TIỂU SỬ NIÊN TRƯỞNG PHẠM NGỌC LŨY

TIỂU SỬ NIÊN TRƯỞNG PHẠM NGỌC LŨY

Sơ lược tiểu sử
Niên Trưởng PHẠM NGỌC LŨY
  • Sanh ngày 20 tháng 11 năm 1919 tại làng An Lễ, tỉnh Nam Định. (trên giấy tờ ghi ngày sinh 03 tháng 03, năm 1920)
  • Lúc thiếu thời học ở các trường địa phương. Sau hoc trường Tư Thục Thăng Long, Hà Nội 1937 – 1939.
  • Thưong mại: buôn bè và vật liệu xây cất ở Hải Phòng trước năm 1946.
  • Tản cư từ cuối năm 1946, do chiến tranh Việt- Pháp.
  • Tham gia hoạt động và tiếp tế các anh em phong trào Duy Dân ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình ( Phát Diệm ) 1947.
  • Dạy hoc ở trường Sư Huynh St Joseph ở Hải Phòng, 1949 – 1950.
  • Tốt nghiệp thuyền trưởng Viễn Duyên trường hàng hải Sài Gòn 1951.
  • Điều khiển con tàu « Định Mệnh Trường Xuân » trong ngày biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Tàu rời bến Kho Năm, Khánh Hội, Sài Gòn lúc 13g25, mang theo 3628 đồng hương trốn chạy cộng sản, bỏ lại quê hương, cũng là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời Hàng Hải!
  • Đến Hoa Kỳ định cư vào tháng 11 năm 1975.
  • Hội trưởng danh dự hội Thân Hữu Trường Xuân từ năm 1977.
  • Đi các nước tiếp xúc các hội đoàn, đồng bào các giới, kêu gọi thành lập cộng đồng Việt Nam hải ngoại 1976 – 1980.
  • Chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến, vận động quần chúng yểm trợ công cuộc đấu tranh do Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam khởi xướng 1981 – 1984.
  • Chia sẽ ý kiến với các vị trưởng tộc các họ Bùi, Đinh, Phạm… thành lập mỗi họ một từ đường để phụng thờ tiên tổ, giữ gìn truyền thống tốt đẹp, cũng là nơi quy tụ bà con thân tộc, duy trì liên lệ họ hàng để khỏi mất gốc.
  • Vận động các tổ chức cách mạng, chính trị, các hội đoàn cùng các cá nhân có thiện chí, thành lập một trận tuyến dân tộc, dân chủ, đủ sức mạnh để đương đầu với cộng sản, có đủ khả năng xây dựng đất nước trong tương lai.

Con tàu kỷ niệm

Con tàu kỷ niệm

 Tâm Nguyên
        (01/1979)


Có thể nói, tất cả những người Việt Nam tị nạn Cộng Sản đang sống tại hải ngoại; đã và đang có một cuộc sống mới. Một đời sống tự do, không phải đi hội họp sau những giờ làm việc mệt nhọc, không phải xếp hàng cả ngày trời để mua từng ký gạo, không phải tự khai, tự kiểm điểm và tự phê bình…v…v…

Để chuẩn bị cho sự đổi đời đó, là những giai đoạn tính toán, sắp đặt; những lo âu sợ sệt. Nhưng lòng căm thù và chán ghét cộng sản đã giúp họ tinh thần khắc phục mọi khó khăn. Họ chen chúc trong những chiếc thuyền, chiếc tàu để rời khỏi quê hương, để thoát khỏi vùng đất đọa đày của cộng sản…Sóng gió đôi khi đã nhẩn tâm đối với họ, nhưng đó chỉ là sự thử thách. Những con tàu trung thành vẫn đưa họ tới những bến bờ tự do.
Những con tàu đều vô tri, vô giác; nhưng đối với những người thủy thủ, con tàu đã là người bạn đường lý tưởng; như hình với bóng. Đối với những người vượt biển, hình ảnh con tàu là hình ảnh của ân nhân.

Cuộc sống của con tàu là sự lênh đênh trên biển cả, mang theo người thủy thủ ngược xuôi khắp miền đất cảng. THỦY THỦ và CON TÀU, hai danh từ không thể đứng cách biệt. Sự gắn bó giữa “thủy thủ” và “con tàu” có thể thi vị hoá như một mối tình chung thủy, cuộc sống của con tàu không thể thiếu người thủy thủ và ngược lại.

