Nhớ về mái trường xưa

Nhớ về mái trường xưa

Phạm đình Trọng


Thầy Đặng Văn Châu,  Capt. au Long Cours  Pháp.

Thầy Phùng Lương Ngọc, Capt. au Long Cours Pháp

Thầy Phạm Văn Sanh,  HQ/ Trung Tá École Navale Brest, Pháp. Cựu Giám Đốc Trường Việt Nam Hàng Hải, thuộc Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ Saigon.

            Viết lại vài dòng ký ức  để nhớ lại  các thầy Giám Đốc  mở đường cho sự hình thành và phát triển  ngành hàng hải Việt Nam.

Hồi Pháp thuộc người Pháp họ chỉ mở dạy và đào tạo ngành hàng hải ở Đông Dương với chương trình rất hạn chế (Petit, Grand Cabotage -Master Hometrade 1 and 2 nhằm mục đích xữ dụng nhân lực tại bản xứ thuộc địa chứ không phải để mở rộng đào tạo thành thuyền trưởng hay chief máy, đó cũng nằm trong chính sách khai phóng thuộc địa có giới hạn của thực dân Pháp mà thôi; cho nên trường  hàng hải  cũng như nghề hàng hải là ngành hiếm hoi ít ai biết đến; có biết chăng là thủy thủ hay bồi phòng làm việc trên các tàu hành khách của hãng MM của Pháp (VIETNAM, CAMBODGE, LAOS), trong đó có Hồ chí Minh đi làm bồi tàu trên các chiếc tàu hành khách chạy đường Marseille – Saigon.

Muốn đi học Long Cours chỉ là những giấc mơ, mà có muốn đi học chăng nữa cũng phải đi Pháp mới có học được.  Ngay cả việc xin vào học Long Cours cũng bị hạn chế đối với các sinh viên thuộc địa. Lúc bấy giờ nếu tôi nhớ không lầm cả Miền Nam Việt Nam chỉ có ba vị có bằng Long Cours từ Pháp trở về nước, đó là thầy Đặng văn Châu, thầy Phùng Lương Ngọc, và Capt. Nguyễn Nhất Thống.

Có lẽ thầy Châu là người Việt Nam đầu tiên  có bằng capt. Long Cours từ Pháp vế nước, đảm nhận chức vụ Giám Đốc Trường Việt Nam Hàng Hải, cùng lúc cũng là trưởng đoàn Pilote sông Saigon  một thời gian. Thời gian thầy Châu làm giám đốc, mỗi năm sinh viên tốt nghiệp hàng hải rất ít, cho nên khi ra trường kiếm việc làm không có gì khó khăn.  Trên thực tế ngành hàng hải thương thuyền mới trên đà phát triển, vì vậy về nhân lực hàng hải số cầu cần nhiều hơn số cung, các hãng tàu thường đi tìm kiếm sĩ quan hàng hải  hơn là người đi kiếm việc làm. Thầy Châu có giọng nói Bắc, giọng nói pha trộn giữa Trung và Bắc.  Thầy rất nghiêm nghị, nhưng thầy rất thương sinh viên, có lần cuối tuần thầy dắt tụi nầy lên làng Thủ Đức đi thuyền buồm trên sông Saigon. Tôi còn nhớ ngày 30/4/75, tôi có ghé thăm thầy lần chót ở công ty hàn gió đá Khánh Hội, mà thầy là Giám Đốc, thật ra bấy giờ thầy cũng thấy già rồi, có lẽ cũng vì tai biến của đất nước làm thầy buồn và già thêm. Thầy hỏi tôi có uống café không?  Thầy nói giọng trầm buồn, than vảng.  Bây giờ đi làm phải đạp xe đạp, không dám xữ dụng xe hơi nữa; có  lẽ vì sợ mấy ông nón cối, dép râu…chăng?  Thầy nói đang bị bịnh trĩ, cho nên việc đi xe đạp là một trở ngại chính cho thầy. Thầy hỏi tôi có dự định gì không?  Tôi trả lời có lẽ phải đi, cùng lúc có lệnh tập trung cải tạo, thầy nói khi nào cải tạo trở về  hãy đến gặp thầy và tính sau, vì thầy có vườn tiêu và tàu đánh cá ở đảo Phú Quốc. Hy vọng chúng ta sẽ đi được, vì cải tạo kéo dài hơn bốn năm trời, khi trở về thì thầy và gia đình đã rời khỏi Việt Nam và định cư ở Pháp. Chắc bây giờ thầy già lắm, tôi cũng không có lần nào gặp lại thầy từ dạo đó, chỉ nghe nói khi đến Pháp thầy có làm thuyền trưởng tàu chở trái cây một thời gian, bây giờ thầy về hưu, tụi em không có địa chỉ của thầy, hy vọng thầy vẫn luôn khỏe mạnh.

Thầy Phùng Lương Ngọc là vị Giám đốc thứ hai sau thầy Châu.  Thầy cũng từ Pháp về nước. Thầy rất trẻ, đẹp trai còn độc thân, hình ảnh của thầy là sự chiêm ngưỡng và ái mộ đối với tụi em. Thầy là người điển hình, thầy rất khả kính luôn vui cười với sinh viên hơn là sự cách biệt giữa thầy và trò. Thầy rất mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ về sự phát triển  cũng như tăng cấp học vị cho ngành hàng hải, thầy thường nói lo âu thiếu  giáo sư  giảng  dạy, thiếu học cụ, thiếu sách giáo khoa cho ngành, thầy cũng đã vận động  các chủ  tàu,  cũng  như hối thúc  sở  hàng  hải thương thuyền có chánh sách cho sinh viên đi thực tập trên các tàu buôn. Vì  vậy  có  lần thầy vận động với Bộ Giáo Dục cấp học bổng cho sinh viên hàng hải đi Pháp hay Mỹ để học ngành hàng hải lẫn pont và cơ khí. 

M/V VIET NAM THUONG TIN 1

Thầy rất ưu tư về sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam, thầy thường nói đất nước chúng ta có bờ biển rất dài nhô về hướng đông tiếp cận với các nước Phi luật Tân, Nam Dương, Đài Loan,  Nhật Bản, Singapore, Mã Lai v.v.. và cũng là trục lộ hàng hải quốc tế quan trọng, muốn phát triển kinh tế quốc gia thì phải phát triển ngành hàng hải thương thuyền. Thử so sánh Nhật, đi ở đâu, tất cả bến cảng trên thế giới đều thấy đội thương thuyền  Nhật với lá cờ mặt trời mọc, cùng lúc chúng ta không thấy một bóng dáng tàu Việt Nam? Thời thầy làm Giám đốc số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng thêm, và cũng là lúc chiến tranh bộc phát, nên trường hàng hải cũng là nơi  cung cấp chuyên viên cho binh chủng Hải Quân rất nhiều, rất nhiều Sĩ Quan Hải Quân xuất thân từ trường Hàng hải Thương thuyền.  Thầy muốn ngành hàng hải Việt Nam phát triển, một chứng minh cụ thể là thầy đã gia nhập và đảm chức vụ quan trọng cho công ty hàng hải Việt Nam Thương Tín, công ty hàng hải Việt Nam đầu tiên có tàu trọng tải lớn nhất thời bấy giờ và có tầm hoạt động viễn dương (Long Cours) mà Capt. Nguyễn Nhất Thống  chỉ huy chiếc tàu nầy, Capt. Thống cũng là Thuyền trưởng Long Cours từ Pháp về.  Hiện Capt. Thống đã về hưu sau nhiều năm giảng dạy trường Coast Guard College Sydney Canada, home tel. capt. Thống: 1-902. 562.6711.

Thầy Phạm văn Sanh

Thầy Phạm Văn Sanh, thầy là một trong những Sĩ Quan Hải Quân Việt Nam được đào tạo tại Pháp. Khi tôi học ở trường Hàng Hải Saigon, thầy Sanh dạy về môn Thiên văn,  thầy đang phục vụ trong binh chủng Hải Quân quân hàm Đại úy, tôi không bao giờ quên hình ảnh của thầy, người to lớn với vần trán rộng, thầy là người Mỹ Tho, Tiền Giang, thầy là sĩ quan hải quân, nhưng không có vẻ gì nhà lính cả, mỗi lần ghé trường dạy thầy lái chiếc xe Simca, thầy luôn mặc hai lớp áo, lớp bên ngoài là lớp áo dân sự bao phủ lớp áo quân phục HQ bên trong dù có nóng nực cách mấy, thầy rất điềm đạm luôn luôn trả lời những gì sinh viên cần giải thích, thầy không ngại tốn thì giờ để giúp đở sinh viên, thú thật mà nói hồi học trường  hàng  hải,  một  nơi  rất khó cho sinh viên kém Pháp văn vì những môn học hầu như đều được giảng dạy bằng Pháp ngữ, nhiều danh từ về thiên văn rất trừu tượng nên thầy phải tận tụy làm để diễn giải bằng tiếng Việt cho nhóm học sinh kém sinh ngữ nầy. Thầy ít khi nói chuyện đời lính mà chỉ nói và bàn về học trình hàng hải. Tôi còn nhớ lần gặp thầy sau Tết Mậu Thân, thầy bị kẹt ở Mỹ Tho cùng với gia đình, trận đánh sát bên nhà thầy giữa sư đoàn 7 Bộ Binh và VC.  Sự thật thầy Sanh và tôi người cùng Mỹ Tho cùng ở gần con đường Ô.Bà Nguyễn Trung Long và đường Pasteur, rồi cuộc đời đưa đẩy, mỗi người một ngã tôi cũng không có dịp gặp lại thầy sau biến cố 75, khi đến và định cư ở Canada, tôi có nghe nói thầy định cư ở Pháp  và chức vụ sau cùng của thầy là HQ /Trung tá Giám Đốc trường Cao đẳng Hàng Hải Việt Nam.

Thầy Jean Ducasse

Các thầy Giám đốc và các thầy  như GS Ducasse, Gs Trần Văn Binh (toán), Gs Quyền electricity. Gs Bùi Công Lập, luật hàng hải, Gs. Sang anh văn, Gs Hậu khí tượng, Gs Gan Pháp ngữ, kinh tế hàng hải,  thầy  Chung  Tấn  Thắng dạy morse.  Thầy Phong luật tránh né hàng hải, thầy Đức thủy đạo học, Gs Lusinchi cơ khí … Dù nghìn trùng xa cách  mọi người mọi ngã, dù sống ở đâu, với tinh thần « Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư «  những cựu sinh viên Hàng Hải Saigon vẫn hướng về kỷ niệm trường xưa, là nơi đào tạo các em trở thành những thuyền trưởng, chief máy cũng không quên tưởng nhớ đến những công đức các thầy là những người tiên phong cột trụ chính đào tạo cho các thế hệ hàng hải.  Xin các thầy nhận nơi chúng em lời biết ơn sâu xa nhất và luôn mong các thầy mạnh khỏe và quí quyến an khang thanh tâm an lạc trong tuổi về hưu ở xứ người. 

Phạm Đình Trọng

viết trên tàu Sea Rose

Ngày 15 / 7/ 2006

 

 

 

 

Sơ lược về Trường Hàng Hải

SƠ LƯỢC VỀ TRƯỜNG HÀNG HẢI

1946-1949

NGUYỄN VĂN BA

            Đây chúng ta nên nói đến sự thành lập của trường Hàng Hải Thương Thuyền theo sự hiểu biết và nhận xét của riêng cá nhân, cái gì mình thấy và mình nghe mình mới dám trình ra chớ không phải nghe người khác nói lại.

