VỀ MIỆT VƯỜN ĂN TẾT

VỀ   MIỆT   VƯỜN   ĂN   TẾT

Nguyễn văn Ba

Phơi lúa ngày cận Tết

 
                        - Năm nay về miệt vườn ăn Tết với tao nghen mậy

                        - Miệt vườn là ở đâu ? Phong cảnh ra làm sao ? Có gì đặc biệt ?

                        - Miệt vườn là quê tao, ở vùng châu thổ sông Cửu Long, cũng có ruộng như mầy thấy ngoài ngoại ô thủ đô Sài Gòn, miệt Phú Lâm, Bình Chánh. Đất ruộng thấp, ngập nước, nông dân đào đất, lên líp cao trồng cây ăn trái, cây xoài, cây ổi, cây mận … nói chung là làm vườn nên gọi là miệt vườn.

                        - Ngoài Phú Lâm cũng có vườn, tao ra đó coi thì biết, cần gì phải đi xuống tới xứ của mầy cho xa xôi.

                        - Ậy, mầy đừng nói vậy, vườn ở Phú Lâm và vườn ở xứ tao khác nhau chớ, làm sao giống được …

                        Đó là một phần câu chuyện khi Long mời tôi về quê nó ăn Tết hồi năm ngoái, tôi ngần ngại vì nghe đâu dưới miệt vườn không có điện, phải dùng đèn bánh ú, đèn dầu đậu phộng, dầu dừa, dầu chai, dầu mù u, lù mù, không có nước máy, phải xài nước sông đen thủi đen thui như nước dưới bến chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh … Tôi ừ ẹt cho qua chuyện rồi trốn biệt.

                        Năm nay Long mời nữa, tha thiết, quyết liệt hơn, nó lấy quần áo tôi bỏ vô va li, sẵn sàng lên đường sáng ngày mai. Tôi soạn lại bổn cũ, miệng hứa hẹn nhưng bụng thì tính kế đào tẩu.

                        Trưa nay ở Đại Học Xá Minh Mạng vắng vẻ chẳng khác chùa Bà Đanh, mới hôm qua còn ồn ào như cái chợ, tụi sinh viên như tôi hầu hết đã về quê ăn Tết hồi sáng nầy. Hơi nóng từ mái nhà fibro xi măng tỏa ra hâm hấp, điệu nhạc chát chúa của “chương trình phát thanh thương mại” ngày cận Tết phát ra dồn dập, inh ỏi làm đầu tôi nhức như búa bổ : “tằng ta răng, tắng tắng tăng … tằng ta răng, tắng tắng tăng …” điệu nhạc thiệt vô duyên, rổng tuếch, mấy thằng bạn tôi đọc trại ra : “Trời Phật ơi, ngó xuống coi … bà con ơi, chó cắn tui …” nghe mà tức cười. Mà tôi nhức đầu không phải vì trời nóng và điệu nhạc ong óng, Đại Học Xá Minh Mạng lúc nào mà không nóng, không ồn ào, tháng Hai, tháng Ba còn nóng hơn. Tôi nhức đầu phần khác là do tối qua đi ăn tiệc Tất Niên với mấy thằng bạn đằng trường Khoa Học, uống đủ thứ rượu, thức tới gần hai giờ sáng. Lò mò về tới Đại Học Xá, tưởng đi ngủ được liền, nào ngờ gặp lúc thằng Bảy cùng phòng dẫn về một cô gái giang hồ để làm chuyện xả xui cuối năm, phòng nầy nối liền phòng khác bởi một vách tường cao chỉ quá đầu người, thằng Bảy đang hì hục hành lạc bên trên, cô gái nằm ngữa đưa mắt ngó lên, chợt thấy ba phía vách tường đen đầu người đang chăm chú ngó xuống, hoảng hồn cô đứng phắt dậy, mặc quần áo vô, hấp tấp rời Đại Học Xá. Xong vụ thằng Bảy, cả bọn nam sinh viên còn thức bàn tán, nói chuyện tới bốn giờ sáng.

                        Tôi thả bộ lại trường Chu văn An định kiếm một trái dừa xiêm giải khát nhưng chiếc xe bán dừa ướp lạnh không có ở đó, chắc đã nghỉ bán theo thời gian nghỉ Tết của học sinh. Tôi trở lại nhà ăn Đại Học Xá, ăn cơm khẩu phần, uống trà đá. Sinh viên về gần hết, khẩu phần một tăng lên hai, ba, muốn ăn bao nhiêu cũng được. No bụng, tôi đón xe ra Nguyễn Huệ xem chợ hoa, không quên tối nay có chương trình Tất Niên với một nhóm bạn ở Đa Kao, Long cũng sẽ tới dự.

                        Năm giờ sáng, Long xốc tôi dậy bỏ lên xe xích lô máy chở ra Xa Cảng Miền Tây. Mắt nhắm mắt mở, đầu nặng chịch nhưng tôi cũng nhớ ra mình trúng kế Long, hồi hôm Long phục rượu tôi đến say mèm nên tôi chẳng còn biết ất giáp gì, tôi quên hẳng chuyện tìm cách lẫn trốn không về miệt vườn ăn Tết với nó sáng nay, mà nếu có nhớ, không chắc tôi còn đủ sức thực hiện ý định.