Xin ghi lại nơi đây, vài dòng lịch sử của chiếc tàu Vàm Cỏ 24…Một ân nhân của thủy thủ đoàn tàu Vàm Cỏ 24. Trên cương vị một người thủy thủ, tôi muốn nhắc nhở lại một kỷ niệm, để giới thiệu về một con tàu cũ. Con tàu đã có nhiều thành tích và kỷ niệm đáng được nhắc đến.

Tàu Vàm Cỏ 24 với tên cũ là tàu Nhựt Lệ của công ty Hàng Hải Hỏa Xa SaiGon.

Tàu Nhựt Lệ được hạ thủy năm 1958 tại Nam Tư và được khai sinh dưới trào Tổng Thống Ngô Đình Diệm( năm 1960 ). Dưới sự điều hành của Hàng Hải Hoả Xa Sài Gòn và với trọng tải 1200 tấn. Tàu Nhựt Lệ đã có mặt trên khắp các miền đất cảng của miền Nam Việt Nam, với nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá. Trong công tác chuyển vận, Nhựt Lệ đã tham gia rất nhiều chuyến hàng quân sự cho các vùng chiến thuật và đó đã là cái “mốc” cho sự phá hoại của Việt Cộng. Vào ngày 26/03/1973 lúc 3 giờ sáng, tại cảng Chợ Cá Qui Nhơn; những tiếng nổ kinh hoàng của các quả thủy lôi (do Việt Cộng gài đặt) đã làm tàu Nhựt Lệ bị thương trầm trọng (hầm hàng số 1 phía hữu hạm bị lủng và nước đã tràn ngập làm nghiêng hẳn tàu) Trong vụ khủng bố này Việt Cộng đã đánh đắm chiếc tàu Thống Nhứt cũng thuộc về công ty Hàng Hải Hỏa Xa SaiGon.

Sau đó, với sự nổ lực sửa chữa của Hải Cảng Qui Nhơn…Nhựt Lệ đã cố gắng về được SaiGon để sửa chữa và tu bổ hoàn hảo, trước khi tiếp tục lại những chuyến công tác…

Tháng 05/1975 sau khi cướp được miền Nam…Cộng Sản đã xoá tên Nhựt Lệ…

Cộng Sản đã đổi tên tất cả những chiếc tàu vừa cướp được của miền Nam Việt Nam và đã lôi một số cán bộ ngoài Bắc về để thành lập Công Ty Vận Tải Biển miền Nam Việt Nam.

Tàu Nhựt Lệ với cái tên mới là Vàm Cỏ 24, lại được Cộng Sản tiếp tục sửa chữa cho đến tháng 06/1976 mới hoàn tất.

Trở lại với biển cả, Vàm Cỏ 24 đã phải “ngậm đắng nuốt cay “để phục vụ cái kế hoạch vơ vét hàng hoá và thực phẫm từ Nam ra Bắc của Cộng Sản.

Cuối tháng 3/1978, sau một chuyến công tác tại Hải Phòng và trên đường về SaiGon.

Vàm Cỏ 24 đã “tạm biệt” quê hương…Đó là ngày 01/04/1978 lúc 2 giờ sáng, giờ phút lịch sử của thủy thủ đoàn tàu Vàm Cỏ 24, giờ hành động của nhũng người không khuất phục trước bạo quyền, trước những giáo điều Cộng Sản. Giờ phút ghi nhận một biến chuyển lớn…giờ kinh hoàng của các cán bộ Cộng Sản lãnh đạo tàu Vàm Cỏ 24.

Sự ra đi của tàu Vàm Cỏ 24, đã nối tiếp hình ảnh bất khuất của tàu Vàm Cỏ 16 và Tàu Sông Bé 12, để nối dài trang lịch sử vượt biển của những nguời yêu chuộng tự do.

Bằng những chiếc thuyền, bằng những chiếc tàu; người ta đã trốn chạy khỏi chế độ Cộng Sản. Với con tàu Vàm Cỏ 24, tôi đã có dịp đi đến những vùng đất cảng của Xã Hội Chủ Nghĩa miền Bắc và đã thấy quá rỏ “những gì Cộng Sản làm “. Cũng với con tàu đó tôi đã rời khỏi đất nước, rời khỏi sự kềm kẹp và “văn minh , tiến bộ kiểu Cộng Sản “.

