TRUNG TÂM QUỐC GIA KỸ THUẬT PHÚ THỌ (1957-1975)

TRUNG TÂM QUỐC GIA KỸ THUẬT PHÚ THỌ (1957-1975)

Sưu tầm tổng hợp

Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ là một cơ sở giáo dục của Việt Nam Cộng hòa. Tên chính thức của cơ sở là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật nhưng vì tọa lạc ở xóm Phú Thọ phía tây bắc Sài Gòn nên thường được gọi là Trường Kỹ thuật Phú Thọ. Trường này hoạt động từ năm 1957 đến năm 1974 thì nhập vào Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức.

Theo sắc lệnh ký vào Tháng Sáu năm 1957 thời Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam thì Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ được thành lập với bốn trường phụ thuộc:[1][2]

  1. Trường Cao đẳng Công chánh (có từ năm 1947)

  2. Trường Việt Nam Hàng hải (1948)[3]

  3. Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ (1956-1975)[4]

  4. Trường Cao đẳng Điện học (1957)

Vì học trình khác nhau nên bắt đầu niên học 1958 Bộ Quốc gia Giáo dục điều chỉnh lại để cả ba ngành công chánh, công nghệ và điện học đều đào tạo kỹ sư bốn năm học hoặc cán sự hai năm học.[5] Riêng Trường Hàng Hải thì năm 1973 mới chính thức thuộc cấp cao đẳng.

Năm 1962 tăng cường thêm Trường Cao đẳng Hóa học và đến năm 1968 thì bắt đầu phát bằng kỹ sư Hóa học.[6]

Sang năm 1972 thời Đệ Nhị Cộng Hòa, Trung tâm này đổi tên thành Học viện Quốc gia Kỹ thuật rồi Trường Đại học Kỹ thuật năm 1974. Cũng năm đó Trường được gom vào thành một thành phần của Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức.[7]

Trường sở của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật là một khuôn viên hai hecta góc đường Nguyễn Văn Thoại[8] và Tô Hiến Thành. Khu vực có giảng đường, phòng thí nghiệm, và cơ xưởng.

Tính đến năm 1975 thì trường Cao đẳng Điện học đào tạo được 890 chuyên viên[9], trường Cao đẳng Công chánh, 2000 (1902-1975).[10], và trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ đã đào tạo được khoảng 700 chuyên viên phục vụ tất cả các ngành công cũng như tư. (Theo wikipedia)

Cổng vào Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ đổi tên thành Trường Đại Học Bách Khoa - Hình chụp vào khoảng 1986

HỌC VIỆN QUỐC GIA KỸ THUẬT (1972 –1975)Theo sắc lệnh số 135SL/GD ngày 15/9/1972 của chính quyền Sài Gòn, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật được đổi tên là Học viện Quốc gia Kỹ thuật (HVQGKT) gồm sáu trường thành viên: trường Kỹ thuật và Khoa học căn bản, trường Cao đẳng Công chánh, trường Cao đẳng Công nghệ (Quốc gia Kỹ sư Công nghệ), trường Cao đẳng Điện học, trường Cao đẳng Hóa học, trường Cao đẳng Hàng hải (Việt Nam Hàng hải).Trường Kỹ thuật và Khoa học căn bản được thành lập theo sắc lệnh 135SL/GD để hỗ trợ cho năm trường cao đẳng thuộc HVQGKT. Trường Kỹ thuật và Khoa học căn bản có nhiệm vụ giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất các kiến thức về kỹ thuật khoa học để sinh viên có thể theo các ngành chuyên môn ở các năm tiếp theo (tại năm trường cao đẳng còn lại). Học sinh có bằng tú tài 2, ban B, hoặc tú tài của trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp được thi tuyển, nếu đậu sẽ học năm thứ nhất tại trường này. Kỳ thi tuyển năm 1973 –1974, có 2.081 thí sinh dự thi, có 365 người trúng tuyển, (nam 350, nữ 15), chiếm tỷ lệ 17,5%. Thi tuyển gồm các môn toán, vật lý, hóa học. Năm 1974, trường Cao đẳng Công chánh thành lập thêm Ban Cao học Thanh hóa (xử lý môi trường) đào tạo bậc sau đại học đầu tiên của ngành kỹ thuật công nghệ ở miền Nam. Ngày 29/3, 30/4, 7/7 năm 1973 chính quyền Sài Gòn đã ký các sắc lệnh thành lập Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức, trên diện tích 400 ha ở quận Thủ Đức, gồm các khoa đại học (nay gọi là trường đại học) sau đây:

1. Đại học Khoa học cơ bản, trụ sở tại thư viện A2.

2. Đại học Kỹ thuật (Học viện Quốc gia Kỹ thuật), gồm các trường (nay gọi là khoa), cao đẳng Điện học, cao đẳng Hóa học, cao đẳng Công chánh, cao đẳng Công nghệ, cao đẳng Hàng hải, trụ sở tại nhà A1.

3. Đại học Cao cấp, mới thành lập, chỉ có 3 nhân viên, trụ sở tại phòng 204A1.

4. Đại học Nông nghiệp Sài Gòn (nay là trường Đại học Nông lâm).

