình thức trung thực, hòa hợp với bề ngoài đó, lẽ ra cái hình thức này phải già dặn, sâu sắc với niên kỷ của nhà trường.

            Cái hình thức hoàn mỹ thật ra phải có từ trước đây, nhưng những bậc đàn anh đã ra đi không lưu lại một dấu nào khả dĩ tạo được một niềm tin cho sinh viên Hàng Hải.

            Đặt bước chân đầu tiên vào trường HÀNG HẢI, người sinh viên nào cũng cảm thấy mình lạc lõng và hành động đầu tiên là bất mãn với chính mình cũng như với những người chung quanh.

            Nói lên không để đã phá cá nhân hay lớp người nào, nhưng phải nói để xây dựng cho tương lai HÀNG HẢI, để tạo ra một truyền thống mới cho các anh em sinh viên HÀNG HẢI mai sau, một truyền thống khả dĩ kiến trúc được các sinh viên HÀNG HẢI thiết thực, đầy đủ những yếu tố chuyên nghiệp và được hoàn thành ước vọng một cách thực tiển làm nổi bật trường VIỆT NAM HÀNG HẢI mai hậu.

            Muốn vậy, sinh viên HÀNG HẢI hiện nay phải tranh đấu, cần những người đại diện phấn chí, dám nói lên những nguyện vọng thích hợp với điều kiện tốt nghiệp và chuyên môn. Tương lai phải đúng với nguyện vọng, phải được thiết tha, dĩ nhiên cái không khí học hỏi và xây dựng sẽ tràn ngập ngưỡng cửa HÀNG HẢI, trên khuôn mặt sinh viên chúng ta.

            Sự thiết tha với kỹ thuật chuyên môn, lòng ngưỡng mộ nghiệp HÀNG HẢI phải được thỏa mãn và giúp đỡ một cách thiết thực chứ không thể bị bóp chết ở những bước đầu tiên này.

            Khát vọng phải được thỏa mãn, cầu xin những ai có trách nhiệm với ngành HÀNG HẢI quay lưng lại nhìn chúng tôi với cặp mắt lo lắng, với tấm lòng cởi mở để xây dựng cho những mầm non nền móng của nền kinh tế mai hậu.

            Điều cần thiết phải có ngay bây giờ là anh em HÀNG HẢI phải tạo được niềm tin, cố gắng vươn lên, đòi quyền học hỏi và hành nghề theo đúng quy tắc chuyên nghiệp ở hiện tại cũng như tương lai.

            Giá trị của kỹ thuật HÀNG HẢI phải được nâng cao, chú trọng. Như vậy sinh viên HÀNG HẢI mới có thể phát triển trí thức, tạo được nhu cầu hành nghiệp trong việc hấp thụ lý thuyết của nhà trường.

            Cái đòi hỏi hợp lý phải được những người có lương tâm chấp nhận, phải hiểu thực trạng sinh viên HÀNG HẢI và phải biết sau lưng họ còn có chúng ta, những người sẽ vùng lên để xây dựng cho tương lai HÀNG HẢI hầu phục vụ cho nền kinh tế nước nhà.

            Giá trị HÀNG HẢI phải được tường tận và sinh viên HÀNG HẢI phải được thỏa mãn, ngày cuối cùng của sự tranh đấu sẽ để lại cái vinh quang cho ngành HÀNG HẢI và cái giáo huấn thực tiển của Trường VIỆT NAM HÀNG HẢI trong việc xây dựng những bước tiến dài cho sinh viên HÀNG HẢI mai sau.

LỜI CHO MỘT MÙA XUÂN

LỜI CHO MỘT MÙA XUÂN

 

Trần quang Sang – K19 Pont

Trích Giai Phẩm Xuân Hàng Hải 1971

            Trở về đây để hòa nhịp cùng nhân thế, để xua đuổi những ngày tháng u buồn, những tâm hồn trầm lặng, những nổi sầu vu vơ. Hởi Mùa Xuân của tuổi trẻ, hãy trở về đây để cùng ca lên nhạc khúc yêu đời, bao tâm hồn đang khắc khoải chờ Xuân như miên man trong giấc mộng trường.

            Xuân về, ánh Xuân chan hòa khắp ngàn cây nội cỏ, hoa Xuân muôn màu khoe sắc thắm, mĩm cười thách đố với những nàng con gái diễm kiều đang tuổi mộng tròn. Gió Xuân bàng bạc ru hồn người người lữ thứ. Tiếng Xuân như kêu gọi lãng quên những ưu phiền, để trọn vẹn sống lại những giờ phút huy hoàng.

            Mùa Xuân đến, lan trãi, chơi vơi, hòa cùng nhân thế, len lỏi khắp nẽo đường đất nước, từ những cánh đồng bát ngát, mênh mông cho đến chốn phồn hoa đô hội.

            Tuổi trẻ của chúng ta bây giờ không còn chờ đón mùa Xuân trong rộn rã hoan ca như những tâm hồn thơ ngây, hồn nhiên của thời trẻ thơ ; cũng không trầm tư, tưởng vọng như tâm hồn các bậc lão thành. Mà tuổi trẻ chúng ta ngày nay, mỗi một mùa Xuân đi qua là mỗi lần đếm lại bước thời giạn để hướng vọng, suy tư cho chuộc sống khắc khoải miên trường.

            Những hoài vọng, những niềm tin, xây dựng kiến tạo, những tiếng nói tầm thường của chúng ta vang lên, kêu lên, hối thúc nhưng chúng ta vẫn mòn mõi đợi chờ. Không một lời đáp lại, không một niềm tin, tất cả như hư vô, như tiếng kêu từ sa mạc hoang vu, như tiếng sóng ba đào ngoài biển cả trùng khơi như tiếng la trong cái giá buốt của đêm trường.

            Xin Mùa Xuân hãy trở về đây xây dựng lại mãnh hình hài đổ vở, kết chặc lại những tâm hồn quả cảm, hướng thượng và xin lòng Xuân hãy ru ấm lại bao cõi lòng tan nát, những thất bại triền miên để cho bao mái đầu quên đi tất cả, mà hòa mình vào cung đàn chín mộng của mùa Xuân.