Trong những giây phút lắng đọng của tâm tư, để hồi tưởng về quá khứ, thì hình ảnh “con tàu vượt biển “ là hình ảnh không thể nào quên được trong lòng của những người đang sống tại hải ngoại, đó là “hình ảnh của kỷ niệm”, của ân nhân. Và đối với những nguời còn sống với chế độ Cộng Sản, thì hình ảnh con tàu là hình ảnh của tương lai là những phương tiện “thoát ly “ khỏi chế độ. Người ta sẳn sàng chấp nhận thử thách với sóng gió, với hiểm nguy để thoát khỏi gông cùm của Cộng Sản.

Bao nhiêu chiếc thuyền, chiếc tàu đã rời bỏ quê Cha , đất Tổ và sẽ còn bao nhiêu chiếc khác nữa sẽ rời bỏ Quê Hương (?). Sự ra đi càng gian nan, hiểm trở; thì lòng căm thù Cộng Sản của chúng ta càng cao, và kỷ niệm buồn vui càng nhiều.

Những kẻ hải hồ tuy đã đi qua nhiều bến lạ, nhưng vẫn luôn chọn cho mình một bến cũ; để hy vọng có ngày sống lại với kỷ niệm. Đối với thủy thủ, thì biển cả lúc nào cũng như có lời mời gọi và những người thủy thủ vẫn cảm thấy cô đơn vì thiếu sự gắn bó với con tàu.

       