5. Đại học Giáo dục Thủ Đức (nay là trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh).

6. Đại học Thiết kế Thị thôn (chưa hình thành). Trụ sở của lãnh đạo và văn phòng Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức đặt tại số 3 Công trường Quốc tế (cùng trụ sở với Viện Đại học Sài Gòn). Dự kiến năm 1985 chính quyền Sài Gòn chuyển tất cả các trường thuộc Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức lên cơ sở ở Thủ Đức.

Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (1957 – 1972) được thành lập ngày 29/6/1957 với nhiệm vụ đào tạo thanh niên các ngành học Cao đẳng Kỹ thuật cần thiết cho nền Kinh-Tế và Kỹ - Nghệ Quốc-Gia.

Cho đến những năm đầu thập niên 70, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ Phú Thọ có 5 trường, mỗi trường mang một sắc thái, lịch sử riêng với khoảng 3.000 kỹ sư và cán sự tốt nghiệp.

Trường Cao đẳng Công chánh:
Được thành lập từ năm 1911, đến năm 1917 là thành viên của Trường Cao đẳng Đông Dương. Từ năm 1919 trường đào tạo các chuyên viên, cán sự và kỹ sư công chánh. Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa. Đến kháng chiến chống Pháp, vì lý do an ninh, ngày 1/10/1947, Pháp dời trường vào Sài Gòn. Từ năm 1950, trường đào tạo kỹ sư công chánh Đông Dương và tổ chức thi tuyển ngạch Kỹ sư ở các xứ thuộc địa (Cao Miên, Lào). Hệ thứ nhất tuyển những học sinh lớp đệ nhị cấp là những người đã trải qua lớp dự bị và học hai năm những kiến thức kỹ thuật cần thiết và những người có bằng tú tài Pháp hay bằng tú tài Pháp – Việt, hoặc những người đã có chứng chỉ cử nhân (toán đại cương hay vật lý đại cương). Các lớp học ở trường Cao đẳng Công chánh do các Giáo sư của các sở giáo dục, công chánh, kinh tế, y tế, địa chánh … giảng dạy.

Năm 1957, Trường là thành viên của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ. Từ năm 1973 – 1974, Trường Cao đẳng Công chánh chỉ đào tạo kỹ sư công chánh và kỹ sư địa chánh. Chương trình của trường là 3 năm, không kể năm thứ nhất học tại Trường Khoa Học. Nội dung đào tạo là các kiến thức kỹ thuật tổng quát trong các lĩnh vực có liên quan.

Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ:
Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ được thành lập năm 1956 và được sát nhập làm thành viên của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ vào năm 1957. Trường đào tạo các kỹ sư Công Nghệ các ngành cơ khí, đúc luyện kim, kỹ nghệ sắt, ô tô …

Trường Cao đẳng Điện học:
Trường Cao đẳng Điện học nguyên là trường Vô tuyến điện (Ecole de Radio – Electricité). Trường Vô tuyến điện được thành lập trên cơ sở Khoa Nhân viên vô tuyến điện được thành lập ngày 23/11/1947 trực thuộc trường Đại học Khoa học Sài Gòn, làm nhiệm vụ đào tạo nhân viên kỹ thuật vô tuyến điện hạng 1, hạng 2. Có thời gian Khoa đóng ở khuôn viên trường Lycée Petrus Ký Sài Gòn. Đến tháng 01/1949 trở thành trường Vô tuyến điện, đào tạo kỹ thuật viên vô tuyến điện (2 năm), điện tín viên, trắc lượng viên, chuẩn bị các kỳ thi về hàng hải và hàng không. Năm 1950, Trường trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, sau đó là Nha Kỹ thuật và Mỹ thuật học vụ.

Năm 1957, Trường sát nhập làm thành viên của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ và đổi tên là trường Cao đẳng Điện học. Trường đào tạo kỹ sư điện, cán sự điện và điện tử, huấn luyện trung cấp và thợ chuyên môn cho các xí nghiệp công tư.
Năm 1973 – 1974, trường Cao đẳng Điện học chỉ đào tạo chuyên viên, kỹ sư, còn cấp cán sự điện được chuyển qua trường Đại học Chuyên nghiệp Trung cấp.

Trường Cao đẳng Hóa học:
Thành lập năm 1962 ngay trong Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, đào tạo cán sự hóa học. Đến năm 1968, Trường bắt đầu đào tạo kỹ sư hóa học. Từ năm 1973 – 1974, Trường chỉ còn đào tạo kỹ sư, không đào tạo cấp cán sự.

Trường Việt Nam Hàng hải:
Trường Việt Nam Hàng hải được thành lập năm 1951, chương trình 8 tháng đào tạo thuyền viên hàng hải. Năm 1957, Trường được sát nhập vào Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ. Trường có hai ngành Thuyền trưởng và Cơ khí. Trường đặt nặng phần thực hành và kinh nghiệm hàng hải. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong 2 năm, sinh viên cần tập sự và hành nghề 5 năm trên các thương thuyền trước khi trở về lớp học tu nghiệp 3 tháng để thi tốt nghiệp. Năm 1973 Trường đào tạo kỹ sư Hàng Hải, với chương trình 4 năm.