Cảm nghĩ về Mùa Xuân

Cảm nghĩ về Mùa Xuân   

Albatros

Trích Đặc San Xuân Hàng Hải 2015

Chợ TẾT Bến Thành-Sài Gòn 1965-1966

            Xuân về, Xuân về… Như hàng Năm, khi mùa Đông ra đi, khi những cánh chim én, không hẹn nhưng lúc nào cũng trở về đúng chu kỳ đã qui định, bay lượn trên bầu trời xanh dịu, những con chim đậu thành hàng dài trên những đường dây điện trong thành phố kêu chíu chít hay la đà trên những thửa ruộng đã gặt còn trơ lại những luống rạ và những vũng nước cạn còn đọng lại sau mùa gặt, mùa Xuân lại trở về đem theo những cơn gió chướng mát mẻ, êm dịu trong không gian xanh da trời, lơ thơ vài đám mây trắng, thổi xào xạc trên những khóm tre và khua rầm rập trên những mái nhà lợp tôn. Mùa Xuân trở về khi lá me già rơi tơi tả trên mặt đất và những trái me chín rơi rụng vương đầy lối đi, khi hàng cây so đủa trổ bông trắng xóa đem đến hương vị đậm đà cho những tô canh chua bông so đủa cá rô mề, món ăn đạm bạc của dân quê vào những ngày cận Tết. Mùa Xuân quê hương, tình tự của những ngày tháng êm đềm, của những kỷ niệm quá khứ nhưng còn sống mãi trong lòng người Việt tha hương luôn luôn hướng về quê cha đất tổ. Mùa Xuân dịu dàng như cơn gió lành lạnh mơn man đôi má người thiếu nữ xuân thì, ngọt ngào như bánh ít, bánh trôi nước, tình tự như khi trao nhau cánh thiệp Xuân của tuổi vừa mới lớn và làm ngây ngất những người trẻ khi sánh vai đi bên nhau trên bến khi con tàu trở về sau chuyến hải hành xa xôi.

Chợ hoa đường Nguyễn Huệ Việt Nam Cộng Hòa

            Thủ đô Sài Gòn trong dịp Tết được tưng bừng trang hoàng đầy màu sắc với những gian hàng Tết mọc lên tranh nhau hấp dẫn người mua, những cánh chim biển trở về đất liền trong dịp Xuân về lại có dịp hò hẹn trên bến tàu, cùng nhau, vai bên vai bên người em gái nhỏ, tay trong tay dìu nhau đi trên đại lộ Nguyễn Huệ ngắm chợ hoa, đi qua từng gian hàng san sát nhau chất đầy những cành hoa mai còn tươi rói từ rừng mai Biên Hòa, những chậu cúc, thược dược, mồng gà, vạn thọ đến từ miền Tây chen lẫn với những núi dưa hấu xanh ngát. Những cơn gió Tết thỉnh thoảng thổi tung đám bụi rồi quyện vào nhau thành những cơn trốt nhỏ, làm tung bay những tà áo dài duyên dáng đầy màu sắc như những cánh bướm. Sài Gòn ngày xưa của tôi đó ! Tết ở Sài Gòn ngày xưa đơn sơ nhưng duyên dáng và lãng mạn của tôi như thế đó ! Rời đại lộ Nguyễn Huệ, đôi bạn tung tăng đến ăn kem ở Phương Lan hay Mai Hương trên đại lộ Lê Lợi, lơ đãng nhìn dòng người tấp nập qua lại, mơ màng chuyện đón Tết vào những ngày sắp tới, tình tự nhìn nhau thưởng thức hương vị Xuân tràn ngập không gian, mùa Xuân cũng đang nở hoa trong lòng họ và dường như khoảng không gian đầy màu sắc và sinh động kia chỉ dành riêng cho hai người. Sau khi ăn kem xong, đôi bạn trẻ tiến về chợ Bến Thành, trung tâm của mua sắm và cũng ồn ào nhất của Thủ đô. Phía bên ngoài chợ là những gian hàng bán khô nai, khô cá thiều, không thể vắng bóng trong những phiên chợ Tết ở Sài Gòn, tiếng quảng cáo ra rả qua máy phóng thanh :"Khô nai, nhậu lai rai, khô cá thiều, nhậu nhiều nhiều" hay là :"Ăn chơi đã ngon, nói chi đến ăn thiệt, ăn thiệt lại càng ngon hơn". Bên cạnh đó là những gian hàng bột gạo lức Bích Chi, rượu quinquina, kem đánh răng Perlon, Leyna, Hynos, đặc biệt kem Hynos độc đáo với bài hát trong phần phát thanh thương mại trong những năm 67,68 :"Anh yêu em hay anh yêu kem, hay anh yêu anh Bảy… Chà và da đen ? ". Tiếng phát thanh quảng cáo của nhiều gian hàng pha lẩn vào nhau, tạo thành thứ âm thanh hổn độn, ồn ào vang dội một góc chợ nhưng cũng không làm phiền người nghe, một năm mới có một lần, một sắc thái riêng biệt rất "Sài Gòn", rất "Tết", chỉ ở Sài Gòn mới có, tạo thành một bức tranh sinh động đầy màu sắc và âm thanh ; cái âm thanh và màu sắc đã thấm sâu vào máu, vào óc, vào tim như thuốc phiện, không thể cai nghiện, không thể bỏ được, suốt đời không thể quên dù rằng trên 40 năm đã trôi qua nhưng hương Xuân Sài Gòn năm xưa vẫn còn đeo đuổi, vẫn còn lơ lững hay lãng đãng đâu đó trong lòng những dân Việt tha hương.