Hồi ký đi biển

Hồi ký đi biển

Hà đình Hậu

Riêng tặng Thuyền Trưởng HUỲNH
Chef Máy THƯỞNG

Nha Trang,ngày…….tháng 3 năm 1975

  Tàu vừa mới xong hàng tối hôm qua. Sáng nay nhận lệnh từ công ty……Tàu phải ra Đà Nẵng để tiếp tay với các tàu Hải Quân phụ giúp đồng bào… Mọi người trên tàu đều hoang mang về chỉ thị của công ty vừa đánh ra.
Trên đường trở ra Đà Nẵng sáng hôm đó….chỉ cách Đà Nẵng vài giờ tàu chạy, chúng tôi đã thoáng thấy ghe thuyền và các tàu Hải Quân đang ngược đường về hướng Nam…Thuyền Trưởng HUỲNH đã điện khẩn về công ty, để xin chỉ thị rõ ràng hơn, thì vẫn là lệnh rất mơ hồ…. »Tiếp tay với Hải Quân  và di chuyển đồng bào về Qui Nhơn « …
Cảng Đà Nẵng đã thấy mờ xa trong tầm mắt, bầu trời hôm đó không có một ánh nắng, mặc dù đã hơn 10 giờ sáng, nền trời mang nặng màu xám chì, không có dấu hiệu gì là sẽ mưa, gió tuy không mạnh lắm, nhưng cũng đủ làm thành những con sóng « bạc đầu « .
Chung quanh tàu, lúc đó đã được bao bọc bởi các ghe thuyền lớn nhỏ…..Phía tả hạm của tàu đang có một xà lan lớn (của công ty R.M.K) chở đầy người và người, già có, nhỏ có, mọi người đang nhốn nháo trên xà lan, tiếng gào thét, tiếng la hét hỗn độn…một vài tiếng súng nổ trên xà lan, như muốn kêu gọi chiéc tàu hãy dừng lại….xà lan đã cặp sát tàu trong khi máy chính của tàu đã ngừng hẳn…một sự va chạm mạnh, khi sườn tàu đụng phải chiếc xà lan…một vài người trên xà lan đã bám vào thành tàu, người nầy lên, nối tiếp người khác và những sợi dây trên tàu đã được thả xuống. Chúng tôi, một số thủy thủ đoàn không phải ca trực cũng đã tham gia công việc « bốc người » đó…..Sóng vẫn lớn, con tàu vẫn nhấp nhô trên biển cả, có những chiếc xe gắn máy, những đồ đạc được cột dọc theo xà lan,đã là những »trái độn” cho sự va chạm giữa tàu và xà lan..Mọi người đang cố gắng bằng đủ mọi cách để lên được tàu….Trên tàu lúc đó gần như không còn chỗ nào trống để người khác có thể chen chân vào, một vài gói vật dụng không cần thiết đã được vất xuống biển, để có chỗ cho người khác…
Thuyền Trưởng đã ra lệnh cho tàu nổ máy và quay ngược về hướng Qui Nhơn, chiếc xà lan vẫn như con đỉa đói cố bám chặt không chịu rời…một số lính đã qua được bên tàu, đang tìm cách chặt đứt những sợi dây đang cột chặt tàu và xà lan…để tàu có thể khởi hành về Qui Nhơn… Đà Nẵng xa dần phía sau chúng tôi….hơn một ngày trời hải hành chúng tôi lại được tin Qui Nhơn đang “bỏ chạy”…đồng bào tại Qui Nhơn đang ùn ùn chạy ra cửa biển…Tàu không vào được Qui Nhơn, chúng tôi lại tiếp tục về Nha Trang…Cuộc hành trình sang ngày thứ hai, đã có nhiều sự hỗn loạn..Số đồng bào trên tàu đã cạn lương thực…. người ta quan tâm nhiều đến những người già cả và các em bé…Vấn đề nước uống đã trở nên khan hiếm..nước trên tàu đã gần cạn… Đêm hôm thứ hai của cuộc hải hành đó, có một phụ nữ mang thai, đang lên cơn chuyển bụng, người ta đã cầu cứu ầm ĩ đến sự trợ giúp trên tàu, tôi đã hỏi ý kiến thuyền trưởng và đưa chị ta vào phòng ăn của sĩ quan trên tàu…..phải vất vả, len lỏi giữa đám đông người, tôi mới kiếm được một ông y tá trong quân đội, biết chút ít về sản khoa, để giúp đở chị sản phụ kia..Đến khi tôi và ông y tá trở lại , thì một em bé gái đã lọt lòng mẹ….bằng tất cả những gì hiện có, chúng tôi đã cố gắng lo lắng cho hai mẹ con của chị ta…. Hỏi thêm về hoàn cảnh, thì được biết chị ấy đi kiếm người chồng là lính chiến đóng tại Đà Nẵng , nhưng đã không gặp..có lẻ đơn vị của anh ấy đã di chuyển trước khi chị ấy đến Đà Nẵng.
Bằng những giọt nước mắt chân thành, chị ấy đã có lời cám ơn đến toàn thể nhân viên trên tàu đã cứu mạng sống của chị và hơn thế nữa, đã cứu luôn mạng sống đứa con đầu đời của chị…Chị ấy hứa là sẽ chọn tên của tàu để đặt tên cho đứa con của mình….Nguyễn Thị Hoà Bình….Tội nghiệp cho cô bé Nguyễn thị Hoà Bình, được ra đời trong lúc hỗn loạn, thiếu hẳn mọi phương tiện cho một hài nhi….Những lá cờ hiệu, cờ chữ trên tàu đã được dùng làm tã để bao bọc thân hình bé nhỏ của cháu… Vài gìờ sau đó, chúng tôi đã không gặp lại người đàn bà có đứa con sẽ mang tên Nguyễn Thị  Hòa Bình đó, vì tàu đã cặp bến Nha Trang…và tất cả đồng bào đã xuống bến….. NGUYỄN THỊ HÒA BÌNH
Sanh ngày…(trung tuần) tháng 3 năm 1975
Quê quán : Qui Nhơn – Đà Nẵng
Tên cha : (chưa biết)
Tên mẹ : (chưa biết)
Nơi sinh : M/V HÒA BÌNH (Công ty VISHIPCO LINE )
Nguyễn Thị HÒA BÌNH con đã là đứa con tinh thần của tàu HÒA BÌNH (theo truyền thống Hàng Hải ). Giờ này chắc con đã nên người…Con đã được sinh ra trong hoàn cảnh hỗn loạn của chiến tranh, nhưng con lại được mang tên Hòa Bình, đúng như ý nguyện cuả mẹ con. Con có hưởng hòa bình thật sự trên quê hương chăng(?) Trong khi các bác, các chú của con vẫn lưu lạc nơi xứ người………


