Chuyến Hải Hành không tên đi Nha Trang
Chí Hợi
Hè 2008 - Melbourne - Úc Đại Lợi
Lời mở đầu : Kể từ đầu năm 1975, nhiều biến đổi xáo trộn đột ngột và nhanh chóng về Quân Sự và Chính Trị đã đem đến cho miền Nam nhiều điều không thuận lợi. Mỹ và Đồng Minh đã rút hết khỏi VN từ lâu, để lại một lỗ hổng to lớn trên chiến trường mà QLVNCH phải đảm nhiệm, đồng thời với sự sút giảm viện trợ quân dụng, đạn dựơc, quân ta phải chiến đấu trong tình trạng rất thiếu thốn, ngay cả thuốc men, bông băng, nứơc biển, huyết thanh tại các Quân Y Viện cũng phải dè sẻn, không đủ dùng. Trong khi đó CSBV đựơc sự trợ giúp tối đa về quân sự của khối CS Nga và Tầu, đã tung ra nhiều trận địa chiến lớn với đại pháo và thiết giáp hạng năng. Quân ta phải đơn phương chống trả mãnh liệt, hai bên đều thiệt hại nặng nề. Một phần nữa, các báo chí đã vi phạm luật thông tin báo chí, những tên phóng viên VC nằm vùng hay thân Cộng tung ra những bản tin không có lợi cho Quân ta, làm cho nhiều người dân hoang mang, lo sợ, không còn biết tin tưởng ở đâu. Giới nhà giầu có đi rút tiền ở nhà băng và đi mua dollar hay vàng lá. Giới hiểu biết nhiều về tình hình chính trị lo thu xếp công việc, nhà cửa chuẩn bị di tản sớm ra ngoại quốc. Giới nghèo và kém hiểu biết hoang mang, ngơ ngác không biết hành động ra sao ?
Tuy nhiên, tình hình tại Saigon vẫn an ninh, trật tự, không có hỗn lọan hay cướp bóc xẩy ra, viêc buôn bán, làm việc, đi lại đều bình thường. Người tinh mắt quan sát nhận thấy có một điều gì bí ẩn tiềm tàng khác thường trong cuộc sống của cư dân Sài Thành, khó ai có thể tiên đoán tương lai đất nước sẽ đi về đâu ?
Các tin tức chiến sự từ miền Trung, việc thất thủ từng giai đoạn các phần đất miền Tây Cao Nguyên, dinh Độc Lập bị ném bom, nhà báo đột lốt đóng tuồng đi ăn mày. Tên ký gỉa Phạm xuân Ẩn được Mỹ thuê làm việc, đi hàng hai, ban đêm tung tin tình báo thâu lượm đựơc trong ngày bá cáo hết cho bọn VC nên Hànội biết rõ các chi tiết hành quân của ta. Các giới trong chính quyền tố cáo lẫn nhau về tham nhũng, và càng ngày càng làm cho tình hình Saigon nóng bỏng, hỗn loạn như dầu sôi trong chảo, thế tất đặng chẳng đừng thì kéo đến sự sụp đổ của miền Nam.
Nhưng than ôi ! Tổng thống Nguyễn văn Thiệu yêu nước thật chân tình, cho dù Ông ta có cố gắng hết sức lực đến đâu đi nữa cũng không thể nào làm gì hơn đựơc, vì định mệnh của VN, một nước nhược tiểu đã được cường quốc đặt lên bàn cờ chính trị làm quân "chốt thí", đưa đẩy con chốt đó đi qua phải hay qua trái, tiến hay lùi, ăn hay thua trong bàn cờ là do bàn tay lông lá của ngoại bang mà thôi !
Mời quý vị đọc thiên hồi ký, tả lại một mảnh nhỏ của cuộc đời qua lăng kính, trong hàng trăm, hàng ngàn mảnh nhỏ khác của cuộc hỗn loạn binh đao đã xẩy ra trên đất nước này hơn ba mươi năm qua mà tôi đã được chứng kiến qua nhãn quan. Người viết xin được tả lại chân thật, không bịa đặt, khoác lác hay phóng đại ra thêm.

M/V Đông Hải cặp cầu Nguyễn Huệ Sài Gòn. Cặp phía bên ngoài là tàu Phú Sĩ, sau ngày 30/4/1975 bị đổi thành Sông Bé 12
Nhận tầu , chuẩn bị chuyến đi
Tôi đi làm Thuyền Phó cho commandant Nguyễn Đình Khôi của chiếc M/V (Motor/ Vessel ) Đồng Nai đuợc khoảng năm, sáu chuyến công tác thì phải trả lại chỗ cho anh Nguyễn Hữu Lễ (cựu Thuyền Phó) để anh này ở bờ một thời gian và đã làm xong thủ tục gia hạn "hoãn dịch", hợp thức hóa cho việc đi làm tầu biển.
Buồn vời vợi vì "nồi cơm nuôi gia đình đang bị bể", nhưng trong lòng vẫn vui vì tôi đã giữ trọn lời hứa trước khi xuống chiếc Đồng Nai làm việc. Lái xe chạy quanh văn phòng các hãng tầu cũ, hỏi xem có chổ trống (vacancy) để xin việc làm. Đi dò la thì được biết có chiếc tầu "Đông Hải" đang bị "cột" ( không đựơc phép chạy ) tại kho thương cảng Khánh Hội và đang được rục rịch, sửa sọan tách bến chạy công tác.
Tầu Đông Hải bị thủy thủ đoàn đình công không cho tháo dây chạy, lý do ông chủ tầu đang bị vỡ nợ ( bankruptcy ), không đủ tiền trả cho thủy thủ đoàn nhiều tháng lương. Để đươc tiếp tục chạy, chủ tầu phải thanh toán hết số tiền nợ cho mọi người.
Tôi mò mẫm chạy vào bên trong kho thương cảng thì được người thủy thủ canh gác tầu kể chuyện như vậy. Mừng rỡ, chạy lại văn phòng hãng, tìm gặp chủ tầu là ông Trần văn Tòng, ông này biết tôi nhiều, vì tôi đã từng làm nhiều tầu cho ông Hồ văn Tư như tầu Anh Tuấn và Nam Việt, một nghiệp chủ và cũng là một bạn thân cùng chung vốn làm ăn với ông Tòng. Ông chấp nhận ngay cho tôi làm Thuyền Trưởng và nói rõ là đang có người muốn thuê tầu chạy miền Trung ; trong một thời gian ngắn nhất, tầu sẽ tách bến.
Một trở ngại rất lớn mà tôi phải giúp chủ tầu giải quyết về vấn đề trả lương cho thuỷ thủ đoàn để tầu có thể tách bến, chấm dứt cuộc đình công. Tiền không có, tôi phải khuyến dụ thũy thủ đoàn đồng ý chấp nhận cho chủ tầu mắc nợ các khỏan lương cũ, đồng thời xin đòi "chủ mới đi thuê tầu" phải trả ứng trước một tháng lương cho mọi người lúc tầu khởi hành sắp tới, và đến khi tầu xong chuyến công tác, chủ tầu nhận đựơc tiền thuê sẽ thanh toán ngay lương cũ cho mọi ngừơi. Tất cả đều thông cảm tình trạng "lỗ nợ" của chủ tầu và đồng ý chấp nhận các điều kiện nêu ra.
Một thủy thủ đoàn mới được tuyển thêm cộng thêm một số cũ đã làm đầy đủ thành viên để tầu có trọn cấp số nhân lực theo luật định và có thể ra khơi đựơc. Ông Xếp Máy Đốt, Máy Nhì Hoàng Trọng Tý tự là "Tý Bồ Cào" và các thợ máy khác (oiler ) đã phải bỏ nhiều công sức, tu bổ lại, cho thêm dầu mỡ, lau chùi kỹ lưỡng toàn bộ máy chánh, máy phát điện và các động cơ phụ khác vì con tầu này đã bị bỏ hoang phế trên boong cũng như máy, không người trông coi hơn nửa năm trời.
Được biết người thuê tầu là bà "Công Tằng Tôn Nữ Từ Uyển", ý định của chuyến đi này là đến Đànẵng để chở về triệt thối một số hàng quí giá của các thương gia giầu có và một ít xe du lịch kiểu mới đắt tiền. Hãng Vishipco Lines của ông Trần Đình Trường đã chở về được một vài chuyến tầu như vậy nên có người bắt chước làm theo trục lợi. Đã có sự dàn xếp trước, tôi chỉ có tiếp xúc trực tiếp với người thuê mà thôi, tức là bà Uyển, ông Tòng không còn liên hệ gì nữa và người thuê phải ứng ra tiền mua dầu, giải quyết thỏa mãn về tiền bạc cũng như lương bổng.
Theo sự yêu cầu của thủy thủ đoàn, tôi xin bà Uyển ứng trứơc tiền một tháng lương cho mọi người. Được gặp bà trong lúc đang có mặt trên tầu, bà Uyển nhăn nhó mặt, đưa ra một quyển tập giấy viết học trò, trong đó ở giữa từng trang một có ghim các tấm vàng lá dát thật mỏng như tờ giấy quyến pelure đánh máy, nhìn xuyên qua có thể trông suốt đựơc ( loại vàng này thuộc loại rất cổ xưa, tôi chưa từng bao giờ thấy, mà chỉ có thấy các khối vàng lá hình chữ nhật hiệu Kim Thành mà thôi ) và nói :
- Ông Thuyền Trưởng ơi ! Đây là vàng xưa của nhà tôi, bây giờ tôi phải đem đi ra cầm bán để lấy tiền mua dầu, ông thông cảm hộ, tôi cũng kẹt quá !.
Tôi bèn trả lời ngay :
- Bà mà kẹt tiền thì cả tầu này ai ai cũng đều kẹt tiền cả ! Tôi làm sao ăn nói với thủy thủ đoàn để họ đồng ý chạy tầu đây ?