Xin dài dòng một chút cho có đầu đuôi góc rể ngọn ngành …

NIên Trưởng Nguyễn văn Ba ngồi đầu tiên từ phải

Năm 1945 (một ngàn chín trăm bốn mươi lăm), sau khi Nhựt đầu hàng trong thế chiến thứ II thì người Pháp toan tính trở lại Đông Dương bằng nhiều cách; Quân Sự, Kinh Tế, Văn Hóa … vv, nên cuối năm đó tôi và người bạn cũng trở về Tề … đi tìm tương lai bằng sự học. Bây giờ học nghề gì và học ở đâu cho có tương lai tốt đẹp? Thế là chúng tôi bàn nhau học nghề. Riêng tôi lúc bấy giờ thích học nghề Điện, Radio những ngành nào liên hệ với Điện và Điện tử … Chúng tôi đi lần đến trường mà sau nầy gọi là Kỹ Thuật Cao Thắng (College Technique).

Trường đó năm 1945 có tên là École des Mécaniciens École Rosel. Chúng tôi dòm vào tấm affiche ngoài cổng trường trong một cái hộp cây vuông có mặt kiến bên ngoài cho khỏi văng mưa và sự cố ý vẻ bậy lên đó của lớp thứ ba là Học trò như người ta thường nói Nhất Quỷ, Nhì Ma, thứ ba Học Trò.

Sớn sát dòm vô thấy đăng có lớp sắp mở là lớp Radio Navigant (lắp ráp, sữa chữa, lý thuyết và thực hành, điều khiển đài vv …) nghe hợp ý muốn, nên liếc nhìn những giấy tờ cần thiết để nộp vào lớp Radio. Ngày hôm sau ôm mớ giấy tờ đi nộp thì tá hỏa hết hạn nộp đơn. Ông thầy nhận đơn khuyên bây giờ có lớp cơ khí học tạm đi chờ năm tới nếu có mở khóa Radio thì được quyển ưu tiên xin chuyễn ngành nên thuận ý Trời xin nộp đơn học Cơ khí.

Qua năm sau 1946 mùa Xuân thấy treo tấm bảng lớn chần ngần ở dải lầu bên trái của trường từ ngoài nhìn vào cổng bít bùng École de Navigation Maritime Section Pont & Machine. Đó là tin mừng vì trường Hàng Hải « mượn » trường nầy để đào tạo các vị thủy thủ tương lai bắt đầu năm 1946 tại trường École Rosel tiền thân của College Technique sau nầy.

Trường tọa lạc trên bốn mặt tiền đường, cửa chánh ngó ra đường Aviateur Garros, bên trái là đường Mac Mahon, bên phải là đường Pellerin, và sau lưng là Boulevard de la Somme.

Sau nầy trường được đổi là Collège Technique và chủ quyền cũng trao lần lại cho Việt Nam nên đường sá cũng đổi tên luôn. Đường Aviateur Garros nơi cổng chánh được đổi tên đường Đỗ Hữu Vị, đường bên hông Mac Mahon được đổi là đường Công Lý, đường Pellerin được đổi là Pasteur (???), đường Boulevard de la Somme được đổi là đường Hàm Nghi. Lúc đó có đường rầy xe điện đôi đi từ Chợ Cũ ra Chợ Lớn Mới dài theo Boulevrad Gallieni (đường Trần Hưng Đạo).

Lề đường xung quanh trường thật rộng và lót gạch xi măng vuông xám có trồng cây trong khuôn khổ rất đẹp và mát. Người ta thưòng dùng vĩa hè rộng rãi đó để họp chợ trời, trước là bán chim các loại chim nuôi trong lồng tre trúc, bán thức ăn cho chim, bán sách cũ. Sau nầy bán thêm chó, các loại chó quý, luôn cả nghề bói toán do các ông thầy đồ từ ngoài Bắc vô Nam. Đến năm 1960-61-62 lúc lính Mỹ « xen » vào chánh phủ miền Nam thì lề đường bán thêm thực phẩm hộp của Mỹ (Ration C Quân đội), rồi bán tới thứ nhảy dù trong quân đội đem ra. Trong quân đội Mỹ có thứ gì thì ngoài lề đường xung quanh trường Kỹ Thuật Cao Thắng đều có bán với giá rẻ không ngờ nên phải mua bằng tiền Mỹ, dollars Xanh hoặc dollars Đỏ …

Đó là hiện thân của trường Hàng Hải lúc bấy giờ vì tôi là nhân chứng bằng cách thi nhảy qua trường Cơ Khí Hàng Hải từ năm 1946 tới năm 1949 thì ra trường.

Lúc tôi học lớp Machines gồm có vài anh như là Đỗ Bá Ngôn (anh Đỗ Bá Ngữ học Pont), Nguyễn Xuân Kim, Nguyễn Văn Thành .., ở nội trú Bùi Văn Nghiêm, Huỳnh Văn Lãm. Lớp Pont gồm có các anh Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Chơn, Chung Tấn Cang, Lâm Nguơn Tánh, Đoàn Luyện, Võ Bá Như, Đỗ Bá Ngữ, Tôn Thọ Khương, Nguyễn Văn Trương, Đào Quang Ngải, Tôn Thất Tuyên …

Ra trường năm 1949 kẻ thì đi tàu, người đi Tây ít dịp gặp lại nhau.

Tưởng nhớ Trần hoài Chí

TƯỞNG NHỚ TRẦN HOÀI CHÍ

Nguyễn Văn Kiệm

Cà Mâu 1973

            Vì nhu cầu chiến trường, Giang đoàn 62 tuần  thám được lệnh tăng cường cho lực lượng đặc nhiệm 211 dưới quyền Phó Đề Đốc Hoàng cơ   Minh – dạo đó vẫn còn là Đại tá.  Lệnh hành quân đưa xuống, đoàn Giang tốc đỉnh (PBR) lên đường ngay trong đêm tối mịt mùng im   lặng đến rợn người của rừng rậm U Minh. Rời   Rạch Sỏi  với   những  trận  ác  chiến  chưa  tan  mùi  thuốc súng  trên áo  trận, giang  đoàn của  tôi  trực  chỉ   Cà   Mâu   nhiều   hứa   hẹn   với   phong   ba.  Đoàn   tàu   nối   đuôi   nhau   đi   dọc   theo   con   sông   Năm   Căn   quanh   co   khúc   khỉu, hai   bên   bờ   toàn   là   dừa   nước, đầm   lầy. Tiếng chim nơi đây nghe như xao xát chứ không trong trẻo vui tươi như những chỗ thanh bình. Tôi đi trên chiến đỉnh dẫn đầu bởi vì tôi không xa lạ gì với con sông này. Ngày còn phục vụ trên Trợ Chiến Hạm (LSS) HQ230 với NT Lẽ Châu An Thuận, con sông này tôi đã … quen đi lại lắm lần. Đó là những lần HQ230   được biệt phái về đây chờ   hộ   tống   những   Duyên Vận Hạm   hay   Y   Tế   Hạm   tiếp   tế   thực   phẩm, nước   uống   hoặc   thuốc   men   cho   căn   cứ   HQ   Năm   Căn.   Dòng   sông   đục   ngầu này, nước   mặn   chảy   xiết   quanh   năm, bề   rộng   có   nơi   chỉ   vừa   đủ   cho   một   chiến   hạm   đi   qua   với   những   hàng   đáy   của   dân   nằm   la liệt   vô   trật   tự   và   ban  đêm thì chỉ được thắp sáng bởi những   ngọn đèn dầu leo lét, chập  chờn ẩn hiện sau   lớp sương khuya dày đặc.  Đòan PBR có khi lầm lũi đi trong đêm, có khi thì giang hành trong tiếng   đạn đại liên bắn trực xạ hai bên bờ lau sậy um   tùm rồi cuối cùng thì đoàn   tàu   cũng   đến   Cà   Mâu, nơi   bộ   tư   lệnh   của   lực   lượng   đặc   nhiệm   trú   đóng. Mệt   mỏi   sau   hai   ngày   trời   không   ngủ   vì   giang   đoàn   phải   di   chuyển   giữa   vùng   sông   rạch   đầy   dẫy   mìn   trôi   và   nguy   hiểm   không   biết   đến  lúc nào, tôi  tính  lên  phòng  hành  quân   “chấm”   xem   qua   cho   biết   tình   hình   chiến   sự   rối   kiếm   chỗ   ngủ   một   giấc   thật   dài   thì   bỗng   nhiên   bên   tai   có   tiếng   gọi   mừng   rỡ:

– Tôi đoán   không   lầm   mà, nghe   trên   máy   từ   hôm   kia   đã   nghĩ   là   ông   rồi.

Quay lại nhìn, tôi nữa mừng nữa bỡ ngỡ. À, té   ra mấy hôm nay một hai lần nói chuyện với Charlie của phòng hành quân “chấm”mà không biết đó là Chí, người bạn cùng khóa ở trường Hàng Hải. Tôi bắt tay Chí thật chặt:

– Hèn chi tôi cũng ngờ ngợ, nhưng không hỏi trên tần số làm việc được. Ông nằm đây lâu chưa? 

– Đã một năm nay rồi, có cả con nhà Vinh nửa, tối nay nó sẽ từ vùng về dưỡng quân.  Nó ở 72 Thuỷ  Bộ đang xử lý thường vụ Chỉ huy phó vì  ông phó vừa lên chức…  cố!

Tôi đề nghị chờ Vinh về đến, ba đứa lấy xe jeep ra phố kiếm vài ba chai bia lẻ tẻ bởi mấy ngày nay đã khát nước lắm rồi! Chí dẫn tôi vào phòng hành quân, lấy cái handset nơi tay người trung sĩ vô tuyến gọi cho Vinh.

– Victor, đây Charlie.

– Victor nghe! Tiếng của Vinh trả lời nho nhỏ trên máy,

 – Ngày xưa còn bé đi Victor.  (Máy PRC 25 hay PRC 46 có hai nút đổi tần số từ 0 đến 9, chỉ cần tăng nút bên trái lên 2 nất, nút phải lên 3 nất như thuở còn 2, 3 tuổi là chúng tôi ra khỏi tần số làm việc để nói chuyện riêng mà không sợ quấy rầy ai cả).

– Nghe chưa Victor. Về nhanh lên, Kilo vừa đến Charlie Mike (Cà Mâu). Đố ông biết Kilo là ai?

 – Kilo ở 2 lần Hotel (Hàng Hải) phải không? 

Chí không trả lời, đưa handset cho tôi. Tôi cầm lấy trả lời Vinh:

– Tao Kilo đây, hai đứa tao chờ mày về sẽ ra phố đổ vài két ăn mừng mày còn sống sót trở về. Nhanh lên đi thằng con dại.

