Thương Thuyền Việt Nam Thương Tín 1: Những dữ kiện sau 30/4/1975

THƯƠNG-THUYỀN "VIỆT-NAM THƯƠNG-TÍN I (VNTT1)" :

NHỮNG DỮ-KIỆN SAU 30/4/75

Trần-Hậu-Khánh

Cựu Sĩ-Quan Cơ-Khí T/T VNTT1

Tác giả phục vụ cho Garde Côtière Canadienne/Canadian Coast Guard

Thắm thoát đã 45 năm từ khi di tản với tàu VNTT 1 ngày 30/4/1975, tôi vẫn không quên những kỷ niệm của một thời trai trẻ đã từng phục vụ là một Sĩ Quan Cơ Khí trên chiếc tàu viễn dương đầu tiên của Miền Nam Việt-Nam trước 4/1975.

Bến đậu cuối cùng sau chuyến hải hành lịch sử đó của VNTT1 là vịnh Apra, Guam. Từ tháng 5/75 đến tháng 7/75, chúng tôi, gia đình của thủy thủ đoàn và nhân viên Quản trị của Công ty VNHH, được phép sống trên tàu, neo ở vịnh Apra, Guam. Đó là khoảng thời gian dài, mang nặng nổi buồn, lo âu vì xa lìa cha mẹ, gia đình, mất quê hương và một tương lai vô định.

Cách đây 5 năm, nhân dịp kỷ niệm 40 năm di tản, tháng 4/2015, tôi có viết bài "T/T VNTT1:Nhớ Lại 40 Năm Trước". Trong đó tôi đã sơ lượt về lịch sử, đặc tính và sinh hoạt của một thương thuyền viễn dương (navire au long-cours) và hải trình di tản ngày 30/4/75. Lần nầy tôi muốn ghi lại những dữ kiện mà tôi còn nhớ đến và những dữ liệu mà tôi còn lưu giữ liên quan đến VNTT1 sau hành trình lịch sử nầy.

VNTT1- Bến Đậu Cuối Cùng

Tàu đến đảo Guam và cập bến lúc 4 giờ chiều ngày 9/5/1975, sau 9 ngày vượt biển từ Sài-gòn. Khoảng 750 hành khách rời tàu để nhập trại tị nạn ASAN theo hướng dẫn của nhân viên chức trách của trại. Trong số hành khách nầy có ông Lê-Tấn-Lộc, TGĐ ngân hàng VNTT, ông Phạm Cơ, GĐ.. ngân hàng VNTT, ông Châu-Kim-Ngân, Bộ Trưởng Kinh Tế, ông Nguyễn Hữu Chung, dân biểu quốc hội, cô Phương Hoài Tâm, ca sĩ mà trước 75 tôi hay đến nhà hàng Bồng Lai để xem cô trình diễn. Vợ chồng cô được sắp đặt cho một phòng riêng ở bên trái (babord) pont chính, phòng của 2 thủy thủ (Chấm dầu). Trong số thủy thủ đoàn di tản, có ông Sĩ Quan Radio Dương Khắc Hổ và gia đình, ông Quách Văn Gòn, thợ điện 2, cũng rời tàu để vào trại tị nạn ASAN. Ông Hổ và gia đình có ý định định cư ở Pháp, ông Gòn nói với chúng tôi là muốn trở về VN để gặp lại vợ con. Tôi tin là ông Gòn trở về Việt Nam trên tàu VNTT1 tháng 10, 1975.

Sau khi hành khách tị nạn rời tàu, VNTT1 được phép ra neo ở vịnh Apra. Thủy thủ đoàn cùng hai vị TGĐ và GĐ của công ty Việt Nam Hàng Hải và gia đình được phép cư ngụ trên tàu thay vì nhập trại tị nạn ASAN. Trên tàu có gia đình Thuyền trưởng Nguyễn Nhứt Thống gồm phu nhân, 3 con trẻ, và 1 người em rể Nguyễn Hữu Nguyên; gia đình Cơ khí trưởng Phùng Văn Gạt gồm phu nhân, 2 người con (1 gái, 1 trai) và 1 cô con dâu; SQ Pont vừa được thăng chức Thuyền phó Bùi-Hữu Hoàng; SQ Cơ khí vừa được thăng chức Cơ khí phó Trần Hậu Khánh; Học viên SQ Cơ khí Lý Thế Đạt; ông Chấm dầu Nguyễn Văn Sang (ra đi một mình). Ông Sang là một người hiền lành, khiêm tốn, rất thích nghe nhạc Việt, quen thân với ca sĩ Kim-Vui, Thanh-Thúy. Hình như ông có 1 người anh và con gái sống ở Pháp. Trên tàu còn có ông Dương Liên, TGĐ của công ty VNHH, gồm phu nhân và 4 cô con gái; ông Lê Minh Đức, GĐ Nha Khai-Thác Kỹ-Thuật, gồm phu nhân và 5 người con, 4 cô gái và 1cậu trai.