                        Suốt lộ trình Sài Gòn - Bắc Mỹ Thuận tôi ngủ gà ngủ gật, phú thác mọi thứ cho Long, mơ mơ màng màng có lúc tôi nghe tiếng rao bán khóm, bán mía thơm dịu, mía gò cát, mận hồng đào, bánh lá dừa, bánh lá ú, nước dừa xiêm … tiếng người lơ xe kêu hành khách ăn hàng xả rác trong xe, tắt thuốc qua cầu, đóng sáo qua cầu … Cho tới lúc lổ mũi tôi ngữi thấy mùi thịt nướng thơm lừng cũng là lúc chiếc xe đò ngừng hẳn, tiếng người lơ xe kêu : “Tới chổ rồi cô bác ơi, xuống xe qua đò, xuống xe qua bắc Mỹ Thuận”. Long lôi tôi, hối hả trong dòng người lũ lượt theo nhau xuống bắc. Hàng quán tràn ngập hai bên đường, ổi xá lị, cam sành, cam mật, quit ta, lạp xưởng, bánh phồng khoai, chuối khô … tôi muốn ngừng lại mua mấy thứ làm quà cho gia đình Long nhưng hắn gạt đi : “Mấy thứ đó ở miệt vườn thiếu gì, tao có mua mấy ổ bánh mì hồi ở Xa Cảng Miền Tây rồi, bánh mì Sài Gòn đem về vườn mới quí ”.

                        Sông Mỹ Thuận thiệt rộng, thiệt hùng vĩ, nước chảy cuồn cuộn khuấy đục phù sa, xô giạt con đò đầy, đằng xa là làng mạc, cù lao xanh rờn cây trái, những chiếc thuyền máy di động nhấp nhô, sóng lưởi búa làm tung bọt nước trắng xóa … màu nước sông trong lành, ngập tràn sức sống, thật hoàn toàn khác hẳn những con kinh nước đen tù hảm ở thủ đô Sài Gòn.

                        Đò vừa cặp bến, chúng tôi tất tả theo dòng người, chiếc xe lam vừa hết chổ, tôi và Long đành ngồi phía trước, hai bên người tài xế, ngày Tết tranh nhau về nhà sớm, không ai chịu đợi chờ, chậm một chút là mất chổ. Không ngủ gục được nửa, tôi đưa mắt quan sát miệt vườn, đã là miệt vườn hay chưa tôi cũng không biết, cầu đúc Cái Gia, ruộng, vườn, vườn, cầu sắt, chợ Cái Tàu Hạ, sao mà Cái nhiều quá, vườn, ruộng, vườn, cầu xi măng Mù U, vườn, ruộng, vườn, cầu Cái Xép, lại Cái nữa, vườn, ruộng, vườn, cầu đúc Nha Mân, xe qua cầu rồi ngừng lại, Long kêu tôi xuống.

                        Nha Mân, một chợ nhỏ cách Bắc Mỹ Thuận khoảng sáu cây số trên liên tỉnh lộ Vĩnh Long – Sa Đéc. Long gởi hành lý ở tiệm giải khát đầu chợ rồi đưa tôi đi một vòng chợ Tết, dưa hấu, mai vàng, hoa vạn thọ, bánh mứt, ông đò già ngồi viết liễng, một sạp bán báo Xuân, vài sạp bán pháo … đó là những nét đơn sơ của một chợ Tết miệt vườn, dĩ nhiên còn có những thứ mà ngày nào cũng thấy, cá, thịt, rau cải, tạp hóa … Long giới thiệu tôi với rất nhiều người quen trong chợ, họ mời chúng tôi đến chơi trong dịp Tết, lời mời nghe thật đơn giản nhưng chắc nịch, chân tình. Lúc trở lại quán cà phê lấy hành lý đã thấy anh Năm chủ quán chờ sẵn, anh kêu hai đứa tôi lên lầu “lai rai ba sợi” cho ấm bụng trước khi về bên cù lao.

                        Có bốn cái ghế quanh chiếc bàn tròn, trên bàn dọn sẵn chén đũa, ly, nhạo, một chùm nem chua, mấy quả mận hồng đào, muối ớt, nước mắm chanh và một dĩa lòng với lại thịt gà xào hành lá bốc hơi thơm lừng.

                        Chủ khách mời nhau nhập tiệc. Tôi ngạc nhiên hỏi anh Năm :

                        - Tụi em mới đi một vòng chợ, chưa đầy 15 phút mà anh đã làm xong một con gà thì lẹ thiệt.

                        - Đâu có lẹ dữ vậy, chẳng qua đó là sáng kiến của mấy bà nội trợ miệt nầy. Cắt cổ gà xong thì lấy ngay bộ đồ lòng và hai miếng thịt ức làm món xào dấm để mấy ông nhâm nhi chờ món khác.

                        Anh Sáu rót rượu đế từ cái chai ba xị vô nhạo, rồi từ nhạo ra ly nhỏ, anh làm việc rất thành thạo, cái nhạo lên cao chậm rãi, đều đặn, theo sau là những bọt rượu trắng tinh, tuy nhiên cũng có khi vài giọt rượu nhễu ra ngoài ly, anh chắt lưỡi hít hà:

                        - Cắt cổ hơn đổ rượu.

                        Rượu rót tròn vòng, chủ khách nâng ly tiễn đưa năm cũ. Anh Năm, anh Sáu, mỗi người cầm ly lên, chỉ nghe một tiếng “trót”, ly rượu của họ đã cạn sạch. Long uống theo, khè ra một hơi dài thành tiếng chứng tỏ rượu cay lắm. Thiệt vậy, phần tôi dù là một trong những tay đệ tử Lưu Linh có tiếng của Đại Học Xá Minh Mạng, sau khi làm xong “nhiệm rượu” đã phải giùng mình mấy cái, mặt nhăn như khỉ ăn phải ớt, rượu nếp Nha Mân có khác, cay xé mây, rượu di chuyển tới đâu tôi biết nóng tới đó, đâu có giống rượu “công xi”, rượu nếp than tôi hay nhâm nhi ngoài lề đường Nguyễn Tri Phương với nghêu sò.