Ngày xưa tôi và Vinh chơi rất thân trong trường, khi biệt phái về Hải Quân, mỗi đứa về một chiến hạm, hoạ hoằng lắm mới được cùng về bến một lần, thôi thì túy luý với nhau cho đến khi một thằng tách bến. Rồi sau đó tôi được lệnh thuyên chuyển về Đà Nẵng lãnh chiếc Coast Guard 709 thuộc Hải đội I Duyên phòng còn Vinh thì về HQ 605. Từ ngày ra trường, đã 5 năm tôi không hề gặp lại Chí, giờ đây trông Chí hơi gầy nhưng khoẻ hơn daọ còn đi học nhiều lắm. Nước da rám nắng nên hơi đen và tóc vẫn hớt ngắn, nụ cười hiền hòa không bao giờ thấy vắng trên môi. Chúng tôi chơi thân với nhau nhưng không hiểu sao từ khi còn ở trong trường đã không xưng hô mày tao chi tớ như với các bạn khác mà từ bao giờ đã “Ông Ông Tôi Tôi”! Đêm hôm đó 3 đứa ngủ lại ngay… trên bàn đầy cả vỏ bia. Chí không uống được nhiều như Vinh và tôi, cũng không hút thuốc liên tục như Vinh và tôi nhưng Chí có nhiều chuyện tiếu lâm để kể rồi cả ba đứa cùng ôm bụng cười. Cà Mâu về đêm, đèn đường không sáng, đèn trong quán đã mờ theo khói thuốc, mấy dãy bàn chật ních vừa quan vừa lính của hai giang đoàn được nghỉ dưỡng quân. Đêm hôm đó, một nửa quan quân được đi bờ, nữa kia dẫn tàu tản mác khắp nơi để phòng địch pháo kích gây thiệt hại cho nhiều chiến đình. Đoàn kết thì chết hết, chia rẽ chỉ chết lẻ tẻ mà thôi! Nơi vùng lửa đạn, chúng tôi đã thuộc nằm lòng “bài học khôn ngoan” đó những lúc ra quân. Con đường chính của thành phố có hơn mười quán nhậu, quán nào cũng vang vọng tiếng cười và tiếng cụng chai. Tụi tôi được mấy thằng em tiếp tế cho những dĩa thịt gà xé phay thơm phức, những con gà mà có lẽ sáng hôm nay vẫn còn ưỡn ngực đứng gáy hiên ngang như chưa bao giờ được gáy, bây giờ nằm đây lạc lõng giữa   đống vỏ chai vô tri, giữa tiếng cười nói thân tình của nhiều đám bạn bè gặp lại nhau sau nhiều năm tháng lang thang khắp vạn nẽo sông hồ, của những người không thể “hẹn với nhân gian kiến bạch đầu” bởi vì ở nơi đây chuyện sinh tử cách nhau chỉ một đường tơ kẻ tóc ! Gặp nhau thì uống, rồi ngày mai mỗi đứa một phương trời mà có  khi là vĩnh biệt.  

Từ đâu trong góc quán, một giọng hát nghe đã “rè” nhưng vẫn còn mang âm hưởng thật ngọt ngào, ấm áp, và đủ sức làm xao xuyến lòng người: “quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói, trút tâm tư vào đêm vắng canh dài”. Chí nhìn tôi “ngày mai tôi vô vùng, ra đây mới đó mà đã một tuần rồi, nhanh quá!” Rồi không đợi tôi trả lời, Chí nói tiếp “ra đây không uống trà, chỉ uống bia, vào trong đó, không có bia, chỉ có trà để uống mà thôi, Ông nhớ đó nghe”. Ngày mai Chí vào Chương Thiện, một tỉnh nhỏ dưới quyền kiểm soát của địch. Chí là một trong những sĩ quan hành quân của bộ tư lệnh lực lượng đặc nhiệm 211, họ thay phiên nhau vào đó để trực tiếp liên lạc với những giang đoàn Thuỷ bộ, Xung phong, Ngăn chặn và Tuần thám hoạt động trong vùng, củng cố an ninh cho Chương Thiện. Tôi cười bảo Chí:

– Ông nói đùa chứ thằng con nhà Vinh cũng từ trong đó mới mò ra tối nay mà sao miệng toàn cả mùi bia, hồi nảy gặp nó, chỉ nghe mùi, tôi đã muốn say rồi!

Chí nói qua chuyện khác:

– Mới đó đã 5 năm rồi, từ khi tụi mình ra trường! 

Rồi ba đứa tụi tôi ngồi kể cho nhau những kỷ niệm trong trường. Chí nhắc lại giờ học sextant với Thầy Ducasse, từ trên lầu trước cửa lớp, Thầy chỉ cho tụi tôi cách xử dụng sextant cho đúng cách, thằng Vinh loay hoay chĩa sextant xuống bên kia trường Hoá học, nơi có mấy cô sinh viên đang thơ thẩn, nhởn nhơ trò chuyện. Thầy Ducasse không nói một lời, lặng lẻ đưa tay nâng nhẹ cái sectant trong tay Vinh chĩa thẳng lên trời. Cả bọn không dám cười thành tiếng! Chí kể lại chuyện cả bầy rủ nhau bỏ học, xuống ngồi làm reo dưới sân cỏ trước trường, chỉ mình Lê tấn Thành vào lớp học giờ legislation! Sau đó cả bọn bị Thầy Giám đốc quạt cho một trận tơi bời hoa lá. Chí nhớ rất nhiều những chuyện nghịch ngợm hồi còn ngổ ngáo, coi cái mark sinh viên HH to như cái thúng! Tôi kể lại chuyện Thầy Ducasse hỏi bài một đứa, thằng trên bục gỗ chưa nói, Phạm kế Thắng ngồi dưới lớp đã xầm xì “tàu lùi lái theo hướng gió, tàu lắc lư, tàu…chìm luôn!” Thầy Ducasse không nói một tiếng, Thầy xếp sách vào cặp rồi chậm rãi bước ra khỏi lớp. Té ra Thầy nói và hiểu rành tiếng Việt. Thầy đọc cả Tam Quốc chí và gối đầu giường những tập truyện của Kim Dung nhưng dạo đó tụi tôi đều không đứa nào biết! Ba đứa vừa uống bia, vừa nhắc lại chuyện ngày xưa và cười nghiêng ngửa, quên bẵng ngày mai đây không biết chuyện gì sẽ đến cho mình. Lâu ngày quá mới gặp lại nhau mà, phải không Chí, Vinh?

Năm năm rồi không gặp, từ khi… Ông ra trường!” 

Cuối đường đạn bay

Thấm thoát cũng đã được 8 tháng, từ khi Giang đoàn tôi về tăng cường cho lực lượng đặc nhiệm 211. Khi thì yểm trợ cho căn cứ hỏa lực Rạng Đông, Bừng Sáng, khi trở về lục xét, trấn giữ Thới Bình, Chương Thiện, đêm về nằm lặng lẽ trong rừng tối U Minh. Những chuyến kích đêm có khi trời trở lạnh, càng lạnh thêm vì đẫm ướt nước mưa. 2, 3 giờ sáng, qua chiếc máy truyền tin mở nhỏ, nghe gịong Chí hỏi han, thấy lòng ấm lại thật nhiều. Có khi ba đứa gặp nhau ngay trong vùng hành quân, chỉ nói năm ba câu trên máy rồi phải trở về tần số làm việc, tiếp tục lao đầu vào lửa đạn. Cũng có khi một hai thằng vô vùng, thằng nằm hậu cứ, suốt ngày ngồi nghe ngóng tin tức hai đứa kia, chờ mong có thằng rời vùng để rồi rủ nhau ra Cà Mâu la cà nhậu nhẹt. Tôi và Vinh đi nhiều, còn Chí có bổn phận ngồi phòng hành quân, họa hoằng lắm mới cùng hai đứa tụi tôi tham dự một vài trận đụng độ. Tuy Chí không đi nhiều nhưng luôn luôn nắm vững tình hình địch quân, chỗ nào “hắc ám” Chí đều biết rất rõ ràng. Những lần chia tay, Chí hay nhìn tụi tôi ân cần căn dặn đủ điều, “nhớ khi qua khúc “cùi chỏ” đó, ở bên phải có những ụ đất cao, phải coi chừng. Cứ nổ trước đi cho chắc ăn nghe!“

Tôi và Vinh đều biết, ở nơi đây, tuy là vùng tác xạ tự do, nhưng khi chưa cần thiết thì chưa thể ra lệnh bắn vì để tiết kiệm đạn dược cho những khi thật sự cần đến. Tuy vậy để cho Chí yên tâm tụi tôi vẫn luôn luôn gật đầu, “đừng lo mà!” Mỗi bận giang đoàn vào Thới Bình dừng quân, Chí cũng nhắc cho mấy câu thơ :

Gái Thới Bình chung tình chung thủy,

Trai bạc tình, một cẳng về quê!                                                              

Con gái Thới Bình phải nói là trắng trẻo xinh xắn lắm, nhưng không biết có phải vì bạc tình mà thật nhiều chàng Hải Quân đã để lại những phần thân thể nơi vùng đất mang cái tên thật êm đềm này chăng? Nghe kể rằng đây là lời nguyền của một thiếu nữ bị tình phụ nên trước khi quyết định quyên sinh nàng đã lập lời thề “sắt máu” đó. Có thật hay không, tôi thật sự không hề nghĩ đến chuyện chứng minh cho mình, chỉ biết rằng mấy thằng em của tôi nhiều đứa cũng đã mang thương tật, vài đứa còn để lại xác nơi chốn thiên đường này! Dù sao tôi vẫn thích Thới Bình với những quán tranh xiêu vẹo, những buổi sáng từ trong rừng, theo ánh nắng ban mai, đoàn chiến đỉnh kéo nhau về ủi ngay trước chợ Thới Bình mãi mãi vẫn  là những hình ảnh đẹp rạng rỡ trong lòng tôi. Thường thường thì ở nơi đây, tụi tôi tha hồ vừa uống bia, vừa ngắm những bông hoa của vùng nước đục ngầu, lơ lớ mặn, chỉ cần đừng quên mang áo giáp, nón sắt và súng ống bên hông. Nhưng buổi sáng hôm đó, không hiểu sao tự  nhiên  tôi chẳng thích ai quấy rầy mà chỉ muốn ngồi một mình trên nóc chiến đỉnh, lặng lẽ theo dõi cuộc hành quân của Vinh và Chí bên phía Chương Thiện. Tôi vào Thới Bình đã hơn tuần nay. Chí mới đi phép về và được lệnh vào vùng thay thế cho một sĩ quan khác tới ngày ra Cà Mâu công tác. Ba ngày trước đây, Chí lên máy liên lạc với tôi. Chí kể chuyện SG và những ngày đẹp tuyệt vời với người yêu sắp sửa làm cô giáo. Chí than phiền “tôi về đây , gấp quá để quên cái nón képi ở nhà rồi!” Tôi đùa với Chí “khi nào chào cờ, Ông hãy xuống tàu núp với tôi”. Chí bảo có mang mấy món nhậu thật ngon, chờ tôi về sẽ cùng nhau nhậu cho đã… Hôm đó tôi bồn chồn ngồi nghe giang đoàn 72 Thủy bộ của Vinh và giang đoàn Xung phong đang chạm địch nặng nề, tiếng của Vinh và Chí thỉnh thoảng vang lên trong máy PRC 25 xen lẫn tiếng đại liên nỗ dòn và nhiều khi cả tiếng B40, chứng tỏ địch quân không cách xa những chiếc Tango của Vinh và Chí là bao nhiêu. Bỗng nhiên tôi linh cảm như có một điều gì không may sắp xảy ra. Bất giác tôi rùng mình vì một thứ hơi lạnh buốt từ đâu như đang len lỏi vào cột sống dù lúc bấy giờ trời đang nắng chói chang. Tôi thấy trong lòng hồi hộp lạ thường. Chiếc máy PRC 25 nằm bên cạnh tôi chợt vang lên tiếng gọi của Vinh.

– Kilo, đây Victor.

– Victor, Kilo nghe đây! 

– Charlie bị trúng đạn! Tao đang chạy đến coi thử đây.

– Nhanh đi, và nhớ cho tao hay liền nghe Victor.

