Một kỷ niệm Giáng Sinh ở Sài Gòn

Một kỷ niệm Giáng Sinh ở Sài Gòn

Nguyễn Văn Ba

Giáng Sinh trên đại lộ Lê Lợi năm 1972

Năm ấy tôi đang ở vào lứa tuổi sinh viên vui vẻ, nhựa sống tràn trề, lòng yêu đời phơi phới. Chương trình rong chơi đêm Noël được phát họa gồm nhiều tiết mục khá hấp dẫn, tháp tùng với tôi có hai người bạn cùng cư ngụ ở Đại Học xá Minh Mạng: Trung và Đèo.

Trung tên thật là Lâm Bỉnh Trung cao lớn, da trắng, cặp môi dầy mà chúng tôi quen gọi là đôi môi đa tình. Trung hiền lành, dễ thương. Quê Trung ở Long Xuyên, tôi có dịp về thăm vào mùa Hè trước đó. Gia đình Trung gồm toàn giáo chức, ba Trung là thầy giáo, chị Trung là cô giáo, em gái Trung đang theo Đại Học Sư Phạm, một cô giáo tương lai.

Đèo tên thật Võ Văn Đèo. Hồi đó tôi có biết một câu đố của người bình dân: "Trái gì bằng trái cau mà đau hai tật?". Câu trả lời là trái mù u. Trái mù u lớn cỡ trái cau, mang hai tật: mù và u. Với Đèo, chúng tôi chế nhạo bằng cách đổi vài chữ trong câu ấy:"Thằng nào không cao mà đau hai tật?". Trong nhóm bạn bảy, tám đứa thường chơi chung với nhau, Đèo là người tương đối thấp nhất, thấp nhưng chưa đến mứt lùn. Trong hai tật của bạn ấy thì một phát xuất từ tên Đèo, còn tật thứ hai là cái miệng méo, nghe kể lại hồi nhỏ, hắn bị kinh phong giựt tới méo miệng thành tật luôn. Vừa méo lại vừa đèo. Đúng ra Đèo còn có thêm tật thứ ba nữa, đó là rất hay lý sự. Dù là chuyện nhỏ nhặt, không đáng gì, Đèo vẫn có thể cãi hàng giờ, cãi chầy, cãi cối, cãi tới sùi bọt mép, chuyện ngày nay cãi chưa ra lẽ, ngày mai Đèo mang ra cãi tiếp. Chính cái tên Đèo của bạn ấy đã là đề tài tranh cãi một thời gian khá dài, mấy đứa trong nhóm biết tánh Đèo nên cố ý chọc giận bằng cách chê bai, hết chữ để đặt tên sao lại đặt đèo, đèo là đèo đẹt, là ốm nhom, là nhỏ xíu, bà xìu… Đèo giận thật, rồi nhắm giận cũng không đi tới đâu bèn tìm cách chống chế, viện cớ tại lúc nhỏ hay đau yếu, sợ khó nuôi nên cha mẹ đặt tên như vậy, chớ có người gọi con trai là thằng cu, con gái là cái đĩ, nghe thật thô tục nhưng đã sao! Đèo còn dẫn chứng tên anh vốn xuất phát từ mấy câu ca dao rất tình tứ:

