Xuân về trên Gò Bồi

Xuân về trên Gò Bồi

Huyền Châu

Nữ sĩ Huyền Châu sinh năm  1918 và mất năm 2006 tại Pháp, quê quán ở Gành Ráng, một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Bình Định. Tại hải ngoại, bà cộng tác với các báo Quê Mẹ, Hành Động, Tự Do, Văn, Phụ Nữ Diễn Đàn. Xuân về trên Gò Bồi và Xuân tuổi trăng rằm được trích đăng dưới đây từ quyển Gành Ráng, trong đó tác giả đã ghi lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu trong vùng quê và đó cũng là nếp sống chất phát, hiền lành, giản dị của người dân vùng thôn dã Việt Nam vào thập niên 30 và cũng để giới thiệu với các bạn một nét đẹp quê hương miền Trung Việt Nam thời xa xưa.

                        Năm đó, má tôi nhứt định đưa Bạch Trang, Linh Qui và tôi về Lương Tài quê ngoại của tôi để ăn Tết. Chiếc đò dọc đưa về Lương Tài thuộc loại đò máy chỉ có sáu người khách kể chung với bốn mẹ con tôi. Còn lại hai người kia là học sinh về quê ăn Tết.

                        Chiếc đò tách rời bến sau chùa Hải Nam thẳng xuôi  theo giòng sông Huỳnh Giản đưa về Gò Bồi. Từ Gò Bồi chúng tôi phải cuốc bộ trên ba cây số mới đến làng Lương Tài.

                        Nước bắt đầu đổi chiều. Trời xanh đậm in vào gương nước trong vắt. Hễ khi nước trong là mùa mưa thoảng xa và mùa Xuân lại về.

                        Đò vừa cặp bến Gò Bồi thì đã quá ngọ. Phố xá, chợ búa đã vắng thưa người. Các cửa tiệm cũng bắt đầu đóng cửa. Lũ trẻ ranh bắt đầu đốt pháo đì đùng. Hai chàng học sinh kia cũng về chung một đường với chúng tôi. Nắng mùa Xuân tuy trong nhưng thật gắt làm mọi người đổ mồ hôi, nhưng nhờ có gió Xuân mát dịu thổi lao xao làm chúng tôi quên mệt. Đường đất khô ráo, sạch sẽ nên dễ đi. Chúng tôi phải băng qua mấy thửa ruộng, vì vừa mới gặt lúa nên ruộng cũng khô ráo. Hôm nay trên đường đưa về Lương Tài vắng vẻ không có phiên chợ nhóm như thường nhật. Các quán tranh nho nhỏ bên vệ đường bỏ trống trơn. Có những khóm tre ốm tong teo vì đã quá già, có cây bị con sùng, con đuôn tàn phá, nên rủ lá xác xơ. Có cây tre trổ bông từng chùm như hột lúa, tre ra hoa là tre sắp chết.

                        Trong khung cảnh hoang vắng xác xơ, điểm tươi sáng nổi bật là cổng những ngôi nhà hai bên đường đã dán những cặp liễn đỏ, nổi chữ mực tàu đen nhánh. Cây mai trong sân nở lấm tấm búp vàng đón Xuân. Hàng rào cây trà trước nhà  đã được cắt xén thẳng băng.

                        Vừa đến trước cửa chùa Thập Phước, chúng tôi đã thấy dì tôi cùng anh Mỹ, chị Hạnh đã chờ sẵn. Nhìn nét mặt vui vẻ của dì tôi, tôi biết năm nay nhà ngoại tôi sẽ ăn Tết lớn. Mà đúng vậy, nhà ngoại trang hoàng rực rỡ. Đèn giấy, cờ giấy tam sắc kết dài trước mái hiên. Bàn ông Thiên trước nhà đã chất sẵn hoa quả để cúng giao thừa. Trong nhà có vài người tá điền đưa vợ con về ăn Tết, phụ giúp việc nhà luôn. Cảnh nhà hôm nay đông như mở hội. Cây nêu đã cột sẵn giỏ tre đựng giấy tiền vàng bạc, trầu cau, gạo muối cùng chiếc khánh bạc kêu leng keng. Chờ giờ dậu là ngoại dựng nêu trước sân nhà theo tục lệ hàng năm.