Sydney, tháng 11 năm 2001
HÀ ĐÌNH HẬU

Hành trình tìm tự do

 Hành trình tìm tự do

Bìa cuốn kỷ yếu Hành trình tìm Tự Do – Journey to Freedom – April 22, 2015

            Đó là tựa đề cuốn Kỷ Yếu do nhóm thân hữu Trường Xuân ở Sydney, Úc Châu, thực hiện để ghi nhớ đúng 35 năm gần 4000 người tỵ nạn Việt Nam rời bỏ quê hương trên chuyến tầu định mệnh Trường Xuân. Tôi rất ngạc nhiên khi cầm trên tay cuốn kỷ yếu thật đặc biệt từ hình thức tới nội dung và khá tốn kém này. Thoạt nhìn, có người tưởng lầm đây là một cuốn tự điển vì vẻ “gồ ghề” của nó từ cái bìa cứng in chữ lớn mạ vàng óng ánh tới bề dầy 2 inches và hơn 600 trang bằng loại giấy láng dầy. Theo tôi, ngoài nhóm thân hữu Trường Xuân ở Úc ra, có lẽ không có một hội đoàn hay đoàn thể non-profit nào tại hải ngoại dám gồng mình thực hiện một cuốn kỷ yếu có tầm cỡ và tốn kém như vậy. Cuốn kỷ yếu mang tựa đề “Hành trình tìm Tự Do – Journey to Freedom”quả là một di sản giá trị để lại cho các thế hệ con cháu sau này, có thể đọc và hiểu được lý do tại sao cha ông của họ đã phải liều chết đi tìm Tự Do. Tất cả những tài liệu, những bài viết, những hình ảnh trong cuốn Kỷ Yếu đều được trình bày bằng song ngữ Việt-Anh để giới trẻ có thể đọc hay nghiên cứu. Chưa hết! Cuốn Kỷ Yếu này còn được gửi tặng tất cả các vị nguyên thủ của 14 quốc gia đã dang rộng vòng tay nhân từ đón nhận những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam trên chuyến tầu Trường Xuân. Cuốn sách sẽ được lưu giữ và trưng bày tại nhiều thư viện của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ðã có rất nhiều người nghe biết về chuyến tầu Trường Xuân nhưng có lẽ vẫn chưa rõ các diễn biến và các chi tiết về chuyến hải hành đầy cam go này. Nhạc sĩ Lam Phương cũng là một thuyền nhân trên con tầu định mệnh Trường Xuân.          

Xin mượn những dòng tâm sự của Thuyền trưởng Phạm-Ngọc-Lũy để nói về chuyến tầu định mệnh Trường Xuân: “Thượng đế đã ban cho tôi ân huệ được sống với đồng bào trong những giờ phút đau thương và bi thảm nhất của một giai đoạn lịch sử tan vỡ. 10 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, tiếng nói từ đài phát thanh Sài gòn gieo vào lòng người quốc gia nỗi kinh hoàng đến tuyệt vọng. Làn sóng người đổ xô ra tầu Trường Xuân mỗi phút mỗi đông. Tôi thấy bóng dáng nhiều binh chủng lẫn trong đám đồng bào. Tất cả đã hy sinh rất nhiều, đã quá yêu tổ quốc và gia đình… Tất cả đều mang nét mặt buồn thảm, hốt hoảng đến cùng cực, đi tìm đường sống trong cái chết. Trên đài chỉ huy, tôi bị dằn vặt và bị ám ảnh nặng nề về tin tức tôi mới nhận được từ viên sĩ quan phụ tá: có âm mưu phá hoại! Tôi biết mình phải làm gì? hành động thế nào để có thể đưa thoát đồng bào rời khỏi Sài Gòn nơi chúng ta đã bám vào đấy để sống. Tôi vốn dĩ lạnh lùng trước hiểm nguy nhưng tôi lại có nhược điểm là rất dễ bị xúc động. Bình tĩnh trước gian nguy tôi thấy dễ nhưng ngăn chặn được giọt nước mắt lăn trên má lúc này mới là điều khó khăn. Không bình tĩnh, không nén được xúc động, tôi sẽ mất hết đồng bào, mất hết những người thân yêu. Tôi đã vận dụng hết khả năng, ý chí, tận dụng nguồn sinh lực để cố giữ bình tĩnh cho chính mình vì tôi không muốn và không được phép “chưa lâm trận đã chịu thất trận”. Trong giờ phút muộn màng, gay go, nguy cấp nhất và biết trước sẽ gặp rất nhiều bất trắc, tôi vẫn tin tưởng, tin mình, tin đồng bào ý thức được mối nguy chung… tôi ra lệnh khởi hành. Ðồng hồ chỉ 13 giờ 30 phút.”

Ðể quý vị có một cái nhìn khá chi tiết về chuyến tầu định mệnh Trường Xuân, xin được ghi lại vài trang Nhật ký Hải hành của Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy như sau:

14-4-1975: Trường-Xuân (TX) rời Singapore về Sài gòn.

17-4-1975: TX cập bến kho 5 Khánh Hội lúc 14 giờ.

20-4-1975: Thuyền chủ Trần-Ðình-Trường đề nghị: TX chở hết đồng bào nào muốn di tản tại miền Trung…

21-4-1975: TX chất đầy hàng sắt phế thải để chở đi Manila.

26-4-1975: Sắt đã chất đầy 2 hầm tầu. Thủ tục quan thuế và giấy xuất ngoại đã chuẩn bị đầy đủ… nhưng lò hơi vẫn chưa sửa chữa xong.