Nhưng Vinh không đến kịp và Chí cũng đã đi rồi!!! Chí đi trên chiếc Soái đỉnh Thuỷ bộ (Command Communication Boat) dẫn đầu đoàn tàu mở rộng vòng đai an ninh cho Chương Thiện và tiến thẳng vào căn cứ hoả lực Rạng đông. Nước ròng xuống thấp, bờ sông cao hơn nóc chiến đỉnh là điều tối nguy hiểm. Khi chiếc Soái đỉnh đi ngang khúc quanh ngặt về phía trái, từ bên bờ hữu mạn, địch quân thình lình khai hỏa tới tấp mong đánh chìm tàu, chận bít lối đi. Chí đã bình tĩnh ra lệnh cho tàu đổi hướng, tay lái về hết bên mặt để trực diện với quân thù. Thay vì cố gắng xả máy vượt khỏi vùng phục kích, chiếc chiến đỉnh vừa đổi hướng vừa bắn thật gắt vào bờ khiến địch quân lập tức bị rối loạn và tiếng đạn trên bờ vì thế đã giảm đi rất nhiều. Đây là một quyết định rất can đảm và thông mình bởi vì khi đổi hướng tàu, Chí đã chuyển từ thế thụ động sang thế công và nếu trường hợp chiến đỉnh bị đánh chìm cũng sẽ không làm nghẻn dòng sông qúa hẹp, cản trở đường đi của  những chiếc đằng sau khiến tất cả bị dồn đống trên khúc sông nhỏ bé này để rồi trở thành những “mục tiêu vĩnh biệt sớm mai hồng”! Đứng trước sân mủi của chiếc Soái đỉnh, Chí điều động đoàn tàu đằng sau và đồng thời phản công để cố dành đường sống cho tất cả thủy thủ trên tàu. Một viên đạn B40 đã vô  tình kết liễu cuộc đời của người Sĩ quan anh dũng đó. Chiếc đầu theo lằn đạn oan nghiệt, văng ra từng mảnh nhỏ nhưng thân hình Chí trong bộ quân phục màu tím đã nhuộm đỏ máu đào, vẫn còn đứng thẳng hiên ngang, tay cầm chắc chiếc handset. Tiếng súng của địch quân trên bờ đã tắt, chiến đỉnh đã ủi bãi an toàn, và đoàn tàu bình yên vượt qua khúc quanh đẫm máu. Khi Vinh đến đó thì những người lính đã bồng cái xác của Chí đặt nằm trên chiếc poncho tạm thời làm nơi yên nghỉ cho người Sĩ quan mà họ thương mến vô cùng. Họ vừa khóc vừa kể :

– Tàu trúng đạn thật nhiều, chòng chành dữ dội nhưng cái xác của Ổng vẫn đứng vững cho đến khi tàu ủi bãi, chấn động mạnh mới làm Ổng ngã xuống!

Tối hôm đó tôi được phép về Cà Mâu, ra nhà xác để thăm Chí. Khi tôi đến nơi, những nhân viên ở đó đã phải dùng bông gòn và băng làm tạm một chiếc đầu và đặt lên cổ cho Chí rồi sau đó xác của bạn tôi được bỏ vào hòm sắt chờ đưa về cho gia đình. Dưới ánh nến chập chùng, lạnh lẽo, những người lính nghiêm trang trong tư  thế  bồng súng chào, đứng canh suốt đêm bên xác của “Ông Thầy” .

Thắp lại nén hương

Khi tôi và Vinh từ vùng hành quân được phép về Saigon để tiễn đưa Chí đến nơi an nghỉ cuối cùng thì quan tài đã được đưa về đó. Các đồng môn huynh đệ trường Việt Nam Hàng Hải đã đến rất đông và chia phiên nhau túc trực bên quan tài. Các em của Chí còn nhỏ dại nhưng cũng đã đủ khôn để biết rằng từ đây người anh cả không bao giờ còn đó nữa để săn sóc cho bầy em! Mẹ Chí khóc sụt sùi, qua tiếng nấc nghẹn ngào Bà hỏi tôi rằng Chí đã chết như thế nào, có toàn thây hay không? Tôi đành phải nói dối rằng thân xác của Chí vẫn còn nguyên vẹn, nhưng Bác gái vẫn quả quyết: – Tôi cứ nằm mơ thấy anh ấy về nói rằng không còn chiếc đầu nữa! Một ngày trước hôm họ đưa xác đến, anh ấy cũng về báo với tôi là ngày mai sẽ về tới!

Bác trai ngồi im lặng cả mấy ngày trước quan tài đứa con trai yêu quý. Bác không khóc nức nở như mọi người trong gia đình, Bác ngồi đó, nhìn đăm đăm vào tấm hình của Chí với hàng chử “Cố HQ Đại Uý HHTT Trần Hoài Chí”. Bác  nghĩ  gì, tôi  không  biết, chỉ biết rằng sau đôi mắt kiếng lão, những giọt nước mắt cứ lặng lẽ tuôn ra. Bác nói với tôi rằng “ tuy đau lòng lắm nhưng Bác rất hãnh diện vì anh ấy”.

Hôm nay tôi ngồi đây viết lại những giòng này không phải để vinh danh người bạn cùng khóa đã Vị Quốc Vong Thân bởi vì cũng như những Anh Hùng Tử Sĩ khác, bạn tôi không cần những tầm thường đó của cuộc đời. Tôi chỉ muốn dùng trang giấy này như một nắm hương thắp lên để tưởng niệm người bạn hiền hòa đã sớm lìa xa cõi đời tạm bợ,  bỏ lại đằng sau biết bao nhiêu thương nhớ của gia đình, bè bạn và của người yêu đã khóc ngất, rũ rượi bên quan tài.

Xin một lần nữa nghiêng mình trước anh linh của Chí.

Chí ơi !

NVK

 

 


 

Vượt vũ môn

VƯỢT  VŨ  MÔN

Tống Hữu Sáo

            Đây không phải là Cá Chép vượt vũ môn để biến thành Rồng?! mà là chuyện về mấy anh chàng Vô tuyến điện hàng hải & hàng không chuyễn mình “nhảy “ sang ngành Pont & Pilote  để trở thành những ông Thuyền Trưởng tàu biển hoặc Pilote máy bay …?!

         Thường thì Vô tuyến điện trên tàu biển được gọi là Officier Radio de bord (SQVTĐ) còn trên máy bay thì họ gọi là Radio Navigant…?!

Tôi chưa nói đến chuyện Vô tuyến điện nầy phải học hành ở đâu? Trường nào? giá trị  bằng cấp ra sao? bằng được chia thành mấy hạng v…v. (trong 1 dịp khác sẻ nói đến), mà chỉ đề cập đến v/đ khi tốt nghiệp ra trường thì được nhận làm việc trên tàu biển (hoặc máy bay-nếu Hên , hoặc trên bộ-PTT), xuống tàu liền được cấp bực Officier (SQVTĐ) không cần phải tập sự gì hết…! mỗi chiếc tàu hàng (cargo) chỉ có 1 SQVTĐ, chỉ những tàu chở khách (Paquebot) tùy theo lớn nhỏ mới có 2 hoặc 3 SQVTĐ.

Không như ngành Pont & Máy, phải đi từ SQ tập sự lần lên đến Thuyền Trưởng hoặc Máy Trưởng, SQVTĐ mở đầu với chúc vụ Dịch ngon lành, nhưng cứ là Dịch mãi mãi…cho đến già !!

Bởi không cam tâm làm Dịch Già nên vài ông bạn Vô tuyến điện, nhờ sống lâu lên lão làng, đã “sang ngang“, nhảy qua thi Pont và đều đậu bằng Grand Cabotage (lý thuyết & thực hành cùng một lúc). Chỉ vỏn vẹn có mấy ngoe thôi, gồm các anh: Huỳnh Qúi Nhẫn, Trương Hạo, Tô Ngọc Thủy, Chapuis Oscar, Nguyển Đăng Dung & Nguyển Thành Kỉnh.

Riêng tôi, có mấy lần ông Ducasse thuyết phục sao không qua thi Pont cho rồi (đương nhiên là sẻ có ông Yểm trợ, vì ông đang là Giáo sư trên Trường HHVN), nhưng tôi vẩn cứ…lửng đửng lờ đờ hoài !! vì quan niệm…Trời cho bao nhiêu thì cứ hưởng bấy nhiêu? không đòi hỏi gì nhiều hết, nên vẩn cứ…giậm chưn tại chổ hoài….?!!

Trong mấy ông bạn sang ngang qua ngành Pont chỉ có mấy anh Nhẩn & Thủy lên được Thuyền Trưởng rồi  Hoa tiêu  – Hạo, Chapuis & Dung còn lên được Thuyền Trưởng, chỉ có ông bạn Kỉnh là xui xẻo nhứt, chưa kịp lên nắm chức vụ gì quan trọng thì năm 1975 đã đến…!! sau nầy anh Kỉnh còn bị một tai nạn khủng khiếp :  cả gia đình anh 4 người (vợ/chồng & 2 đứa con) đều bỏ mạng ở cửa ngỏ vào Eo biển Malacca năm 1980 trong một chuyến…đi Vượt Biên ….!!!

Riêng bên ngành Vô tuyến điện hàng không, chỉ có Dương văn Em là hên nhứt, ra trường thì kiếm được ngay chổ trên máy bay (lúc đó là hảng COSARA), đến giữa thập niên 60 anh chàng nầy qua Pháp thi lấy bằng Pilote, rồi về lái máy bay cho Cosara sau đó thì HKVN…cho đến năm 1975 …

Câu chuyện Vượt vũ môn trên đây là chuyện thực 100%, nó chỉ xãy ra ở 2 thập niên 50-60 của Thế kỷ 20, ngoài ra thì….Tri bách niên tiền, Tri bách niên hậu…đều không có…!!!

Mấy nhân chứng lịch sử nầy đến ngày hôm nay còn sót lại 2 chàng Ngự lâm Hạo-Thủy(Mỹ) & Dương văn Em (Pháp) mà thôi, 4 anh bạn kia đều đã ra người Thiên cổ từ lâu rồi….!!

Tống Hữu Sáo

SQVTĐ Hàng Hải 1950 – 1972

PS : Cập nhật ngày 15/10/2006

Sgn – VN  1/9/2005     

Trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện

Trường Cao Đẳng VÔ TUYẾN ĐIỆN

 École Supérieure de Radio Electricité

Tống hữu Sáo

            Cho đến giửa Thế Kỷ 20 ngành truyền tin  thông ở Việt Nam vẫn chưa phát triển được bao nhiêu nên v/đ truyền tin, thông tin liên lạc vẫn còn dựa vào mấy yếu tố Điện thoại – Điện tín (Téléphonie – Télégraphie); Vô tuyến điện thoại – Vô tuyến điện tín (Radiophonie– Radiotélégraphie). Vô tuyến điện Radiophonie chỉ có thể liên lạc được ở tầm gần thôi, liên lạc tầm xa phải nhờ đến hữu tuyến và vô tuyến qua những tín hiệu Morse tít tít ta ta… (Télégraphie & Radiotélégraphie)..

Lúc xưa người ta đi gởi điện tín (télégramme) thì thường hay nói là đi đánh giây thép, nhân viên làm công việc nầy được gọi là Opérateur télégraphiste hoặc là Thầy Ký giây thép….!

Trường Vô tuyến điện là nơi đào tạo những nhân viên cho ngành nầy. Đây là Trường của Nhà nước . Trước  đây  Saigon cũng có 1 trường Vô tuyến điện Tư thục (Lectason), nhưng đào tạo người chỉ để xữ dựng trong 1 phạm vi hạn chế ở trên  bộ (không đi máy  bay  hay  tàu  biển được).

Trường Vô tuyến điện Nhà nước nầy là  Trường Cao Đẳng Vô tuyến điện (Ecole Supérieure de Radioélectricité); chỉ có 2 ban; Cán sự điện (Agent technique de radioélectricité) & Điện tín viên (Opérateur radiotélégraphiste).

Điện tín viên được chia ra 3 hạng: 1ère classe – 2ème classe & Spécial . Bằng cấp khi tốt nghiệp ra trường là Certificat (chớ không phải Brevet hay Diplôme gì hết);

  • Certificat d’opérateur radiotélégraphiste de 1ère classe
  • Certificat d’opérateur radiotélégraphiste de 2ème classe
  • Certificat Spécial de radiotélégraphiste.

Ban Cán sự điện học 2 năm, còn Vô tuyến điện chỉ học 1 năm là ra trường.