Thời gian tàu neo ở vịnh Apra chúng tôi sống và sinh hoạt với nhau như bạn bè, bà con đang cùng chịu một số phận và hoàn cảnh. Mỗi cá nhân và gia đình đều có những tâm tư, ray rức vì những gì đã mất, lo lắng những gì sẽ đến cho tương lai. Tuy nhiên cuộc sống trên tàu rất thoải mái về mặt ẩm thực, giải trí, hay về phương tiện liên lạc với bên ngoài. Lương thực thì có sẳn trên tàu, còn dư cho ½ chuyến hải hành dài 4-5 tháng với một thủy thủ đoàn 45 người. Ba vị phu nhân là những đầu bếp tuyệt vời của chúng tôi trong suốt thời gian tá túc trên tàu. Bia, rượu thì còn đầy kho. Cassettes, đỉa nhạc, movies, radios, thư viện thì còn nguyên đó. Ngày nào muốn du ngoạn nhìn phong cảnh hay picnic ở bải biển cũng thật dễ dàng, chỉ cần hạ canot de sauvetage xuống nước là thực hành ngay. Có điều là ngày lại ngày, thời gian như dài ra vì không còn những sinh hoạt thường tình như trước đây. Chúng tôi hay ưu tư, suy nghĩ, bắt gặp những đôi mắt ngấn lệ, thông cảm nhau nhưng không nói nên lời. Bởi thế, các cô cháu trẻ trên tàu hay gắn cho chúng tôi, những chú SQ trẻ, cái biệt hiệu là những"linh hồn tượng đá".

Ở Guam, ban Quản trị của VNHH cũng mướn một Văn phòng Luật, Arriola & Cushnie, đại diện cho Công ty VNHH để bảo vệ nhân sự và sở hữu chủ hiện hữu của VNTT1. Luật sư đại diện thường viếng thăm tàu, mang theo tin tức, báo chí địa phương, và nhận gởi thư từ, làm thủ tục cho chúng tôi lên bờ đến trại ASAN để tìm người thân, hay giúp làm thủ tục xin định cư ở nước thứ 3. Hơn nữa, theo sự yêu cầu của ban Quản trị, Arriola & Cushnie còn liên lạc với những đại lý ở ngoại quốc của VNHH, chẳng hạn như Đại lý tàu biển (Ship’s Agents) ở New York, New Orleans, Houston, để xử lý những trương mục tài chánh còn lại liên quan đến hoạt động của VNTT1 trước ngày 30/4/75. Số tiền nhận được từ những trương mục đó là để trang trải cho những chi phí của VNTT1 và để trả lương bổng của nhân viên các cấp cho những tháng gìn giữ con tàu ở đảo Guam.

Ngày 12 tháng 7, tất cả chúng tôi được lệnh rời tàu để lên nhập trại ASAN. Lúc rời tàu, cảm xúc của tôi thật buồn, vì biết rằng mình sẽ không còn gắn liền với VNTT1 nữa!!!

Trần Hậu Khánh và Bùi Hữu Hoàng-VNTT1

Lương bổng của Thủy Thủ Đoàn

VNTT1 tuy neo ở vịnh Apra, nhưng thủy thủ đoàn vẫn phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản của Công ty Quốc Doanh VNHH (Vietnam Marine Lines Co. Inc.). Các hệ thống của tàu đều hoạt động bình thường để cung cấp điện, nước, vệ sinh cho mọi sinh hoạt cần thiết trên tàu. Bởi thế, chúng tôi được trả lương bổng đầy đủ cho 3 tháng 4, 5, 6/1975.

