BÁO TẾT, BÁO XUÂN … CÁCH ĐÂY 38 NĂM

BÁO  TẾT,  BÁO  XUÂN  … CÁCH  ĐÂY  38  NĂM  

(Bài viết được xuất bản năm 1992)              

Phạm  Thăng

Sạp báo Xuân

            Cứ độ cuối thu sang đông, nhìn tờ lịch treo tường, người Việt đang sống bốn phương trời xa lạ đều nhớ về quê hương.

            Người ở thôn quê trước đây thì nhớ hàng cau già in dáng gầy trên nền trời trong đêm trăng sáng, nhớ những tàu lá dừa lả ngọn ven sông, nhớ dề lục bình trôi lững lờ, nhớ hương bưởi hương cau, nhớ mùi rạ mới. Chao ơi, nhớ lắm, nhớ tiếng tu hú kêu vào buổi chiều gió chướng, nhớ tiếng chày vồ quết bánh phồng vào những ngày Tết, nhớ buổi lặt lá cây mai vàng trước sân cho kịp nở đầu Xuân, nhớ đến đôi liển dán trên cột trước hàng ba, mực đen ánh trên giấy hồng điều, nhớ những buổi trưa ngồi trên bờ rạch chờ xuồng của mẹ đi chợ Tết về…

            Người ở thành thị nhớ chợ hoa nhộn nhịp, áo màu khoe sắc với hoa tươi, nhớ những đống dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng chất cao như núi nhỏ dọc theo bến chợ có nhiều gian hàng bánh mứt ồn ào chen chúc kẻ bán người mua, nhớ mấy sạp báo khác hẵn ngày thường vì có treo quanh sạp nhiều tập báo Xuân đủ màu đủ cở.

            Bao nhiêu nỗi nhớ in sâu vào tiềm thức đã được nhiều bạn ghi lại trên giấy suốt mấy năm qua để thương về quê cha đất Tổ. hôm nay tôi xin gởi đến các bạn kỷ niệm về báo Tết, báo Xuân.

             Hàng năm, báo chí Việt có thông lệ ra tập báo Tết. Tôi nhớ từ năm 1943, 1944, vài tờ báo ở Hà Nội đã có ra số đặc biệt Xuân  với bìa và phụ bản vẽ bóng bẩy của Họa sĩ Tô ngọc Vân, Thịnh del…

            Thời kỳ đó phụ bản màu in bằng lithographie (thạch bản) được ba , bốn màu với nét chấm (trame) đậm nhạt đã là tác phẩm nghệ thuật tiến bộ rồi. Độc giả hoan nghinh những hình ảnh cô thiếu nữ áo lụa trắng, búi tóc buông lơi đen huyền, má hồng môi đỏ đứng dựa gốc đào, tựa là Hoa đào trước gió hoặc cảnh Hái lộc đầu Xuân với đền Ngọc Sơn  đông người chen chúc, cầu Thê Húc màu son với nhiều thiếu nữ xanh đỏ, ai ai cũng thích (ờ mà lạ thật, cứ vẽ tranh là họa sĩ vẽ thiếu nữ).

            Lúc bấy giờ, tôi đã 14 tuổi. Ba tôi và chị tôi là độc giả thường trực của Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ Thông bán nguyệt san, nên những hình ảnh số Xuân năm ấy không thiếu trong nhà, riêng tôi đã có những tập cho thiếu nhi như Sách hồng, Hoa Mai, Cậu ấm cô chiêu, Truyền bá, dù khuôn khổ nhỏ vẫn có bìa ba màu xanh, đỏ, đen do họa sĩ Nguyệt Hồ trình bày.

            Mỗi tuần tôi bồn chồn đến nhà sách quen thuộc của tỉnh Châu Đốc để chờ tập báo thân yêu đến từ Hà Nội cách xa gần 2000 cây số, và khi chiếc xe đò quen thuộc ngừng trước cửa tiệm, biết có sách mới về, tôi đã có mặt để sau đó ôm tưng tiu tập sách, không đọc vội, sợ bay mất hơi hướng giấy mực nhà in. Mùi thơm của giấy đã in sâu vào lòng nên đến năm 1947, từ miền Tây ba tôi cho lên Sài Gòn học vẽ họa đồ công chánh, tôi lại vào trường Mỹ Thuật Gia Định học vẽ trang trí, ấn loát… chỉ vì trót mê các phụ bản của các anh họa sĩ lúc bấy giờ là Hưng Hội, Thế Chương. Những phụ bản báo Thần Đồng do anh vẽ đã thúc giục tôi lao vào báo chí hồi nào không hay.