27-4-1975:Tầu trong tình trạng không có Cơ khí trưởng… việc chở người di tản coi như bị hủy bỏ.

29-4-1975: Phi trường TSN bị pháo kích dữ dội.

–  13 giờ: tôi lại hãng tầu nhưng không gặp Thuyền chủ Trần Ðình Trường (TÐT).

– 16 giờ: Ông TÐT chỉ thị: Thuyền Trưởng có toàn quyền sử dụng tầu TX.

– 19 giờ : Tôi ra tầu nhưng không gặp Cơ khí trưởng. Tôi chỉ thị sĩ quan phụ tá TVC: Tầu sẽ khởi hành ngày 30 tháng 4 khoảng 12 giờ trưa…

– 20 giờ: Tôi trở về nhà và suốt đêm không sao ngủ được. Tôi phải có quyết định dứt khoát: đi hay không đi ! Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cuộc di tản đầy chết chóc tại miền Trung.

– 6 giờ sáng: Tôi ra tầu để thẩm định tình trạng con tầu.

– 7:45 sáng: Tôi trở lại nhà… Gần 200 bà con anh em, hàng xóm dồn lên 2 chiếc xe GMC nhưng bị chận lại ở cổng thương cảng mặc dù đã xuất trình giấy tờ của Bộ nội vụ. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng vô được bên trong…

– 9:45 sáng: Sĩ quan vô tuyến xin ở lại vì thất lạc gia đình. May mắn cùng lúc đó anh NNT, sĩ quan vô tuyến của một tầu khác cùng hãng đến xin thay thế. Ðồng bào kéo tới và lên tầu mỗi lúc một đông.

– 10:25 sáng: Ðài phát thanh loan tin đầu hàng… và ngay sau đó hàng ngàn người gồm các quân, dân đổ xô xuống tầu TX từ khắp mọi nẻo.

– 12:00 trưa: Dinh Ðộc Lập và Ngân hàng quốc gia bị chiếm

– 12:30: Cơ khí trưởng báo tin máy đã ở tình trạng chuẩn bị sẵn sàng. Lệnh khởi hành được ban ra tức khắc. Nhưng vừa tách bến, hệ thống lái bị phá hoại: có người đã đổ nước vào máy thay vì đổ dầu… Thủy triều bắt đầu lên đẩy lái quay ngang sông và dần dần mũi tầu quay ra biển. Ðến bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc : Tại sao lại có cái may mắn lạ lùng này ???

13:30 : Tầu TX khởi hành sử dụng hệ thống lái tay phòng hờ, một việc mà không thuyền trưởng nào dám làm trong sông. Tôi thành lập ngay ban tham mưu và các ban cần thiết khác :

a. Ban tham mưu: gồm 1 trung tá phi công, 1 thiếu tá cựu sĩ quan sư đoàn 25 BB, 1 nha sĩ, 1 giáo sư, 1 -3 luật sư, 2 cựu sĩ quan hải quân, 1 sinh viên.

b. Ban an ninh trật tự: gồm 1 trung tá cảnh sát dã chiến, 1 thiếu tá dù và nhiều sĩ quan, binh sĩ, 1 dân sự.

c. Ban y tế : gồm 1 bác sĩ và nhiều tình nguyện viên khác…

– 17 giờ: Máy phát điện bị tê liệt. tầu mắc cạn, mũi tầu đâm vào bờ. Hàng chục thanh niên xuống phòng máy bơm thuyền trưởng năn nỉ cầu xin giúp đỡ, tầu kéo xà lan mang tên Song An đã cột dây thừng kéo tầu TX khỏi chỗ bị mắc cạn và kéo TX từ từ ra Vũng Tầu ví như con kiến mà kéo con… voi.

– 23:00 : Tầu Song An đâm vào lưới cá. Các anh em binh sĩ nỗ lực cưa dây cáp và lưới cuốn vào chân vịt tầu Song An.

01-5-1975: Dây kéo tầu bị đứt liên tục vì tầu TX quá nặng với hàng ngàn tấn sắt vụn và gần 4000 sinh mạng. Thủy triều lên quá mạnh.