            Mùa Xuân năm nay, tập Đặc San Hàng Hải được phát hành để tiếp nối truyền thống của trường Việt Nam Hàng Hải đã có từ trước năm 1975 để cùng ôn lại những kỷ niệm cũ, cùng chia xẽ những vui buồn của cuộc sống hiện tại, cùng an ủi, ủy lạo những cánh chim không còn đủ sức bay cao hay đang kéo dài những giây phút cuối đời người trong bệnh viện hay nhà dưỡng lão.

Chợ Tết Bến Thành - Việt Nam Cộng Hòa

            Những cánh chim Hải Âu xuất phát từ ngôi trường mẹ của Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, giờ đây, có những cánh chim đã vĩnh viễn ra đi, có những cánh chim già yếu và bệnh tật và những cánh chim còn lại trẻ nhất cũng đã bước vào tuổi 60,  những cánh chim đã một thời vùng vẫy bay lượn trên những đại dương, những hải cảng xa xôi : Sài Gòn, Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Kaoshiung, Keelung, Yokohama, Manila, San Fernando, Singapore, Port Klang, Dunkerque, Le Havre, Rio de Janeiro, Buenos Aires, Montevideo, Papeete, Sydney…

            Mùa Xuân là mùa cây cối, vạn vật nẩy mầm sống lại sau mùa Đông băng giá, là mùa hồi sinh của ý thức sau những đam mê, vật lộn, tranh giành với sự sống. Nhìn những người thân hay bạn bè, quen biết tuần tự đã ra đi hay đang chống chỏi với cơ thể bệnh tật, tôi cũng tự hỏi đời sống con người còn lại những gì và của cải, tiền bạc có thể giúp ích gì trong cơn hoạn nạn đau khổ ? Đến lúc đó con người mới thấy những thứ đó không giúp đỡ được gì và cũng không mang theo được qua bên kia thế giới. Lúc đó tâm thức mới bừng sáng dù muộn màng và khởi sự đi tìm ý nghĩa thật sự của đời sống, lúc đó con người mới bắt đầu từ bỏ đời sống vật chất để đi tìm đời sống tâm linh. Tuổi trẻ ít khi quan tâm và tìm hiểu đến tâm thức nhưng tuổi già vì phải đối phó với bệnh tật, sức khỏe suy yếu, trí nhớ suy kém, tinh thần suy sụp và nhất là sự cô đơn trong định luật sinh, trụ, hoại, diệt mới bắt đầu ý thức dần dần đến ý nghĩa thật sự của đời sống con người.

            Và một lần nữa, mùa Xuân lại trở về, chúng ta lại có thêm một tuổi đời và thêm kinh nghiệm học hỏi trên đường đời, rốt cuộc chỉ để đúc kết tâm thức và sau cùng chọn lựa con đường cần thiết cho tâm linh chính mình.