            Năm Canh Dần ghi sâu kỷ niệm bằng tờ báo Xuân đầu tiên : tờ Xuân Tuổi Trẻ. Tờ nầy do một số học sinh trường Mỹ Thuật "hùn tiền" để ra mắt bàng dân thiên hạ.

           Tâm trạng chúng tôi lúc đó, đứa thì khoái tranh khôi hài, đứa được vẽ bìa màu, đứa nạo óc non để "có bài đăng báo" hầu góp mặt trên… văn đàn với đàn anh, nên tiền cơm tháng, tiền ăn quà biến thành 2000 số báo Xuân năm đó.

           Sau khi phân công, tôi gò gẫm nắn nót về chuyện Táo quân, anh Nam có khiếu "nhớ thơ" của người, phụ trách mục Thơ thẩn, đang nhìn trần nhà, miệng rên ư ử :

 Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau..

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu…ư…ư…

            Nghe anh đọc chán lỗ tai mà chưa thấy anh viết được câu nào, giấy vụn bỏ đầy bàn.

            Anh Lâm Tư, người nhỏ loắt choắt nhưng là kẻ đứng đầu lớp môn vẽ hoa-lá-thú-chim nên được vinh dự vẽ bìa. Anh chàng ít nói nhưng rõ ràng đôi mắt sáng rực niệm kiêu hãnh "được vẽ bìa báo Xuân". Sau bốn đêm bôi bôi, xóa xóa dưới ánh đèn dầu, cái bìa được cả bọn gật gù tán thưởng. Đó là hình con cọp đang nhe nanh, mình vàng rằn đen. Đôi mắt cũng ngầu lắm !

             Bọn tôi ngây thơ cứ tưởng sáng tác học được ở trường cứ đem áp dụng cho ấn loát, dễ quá, nào ngờ khi đem đến nhà in, họ nói vẽ kiểu nầy khó thực hiện, phải đơn giản nét lại để làm cliché in ty-pô.

            Thời kỳ đó ngành ấn loát tại Sài Gòn chưa biết phân lọc màu theo phương pháp ốp-sết (offset). Muốn đạt được như hình mẩu phải gở qua tận Hồng Kông, tiền chỉ có bấy nhiêu nên chúng tôi phải chịu sửa lại và khi in xong, bìa Xuân cũng màu mè, đen vàng như ý muốn, nhưng trông con cọp yếu xìu, quờ quạng… Không sao, cũng là Canh Dần mà !

           Chắc chắn nội dung và hình thức nếu so với ngày nay thì thua những đặc san của các bạn trẻ ở đây với kỹ thuật ấn loát cao, tài liệu dồi dào, nhưng tờ báo Xuân của chúng tôi cũng đã tạo niềm phấn khởi cho 9 học sinh suốt tháng 10, tháng 11 và mãi đến ngày 23 tháng Chạp năm đó mới… xẹp đi phần nào.

            Ngày 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về chầu Trời, chúng tôi đến nhà anh Ngũ văn Bằng, đại diện nhóm giao dịch với nhà phát hành Nam Cường để lấy tiền, với hy vọng tràn trề : năm nay mua quà Tết về cho gia đình bằng tiền mình tạo ra và sẽ mang tác phẩm về quê cho các bạn ở Long Xuyên, Châu Đốc "lé chơi".

            Chín đứa chúng tôi ngỡ ngàng nghe báo cáo báo bán lẻ Sài Gòn có 25 số, các tỉnh phải qua Tết mới thanh toán, và đến ngày nay chưa thấy nhà nào đòi gởi báo thêm.

            Chết cả đám chưa ! Tưởng đâu in 2000, bán sơ sơ cũng trên 1000 số, trừ tiền huê hồng thì có tiền về xài Tết huy hoàng, ai dè tiền bán 25 số báo, trừ đi 50 phần trăm huê hồng cắt cổ của nhà phát hành, chúng tôi chỉ còn đủ tiền ăn đậu đỏ bánh lọt  ở Đa Kao để chia tay về quê ăn Tết.

            Nhưng chúng tôi còn được an ủi vì mỗi cậu ôm về cả xấp báo để tặng bà con bạn bè quê nhà để được khen: Chà ! Thằng nầy cũng làm báo ! Vả lại cũng còn hy vọng qua Tết trở lên Sài Gòn thâu tiền đợt sau…

            Chợ Châu Đốc chỉ có hai nhà sách và một sạp báo. Nói là sạp báo cho oai vì cuối năm, vào dịp bán báo Xuân mới xuất hiện sạp nầy tại bến xe. Về sách, tạp chí, nhà xuất bản từ Hà Nội gởi vào chi nhánh tại Sài Gòn để nơi đây phân phối để nơi đây phân phối xuống các tỉnh, riêng về báo ngày lúc bấy giờ chỉ có mấy tờ: Thần Chung, Đuốc Nhà Nam, Phục Hưng, Tin Điển… hàng tuần có Tiếng Chuông nên dân Châu Đốc  khao khát đón chờ mỗi ngày vào khoảng một giờ trưa. Họ chờ chuyến xe từ Sài Gòn về.

