Tàu Vàm Cỏ 24: Hồ sơ một chuyến vượt biên

Tàu Vàm Cỏ 24: Hồ sơ một chuyến vượt biên

Tàu Nhựt Lệ cập bến Sài Gòn

Albatros

Từ khi quân đội cộng sản thôn tính Việt Nam Cộng Hòa, họ cố tình xóa bỏ tất cả di sản văn hóa miền Nam và thay đổi hầu hết tên gọi cơ sở hành chánh, đường xá…, những thương thuyền cũng cùng chung số phận. Vàm Cỏ 24 là tên được đổi lại sau biến cố 30/4/1975 từ tàu Nhật Lệ thuộc hãng Hỏa xa của Việt Nam Cộng Hòa và được tiếp tục khai thác trong vùng duyên hải Việt Nam. Sau ngày 30/4/1975, vẫn còn một số thương thuyền còn kẹt lại và chính quyền cộng sản cũng cần những sĩ quan hàng hải miền Nam để vận chuyển tàu biển vì chính họ cũng không đủ nhân viên để khai thác trong thời gian đầu và sẽ loại bỏ dần dần những người nầy. Những sĩ quan hàng hải miền Nam còn kẹt lại ở Việt Nam cũng hiểu rõ điều đó, họ không có sự chọn lựa nào khác, chịu nhẫn nhục làm việc để mưu sinh trong thời gian đầu và tìm cách thoát khỏi ngục tù cộng sản. Làm việc trên tàu dưới chế độ miền Bắc, Thuyền trưởng của tàu phải là một cán bộ cộng sản, không cần thiết phải có kinh nghiệm hàng hải, họ chỉ đi theo tàu để kiểm soát hải trình và theo dõi tư tưởng của nhân viên miền Nam. Không khí trên tàu lúc nào cũng căng thẳng, nặng nề, đầy nghi kỵ, dòm ngó lẫn nhau, những nhân viên hàng hải miền Nam quen sống lối sống thoải mái, cười nói, bây giờ phải giữ im lặng, cân nhắc từng lời nói, cuộc sống thật ngột ngạt khó thở. Tàu có một số nhân viên cán bộ cộng sản được võ trang súng, làm việc dưới chế độ cộng sản là như vậy! Vì vậy, cướp một chiếc tàu Việt Nam vào thời điểm đó phải khống chế trước tiên Thuyền trưởng và cán bộ cộng sản. Nhưng với quyết tâm vượt thoát ngục tù cộng sản đi tìm tự do, một số nhân viên thủy thủ đã thành công mang con tàu Vàm Cỏ 24 ra thế giới tự do. Ban tổ chức cướp tàu gồm 4 người, Thuyền phó và 3 nhân viên thủy thủ, theo kế hoạch dự trù, trên đường trở về từ Hải Phòng đến Sài Gòn, tàu sẽ tiếp nhận nhóm người vượt biên tại địa điểm đã được qui định và sau đó đi thẳng qua Úc Châu, nhưng sau cùng chương trình bị lộ nên tàu phải đi thẳng cùng với lô hàng gồm phân bón phosphate, bỏ lại đàng sau những gia đình chờ đợi lên tàu vượt biên. Theo bài viết Con tàu kỷ niệm của Tâm Nguyen cho biết, ngày 01/04/1978 vào lúc 2 giờ sáng, tàu Vàm Cỏ 24 được chính thức "giải phóng" khỏi chế độ cộng sản, ban tổ chức vượt biên chính thức nắm quyền chỉ huy con tàu hướng về thế giới tự do.

Người thủy thủ phải bỏ xứ ra đi, cắn răng đau lòng bỏ lại phía những gì thân yêu và quí giá nhất của con người, từ gia đình cùng với cha mẹ anh em, bà con thân quyến, bạn bè, người yêu, vợ con; không ai muốn rời bỏ xứ sở, quê hương đâu nhưng họ không có sự chọn lựa nào khác, đành phải chấp nhận làm thân tha phương. Anh Trương văn Tài đã ở trong hoàn cảnh đó, khi tàu Vàm Cỏ 24 rời Sài Gòn mà anh chắc đó là chuyến tàu cuối cùng của mình và anh cố gắng nhìn thủ đô Sài Gòn mà không biết bao giờ trở lại, thu hết những hình ảnh thân yêu và cất vào trong trí nhớ như trong bài Hồi còi tạm biệt , bây giờ thì Hồi còi tạm biệt đã trở thành Hồi còi vĩnh biệt vì anh đã vĩnh viễn ra đi từ nhiều năm về trước.