Nói xong, bà liền năn nỉ xin cho xuất trước tiền mua đồ ăn, lương thực đem theo chuyến này, còn tiền lương ứng trước xin cho trả một ít thôi để họ mang về nhà cho vợ con lúc ra đi. Tôi đứng giữa trung gian không có quyền hành gì cả mà phải chờ sự đồng ý chấp thuận của đại đa số nhân viên trên tầu. Hai bên cù cưa bàn tính qua lại, rốt cuộc đồng ý theo lời yêu cầu của bà Uyển, mọi ngừơi tự nghĩ rằng có được đồng nào trong tay trước thì nắm lấy còn hơn không có gì. Tầu chuẩn bị khởi hành. Thuyền Phó là anh Hoàng Minh, thiếu "dịch" tức SQ đệ tam, tầu phải đi "thiếu" người ( tức manquant Officier en troisième ), SQ Radio có anh Trần Hồng. Tất cả đều quen biết nhau thân thiết từ lâu vì cùng làm một nghề tầu buôn, nên toàn tầu từ trên xuống dưới đều hợp tác làm việc chung với nhau vui vẻ.
Chiếc Đông Hải đang được cột bất khiển dụng tại chốn tận cùng ở kho phế thải của thương cảng Khánh Hội, nay được rục rịch chuẩn bị máy móc, sẵn sàng. Tầu phải di chuyển qua bến Nguyễn Huệ để nhận dầu, nước, lương thực, nhân viên đầy đủ.
Lúc này, với cương vị một Thuyền Trưởng, tôi mới cảm thấy, nhận thức một sự lo lắng to lớn tràn ngập cho trách nhiệm an toàn con tầu vì nó quá cũ.
Tôi phải kể công lao nhiều nhất của Xếp Máy Đốt ( quên tên full name rồi ), anh Máy Nhì Hoàng trọng Tý và một số thợ máy khác ( gọi theo từ hàng hải là Oiler ) đã bỏ nhiều công sức đầy thiện chí nhiệt tình ra tu bổ, lau chùi bảo trì lại tất cả dàn máy ở dưới hầm cho được hoàn hảo nên chuyến công tác sắp đi không gặp một trở ngại kỹ thuật nào cả.
Tầu quá già, vỏ tầu sét rỉ từng tảng to lòi ra trông thấy rõ. Suốt nơi hông lườn, từ mũi đến lái, đều không đựơc sơn phết cả hơn nửa năm trời, từng tảng sét to lớn hơn bàn tay và dầy hiện ra rõ rệt. Máy móc lại càng tệ hơn, bỏ phế thải không chạy từ lâu, cũ, yếu, mất công xuất vì vòng kín piston bị hở mà chạy lại ăn tốn nhiều dầu. Tôi lo lắng cho chuyến đi sắp tới, chạy đường trường xa, không biết có sự gì bất trắc xẩy ra hay không ? Nếu chết máy dọc đường là một đại họa. Các Thuyền Trưởng khác đều chê con tầu này, tôi lúc này có thể ví như " điếc không sợ súng " hay là " con nghé mới sinh không sợ con cọp " và " dê non hay húc càn…" mà.
Thôi, tôi chấp nhận cả. Giao phó cho định mệnh, miễn là có chữ ký chấp nhận cho phép hợp pháp của sở Hàng Hải để tách bến là tôi an lòng. Tuy nhiên tầu cũng vẫn chưa khởi hành ngay được vì còn nhiều vấn đề tuy có vẻ đơn giản nhưng chưa được giải quyết ổn thỏa, còn phải chờ một thời gian nữa mới xong.
Chuẩn bị và chờ đợi
Một buổi sáng, tôi xuống tầu làm việc. Lúc này con tầu đã có đủ nhân viên để thường trực canh gác, bảo vệ, không còn trong tình trạng hoang phế, hiu quạnh như lúc trước nữa. Con tầu sống động vì có người ra vào, lên xuống, trông nhộn nhịp hẳn lên. Cũng vẫn có khách đi qua lại, trông nom, dòm ngó tò mò " cô nàng Đông Hải " đang được cột dây tại bến Nguyễn Huệ, còn có vẻ oai nghi, phong độ lắm để hòa nhịp với cảnh sầm uất " trên bến, dưới thuyền " của chốn bến tầu.
Mặt trời lên cao lưng chừng chiếu xuống những tia nắng ấm áp của buổi sớm ban mai vào dịp đầu Xuân ( 3/75 ). Tôi đứng trên cao đài chỉ huy, nhìn qua bên kia bờ sông, từng dẫy mái lá, mái tôn của Thủ Thiêm liền san sát nhau. Lúc này nứơc đang ròng, các trụ nhà sàn bằng xi-măng, bằng cừ tràm lòi ra, cao lều khều nâng đỡ những căn nhà nhỏ bé, đựơc xây cất bằng những vật liệu nhẹ, mỏng và rẻ tiền.
Một vài chiếc xuồng ba lá có gắn máy đuôi tôm hoặc chèo tay chạy qua lại. Quay sang phía tay phải, nhà hàng nổi " Mỹ Cảnh " như đang im lìm đóng cửa, các dẫy bàn ghế đựơc xếp lại gọn ghẽ, chất chồng đống lên nhau. Phía bên phải là "bến đò phụ Thủ Thiêm" có tiếng người gọi nhau ơi ới khi người nọ bước lên bờ, tay đang nâng cao chiếc xe đạp và người kia đang vội bước xuống ghe đò. Bến đò chính Thủ Thiêm ở phía tay trái đang được đi qua lại một lượt hai chiếc bắc ( bac ) sơn mầu trắng toát, chở nhiều xe hai bánh đủ loại và đầy khách quá giang. Bên kia sông, hãng đóng tầu CARIC của Pháp vang lên những tiếng búa đóng ầm ầm, mỏ hàn điện bắn văng ra những tia sáng lấp lánh làm chói mắt.
Lòng lo lắng, nghi vấn không biết chuyến hải trình sắp tới như thế nào ??? Ngước nhìn lên trời xanh, từng tảng mây trắng bồng bềnh từ từ trôi hay là đang tan loãng từng mảnh nhỏ trên không trung. Nhìn phía xa xa, bến Thương Cảng kho 5 Khánh Hội, một vài chiếc tầu ngoại quốc to lớn thuộc loại Viễn Dương đang nhả lên trời xanh những cụm khói đen xịt, làm ô uế cả một góc trời. Quay nhìn sang phía trái, xa xa thấy dẫy nhà lầu tường vàng của Hạm Đội và Trung Tâm Huấn Luyện Bổ Túc, vài ba chiếc chiến hạm sơn mầu xám nhạt bất khiển dụng đang được sửa chữa, cột thành hàng dài cho đến tận cùng cuối Sở Hàng Hà bên Thị Nghè.
Quay lại nhìn phía mũi trước, con tầu vẫn ngoan ngoãn nằm im lìm cạnh cầu. Các sợi dây đõi cột yên lặng, đôi khi hơi lắc lư với nhịp tầu dạt ra, dạt vào thành cầu theo các đợt sóng nhỏ. Chiếc cầu thang coupée đặt từ đất lên hông tầu kẽo kà, kẽo kẹt, phát ra những âm thanh do sự ma sát nghe như tiếng võng đu đưa êm tai. Máy treuil, máy kéo neo sét rỉ trơ gan cùng tuế nguyệt đang nằm im lìm ở trên phía trước, được che đậy bởi các tấm bố bạt ( bache ) rách nát, vá víu chắp nối nhiều chỗ, trông như chiếc áo rách của kẻ ăn mày .
Tấm bố to lớn che đậy miệng hầm ( cargo hatch ) cũng chung một số phận, từng ô vuông lớn hơn gang bàn tay cũng đựơc vá chắp nối với các mầu xanh, vàng, đen khác nhau giống như technicolor phủ bằng phẳng trên mặt tầu. Lòng hoang mang, bối rối muốn tìm một việc gì làm. Quay vào bên trong đài chỉ huy, một làn không khí nóng bức bao trùm lấy tôi vì lúc đó đã gần trưa và xung quanh phòng, các cửa kính đều kéo lên cao kín hết. Tiến lại bàn giám lộ, hai tay kéo hộc ngăn tủ trên cùng, một tấm hải đồ của chuyến hải trình trước còn để nguyên y như cũ lộ ra. Nét viết chì ghi định vị trí con tầu chưa được tẩy xóa. Cúi xuống tìm cục gôm để tẩy xóa, tôi chà tới, chà lui cho thật nhẹ tay vì tấm hải đồ đã quá cũ, có nhiều chỗ như muốn bị lủng, mòn nát khắp các nơi.
Bất chợt tìm được một khung kính ảnh nhỏ cỡ gang bàn tay, lòng mừng không xiết như bắt được vàng thỏi. Đó là tấm bảng biểu đồ độ sai la bàn từ (Table de Déviations), không có vật quý này, tôi rất khó hải hành an toàn cho con tầu được. Trong khung kính có ghi rõ hai đường SIN đánh dấu hai mầu xanh, đỏ khác nhau. Đó là hai đường Déviations của hai la bàn chính ( compas étalon ) ở trên nóc đài chỉ huy và la bàn tại phòng lái. Mở tiếp các hộc tủ khác, kiểm kê lại các bản đồ, thấy cũng còn đầy đủ, mặc dầu đều cũ và rách nát. Đồng hồ Chronomètre và Sextant biến mất đâu, không tìm thấy, có lẽ đã bị mất cắp hay là chủ tầu cất giữ, tôi không rõ, để xin hỏi lại chủ tầu sau. Kiểm soát lại la-bàn từ, tất cả còn trong tình trạng tốt, đựơc bao che bởi một tấm bao bố trắng, phủ kín cẩn thận, ràng buộc bởi các sợi dây thừng nhỏ như chưa có người táy máy, sờ mó làm hư hại.
Một " cái bánh xe quay nước mía " to lớn đặt sau la bàn, đó là tay lái chính của con tầu, tay lái điều khiển bằng rỏ rẻ (poulie ) kéo dây cáp nên to lớn bằng gần một sãi tay, cỡ đừơng kính 1m50. Tôi mừng thầm, tay lái này không bao gìơ hư hỏng vì chẳng có dùng một tí gì về thủy động lực ( hydrolique ) hay là điện, duy chỉ trừ khi bị đứt dây cáp mà thôi. Tuy nhiên phải quay nhiều vòng để bánh lái quay 5 -10 độ và hơi nặng nề cho thủy thủ lái. Máy do áp lực không khí ( Baromètre ) và nhiệt kế (Thermometre ) vẫn yên lặng làm việc đúng, không hư hỏng. Mỗi khi " bánh xe nứơc mía " ( tay lái ) được quay, nó phát ra những tiếng " kẹt…kẹt…kẹt ….." nghe rất êm tai, chứng tỏ nó đang làm việc tốt, …như thì thầm : " Ông Quan Tầu ơi ! Cứ yên tâm, tôi đang làm tốt đây, yên chí đi, đừng có lo …….". Yên tâm, tôi tự nhủ đây là giang sơn tung hoành, đất dụng võ của tôi, nơi mà tôi phải vận dụng tất cả tài năng và kinh nghiệm để dắt đưa con tầu đi và về " Xuất Nhập Bình An " đến bến.