Trường Cao Đẳng Vô tuyến điện nầy trước năm 1945 chỉ có ở Hànội thôi! Vì thế  nhiều HS trong Nam tốt nghiệp xong Tú tài, đi ra Hànội học tiếp, không vào Đại học Y khoa hay là những Đại học gì gì khác…mà cũng có người chịu chui vào trường Cao Đẳng Vô tuyến điện nầy…!!

Sau Đệ nhị Thế chiến 1945, trường nầy mới được mở trong Saìgon, nằm trong khuôn viên của trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, bên cạnh trường Hàng Hải & trường Cán sự Công Chánh. Đến  năm  1952  cả  3  trường  nầy  được dời về Trung Tâm Phú Thọ cùng một lúc. Còn là một trường của Nhà nước Pháp nên mọi việc thi tuyển, học hành, thi tốt nghiệp (thi viết, vấn đáp v..v) đều dùng tiếng Pháp. Cho đến lúc dời về Trung Tâm Phú Thọ năm 1952, trường mới được chuyển giao lại cho Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa…

Học thì ở trường Vô tuyến điện nhưng bằng tốt nghiệp là do nhà nước Bưu Điện Pháp (Administration des Postes Télégraphes & Téléphones (PT&T ..) cấp, dưới Tiêu đề của: Phủ Cao uỷ Pháp tại Đông Dương (Haut Commissariat de France en Indochine).

Về chuyện học hành và thi cử, 2 bằng 1ère & 2ème classe chẳng có gì khác biệt với nhau bao nhiêu! (bằng Spécial học chung chương trình với 2ème classe), 2 bằng đều có quyền và đủ điều kiện đi làm việc trên máy bay hay tàu biển như nhau, không bị chi phối bởi quyền ưu tiên lớn nhỏ…c ho nên đại đa số anh em học ngành nầy đều chọn thi 2ème classe… khi nào không đậu được 1ère hoặc 2ème classe thì mới đăng ký thi bằng Spécial (chỉ sau đó 1 tuần thôi).

Bằng Spécial chỉ đươc phép đi làm trên tàu biển (không được làm trên máy bay) khi thiếu người, nhưng phải nhường chỗ lại cho những 2ème hoặc 1ère classe, nếu có sư khiếu nại!! Trên nguyên tắc là như vậy, nhưng làm gì có những chuyện đi giành chỗ với anh em… chỗ làm thì chẳng thiếu…!!

Tóm lại; 3 bằng Vô tuyến điện nầy đều có quyền được đi làm trên tàu biển, với những điều kiện như trên và còn được hành nghề mình trên bờ: PTT, Cty Air nội địa nhỏ, đồn điền cao su, hoặc những Cty lớn có nhiều chi nhánh mà có trang bị máy phát sóng Vô tuyến điện để tiện việc liên lạc tin tức trong nội bộ……

PTT liên lạc thông tin với những tàu biển qua Đài Duyên hải (Station côtière), mỗi điạ phương cảng biển nào tàu biển thường lui tới đều có một Đài Duyên hải (cả trên Thế giới cũng vậy)…

Vô tuyến điện làm việc trên máy bay (chỗ làm nầy rất hiếm) gọi là Radio navigant .

Vô tuyến điện làm trên tàu biển gọi là Officier Radio de bord (SQVTĐ) được phong chức sĩ quan ngay, lieutenant (Dịch) mà không cần phải tập sự một ngày nào, nhưng cứ là Dịch cho đến già…!! Mỗi tàu hàng (Cargo) lớn hay nhỏ đều chỉ có 1 SQVTĐ, riêng những tàu hành khách (Paquebot), tùy theo lớn nhỏ mới có 2 hoặc 3 SQVTĐ, ở đây mấy anh chàng có bằng 1ère classe mới thấy được hưởng quyền ưu tiên của bằng cấp mình: được làm Trưởng Đài (Chef de station – đài Vô tuyến điện trên tàu là 1 station mobile) và được thăng chức Capitaine…(Quan 3).  Vô tuyến điện đi làm trên bờ là Opérateur télégraphiste, nếu làm PTT mà rơi vào những trạm chuyển/nhận điện tín (Télégrammes) thì chắc chắn sẻ được gọi là………….Ông Ký giây thép………!!!

 Sgn – VN  20/3/2006

Tống Hữu Sáo

SQVTĐ Hàng Hải 1950 – 1972  

 

Việt Nam Hàng Hải Học Hiệu

VIỆT NAM HÀNG HẢI HỌC HIỆU  –  ECOLE DE NAVIGATION VIETNAMIENNE

TRƯỜNG VIỆT NAM HÀNG  HẢI

Trường Việt Nam Hàng Hải – Trung Tâm Kỷ Thuật Phú Thọ – Sài Gòn
Hiệu đoàn Việt Nam Hàng Hải Học Hiệu

Sưu tầm

THÀNH LẬP – ĐỊA ĐIỂM

            Trường Hàng Hải được chính thức thành lập vào năm 1951, do nghị định số 155-Cab/SG ngày 27-12-1948. Đầu tiên trường tọa lạc tại khu Hỏa Xa đường Phạm Ngũ Lão với danh hiệu: Việt Nam Hàng Hải Học Liệu.  Sau một thời gian được dời đến khuôn viên trường Pétrus Ký, giữa Đại học Sư Phạm và trường Pétrus Ký.  Đến năm 1957, Trường được xác nhập vào Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật do sắc lệnh số 213 GD ngày 26-09-1957 của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa và dời về Phú Thọ trong khu vực các trường kỹ thuật với danh hiệu: Trường Việt Nam Hàng Hải.

Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật là cơ sở  giáo dục duy nhất tại Việt Nam về các ngành Điện, Hóa học, Công chánh, Công nghệ và Hàng hải, tọa lạc trên một khu đất rộng lớn, nơi góc đường Nguyễn Văn Thoại và Tô Hiến Thành.  Diện tích xây cất tổng cộng lên tới trên 20000 thước vuông, với năm tòa nhà hai và ba tầng, gồm văn phòng, lớp học, giảng đường, cơ xưởng và phòng thí nghiệm.

Sinh viên Việt Nam Hàng Hải Học Hiệu

SÁNG LẬP VIÊN – GIÁM ĐỐC

Trường Hàng Hải do Ông Trần Văn Bạch, Kỷ sư Kiều Lộ sáng lập.  Kỷ sư Bạch là nguyên Tổng Trưởng Bộ Công Chánh và cựu Giám Đốc của trường Hàng Hải.

Sau đây là danh sách các vị đã giữ chức vụ Giám Đốc của trường Việt Nam Hàng Hải từ trước tới nay:

– Kỷ sư Trần Văn Bạch,

– Ông Lê Hữu Kỳ,

– Ông Đặng Văn Châu, Viễn Dương Thuyền trưởng Pháp,

– Ông Phùng Lương Ngọc, Viễn Dương Thuyền trưởng Pháp, Cựu Thuyền trường tàu Việt Nam Thương Tín 1, Giám Đốc kỹ thuật Công ty Việt Nam Hàng Hải,

– Ông Nguyễn Tấn Quyền, Kỷ sư Điện Grenoble, Xử lý thường vụ Giám Đốc,

– Ông Đỗ Ngọc Oánh, Kỷ sư tốt nghiệp tại École des Élèves des Ingénieurs Mécaniciens Pháp.  Kỷ sư, Hải Quân Thiếu tá, Xử lý thường vụ Giám Đốc,

– Ông Phạm Văn Sanh, tốt nghiệp tại École Navale Pháp, Hải Quân Thiếu tá.

MỤC TIÊU THI TUYỂN

Trường Việt Nam Hàng Hải chỉ đào tạo:

Ban Chỉ Huy:

-Thuyền Trưởng Viễn Duyên (Grand Cabotage),

– Thuyền Trưởng Cận Duyên (Petit Cabotage),

Ban Cơ Khí:

– Sĩ Quan Cơ Khí Hạng nhất,

– Sĩ Quan Cơ Khí Hạng nhì.

Hàng năm thí sinh dự kỳ thi tuyển rất đông; như năm 1971, khoảng 1200 thí sinh cho ban Chỉ huy và 950 cho ban Cơ khí.  Từ trước đến nay trường chọn mỗi ban khoảng 23 người trúng tuyển vào năm thứ nhất. Muốn dự kỳ thi tuyển vào trường, thí sinh phải có văn bằng Tú tài 1 phổ thông (Ban B) hay kỹ thuật trở lên.

Các môn thi áp dụng cho 2 ban gốm có:

Chung cho cả 2 ban:

– Đại số và Số học (hệ số 2),

– Sinh ngữ: Pháp, Anh (hệ số 2),

Riêng cho mỗi ban:

– Ban Chỉ huy: Môn Hình học và Lượng giác (hệ số 3),

– Ban Cơ khí: Môn Vật lý (hệ số 3).

THỜI GIAN THỰC TẬP

 Sau hai năm học tại trường và đã thi đậu bằng lý thuyết, Sinh viên sẽ thực tập trên các thương thuyền 60 tháng.  Trong thời gian thực tập các sinh viên sẽ đảm trách các chức vụ kể sau:

– Ban Chỉ huy: 24 tháng đầu với tánh cách học viên (Élève), tiếp theo sẽ lên Sĩ quan (lieutenant gọi là “dịch”), một thời gian sau được lên Thuyền phó (second gọi là “goòng”);

– Ban Cơ khí: 24 tháng đầu với tánh cách học viên cơ khí (élève mécanien), lên Sĩ quan hạng ba, nhì, Cơ khí trưởng.

CÁC MÔN HỌC

Các môn học giảng bằng Việt ngữ, một số tài liệu học có tánh cách chuyên môn được giảng bằng tiếng Pháp.

BAN CHỈ HUY:

–  Thiên văn học (Cosmographie),

–  Hàng hải học (Navigation),

–  Toán Hàng Hải (Calcul nautique),

–  Kỹ thuật tàu (Technique du navire),

– Vận chuyển – Chuyển hàng – Phòng tai  (Manoeuvre – Manutention – Sécurité)

– Quy luật tránh đụng tàu (Règlement d’abordage),

–  Hải đồ  (Cartes marines),

– Tài liệu hàng hải (Instruments nautiques),

– Thủy hiệu (Hydro-Balisage),

– Hải hiệu và hải đăng (Feux et Phares),

  • Luật hàng hải (Droits maritimes),
  • Thủy thủ công (Matelotage),
  • Cơ học áp dụng (Mécanique appliqué),
  • Điện tử (Électromagnétisme),
  • Toán, Sinh ngữ,
  • Y tế (Hygiène navale).

BAN CƠ KHÍ:

  • Máy tàu (Machine marines),
  • Động cơ nổ (Moteurs à explosion),
  • Động cơ Diesel,
  • Nguội, Dũa (Adjustage),
  • Hàn (Soudure),
  • Kỹ nghệ họa (Dessin industriel),
  • Turbine khí (Turbine à gaz),
  • Kỹ nghệ lạnh (Frigo),
  • Kỹ thuật học (Dessin industriel),
  • Điện kỹ nghệ (Électricité industrielle),
  • Cơ học áp dụng (Mécanique appliquée),
  • Điện từ (Électromagnétisme),
  • Nhiệt động học Thermodynamique),
  • Phòng tai (Sécurité),
  • Luật hàng hải (Droit maritime),
  • Toán- Sinh ngữ.

GIÁO SƯ KỲ CỰU

Trường Hàng Hải có ba giáo sư kỳ cựu là:

– Giáo sư Bùi Quang Khánh, Kỷ sư tốt nghiệp Institut Électrotechnique de Toulouse, dạy Kỹ thuật và Kỷ thuật học.

– Giáo sư Nguyễn Tấn Quyền, Kỷ sư tốt nghiệp Cao Đẳng Điện học Grenoble, Pháp, dạy Cơ học áp dụng, nhiệt động học, điện kỷ nghệ.

– Giáo sư Nguyễn Văn Đức, Kỷ sư Công Chánh, dạy môn Thủy đạo học.