Tàu Vàm Cỏ 24 (MS Nhật Lệ trước 1975) neo ở Eastern Anchorage Quarantine 1978

Tàu Vàm Cỏ 24 (MS Nhật Lệ trước 1975) neo ở Singapore 1978

Nhân chứng của chuyến tàu Vàm Cỏ 24

Trong dịp tiếp xúc với nhân viên thủy thủ của chuyến tàu, họ cho biết câu chuyện bắt đầu khi tàu hải hành trên chuyến đi từ Hải Phòng về Sài Gòn, lúc chạy qua khỏi Qui Nhơn vào lúc quá nửa đêm khoảng 01 hay 02 giờ sáng, nhóm tổ chức khởi sự khống chế Thuyền trưởng và nhốt ông lại trong phòng, kế đến là Sĩ quan vô tuyến, Cơ khí phó, còn Cơ khí trưởng vẫn được tự do, tuy nhiên ông nầy có lẽ còn gia đình ở Sài Gòn nên không muốn ra đi, sau khi suy nghĩ, ông đã xin nhóm tổ chúc "được giam" trong phòng vì ông sợ lúc về lại Sài Gòn có thể bị kết tội đồng lõa cướp tàu và ông được toại nguyện. Những người bị giam giữ gồm vài người đã tập kết ra miền Bắc được trở về miền Nam làm việc mưu sinh. Tuy nhiên, những người nầy vẫn được đối xử tử tế, được hưởng khẩu phần của Sĩ quan, họ chỉ bị mất tự do vì lý do an ninh, họ không bị coi là kẻ thù của người vượt biên. Người dân miền Nam chỉ muốn vượt biên tìm tự do và sống một cuộc sống tự do như một con người đúng với ý nghĩa của nó chứ không hề có sự hận thù. Trên tàu chia thành hai nhóm khác nhau, có nhóm ủng hộ ban tổ chức, có nhóm muốn trở về nước. Cần phải nói rõ thêm là trong thời gian cảnh sát thẩm vấn mọi người trên tàu và chờ đợi quốc gia thứ ba đón nhận nhóm xin đi định cư, những cán bộ cộng sản vẫn bị giam giữ trong phòng vì lý do an ninh cho đến khi toán người đi định cư rời khỏi tàu lên phi cơ rời Singapore họ được trả tự do.

Một nhân chứng cho biết thêm trước khi đến Singapore, tàu Vàm Cỏ 24 đã đến neo ở bờ biển của Mã Lai để hi vọng cứu vớt thêm thuyền nhân Việt còn đang lênh đênh trên biển nhưng không gặp ai, tàu đến Mã Lai vào buổi chiều và ở đó ban đêm, sau đó thấy không có thuyền nhân nào nên kéo neo trực chỉ Singapore trong đêm.

Tàu Vàm Cỏ 24 đến Singapore thả neo ở vùng Eastern Quarantine Anchorage ngày 9 tháng Tư 1978 vào khoảng 10 giờ sáng khi tình trạng tàu không còn đủ lương thực và nhiên liệu để tiếp tục cuộc hành trình. Tuy nhiên, diễn biến nội vụ trên con tàu vượt biên không được giới truyền thông Việt Nam tự do hải ngoại nhắc nhở đến và chìm vào quên lãng khi mà nhân vật chính của ban tổ chức của chuyến vượt biên, bạn Trương Văn Tài, đã vĩnh viễn ra đi, và những nhân chứng trẻ tuổi trên chuyến tàu thời đó, bây giờ cũng đang bước vào tuổi 70 và cũng sẽ lần lượt ra đi.