Tôi và ông bạn Bùi-Hữu-Hoàng không biết tiền của công ty VNHH còn bao nhiêu ở những Đại lý ngoài Việt Nam, chỉ biết là tài chính có đủ để trả lương cho thủy thủ đoàn và các vị ban quản trị hiện diện trên tàu. Riêng tôi, lương tháng 4 của SQ Cơ khí 3 là 240.000$VN, lương tháng 5 và tháng 6 của "Quyền SQ Cơ-khí Phó" là 300.000$VN, cộng với "tiền phụ cấp nghỉ phép hàng năm" 280.000$VN. Tổng cộng là 1,120,000$VN. Ngày 28/6/1975, tôi nhận được một ngân phiếu $USD 1,483.00 từ hối xuất $USD = 755 $VN. Dĩ nhiên, lương cho Thuyền-Trưởng, Cơ-Khí-Trưởng, Giám Đốc, Tổng Giám Đốc thì phải nhiều hơn. Còn lương cho Học viên Cơ khí Lý-Thế-Đạt và Phụ máy Nguyễn-Văn-Sang thì tôi không rõ. (Xem phụ lục #1: Bảng Chiết Tính Lương Bổng 25/6/1975). Chúng tôi ra đi không mang theo vàng, bạc gì ngoài gánh nặng của nỗi buồn. Số tiền nầy như một hành trang của sự tự tin cho những ngày tháng đầu nơi đất mới. Tôi vẫn nghĩ, không biết VNHH có bao nhiêu tiền trong trương mục ở những Đại lý ngoại quốc, ít ra Ông TGĐ cũng tỏ ra công minh và quan tâm đến việc trả lương bổng cho nhân viên hiện diện.

Thông Tư nội bộ

Trước ngày rời tàu để nhập trại ASAN, ngày 11/7/1975 ông Dương-Liên phân phát một "thông tư nội bộ" do ông đánh máy (rất khó đọc vì chữ không bỏ dấu) cho nhân viên trên tàu (Xem phụ lục #2:Thông tư Nội Bộ 11/7/1975). Chính yếu của thông tư nầy là "về việc trao chiếc tàu Việt Nam Thương Tín 1 cho Chính Phủ Liên Bang Hoa Kỳ tạm gìn giữ". Trong thông tư có những thông tin và yếu tố như sau:

      - Ông đã ở lại với thủy thủ đoàn để "duy trì sự kiểm soát và quyền sở hữu của Công ty và chiếc tàu trong khi chờ đợi chỉ thị cần thiết của Hội đồng Quản trị (HDQT) "

      - Mất liên lạc với "nhị vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch", ông Lê Tấn Lộc và ông Phạm Cơ, 2 thành viên của HĐQT cùng di tản trên VNTT1 nhưng rời tàu ngay sau khi cập cảng Apra, Guam ngày 9/5/1975.

      - Ngày 23/6/1975, sau một thời gian khá dài, liên lạc được với 2 thành viên của HĐQT nầy đang định cư bên Hoa kỳ, ông Dương Liên mới nhờ văn phòng luật sư "chuyển đạt tới nhị vị một giải pháp thích ứng cho chiếc tàu" :

             1- Bán chiếc tàu với sự chấp thuận của HĐQT đương nhiệm vì không thể tiếp tục khai thác một chiếc tàu không có quốc kỳ,

             2- Hoặc cố gắng xin đổi quốc kỳ (Panama chẳng hạn), chuyện quyền sở hữu chiếc tàu cho một Công ty sẽ do chính quí vị có thẩm quyền thành lập ngay tại Guam, ngõ hầu có thể may ra tiếp tục khai thác hoặc cho thuê….

      - Đề nghị nêu trên đã không được hai vị Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch thỏa hiệp có thể vì:

            1- Hai vị không màng tới số phận của Công ty và chiếc tàu.

hoặc

            2- e ngại về phương diện pháp lý có thể được nêu lên.

      - Thật vậy, "HĐQT đương nhiệm gồm tám (8) Vị Quản Trị Viên (QTV). Tức số cần thiết để quyết định hợp pháp và hợp lệ phải là ít nhất phân nửa số QTV, do đó 2 Vị Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch cũng không làm gì được. Các vị QTV khác thì biệt vô âm tín, không biết có rời được Sài Gòn hay không, và nếu có thì cư ngụ ở đâu?"