                        Vừa thấy Bạch Trang, Linh Quy và tôi, ngoại tôi mừng lắm, ôm từng cô cháu nước mắt rưng rung. Ngoại bảo chị Hạnh :

                        -  Hạnh, con lấy mấy trái mảng cầu dai mà ngoại dú trong hũ gạo cho ba em con ăn chơi. Mấy con nầy lớn xộn rồi đây.

                        Dì tôi nói :

                        -  Con Trang càng lớn càng có vẻ nết na, hiền lành, con Linh Quy mới mười bốn tuổi mà ra vẻ con gái dậy thì rồi. Còn con Huyền Châu…

                        Dì nheo mắt ngó tôi, làm tôi mắc cỡ. Má tôi đỡ lời :

                        -  Càng lớn nó bớt khỉ khọn, tuy nhiên tánh tinh quái vẫn không chừa. Phải chi nó thùy mị như con Mỹ Hạnh thì vợ chồng em bớt la rầy rát cổ.

                        Dì tôi khoe :

                        -  Có con ông Hương Cả ở làng trên đi hỏi con Hạnh rồi. Sang năm chị gả cháu…

                        Chị Mỹ Hạnh mắc cỡ cầm tay Linh Quy lui xuống bếp. Bạch Trang khều tôi ra gốc khế đơm đầy hoa tím. Hồi mười tám năm về trước, ngoại với than góa bụa, nuôi ba cô con gái là má chị Mỹ Hạnh, má Bạch Trang và má tôi nên người. Ngoại đã từng tự hào là ba cô con gái mình xinh đẹp, khôn ngoan. Giờ đây, ngoại tìm niềm vui ở lũ cháu ngoại gái. Trong đám chị em, về nhan sắc, tôi kém sút hơn hết. Nhưng tôi nổi bật hơn họ là ở tánh ranh mảnh, thích pha trò. Ba má, ngoại và các dì xúm lại rầy tôi ào ào nhưng trong bụng có phần thiên vị tôi hơn hết. Ngoại thường tuyên bố :

                        -  Vắng con Châu là nhà cửa lạnh tanh.

                        Dì tôi thường khuyên má tôi :

                        -  Em chớ rầy la nó thái quá. Nó còn trẻ ăn chưa no, lo chưa tới…

                        Bạch Trang hôm nay ra vẻ cô nương lắm rồi. Nó thuộc vai chị của tôi nhưng nhỏ tuổi hơn tôi. Chị em nào tôi cũng thương yêu, luôn cả anh Mỹ. Nhưng tôi thích Bạch Trang hơn, vì tôi nghĩ rằng nó yếu đuối, cần được tôi che chở. Bạch Trang nói :

                        -  Nè Châu ! Ngoại cưng tao và mi nhiều hơn anh Mỹ, chị Hạnh vì tao sớm mồ côi mẹ, còn mi thì làm con nuôi ông thầy pháp, sống ở nhà thầy suốt mười hai  năm ở làng Hương Thạnh.

                        - Ừ hén ! Mà sao mi hay để ý chuyện đó làm chi ? Mà sao mi buồn quá vậy Trang ?

                        Bạch Trang lại nói :

                        -  Nè ! Bắt đầu từ ngày mai mi không được kêu tao bằng mầy nữa nghe chưa ! Ngoại nói tụi mình đã lớn rồi. Tao là vai chị của mi, mi phải kêu tao bằng chị Trang.

                        Tôi gật gù :

                        -  Ừ ! Mầy nói cũng phải đó ! Nhưng tụi mình lỡ xưng hô mày tao mi tớ quen rồi, giờ đổi cách xưng hô nghe mắc cỡ, nhột miệng quá !

                        -  Ngoại nói mầy đã mười sáu tuổi là tuổi trăng tròn. Đó là vừa đúng tuổi cập kê.

                        -  Cập kê là gì hả chị Trang yêu quí của em ? Cập kê là cập con gà mái kè kè một bên phải không ?