           Phải nói là dân chúng xa thủ đô thèm đọc tin tức chiến sự, tin trong nước của báo Đuốc Nhà Nam cũng lắm mà chờ đọc truyện Châu về Hiệp Phố của nhà văn Phú Đức đăng trên báo Thần Chung thì nhiều. Thời gian nầy chưa có truyện chưởng của Kim Dung nên truyện Châu về Hiệp Phố ăn khách với những hồi đánh võ gay cấn, bắn súng lục bách phát bách trúng của Hiệp Liệt (một Zorro của thời bấy giờ).

            Độc giả chán ghét những cuộc bố ráp của quân đội viễn chinh Pháp, chống đối ngầm bằng cách tìm đọc trên báo chí để bàn tán quanh ly cà phê những chuyện ly kỳ hồi ký của Sơn Vương, chúa đảo Côn Nôn năm 1945, những chuyện thương tâm trong lao tù của tù nhân chánh trị vừa qua, những chuyện dọc ngang một thời của lãnh tụ Bình Xuyên, Ba Dương v,v… và chàng hiệp sĩ tên Hiệp Liệt với đứa đầy tớ tên Lục Tặc đã làm khoái chí họ, tờ báo Thần Chung được tranh nhau mua sớm.

            Dịp nầy cũng nên nhắc đến hiện tượng lạ trong giới xe đò miền Tây lúc bấy giờ: để làm vừa lòng khách muốn đi mau, về sớm và phục vụ độc giả mê báo, các ông chủ xe đò Đại Đồng và một hiệu xe khác tôi quên tên ra giải thưởng bằng tiền mỗi ngày cho anh tài xế nào lái xe từ Sài Gòn về đến bến sớm nhứt. Cũng may lúc đó xăng tốt không pha tùm lum, bánh xe cũng ngon lành nên mặc dù các bà lớn tuổi thấy xe chạy ào ào tranh nhau qua mặt để đến bắc Mỹ Thuận, Vàm Cống khỏi bị kẹt công voa (convoy: đoàn xe nhà binh có hộ tống) các bà chỉ biết niệm Phật, cầu Chúa cho tai qua nạn khỏi suốt lộ trình 250 cây số, đâu dám phản đối các bác tài trẻ tuổi vừa thích tiền thưởng vừa muốn được tiếng chạy giỏi, chạy hay của… tỉnh nhà.

            Vì vậy ngày thường đâu cần sạp báo nầy, chỉ khi nào quanh nhà lồng chợ mọc lên những gian hàng Tết là bến xe có thêm sạp báo Xuân.

            Tôi đạp xe qua lại để tìm "tác phẩm" của mình và cảm thấy râm ran trong lòng khi thấy tập báo nhỏ nằm khiêm nhường cạnh mấy tờ Xuân khuôn khổ to lớn hơn. Nói là khiêm nhường vì nó được xếp cạnh những tập có bìa màu xanh đỏ tươi tắn thì nó trông giống một tạp chí thường nếu không để ý thấy con cọp nhe nanh và chữ Xuân Tuổi Trẻ.

             Ngày nào tôi cũng đi qua đó để thấy những tập Thời Cuộc, Thần Chung vơi đi mà Xuân Tuổi Trẻ vẫn phơi gan còn lại.

            Một hôm tôi đánh bạo chỉ tờ Tuổi Trẻ hỏi bác bán báo. Bác ta vui mừng tưởng tôi mua, sau đó biết tôi hỏi thăm kết quả, bác cười thông cảm, trả lời:

                        - Cũng được ba số rồi !

                        - Trời hỡi ! Từ 20 tháng Chạp đến 29 Tết chỉ bán được 3 số !

            Gia đình tôi và vài bạn được tôi cho báo, có đứa phục lắm và khen nữa (báo cho, đâu cầm mua mà lại chê sao) chỉ có chị tôi nói:

                        - Chị đọc thấy bài vở… ít quá, em à !

            Cái Tết năm đó sao mà lâu hơn mọi năm, chắc các bạn tôi cũng trông mau tới ngày mùng 8, tựu trường lên Sài Gòn để thâu tiền báo.

           Kết quả là chúng tôi vỡ mộng ban đầu của tuổi trẻ hăng hái "mê làm báo". Chúng tôi chỉ lấy được tiền vài chục số báo ở đợt sau, đủ làm tiền mướn xe ba bánh chở gần 2000 tập báo Xuân, nói theo văn nghệ, văn gừng: "đứa con tinh thần đầu lòng" vào Chợ Lớn cân ký lô cho Ba Tàu, vớt vát số tiền nhỏ về trả tiền cơm tháng còn thiếu trước Tết.