                        Anh Sáu cười ha hả:

                        - Rượu nầy nấu bằng nếp nguyên chất, đâu có ngâm rắn hổ mà khè dữ vậy a chú Long !

                        Anh Năm khề khà:

                        - Chú Ba nầy uống rượu giống như cụ Phan Thanh Giản uống thuốc độc !

                        Tôi chống chế:

                           - Tại hồi tối em bị say rượu.

                        - Hồi hôm say thì bây giờ mình giải nghễ, vô thêm vài ly nữa là hết “bựa” liền chú em à.

                        Thế là anh Năm :

                        - Rót đầy cái ly cạn.

                        Anh Sáu :

                        - Uống cạn cái ly đầy.

                        Rồi anh Năm cùng với anh Sáu “hòa tấu”:

                        - Ly nầy rồi ly nữa, ly giữa lại ly bìa.

                      - Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, rượu ngon mà gặp bạn hiền thì ngàn chén nào có say đâu.

                        - Ly thứ nhứt “nhâm nhi tình bạn”, ly thứ hai “trút cạn lòng sầu”, ly thứ ba “mũi chảy tới râu”, ly thứ tư “ngồi đâu gục đó”, ly thứ năm “cho chó ăn chè”, ly thứ sáu “vợ đè cạo gió” …

                        Anh Năm, anh Sáu vừa nhậu vừa ngâm nga, hát hò, đùa cợt, thái độ các anh thật hào phóng, sảng khoái.

                        Rượu được ba tuần, đồ nhấm gần hết, thì như có sắp đặt sẵn, thằng con trai anh Năm bưng lên dĩa gỏi gà trộn chuối cây và mấy tô cháo nóng để chửa lửa.

                        Chai ba xị đế gần cạn, con anh Năm đem thêm một chai khác để kế bên. Ai uống ngàn chén không say ở đâu thì tôi không thấy, riêng tôi mới vô có mấy ly đế Nha Mân (do hai anh châm chế, không bắt uống nhiều) đã muốn bò càng, đầu choáng váng, tôi đá chân Long làm hiệu. Hiểu ý tôi, Long đứng lên cáo từ gia chủ, mượn cớ đường còn xa. Vậy mà anh Năm và anh Sáu còn cầm khách uống thêm hai ly nữa, rồi trước khi chia tay lại dặn dò Tết nhớ ghé qua uống tiếp.

                        Từ chợ Nha Mân muốn về quê của Long ở bên cù lao Tân Hiệp còn phải đi khoảng một cây số đường bộ, theo bờ rạch Nha Mân ra vàm, trước khi đến bến đò để được sang sông. Trên đoạn đường ngắn ngủi ấy, thằng cháu uống rượu nhăn mặt của cụ Phan Thanh Giản đã bị bà con đón đường ba lần nữa để bắt uống nhiều loại “độc tửu” khác nhau cùng với lươn um xả, tôm càng nướng, cá mè vinh hấp lá bạc hà …

                        Tôi thở vắn than dài:

                        - Tao “quỷnh” quá rồi Long ơi ! Còn mấy cái ải “rượu” nữa mới tới bến đò ?

                        Long cười hề hề:

                        - Chắc đây là trạm chót, trời tối rồi, chắc không ai thấy mình để mời mọc nữa đâu. Mầy còn lạ, phần tao đã quen rồi, mỗi lần về quê là tao như theo bước Ông Quan Vân Trường thời Tam Quốc, Ông Quan Vân Trường “quá ngũ quan, trảm lục tướng”, còn tao thì “quá ngũ quan, ẩm lục xị”, rồi say túy lúy càn khôn,  nhiều khi uống không nỗi, nhưng đâu đễ gì từ chối sự mời đón của bà con.

                        Và mặc dù đã quá chén, nhưng tại bến đò chú Tư, mỗi đứa tụi tôi còn phải nốc thêm nửa ly bầu quặng rượu đậu nành để ông lái đò hài lòng trước khi đưa người qua sông Dịch. Đến nhà Long thì đã quá nửa đêm, phần say, phần mệt, tôi chỉ còn kịp chun vô cái mùng lưới mắc sẵn trên bộ ngựa gõ trải chiếu bông, mát lạnh, đánh một giấc đến sáng bét ngày hôm sau.

                        Ba Mươi Tết, một ngày bận rộn ở vùng quê, tảo mộ ông bà, chùi lư, dán liễng, trang hoàng trước ngỏ, trong nhà, chưng dọn bàn thờ tổ tiên … Tôi, Long và Hổ, em trai út của Long phụ trách việc chưng dọn, trong khi má Long lo nấu cỗ, chuẩn bị lễ rước ông bà.

                        Trước nhà Long là một rạch nhỏ còn được gọi là xẻo, mùa mưa xẻo lúc nào cũng đầy nước, mùa nắng như những tháng cận Tết, nước ròng, lòng xẻo cạn queo. Xẻo cắt ngang cù lao Tân Hiệp, có ba xóm, Xóm Vàm ở vàm xẻo, cách chợ Nha Mân bởi nhánh sông Sa Đéc. Long ở Xóm Giữa, gần ngôi đình làng cỗ kính có những cây dầu, cây sao thân suông đuột, cao vút. Xóm Trong tận cùng ở bờ bên nầy sông Tiền, bên kia sông Tiền là Rạch Ruộng thuộc tỉnh Định Tường. Dân chúng ba xóm cất nhà dọc theo hai bên bờ xẻo, liên tục hoặc cách nhau bởi những thửa vườn cây ăn trái, những đồng lúa phì nhiêu.