Không khí bứt rứt, nóng nực vì lúc ấy mặt trời đã trên đỉnh đầu. Tay sờ lên trần sơn trắng thấp tè tè của đài chỉ huy, cảm thấy nóng bỏng. Chiếc đồng hồ vỏ đồng đánh bóng treo ở tường, chết đứng từ bao giờ, tôi quay lại tìm chiếc chìa khóa máng ờ phía sau từ từ, nhè nhẹ, chậm chạp quay từng vòng lên giây, khai sinh lại cho nó họat động. Nhìn đồng hồ đeo tay, kim chỉ đúng 12 giờ.
Nhìn mũi tầu một lần nữa trước khi rời đài chỉ huy, thấy cửa kho hầm vận chuyển mở toang. Nhưng chợt nhớ có lần tôi đã vào bên trong quan sát, chẳng còn gì quí giá để bị ăn cắp cả, chỉ còn trơ lại vài đoạn xích rỉ sét, vài cuộn dây đỏi cột tầu cũ rích chất đống mà thôi. Sơn, cọ quét, dụng cụ chữa hỏa không còn một cái gì nữa.
Đi về phía lái, nơi có người thủy thủ gác, đang nằm võng đu đưa, miệng ca câu vọng cổ cải lương thật mùi mẫn. Đến gần, anh thủy thủ ngồi nhỏm dậy, tôi lớn tiếng :
- Tôi về nhà ăn cơm trưa, chiều không trở về tầu. Nếu có gì quan trọng, anh cho ngừơi chạy Honda lại nhà báo cho tôi hay nghe !
Anh thủy thủ đáp lại :
- Quan tầu cứ yên trí về nhà đi ! Tầu này còn lâu mới chạy, chỉ khi nào trả đủ tiền cho chúng tôi, tầu mới " mở đỏi chạy được ".
Nhoẻn miệng cười, tôi giơ cao tay chào và bước xuống cầu thang.
Lù lù từ phía đường lớn, chạy thẳng vào cầu thang, một chiếc xe nhà đẹp lộng lẫy, kiểu mới đậu thắng ngay trứơc mặt tôi. Tài xế xuống xe, mở cửa sau phía tay phải để một ngưòi đàn bà gọn gàng và duyên dáng trong chiếc áo dài bứơc ra. Đó là bà Uyển, người vừa ký hợp đồng thuê mướn chiếc tầu vời ông Tòng, chủ tầu, để chạy một chuyến SG/ Đànẵng / SG.
Tay dỡ cặp mắt kiếng râm xuống, bà Uyển chợt kêu :
- Kìa Quan tầu !......
Tôi vội đáp ngay :
- Chào bà chủ, chắc có tin mừng, tầu sắp chạy rồi phải không ?
Bà trả lời với giọng Huế rặt, giọng ấm, khoan thai dịu dàng của các cô gái lá ngọc cành vàng đài các, "danh gia vọng tộc" bên trong thành nội, nghe nhè nhẹ thật êm tai :
- Còn vài bữa nữa mới được, chờ tôi liên lạc đựơc với Đà Nẵng xong xuôi đâu đó, tầu sẽ chạy liền ….
Tại phía xe, nơi cửa trước bên phải, một người đàn ông đầu chải tóc, trên mình mặc chiếc áo tràng dài mầu nâu xậm, đi vòng phía sau, tiến đến gần bà Uyển. Tôi đoán đây cũng là một nhân vật quan trọng trong phía chủ thuê, và vội cúi đầu chào xã giao. Ông kia cũng đáp lễ lại. Bà Uyển nhanh nhẹn lên tiếng giới thiệu :
- Đây là Thầy Cúng, tôi thỉnh thầy tới đây làm " Lễ Cầu An " cho chuyến đi sắp tới. Cầu mong " Trời Phật Gia Độ " bình an cho công việc làm ăn cho chuyến đi sắp tới.
Người thủy thủ gác đang nằm võng, chợt im bặt nghêu ngao tiếng ca cải lương, ngồi nhỏm dậy, tò mò xuống khỏi tầu, chạy lại phía tôi để nghe ngóng chuyện. Anh tài xế mở cốp sau xe, bà Uyển nói ngay :
- Thuyền Trưởng cho ai mang lên tầu các đồ cúng này dùm tôi.
Sẵn ngừơi thủy thủ gác đúng bên cạnh, anh nhanh nhẩu lại phía sau xe, vác lên vai một con heo sữa nhỏ còn nóng hổi đựng trên một cái mâm gỗ sơn đỏ. Phần còn lại là hoa, quả, nhang, đèn nến, giấy cúng, tiền âm phủ đựng trong hai giỏ ny-lông lớn được anh tài xế xách theo sau.
Tôi nhường bước cho bà Uyển theo sau người thủy thủ vác con heo sữa và anh tài xế. Tiếp theo bà là thầy cúng, tay thầy có cầm một chai rựơu đựơc bọc bên ngòai lớp giấy mầu đỏ in hình hoa hồng. Sau này tôi biết đó là chai rượu sâm banh chính hiệu Made in France . Tôi lên cầu thang cuối cùng, tất cả mọi người đi dần về phía mũi tầu, nơi đây sẽ xấp đặt lễ cúng cầu an.
Anh thủy thủ nhanh nhẹn, vui mừng như sắp được ăn một bữa cỗ, vội vàng vác mâm gỗ đặt ngay lên boong, trên ổ máy kéo neo. Hoa quả, bánh trái, vàng giấy, tiền âm phủ đựơc đặt xung quanh. Hiểu ý như cuộc lễ sắp bắt đầu, một anh chạy lại phía kho mũi tìm kiếm một cái xô sắt múc nước, sẵn sàng để đốt hàng mã và tiền giấy.
Riêng tôi là người Công giáo, cũng đã chứng kiến nhiều lần lễ cầu an của từng chuyến hải hành do chủ tầu đề xướng. Đạo Công giáo cũng có quan niệm cầu khẩn các đẳng linh hồn mồ côi phù hộ cầu bầu cho các người còn sống trên dương trần được thoát khỏi các hiểm nghèo, tai ương trong cuộc sống. Phần tâm linh, quan niệm ý nghĩa có điểm giống nhau, nhưng hình thức nghi lễ có đôi chút bất đồng. Tất cả đều có ý nghĩa thiêng liêng đáng tôn trọng nên tôi cũng nghiêm trang, chắp tay xá lạy như tất cả mọi người.
Thầy cúng tay cầm chuông nhỏ gõ coong coong xen lẫn tiếng tụng niệm. Khói hương nghi ngút, dầy đặc tỏa lên không gian. Tiếp theo là tiếng gõ mõ cóc cóc nghe thật đều đặn, nhịp nhàng thầy đứng lên qùy xuống, khấn vái nhiều lần. Lễ xong, tiếp đến việc đốt vàng, giấy. Cơn gió lộng thổi từ phía bờ bên kia qua, làm tro tàn quyện với khói nhang bay cao, lung tung tản mát lên không gian. Thầm cầu mong cho chuyến hải hành sắp tới đựơc " Xuất Nhập Bình An ", đó là ý nguyện thâm sâu nhất của tôi, vì tôi rất sợ các tai nạn bất trắc có thể xẩy ra lúc nào, một phần nữa rất quan trọng là do tình hình chung sôi bỏng của miền Nam thay đổi luôn từng giờ, từng phút, ảnh hưởng rất nhiều.
Thầy cúng cởi áo tràng và tất cả mọi ngừơi theo thầy đi xuống, rời khỏi mũi tầu đi về hướng chân cầu thang. Tại đây, thầy xé giấy bọc đỏ của chai rựơu xâm-banh, đưa cho bà Uyển và nói :
- Đây là phần Bà, Bà sẽ đập chai rựơu này vào mũi tầu để cầu hên, bọt của chai rựơu này hòa cùng bọt của sóng biển, sẽ đưa con tầu đi và về bến BÌNH AN.
Tôi vội ngoác tay, ra hiệu cho ngừơi thủy thủ trực lấy ở kho mũi sợi dây liệng mồi ( dây lance amare ) để bà Uyển làm lễ HẠ THỦY cho chuyến tới.
Nhanh nhẹn, một sợi dây nhỏ đựơc liệng từ mũi tầu lên bờ, thầy cúng vội chạy lại phía trước, bắt ngay sơi dây và cột vào cổ chai rựơu. Thầy cầm chai rựơu, đưa cao lên trán, lâm râm đọc ít câu tụng niệm, rồi sau đó đưa chuyền qua cho bà Uyển, thầy nói :
- Bà giơ lên cao, lấy trớn rồi liệng chai rựơu này đúng chỗ mũi tầu, nếu trúng cái neo thì càng tốt.
Bà Uyển giơ cao tay, lấy trớn, dùng hết sức mạnh liệng, chai rựơu va vào neo tầu. Một tiếng "boooaaang" ngắn, chát chúa vang lên, chai rượu bể tung, tan nát, bọt rượu trắng xóa bám lên mỏ neo, các mảng vụn chai bắn ra xa, rơi tỏm xuống nước. Chỉ còn lại riêng cái đầu cổ chai cùng với cái nút và giấy bạc mầu trắng bao bọc còn đeo tòng teng, lủng lẳng, lắc qua lắc lại nơi mũi tầu. Tất cả mọi người xung quanh vỗ tay hoan hô. Bà Uyển và thầy cúng cùng nhau nhoẻn một nụ cười thông cảm rồi đồng tiến lại phía xe ra về. Tai nghe thầy to tiếng với bà :
- Thánh đã nhận lời rồi đó, chuyến đi này có hậu vận tốt lắm. Bà yên chí đi.