Khổ qua mắc nắng, khổ qua đắng, khổ qua đèo

Qua thương bậu vì bởi bậu nghèo, nếu bậu giàu ai thương…

Ba đứa chúng tôi dự định dạo chơi khắp Sài Gòn, xem người, ngắm cảnh đêm Noël, rửa mắt cho thỏa mãn vì chắc chắn sẽ có vô số người đẹp ăn diện theo đủ kiểu thời trang ra đường trong đêm ấy. Khoảng thời gian nầy nếu có đói bụng hay khát nước thì Trung sẽ là người đài thọ mọi chi phí ăn uống vì mới hồi sáng Trung khoe nhận được ngân phiếu của bà giáo Cơ, má Trung, từ Long Xuyên gởi lên. Mười hai giờ đêm sẽ có tiết mục khiêu vũ, đúng ra là nhảy đầm lậu, do một nhóm bạn của Đèo ở Trường Luật tổ chức tại tư gia. Đêm Noël, Sài Gòn nới rộng giới nghiêm tới bốn giờ sáng thay vì mười hai giờ đêm như thường lệ. Thế nên sau phần khiêu vũ, chúng tôi còn có tiết mục đi ăn réveillon ở nhà ông bà Lâm trong Chợ Quán. Tôi dạy kèm toán lý hóa cho thằng con út của ông bà Lâm đã mấy năm, năm nào cũng được mời ăn tiệc Giáng Sinh. Bà Lâm có món giò heo dồn thịt, ba tê ướp lạnh rất đặc biệt, món nầy cắt ra thành từng khoanh mỏng trông thật bắt mắt: thịt màu hồng, chổ đậm chổ lợt tùy theo nhiều hay ít mỡ, cà rốt màu đỏ cam, đậu hột xanh lục, tiêu đen… Món thịt nguội của bà Lâm mà dùng làm đồ nhắm để lai rai ba sợi với la ve 33 đít tròn ướp lạnh thì thiệt đã điếu vô cùng, lật gọng lúc nào không biết.

Đó là một đêm Noël đầy hứa hẹn của tuổi hoa niên. Trung có xe Vélo Solex, Đèo có mô-by-lết xám, nhưng cả hai đồng ý đi chung trên chiếc Honda Dame của tôi cho thuận tiện.

Chúng tôi rời Đại học xá Minh Mạng lúc đèn đường vừa bật sáng, dạo một vòng qua các nhà thờ lớn trong thủ đô. Nhà thờ Bắc Hà, nhà thờ Vinh Sơn trên đường Trần Quốc Toản gần nhất, chỉ cách đường Minh Mạng mấy khu phố Nguyễn Tri Phương; nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đồ sộ, tọa lạc trên khoảng đường Kỳ Đồng thật ngắn; nhà thờ Ba Chuông cuối đường Trương Minh Giảng nối dài với Trương Minh Ký; nhà thờ Tân Định… Nhà thờ nào cũng treo đèn, kết hoa rực rỡ, tín đồ và dân chúng đi xem lễ thật đông đảo, đông đến nổi có nơi người ta đứng tràn cả trên lề đường. Các nơi khác như Chủng viện Thánh Giu-Se đường Cường Để, Trung Tâm Đắc-Lộ đường Yên Đổ… dù không phải là địa điểm hành lễ chính yếu cũng đã được trang hoàng đẹp mắt. Trên các đường phố, đường Thống Nhất, Đinh Tiên Hoàng, Yên Đổ, Hai Bà Trưng… tràn ngập người và xe, dường như tất cả dân chúng thủ đô đã ra hết ngoài đường tối Noël năm ấy.

Vương Cung Thánh Đường bắt đầu cử hành "Lễ Nửa Đêm" vào lúc mười giờ, nhưng từ bảy giờ đã đông nghẹt người đi xem lễ, chen chân không muốn lọt, khu vực chung quanh bày bán đủ nhiều thứ đồ vật liên quan như đèn ông sao, đèn bươm bướm, đèn cá chép, đèn kéo quân, họa báo thiếu nhi, quà tặng, đồ chơi cho trẻ con…