–   Cựu sinh viên trường Hàng Hải: Những sinh viên tốt nghiệp các khóa đầu tiên của trường Việt Nam Hàng Hải, giữ những chức vụ cao cấp trong quân đội, Hải Quân, trong ngành thương thuyền, và trong các ngành kỹ nghệ nước nhà.

Vì nhu cầu của ngành thương thuyền quốc gia, trường Việt Nam Hàng Hải, trước năm 1975, đang trên đà nâng cấp lên bậc đại học để đào tạo những Viễn Dương Thuyền Trưởng và các Kỷ Sư Cơ Khí Hàng hải để chỉ huy các loại tàu lớn chạy trên các trục hải hành quốc tế.

Trường Việt Nam Hàng Hải 1940-1953

 

Trường Hàng Hải Việt Nam

Từ năm 1940 đến năm 1953


Bùi Ngọc Hương

Cựu hoa tiêu sông Sàigòn

 Lời nói đầu

Mở đầu sự suy tầm về lịch sử Trường Hàng Hải Việt Nam, tôi xin gởi đến các bạn đồng nghiệp những tài liệu sau đây do tôi thu thập được qua sự tiếp xúc trực diện và điện đàm của tôi với các niên trưởng Hàng Hải, Hải Quân và nhiều bạn cùng khóa của tôi . Vì tôi là một Sĩ quan Ban Chỉ huy (Section Pont) nên những tài liệu gom góp có lẽ nặng nhiều về Ban Chỉ huy, còn về Ban Cơ khí kính xin quí niên trưởng cơ khí góp ý để phần tài liệu này được đầy đủ hơn.

Bản tường trình này có tính cách tham khảo thôi, chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót va sai lầm về thời gian và chi tiết, kính xin các bạn thông cảm, bổ túc giùm nếu có.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, trước năm 1942, có rất nhiều Sĩ quan Hàng Hải được đào tạo như các anh Phan Hữu Hài, Khưu Ngọc Đức, Nguyễn Văn Ba, Tạ Nhựt Hy, Huỳnh Văn Thử, Nguyễn Văn Trí, Lê Văn Tỷ, Nguyễn Văn Hóa, v.v… Các anh kể trên phần lớn đã qua đời hoặc trên 90 tuổi thành ra sự tìm hiểu suy tầm gặp khó khăn.

Nghe nói anh Nguyễn Văn Hóa là một trong những Sĩ quan đầu tiên của ngành Hàng Hải anh đi theo kháng chiến và ở ngòai Bắc cho đến năm 1975. Anh là một chiến sĩ tham gia trận đánh Sông Lô trong thời kháng chiến chống Pháp.

Năm 1955, anh Hóa dẫn chiếc tàu đầu tiên vào cảng Hải Phòng cách nay đã hơn 50 năm. Đến năm 1975, anh Hóa về day Trường huấn luyện về hàng hải cho các thủy thủ ở Sàigòn. Anh hiện nay đã ngoài  90 tuổi.

Qua sự tiếp xúc với các niên trưởng Phan Văn Dy, cựu Hoa tiêu Sông Saigòn và niên trưởng cơ khí Trần Văn Đúng, tôi được biết tiền thân của Trường Hàng Hải có danh xưng là École des Mécaniciens Asiatiques đưọc thành lập do nghị định ngày 20-2-1940 của Thống Đốc Nam kỳ Rodier.

Vị Giám đốc sáng lập là ông Emmanuel Rosel, một Đại úy Hải quân Pháp cũng là một Kỷ sư Công nghệ. Có một thời Trường mang tên là École Rosel.

Trường đào tạo sỉ quan Hàng Hải gồm các Ban Chỉ huy (Section pont), Cơ khí (Section machine) và Vô tuyến (Section radio). Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để báo cáo cho các đồng nghiệp biết có một ông Sĩ quan Hàng Hải có cả ba bằng gồm các ngành trên. Đó là niên trưởng Trần Văn Chơn cựu Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1942, trong Đệ nhị Thế chiến, Nhựt bổn chiếm đóng tất cả các trường học ở Sáigòn làm trại lính, trường được dời vô Bason, các sinh viên được học trên hai chiếc tàu, một chiếc là Administrateur Royer dành cho học viên Ban Chỉ huy. Khóa này gồm có 8 học viên là các anh Phan Văn Dy, Từ Huy Hoàn, Lê Văn Tốt, Lê Bích Hà, v.v…

Còn một chiếc tàu khác dùng vào việc huấn luyện các tài công (Patrron de chaloupe). Niên trưởng Phan Văn Dy cựu hoa tiêu sông Sàigòn, còn cho biết lúc bấy giờ anh Lê Văn Tỷ cựu Hoa tiêu Sông Cửu long, dạy về Thủy thủ công (Matelotage).

Trường Ecole des Mécaniciens Asiatiques tọa lạc tại đường Đỗ Hữu Vị, Chợ Củ Sàigòn.

Năm 1943, trường lấy tên là Collège Technique (Trường kỹ thuật hay nôm na là Trường máy)

Theo niên trưởng Nguyễn Chánh Trực, cựu Hoa tiêu sông Sàigòn, khóa Hàng Hải 1943-1944 gồm có các anh Nguyễn Chánh Trực, Trần Đức Lưu, Nguyễn Văn Liêm, Châu Văn Mùi, Cao Thái Phó, Reboul, v.v… Các niên trưởng xuất thân từ các khóa kể trên họp thành một thế hệ Sỉ quan Hàng Hải thương thuyền, thuyền trưởng và cơ khí trưởng lão thành chỉ huy các con tàu đầu tiên, tiếp thu các đoàn hoa tiêu từ tay người Pháp và có mặt trên các thương cảng, bến nước từ  Bắc chí Nam.

Sau Đệ nhị Thế chiến, trường Kỷ Thuật họat động bình thường trở lại. Mỗi khóa đào tạo lối 20 Sỉ quan Ban Chỉ huy (Pont) và 20 Sỉ quan cơ khí (Machine).

Năm 1947 – 1948

Theo các niên trưởng Lâm Nguơn Tánh, cựu Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân, Niên trưởng Đỗ Bá Ngữ cựu Hoa tiêu Sông Sàigòn, Trường vẫn có tên là Trường Kỹ thuật, tọa lạc ở đường Đổ Hữu Vị, chợ cũ Sàigòn.

Khóa 1947-1948 gồm có các anh Tôn Thọ Khương, Đòan Luyện, Nguyễn Văn Danh, Đào Quan Ngãi, Tôn Thất tuyên, Chung Tấn Cang, Trần Văn Chơn, Lâm Nguơn Tánh, Trần Văn Phấn, Lê Quang Mỹ, Hồ Đắc Tâm, Đỗ Bá Ngữ, Lê Xuân Long, Võ Bá Nhu, Đòan Ngọc Bích, Nguyễn Văn Lịch, Nguyễn Hùng Trương, Nguyễn Văn Thiệu, v.v… Có tất cả 20 sinh viên ban Chỉ huy và 20 sinh viên ban Cơ khí.

Một số người tốt nghiệp khóa nầy về sau trở thành các vị Tư Lệnh và Chỉ Huy Trưởng cao cấp của Quân chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt là ông Nguyễn Văn Thiệu là một Tướng lãnh của Quân đội và cũng là vị Tổng Thống của Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam.

Năm 1948 – 1949

Theo niên trưởng Lương Quang Thọ cựu Hoa tiêu sông Sàigòn, Trường Hàng Hải Việt Nam nằm trong khuôn viên trường Petrus Trương Vĩnh Ký.

Khoá này gồm có các anh Lương Quang Thọ, Chế Công Tá, Nguyễn Văn Nghiêm, Huỳnh Trịnh Tường, v.v… Tổng giám thị lúc bấy giờ là Ông Bùi Quang Khánh, giáo sư Thiên văn hàng hải là ông Patron, giáo sư Hải hành là ông Apex và giáo sư Luật hàng hải là ông Corbin.

Năm 1949-1950

Theo niên trưởng Hòang Phước Qủa cựu Hoa tiêu Sông Sàigòn, Trường Hàng Hải vẫn còn trong khuôn viên trường Petrus Ký. Khoá nầy gồm có các anh Hoàng Phước Quả, Tô Ngọc Tuấn, Huỳnh Minh Tuấn, Mai Hữu Lễ, Tôn Thất Ấn, Nguyễn Đôn Thỏa, Hồ Tấn Quyền cựu Tư Lênh Hải quân thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Năm 1950-1951

Đến năm 1950, do nghị định 155-CAB/SG ngày 27-12-1948, trường Hàng Hải được giao lại cho chính phủ Việt Nam. Trường được chính thức thành lập với danh xưng “Việt Nam Hàng Hải Học Liệu”. (École de Navigation Maritime Vietnamienne).

Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, trường được chuyển đến khu Hỏa xa Việt Nam, đường Colonel Grimaud tức Phạm Ngũ Lão về sau. Khóa 1950-1951 được gọi là khóa 1 Hàng Hải Việt Nam. Khóa nầy gồm có các anh Trương Văn Tây, Bữu Hạnh, Lưu Văn Quãng, Võ Thành Tuấn, Phạm Bá Vân, Nguyễn Văn Thu, Đỗ Quý Hợp, Hà Văn Kim, Phùng Văn Đán, anh Tích, v.v…Bên cơ khí có anh Đặng Cần Chánh cựu Đại tá Hải quân.

Năm 1951-1952

Đây là khóa 2 Hàng Hải Việt Nam

Trong nữa năm đầu, trường vẫn còn tọa lạc trong một căn phòng của cơ sở Hỏa xa Việt Nam và trong nữa năm sau trường được chuyễn về địa điễm củ trong khuôn viên trường Petrus Trương Vĩnh Ký bên cạnh các trường Công Chánh, Vô Tuyến Điện, v.v… với danh xưng là Hàng Hải Học Liệu.

Trường Hàng Hải là một gian nhà bốn phòng đâu lưng ra đường Thành Thái, cửa chính của gian nhà có để bảng Việt Nam Hàng Hải Học Liệu “École de Navigation Maritime Vietnamienne”.

Phòng thứ nhất là phòng Giám thị, phòng thứ nhì là phòng học của Ban Chỉ huy, phòng thứ ba là phòng học của Ban Cơ khì và phòng thứ tư dùng vào việc linh tinh.

Khóa 2 Hàng Hải gồm có các anh Phạm Ngọc Lũy, Tạ Cảnh Hi, Nguyễn Phong, Bùi Ngọc Hương, Nguyễn Nhơn Đức, Khương Hữu Bá, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Đình Quảng, Đinh Mạnh Hùng, Phùng Nhật Tân, Nguyễn Ngọc Trụ, Nguyễn Đình Vượng, Ngô Khắc Luân, Nghiêm Văn Phú, Nguyễn Thành Châu, Trương Ngọc Lực, Nguyễn Năng Thông, Huỳnh Kim Gia, Nguyễn Hồng Báu, v.v…

Phần đông các sinh viên tốt nghiệp khóa 2 gia nhập khóa 2, 3, 7 Hải quân. Có ba anh được thăng cấp Phó Đề Đốc còn đa số là sỉ quan cấp tá Chỉ huy trưởng các lực lượng của quân chủng Hải quân.

Trong khóa nầy ông Bùi Quang Khánh vừa là Tổng giám thị vừa là Giáo sư Kỹ nghệ họa cho ban Cơ khí. Ông Trần Văn Bạch vừa là Hiệu trưởng vừa là Giáo sư Tóan cho ban Chỉ huy. Giáo sư Patron dạy về Thiên văn Hàng hải (Astronomie nautique), Hải hành (Navigation), Hải đồ và Hải cụ (Cartes marines et instruments Nautiques). Kỷ sư Giraud dạy Kỹ thuật Hàng hải (Technologie navale). Giáo sư Moreuil dạy về Phòng tai (Sécurité navale). Ông Blachère dạy về vận chuyển tàu buồm va thuỷ thủ công (Bateaux à voiles et Matelotage). Ông Corbin Giám đốc sở Đăng ký Hàng Hải (Administrateur de l’inscription maritime) dạy về luật Hàng Hải (Législation Maritime). Giáo sư Phương từ trường Petrus Ký biệt phái qua dạy Toán học, một Đại uý Y sĩ Hải quân dạy về Y tế Hàng hải (Hygiène Navale).