      - Với tư cách là TGĐ và là một QTV duy nhất ở Guam, ông Dương Liên "không thể làm gì hơn là phải quyết định trao chiếc tàu thân yêu của chúng ta cho Chính Phủ Liên Bang Hoa Kỳ gìn giữ hộ kể từ ngày 11 tháng 7 năm 1975, cho tới khi có một giải pháp hợp pháp", qua sự đảm nhiệm của văn phòng luật sư Arriola & Cushnie tại Guam.

      - "Vậy, trong trường hợp sau nầy Chính Phủ Liên bang Hoa Kỳ, vì một lý do nào đó, quyết định bán chiếc tàu, quyền lợi của anh em cần được chứng minh và thông báo đầy đủ cho Văn Phòng Luật sư đại diện".

Thông tư của ông Dương Liên đã nêu lên sự minh bạch của vấn đề. Tôi cảm nhận sự hiểu biết, tính trách nhiệm, cách quản trị và giải pháp hợp lý của ông liên quan đến quyết định nêu trên trong một trạng huống rất đặc biệt.

Số phận của T/T "Việt Nam Thương Tín 1"

Thế là chúng tôi từ giả VNTT1 để nhập trại tị nạn ở Guam ngày 12 tháng 7 năm 1975 mang theo một ưu tư là số phận của con tàu sẽ về đâu dưới sự gìn giử của chính phủ liên bang Hoa Kỳ!

Ngày 21 tháng 7 năm 1975, cả đoàn rời trại ASAN lên máy bay qua trại Pendleton ở California để làm thủ tục nhập cảnh vào "đất hứa". Gia đình ông Lê Minh Đức, ông Nguyễn Văn Sang và Lý Thế Đạt muốn định cư ở California, Hoa Kỳ. Ngày 25 tháng 7 năm 1975, gia đình ông Nguyễn Nhứt Thống, ông bạn Bùi Hữu Hoàng và tôi, Trần Hậu Khánh, bay qua thủ đô Ottawa, còn gia đình ông Dương Liên và gia đình ông Phùng Văn Gạt đến định cư ở thành phố Montréal, Canada.

Sau hơn một tháng, ông Dương Liên, ông Nguyễn Nhứt Thống và Trần Hậu Khánh nhận được một lá thư từ Văn Phòng Luật sư Arriola & Cushnie cho biết là một Đô Đốc Hải Quân Hoa-Kỳ của vùng đặc nhiệm Guam và đoàn tùy tùng đã lên tàu VNTT1. Họ đã kiểm tra và thử nghiệm rất kỹ tất cả các hệ thống của tàu kể cả máy điện, máy hơi nước, dụng cụ hải hành và xác nhận T/T VNTT1 có đủ điều kiện và an toàn để vận hành trên biển (seaworthiness). Luật sư cũng đã tiết lộ lý do mà Đô Đốc lên tàu, liên quan đến việc dùng VNTT1 để chở số người tị nạn trở về Việt-Nam.

Ngày 16 tháng 10 năm 1975, chính phủ Hoa-Kỳ đã thực thi ý định nêu trên. VNTT1 đã đưa 1600 người tị nạn từ Guam trở về Việt-Nam an toàn dưới sự điều khiển của các cựu Sĩ Quan Hải Quân của Miền Nam VN. (Xem phụ lục #3:thư đề 25/8/1975 Law Offices Arriola & Cushnie, Guam)

Những Câu Chuyện Bên Lề

Quan Tàu Bị Bỏ Lại- Sáng 30/4, tàu dời từ phao ngoài bến Nhà-Rồng vào cảng kho 5, Khánh hội thì cảnh hỗn loạn bắt đầu. Người người chen nhau lên tàu. Hành khách di tản gồm đủ thành phần, trong đó có một số gia đình có liên hệ với Ngân-hàng VNTT đã đợi sẵn ở kho 5, những người nầy đã không di tản được bằng phi cơ ngày hôm trước, có những người may mắn lọt vào được kho 5, và đặc biệt có nhóm quân nhân tan hàng từ chiến trường. Nhóm binh lính nầy còn mang theo súng và đạn lên tàu, hối thúc, áp lực thủy thủ đoàn phải rời Sài-Gòn ngay, sau khi nghe lệnh đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Thật đau lòng, chúng tôi đành bỏ lại ông Võ Kiết Triệu, ông Dương Tấn Kim Sanh, ông Nguyễn Đình Tuân – đương nhiệm Thuyền Trưởng, Phó Thuyền Trưởng, SQ Pont 3- đã vào được Kho 5 nhưng không thể lên tàu được.