Khu vực trung tâm Sài Gòn gồm các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do… được cô lập, chỉ dành cho người đi bộ, cấm xe chạy. Chúng tôi gởi xe, tản bộ theo dòng người cuồn cuộn trong lòng đường phố. Đèo luôn miệng phẩm bình cô nầy mặc đúng mốt Paris; cậu kia bận quần jean kiểu cao bồi Texas mà để dài quá, lại mang dép sa-bô thay vì phải mang giày boot bằng da nên trông chẳng giống con giáp nào hết; cô nọ chưng diện quê ơi là quê, đầm quá dài, jupe lại quá ngắn, rồi còn phấn quá dầy, son quá nhạt trông thật quái đản… Đi lên rồi đi xuống, đi tới rồi đi lui, đâu được hai vòng rưởi khu vực chợ Bến Thành thì mồ hôi tôi vã ra ướt áo, hai đầu gối Trung mỏi rụng nên hắn than vắn, thở dài, chẳng còn muốn đi nữa, chỉ riêng Đèo là chân đi, miệng nói, ra chiều không biết biết mệt. Thấy bạn bè hay người quen nào từ xa là hắn lên tiếng, kêu hú ồn ào. Dù Đèo ngắm nghía các cô chưa mản nhãn, nhưng tôi và Trung quyết định tấp vô một xe hủ tiếu bò vò viên bên lề đường, làm mỗi đứa một tô dằn bụng, sẵn có xe nước mía bên cạnh, mỗi thằng giải khát một ly. Trời đất quỉ địa ơi! Nước mía hằng ngày năm tì một ly, tối đó lên giá ngang xương mười lăm tì, mắc gấp ba, còn hủ tiếu ngày thường mười lăm đồng một tô, đêm Noël năm chịch một tộ, chém sao quá mạng là chém, chém ngọt xớt, bén ngót còn hơn Thái A bửu kiếm, Lãnh Nguyệt bảo đao. Ngoài mặt Trung vui vẻ trả tiền, nhưng tôi chắc trong bụng hắn héo hon rầu rĩ. Đời sinh viên đi học xa, biết bao nhiêu nhu cầu trong khi sự trợ giúp của gia đình rất là giới hạn, kiểu nầy không khéo chỉ sau đêm Giáng Sinh hắn sẽ bị cạn túi, chẳng còn tiền mua giấy mực.

Ăn uống xong lại trèo lên xe, tôi làm tài xế, Trung ngồi sau lưng tôi và Đèo sau chót, ba chàng độc thân tiếp tục dạo phố. Ở trung tâm thủ đô người ta đông bao nhiêu thì trên các đường phố, xe cộ cũng dầy đặc bấy nhiêu. Xe Honda phóng ào ào, xe Suzuki chạy ào ạt, xe Yamaha phi vùn vụt, xe Kawasaki lao đi vi vút… hầu hết là các loại xe gắn máy của Nhật, rồi còn xe xích lô máy, xe Vespa, Lambretta… cũng vui vẻ nhập thành đoàn. Có chiếc rú ga từng chập nghe thật sôi dộng, có chiếc bể ống phun khói làm tiếng máy nổ ồn ào cả một vùng.

………………………….. Trung đụng vì chân bạn ấy dài hơn. Bác sĩ cho biết ngoài các vết trầy trụa, cô Đẹt còn bị gảy ống chân trái vì bánh xe cán qua, chổ xương gảy sẽ được ráp lại, băng bột, chừng sáu đến bảy tháng sau mới lành. Ối thôi, nghe bác sĩ nói, từ người bị nạn tới kẻ liên can, đứa nào cũng rầu rĩ, bụng dạ buồn xo, mặt mày bí xị, năm may ngày rủi, thật là rủi ro, thật là xui xẻo.

Lúc đó ba đứa tôi thật không biết nói gì hơn ngoài việc tỏ ý rất tiếc sự việc đã xảy ra, xin lỗi và an ủi cô Đẹt. Chúng tôi cũng quan sát chung quanh, bệnh viện Đô Thành đêm ấy tấp nập người ra kẻ vào, đa số là bệnh nhân, thân nhân và bè bạn từ mấy chục tai nạn xe cộ, toàn là dân rong chơi, lang thang trong đêm Noël. Nghe đâu có một ngã tư đường bị mất điện, xe cộ choảng nhau lu bù.

Chừng nửa giờ sau, chị cô Đẹt, tên Đọt, đến bệnh viện cùng với Trác và một thanh niên mà sau nầy chúng tôi biết tên Nhị, bạn trai của cô Đọt. Mặt Nhị luôn đăm đăm, tỏ vẻ khó chịu. Sau khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, Nhị bước ra hành lang, một lúc sau Nhị trở lại với một cảnh sát viên, ông nầy lập hồ sơ nội vụ, ghép tôi vào tội đua xe gây thương tích cho cô Đẹt và mời tôi lên xe về bót cảnh sát để bị tạm giam chờ ngày xét xử. Trung lái xe Honda của tôi theo sau xe cảnh sát để biết chổ tôi bị giam mà thăm nuôi sau nầy.