Tiễn xong bà chủ, xe khuất bóng, tôi quay về tầu ngoắc gọi người thủy thủ gác :
- Đợi một chút xíu cho tàn hết nhang, chờ cho các cô hồn ăn xong đồ cúng, tôi giao lại hết cho anh, gọi tất cả các người khác trong tầu lại làm một bữa cho vui, rồi chuẩn bị ít hôm nữa ra khơi !
Anh thủy thủ cám ơn rối rít, tỏ ý hơi hối tiếc chai rựơu xâm-banh kia bị bể tan tành, không để cho ăn nhậu. Anh còn khẩn khoản mời ở lại nhậu chung, nhưng tôi từ chối và nói phải về nhà ngay vì đã quá trưa rồi.
Thầm nghĩ chắc giờ này, vợ con đang chờ ăn trưa bên mâm cơm đã nguội ngắt vì về nhà quá trễ. Tôi luôn nghĩ bữa cơm bên gia đình bao giờ cũng quí hóa, hiếm có mặc cho dù đạm bạc rau dưa. Thời gian ở bờ quá ngắn và ít so với thời gian đi biển, cho nên tôi phải tận hưởng những giây phút vàng son, êm đềm thật thân thương đó.
Hôm sau, một chiếc xe camion-citerne (loại xe bồn chở dầu ) chạy lại cầu tầu, bơm dầu đầy đủ cho chuyến tới. Chiếc xà-lan chở nước cũng lại cặp, bơm chuyền lên tầu nước chứa tràn ngập các ballasts. Tiền được giao ứng trước một số nhỏ cho thủy thủ đem về nhà cho vợ con cũng được cấp phát, nhà bếp nhận đủ tiền đi chợ mua thức ăn, lương thực khô cũng như tươi đầy đủ. Một chiếc xe Lam chở đầy cây nước đá dùng ướp lạnh đồ ăn đang được từ từ chuyển lên kho lương thực vì máy lạnh bị hỏng. Trên boong cũng như máy, tất cả chuẩn bị hoàn hảo, sẵn sàng lên đường.
Lên đường
Lệnh ra từ đài chỉ huy tuần tự theo trứơc sau, các dây đỏi lần lựơt được tháo ra, kéo an toàn về, thân tầu từ từ, nhẹ nhàng , chậm chạp rời xa bến, trở đầu, mũi hướng hạ giòng, trực chỉ thẳng ra cửa biển.
Vài người trên bờ vung khăn tay, giơ cao vẫy vẫy, trong đó tôi thấy có bà Uyển, các người nhà và ông Tòng cũng vẫy theo. Trên mặt hầm tầu được đóng kín bởi các tấm bố, khoang bên trong trống rỗng không hàng, tầu nhẹ nổi tung lên cao sau khi đã đựơc dằn ballasts.
Sau ít giây phút tập trung cao độ của trí óc để vận chuyển con tầu an toàn tách bến, có điều làm tôi bối rối lo lắng nhất là đám ghe bầu gỗ từ lục tỉnh chở gạo lên Saigon vẫn còn đậu xếp hàng bốn, hàng năm quanh tầu tôi. Họ tháo dây, dạt ra chừa lối cho tầu tách bến. Chỉ một sơ hở nhỏ, một va chạm táng nhẹ là đám ghe bầu gỗ kia trở thành ván vụn, trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khoái, tâm hồn và thể xác thư thả như bớt được gánh nặng thoát khỏi con người, đồng thời gió tứ phía từ các nơi thổi qua đài chỉ huy làm tôi rất dễ chịu, vui sướng. Tầu từ từ tăng tốc độ theo nhịp nóng đều của máy chánh, bửa sóng tiến nhanh phía trước. Nhìn vào bờ, xe cộ đủ loại chạy xuôi ngựơc như mắc cửi, lại một lần nữa, xin tạm biệt Saigon, tạm biệt mà thôi nhé, hẹn ngày đẹp trời nào đó trở lại.
Lòng tự nhiên lại đâm phân vân, nổi lên một mối lo lắng không an tâm khác thường. Tôi đã từng tách cái bến thân thương này nhiều lần, nhưng lần này quá lạ lùng và thật đặc biệt. Con tầu đã đựơc chuẩn bị chu đáo đầy đủ, máy cũng như boong, không còn gì lo lắng nữa, nhưng cái linh tính khác thừơng đã đến, không giống như các chuyến đi trước. Tình hình chiến sự thay đổi từng giờ, từng ngày. Quân ta quần thảo với địch tranh lại nhau từng tấc đất, thiệt hại hai bên đều nặng nề mà phần " phi pháo " yểm trợ bị giảm sút, quân ta chiến đấu trong tình trạng rất chật vật, khó khăn về tiếp liệu. Lệnh rút quân vùng Tây Nguyên làm bao người hoang mang, bối rối.
Phần chính trị cũng xáo trộn không kém, nào hội nghị Ba-Lê bế tắc, Mỹ áp lực TT Thiệu nhiều điều phải chấp thuận rất phi lý mà Ông không đồng ý. Nào thành phần thứ BA, nào da cọp, da beo, xôi đậu, lấn dất dành dân v.v… Lại còn phần ký giả đối lập phá thối, Linh Mục hốt rác tố cáo tham những tùm lum, các nhật báo tung những tin rất bất lợi cho phe ta, làm cho nhiều ngừơi hoang mang. Tại bờ tôi hay mua báo theo dõi tin tức hằng ngày. Tầu tách bến, một chiếc radio transistor loại thật tốt hiệu Zenith mua được ở chợ Cồn (chợ trời), tại Đà-Nẵng có nhiều băng SW bắt đựơc đài xa đem mang theo, lắp piles mới thật mạnh để có thể theo dõi các đài VOA hay BBC.
Tầu vẫn đều đều giang hành chạy ở giữa sông, ra phía của bể Vũng Tầu. Nhân viên lái tầu thuộc loại kỳ cựu, lành nghề lâu năm ( HHTH gọi người lái tầu là Timonier hay là helmsman), họ lái rất điêu luyện, vững chắc trong sông nên Thuyền Trưởng chỉ việc trông chừng, định vị trí lại trên bản đồ, ít khi phải ra lệnh lại để chỉ huy, mặc cho họ lái để tầu ở vị trí giữa sông, chỉ liếc mắt xem chừng mà thôi.
Đi theo lộ trình thường xuyên quá quen thuộc, tầu ra khỏi khu "Rừng Sác", qua Gành Hào, đèn hải đăng Cap St Jacques, ra đến phao hiệu cuối cùng của con lạch (channel ), quẹo trái, đâm lên phía Bắc đi miền Trung. Qua mũi Kỳ Vân, núi TA KOU trông thấy rõ lúc ban ngày và ban đêm trên đỉnh của nó có đài kiểm báo của Mỹ được thắp đèn sáng trưng rất dễ nhận diện, qua Long Hải rồi đến Phan Thiết với ngọn đèn hải đăng " Kê Gà ", vịnh Phan Rí, Phan Rang v.v… Rồi tiếp đến trông thấy hòn Iles des Pêcheurs là thấy hòn Dung ( Ile Pyramide ) có hình dáng như một tam giác đều cạnh. Ngay lúc đó anh Trần Hồng, SQ Truyền Tin ( giới báo chí vinh danh, tặng anh này tước hiệu là “Lão Tướng Trần Hồng " vì anh đã tự tay lái xe ủi đất cán xập cánh cổng chánh tòa Đại Sứ VC tại Paris cách đây nhiều năm ) đưa tôi một công điện khẩn mới nhận đựơc, ra lệnh cho cặp bến Cầu Đá, Nha Trang để nhận hàng. Lý do Đà-Nẵng không thể đến được vì đã bị tràn ngập.
Hải trình đựơc đổi để quay vào Nha Trang. Lúc này cũng đã qúa trưa, độ ba giờ chiều của ngày hôm sau khởi hành ( tức là đã đi được khỏang 30 giờ ).
Cầu Đá lộ ra trông rõ và càng lúc càng gần, tôi đặt ống dòm quan sát, tìm cầu trống để gọi điên thoại vô tuyến với bờ xin cặp bến.
Tầu không cặp đựơc vì không có chỗ trống, đã có một chiếc tầu " Bà ", tầu do Hỏa Xa VN điều hành, không nhớ rõ tên và chiếc tầu dầu M/T ( Motor/Tanker ) Cypréa của hãng Shell VN đang ở bến. Giải pháp thông thường là phải neo, nằm chờ mà thôi.
Tầu neo nhưng không cách xa bến, chỉ độ trăm mét. Một lúc sau, trên cột cờ cao của chiếc Cypréa kéo cờ chữ P ( Partant hay là Papa ), báo hiệu sắp khởi hành tách bến. Mừng rỡ vì sẽ có chỗ trống, tầu có thể vào cặp đựơc. Khi chiếc Cypréa vừa ra khỏi (lúc này anh Bùi Xuân Đàm tức Chuẩn Tướng Đàm làm Thuyền Trưởng ) bất ngờ từ xa có chiếc tầu kéo to lớn, sơn tòan vàng ở phần trên, toàn đen ở dưới lườn đang tiến tới. Trên ống khói có gắn hiệu " Mặt mọi da đỏ, gắn lông gà ở trên đầu " của hãng Alaska Barge đang trờ tới.
Đó là chiếc tầu của Mỹ đang kéo còi inh ỏi, đồng thời đánh đèn đòi xin tranh cặp cầu, đằng sau còn kéo thêm một xà-lan chứa đầy ngừơi tỵ nạn. Tôi đành phải nhường để họ vào cặp. Tầu kéo Mỹ cặp chiếc xà-lan, từ từ tắp nhẹ nhàng vào cầu. Khi các dây đỏi cột chặt xong xuôi, tầu kéo liền bỏ xà-lan lại, tách bến, tăng tốc độ thật lẹ, chạy vút ra khơi. Đặt ống nhòm nhìn, trên chiếc xà-lan đầy người. Nào đàn bà, con nít, đàn ông, lính tráng đủ loại đang ngổn ngang, lò bò, trèo leo để vươt thành cao của xà lan lên bờ, vì xung quanh có nhiều bao cát và lưới hàn chống B-40 làm cản trở.