                        Má tôi bỗng ở đâu trờ tới, nghe tôi phát ngôn ẩu tả liền rít lên :

                        -  Cập kê là cài trâm, nghe chưa con ôn dịch. Cứ nói tầm phào luôn đi. Con gái lớn rồi, liệu mà ăn nói cho nghiêm chỉnh với người ta.

                        Sáng ngày mồng Một Tết, tiếng trống múa lân ở đầu làng bên cổng chùa Thập Phước vọng inh ỏi. Tiếng pháo ở các nhà hàng xóm đì đùng nổ ròn.

                        Chúng tôi, trừ anh Mỹ, gồm Bạch Trang, Mỹ Hạnh, Linh Quy và tôi đã thức dậy từ năm giờ sáng. Chúng tôi rửa mặt, chải tóc và trang điểm. Bạch Trang và Mỹ Hạnh vốn tánh giản dị, chọn màu áo lụa nguyệt bạch. Linh Quy năm đó mới lớn nên diện chiếc áo lụa màu cánh sen. Còn tôi năm đó, tôi thích màu u tối, không phải vì bi quan, sầu muộn mà vì chiếc áo gấm màu vỏ măng cụt đẹp quá hợp với nước da tôi, nên dùng nó trang điểm cho ngày Nguyên Đán. Cả ba đều mặc quần lụa trắng, kết reng ở hai ống. Cả ba đều đeo kiềng vàng chạm, bông tai tòng teng kiểu hai trái châu tròn. Chúng tôi đòi ngoại cúng nước xong, mừng tuổi ngoại, được ngoại lì xì bằng phong bao hồng đơn gói đồng bạc mới tinh.

                        Phía trước nhà tôi, cách một đám ruộng, người ta đã cất sẵn khu chơi bài chòi. Tiếng trống chầu thùng thùng giục giả khách du Xuân đến đó tham dự.

                        Khi Bạch Trang, Mỹ Hạnh và tôi ra đến khu bài chòi thì đã có khách ngồi sẵn trên chòi, chỉ có chòi trung ương là còn trống. Bạch Trang và Mỹ Hạnh không dám ngồi vào chòi nầy vì nó được cất quay mặt về hướng Đông.

                        Tôi dục hai cô nương nhát như thỏ kia :

                        -  Đừng có sợ ! Má tui nói chòi trung ương lẩm rẩm vậy chớ hên lắm. Thây kệ mình thử ngồi xem.

                        Không đợi sự đồng ý của nhị vị cô nương, tôi bắt thang leo tuốt lên chòi. Hai nhỏ cũng đành ríu ríu theo sau.

                        Lẽ ra, chòi chỉ chứa có hai mạng. Vậy mà cả ba dồn vào đó làm chòi rung rinh. Ai cũng nhìn chúng tôi xa lạ vì họ biết chúng tôi là dân ở Gành Ráng, không phải dân làng Lương Tài nầy. Chòi dựng trên bốn cây cột sang, che tranh, lót ván, cao chừng hơn hai thước, phía dưới có phủ một tấm sáo tre nhỏ. Một cây đèn dầu vuông với cái tán gồm bốn mảnh kiếng ghép lại đủ soi sáng cho người chơi bài. Trong chòi có một cái mõ tre và cây gõ mõ.

                        Tất cả gồm chín chòi. Mỗi ván bài là phải đậu năm cắc, chín chòi thì được bốn đồng rưởi, nhưng chỉ có bảy cây cờ. Khi ai tới bài trước thì lãnh được ba đồng rưởi, còn ban tổ chức lấy xâu hết một đồng. Khi tới bài, người thắng cuộc phải ăn đủ ba cây bài. Lúc đó có một cậu thanh niên hoặc một cô thiếu nữ đem đến cho chòi trúng một khai có rượu, trầu cau và số tiền trúng. Họ hò lên vài câu bài chòi tán thưởng người ăn bài, và người ăn bài phải lì xì cho họ.