Tại bót cảnh sát, Trung gặp Hiền, bạn cũ, hiện là một Biên tập viên, Đại Đội Trưởng Cảnh Sát Dã Chiến trong giờ hành sự. Theo lời Hiền thì tai nạn xe Honda như trường hợp của tôi xảy ra mỗi ngày cả chục vụ, không cần thiết phải giữ người qua đêm. Hiền bảo Trung an tâm ra về, một lát Hiền sẽ dẫn tôi đi ngủ với anh, chờ sáng hôm sau có nhân viên thường trực sẽ làm thủ tục hành chánh để trả tự do.

Tôi ngồi chờ đến hơn mười một giờ đêm, phòng trực vắng tanh. Tôi sốt ruột vô cùng, nhưng không thấy Hiền trở lại như lời hứa. Bỗng có một người đàn ông cao lớn từ phía sau đi ra. Ông mặc quần đồng phục cảnh sát nhưng phần trên trần trụi để lộ bộ lông ngực xồm xoàm, trên cánh tay có xâm nhiều loại hình thú vật. Mặt ông hì hờm, đầu cạo trọc, tóc mới ra vài phân, lởm chởm như lông nhím, tiếng nói ồm ồm như lu bể:

- Giờ nầy mà còn làm cái gì thơ thẩn ở đây?

- Dạ! Tôi đụng xe Honda làm người ta gảy chân nên bị giải về đây. Tôi chờ Trung Úy Hiền dẫn tôi đi ngủ.

- Hừ! Muốn làm anh hùng xa lộ hả? Lái xe ẩu đụng người ta thì vô khám ngủ chớ đi đâu, không có chờ đợi ông Hiền, ông Hậu nào hết, theo tôi ngay.

Rõ ra ông là chúa ngục, hèn gì ông dữ tợn quá, ông lôi tôi ra phía sau và nhốt tôi vô phòng tạm giam. Khi cánh của khám đóng lại một cái rầm theo sức mạnh từ cánh tay người chúa ngục, tôi thực sự hiểu rằng lần đầu tiên trong đời mình bắt đầu nếm mùi lao lý. Tôi đồng thời nhớ đến lời tiên đoán và cảnh giác của chiêm tinh gia Huỳnh Liên mấy tháng trước:

- Năm nay cậu có số bị tù tội phải cẩn thận đề phòng!

Phòng giam tối om, tôi không thấy gì hết khi mới đặt chân vào nhưng mùi nước đái khai ngấy và mùi hôi thúi nồng nực được mũi tôi cảm nhận ngay. Tôi hắt hơi liên tiếp năm sáu cái và phải đưa tay bịt mũi khá lâu. Một quang cảnh xa lạ từ từ hiện ra khi mắt tôi quen dần với bóng tối, nhà giam rộng khoảng năm thước vuông, tù nhân chen chút như cá mòi trong hộp, kẻ nằm trên sàn, người dựa vô tường, tất cả im lìm như đang mê mệt trong giấc ngủ.

Tôi cảm thấy lạc lỏng, bơ vơ, không biết nên ngồi hay nên đứng, ngồi ở đâu, đứng chỗ nào, chưa biết phải làm gì. Bỗng có tiếng tằng hắng nho nhỏ từ một góc phòng:

- Lại đây, lại đây. Ở đây còn chổ trống.

Vậy là có người còn thức. Tôi quì hai chân, tay dò dẫm trên trên nền xi măng nhơm nhớp ẩm, lần mò tiến về góc nhà giam có tiếng kêu gọi. Người đàn ông tuổi quá trung niên bắt chuyện ngay khi tôi vừa ngồi xuống bên cạnh ông ta.

- Sao vào đây giờ nầy?

- Chạy xe Honda đụng người ta gảy chân. Còn ông?

- Đi chơi bời bị cảnh sát bố ráp, mới vào đây trước cậu chừng một tiếng. Ai cũng ngủ, một mình tớ tức ấm ách nên trằn trọc mãi, thêm cái phòng đầy mùi xú uế không chịu được!