Theo lệ thông thường, tầu đến bến cho dù là tầu đang neo hay cặp cầu, người của hãng Đại Lý tức Shipping Agent phải liên lạc liền với Thuyền Trưởng để làm ngay mọi thủ tục giấy tờ. Tôi đợi mãi mà chẳng thấy gì, vì không có ai để tiếp xúc, sốt ruột, bèn ngoắc chiếc ghe đánh cá nhỏ, thuê bao chở vào bờ. Tại đây, một ngạc nhiên to lớn đập vào mắt tôi. Toán dân tỵ nạn trên xà-lan thật đáng thương tâm. Họ ngổn ngang, lúc nhúc, đông lắm, không đoán được bao nhiêu. Tất cả như muốn lả ra, nằm la liệt trên cầu tầu hay hãy còn một số ở dưới xà-lan, nhăn nhó chịu đựng dưới cái nóng bức của trưa hè, mặt trời chiếu dọi thẳng xuống đỉnh đầu.
Nhận thấy một ông già, mình mặc bộ bà ba trắng nằm ngửa mặt lên trời, con cháu xung quanh, tay lấy nón lá hay dù che cho ông, kẻ la, người khóc. Không biết ông ta sống chết ra sao ? Nhưng không lại gần vì tôi còn lo đi tìm người của Đại Lý.
Một số quân nhân khác rủ nhau vác súng đi nhanh lên bờ, biến mất sau đường dốc cao của Cầu Đá. Một số thanh niên có mang xuống đựơc xe đạp hay xe Honda, vội chạy lái lên bờ, thoát chốc đã biến đi đâu mất hút. Chỉ còn lại một số lớn đàn bà con nít đang bơ vơ, bỡ ngỡ không biết làm gì giữa trời nóng bức. Họ đang khát, đói vì lâu không có gì được ăn hay uống. Quang cảnh hỗn độn nhưng có vẻ trật tự, không có hiện tượng cướp bóc, giựt của xẩy ra. Một tiểu đội Cảnh Sát Dã Chiến đi trong một chiếc xe tải quân đội to lớn đến đậu ở dốc đường dẫn xuống Hải Học Viện. Họ xuống xe, tản mát ra nhiều nơi canh giữ trật tự, nhưng không hành động gì.
Đợi mãi không thấy bóng dáng đại diện của hãng Đại Lý ở đâu và lúc này trời cũng về chiều, sắp tối, tôi lo vội tìm ghe trở về tầu.
Cơm chiều xong, như thường lệ, radio được mở để nghe đài BBC, hết chương trình liền đổi tần số sang nghe đài VOA, rồi sau đó nghe tiếp vận đài Saigon hay các đài địa phương, theo dõi tin tức thời sự.
Âm thanh đựơc vặn lớn, mọi ngừơi trong tầu đều lắng nghe chăm chú.Tin tức nhận được không mấy an lòng vì có chiều bất lợi cho phía miền Nam, tin chán rồi nghe nhạc cho đỡ căng thẳng.
Đứng trên cương vị Thuyền Trưởng, tôi có trách nhiệm to lớn cho sự an toàn của con tầu. Học được kinh nghiệm trong HQ, để đề phòng đặc công VC đặt mìn phá chìm tầu. Ban đêm không neo ở bến mà thường hay đi tuần trong vịnh, để sáng hôm sau trở lại cặp bến. Tầu buôn không làm điều này vì thường hay gặp rắc rối đủ điều. Tôi bèn tập họp mọi người, cắt nghĩa cho biết ý định của tôi như vậy trong lúc ở HQ. Cả tầu hân hoan đồng ý vì sự an toàn cho mọi người và con tầu.
Tầu kéo neo, tiến thật chậm, từ từ ra phía " Hòn Dung " ( Ile Pyramide ) để chạy ra khơi trong suốt đêm với một tốc độ chậm nhất. Sáng sớm hôm sau, lúc trời chưa sáng tỏ, đã trở về neo lại vị trí cũ.
Chiếc xà-lan đang cặp bến đầy ngừơi hôm qua, nay hoang vắng, trơ trọi, chỉ còn lại ngổn ngang một đống bao cát và lưới kẽm chống B-40. Dân tỵ nạn biến dâu mất, cầu tầu vắng vẻ trong cái mát lạnh, trong sáng của ban mai. Tôi muốn cặp cầu, nhưng xét lại neo có lợi hơn vì lúc gặp khi hữu sự sẽ dễ dàng " dzông chạy ".
Anh Trần Hồng, SQ Truyền Tin đưa cho công điện từ Saigon cho biết : " Bà chủ thuê tầu, tức bà Uyển sẽ ra Nha Trang bằng máy bay ", nhưng không cho biết chuyến bay và ngày giờ đến. Phân vân lo ngại, Đại Lý Agent không liên lạc được, tôi chỉ có cách đi tìm đón bà Uyển tại phi trường để lấy chỉ thị và nhận hàng.
Đón ghe bước lên bờ sau khi đã dặn rõ cho tất cả mọi ngừơi đừng đi đâu cả. Có thể tầu sẽ khởi hành ngay lập tức khi tôi trở về.
Vẫy một chiếc xe ôm tại Cầu Đá đi chạy lại ngay phi trường Nha Trang để tìm bà chủ Uyển. Tại phòng chờ đợi của phi trường, một cảnh náo nhiệt, hổn độn bất thường xẩy ra. Hành khách nhao nhao, xô lấn nhau bên cạnh chiếc cửa sắt đã kéo kín, không cho ai ra hay vào. Có ngừơi lớn tiếng la lối phản đối, rồi sau dó văng lời chửi thề tục tiễu. Lý do : một chuyến máy bay về Saigon bị hủy bỏ.
Lúc này Hàng Không VN rất bận rộn vì số hành khách từ miền Trung gia tăng đột ngột quá nhanh nên phải mướn thêm phi cơ của Đài Loan để tăng thêm chuyến bay. Một chiếc phi cơ mướn loại Viscount, chong chóng bán phản lực ( prop jet ) thuê bao, chở không từ Saigon ra Nha Trang đón đầy khách về Saigon. Lúc đáp xuống phi đạo và trở đầu ( taxing ) để vào nhà ga đón khách, phi công không quen phi đạo ngắn và chật của Nha Trang, nên bánh trước phi cơ ( front landing gears ) bị lọt xuống sân cỏ.
Phi công phải vận dụng hết khả năng để đưa chiếc bánh đó trở về sân cứng xi-măng. Lúc qua khỏi được chỗ sân cỏ, Phi công trưởng tuyên bố không an toàn, cần phải kiểm soát lại kỹ lưỡng do chuyên viên kỹ thuật làm nên máy bay chẳng chở ai, không lấy hành khách về Saigon. Báo hại làm cho mấy chục người đang chờ trong niềm hy vọng to lớn bị tan nát, không đi được.
Phi cơ rồ máy phát ra những tiếng ầm ầm, tiến chạy nhanh trên phi đạo rồi cất cánh bay bổng, lao vút trên trời xanh, mất hút trong đám mây trắng.
Kẻ ở lại lo ó, chửi rủa thậm tệ, nhân viên hãng hàng không phải một phen kinh hoảng, sợ sốt vó.
Ngoắc "xe ôm" đi ra Nha Trang, lại hãng đại diện tầu ( Shipping Agent ).Tại đây văn phòng đóng kín cửa, gỏ đập nhiều lần mà không ai trả lời. Chán nản, tôi nói anh lái xe ôm chở cho đi một tua xem tình hình thành phố ra sao ? … Anh này hơi ngần ngại không muốn lái, tôi bèn đưa trứơc một số tiến lớn. Anh vui vẻ chấp nhận, đưa đi mọi nơi trong thành phố.
Thành phố vẫn yên lành, an ninh, tuy nhiên rất vắng vẻ ít xe cộ, trông có vẻ hơi khác thường không như mọi ngày vì có sự hiện diện của nhiều lính tác chiến đủ mọi đơn vị đang lang thang, tay xách súng đi lại trên đường phố. Ghé lại một trường tiểu học ( có lẽ là công lập ) một ít phút quan sát. Anh tài xế xe ôm cho biết một số lính và vợ con họ đang sống ở trong trường, đã từ Quy Nhơn chạy về và vào trú lánh tại đây. Hỏi rõ ra, anh này cũng là lính cùng đon vị trên, hết tiền, chạy xe ôm kiếm ăn, vợ con anh cũng có ở trong đó. Họ chụm đấu nhau hai ba chiếc bàn học sinh làm giường, trên đó ngổn ngang chăn, màn , gối và vài ba đứa nhỏ đang nằm ngủ say sưa. Bên ngoài sân trừơng, các bà đang tìm củi, gom lá dương khô rớt dưới đất về chụm lửa, nấu cơm, khói xanh bay làm cay mắt bay tủa khắp nơi.
Anh xe ôm chở đi một vòng quanh bờ biển. Nước biển vẫn xanh, yên lặng với sóng vỗ nhẹ rì rào. Cố nhìn về hướng Cầu Đá, tìm xem con tầu thân thương của tôi ở đâu, nhưng bị vướng tầm nhìn bởi nhà nghỉ mát của Bảo Đại và Hải HọcViện tại Cầu Đá che khuất, không trông thấy đựơc.
Các quán nước im lìm dưới bóng dừa, đóng cửa kín mít, bàn và ghế xếp lại gọn ghẽ, chất một đống bên nhau. Một vài chiếc xe be làm rừng chở gỗ súc, chỉ có thân bánh sau và đầu máy mà thôi, máy nổ to lớn ầm ầm chạy ngang qua. Tôi ngạc nhiên hỏi anh xe ôm. Anh này cho biết, số xe be làm rừng đó từ Plei Ku và Ban Mê Thuột về, dọc đường bị VC chận lại, khám xét và biết họ đều là dân sự làm rừng nên cho đi nhưng bắt tài xế phải tháo hết các ống bô hãm thanh, để cho máy nổ ầm ầm, to lớn chạy về thành phố làm cho quân ta khiếp sợ. Một đôi chiếc xe be vứt bỏ lại cái rờ-mọc ( remorque, xe móc hậu ) loại có hai bánh đôi gắn chung một trục cầu xe, phía trứơc có một cần gỗ dài to bằng bắp đùi, dùng làm móc gắn vào thân sau xe vận tải để kéo đi khi không có gổ súc để chở. Chiếc rờ-mọc xe be bỏ lăn lóc dọc dài theo bờ biển, gọng chỉa lên trời như khẩu súng phòng không.