Trên Đường Di Tản- Sau khi rời cảng kho 5, tàu bị pháo kích tấn công 3 lần trên sông Sài-Gòn từ phía Thủ Thiêm. Nhà văn Chu-Tử và một em bé tử thương, 21 người bị thương. Ra khỏi hải phận quốc tế, hai thi thể được thủy táng. Theo chỉ thị của Hạm đội 7 Hoa-Kỳ, tàu hướng về Subic Bay, Philippines để chuyển những người bị thương lên bờ, rồi tiếp tục trực chỉ Guam.

Ban Trật Tự Trên Tàu- Trên tàu có lập một ban trật tự để kiểm soát an toàn cho tất cả hành khách, đảm nhiệm bởi ông bạn SQ Pont Bùi Hữu Hoàng. Sau khi tàu đã an toàn trên biển, việc đầu tiên là ban trật tự thu thập tất cả súng, đạn trên tàu, rồi thủ tiêu xuống biển, chỉ giữ lại 4 khẩu súng M15/16 và 10 băng đạn, 2 khẩu để trên phòng lái (passerelle), 2 khẩu để trong phòng ông Hoàng, lúc nầy Hoàng là Quyền Thuyền Phó rồi. Mãi đến khi tàu sắp cập cảng Apra Guam, 4 khẩu súng và 10 băng đạn nầy cũng phải liệng xuống biển. Bởi thế, suốt cuộc hành trình, không có việc cướp bóc, hãm hiếp hoặc tranh giành thực phẩm xảy ra.

Nhóm Di Tản Nhà Giàu- Trên tàu có một nhóm mà ông bạn Hoàng gọi là nhóm "Nhà giàu". Nhóm nầy khoảng 30 người, chiếm pont sau của phòng chỉ huy (passerelle). Họ tự bảo vệ với nhau rất nghiêm nhặt, không cho ai được qua lại lối nầy. Khi ban trật tự cho họ biết danh tánh của ông Thuyền Phó, họ mới để ông qua lai. "Ủa! sao mầy biết họ giàu?", tôi tò mò hỏi. "Tao thấy họ giữ mấy valises, túi xách, túi mang lưng kỹ lắm. Họ canh chừng nhau, chia phiên nhau đi lấy đồ ăn, không dám rời khu vực đó", Hoàng nhận xét. Chúng tôi nghĩ có lẽ họ mang theo nhiều vàng, hột xoàn lắm. Hai đứa tôi suy luận, có thể đây là nhóm của ngân hàng VNTT. Nhóm chóp bu, chẳng hạn như TGĐ, GĐ của ngân hàng VNTT vào trại tị nạn chỉ có một đêm 9/5. Ngay hôm sau 10/5 là họ được sắp đặt bay qua USA định cư liền.

Thật nhé! Cho đến 4/75, tôi và Hoàng chưa có cơ hội cầm một lượng vàng tây hay ta, mặc dầu lúc ra đi tôi còn khoảng 3 triệu đồng VN trong trương mục ngân hàng VNTT. Sao mình không nghĩ tới hay không có ai đó bảo mình mua vàng nhỉ? Đúng là tuổi trẻ khờ khạo! Mỗi lần nhắc đến, "tuổi già" nầy cũng thấy vui vui về chuyện năm xưa.