Tổ chức chiếm một chiếc thương thuyền để vượt biên đã là một vấn đề khó khăn và khi đến được một quốc gia tự do có khi lại là một vấn đề khác về mặt pháp lý và ngoại giao đối với quốc gia tiếp đón. Về mặt pháp lý, chiếc tàu được coi là bị cướp đoạt nên những người chủ mưu bị coi là tội phạm cướp đoạt tài sản quốc gia nên họ bị chế tài theo luật pháp của quốc gia đang giam giữ chiếc tàu hoặc bị dẫn độ về Việt Nam. Về mặt ngoại giao, Singapore lúc đó đang mở rộng thương mại với Việt Nam, do đó họ cũng cân nhắc kỹ càng hành động đối với nhóm chủ mưu cuộc nổi loạn để không làm chánh phủ Việt Nam cộng sản nổi giận. Về phía Việt Nam chắc chắn họ cũng có áp lực bên trong lên chánh phủ Singapore để giải giao nhóm chiếm tàu về Việt Nam, bên cạnh đó, thế giới tự do lúc đó đang mở rộng vòng tay tiếp đón người tị nạn Việt Nam, Singapore cũng là một quốc gia tự do, họ cũng không muốn đối xử cứng rắn, khắc khe với người vượt biên có thể gây ra phản ứng bất lợi cho hình ảnh tốt đẹp của một quốc gia cởi mở, điểm đến của những tàu du lịch thế giới. Trong thời gian cao điểm của làn sóng vượt biên trong thập niên 1970, 1980, Singapore là điểm đến của nhiều tàu, thuyền và cả phi cơ vượt biên tị nạn và cũng là quốc gia chuyển tiếp đón nhận thuyền nhân từ những thương thuyền ngoại quốc đã cứu vớt họ và đổ bộ họ lên bờ đi định cư sau khi được quốc gia thứ ba chấp thuận.

Giới truyền thông Singapore đã loan tin nhanh chóng, phản ảnh sự lưu tâm của người dân đảo quốc nầy trước biến cố vượt biên của tàu Vàm Cỏ 24, tuy nhiên những chi tiết về con số người đi định cư có thể không chính xác tùy theo nguồn tin.

09/04/1978

Theo quyển sách Chronicle of Singapore, 1959-2009 Fifty Years of Headline News, bốn thủy thủ của một tàu hàng Việt Nam đã chiếm quyền điều khiển con tàu và định đưa nó đến Úc đã bị bắt giam khi đặt chân đến Singapore và đã đầu hàng. Nhóm người nầy đã cướp chiếc tàu ngoài khơi bờ biển Việt Nam nhưng không đủ nhiên liệu và thực phẩm để hoàn tất hành trình.

Họ đã dừng tàu lại trên hải phận Singapore cùng với 34 hành khách khác và lô hàng phân bón, họ đã giải giao vũ khí cho cảnh sát biển Singapore. Không người nào bị thương trong vụ nổi loạn. Chánh quyền Singapore quyết định không truy tố họ và không ghi vào hồ sơ. Chỉ có 13 người xin hồi hương còn những người khác xin tị nạn ở Úc và Pháp.

Tàu Vàm Cỏ 24 - Singapore 1978

10/04/1978

Tin tàu Vàm Cỏ 24 đến Singapore là đề tài nóng bỏng làm chấn động đảo quốc vốn nhỏ bé, hiền hòa và yên bình. Tờ The Straits Times ra ngày 10 tháng 4 -1978 loan tin 4 thủy thủ nổi loạn chiếm đoạt chiếc tàu chở hàng đến bỏ neo trong lãnh hải của Singapore cùng với 34 người bao gồm hành khách và thủy thủ đoàn nhưng không có người nào bị thương trên tàu. Nhóm nổi loạn đã đầu hàng và giao nộp vũ khí cho cảnh sát biển. Chính quyền Singapore đã quyết định không truy tố nhóm nổi loạn.

Theo phúc trình của cảnh sát biển cho biết, ban đầu nhóm cướp tàu định đi đến hải cảng Darwin của Úc nhưng họ bị bắt buộc ngừng lại ở Singapore vì không còn nhiên liệu và thực phẩm để tiếp tục hành trình. Phát ngôn viên của chánh phủ cho hay cuộc điều tra đang được tiến hành và theo một báo cáo của chánh phủ, trên hải trình từ Hải Phòng về Sài Gòn, người Thuyền phó cùng với 3 thủy thủ đã chiếm giữ chiếc tàu hàng Vàm Cỏ 24 với lô hàng gồm phân phosphate và họ đã chế ngự Thuyền trưởng và một số thủy thủ đoàn, đe dọa bắn họ nếu chống cự và giam giữ họ trong cabine và khóa cửa lại. Những hành khách tỏ vẻ khuất phục không chống đối. Khi được tiếp xúc với cảnh sát biển tại Eastern Quarantine Anchorage, người Thuyền phó đã giao nộp một khẩu súng lục .38 Smith and Wesson và một khẩu Colt với 13 viên đạn cùng với một quả lựu đạn.