                        Mặt trời vừa xế, bà Hạnh, má Long giục chúng tôi dọn cỗ lên bàn thờ tổ tiên, các bàn thờ được dựng tạm thời dành cho cô bác, đất đai vương trạch. Trái cây, dưa hấu, bánh phồng, bánh tráng nướng … dọn lên bàn Thông Thiên, bàn thờ Phật, bàn thờ Ông Quan Công, miễu Bà Chúa Xứ. Má Long dặn lúc nước dưới lòng rạch bắt đầu chảy vô thì làm lễ rước ông bà về ăn Tết.

                        Bửa ăn gia đình sau đó gồm có tôi, Long, Hổ, má Long và Thu, em gái Long. Từ lâu tôi biết Long có em gái, lòng tò mò muốn xem mặt coi xấu đẹp cỡ nào. Thu đi chợ bán bánh mức từ sáng sớm, lúc tôi chưa tỉnh cơn say, mới về chừng nửa giờ trước đây và trốn biệt dưới bếp cố ý không cho tôi gặp mặt.

                        Tôi đã gặp bà Hạnh nhiều lần trong những dịp bà về Sài Gòn bán ổi xá lị ở chợ Cầu Ông Lãnh và ghé Đại Học Xá Minh Mạng thăm Long. Bà dáng phúc hậu, đoan trang, ông giáo chồng bà qua đời ở tuổi bốn mươi, bà quyết định ở vậy lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Bà Hạnh rất khéo tay, tôi đã thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc do chính tay bà nấu nướng mỗi khi bà ghé qua Đại Học Xá.

                        Bà Hạnh rất tự hào về người chồng quá cố, hay kể chuyện về ông giáo như là một người đầy lòng nhân ái, hồi xửa hồi xưa, ông là giáo viên trường Tiểu Học ở Nha Mân bên kia bờ sông. Rồi cù lao Tân Hiệp thành hình, dân chúng tới ở ngày một đông, sanh con đẻ cháu thêm nhiều, thăm cù lao mấy lần, thấy các cháu nhỏ chịu cảnh dốt nát vì sông lớn cắt ngang, sóng to gió lớn khó bề qua lại hằng ngày, Ông Hạnh đã xin Ty Tiểu Học Tỉnh mở một trường Sơ Cấp ở Xóm Giữa. Lớp học đầu tiên là một căn nhà lợp lá dừa nước, nền đất, vách bùn trộn rơm, gần bốn chục học sinh trình độ vở long gồm đủ các lứa tuổi, giáo viên không ai chịu thuyên chuyển đến đây, chỉ có ông Hạnh là thầy giáo duy nhứt kiêm trưởng giáo. Mùa nước nổi năm học đầu tiên, ngôi trường giống như một hòn đảo nhỏ giữa vùng nước bao la, thầy xăng quần tới háng lội nước “xộn xộn”, tụi học trò nhỏ có đứa cổi hết quần áo đội lên đầu chung với tập vở. Nay trường có 12 lớp của toàn bậc Tiểu Học, tám phòng học và một văn phòng Hiệu Trưởng khang trang, cao ráo , nền lót gạch Tàu, nóc lợp fibro xi măng. Ông Hạnh đem hết bầu đoàn thê tử sang ngụ hẳn ở cù lao, ngoài giờ dạy học, ông chăm sóc miếng vườn ổi xá lị đào lên từ đất ruộng.

                        Trong bửa cơm chiều, tôi đã trò chuyện với bà Hạnh:

                        - Thưa bác giáo, cháu xin lỗi bác, hồi hôm cháu và Long về muộn, để bác phải trông đợi.

                        - Ối ! Lỗi phải gì, bác biết hai đứa bây về tới chợ Nha Mân lúc mười giờ sáng ngày hôm qua, mấy người hàng xóm đi chợ về nói lại, nhưng bác cũng trông sơ sơ thôi, vì đã quen rồi. Dân miệt nầy hiếu khách lắm, mỗi lần thằng Long về là họ cầm ở lại chơi tới tối. Ở đây thêm vài ngày rồi cháu sẽ thấy, ai cũng là người thân thuộc. Hồi ba sắp nhỏ còn sanh tiền, một tuần lễ ổng đi ăn đám giỗ hết ba bốn ngày, dạy học rồi đi tới khuya lơ khuya lắc mới về, còn cuối tuần mà ổng nói đi chợ Nha Mân uống cà phê là kể như đi chơi luôn hết ngày đó. Ba thằng Năm ở quán cà phê đầu chợ mà cháu có ghé qua là ông hương quản Mùi, bạn thân của ba sắp nhỏ, nay tình bạn truyền sang đời con, rồi không chừng sang luôn đời cháu.

                        - Thưa bác, tại sao mình rước ông bà lúc nước lớn ?

                        - Tập quán đã có từ lâu, người dân mong cho tiền vô như nước, cháu đi thăm thử năm ba gia đình miệt nầy sẽ thấy ngày Tết lúc nào nước cũng đầy lu, gạo đầy khạp. Một cỗ lệ khác là không quét rác ra khỏi nhà trong ba ngày đầu Xuân, ý mong tiền bạc ở lại trong nhà, không bị tiêu tán. Cũng có một số bà con rước ông bà từ lúc sáng sớm, vì quá nôn nóng, họ nói đùa, rước sớm được ông bà tốt, mạnh khỏe, lành lặn … trể, người khác rước hết chỉ còn ông bà xấu, bịnh hoạn, cùi đui sứt mẻ … Thật ra ông bà của ai thì người nấy rước, dễ gì ông bà mình chịu về nhà khác ăn Tết, dù cho mâm cao, cỗ đầy hay thênh thang võng lọng, phải không cháu ?