– 5 giờ sáng: TX chạy sát gần ven chân núi Vũng Tầu để tránh con tầu chìm “Kagwamaru”. Dây cáp lại bị đứt. Tầu TX trôi ngược lại dạt ra xa chân núi. Quân nhân trên tầu ở tư thế chiến đấu nếu bị tấn công

– 7:30 sáng: TX chạy ngang bãi trước

– 8:00 sáng: TX chạy ngang phao London Maru, cách Sài Gòn 45 hải lý. Nước bắt đầu ròng

– 10:00 sáng: TX cách Vũng Tầu 16 hải lý về phía nam. Máy chạy lại được. Tôi ra lệnh nộp tất cả vũ khí. Súng lớn súng nhỏ vào khoảng 50 cây được cất trong phòng hải đồ và được khóa cẩn thận.

02-5-1975: Sau bao nhiêu tai nạn liên miên xảy ra, chịu đói chịu khát, nhưng nhờ nỗ lực và ý thức tự giác cao độ của tất cả đồng bào trên tầu… nên tới 16 giờ ngày 2-5-1975, gần 4000 đồng bào tỵ nạn cộng sản đã được chuyển sang an toàn trên tầu Ðan Mạch mang tên Clara Maersk trong khi nước biển đã tràn ngập phòng máy. Sau khi nhận được tín hiệu SOS kêu cứu, chiều ngày 2 Tháng Năm, tầu Ðan Mạch đã chạy tới gần tầu Trường Xuân. Tôi vội vã sang tầu Ðan Mạch để gặp vị Thuyền Trưởng và khẩn thiết yêu cầu ông hãy vì nhân đạo mà cứu hết mọi người. Lúc đầu TT Olson chỉ muốn tiếp tế thức ăn, nước uống và thuốc men nhưng sau khi tôi xin ông qua thăm tình trạng bi đát của đồng bào và sau khi thấy tận mắt rất nhiều người nằm la liệt trên tầu TX vì kiệt sức, vì đói khát nhất là tình trạng vệ sinh rất tồi tệ rất dễ sinh ra các bệnh truyền nhiễm khác v.v. TT. Olson, đã quyết định cứu vớt tất cả trong tiếng reo hò và vỗ tay vang dội của mọi người. Khi tất cả đã an toàn trên tầu Ðan Mạch, tầu TX bị bỏ lại bồng bềnh trên mặt biển bao la. Và khoảng một tháng sau đó, một tầu đánh cá của Hồng Kông đã tình cờ gặp tầu TX và kéo vào bờ cùng với thi hài của Ðại Tá Vòng A Sáng. Ông đã chết vì kiệt sức không thể leo qua tầu Ðan Mạch và thay vì bị ném xuống biển, xác ông đã được bỏ lại trên tầu TX. Trước ông Sáng, đã có 2 người tự sát vì quá tuyệt vọng và vì vợ con còn ở lại không có mặt trên tầu TX. Nhưng bù lại, đã có 2 em bé được sinh ra trên tầu TX và hiện nay cả 2 em đều rất thành công tại hải ngoại sau đúng 40 năm.

Tầu Ðan Mạch chở đồng bào tới Hông Kông vào tối ngày 2-5-1975 và chúng tôi được cho tạm trú tại 3 trại tị nạn để chờ được định cư tại quốc gia thứ ba. Ðược biết đã có 14 quốc gia tiếp nhận gần 4000 đồng bào tỵ nạn trên con tầu Trường Xuân.

Sau bốn mươi năm xa xứ, các thế hệ con cháu của những người di tản đã và đang đóng góp tài năng, trí tuệ cho quốc gia mà họ đã nhận làm quê hương thứ hai. Và niềm hy vọng nhìn thấy một quê hương thanh bình, tự do vẫn luôn trong tâm thức họ…

 

Tàu Trường Xuân và chuyến hải hành cuối cùng

https://www.blogger.com/static/v1/jsbin/449444907-ieretrofit.js
Tàu Trường Xuân và Chuyến Hải Hành Cuối Cùng