                        Chòi trung ương của tôi hên quá, trúng liên tiếp ba ván. Mỗi khi họ vừa hô Tứ Tượng, tôi đánh mõ liên hồi, cười khanh khách, thay vì chỉ đánh ba tiếng mõ cốc cốc. Chị Mỹ Hạnh nguýt :

                        -  Vừa thôi nghen Châu ! Mầy làm quá, thiên hạ chê cười đa ! Con gái, con giếc gì cứ láu táu hoài !

                        Bạch Trang phụ họa :

                        -  Chòi thì nhỏ xíu, mà mỗi khi ăn được con bài nào là nó vừa la, vừa nhảy cởn làm chòi rung muốn sập. Mấy tấm ván kêu cúc kít nghe rợn người. Con nầy không sợ chúng ghét mà !

                        Bạch Trang ngồi ở phía trong, không thể ló mặt ra được. Tôi mỗi khi ăn là có thể ló mặt ra nheo mặt, chẫu môi với các con bạc ở chòi khác. Bạch Trang cứ la tôi từng chập. Chị Mỹ Hạnh đỏ mặt mắc cỡ vì tánh liếng thoắng trẻ con của tôi.

                        Thế là trong một bàn gồm bảy cây cờ, chòi tôi chiếm hết ba cây. Tôi còn muốn đậu bàn khác thì anh Mỹ ở dưới chòi chõ miệng réo :

                        - Về nhà đánh cờ Quan, Châu ơi.

                        Chúng tôi tuột xuống chòi về nhà.Tụi trẻ nít chạy theo la ơi ới :

                        -  Cô mặc áo măng cụt và cô mặc áo lợt đi bên cô Hạnh chắc ở Giả (Qui Nhơn) lên chơi đó bây.

                        Một bà đứng tuổi xía vào :

                        -  Cô Hạnh hôm nay diện coi được quá. Còn hai cô có vẻ tỉnh thành. Mấy cô nầy chỉ tằng hắng một tiếng là thiếu gì kẻ cầu hôn.

                        Tôi mặc kệ cho chị Mỹ Hạnh và Bạch Trang đứng lại chuyện trò với người quen biết trong làng. Tôi dông một lèo về nhà, kiểm điểm số tiền ăn bài và số tiền do ngoại và dì dượng lì xì.

                        Hôm nay có vài anh bạn của anh Mỹ đến chúc Tết. Họ mặc áo dài sa teng, nút đồng xi đỏ chói, quần vải xe lửa trắng tinh, chân mang giầy xăng đan da nâu, đầu chải dầu sáp bóng loáng. Cứ mặc cho họ ngó trộm, liếc lén, tôi chui vào bếp vì tôi đói bụng quá rồi. Nhưng vào ngày đầu năm tôi không dám ăn vụng sợ bị mắng mà xui xẻo suốt năm, nên đành phụ ngoại, dì và mẹ dọn cổ bàn cúng ông bà. Các món ăn lần lượt sắp lên ván. Nào là lỗ tai ngâm dấm để ăn với bánh tráng, rau sống chấm mắm nêm, nào là thịt kho, cá kho nước dừa để ăn với bánh tét. Nào là dồi thập cẩm xắc mỏng để ăn với bánh tráng nướng dòn. Đặc biệt là mắm nêm do ngoại tôi làm lấy thật nhiều, để dành ăn lâu. Con mắm cá cơm bé xíu, màu hồng đậm thêm và tỏi ớt trộn ngon lành, thơm hơn mắm cá cơm bán ở ngoài chợ. Ngoài mắm nêm ngoại còn làm mắm cua, mắm sặc để ăn sau Tết… và để cho chị em tôi mang về Gành Ráng cùng với chuối ép khô, đu đủ, bầu xắc phơi khô.

                        Tôi phụ ngoại làm thêm món xào để bày cúng. Đó là món bầu xào tôm thịt. Bầu đã được xắt sợi, phơi khô cất sẵn trong hũ sành, chỉ cần lấy ra ngâm nước ấm cho sợi bầu nở lớn ra.