- Tôi tưởng cảnh sát chỉ bắt gái mãi dâm và chủ chứa, còn khách tìm hoa thì họ không đụng tới.

- Thế mới chó má cái cuộc đời! Thế nên tớ mới gặp cậu nơi đây. Phần cậu, tớ nghĩ tai nạn xe cộ là chuyện đâu ai muốn, sao tụi nó lại tống giam cậu?

- Thế mới khổ thân tôi! Giờ nầy tụi bạn bè tôi, chúng nó đang say sưa nhảy nhót, đang ôm ấp người đẹp trong tay, vế cọ vai kề. Rồi còn tiệc réveillon sau đó với la ve 33 đít tròn ướp lạnh, thịt nguội bát bửu, gà lôi đút lò…

- Cậu nhắc làm tớ nao nao trong dạ. Mụ vợ nhà tớ ban chiều có mua một con vịt xiêm tròn lẳng. Mụ bảo sau khi cả gia đình dự lễ nửa đêm ở nhà thờ về, mụ sẽ nhặt lông vịt, xẻo hai miếng thịt ức cùng với bộ đồ lòng, đánh một mẻ tiết canh cho tớ lai rai, phần còn lại mụ xáo măng để cả nhà xơi với bún. Tội nghiệp! Chắc giờ nầy mụ trông tớ lắm, chả biết tớ đi đâu mà mất biệt không về.

Nói vòng vòng một hồi lâu, coi mòi hết chuyện xã giao, tôi muốn kéo dài cuộc đối thoại để chờ sáng nên hỏi người đàn ông tuổi quá trung niên ấy:

- Vậy ra ông là người có đạo? Chắc gia đình ông tổ chức Noël lớn lắm? Ông có kỷ niệm Noël nào hay ho trong đời, kể nghe chơi!

- Ừ! Thì tôi có đạo, đạo ba đời. Nhưng cảnh trong tù, có vui vẻ gì đâu mà kể chuyện ăn mừng Noël, kỷ niệm với lại không kỷ niệm?

- Chẳng lẽ ngồi im lặng chịu trận tới sáng?

- Không chịu cũng phải chịu!

Ông Kiên, người bạn tù vong niên thở dài thườn thượt và chúng tôi đã yên lặng rất lâu. Tiếng ngáy của những người tù trong phòng giam chậm chạp đưa chúng tôi vào giấc ngủ, đâu đó có tiếng chuột chạy, tiếng ú ớ của vài tù nhân trở mình, mớ ngủ.

Cửa nhà giam bỗng bật mở, tiếp theo là giọng nói ồm ồm của người chúa ngục:

- Lê Văn Hai đâu? Tới nhận quà của người của bạn.

- Dạ, có tôi.

Từ góc tối tôi bò ra nhận quà. Cửa nhà giam lại đóng mạnh, vô tình, hờ hững, bóng tối lại tràn ngập căn phòng. Quà gồm một khúc giò heo dồn thịt ba tê ướp lạnh và một chai rượu Beehive. Nhìn khúc giò heo tôi biết ngay là của bà Lâm trong Chợ Quán, còn chai rượu thì tôi chịu, không biết của ai. Sau nầy Trung cho biết hắn mua chai rượu để nhậu cùng tôi và Hiền, không ngờ Hiền bận hành quân bất ngờ, còn tôi thì xộ khám. Trung đã năn nỉ lão chúa ngục rất lâu, cắt cho lão một phần khúc thịt giò, khui chai Beehive rót cho lão đầy một ly tài chừng rượu, lão mới ưng thuận chuyển quà.

Tôi mời ông Kiên ăn réveillon, mỗi người chia nhau nửa khúc giò, rượu thì mở nút chai, đưa lên miệng tu. Rượu Beehive không có soda với nước đá, cay quá, nên tôi chẳng uống được, chỉ nhấm nháp cầm chừng. Ông Kiên như một con sâu rượu, ông hớp từng ngụm rượu đầy, khà ra khoan khoái, vừa ăn uống, vừa khen ngon, vừa lập đi lập lại: "Đêm Noël có rượu, có thịt, chỉ thiếu gái nữa là đủ bộ tam sanh".