Cũng theo tờ báo nầy, theo thông tin từ giới hàng hải cho biết chiếc tàu hàng Vàm Cỏ 24 hải hành với tốc độ 10 gút có thể đã rời hải phận Việt Nam khoảng 4 ngày trước đó, do đó vụ cướp tàu phải xảy ra sớm hơn. Khi cảnh sát biển đến khám xét tàu, nhóm người cướp tàu cho biết họ muốn giao nộp vũ khí, và cho biết thêm họ không có ý định dừng lại ở Singapore nhưng họ bắt buộc phải thả neo tại đây vì không còn nhiên liệu và thực phẩm để đi xa hơn. Buổi tối, một đơn vị cảnh sát và một toán quân trừ bị được trang bị súng tự động và áo giáp được gởi đến canh chừng và thẩm vấn nhóm cướp tàu.

11/04/1978

Tàu Vàm Cỏ 24 neo ở Singapore và tàu của cảnh sát biển Singapore 1978

Tờ The Straits Times ra ngày 11/04/1978 loan tin theo một bản tin của chánh phủ Singapore, một số trong nhóm 34 người trên tàu muốn xin định cư ở một nước thứ ba, ý muốn của họ được bộ ngoại giao chuyển đến tòa đại sứ của những quốc gia liên hệ nhưng họ vẫn bị giữ trên tàu. Ngoài ra, một phái đoàn thương mại của Việt Nam hiện diện tại Singapore khi được hỏi ý kiến, nói rằng họ không nhận được thông tin nào từ Hà Nội hoặc từ tòa Đại sứ Việt Nam ở Kuala Lumpur. Người trưởng phái đoàn thương mại Việt Nam, ông Le Van Mau cho biết là ông chưa được chánh phủ Singapore hỏi ý kiến nhưng tin rằng vấn đề sẽ được giải quyết qua kênh ngoại giao giữa hai chánh phủ Việt Nam và Singapore. Ngoài ra, một viên chức tòa Đại sứ Việt Nam ở Kuala Lumpur khi được hỏi về vấn đề, đã trả lời rằng nhân viên phụ trách không có mặt ở đó và yêu cầu gọi lại ngày hôm sau.

Tờ The Straits Times loan tin là tòa Đại sứ Mỹ tại Singapore đã nhận được một điện tín từ một chiếc tàu không rõ lý lịch xin được cứu giúp vì thực phẩm và nhiên liệu trên tàu sắp cạn. Điện tín được gởi qua hệ thống viễn thông vào khoảng 7.00 pm ngày Thứ Bảy 08/4/1975 nói rằng tàu đang hướng về Singapore và sẽ đến đây khoảng 02.00 sáng ngày Chủ Nhật hôm sau. Dù rằng chiếc tàu không được nhận diện nhưng qua tờ điện tín đã xác nhận sự hiện diện của nó. Trên thực tế, chiếc Vàm Cỏ 24 tiến vào hải phận Singapore vào lúc 09.55 sáng ngày Chủ Nhật 09/4/1975 trong tình trạng thực phẩm và đồ dự trử cạn kiệt. Chiếc tàu với 34 người bao gồm 1 trẻ em và 4 thủy thủ cướp tàu bị cảnh sát biển chặn lại và kiểm soát. Cảnh sát biển đã tịch thâu 1 khẩu súng lục .38 Smith and Wesson và 1 khẩu Colt cùng 13 viên đạn, sau đó những viên chức thuộc bộ Nội Vụ cùng với cảnh sát lên tàu thẩm vấn tất cả mọi người trên tàu. Cảnh sát đã ghi âm lời khai của 4 nhân viên thủy thủ chủ mưu cướp tàu cùng với Thuyền trưởng và một số người khác, tuy nhiên số phận của 4 nhân viên thủy thủ chưa được định đoạt rõ ràng.