Năm 1952-1953

Khóa này  gọi là khóa 3 Hàng Hải gồm có các anh Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Liêm, Trần Bình Sang, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Huấn, Lê Thanh Truyền, Vũ Đình Đào, Lộ Công Dần, Diệp Quang Thủy, v.v… Cũng như khóa trước cũng có một số sinh viên tốt nghiệp khóa này gia nhập khóa 3 Hải quân.

Thời gian nầy trường Hàng hải vẫn còn toạ lạc trong khuôn viên trường Petrus Ký cho đến năm 1957, sau đó trường được xác nhập vào Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ trên đường Nguyễn Văn Thoại. Trường vẫn tiếp tục đào tạo Sĩ quan Hàng hải đến khóa 22.

Sau biến cố tháng 4 năm 1975, trường được tiếp thu bởi trường Hàng hải Hà Nội.

Trường Việt Nam Hàng Hải đã đào tạo có thể nói cả ngàn sĩ quan Hàng hải hiện đang sống rãi rác khắp bốn biển năm châu hoặc đã vào cõi hư vô.

Song với tinh thần “Tứ hải giai huynh đệ”, một tình cảm sâu sắc đậm tình biển cả đã thắt chặt những người đi biển chung với nhau trong một tập thể riêng biệt, chứa chan nhiều kỷ niệm về trường học, tình thầy trò và tình bạn khó phai mờ được….

March, 2006                                     

Trường Việt Nam Hàng Hải

 Trường Việt Nam Hàng Hải

BÙI NGỌC HƯƠNG – Cựu Hoa tiêu sông Saigon

                        Lời mở đầu : Xin chân thành cảm tạ quý vị Niên Trưởng Hàng Hải và Hải Quân, các bạn chủ trương các trang nhà vnhanghai.com, hanghaitruongxua.net đã giúp cho chúng tôi những tài liệu quý báu để hoàn thành bài tham khảo về trường Hàng Hải Việt Nam trong thời gian trải dài hơn 30 năm từ 1940 đến 1975. Những sơ sót nhứt định phải có. Kính xin các bạn bổ túc và sửa những chỗ sai lầm giùm. Cảm ơn.

      Bắt đầu từ năm 1957, trường Hàng Hải sát nhập vào Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ với danh xưng là Trường Việt Nam Hàng Hải. Về sau trường được nâng lên bậc Cao Đẳng nhằm đào tạo các Viễn Dương Thuyền Trưởng và Kỷ Sư Cơ Khí Hàng Hải. Đến sau biến cố năm 1975, trường được tiếp thu bởi trường Hàng Hải Hà Nội.

      Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, trường Hàng Hải đào tạo những chuyên viên kỹ thuật phục vụ trên các tàu bè phần lớn là các thương thuyền, những cơ sở ngành nghề có liên hệ đến biển cả, sông ngòi như các thương bến cảng, các đoàn hoa tiêu dẵn dắt tàu bè ngoại quốc ra vào các thương cảng, các công tác công chánh như phà, xáng hút, thủy hiệu kiểm soát các phao đèn, thanh tra hàng hải ở Nha Thủy Vận, Quan Thuế, v…v… Ngoài ra, có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp trường Hàng Hải đã đáp lời sông núi gia nhập vào Hải Quân nhứt là những năm đầu thành lập Quân chủng nầy trong thập niên 1950.

      Lịch sử trường Hàng Hải xin phép được chia ra làm 2 giai đoạn, chúng ta hãy lấy năm 1950 làm dấu mốc vì theo Hiệp Định Hạ Long ký kết giữa Quốc Trưởng Bảo Đại và Chính phủ Pháp năm 1949 thì các cơ sở hành chánh và quân sự được Pháp trao trả lại cho Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa vào lúc nầy. Theo lời quý vị niên trưởng Hàng Hải và Hải Quân, khoảng năm 1942, danh xưng đầu tiên của trường Hàng Hải là École des Mécaniciens Asiatiques được thành lập chiếu theo nghị định ngày 20-2-1940 của Thống Đốc Nam Kỳ Rodier. Mục đích của trường nhằm đào tạo các Sĩ quan Hàng Hải các khóa ngành Chỉ Huy (Service Pont), ngành Cơ Khí (Service Machine), ngành Vô Tuyến Điện (Service Radio) để phục vụ trên các chiến hạm Pháp ở Đông Dương. Có một số sinh viên cam kết sẽ phục vụ trong một thời gian qui định trên các chiến hạm Pháp hoặc trong các cơ sở thuộc Hải Quân Pháp như Ba Son, v…v… sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra có nhiều người sẽ thành những kỹ thuật gia phục vụ trong các ngành kỹ nghệ, công nghệ và xí nghiệp Pháp tại Đông Dương. Trường lúc bấy giờ tọa lạc tại đường Đỗ Hữu Vị, Chợ Củ Saigon. Vị Giám Đốc sáng lập trường là Emmanuel Rosel, một Kỷ sư Công nghệ cũng là Đại úy Hải Quân Pháp. Có một lúc trường mang tên là École Rosel. Năm 1942, theo lời một cố Niên Trưởng, cựu Hoa Tiêu Sông Saigon, trong thời gian nầy, Nhựt Bổn chiếm đóng tất cả các trường học làm trại binh, trường được chuyển vào Sở Ba Son. Các anh học trên hai chiếc tàu cập bến trong Ba Son, thuộc Hải Quân Công Xưởng về sau, một chiếc có tên là Administrateur Royer dành cho các sinh viên Sĩ Quan ngành Chỉ Huy (Pont), còn một chiếc khác dùng vào việc huấn luyện các Tài Công (Patrons de Chaloupe). Đến năm 1943, trường trở về tọa lạc trên đường Đỗ Hữu Vị, Chợ Củ Saigon lấy tên là Collège Technique (Trường Kỹ Thuật). Trong nửa phần đầu của thập niên 1940, xuất hiện một thế hệ Sĩ Quan Hàng Hải Thuyền Trưởng cũng như Cơ Khí Trưởng lảo thành sẽ có mặt trên mọi ngành nghề có liên quan đến nền Hàng Hải Việt Nam từ Bắc chí Nam. Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, những xáo trộn chánh trị tại Saigon tàn lụi dần, trường Kỹ Thuật hoạt động bình thường trở lại. Từ năm 1947 đến năm 1950, trường đã đào tạo một số lớn chuyên viên kỹ thuật ngành hàng hải được huấn luyện trên các thương thuyền Pháp. Họ học hỏi thu thập đủ kinh nghiệm về nghề nghiệp để gánh trách nhiệm chỉ huy các tàu buôn mang cờ Việt Nam Cộng Hòa sau nầy.

TT Nguyễn văn Thiệu – Cựu Sinh Viên Trường VN Hàng Hải

      Đặc biệt khóa 1947-1948, những sinh viên tốt nghiệp từ trường Kỹ Thuật đã trở thành những vị Tư lệnh Hải Quân, những sĩ quan cao cấp chỉ huy các lực lượng trong Quân Chủng Hải Quân hoặc tiếp thu lại các Đoàn Hoa Tiêu từ những chuyên viên người Pháp. Ta cũng nên nhớ rõ một vị Sĩ Quan Hàng Hải tốt nghiệp khóa nầy là ông Nguyễn Văn Thiệu, một tướng lảnh của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, về sau sẽ trở thành vị Tổng Thống của nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam. Đến năm 1950, do Nghị Định số 155-CAB/SG ngày 27-12-1948, Trường Hàng Hải được chánh thức thành lập, và khóa học 1950-1951 được xem là khóa I Hàng Hải. Trong những năm 1950-1951, trường tọa lạc tại khu Hỏa xa trên đường Colonel Grimaud về sau đổi thành đường Phạm Ngũ Lảo với danh hiệu “Việt Nam Hàng Hải Học Hiệu” (École de Navigation Maritime Vietnamienne). Các khóa I và II đều học nơi đây.

      Từ năm 1952 đến năm 1957, trường được dời về khuôn viên Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký.

      Từ năm 1952 đến năm 1957, trường được dời về khuôn viên Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký nằm dọc theo Đại lộ Thành Thái gần các trường Đại Học Sư Phạm, Công Chánh và Điện. Đến năm 1957, trường được sát nhập vào Khu Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ cùng các trường Cao Đẳng Điện Học, Công Nghệ, Hóa Học, Công Chánh, Thương Mại, v…v… tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Thoại, đối diện với Cư Xá Lữ Gia ở Phú Thọ. Và do sắc lệnh số 213 GD ngày 26-9-1957, trường đã đổi danh hiệu là “Trường Việt Nam Hàng Hải” cho đến năm 1975.

Thầy Phùng lương Ngọc

      Sáng Lập Viên và Giám Đốc Trường Việt Nam Hàng Hải do ông Trần Văn Bạch, Kỷ Sư Kiều Lộ sáng lập. Kỷ Sư Bạch là nguyên Tổng Trưởng Bộ Công Chánh và là Cựu Giám Đốc Trường Việt Nam Hàng Hải. Sau đây là danh sách các vị đã từng giữ chức vụ Giám Đốc của trường Việt Nam Hàng Hải từ năm 1950 đến năm 1975. – Kỷ Sư Trần Văn Bạch – Ông Lê Hữu Kỳ – Ông Đặng Văn Châu, Viễn Dương Thuyền Trưởng Pháp, cựu Hoa Tiêu Sông Saigon – Ông Phùng Lương Ngọc, Viễn Dương Thuyền Trưởng Pháp, cựu Thuyền Trưởng tàu Việt Nam Thương Tín I, nguyên Giám Đốc Kỹ thuật Công ty Việt Nam Hàng Hải – Ông Nguyễn Tấn Quyền, Kỷ Sư Cao Đẳng Đại Học Grenoble, xử lý thường vụ Giám Đốc.

– Ông Đỗ Ngọc Oánh, Kỷ sư tốt nghiệp tại École des Ingénieurs Mécaniciens Pháp, Kỷ sư Hải Quân Thiếu Tá, xử lý thường vụ Giám Đốc – Ông Phạm văn Sanh, tốt nghiệp trường Hàng Hải Pháp (École Navale), Hải Quân Trung Tá, vị Giám Đốc sau cùng của trường.