                        - Dạ, bác giáo nói phải. Còn đất đai vương trạch là ai mà cháu chưa bao giờ nghe nói tới ?

                        - Dân chúng miền quê tin rằng đất có Thổ công, sông có Hà bá. Đó là hai vị thần bảo vệ đất nước cho họ yên ổn làm ăn.

                        - Cháu thấy nhà có mấy quài chuối chín vàng hực, trông rất đẹp mắt, ngon lành, sao mình không đem chưng cúng ?

                        - Ngày Tết chỉ chưng những loại trái cây tượng trưng cho sự tốt lành như mãng cầu gai, mãng cầu ta, đu đủ, xoài cát … đó là bộ ba “cầu đủ xài”, hoặc trái sung nói lên sự “sung túc”. Trái chuối dù tươi tốt cách mấy nhưng nói trại đi là “chúi”, có nghĩa là “chúi xuống” hay “cất đầu không lên”, chẳng mấy người dám chưng trên bàn thờ.

                        Tôi còn hỏi nhiều câu khác, việc nào cũng được bà Hạnh trả lợi có lý, có tình, tôi cảm phục vô cùng, phục người đàn bà hiểu nhiều, biết rộng, giàu tình thương và nghị lực.

                        Thu ít nói, nhưng những gì thốt ra đều cẩn trọng, chính xác. Theo lời Long, Thu tốt nghiệp trường Sư Phạm Vĩnh Long năm vừa qua và về dạy trường Tiểu Học Tân Hiệp để gần mẹ và em. Người nhỏ nhắn, tóc đen nhánh chấm vai, mặt trái xoan, nước da bánh ếch. Ở Thu tôi bắt gặp những e ấp, thẹn thùa của một nữ sinh, một cô giáo mới, nét đẹp của Thu kín đáo, tự nhiên, không phấn son, không đài các, chen lẫn vẻ nhu hòa thùy mị Á Đông hợp cùng sự tươi vui, thanh nhã của loại người ưa thích hoạt động.

                        Trong bữa ăn cơm chiều, tôi và Thu ngồi đối diện, nàng ngượng nghịu, mất tự nhiên, rồi một phút tình cờ bốn mắt chúng tôi gặp nhau, nàng bẽn lẽn cúi đầu, gò má ững hồng. Chúa ơi ! Phật ơi ! Có biết lòng con đang mở hội hoa đăng. Thu chỉ ăn một chén cơm rồi buông đũa chạy xuống bếp.

                        Sau bữa cơm, Hổ dắt tôi đi xem cái rộng chứa đầy tôm càng râu xanh đỏ ở cái mương sau nhà, mấy khạp da bò chứa cá lóc, lươn, cá trê … cùng với mấy rỗ khô lươn, khô cá lóc ướp xả ớt, tàu vị yểu bông sen … đó là những thứ do chính tay Hổ tát mương bắt được.

                        - Tát mương bắt bao nhiêu cá tôm đó chắc phải vất vả lắm hả ?

                        - Hồi xưa cực vì phải dùng sức người với thùng thiếc hay gàu giai, nay có máy Kohler bốn ngựa làm hết, nên khỏe re.

                        Hổ tiếp tục chỉ tôi nồi thịt kho nước dừa xiêm, mấy thố dưa cải tùa xại, dưa hành, dưa giá, dưa kiệu, dưa đầu heo, cơm rượu … mấy rỗ bánh phồng, bánh tráng mè, bánh tráng ngọt. Rồi còn những múi mứt mãng cầu trắng tinh có hột đậu phộng ở giữa, thố chuối khô ngào đường tươm mật vàng tươi điểm những mảnh đậu phộng trắng ngà, keo thủy tinh đầy mứt gừng, mứt bí, mứt hạt sen, mứt chùm ruột, mứt dừa, mứt cà chua, mứt chanh, mứt ớt …

                        - Mấy thứ nầy do chị em làm.

                        - Thu khéo dữ vậy à !

                      - Chẳng những làm ăn mà còn bán nữa chớ. Gái Nha Mân mà, anh không nghe người ta nói sao ?

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.

                        Đêm Ba Mươi Tết về ở miệt cù lao. Bầy đom đóm lập lòe trên đám bần, bụi dứa gai ven sông. Từ những máy dầu, máy xăng phát điện, đèn măng xông mỗi căn nhà, ánh sáng ấm cúng hắt ra khoảng đường cái vắng vẻ, chia cắt đêm đen trừ tịch âm u ra từng phần nhỏ, mặt nước sông bằng phẳng cùng với ánh đèn phản chiếu tạo cho tôi cái ảo giác dòng sông là một đại lộ thênh thang với hai hàng trụ đèn thẳng tắp.

                        Bên cạnh nồi bánh tét sôi sùng sục và trên chiếc đệm bà Hạnh và Thu đang gói nốt những đòn bánh tét cuối năm. Tôi, Long và Hổ uống trà tàu, nhai mứt gừng, nói chuyện năm cũ, ngày mới. Sau mấy lần trộm nhìn đôi má ửng hồng của Thu bên ánh lửa đêm Xuân, tôi chợt thấy lòng mình chùng lại, từ bấy lâu, những tranh đấu, bon chen, công danh, sự nghiệp … đã làm tôi luôn bận tâm, những thứ đó tối nay đi đâu mất hết. Tôi nghĩ gì ? Muốn gì ? Phải chăng tôi mong ước có một cuộc đời thanh đạm, an bình ở miệt vườn, một người vợ như Thu, một mái ấm …

                        Long lôi tôi về thực tại :

                        - Ba à, mầy còn nhớ bác năm Thơ mình gặp sáng hôm qua bên chợ Nha Mân hông ?