                        Bàn thờ bày biện trang hoàng lộng lẫy. Tấm ảnh phóng đại của ông ngoại tôi được lau chùi bóng loáng cả khung lẫn mặt kiếng. Bộ lư đồng mắt tre được anh Mỹ và dượng tôi chùi bằng trái khế từ hôm hăm tám tháng Chạp. Hai chân đèn gắn trên cặp hạc cũng được chùi bóng. Bốn cây nhang và khoanh trầm được đốt lên, tuôn khói thơm ngào ngạt. Một cành mai vàng được cặm trong chiếc độc bình vẽ hình Bát Tiên Quá Hải. Một cái cổ bồng đựng ngủ quả đương mùa gồm trái thơm phụng màu hồng lá dài, một trái mảng cầu xiêm da xanh mướt, hai trái xoài thơm xanh ửng vàng, một trái đu đủ xiêm màu xanh nhưng khi xẻ ra là thấy ruột đỏ tím. Một trái dừa Tam Quan to. Trước tấm ảnh được bày nào là bánh tét, bánh in, mè xửng, kẹo cau…

                        Trước bàn thờ, ở hai bên cây cột có treo cặp liễn mun, chữ thếp vàng lóng lánh.

                        Tôi liên tưởng tới câu chuyện về cái chết ông ngoại tôi mà cảm thương cho thân phận bà ngoại tôi trong những ngày góa bụa tần tảo nuôi con. Ông ngoại tôi từ Bà Rịa vào rừng Khánh Hòa lượm mù u về ép dầu, bị cọp vồ mất xác. Bà ngoại tôi phải bỏ Bà Rịa trôi nổi ra đây. Hình ảnh ông ngoại tuy còn đó để cho con cháu tưởng niệm, thờ cúng nhưng bây giờ dù cả nhà có cúng mâm cao cổ đầy biết ông ngoại có về hưởng cùng con cháu hay không ?

                        Nhìn khói nhang bay từng cuộn, tôi chợt buồn mông lung. Sau khi ăn cổ xong, tôi lén ra vườn sau, thơ thẩn một mình. Buổi trưa im lìm. Tiếng ru con của chị Chín hàng xóm mở đầu bằng tiếng hò ơ… ơ nghe buồn buồn. Con chim gõ mõ gõ từng hồi lạch cạch trên cây bông gạo.

                        Ngoại góa bụa vì thương các dì và mẹ, tảo tần ngược xuôi để có gia viên điền sản. Dì Hai tôi, mẹ của anh Mỹ và chị Mỹ Hạnh lấy chồng cùng xứ, được ở với ngoại. Dì Ba tôi là má Bạch Trang lấy chồng Pháp. Dượng rể dị chủng của tôi về Pháp đem theo chị Linh, để lại Bạch Trang ở với dì và ngoại. Nhưng dì đã thất lộc từ lâu. Còn má tôi thì lấy chồng lai Khách Trú, theo chồng sống ở Gành Ráng. Bây giờ ngoại đem hết cuộc đời còn lại thương yêu lũ cháu. Chị Linh ở bên Pháp viết thư về cho Bạch Trang luôn và nhắc nhở ngoại thật nhiều. Thời thơ ấu của chúng tôi đầy hình ảnh hiền hậu của ngoại.

                        Mẹ thương con, bà thương yêu cháu. Nước mắt lúc nào cũng chảy xuống chớ có trở ngược lên bao giờ. Từ thuở bé tôi vì bệnh họan, nên ba má tôi đem gởi nhà ông thầy pháp ở làng Hương Thạnh. Sống với cha mẹ nuôi được mười hai năm, tôi được trở về nhà. Cha mẹ nuôi đã cưng tôi bao nhiêu thì bà ngoại cưng, chìu chuộng tôi như vậy. Tuổi thơ và tuổi mới lớn của tôi tràn ngập tình thương.