Sau này, tôi có dịp đựơc tranh cãi với một SQ phòng nhì KQ/VN khi anh đưa cho coi một số không ảnh chụp sau ngày Nha Trang thất thủ. Cả Phòng Nhì kết luận là súng phòng không của CSBV xâm nhập vào thành phố, tôi xác định, đó là càng gỗ rờ-mọc xe be đuợc vứt bỏ, chổng gọng lên trời, không phải là súng phòng không. Không ảnh thấy hình rất nhỏ và mờ vì máy bay chụp ở cao, không dám bay xuống thấp.
Trở về Cầu Đá lúc trời xâm xẩm tối, được gặp Đại Tá Quân Trấn Trưởng Nha Trang đi đến cùng một vài Cảnh Sát Dã Chiến, ông ra lệnh trưng dụng tầu tôi và không cho phép tách bến. Trong lòng tôi rất bực tức và tự nói nhất quyết không tuân lệnh này.
Tình cờ gặp lại được đứa cháu họ, con của bà chị họ, đang thụ huấn khóa 27 SVSQ/HQ. Lúc này TTHL/HQ Cam Ranh đã di tản vào Nha Trang, mạnh ai nấy chạy tháo thân, một số vào trình diện TTHL/HQ Nha Trang xin tá túc.
Tình thế lộn xộn, phức tạp, SVSQ của Quân Trường Nha Trang và các khóa sinh khác được phân tán từng toán nhỏ canh gác các địa điểm xung quanh quân trường.
Hắn tên Hoàng Gia Lộc, hai cậu cháu nó chuyện, bàn qua lại tình hình. Tất cả đều hoang mang vì không có nguồn tin chính thức nào và lệnh thống nhất của cấp chỉ huy. Nhìn về phía con tầu Đông Hải, các ghe nhỏ đánh cá được một số người thuê, lần lượt từng chuyến chở ra phía tầu tôi, leo đại lên mà không ai có thể ngăn cản được, giống như nước vỡ bờ. Rồi lần lượt một số ghe Hải Thuyền, một số PCF cũng chở nhiều đợt dân tỵ nạn cặp nhào đại vào tầu. Tình trạng càng lúc càng hỗn độn vì số người càng lúc càng gia tăng, trong đó cũng thấy quân nhân đủ binh chủng và một số quân nhân HQ.
Tôi liền đề nghị với cháu Lộc đi di tản theo tầu về Sai Gon. Hắn lưỡng lự, phân vân không biết quyết định ra sao, nhưng cuối cùng hắn nghĩ vì tinh thần kỷ luật còn cao, phải chờ lệnh cấp trên, không dám đơn phương trốn khỏi đơn vị khi không có lệnh. Cuối cùng hắn quyết định ở lại, không theo tầu về Sài Gòn. Từ đó gián đoạn không liên lạc gì với cháu Lộc được. Bẵng đi đến năm 1998, tôi có dịp qua Texas - Houston, gặp đươc lại hắn trong tình cảnh hết sức ngạc nhiên bỡ ngỡ. Bố mẹ hắn cũng không biết hắn thất lạc nơi đâu, nhưng rốt cuộc cũng đoàn tụ tại Mỹ.
Buổi chiều hôm đó, lúc đi xe ôm ngang qua " nhà thờ Đá Nha Trang ", tôi có ghé vào nhà thờ đọc ít kinh, xin Chúa ban sự bình an cho chuyến về, cầu xin Ơn Trên phù hộ cho tất cả mọi người trong con tầu. Nhà thờ đang làm nghi thức " Chúa chịu nạn ngày thứ Sáu Tuần Thánh " (Good Friday). Tôi muốn nán lại ở lâu, nhưng không đựơc vì phải cấp tốc về tầu, trời cũng sắp tối.
Tại Cầu Đá sau khi nói chuyện với cháu Lộc và khuyên nhủ hắn đi theo, nhưng biết hắn nhất định ở lại theo Quân Trường và các khóa sinh khác, tôi chia tay và theo ghe nhỏ trở về tầu, đi Saigon.Về đến tầu đúng lúc đài BBC bắt đầu phát thanh, tin nóng hổi loan ra cho biết Nha Trang đã thất thủ vào tay VC. Mọi ngừơi nghe đều bất mãn vì tin truyền đi đều hòan tòan thất thiệt, chỉ có lợi cho bọn VC. Nha Trang vẫn còn vững, quân ta đang làm chủ, chưa có giao tranh lớn mà đã loan tin sai, gây hoang mang làm lợi cho địch. Tiếp đến hết chương trình, vặn qua đài VOA, các tin nhận đựơc không mấy phấn khởi, ai nấy cũng nản lòng mong cho tầu chóng chạy để thoát thân.
Về bến cũ
Mỗi lúc, tầu nhận thêm từng loạt dân tỵ nạn do các ghe nhỏ đánh cá bao thuê chở ra. Đồng thời HQ cũng làm như vậy, một số quân nhân và gia đình tới tấp cặp vào bên hông tầu. Tôi nghĩ đây cũng là dịp tốt để cứu giúp đồng bào ta, tầu nán đợi thêm ít lâu nữa để nhận thêm người. Đến nửa đêm, số lượng ước tính khỏang 1000 ngừơi, chật hết cả boong tầu, cảm thấy không an toàn nữa nếu lấy thêm người, nên lệnh kéo neo khởi hành được ban ra.
Một vài chiếc tầu nhỏ HQ cố chạy đuổi theo và cũng đưa đựơc thêm môt số ngừơi lên. Tầu trực chỉ ra khơi, mắt nhìn về phía Cầu Đá, lòng tôi đau quặn vì còn nhiều người đang vẫy tay xin theo qúa giang nhưng tầu không đủ khả năng lấy thêm nữa. Trên bến còn nhiều người đang xót xa thất vọng, giơ cao tay ngoắc ngoác xin đi.
Bên trên cao, bầu trời đen tối đầy tinh tú nhấp nháy, bên dứơi biển rất êm, con tầu không lắc lư mà vững như bàn thạch. Vì số ngừơi trên boong quá đông, mọi người được các thủy thủ dìu xuống hầm tầu, sâu ở phía dưới để tránh sóng, gió có thể bất ngờ đến lúc nào. Đa phần đều có chuẩn bị trước nên họ có mang theo một ít đồ ăn như bánh mì, bánh tét, sữa, đồ hộp cho chuyến hải trình này.
Trời chưa sáng tỏ mà mỏm núi đá Padaran (mũi DINH) đã mờ mờ nhận dạng, đứng sừng sững bên cánh phải mũi tầu. Tầu không có radar và đi với tốc độ con RÙA biển 7-8 hải lý giờ. Gặp đợt sóng ngang, tầu chao đảo, lắc lư làm nhiều người say sóng, ói mửa. May mắn thay, quãng độ hơn vài tiếng đồng hồ, tầu qua khỏi đợt sóng ngang đó khi tôi đổi hướng đi lại cho con tầu bớt lắc lư, ai nấy cảm thấy dễ chịu hơn.
Trời sáng tỏ, con tầu bằng phẳng lần lũi tiến lên phía trước trông có vẻ oai hùng. Nó hãnh diện lắm vì đang làm một công việc đầy lòng nhân ái và phước thiện, trên mình đang có bao nhiêu con người đã trốn thóat đựơc ách nạn Cộng Sản.
Mọi ngừơi hân hoan thức dậy, đón nhận ánh bình minh mới đang chiếu xuống những tia sáng ấm áp. Gió mát nhẹ hiu hiu thổi, vuốt ve khuôn mặt và mái tóc bay bay bồng bềnh của các cô, các bà hành khách đang đứng trên mặt hầm tầu. Ai nấy đều thơi thới, vui tươi, nhoẻn nụ cười chào nhau qua một đêm chập chờn mất ngủ.
Trời thật chiều lòng người, không một đợt sóng lớn nào va vào con tầu cho đến khi tới bến. Quãng đường đi còn thật dài, phải vựơt qua Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết rồi thì mới thấy mỏm núi đá Kê Gà với ngọn hải đăng hình cột trụ sơn trắng toát rất dễ nhận dạng. Qua tiếp đó là mỏm núi Kỳ Vân, Long Hải, bóng dáng ngọn núi lớn Vũng Tầu mờ mờ hiện ra cuối đường chân trời, với tòa nhà hải đăng cùng mầu sơn trắng toát trên đỉnh đồi.
Một vài vị khách lên tận đài chỉ huy, nằm la liệt đầy trên sàn làm cản trở việc hải hành, lái tầu. Nhưng đối với tôi không sao, không thành vấn đề miễn là không có chuyện tai nạn xẩy ra thôi. Đặc biệt trong những vị khách qúy bên cạnh tôi trong đài chỉ huy, có cha SƠN thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang, dắt theo một số thầy tập sinh ( tu tập thành linh mục ), cha này cũng đã có dậy dỗ, giáo dục tôi lúc còn nhỏ. Đựơc tình cờ gặp lại ngài, tôi mừng lắm, tình " Phụ Tử " thắm thiết trò chuyện không dứt. Bà dì ruột của vợ tôi cũng bỏ tất cả nhà cửa, của cải, dắt con cái chạy thóat thân theo tầu về chuyến này.
Trời yên, bể lặng cho đến qua sáng sớm hôm sau, lúc hừng đông đã đi vào được cửa bể Vũng Tầu.
Qua điện thọai vô tuyến, đựơc lệnh của Quốc Vụ Khanh tại Sai gon, tầu phải neo tại vịnh để mọi hành khách lên bờ và về Saigon bằng đường bộ.
Mọi người phải vào bờ. Tôi không thể nào làm hơn là thi hành lệnh từ trên đưa xuống. Đồng thời bên cạnh tầu, neo phía xa xa nhưng có thể thấy rõ bằng mắt thường, một chiếc tầu buôn (không nhớ rõ tên, ai biết tên xin nhắc hộ ) thật to lớn, loại xuyên Đại Dưong của Mỹ, đang cho đi xuống mọi hành khách bằng tầu nhỏ HQ, để mọi người lần lựơt lên bờ như lệnh đã được ban hành.