Khi chai Beehive đã vơi đi một nửa, rượu kích thích, ông Kiên tự thuật những kỷ niệm xưa về những mùa Noël đi qua đời ông. Trong số những kỷ niệm ấy, đặc sắc nhất đối với tôi và tôi còn nhớ đến nay là vào mùa Noël trước đó khoảng ba năm lúc ông Kiên còn trong quân đội, chịu trách nhiệm tiếp liệu cho một đơn vị chiến đấu. Trước ngày Noël mấy hôm, đơn vị thắng lớn, trở về hậu cứ, với tiền thưởng, Thiếu Tá đơn vị trưởng quyết định ngã heo, vật bò khao binh và chỉ thị ông Kiên cung cấp rượu cho cả đơn vị, mà phải là rượu ngon mới được. Bài toán khá phức tạp vì đơn vị ở xa thủ đô, ngày mở tiệc kề cận, binh sĩ đông, lại toàn bợm nhậu, ngân khoản thì hạn hẹp, muốn có đủ rượu cho mọi người uống đã khó, rượu ngon lại càng khó hơn. Ông Kiên đem chuyện trình Thiếu Tá đơn vị trưởng, vị nầy chẳng những không thông cảm mà còn hăm cúp phép thường niên đồng thời không phê chuẩn đơn xin giải ngủ. Cuối cùng ông Kiên nghĩ ra một kế, ông đến tiệm thuốc bắc kêu thầy thuốc bổ cho một thang đại bổ gồm toàn những vị thuốc cường dương, trợ thận… để sắc và pha với rượu đế mua tại địa phương. Rượu ấy được trang trọng cho vào từng hũ cải bắc thảo, miệng hũ đậy lại bằng giấy hồng đơn có chữ Cao Lương Hồng Tửu đóng khằn, thoạt nhìn cứ tưởng như là rượu được nhập cảng từ Đài Loan, Trung Quốc hay Hồng Kông.

Kết quả thật bất ngờ, sáng ngày hôm sau buổi dạ tiệc, ông Kiên được đơn vị trưởng mời lên văn phòng để khen thưởng đã cung cấp rượu ngon làm ông "trả bài" đâu ra đó, bà đơn vị trưởng hài lòng. Nghe đâu chín tháng sau, bà cho chào đời đứa con đầu lòng mà hai vợ chồng đã chờ đợi khá lâu, từ khi cưới nhau đến lúc ấy. Các ông sĩ quan cấp úy cũng khen rượu như thần dược làm cơ thể tráng kiện. Được hỉ tín bà Thiếu Tá có bầu, họ đặt hai câu thơ tặng ông Kiên:

Sáu Kiên đặt rượu ngọt và ngon

Ông bà Thiếu Tá có mụn con

Ông Kiên hỏi tôi về những mùa Noël trong đời tôi. Tôi cười cười:

- Chẳng có kỷ niệm nào cho ra hồn, một mặt vì tôi là người u tối, nên đôi lần tham dự thuyết giảng giáo lý nhưng không lãnh hội được gì. Vì chưa lãnh hội được giáo lý nên có lắng nghe Thánh ca cùng với tiếng chuông giáo đường ngân nga liên hồi nhưng lòng tôi không chùng xuống, cũng không rung động như ông. Tôi không mang tâm trạng hồi hộp đợi chờ đêm Noël như ngày nào mong mẹ đi chợ về với quà bánh ngọt ngào. Mặt khác, tôi còn trẻ nên chưa có nhiều kỷ niệm. Noël nào cũng như nhau, đi vòng vòng thành phố ngắm các người đẹp, ngắm thời trang, rồi nhảy đầm lậu và cuối cùng ăn réveillon ở nhà người quen. Nhưng Noël năm nay, trong bót cảnh sát nầy, quả là một kỷ niệm để đời.

Sáng hôm sau, Hiền ký giấy tờ lãnh tôi ra khỏi bót cảnh sát. Sau đó cô Bùi thị Đẹt ký giấy bãi nại vì hiểu ra rằng cái xui là cái xui chung, vả lại người cán cô gảy chân không phải tôi mà là người tài xế chiếc xe phía sau, vì nhanh quá không tránh kịp và đã chạy mất.

