Thương thuyền Ioannis K
Sưu tầm tổng hợp
Thời trước năm 1975, những ai đến du lịch thành phố Vũng Tàu cũng đều chú ý đến xác tàu to lớn, hoen rĩ, mắc cạn nằm trơ trọi trên bãi Sau. Ít người biết đến tai nạn hàng hải của con tàu nhưng đây cũng là địa điểm tham quan và chụp ảnh ưa thích của du khách.
Thương thuyền nầy đầu tiên mang tên SS Samsoaring được đóng theo kiểu Liberty EC2-S-C1 bởi hãng Bethlehem Steel Corp ở thành phố Bethlehem thuộc tiểu bang Pennsylvania vào tháng 5 năm 1944 cho đội Thương thuyền Anh quốc trong chương trình Lend-Lease. SS Samsoaring mang số phận xui xẻo, trong khi còn được trang bị trong bến tàu, hầm máy bị nổ, gây tử thương cho một người và làm 14 người khác bị thương.
Sau đó vào năm 1945, nó cọ xát đáy biển khi hải hành trên eo biển phía Đông Anh quốc gây hư hại phần lườn tàu, mạn tàu và phần boong tàu. Khi chiến tranh kết thúc, con tàu vẫn chưa được sửa chữa xong hoàn toàn. Tàu mang cờ Anh quốc cho đến năm 1947, sau đó nó được bán đi bán lại và thay đổi tên và cờ nhiều lần. Tên sau cùng là Ioannis K được đăng ký ở Panama thuộc công ty hàng hải Hi Lạp Saint Ioannis Shipping Corp.
Thương thuyền Ioannis K đã bị mắc cạn ngày 3-Jan-1968 khi qua mũi Nghing Phong, Vũng Tàu. Thuyền trưởng Klaus để tránh những dải đá ngầm chìm dưới nước xung quanh Hòn Bà, đã cho tàu vòng qua bên trái, thay vì chạy ra vùng nước sâu, bởi ông tin rằng tàu đã dỡ hết hàng, độ nổi lớn nên khó có thể vướng đá. Theo thiếu tá Dunne, hoa tiêu của tàu, trước lúc xuống ca nô, ông đã chỉ vào bản đồ hàng hải, báo cho thuyền trưởng Klaus biết vị trí của những dải đá ngầm nhưng chẳng hiểu sao sự cố lại xảy ra!
Tàu kéo USS Lipan của Hải quân Hoa Kỳ được gọi đến để cứu trợ nhưng suốt gần 4 giờ xoay trở cũng không thể tiếp cận tàu Ioannis K nên đã thả những chiếc xuồng cao su xuống biển, đón thủy thủ đoàn chiếc Ioannis rồi đưa vào bờ vì thuyền trưởng Klaus quyết định bỏ tàu. Lúc này, trên tàu Ioannis chỉ còn lại 9 người. Lợi dụng thủy triều lên, Klaus quyết định chơi ván bài chót. Tăng hết công suất máy, ông cho tàu lao về phía trước nhưng không may, một dải đá ngầm đã khiến tàu lệch sang một bên, mũi hướng vào bờ rồi dưới tác động của lực quán tính, nó ủi thẳng vào bãi cát ven bờ. Sau khi ra lệnh cho những người còn lại rời tàu, thuyền trưởng Klaus có lẽ ý thức được việc làm thiếu trách nhiệm của mình nên đã tự sát.
Từ đó cho đến những năm cuối thập niên 1980, khu vực Bãi Sau và xác tàu Ioannis là một trong những địa điểm thu hút du khách đến chụp hình. Năm 1990, chiếc tàu đã bị tháo gỡ thành sắt vụn.