                        - Nhiều người quá làm sao tao nhớ hết ? Tao chỉ còn nhớ anh Năm, anh Sáu và chú Tư lái đò. Bác năm Thơ là ông nào ?

                        - Cái ông đồ viết liễng đó mà.

                        - Ờ ! Tao nhớ rồi ! Ổng mặc áo dài, bới tóc, đội khăn đóng, ăn trầu, mài mực Tàu viết liễng trên giấy hồng đơn. Mà hai câu liễng ổng viết cho gia đình mầy hay lắm, để tao nhớ lại coi, " Đa tử, đa tôn, đa phú quí. Tấn tài, tấn lợi, tấn bình an ", phải hông mậy ? Nét chữ ổng thiệt là như rồng bay phượng múa. Mà tao thấy đâu có mấy người mướn ổng viết liễng, Tết còn vậy, ngày thường ổng làm sao sinh sống ?

                        - Ờ ! Mầy nhớ đúng rồi. Mà nhìn ổng viết liễng mầy có liên tưởng tới bài thơ Ông Đồ không ?

                        Thôi thằng Long hỏi ngay "tủ" của tôi rồi, thơ thì tôi chỉ biết có vài bài, trong đó Ông Đồ là một.

                        - Có, có chớ ! Mà tao thuộc lòng bài Ông Đồ như cháo cá nấu nhừ, để tao đọc cho mầy nghe.

                                                                       …

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Ông Đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay …

                        Long hỏi :

                        - Tác giả bài nầy là ông Vũ…Vũ gì hà ?

                        Tôi đáp ngay không cần suy nghĩ :

                        - Vũ đình Liên, mà ông ấy chỉ có bài Ông Đồ nổi tiếng, còn mấy bài khác cũng thường thường thôi.

                        Bà Hạnh gói xong đòn bánh tét cuối cùng, bà đứng dậy đi ra nhà sau.

                        Có lẽ bài thơ Ông Đồ gải đúng chỗ ngứa của Thu nên cô phát biểu gọn ơ :

                        - Anh Ba thuộc thơ lại nhớ tên tác giã, chắc túi thơ nặng lắm anh có thể cho bà con nghe thêm vài bài thơ Xuân anh thích ?

                        Tay tôi gải đầu, miệng thầm than khổ. Gieo cái nhân thì gặt lấy hậu quả, từ chiều đến giờ tôi cố ý chọc Thu mở miệng nhưng nàng im tiếng, bây giờ Thu lên tiếng thì tôi muốn cứng họng. Tôi biết mình đang ở thế cởi cọp, bằng mọi cách phải cố mà gỡ gạc, không thể để mất mặt với cô giáo vườn nầy.

                        - Cô Thu cho tôi suy nghĩ một chút nhé.

                        Tôi soát lại bầu rượu và túi thơ của mình. Bầu rượu thì coi như bể rồi, tửu lượng tôi còn kém xa bà con miệt vườn mấy bực. Túi thơ thì sắp lủng đáy. Văn, thơ, nhạc thứ nào tôi cũng yêu, nhưng mỗi thứ chỉ thuộc vài bài, đoạn còn đoạn mất. Như thơ, ngoài Ông Đồ tôi chỉ nhớ Tình Già của Phan Khôi, trời xui đất khiến hôm nay Long hỏi đúng một trong hai nên tôi mới cà khịa được. Bây giờ đào đâu ra bài thơ Xuân ? À ! Thôi tôi nhớ ra rồi, hồi năm ngoái tôi và thằng Khải thua bài xiểng niểng, mới sáng mùng Hai Tết đã sạch túi, đành phải đứng dựa lan can lầu Đại Học Xá, nhìn bà con nườm nượp du Xuân, thằng Khải bất giác ngâm nga hai câu thơ, thấy đúng tâm sự mình tôi khen hay, còn hỏi hai câu thơ đó ở đâu mà ra. Khải nói đoạn thơ tả tình cảnh Dũng trong Đoạn Tuyệt.

                        Tôi liền tả oán :

                        - Như Thu biết chúng tôi là những sinh viên xa nhà trọ học, có năm vì hoàn cảnh đặc biệt không thể về quê ăn Tết, buồn lắm, thế nên hai câu thơ tiền chiến trong Đoạn Tuyệt tả tâm trạng bơ vơ của Dũng những ngày cuối năm được chúng tôi yêu mến nhứt vì cùng một tâm sự với chúng tôi.

Giũ áo phong sương trên gác trọ

Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang.

                        Đọc xong hai câu thơ, tôi thấy Thu có vẻ mơ màng, cảm động, chắc trong bụng nàng phục lăn tôi, tôi thừa thế tấn công :

                        - Giờ tới lượt cô giáo cho mấy thằng học trò già thưởng thức vài đoạn thơ Xuân nhé !

                        Thu nhỏ nhẹ, chậm rải :

                        - Nhà thơ tiền chiến Thu thích nhứt là Chế Lan Viên, thơ " Xuân " của ông rất lãng mạn và cay đắng.

Tôi có chờ đâu có đợi đâu

Ai xui Xuân đến gợi thêm sầu

Với tôi tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau…

                        - Bây giờ Thu còn thích Chế Lan Viên ?

                        - Thưa không.

                        - Lý do ?