            Và nhờ bị thất bại, chúng tôi mới biết là dầu báo Xuân hay báo thường cũng đều cần có những quảng cáo của các hãng buôn, mới thâu lại phần nào tiền chi !

           Chúng tôi hy vọng nhiều để thất vọng lớn, nhưng thất bại cũng phải, vì năm Canh Dần nầy, lần đầu tiên báo Xuân miền Nam in màu, khổ lớn.

            Tờ Thời Cuộc của ông Đinh xuân Tiếu trình bày cô gái miền Nam, bới tóc, choàng khăn quàng cổ, gương mặt phúc hậu, màu xám nhạt, nền xanh hồng, in thạch bản tại Sài Gòn Ấn Quán. Báo lại có nội dung phong phú với nhiều cây bút già dặn như Thiên Giang, Thê Hút, Tam Ích, Quốc Ấn, Lê văn Ngôn… và độc đáo hơn là tờ Thần Chung của ông Nam Đình Nguyễn thế Phương, bìa báo được nhà in Hoa Dương o bế gởi sang Hồng Kông mướn làm bản phân màu và in bằng phương pháp ốp-sết tại … Chợ Lớn. Bìa là hình nguyên gương mặt cô gái má phính đều đặn, mặc áo dài hoa sặc sỡ. Các anh ba tàu retouche phân màu và được nhà in Chợ Lớn in nhiều màu hồng nên trông giống cô gái Tàu, nhưng vẫn hấp dẫn hơn những tờ vẽ nét, vả lại cái tên Thần Chung và bài trong ruột đã làm say mê độc giả dễ tánh sống trong nước bị lửa loạn đang nhìn về thế giới tự do mà thèm đi, thèm sống.

            Suốt 36 trang ruột đầy hình đen trắng, thu thập trên các tạp chí Tây Âu như Paris  Match, Life… với nội dung đường xa xứ lạ, sưu tầm các kỳ quan thế giới như con thanh sư trước Kim Tự Tháp Ai Cập, tháp nghiêng thành Pise, những chuyện lạ bốn phương như cô gái khổng lồ nặng 387 kí lô, người lùn nhứt thế giới… những chuyện không dính dáng tới Việt Nam, không có hình ảnh "nàng Xuân e lệ" đến thềm năm mới gì gì cả, nhưng tạo được sự thoải mái, lòng hiếu kỳ của độc giả.

            Sau hai tờ nầy, tờ Tin Điển của cô Anna Lê Trung Cang có các cây viết cừ khôi là Nam Quốc Cang, Trần Tấn Quốc mổ xẻ thời sự, Thiệu Võ tường thuật thể thao, Ngọa Long, Việt Tha Lê văn Thử viết hồi ký, chuyện vui, tờ Khỏe của các anh Phan Như Mỹ, Thanh Đạm, Lê Quang Ngà chuyên về thao trường, hình bìa in ba màu vàng đen đỏ, vẽ một ngôi sao có sáu gương mặt lực sĩ đang nổi danh: võ sĩ Minh Cảnh, cầu thủ Phan Như Mỹ, tay vợt tơ nít Võ văn Bảy, bơi lội Nguyễn văn Phân, cây vợt bóng bàn Mai văn Hòa, cua rơ Lê thành Các… được giới trẻ khoái lắm.

            Từ Tết tới mãn khóa năm đó, chúng tôi không dám nghĩ đến văn nghệ, tỏi, gừng gì nữa, nhưng chắc nghiệp dĩ của tôi phải ăn cơm nhà báo nên gần cuối năm đó tôi vẽ lại truyện bằng tranh: Sự tích ông Táo, mang đến báo Tiếng Chuông của ông Đinh văn Khai, lúc bấy giờ còn là tuần báo, vài tháng sau ra báo ngày. Ông là vị thầy đầu tiên đời làm báo của tôi. Ông nhận tôi làm họa sĩ cho nhà báo, chuyên vẽ tiêu đề, manchette, vignettes…

            Tôi được gia nhập làng báo trong lúc báo Tiếng Chuông đang chuẩn bị số Xuân Tân Mão 1951, được sống chung với mấy ký giả lớn tuổi mà từ trước đến nay chỉ "văn kỳ thanh" chớ chưa được "kiến kỳ hình", tôi hãnh diện vô cùng.

            Rút kinh nghiệm năm vừa qua, năm nay các báo chuẩn bị kỹ, cố gắng hết mình cho số báo Xuân để làm đà tiến cho số thường, nên các ông bà chủ báo âm thầm kiếm họa sĩ vẽ bìa và dặn trước nhà in không được cho ai biết hình dung bìa của báo mình.