Chuyện Bán Chiếc Tàu- Khi tàu trên đường từ Subic Bay đến Guam, tôi và Hoàng có nghe mấy ông lớn nói là có nhóm thương gia di tản trên tàu muốn mua chiếc tàu VNTT1. Giá của chiếc tàu là 1 triệu $USD nếu người mua tự họ sắp đặt đem tàu qua Hongkong, hoặc 2 triệu $USD nếu VNTT1 được giao tại Hongkong bởi thủy thủ đoàn của tàu. Trong thời gian tàu neo ở vịnh Apra, người mua cũng còn tiếp xúc với mấy ông lớn về việc nầy, vì thế trên tàu chúng tôi có một cuộc họp để thảo luận. Mấy SQ trẻ như tôi thì tùy vào ý kiến của 3 ông lớn, TGĐ, GĐ và TT. Chỉ có ông GĐ là đồng ý bán, mong mọi người sẽ có một số tiền chia nhau để làm lại cuộc đời trên mảnh đất nào đó, trong khi ông TGĐ và ông TT thì ngại vì trách nhiệm "biển thủ công quĩ vì đó là tài sản của Quốc Gia, sợ rằng mình sẽ không bao giờ được trở về lại Việt-Nam". Thật vậy, đó là một quyết định đúng. Giải pháp cuối cùng là ông TGĐ Dương Liên đã quyết định giao tàu VNTT1 cho Chánh phủ Liên bang Hoa-kỳ quản trị trước khi chúng tôi chia tay nhau đến nơi chờ định cư.

Bán Dầu Cho Tàu Tân-Nam-Việt (TNV)- Tàu Tân-Nam-Việt đến Guam ngày 15/5/75 và cũng neo ở vịnh Apra. Chủ tàu cùng di tản ra khỏi Việt-Nam, nên Tân-Nam-Việt có thể được khai thác thương mại một cách hợp pháp, nếu đăng ký với một quốc gia nào đó. Vì thế, Tân-Nam-Việt đã mua một số lượng dầu, thực phẩm, bia, rượu, chén, dĩa, ly, tách, silver sets…của VNTT1 để lại. Số tiền bán dầu và những thứ lặt vặt này được chia nhau, mọi người chúng tôi đều có ít tiền "cầm tay" trước khi rời trại ASAN đi định cư. Phần tôi, xin được tiết lộ, được gần 2 ngàn $USD.

Riêng tôi, khi vào Canada, cũng có một tài sản "kết xù" như ai, tổng cộng cũng gần 4 ngàn $USD, kể cả 400 $USD đem theo từ VN. Đến Canada 1975 mà có được số tiền nầy, tương đương với 20 lượng vàng là giàu lắm đó! (Thế mà cũng không chịu mua vàng, chỉ biết nổi cô đơn vì thân phận của một nam nhi tị nạn mà thôi!)

Một Mối Tình Di Tản- Trên đường di tản từ Subic Bay đến Guam, ông bạn Hoàng, lúc đó là Thuyền Phó nên ông ngon lành lắm, đã gán cho tôi một cô gái cùng di tản với gia đình anh chị của cô. "Tao thấy có con nhỏ kia với 2 đứa nhỏ nằm la liệt bên ngoài pont chính đàng trước, mày cho nó tá túc trong phòng mày đi, tội nghiệp!", Hoàng rỉ tai tôi. Thế là cô gái và 2 bé vào phòng tôi "tá túc". Cô gái có giọng Bắc, mignonne, cặp mắt long lanh, mái tóc xỏa bờ vai, có nụ cười và đôi má duyên dáng. Tôi và cô ở chung phòng, nằm chung giường, có những nụ hôn, có cầm tay nhau, có cảm xúc luân lưu…, nhưng tôn trọng và cảm thông nhau ở thời điểm mà tuổi trẻ chưa thấy được ngày mai.

Ngày 9/5, khi tàu cập bến Guam, cô và gia đình theo đoàn người tị nạn rời tàu, nhập trại. Tôi vì bận rộn với công việc của một SQ Cơ khí trong lúc tàu làm manoeuvre (cập bến rồi rời bến), nên khi về lại phòng thì cô và 2 đứa bé đã rời tàu. Cô có để lại cho tôi một note ngắn: "Anh Khánh, em muốn ở lại để dọn đồ dùm anh, nhưng không được, em phải theo gia đình nhập trại. Ngày mai rời tàu, anh nhớ lên tìm em, (HTP)”, và một tấm hình của cô ngồi trên một bãi cát, mặc chiếc áo dài đen, quần dài trắng, đội mũ rộng vành. Phía sau tấm hình, cô ghi "htp… , VNTT Fri. 09/5 1975". Vậy là cô biết Anh văn nên cô ghi Fri. Tấm hình và lời nhắn của HTP vẫn còn trong quyển album của tôi đem theo từ Việt-Nam. Cô có một nụ cười thật dễ thương.