12/04/1978

Tàu Vàm Cỏ 24 neo ở Singapore 1978 được chụp từ màn hình TV

Vẫn theo tờ The Straits Times ra ngày 12/04/1978, mọi chuyện vẫn yên ổn trên tàu Vàm Cỏ 24, không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra, trong khi đó, những nhân viên bộ Nội Vụ và cảnh sát tiếp tục thảo luận về số phận của 4 nhân viên thủy thủ tổ chức cướp tàu. Một nguồn tin khác cho biết vấn đề vẫn chưa kết thúc, tuy nhiên một trong những lựa chọn là kết tội vi phạm xử dụng vũ khí (Arms Offences Act) có thể lãnh tối đa 14 năm tù hoặc nhẹ nhất bị đánh 6 gậy. Tuy nhiên 4 thủy thủ vẫn bị giữ trên tàu và cảnh sát vẫn canh chừng nghiêm nhặt không cho những người ngoài lên tàu.

19/04/1978

The Straits Times - Úc châu đã đồng ý trên nguyên tắc nhận một số trong số 34 người Việt Nam. Một phái đoàn về nhập cư của Úc sẽ bay đến Singapore trong tuần để phỏng vấn 21 trong số 34 người trên tàu Vàm Cỏ 24, số người nầy đã cho bộ ngoại giao Singapore rằng biết họ mong muốn định cư ở Úc. Theo một nguồn tin ngoại giao thì Úc có thể nhận khoảng 15 người nhưng chưa sẳn sàng nhận đơn của nhóm tổ chức cướp tàu.

17/06/1978

Tàu Vàm Cỏ 24 neo ở Singapore 1978

The Straits Times - Sau cùng, sau hơn 2 tháng chờ đợi, 19 người Việt Nam gồm nhân viên thủy thủ và hành khách của tàu hàng Vàm Cỏ 24 đã lên phi cơ đi Úc vào buổi tối ngày thứ Tư 14/06/1978 ngoại trừ một người còn ở lại để trị bịnh và sẽ đi sau. Trong số người ra đi có Thuyền phó và 3 thủy thủ thuộc nhóm cướp tàu. Chánh phủ Úc đã đồng ý chấp nhận đơn xin định cư tại Úc của nhóm người nầy sau khi chánh phủ Singapore quyết định không truy tố họ.

Thuyền trưởng và 13 người khác của tàu Vàm Cỏ 24 nói rằng họ muốn trở về Việt Nam bằng tàu của họ.

26/06/1978

Tờ The Straits Times ra ngày 26/06/1978, cho hay chánh phủ Singapore chuẩn bị cho phép tàu Vàm Cỏ 24 rời Singapore trở về Việt Nam. Nguồn tin cho hay 21 trong số 34 người trên tàu đã đi Úc và Pháp, số còn lại trở lại Việt Nam.

13/07/1978

Tờ The Straits Times loan tin tàu Vàm Cỏ 24 đã nhổ neo trở về Việt Nam ngày Thứ Tư (11 July 1978) với 15 người trên tàu kể cả Thuyền trưởng. Dù rằng giới chức nhập cư (Immigration Authorities) đã thông báo với Thuyền trưởng trước đó khá lâu rằng ông có thể rời Singapore trở lại Việt Nam nhưng chiếc tàu chưa khởi hành ngay và cũng không biết lý do tại sao nó còn nấn ná ở lại đó trong thời gian khá dài.

Xem vidéo :

https://www.britishpathe.com/video/VLVA5RFQ73JVDA6NPF4GKQBIBSOUQ-SINGAPORE-VIETNAMESE-SHIP-SEIZED-BY-MUTINEERS-ANCHORS-OFF/query/Singapore

Tài liệu :

https://eresources.nlb.gov.sg/newspapers/Digitised/Article/straitstimes19780410-1.2.2?ST=1&AT=search&k=vamco%2024&QT=vamco,24&oref=article

https://www.nas.gov.sg/archivesonline/photographs/record-details/b81cdc37-1162-11e3-83d5-0050568939ad

IMO number  
Name of the ship NHỰT LỆ - VÀM CỎ 24 (sau năm 1975)
Type of ship CARGO
Gross tonnage 558 tons
DWT 935 tons
LENGHT OVER ALL 66 m
BEAM 9.9 m
Speed 10.5 knots
Year of build 1953 in Reykjavik
Builder Brodogradiliste III Maj
Last known flag VIETNAM
Armement Hỏa Xa Quốc Gia Việt Nam