            Báo Tiếng Chuông do họa sĩ Thế Chương vẽ một thiếu nữ đẹp ngồi vuốt ve con mèo, phía trên là chữ Tiếng Chuông Xuân Tân Mão 1951 và bình hoa mai. Áo cô gái màu vàng, nền cũng màu kem, nên tờ báo trông sáng sủa lắm.

             Tôi là thành viên chuyên nghiệp của nhà báo, nhìn thấy hình vẽ già dặn, màu sắc hài hòa và nét chữ cứng cát sắt nét của Thế Chương mới thấy mình còn là học sinh non. Tôi được giao nhiệm vụ vẽ tựa cho bài vở số Xuân.

            Ông Phi Vân, tác giả cuốn Đồng Quê, giải nhứt cuộc thi văn chương của Hội Khuyến Học Cần Thơ 1943 là chủ bút báo Tiếng Chuông, hiền hậu, đạo mạo như thầy giáo, vì túi bụi lo cho báo, cắt xén bản tin, sắp xếp bài phóng sự điều tra, xào nấu cách nào cho hấp dẫn độc giả mà vừa khẩu vị các ông kiểm duyệt trên Nha Thông Tin, nên giao cho anh Phong Đạm phụ trách hẵn số Xuân nầy.

            Phụ trách không phải viết hay tìm tòi tài liệu gì cả, mà chỉ lo gom các bài của ký giả, hoặc lựa, đọc kỹ những bài do độc giả gởi tới.

            Tôi được sáng mắt khi thấy bài vở Xuân về rất nhiều, không như lúc trước chúng tôi mò mẫm, nạo óc non nớt để viết ra.

            Phải nhận rằng lúc ban đầu tờ báo Xuân chỉ là đặc san cuối năm viết về đề tài Xuân do các ký giả của báo hằng ngày viết để có tiền thưởng của chủ báo ngày Tết, giống như tiền bonus. Chủ báo bày ra việc xuất bản để có dịp thâu lại phần nào tiền thưởng của mình, nào ngờ được độc giả hoan nghinh, sau đó thành thông lệ, cứ hàng năm còn hơn hai tháng nữa mới Tết, các cây viết chuyên nghiệp nghèo đã nghĩ đến đề tài cho bài Xuân và các ông bà chủ báo giàu như Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới, Phụ Nử, Thần Chung đã lo tìm họa sĩ để lôi cuốn bạn đọc.

            Phải ở trong làng báo mới thương những ký giả nghèo chạy tiền Tết cho vợ con. Mới tháng Mười, ngoài thiên hạ chưa thấy gì rục rịch năm hết Tết đến, mà các anh đã lo thai nghén tác phẩm rồi. Các anh cũng dấu đề tài kỹ lắm, để bài mình được độc đáo hơn mới mong nổi tiếng chớ.

            Báo Tiếng Chuông là báo bề thế, qui tụ nhiều ký giả có tiếng. Ngoài các cây viết nổi danh như Bình Nguyên Lộc, Tiểu Nguyên Tử viết bài gởi đến, ký giả thường trực tại nhà báo có Phi Vân, Việt Quang, Nguyễn Duy Hinh, Đoàn Hùng, A. Trung, Phong Đạm, Quốc Phượng. Để lo cho báo hàng ngày còn có các anh Phan Như Mỹ, Huyền Vũ, Nguyễn Ang Ca, An Khê, Ngọc Sơn, Thanh Thủy… viết bài và ghé qua tòa soạn lúc nào cũng được.

            Anh Tiểu Nguyên Tử tức Luật Sư Dương Tấn Trương là cây viết chuyên về bài châm biếm hằng ngày. Bài viết cay độc nhưng dí dỏm, anh chơi chữ thật tài tình, bọn tham quan mọt nước, các tay hạm chuyên áp phe rất ngán anh mà vẫn phải cười thua. Còn nhiều anh nữa, nên lúc gần Tết, bài vở về Xuân gởi về nườm nượp, ông chủ nhiệm, ông chủ bút phải tách riêng một bộ phận chỉ chuyên lo về số Xuân, và phân công cho mọi người viết tùy theo cảm hứng của họ.