Ông Phạm văn Sanh – Cựu Giám Đốc Trường VNHH

       Mục tiêu thi tuyển Trường Việt Nam Hàng Hải đào tạo các sĩ quan: – Ban Chỉ Huy (Pont) + Thuyền Trưởng Cận Duyên (Capitaine au Petit Cabotage) + Thuyền Trưởng Viễn Duyên (Capitaine au Grand Cabotage) Theo luật lệ hàng hải của Việt Nam Cộng Hòa, các tàu bè được trang trí cận duyên hàng hải chỉ được phép hải hành dọc bờ biển Việt Nam từ Cảng Saigon đến Cảng Đà Nẳng về phía Bắc. Các tàu trang trí viễn duyên hàng hải được phép hoạt động trong vùng biển giới hạn bởi Nhật Bản phiá Bắc, Phi Luật Tân phiá Đông, Nam Dương Quần Đảo phiá Nam và Ấn Độ phiá Tây, nghĩa là bao gồm một vùng tương đối rộng ở Đông Nam Á Châu. Bắt đầu từ năm 1973, trường Việt Nam Hàng Hải được nâng cấp lên đào tạo các Viễn Dương Thuyền Trưởng (Capitaine au Long Cours) sẽ chỉ huy các con tàu đi khắp nơi trên thế giới. – Ban cơ Khí (Machine) + Sĩ Quan Cơ Khí Hạng Nhì (Mécanicien 2ème classe) + Sĩ Quan Cơ Khí Hạng Nhứt (Mécanicien 1ère classe). Về điều kiện dự thi tuyển vào trường, thí sinh phải có văn bằng Tú Tài I phổ thông (Ban toán B) hay Kỹ Thuật trở lên. Các môn thi áp dụng cho hai ban gồm có: – Chung cho cả hai ban: + Đại số và số học (hệ số 2) + Sinh ngữ Pháp và Anh. – Riêng cho mỗi ban: + Ban Chỉ Huy: Hình học và Lượng giác học (hệ số 3) + Ban Cơ Khí: Vật Lý (hệ số 3) Trên thực tế, đa số thí sinh dự thi tuyển đều có bằng Tú Tài phần II ban toán, nhứt là theo học Ban Chỉ huy, sinh viên phải có kiến thức căn bản về Toán để học Lượng giác cầu (Trigonométrie Sphérique) hầu có thể giải đáp các bài toán Thiên văn Hàng Hải (Calcul Nautique) để áp dụng về sau trong lúc chỉ huy một con tàu trên đại dương.

       Thời gian thực tập: Sau hai năm học tập tại trường, các sinh viên tốt nghiệp được cấp chứng nhận đậu bằng Cận Duyên, Viễn Duyên (phần lý thuyết) hoặc Cơ Khí hạng 2, hạng 1 (phần lý thuyết) và sẽ xuống thực tập trên thương thuyền trong những chức vụ sau đây: – Ban Chỉ Huy (Section Pont): hai năm đầu với tính cách Học viên (E.O.P.-Élève Officier Pont). Thời gian trên có thể được linh động, uyển chuyển, có thể ngắn hoặc dài hơn tùy theo nhu cầu nghề nghiệp. Tiếp theo sẽ được bổ nhiệm làm Sĩ quan Phụ tá (Lieutenant). Sau đó có thể được lên chức Phó Thuyền trưởng (Second Capitaine). – Ban Cơ Khí (Section Machine): hai năm đầu với tính cách Học viên Cơ Khí (E.O.M.- Éléve Officier Machine). Sau đó có thể được lên Sĩ quan Cơ Khí hạng 4, hạng 3 và Cơ Khí Phó. Trong thơì gian thực tập, việc bổ nhiệm các Sinh viên Sĩ quan vào các chức vụ trên rất là uyển chuyển tùy theo nhu cầu nghề nghiệp và số lượng tàu bè lúc bấy giờ.

      Thi thực hành: Sau khi hoàn tất 60 tháng hải hành trên các thương thuyền, các Sĩ quan Hàng Hải trở về trường tu nghiệp khoảng 6 tháng trước khi dự thi phần thực hành (Application). Trong phần thi thực hành, các thí sinh Ban Pont, ngoài các bài thi viết về Toán Hải hành (Calcul Nautique) và các bài tính về Thủy triều (Calcul des Marées) phải qua các phần khảo sát có tính cách chuyên nghiệp, những phản ứng cấp thời trong những trường hợp đặc biệt có thể xảy ra trong nghề nghiệp của mình. Các ứng viên trúng tuyển sẽ được cấp Văn Bằng Thực hành: – Văn bằng Cận Duyên/Viễn Duyên Thuyền Trưởng (Brevet de Capitaine au Petit/Grand Cabotage), – Văn bằng Cơ Khí Hạng Nhì/Cơ khí Hạng Nhứt (Brevet Mécanicien 2ème classe/Mécanicien 1ère classe). Với các văn bằng thực hành, các đương sự được chánh thức và hợp pháp đảm nhiện các chức vụ tối cao như sau trên các thương thuyền: – Thuyền Trưởng cho các ứng viên trúng tuyển Ban Chỉ Huy. – Cơ Khí Trưởng cho các ứng viên trúng tuyển Ban Cơ Khí. Trên thực tế, các sỉ quan tốt nghiệp các bằng thực hành còn phải đảm nhiệm các chức vụ phụ tá như Phó Thuyền Trưởng và Cơ Khí Phó trong một thời gian từ 1 đến 2 năm mới có thể lên Thuyền Trưởng và Cơ Khí Trưởng tùy theo nhu cầu nhân sự. Tính ra, một sinh viên từ khi bước chân vào Trường Hàng Hải phải trải qua 10 năm dài mới có thể làm Thuyền Trưởng và Cơ Khí Trưởng.

Giáo sư Bùi quang Khánh

      Các môn học: Đa số các môn học được giảng dạy bằng Việt ngữ, tuy nhiên một số tài liệu có tính cách chuyên môn được trình bày bằng tiếng Pháp và Anh. Cho đến năm 1955, vì phần lớn giáo sư là người Pháp cho nên các môn học được giảng dạy có thể nói là 100% bằng tiếng Pháp. – Ban Chỉ Huy :  Thiên Văn Hải hành (Astronomie Nautique) . Hải Hành (Navigation) . Toán Hải Hành (Calcul Nautique). Hải Đồ và các dụng cụ hải hành (Cartes marines et Instruments Nautiques). Kỷ thuật tàu (Technologie navale) . Vận chuyển – Chuyển hàng – Phòng tai (Manoeuvre – Manutention – Sécurité). Thủy thủ công (Matelotage). Quy luật tránh tàu (Réglèment d’abordage). Thủy hiệu – Hải hiệu – Hải đăng (Hydrographie – Balisage – Phares). Luật Hàng hải (Législation maritime). Y tế Hàng hải (Hygiène navale). Khí tượng học (Météorologie). Cơ học áp dụng (Mécanique appliqué). Toán – Điện từ (Mathématiques _Électromagnétisme). Sinh ngữ Pháp và Anh. – Ban Cơ khí : . Máy tàu (Machines marines), . Các động cơ nổ và Diésel (Moteurs à explosion et Diésel), . Turbine khí (Turbine à gas) . Nguội – Dũa – Hàn (Adjustage – Soudure), . Kỷ nghệ họa (dessin Industriel). Kỷ nghệ lạnh (Frigo) . Kỷ thuật học (Technologie navale) . Điện kỷ nghệ (Électricité industrielle). Cơ học áp dụng (Mécanique appliqué). Điện từ (Électromagnétisme). Nhiệt độ học (Thermodynamique). Phòng tai (Sécurité) . Luật hàng hải (Législation maritime). Toán, . Sinh ngữ Pháp và Anh.

Giáo sư Jean Ducasse

      Các Giáo sư kỳ cựu: Trường Viêt Nam Hàng Hải từ ngày thành lập có những giáo sư kỳ cựu như sau: – Giáo sư Bùi Quang Khánh, Kỷ sư tốt nghiệp Institut Électronique de Toulouse, dạy Kỷ Nghệ họa và Kỹ thuật học, – Giáo sư Patron, dạy Thiên văn Hàng hải, Toán Hàng hải, Hải hành, Hải đồ, Dụng cụ hải hành từ 1947 đến 1955, – Giáo sư Apex, dạy môn Hải hành, – Giáo sư Giraud, Kỷ sư Pháp dạy Kỹ thuật học, – Giáo sư Moreuil, Kỷ sư Pháp dạy Chuyển hàng, Phòng tai, – Giáo sư Gallois dạy môn moteur, – Giáo sư Gourand dạy môn machine, – Giáo sư Corbin, Thiếu tá Hải Quân Pháp dạy Luật Hàng hải. Ông là Giám Đốc Sở Đăng ký Hàng hải (Administrateur de l’Inscription Maritime), – Giáo sư Mérillon, cũng là Giám Đốc Sở Đăng ký Hàng hải, dạy môn Luật Hàng hải, – Ông Lương Quang Thọ, Cựu Hoa tiêu sông Saigon, dạy môn Hải hành, – Giáo sư Nguyễn Văn Đức, Kỷ sư Công Chánh, dạy môn Thủy Hiệu học, – Giáo sư Jean Ducasse, Thuyền Trưởng Viễn Dương Pháp, dạy các môn Toán và Thiên Văn Hải hành.

      Để đáp ứng nhu cầu hữu hiệu hóa các môn học có tính cách chuyên môn, trường đã mời nhiều viên chức cao cấp trong chánh quyền cũng như trong ngành nghề hàng hải đến cộng tác như: – Học viện Quốc Gia Hành chánh, – Nha Khí tượng Saigon, – Luật sư đoàn Việt Nam, – Nha Thủy vận, – Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, – Các cựu Thuyền trưởng và Hoa tiêu, – Hải Quân Việt Nam Đến năm 1973, Đội Thương thuyền quốc gia phát triển mạnh mẻ với sự hiện diện của những chiếc tàu chạy ra ngoại quốc, vượt quá giới hạn của các vùng hoạt động đang có, trường Việt Nam Hàng Hải đã được nâng lên cấp Cao Đẳng nhằm đào tạo những Viễn Dương Thuyền trưởng vá các Kỷ sư Cơ khí Hàng hải để phục vụ trên các loại tàu lớn chạy trên các trục hải hành quốc tế. Sinh viên phải học một chương trình qui định là 4 năm, nhưng khóa nầy chưa hoàn tất được vì biến cố 30-4-1975.

      Trước khi kết thúc bài tham khảo nầy, thật là một điều thiếu sót nếu không đề cập đến mối liên quan mật thiết giữa hai tập hợp của những người đi biển là Hàng Hải và Hải Quân. Từ những khóa đầu tiên thời Pháp thuộc, một số các sĩ quan Hàng hải đã cam kết phục vụ trên các chiến hạm Hải quân Pháp trong một thời gian qui định sau khi tốt nghiệp. Rồi từ năm 1947 trở về sau, đặc biệt trong những khóa đầu tiên của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, có thể nói toàn thể các khóa nầy đều là những người tốt nghiệp từ trường Hàng Hải. Trong những năm đầu đầu thập niên 1950, vì nhu cầu phát triển quân chủng Hải Quân trong thời gian chuyển tiếp, các sĩ quan được huấn luyện cấp tốc bằng cách dùng những sinh viên hàng hải đã có những căn bản kiến thức về hải hành chuyên nghiệp chuyển đến Trung tâm Huấn luyện Hải Quân Nha Trang để bổ túc về quân sự như chiến thuật hải quân, hải pháo, v…v… và những sĩ quan tốt nghiệp các khóa đầu tiên Hải Quân đã trở thành những vị Tư Lệnh cao cấp và Chỉ huy trưởng các lực lượng Hải Quân về sau. Hơn nữa, các Sĩ quan Hải Quân khi giải ngũ và muốn tiếp tục con đường hải nghiệp của mình, có thể về trường Việt Nam Hàng Hải dùng thời gian hành thủy của mình lúc tại ngũ để thi lấy các văn bằng hàng hải để phục vụ trên các thương thuyền hoặc các ngành hoa tiêu, thương cảng, vv… Cũng vì mối quan hệ mật thiết giữa hai tập thể Hàng Hải và Hải Quân, trong một buổi họp khoáng đại của Tổng Hội Hải Quân trong thập niên 1990, toàn thể Đại hội đã biểu quyết đổi danh hiệu là Tổng Hội Hải Quân và Hàng Hải Việt Nam.

      Chúng tôi tin rằng bài tham khảo nầy không sao tránh khỏi những thiếu sót cũng như sai lầm về thời gian và chi tiết. Chúng tôi hoan nghinh mọi ý kiến bổ túc và sửa sai để tài liệu được hoàn chỉnh hơn. Thành thật cảm ơn.

Ngày 06 tháng 3 năm 2006

BÙI NGỌC HƯƠNG

Cựu Hoa Tiêu sông Sài Gòn