                        Tôi đến bên ao sen. Mùa nầy sen tàn. Những chiếc lá già nhô lên mặt nước, lá tròn và lõm sâu ở giữa màu xanh đậm. Lớp lá non nằm ở trên mặt nước như những đồng tiền sắp lớp bên nhau. Phải đợi mùa hạ, sen mới nở rộ bông. Có bông vượt khỏi lá từ búp thuôn thuôn nở xòe từng cánh ôm lấy cái gương nhụy màu vàng tươi. Có bông núp trong bóng lá xanh, để rồi tìm cách ngoi lên đón ánh sáng mùa hè. Khi sen tàn, hồ trở nên trống và rộng, bày lớp nước trong vắt, có những khóm bèo cánh tròn, ngâm dưới nước một chùm rễ trắng.

                        Mùa Xuân quê ngoại, hàng bưởi ổi thấp ra hoa. Thân cây bưởi xám mốc, xây bàn thang thành nhiều nhánh, các nhánh nhỏ đều có gai. Hoa bưởi trắng như hoa mù u, hái hoa giắt vào tóc thì hương hoa thấm vào tóc thơm ngát.

                        Mùa Xuân quê ngoại, hàng cây mảng cầu ta (người Bắc gọi là Na) trổ lộc non màu cẩm thạch và trổ trái nhỏ bằng ngón cẳng cái. Mảng cầu ta lúc chín thơm ngát, khi tách vỏ, cắn vào ruột mềm sẽ gặp những hột đen lóng lánh, hột để dành chơi đánh búng thay thế hột me.

                        Mùa Xuân quê ngoại, đám ổi cửu ngoạt (tức cửu nguyệt) chỉ trồng trong vòng chín tháng là đã có trái cắn vào dòn rụm. Khi chín ruột ổi đỏ tía, lẫn những chấm hột màu ngà. Ngoại hái lá ổi, cùng các lá thơm khác, nấu nước cho chúng tôi tắm để trị rơm sẩy vào mùa nóng, thuở chúng tôi hãy còn thơ bé.

                        Sau nhà là khu trồng chuối. Những quày chuối sứ quằn xuống đất vì đơm nhiều trái mập tròn. Chuối cao lửa đỏ ửng. Khi phơi khô, chuối sứ phải ép mỏng, còn chuối cao để nguyên trái. Khi chuối cao phơi khô sạm mặt là chất mật trong trái chuối tươm ra, thơm mộc mạc.

                        Mùa Xuân quê ngoại, đám thơm tây đâm tủa lá dài, viền gai nhọn, màu ửng hồng. Trái thơm tây lớn hơn trái thơm ta. Đặc biệt là đám thơm phụng, lá cũng dài và viền gai nhọn, trái có nhiều đầu kết với nhau trông rất đẹp, đầu giống như đầu chim phụng. Quê ngoại tôi đó! Mùa Hè ăn mít, mùa Thu ăn bưởi, mùa Đông ăn mận, chuối và dừa, mùa Xuân ăn cam, ăn quít, ăn khế, hái rau cần…

                        Mùa Xuân quê ngoại có pháo chuột vấn giấy hồng đơn đỏ thắm, có pháo tre vuông vuông, tiếng nổ chát chúa làm tôi giật mình…

                       Tôi giựt mình sực tỉnh không phải vì tiếng pháo mà là tiếng động bên ngoài hành lang. Giấc mơ thời quá khứ đã tàn. Sáng nay là mồng Một Tết ở cao ốc thuộc quận 13 Paris. Tuy ở xứ người, nhưng mỗi khi Tết đến, tôi cũng sửa soạn cúng rước vong hồn cha mẹ tôi. Bàn thờ giờ đây vẫn bày hoa quả, thắp nhang ấm cúng. Tôi cũng bày thêm trà, bánh tét, bánh ít, rượu và trầu cau. Trong các bữa cơm, tôi cũng làm các món thịt kho, nem, dồi thập cẩm.

                                    Bức ảnh của ngoại, của ba má cũng được bày trên bàn thờ. Khói nhang trầm thơm ngát như từ quê ngoại hồi bốn mươi năm trước thoảng tới. Tôi lim dim tưởng niệm cố hương và người thân đã khuất núi từ lâu.

                                    Ngoài cửa kiếng, tuyết rơi nhiều, trắng xóa khắp công viên phía dưới cao ốc. Cây đã trụi lá, cành cây bám dầy tuyết giá trắng ngần như thủy tinh…