            Những bài chung chung về đề tài bói toán đã có anh Huỳnh Liên, Anh Đỗ. Các anh tha hồ tán hưu, tán vượn cũng trúng đấy nhé, nên các bà, các cô mua báo Xuân để dành đọc tới, đọc lui suốt năm). Bài về hồi ký trong tù có cụ Võ Oanh, bài về các tay tổ rừng Sát có anh Tô Yến Châu với giọng văn bóng bẩy duyên dáng, những bài về thể thao, kịch trường có Phan Như Mỹ, Huyền Vũ, Nguyễn Ang Ca cứ xào nấu các thành tích trong năm của các lực sĩ rồi thêm danh từ, hình dung từ, động từ thật dao to búa lớn là độc giả thể thao mê liền. Kịch vui ngắn do Huyền Vũ viết rất dí dỏm, bố cục linh động. Những năm nầy, tên Huyền Vũ nổi bật với những kịch ngắn đăng trên Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới còn hơn Huyền Vũ nói trên đài phát thanh sau nầy.

           Tôi đọc bài các anh để tìm ý vẽ tựa nên thấy các ký giả gởi bài đến sớm nhứt vẫn là những người viết đề tài: Năm Thìn nói chuyện Rồng, năm Mão nói chuyện mèo… Các anh lục lọi tìm tài liệu lịch sử kể lại những biến cố quan trọng, hoặc năm Thìn xa xưa có bão lụt, chuyện con mèo ngậm ngọc, con mèo đi hia… nhưng lại thương các anh viết đề tài Tết.

           Nhìn anh ký giả ôm xấp bản thảo ngoài cửa bước vô, miệng cố cười nhưng méo xệch, có lẽ vì thức sáng  đêm để viết cho xong, thiếu cà phê thuốc lá (vì nghèo), đầu tóc còn chưa chải, nhưng bài của anh: Xuân đã về với mọi nhà hoặc  Cành mai nơi quê ngoại hoặc Nồi thịt hầm đêm ba mươi… Chao ơi ! Chạy ăn muốn hụt hơi, nhưng các anh nạo óc tưởng tượng để hiến cho độc giả hình ảnh vui tươi của ngày Xuân êm đềm…

            Một hạng ký giả còn ngon lành hơn nửa là ký giả viết "cuộc chạy đua". Các anh tự tạo ra cuộc chạy đua trong làng báo hoặc trong hàng ngũ nghệ sĩ. Dù là cuộc đua tưởng tượng nhưng phải dựa vào ít nhiều sự kiện có thật trong năm qua, anh thêm mắm thêm muối thế nào để cho độc giả đọc bài mà hình dung cảnh tranh đua trong giới. Ví dụ, "bà Bút Trà chạy xe đua qua mặt ông Đinh văn Khai nhờ bài báo không có thật mà rất giựt gân: Người đàn bà lấy khỉ tại… Cà Mau", hoặc "ông Nam Đình vọt qua mặt các báo khác bằng bài bắt hạm của Nguyễn Duy Hinh: Con cọp ăn bạc ở Lăng Ông Bà Chiểu"…

            Loại nầy là sở trường của Nguyễn Ang Ca. Anh quen nhiều, viết hay, né giỏi, viết đúng sự thật mà các đương sự trong cuộc không giận, nhưng vẫn bị nhiều người đẹp níu kéo… Người đẹp Kim Cương cằn nhằn: "Em hổng chịu viết em như vậy à nghen !".

            Tôi vẽ tựa cũng đại khái theo tưởng tượng hình con mèo hay thôn nữ bên cành mai, tùy theo ý bài rồi viết chữ tựa lớn vào.

            Một kỷ niệm nhớ mãi là lúc đó trình bày hai hay ba cột và hình vẽ thòng xuống một cột, trông giống cây súng sáu, cái nào cũng na ná như vậy. Có hôm ông Tam Mộc Mai Lan Quế, ba của bạn tôi, anh Mai Lan Phương, học trên tôi một lớp, đến chơi thấy tôi vẽ như vậy có phê bình: "cậu vẽ có một kiểu giống cây súng sáu vậy !". Mà đúng thật. Từ đó tôi trình bày đổi thay, có khi vẽ tựa và hình thẳng từ trên xuống. Ngoài tôi còn có họa sĩ Hiếu Đệ và Bạch Đằng vẽ tiếp. Họa sĩ Hiếu Đệ chuyên vẽ tranh sơn dầu mà lại vẽ hí họa rất bay bướm điêu luyện, họa sĩ Bạch Đằng vẽ chuyện tranh: Quang Trung đại phá quân Thanh

            Cuộc đua của các báo về số Xuân cứ diễn âm thầm suốt tháng Chạp. Báo lớn giàu có đã có nguyên một ban lo liệu và đủ tiền mua giấy bìa, giấy ruột in xong trước tháng Chạp, chỉ thương báo nghèo cũng ráng vay nợ mua giấy mướn in cho kịp ngày.