Tôi đã quên cô bao nhiêu tuổi, học ở đâu, nhưng nhớ cô là một hướng-đạo-viên (Scouts) ở Sài-Gòn. Cô chỉ tôi cách xoa tay, xoa mặt, cách hít thở để giảm stress (lo lắng). Tình cờ tôi thấy hình HtP trên tờ báo địa phương THE SUNDAY NEWS June 1, 1975, page 22, chụp chung với đám đông trong sinh hoạt nối kết với nhóm Hướng Đạo Viên ở Guam. Tôi có nhắn tin tìm cô, nhưng không nhận được hồi âm. Khi chúng tôi nhập trại, thì cô và gia đình đã bay xa đến khung trời nào rồi. Kể từ đó, tôi đã không còn hi vọng gì gặp lại cô nữa. Vậy mà, cho đến 45 năm sau, những kỷ vật và kỷ niệm của chuyện tình di tản nầy vẫn còn đây…

Cuốn Theo Chiều Gió

THK- Février 1975 à Osaka Japon

Trước khi VNTT1 về đến Sài-Gòn từ Úc, tôi có xin một Giấy Chứng Nhận của Thuyền-Trưởng chứng thực tôi là nhân viên đang phục vụ trên tàu (Xem Phụ lục # 4: Giấy chứng nhận 16/04/1975). Tôi đã nghĩ vì thời cuộc của Miền Nam lúc đó bắt đầu hỗn loạn, có thể Sài-Gòn sẽ bị thiết quân lực, vì thế Giấy Chứng Nhận nầy là bằng chứng nếu tôi bị chận xét, cảnh sát cho phép tôi đến nhiệm sở làm việc.

Tối 28/4, Dinh Độc-Lập bị dội bom, trên đường chạy xe Vespa từ Khánh-Hội về đường Nguyễn Văn Thoại gần TTQGKT Phú-Thọ, tôi đã chứng kiến cảnh kẹt xe và náo loạn của Sài-Gòn đêm hôm ấy. Bắt đầu đêm 28/4, chính phủ ban hành lệnh thiết quân lực. Ngày 29/4 là ngày trực (quart) của tôi và Dịch 3 Nguyễn Đình Tuân, cho nên sáng 29/4 tôi phải lên tàu. Tôi chạy đến Ngả 7, Lý Thái Tổ - Minh Mạng, thì bị cảnh sát chặn lại hỏi giấy tờ. Nhờ có Giấy Chứng Nhận đó mà tôi được phép tiếp tục đến bến đò Nguyễn-Huệ rồi lấy ca-nô đưa tôi ra tàu neo ngoài bến Nhà-Rồng.

Chiều tối 29/4, nhìn về khu vực Toà Đại-Sứ Mỹ, tiếng ồn ào của trực thăng trên bầu trời; nhìn về bên sông Bạch-Đằng, cả biển người lao nhao ngóng về những con tàu dọc theo bến. Khi màn đêm phủ xuống, nhìn đoàn tàu Hải Quân lầm lũi trên sông, âm thầm lướt qua VNTT1. Quang cảnh đó làm tim tôi tái tê vì không biết thân phận mình sẽ ra sao đây, rồi sáng mai mình sẽ tìm cách ra đi hay về nhà gặp lại ba mẹ. (Ngay lúc đang gõ những dòng chữ nầy, tim tôi vẫn còn tê tái, mắt lão của tôi ngấn lệ và cảm xúc đó vẫn còn đây sau 45 năm trôi qua…).

Sáng 30/4, khi mà Miền Nam Việt Nam thất thủ, tôi không có thời khắc để chọn lựa, có lẽ vì tuổi trẻ, vì công việc và trách nhiệm với con tàu, với không gian hỗn loạn đó, tôi đã bị cuốn theo với làn sóng người cuống cuồng chen lẫn nhau lên tàu tìm đường vượt biển.

Rồi những con gió và làn sóng kế tiếp đã đưa tôi đến tận miền giá rét, làm lại cuộc đời, tạo dựng một cuộc sống trong suốt 45 năm qua, 1975-2020. Vì thời cuộc, thủy thủ Trần Hậu Khánh cũng đã “Cuốn Theo Chiều Gió, Gone With The Wind”, trôi dạt đến tận Canada kể từ ngày lịch sử đó, 30/4/1975.

Canada April/Avril 2020

Phụ lục