Chuyện kể rằng : " Đa phần khách trên tầu đều là quân nhân tác chiến, di tản từ miền Trung về. Thuyền Trưởng được lệnh phải chở đổ bộ tại Phú Quốc. Tất cả mọi người đều phản đối, đòi xin chở về Saigon. Họ hăm dọa nếu đòi hỏi không đựơc thỏa mãn, sẽ cho MÌN nổ tung con tầu và cảnh hỗn loạn bắt đầu nỗi lên. Thuyền Trưởng và thủy thủ đoàn phải đóng kín hết các cửa sắt bên trong, không cho thông thương với toán hành khách đang làm loạn trên tầu. Điện về Hoa Thịnh Đốn và Saigon, cuối cùng đựơc chấp thuận cho trở về Vũng Tầu, nhưng phải đổ bộ mọi người lên bờ ".
Tôi được chứng kiến tận mắt việc Quân Cảnh Việt và Mỹ đứng trên tầu nhỏ của HQ/VN tịch thu tất cả vũ khí của tóan lính di tản trứơc lúc lên bờ. Súng chất thành núi như đống củi trên tầu nhỏ, và mọi người tuần tự lần lượt bước lên đất liền. Vậy mà cũng có một vài quân nhân lén đem đựơc vài trái lựu đạn, lận dấu trong người và mang vào bờ. Toán quân nhân vô kỷ luật này đã làm nhiều vụ cướp bóc trong thành phố Vũng Tầu, nhưng rốt cuộc cũng bị Quân Cảnh chế ngự và bắt cầm tù.
Sau khi mọi người rời tầu, chiếc Đông Hải nhẹ nhàng, nổi tưng, lần lũi, lẻ loi lững thững đi vào Saigon qua sông Lòng Tào và cặp bến cầu Nguyễn Huệ an lành. Trên bến được sự chào đón của các người thân yêu, ông Tòng và bà Uyển.
Chuyến " đi & về " này không đem lợi lộc gì cho chủ tầu cũng như người thuê, nhưng ai nấy cũng vui vì đã làm một chuyện "Phứơc Thiện" mà do sự tình cờ đem đến.
Thủy thủ lại nêu ra vấn đề tiền lương và tiền thiếu nợ. Tôi đóng vai đầu, " đứng mũi chịu sào ", bắt buộc phải hành động để bảo vệ quyền lợi cho thủy thủ đoàn. Đi lại văn phòng hãng tầu, gặp chủ tầu Tòng, ông trả lời:
- Không có đựơc một đồng xu nào do người thuê đem trả cho tôi! Anh lại liên lạc bà Uyển, may ra có thể đòi lại ít tiền hứa lúc trước!
Xong rồi ông đưa cho địa chỉ nhà bà Uyển để liên lạc.
Đi tìm lại nhà bà Uyển đôi ba lần. Đó là căn nhà đẹp xinh xắn tại trung tâm " cư xá Đô Thành " thuộc giới trung lưu cao cấp cư ngụ, trong phòng khách có bộ đàn piano mầu nâu, gỗ đánh bóng loáng. Lần nào cũng không gặp bà, người nhà nói bà đi công chuyện, không biết bao giờ về. Một lần đựơc một " Bà MỆ " già tiếp đón, cụ là hình ảnh của các bà già quí phái của giới trung lưu trưởng giả HUẾ, người nhỏ bé, lưng hơi còm còm, mặc bộ đồ bà ba lụa trắng, tóc dài búi thành củ hành nhỏ ở phía sau. Cụ tươi cười tiếp đón tôi, tay cầm chiếc quạt nan tre, phe phẩy đuổi cái nóng trưa hè :
- Mạ nọ đi mô mà không biết chi cạ, đi cạ ngày, chừ chiều túi mợi về.
Nói xong cụ lại nưng niu đúa con trai độ 5-6 tuổi mà tôi không biết cụ là bà Nội hay bà Ngoại của nó. Cụ ôm hôn nó, hôn xong nó phụng phịu, lấy tay phủi phủi cái má, tỏ ý như không bằng lòng.
Cụ lên tiếng :
Tao hung (hôn) mi, cưng mi mà mi làm như tao dớp (dơ ) lắm, lấy tay phụi phụi ( phủi phủi ) cái mạ …
Xong rồi cụ cười, tỏ ý vui vì con nít chẳng biết chi. Ôi! Tình bà cháu thắm thiết làm sao? Tôi chào bà xin ra về vì thấy không có ích gì khi nán ở lại thêm.
Trở lại văn phòng ông Tòng, lúc này ông đang tiếp chuyện với một bà tuổi trung niên, mà giới dân đi làm tầu đều quen biết và gọi tên bà là " Bà Tầu Thủy ". Sở dĩ có cái tên ngộ nghĩnh như vậy là vì bà làm chủ một chiếc xà-lan, sống bằng nghề chuyên cung cấp, tiếp tế nước ngọt cho các tầu buôn tại bến tầu. Bà Tầu Thủy lại văn phòng đòi tiền nước đã cung cấp chuyến đi vừa qua. Cảnh "tréo cẳng ngỗng" lại xẩy ra tại chính văn phòng, ông Tòng xuống nước năn nỉ trả lời:
- Chủ cho thuê tầu mà không đựơc một đồng tiền dính túi do người thuê mang lại, làm sao tôi có tiền đưa cho Bà ? Hai bên dằng co qua lại, tôi bèn rút lui vì ông Tòng đang mắc phải một nghịch cảnh thật khó khăn.
Tình trạng như vậy kéo dài nhiều ngày, chiếc Đông Hải vẫn bị "cột" tại bến, thủy thủ không tiền lương nhưng vẫn chia nhau canh gác con tầu, không cho ai lại gần, dòm ngó hay có ý muốn " Chạy tầu "( cướp ). Thỉnh thỏang tôi vẫn lái xe, chạy tạt qua xem tình hình như thế nào, nhưng tất cả đều y như cũ, tiền lương vẫn còn nợ, thủy thủ vẫn dài cổ trông chờ, chưa có đồng nào thanh toán.
Rồi đến qũang khỏang tuần lễ cuối cùng tháng 4/75 , Cảnh Sát Thương Cảng phái một "Phú-Lít Giang Cảnh" lái chiếc "ho-bo" ( hors-bord ) lại cặp phía lái tầu, họ thay phiên nhau canh gác 24/24, không cho tầu rời bến theo "lệnh trưng dụng" của cấp trên. Bực mình vì có sự hiện diện của Cảnh Sát trên tầu mà không có lợi ích gì, tôi lại gần và nói thẳng với anh ta :
- Anh về nhà lo dọn đồ, tìm đường đem vợ con di tản đi, đã bao ngừơi làm rồi, họ đã đi máy bay hết, các ông lớn đi trước từ lâu sao anh còn gác vô ích như thế !
Anh Cảnh Sát nghe tôi nói như chẳng hiểu biết về tình hình chính trị đang diễn ra là gì cả, anh vẫn thản nhiên giăng võng đu đưa qua lại, miệng tiếp tục vài câu ca vớ vẩn.
Tối đêm 28/04/75, ông Tòng lái xe, đem đến bến tầu vài ba người khách lạ. Mọi người xuống xe và đem xuống tầu một số va-li, rương hòm chất chứa ở phía kho trước mũi. Kho được đóng khóa kỹ lưỡng và giao cho tên "Mười Áo" được mướn canh giữ. Tên Mười Áo này chuyên đứng bến, tay anh chị trong làng "dao búa" thứ thiệt (một loại giống như Security Guard không chính thức hành nghề). Nếu được giao cho tên này mướn canh giữ với một số tiền "Chịu Chơi" cho hắn, hàng hóa bảo đảm không bao giờ bị mất cắp hay hư hỏng. Không có tên du đãng nào dám bén mảng tới ăn cắp, vì nếu tới kiếm ăn, sẽ bị tên Mười Áo này xin tí huyết.
Thủy thủ đoàn cho biết, ông Tòng đang dự định một chuyến di tản khác, một vài người thủy thủ thân tín đã được ông hứa trả tiền để đi với ông khi ông kiếm thêm được nhiều "hành khách di tản" chạy ra nước ngoài.
Nhưng than ôi ! Biến cố 30/04/75 đến quá đột ngột và nhanh chóng, nhiều người không có thì giờ trở tay hành động kịp.
Sáng sớm, lúc tan giờ giới nghiêm ngày lịch sử đó, tôi chạy xe xuống bến tầu, chiếc Đông Hải vẫn còn ngoan ngoãn nằm im lìm nơi bến đậu. Xuống tầu ghé xem sự tình trong đêm qua thế nào, mọi sự vẫn tốt lành, yên tĩnh, an ninh. Không có cướp bóc hay phá hoại xẩy ra trong đêm, nói chuyện một ba câu với thủy thủ gác, xong rồi tôi về nhà vì sợ bị lạc đạn. Bên tai vẫn còn nghe lác đác từ xa tiếng súng lớn nhỏ vọng lại phía Hàng Xanh, xa Lộ………….
Quãng trưa, tiếng súng hơi êm, đôi lúc im bặt nên tôi mạnh dạn dắt xe ra khỏi nhà. Lúc này ông Dương Văn Minh và Phan Khắc Sửu đã lên tiếng kêu gọi binh sĩ của QLVNCH buông súng đầu hàng. Súng ống, đạn dược, máy truyền tin, quân xa, quân phục vứt đầy đường, hè phố, nhiều nhất là khu Lăng Cha Cả, cổng Trại Phi Long Không Quân, Bộ Tổng Tham Mưu, đường Chi Lăng, Tổng Y Viện Cộng Hòa Gò Vấp.
Chạy lại thăm cô nàng Đông Hải, thì hỡi ôi ! Cô nàng không cánh mà bay đi phương trời nào rồi. Hỏi thăm bà già bán xe bia, nước ngọt bên cạnh bến tầu, được biết HQ và TQLC đã nhẩy lên, cưỡng chiếm, bắt Đông Hải di tản rồi, tha phương nơi chốn nào không rõ ! Nhìn phía xa xa, nơi bến cầu đừơng Tự Do, một chiếc LCM 8 to lớn, mới tinh của Quân Vận, không biết ai phóng hỏa, đang bốc lửa lên cao cháy dữ dội mà không có người dám lại gần, sợ đạn cháy nổ văng miểng.