             Ký giả chúng tôi đã ký "bông" lảnh tiền xài hết nhẵn mà năm vẫn còn cũ xì, đã thấy Xuân sang đâu. Lúc thấy còn ứ đọng bài vở, ban làm báo Xuân  bèn có ý kiến: nên giải quyết nhiều bài hay, giá trị (hoặc vì độc giả gởi trễ hoặc do các an hem nhà sáng tác thêm) vào số báo tất niên và số tân niên 8 trang. Chủ nhiệm chịu liền, thế là các anh có dịp ký "bông" nữa. Cái "bông" nầy mới thật là hoa Xuân. Tôi đã ngồi ở ban quản lý Tiếng Chuông nhiều năm nên biết rõ cái "bông" ngày cận Tết của anh em trót mang nghề ký giả, ca tụng cái đẹp mùa Xuân mà nghèo nầy.

            Đến ngày hai mươi tháng Chạp âm lịch, nha Thông Tin mới cho bán báo Xuân. Cả thành phố như nở hoa. Sạp báo nào cũng đua nhau căng dây chung quanh để treo bao Xuân rực rỡ. Có sạp ở Gia Định, gần Lăng Ông Bà Chiểu căng dây từ sạp qua gốc cây gần đó để người đi đường dù đi xe mau hay đi bộ chậm cũng thấy các cô gái trên bìa báo cười duyên với mình. Đêm đến, các sạp đốt đèn điện sáng trưng để bán tới khuya. Ai ai cũng thấy quang cảnh nhộn nhịp của người bán cười tươi chào mời, người mua không biết tập nào giá trị, tập nào đẹp.

            Đúng là giới nhật trình ăn Tết sớm hơn các giới khác.

           Theo lịnh chủ nhiệm, tôi đi vòng quanh Sài Gòn, Gia Định để thăm dò tình hình của báo nhà và thực lực của báo khác.

           Đa số hình bìa vẫn là thiếu nữ, nhưng ấn loát tiến bộ hơn. Báo Thần Chung do họa sĩ Nguyễn văn Ky trình bày bằng phấn tiên (pastel) cô gái nhu mì, lại có thêm phụ bản màu hình Đức Mẹ Việt Nam (gương mặt, áo dài, khăn đội đầu Việt Nam) đứng trên quả địa cầu ban phước lành do thầy tôi là ông Bùi Kỉnh vẽ. Độc giả thích lắm chen vào mua vì báo có bìa mà lại thêm phụ bản đẹp để treo tường. Báo Sài Gòn Mới do Lê Trung vẽ cô gái áo dài màu xanh đứng dựa gốc cây chờ đò bên ven sông. Người đẹp của họa sĩ Lê Trung thì ngực nào cũng căng phồng nhựa sống, eo bụng nhỏ xíu, môi son mọng như trái nho ngon lành, và đặc biệt là cô nào cũng giống nhau.

            Báo nầy bán chạy nhứt ở tỉnh vì dân chúng thích có hình màu đậm đà để trang trí cho tươi nhà. Độc giả Sài Gòn trầm trồ khen gái đẹp nầy ở vùng quê hay ở đô thành về ? Họ muốn theo người đẹp về bên sông nầy, nhưng chọn lựa mãi, họ lại mua tờ Tiếng Chuông hoặc Việt Thanh của ông Văn Hoàn. Năm nay có nhiều báo xuất hiện do những cây viết tên tuổi đảm nhiệm. Có những tập giai phẩm Xuân không cần hình thiếu nữ cười duyên mời mọc nhưng bài vở súc tích như Nhân Loại, Đời Mới của cụ Trần văn Ân vẫn được độc giả tìm mua.

            Độc giả khó tánh đứng bên sạp báo lựa mãi, so sánh… Toàn là độc giả, tôi không thấy anh ký giả chuyên nghiệp nào léng phéng bên sạp báo như tôi năm vừa qua ở Châu Đốc thập thò tìm tác phẩm của mình. Các ký giả đang chạy đua với thời gian để lo Tết cho gia đình và chuẩn bị số tân niên từ ngày… còn trong năm. Chỉ có các ông bà chủ báo giàu hỉ hạ chờ anh cập rằng báo ôm cặp tiền đến thanh toán (cho báo phát hành tại thủ đô). Báo phát hành dưới tỉnh sẽ được thanh toán sau Tết.

            Riêng tôi cố tìm trong số lượng báo chí bày lên sạp báo có bao nhiêu tập san Xuân của nhóm thanh niên say mê tiếng gọi của báo chí ? Chắc chắn năm nào cũng cá một vài tập san mang hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, hy vọng góp mặt với trường văn trận bút, nhưng tiếc lắm, đa số đều phải "trả góp" tiền nợ khi qua giêng.