Cô Đẹt rời bệnh viện về nhà riêng ở bến xe Cần Giuộc. Cô gở băng bột ra, tìm thầy Đông y chữa trị, thời gian lành bệnh là bốn tháng thay vì bảy tháng như Tây y. Thời gian cô Đẹt điều trị tại gia, thỉnh thoảng tôi có đến thăm, còn bạn tôi, anh Võ Văn Đèo thì gần như đóng đô thường trực ở nhà cô Đẹt bên kia cầu Chà Và, sau giờ học. Đèo và Đẹt tỏ ra vô cùng khắn khít, cậu Trác bị cô Đẹt cho de không cần bóp kèn hay gài số. Có lần Đèo cho tôi xem ảnh cô Đẹt trong bộ đồng phục thợ dệt, phía sau ảnh có chữ ký và lời đề tặng "Anh Võ Văn Đèo yêu dấu" của người trong ảnh. Cô Đèo thật là một người nhan sắc, mang nét đẹp của một cô gái mới lớn, vẻ nửa thôn quê, nửa thị thành, lẫn chút man dại.

Cuối năm ấy tôi tốt nghiệp và rời thủ đô đi nhận việc ở miền Hậu Giang. Trung bỏ học gia nhập binh chủng không quân, lái chiến đấu cơ phản lực F5 bay lượn trên bầu trời. Từ đó đến nay tôi không được tin tức gì của Trung, nghe đâu anh di tản sang Hoa Kỳ hồi cuối tháng Tư năm 1975 và định cư ở tiểu bang Texas. Tôi cũng không liên lạc được với ông Kiên, người bạn vong niên gặp trong bót cảnh sát một đêm Noël năm xưa.

Riêng Đèo, tôi liên lạc được. Sau mùa Noël năm ấy, Đèo ở lại Sài Gòn tiếp tục học trình cử nhân Luật khoa. Hai năm sau tôi nhận được hồng thiệp báo tin hôn lễ, đọc tên tân lang Võ Văn Đèo và tân giai nhân Bùi Thị Đẹt, tôi buông thiệp cười nghiêng ngã, cười tới chảy nước mắt ràng rụa. Rồi tôi bỗng nhớ lại hồi xưa khi đi học quân sự học đường ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, tôi đã có một trận cười vỡ bụng tương tợ. Số là một sinh viên khóa sinh như tôi đã làm thủ tục thông thường như mọi khóa sinh khác để trình diện huấn luyện viên trước mặt đồng đội, anh ấy đứng theo vị trí nghiêm, tay mặt đưa lên ngang mày trong tư thế chào tay, miệng hô to: "Khóa sinh Lê Văn Đã, số quân 66….., cha Chơi, mẹ Sướng, trình diện Thiếu Úy". Cả hàng quân không nín được cười, tiếng khúc khích vang lên đây đó. Bỗng có một khóa sinh nhịn không được, bật cười to hô hố, bị ông Thiếu Úy Huấn luyện viên phạt hít đất hết mười cái.

Cảnh Giáng Sinh trên đại lộ Nguyễn Huệ năm 1972

Cách nay khoảng hai năm, được người quen cho biết số điện thoại của hai bạn Đèo – Đẹt ở một tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ, tôi bốc điện thoại gọi thăm. Lần đầu gặp lúc hai bạn ấy vắng nhà, đứa con gái nhỏ không nói được tiếng Việt đã cho biết là ở nhà cháu không có ai tên Đèo, cũng không có ai tên Đẹt. Tôi hỏi, cháu trả lời, ba cháu tên Don, còn mẹ cháu tên Debbi. Don và Debbi đúng là hai người bạn cũ của tôi, họ đã thay tên nhưng vẫn nhớ kỷ niệm cũ, kỷ niệm một đêm Noël ở thủ đô Sài Gòn thời son trẻ. Chuyện đổi tên ở xứ nầy xem ra quả có điều lợi ích, thật là phiền lòng nếu cả đời phải mang cái tên cúng cơm do cha mẹ đặt để làm trò cười cho người khác.