                        - Mời anh nghe thêm một đoạn trong bài " Xuân "

Có những người nghèo không biết Tết

Mang lì chiếc áo độ Xuân tàn

Có đứa trẻ thơ không biết khóc

Vô tình bỗng cất tiếng cười vang…

                        Theo ý Thu, thời tiền chiến, đoạn thơ trên cùng với nhiều đoạn văn, bài thơ có nội dung tương tợ nhằm mục đích mô tả sự cơ cực của người dân dưới ách phong kiến thực dân, tác giả là Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Ngày nay cũng với nội dung trên, đoạn thơ mô tả cảnh không biết Tết của hàng triệu người Việt Nam nghèo khó ở khắp hai miền Nam Bắc, mà thủ phạm chính là những nhà thơ tiền chiến và chế độ cộng sản Hà Nội của họ, kẻ phát động cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa cộng sản, xâm chiếm miền Nam tự do, gây biết bao tang thương đổ nát trên quê hương. Làm sao Thu có thể tiếp tục yêu mến họ như xưa được phải không anh ?

                        Thu làm tôi bối rối, nàng đọc thơ rồi phê bình thơ, chuyện văn chương bước qua chuyện chánh trị, tôi bị hụt chân, không theo kịp nàng. Tôi chưa kịp phản ứng thì có tiếng pháo chuột lác đác nổ từ xa, Long hối mọi người đứng dậy đi dựng nêu và đón mừng giao thừa.

Đời sống miệt vườn

                        Những ngày vui Xuân ở cù lao Tân Hiệp đối với tôi là một chuổi ngày hoan lạc. Tôi đi tắm sông, tắm cồn, bơi xuồng, chèo ghe, chạy máy đuôi tôm, thăm những vườn ổi xá lị sai quả, nặng cành, vườn cam quít tuy đã hái hết trái nhưng rõ ràng là phì nhiêu, sung túc, những cánh đồng thơm mùi rạ, mùi lúa chín… Tôi trò chuyện với Thu và đón nhận những ánh mắt chứa chan cảm tình của nàng để tâm hồn bay bổng lên chín từng mây, để mộng tưởng, ước mơ một ngày mai không còn xa cách.

                        Và tôi phải nói ra đây thêm chuyện nhậu nhẹt, ngày nào cũng vậy, tôi hầu như "sáng xỉn, chiều say, trưa lai rai, tối tỉnh say nhậu nữa". Tôi dự tính đi thăm hết bà con Xóm Vàm, Xóm Giữa và Xóm Trong, nhưng tôi và Long đã không ra khỏi cái Xóm Giữa có quá nhiều "ải rượu", say ở đâu thì ngủ lại đó, tỉnh dậy đã có nhà kế bên đợi sẵn để nhậu tiếp tục.

                        Rượu và đồ nhắm ở miệt vườn, không những vào dịp Tết mà bất cứ lúc nào cũng dồi dào, gần như vô lượng, trong khi tửu và thực lượng của tôi thì có hạn. Rượu đế thượng hảo hạng, nấu bằng trăm phần trăm nếp, nước trong vắt, rót ra ly sủi bọt không ngớt. Rượu nếp than màu tím nhạt, trên trong dưới đục, hậu vị ngọt ngào, uống vô cảm thấy nhẹ nhàng, không cay, không nóng, nghĩ rằng uống không biết bao nhiêu mới say, nhưng rồi ngã lúc nào không hay. "Huýt ky bà quẹo" chế biến đơn giản và nhanh, đổ một lít rượu đế và hai trái dừa xiêm vô một cái thau, quậy đều, thêm một cục đá lớn, uống rất êm, không cháy cổ như rượu chưa pha, ngọt và mát lạnh, nhưng "quẹo" cũng rất nhanh và êm ái. Rượu mít, rượu chuối hay "lão tửu" cần sự chế biến công phu hơn, mít nghệ hoặc chuối cau chín lột võ, phơi cho heo héo đoạn nướng trên than hồng đến khi vừa cháy xém, ngâm với rượu nếp khoảng hai ba tháng trước khi uống. Rượu mít vàng, trong vắt, lão tửu trắng đục, cả hai thứ trái cây nầy làm nên một loại thức uống đặc quẹo, ngọt và thơm. Rượu đậu nành, hổ cốt, tắc kè, chanh, sa kê… loại nào uống cũng khoái khẩu, nhiều lúc trong tiệc rượu, tôi ước mình được như một Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung, uống thật nhiều cho đã ông thần khẩu, rồi rượu chạy theo đường "nhất dương chỉ" phát tiết ra ở đầu ngón tay, để tôi được uống mãi, uống mãi, uống thêm nữa, cái tình cảm hiếu khách, chân thật của người dân miệt vườn.

                        Tôi không thể kể ra hết mười mấy tiệc rượu mà tôi đã tham dự, sợ mất thì giờ của quí độc giả, lại cũng sợ làm mình nhớ và thèm, nên chỉ kể ra đây một tiệc tiêu biểu.

                        Lúc đó là mười một giờ đêm mồng một Tết, chúng tôi đến nhà anh hai Thanh. Dưới ánh đèn điện phát ra từ chiếc máy dầu Yanmar, anh chị hai đang coi vô tuyến truyền hình, mấy đứa nhỏ không có ở nhà, có lẽ đang đánh bài cào con ở khu vực đình làng. Trên bộ đi văng cẩm lai, bốn vị "anh hùng" nằm ngủ ở vị thế không mấy ngay ngắn, chắc vừa trải qua một trận "tửu chiến" kinh hồn.

                        Anh hai thân tình:

                        - Bốn cha nội đây say quá về nhà không nỗi, tôi uống với mấy ổng sơ sơ hết gần ba lít rượu mít, tôi cũng mới đánh một giấc vừa thức dậy coi truyền hình với bà xã thì hai chú tới.