            Nhưng giới nào cũng vậy, "thất bại là mẹ của thành công" nên phải có những tập san nhỏ dò dẫm ban đầu mới mong thâu thập kinh nghiệm để làm ra tập báo lớn sau nầy. Giới cầm bút có rất nhiều ký giả tên tuổi đã từng xuất thân ban đầu bằng giai phẩm nhỏ.

            Theo chu kỳ, sau năm Mèo đến năm Thìn, sau Thìn đến Tị… Mỗi năm có ý mới thay ý cũ, vậy mà những đề tài nồng cốt kể trên vẫn đại khái như vậy: năm Tị kể chuyện rắn, năm Ngọ kể chuyện ngựa… chỉ có hình bìa cải tiến không ngừng. Họa sĩ Lê Trung được ăn khách nhờ tranh vẽ hấp dẫn thêm mấy năm sau phải nhường cho hình chân dung phụ nữ đẹp của nhà nhiếp ảnh Tân Mỹ, Bình Minh rồi sau có Đống Đa.

            Trước tiên là hình nghệ sĩ điện ảnh Thu Trang, Trang Thiên Kim, Kim Vui, Mỹ Lệ Hoa của ban vũ Lưu Bình, Lưu Hồng… rồi đến Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Khánh Ngọc… Ôi ! Bao nhiêu vẻ đẹp, bao nhiêu nét khả ái, thùy mị, hấp dẫn, nhí nhảnh… năm nào cũng được đưa lên mặt báo Xuân để khách đi đường vào những ngày cuối năm được bao nhiêu người đẹp chào đón, mời mọc trong lúc họ chạy tiền Tết cho vợ con muốn hụt hơi.

            Hổng lẻ cứ người đẹp làm bìa hoài sao ? Mà đố có ông bà chủ báo nào dám đưa gương mặt hay thân hình phái nam lên bìa Xuân, dù có tiếng như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Vân Hùng… nên khoảng năm 1958, 1959 các báo đổi phụ bản thành bản đồ Việt Nam, bản đồ Thế Giới với hình lạ đẹp, in màu sắc rõ ràng, có thể treo nhà, vừa để coi, vừa để học.

            Từ sau cuộc di cư 1954, văn nghệ sĩ miền Bắc, Trung nhảy vô làng báo. Nhiều cây viết, nhiều sáng kiến độc đáo, nên độc giả báo Xuân bị chia manh xẻ mún, các báo trước kia không còn làm mưa làm gió nữa. Có năm bìa báo Xuân không là cô gái đẹp mà là bức tranh dân gian nghệ thuật như tranh lợn, hái dừa. Các báo cũng cố gắng giữ nếp cũ, không để độc giả thiếu quà tặng, nên thay cho phụ bản Bản đồ là cuốn lịch 6 tờ hoặc một tờ lịch lớn. Độc giả lại hoan nghinh vì vừa có báo đọc vừa có nguyên cuốn lịch màu với sáu cô xinh đẹp tặng không. Các nhà buôn lịch la ơi ới.

            Báo Xuân, báo Tết, món ăn tinh thần của mọi gia đình ngày Xuân và là "tiền Tết" của các ký giả nghèo cứ theo mà tồn tại, dù cho vật giá kiệm ước leo thang, đồng tiền có bị lạm phát.

            Ngày Tết, nhiều gia đình bày tập báo Xuân trên bàn khách cạnh gói thuốc, chén rượu đãi bạn bè. Có đọc hết 7, 8 tập báo Xuân đó chăng ? Không cần biết. Miễn là trên bàn có bánh mứt, củ kiệu la-de, mai vàng, dưa hấu đỏ mà thiếu báo Xuân thì coi như nhà nầy thiếu không khí Tết.                     

            Cho đến năm 1975, Xuân Ất Mão là con mèo cuối cùng bị cộng sản đuổi chạy khỏi khung trời Xuân thân thương quen thuộc.

            Những bạn ký giả nghèo không còn dịp nạo óc kể chuyện Xuân đã sang trong khi còn năm cũ, không còn hớn hở ký "bông " lãnh tiền nhuận bút bài Tết đem về cho vợ con kịp chạy ù ra chợ Bến Thành mua bánh mứt, chậu hoa vạn thọ cúng ông bà.

            Giờ đây chúng ta lưu lạc bốn phương trời. Người ở vùng nắng cháy miền Nam nước Mỹ, người ở tuốt phương Bắc sáu tháng tuyết phủ giăng giăng, kẻ ở Âu, người ở Úc… bao giờ có dịp nhìn thấy những sạp báo Xuân với hình ảnh các cô gái dễ thương mỉm cười mời mọc ? Nhìn lại những tập báo mang tim óc của giới cầm bút viết lại những cái hay, cái đẹp của quê hương cho độc giả giải trí trong ba ngày Xuân ?