Lòng bùi ngùi, lái xe trở về nhà cho mau chóng, trên đường thì thầm khẩn cầu đừng có chuyện bất trắc xẩy ra vì tôi có thấy xác chết một vài quân nhân nằm trơ trọi, lạnh lẽo, ngừơi cứng còng trên đường Chi Lăng dẫn đến gần phi trường Tân Sơn Nhất.
Viết đến đây, tôi vẫn nhớ ơn ông Tòng, tình "chủ tớ" vẫn luôn thắm thiết cho dù ông mang hoạn nạn trên đường thương nghiệp, ông vẫn luôn chơi đẹp với " đàn em " và đã giúp đỡ tôi rất nhiều về tài chánh nhất là lúc tôi đi tù cải tạo về. Đối với bà Uyển cho dù bà có thất bại lỗ vốn làm ăn, vẫn luôn mong có ngày " tái ngộ trùng phùng " để mà vuì vẻ gặp lại nhau … đó là ý nguyện chân thành của tôi.
Chị Uyển ơi! Trái đất tròn, mong có ngày đẹp trời nào đó ……….hữu duyên thiên lý năng tương ngộ……để đựơc vui vẻ gặp lại chị!… có phải thế không chị !
Ai biết chuyện kể từ lúc cô nàng Đông Hải bị cưỡng bức di tản rời khỏi VN, xin kể tiếp, mua vui cho mọi người. Nghe đâu, "cát bụi lại trở về cát bụi", cô nàng Đông Hải sét rỉ đã không thoát khỏi cái "Kiếp Luân Hồi" để rồi "thân sắt lại trở về thân sắt" không thoát khỏi kiếp "Scrap Metal Recycle", đã thành "ve chai, đồng nát vụn" rồi.
Các bạn HQ hay các bạn đồng hành khác, ai có di tản trong chuyến từ Nha Trang về như tả ở trên, nếu có dịp tốt, xin cùng tìm nhau, gặp lại chung vui với tôi qua chén rượu "hội ngộ tương phùng", cho trọn câu :
"Một chuyến đi nên NGHĨA…..…Một chuyến về nên ÂN" ……….
Đất nước, con người đều có định mệnh, đôi khi gắn bó ràng buộc chặt chẽ với nhau đi đến suốt cuộc đời. Định mệnh đã an bài, không ai chối cãi được.
Tôi là người kém hiểu biết về thời cuộc, mặc dù vẫn hàng ngày theo dõi tin tức chính trị, quân sự qua báo chí, radio và các đài ngoại quốc, và chẳng biết ai là các bậc "ANH MINH, CAO TRÍ " để được xin thỉnh giáo, vấn kế chỉ dẫn. Rốt cuộc cũng không hành động được một cách khôn ngoan khi các biến cố dồn dập xẩy đến trong những ngày cuối "tháng TƯ ĐEN". Mặc dù có phương tiện di chuyển (cô nàng Đông Hải) cầm chắc trong tay, cũng chỉ vì quá chậm chạp trong việc quyết định hành động nhanh chóng trong lúc cấp bách, nguy hiểm đang dồn dập tới….. để rồi chịu chung số phận "Học Tập Cải Tạo", đã bóc hai tấm lịch rưỡi như nhiều người …………..Thôi xin chịu vậy :
" Nhìn xem CON TẠO xoay vần đến đâu…………." ( Nguyễn Du )
"Để ghi nhớ lại ngày Quốc Hận 30/04/75………."
Chí Hợi Australia
Ghi Chú :
1- Con tầu Đông Hải, lúc ban sáng còn đang bị cột đỏi tại cầu tầu Nguyễn Huệ. Đến quãng trưa thì biến mất, để lại bến tầu một quang cảnh cô đơn, hiu quạnh. Có người nói rằng, cô nàng Đông Hải đã bị cưỡng ép di tản trưa hôm đó cùng với một số hành khách và thủy thủ đòan bất đắc dĩ. Ai biết rõ sự chuyện hay là cùng ở trong cảnh di tản đó, xin cùng nhau kể lại cho vui,viết thành hồi ký nhân ngày kỷ niệm Quốc Hận 30/04.
2- Các thủy thủ làm trên tầu buôn VN thường đều lớn tuổi, đa phần đếu đáo tuổi hưu trí, nhưng họ cũng vẫn phải đi làm. Lý do cũng vì kế sinh nhai, cuộc sống vật chất khó khăn để nuôi gia đình, vợ con, đôi khi phải nuôi cả cháu của họ nữ. Điểm lợi là họ không vướng mắc gì về phần quân dịch, hơn nữa họ còn khỏe mạnh, đều làm lâu năm nghề này nên rất sành sỏi mọi công việc, không cần phải chỉ huy hay theo dõi việc họ làm. Nhiều người nổi tiếng được các chủ tầu qúy mến, luôn luôn thâu tuyển, mời mọc họ làm việc mỗi khi tầu thiếu người. Có ngừơi làm từ thời còn Pháp thuộc cho các hãng Messageries Maritimes, Chargeurs Réunis, Denis Frères v.v… Đặc biệt họ nói tiếng Pháp rất hay theo kiểu của họ, đôi khi phát ra nhiều chuyện phì cười rất ngộ nghĩnh, thế mà các Quan Tầu Pháp đều thấu hiểu hết.
Theo luật, phải có sáu (06) ngừơi lái tầu timoniers cho 3 chi đội đi quart, mỗi quart 2 người. Sáu người đó tự động cặp đôi với nhau để đi quart, tùy theo sở thích của họ. TT hay TP chẳng phải nhọc công phân chia quart như trong HQ. Quart hải hành được chia cố định, không bao giờ thay đổi. SQ Dịch đi quart sớm số 1 ( HQ gọi là quart Cách Mạng ) từ 0000- 0400 và từ 1200-1600 TP đi quart trưa số 2 từ 0400-0800 và từ 1600-2000, TT đi quart ngày số 3 từ 0800-1200 và từ 2000-2400. Trường hợp tầu lớn, cấp số bắt phải có 2 SQ Dịch, TP đi quart ban ngày, còn hai 2 quart kia chia cho 2 dịch, TT không đi quart, nhưng trông nom, canh chừng mọi chuyện hải hành.
HQ có thông lệ đi quart xoay vòng, không cố định, phân chia như sau : 0000-0400, 0400-0800, 0800-1200, 1200-1500, 1500-1800, 1800-2000, 2000-2400, như vậy tổng cộng trong ngày là 7 quarts, con số lẻ, nên hôm nay ai đi quart nào thì qua ngày hôm sau thụt lui lại một quart, cứ như vậy xoay vòng cho đến khi hết hải hành.
Bàn về chuyện lành nghề của các thủy thủ già, kỳ cựu lâu năm đi biển, họ rất giỏi công việc chuyên môn, mặc dù chẳng được xuất thân, huấn luyện từ một trường chuyên nghiệp nào, tất cả đều là do "nghề dậy nghề", học đươc từ hồi còn nhỏ. Các công việc dựng cần câu kéo hàng, việc này rất nguy hiểm nếu không có kinh nghiệm, dễ bị cần câu xập, gây chết người, họ thoăn thoắt làm rất nhanh nhẹn, chớp nhoáng. Việc kiểm soát hầm hàng, đóng chốt, cài bù-loong, đậy bố che miệng hầm cho kín nước để bảo vệ hàng hóa, họ làm thật đầy lương tâm nghề nghiệp, dưới sự chỉ huy nhẹ nhàng của cai boong. Lúc cặp hay tách bến, họ hiểu ý Thuyền Trưởng để kéo về tầu dây đỏi nào trước, dây đỏi nào sau. Sự hiểu biết đồng bộ ( tâm đầu ý hợp ) với TT, làm cho công việc ma-nớp (manoeuvre ) vận chuyển thật nhẹ nhàng, nhanh chóng.
Lúc hải hành, một ngừơi lái và thay phiên nhau xoay vòng trong một tiếng đồng hồ và còn ngừơi kia đứng quan sát, báo cáo mọi việc bất thường xung quanh tầu cho SQ đương phiên. Trường hợp biển êm lúc ban ngày, người không lái có thể đựơc chỉ định xuống boong tầu, phụ giúp cùng cai boong và thợ mộc ( charpentier ) tu bổ con tầu như gõ sét hay sơn tầu. Ngoài ra còn có pointers ( người kiểm soát hàng hóa ) cho mỗi miệng hầm. Công việc của các người này rất quan trọng và đầy trách nhiệm cho việc kiểm soát mất hay còn của hàng hóa. Tầu tại bến, các người này bận vô cùng, đôi khi làm không có giờ nghỉ ngơi lúc đang lên hay xuống hàng. Tầu hải hành, họ không làm một việc gì cả, ngoài việc tính lại sổ sách số hàng đã chất lên tầu mà thôi .
Phần cơ khí, máy chánh là chủ chốt kiếm ra tiền lợi nhuận cho chủ nên lúc nào cũng đựơc o bế một cách đặc biệt. Động cơ không bao giờ hư hỏng bất thường vì luôn đựơc tu bổ, thay thế các cơ phận mòn, hư hỏng thường xuyên.
Cổ lệ từ lâu đời để lại, chủ tầu thường hay thưởng cho toàn thuỷ thủ đoàn một món tiền, thường được gọi là " tiền thưởng chuyến " sau khi chuyến thứ 2 được hoàn tất trong tháng, nếu trong tháng còn làm thêm chuyến nào thì cũng đựơc thưởng theo cũng như vậy.
TT, thuỷ thủ đoàn thường vui sống trong cảnh " trên thuận, dưới hòa " trong suốt các cuộc hải hành cũng như trong lúc ở bến, rất hiếm khi xẩy ra những chuyện bất bình. Nhưng họa chăng, nếu có thì sẽ được cùng nhau giảng hòa ngay lập tức, qua đôi ba ly chén rượu nồng, thế là mọi chuyện qua đi và quên hết mọi sự.