                        Anh hai lên đèn, thắp nhang trên bàn thờ để Long mừng tuổi ông bà, chị hai đi xuống bếp. Tôi nghe tiếng động dao, động thớt, mò xuống chơi, thấy chị hai đang dùng nhánh tre lụi qua thân hai con cá lóc bự. Chị xốc đứng nhánh tre trên nền đất sau nhà, lấy rơm phủ kín cá rồi châm lửa đốt. Khi lửa bén rơm, chị bắt hai con lươn vàng từ khạp da bò, đập đầu, vuột nhớt với tro bếp, rửa sạch, mổ bụng lấy ruột, rồi nướng trên than hồng để làm món lươn xé phai trộn gỏi dưa ngó sen và rau răm. Cách chị làm việc nhẹ nhàng, rụp rụp. Lươn vừa đặt lên bếp thì hai con cá lóc cũng vừa chín tới, gạt bỏ lớp vảy cháy xém bên ngoài để lộ thớ thịt trắng tinh, chị xẻ cá làm đôi theo đường sống lưng, bỏ mở hành vô.

                        Cá lóc nướng cuốn với bánh tráng, rau thơm, rau cần ống, rau vấp cá và đọt điều, chấm nước mắm me. Anh hai lôi một chai rượu thuốc từ trong tủ ra. Thấy rượu hơi lạ, tôi hỏi:

                        - Rượu gì vậy anh hai ?                    

                        - Rượu thuốc ngâm bìm bịp.

                        - Thuốc gì ? Bìm bịp là con gì ? Rượu thuốc ngâm bìm bịp có công dụng gì ? Cách chế biến ra sao ?

                        - Bìm bịp là giống chim rất khỏe mạnh ở miệt nầy, bắt cá tôm ngoài ruộng, dưới sông rạch, làm ổ trên cây cao. Loại chim bìm bịp có hai đặc điểm, thứ nhứt, hót khi nước bắt đầu lớn, nói rõ hơn là chúng kêu inh ỏi khi thủy triều lên, thế nên ca dao miệt vườn có câu:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi

Buôn bán không lời chèo trống mỏi mê.

                        Đặc điểm thứ hai của giống bìm bịp là có khả năng dùng dược thảo thiên nhiên chửa bệnh gãy xương rất hữu hiệu. Lợi dụng đặc tính đó, nông dân trèo lên cây cao, tới tận ổ chim bẻ chưn bìm bịp con hay bìm bịp ra ràng, chim mẹ thấy con bị thương sẽ đi tìm thuốc về băng bó, thuốc rất công hiệu, chỉ trong vòng năm bảy ngày là chỗ xương gãy lành lại như thường. Nông dân bắt bìm bịp ra ràng ngâm rượu, thuốc ở đây là dược thảo thiên nhiên đã ngấm vào cơ thể bìm bịp con. Rượu thuốc ngâm bìm bịp, phải ít nhứt là một năm, giúp chống lạnh, xương cốt dẽo dai, tăng cường sinh lực, ngừa phong thấp. À ! Mà mấy ông kỳ lão khuyên chỉ nên uống mỗi ngày một ly nhỏ thôi, nhứt là mấy người trẻ tuổi, dồi dào sinh lực, lại chưa có gia đình như hai chú uống nhiều rượu nầy sẽ bị… hà hà.

                        - Bị, bị… gì vậy anh hai ? Phải bị tẩu hỏa nhập ma hông ?

                        - Chú nói cái danh từ gì nghe có vẻ mới mẻ, thành thị quá, anh không hiểu, nhưng chắc cũng… gần gần như vậy !

                        Khi anh hai rót ly rượu thứ hai, tôi thắc mắc:

                        - Mấy ông kỳ lão nói tụi em không được uống nhiều rượu nầy mà !

                        - Mèn ơi ! Tao nói chơi mà tụi bây tin được sao ?

                        Tới hôm ấy bìm bịp mới ngâm vừa tròn ba tháng, phần chị hai làm món nhậu quá hấp dẫn, phần nhiệt tình của anh hai, ba chúng tôi đã uống cạn chai rượu không chừa một tí nước cốt để ngâm lại lần thứ hai.

                        Ngày vui qua mau, ạch đụi rồi hạ nêu cũng tới. Trên chuyến xe đò về lại thủ đô Sài Gòn, có lúc tôi miên man nghĩ ngợi, không biết ông Vũ Bằng khi viết bài Chuột Đồng trong cuốn Món Lạ Miền Nam, ông có thật sự về tận miệt Long Xuyên lúa sạ, ăn thịt chuột và yêu mến người em gái miệt nước nỗi ấy. Riêng tôi sau chuyến đi nầy, tôi đã thật sự ưa thích phong cảnh ruộng vườn, quí mến tính chân thành, hồn hậu của người nông dân, "chịu" những món ăn đồng quê, và nhứt là… mê em gái miệt vườn.

                        Long đang ngủ gà ngủ gật, tôi đánh thức hắn dậy:

                        - Ê Long, tao cho mầy biết, tao sẽ cưới em gái mầy, nhưng dứt khoát không có chuyện kêu mầy bằng anh đâu nghen.

                        Long nhừa nhựa:

                        - Ừ ! Thì có sao đâu !

                        Long lại dựa đầu vô thành ghế ngủ tiếp. Tôi lay mạnh hắn:

                        - Mà dứt khoát cũng không có chuyện con của tao và Thu kêu mầy bằng bác đâu nghen.

                        Long đổ quạu:

                        - Mầy sao lôi thôi quá ! Để yên cho tao ngủ một chút coi ! Con mầy kêu tao bằng cậu chớ làm sao bằng bác được !