 Vũ Thụy Hoàng

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

            Mãi đến bốn giờ chiều ngày 29/4/75, sau khi phi trường Tân Sơn Nhứt bị oanh tạc và pháo kích, chủ tàu Trần Đình Trường mới chạy xe tới nhà Lũy báo tin : « Thuyền Trưởng được toàn quyền xử dụng tàu Trường Xuân để chở đồng bào tị nạn đi Phú Quốc. Xếp máy Lê Hồng Phi sẽ xuống tàu ». Trường trao cho Lũy giấy phép của Bộ Nội Vụ trưng dụng tàu Trường Xuân để chở người tị nạn.
Bài đọc suy gẫm:  Trong tuần qua, tin tức về Tỷ phú Trần Đình Trường qua đời sau một thời gian dài bạo bịnh tràn ngập các trang báo trong ngoài nước.  Ông cũng là một người mạnh thường quân đã từng giúp đồng hương tị nạn Việt Nam từ khắp thế giới về thành phố New-York sinh hoạt được nhiều lần nghỉ miễn phí tại khách sạn Carter do gia đình ông làm chủ. Và những đóng góp bằng hiện kim quan trọng khác như ủng hộ 1 trăm nghìn mỹ kim cho quỹ thương binh VNCH tại Việt Nam,  nổi bật nhất là trong vụ 911 tại New-York, đã đóng góp 2 triệu mỹ kim để giúp đỡ những nạn nhân và gia đình của họ. Nhóm chủ trương Blog 16 xin được “Thành Kính Phân Ưu” và chia buồn đến gia đình thân quyến.  Nguyện cầu linh hồn Ông Trần Đình Trường sớm được về hưởng Nhan Thánh Chúa.
Ông Trần Đình Trường và thân hữu
…Những ngày cuối tháng năm 1975, hàng trăm tàu thuyền bè đủ loại lớn nhỏ chở người chạy trốn cộng sản ra biển.  Trong số đó, có 2 con tàu khá nổi tiếng mà nhiều bác sau bức tường lửa chắc chưa bao giờ nghe nói tới vì bị bưng bít. Một là chiếc Việt Nam Thương Tín chở hơn 2000 người Việt tỵ nạn  đến được đảo Guam. Song khi cặp bến con tàu này lại dùng để đưa gần 1600 người Việt hồi hương, trở về Việt Nam vì tin tưởng vào chính sách khoan hồng của chính thể mới, nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam… để rồi tất cả đều được nhà nước ta ưu ái cô lập, đưa lên rừng đào khoai sắn, còn lính tráng thì đi học tập cải tạo… Chiếc thứ 2 là con tàu Trường Xuân do ông Trần Đình Trường là chủ nhân.  Dưới sự khéo léo và có lòng của vị thuyền trưởng, đã đưa được gần 4 nghìn người đến được bến bờ Tự Do.  Blog 16 xin hân hạnh trích đăng hồi ký “Tàu Trường Xuân và Chuyến Hải Hành Cuối Cùng” – tức thương cảng Sài Gòn, ” Nước Vỡ Bờ”, tác giả Vũ Thụy Hoàng dựa theo “Hồi Ký Một Đời Người” của Thuyền Trưởng Phạm Ngọc Lũy? Hình ảnh từ các nguồn chỉ là minh họa.
Thương cảng Sài Gòn: “nước vỡ bờ”
Vũ Thụy Hoàng (Sàigòn tuyết trắng)
Sau khu Hải Quân, thương cảng Sài Gòn là nơi nhiều người Việt ùa tới vào sáng ngày 30/4, khi Cộng quân đã đến cửa ngõ Sài Gòn. Nhiều người tất tả chạy tới, vẻ mặt hãi hùng, buồn thảm, hy vọng kiếm được tàu, thuyền để thoát khỏi Việt Nam. Kho 5 Khánh Hội là địa điểm được nhiều quân nhân, công tư chức túa đến. Tại đấy có mấy chiếc tàu buôn lớn của Việt Nam đang đậu sẵn.
Đứng trên đài chỉ huy của tàu Trường Xuân, thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy nhìn thấy rõ cảnh dân chúng xông ra tàu, sau khi lệnh cho quân dân các cấp hạ khí giới được loan báo trên đài phát thanh Sài Gòn. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ thơ. Dân sự có, quân nhân có. Quân nhân đủ loại thuộc nhiều quân binh chủng khác nhau. Có người còn đủ quân phục, súng ống, đạn dược. Cả một trung đội cảnh sát dã chiến võ trang đầy đủ tràn vào. Ai cũng vội vã chạy lên tàu, chen lấn nhau, làm cầu tàu gẫy. Không có cầu tàu họ tìm mọi cách, mọi phương tiện để lên tàu. Người trèo qua cần trục ở gần tàu để xuống. Phía trên bờ, phía ngoài sông, quanh mũi, sau lái, người người leo giây, cõng nhau, công kênh nhau lên vai, trèo lên lưng nhau để cố lên tàu. Có thuyền bị lật, người bơi được, người chới với dưới nước. Chỉ trong chốc lát đã có khoảng ba ngàn người chen chúc nhau như nêm cối trên tàu Trường Xuân.
Là một tàu chở hàng và chỉ đủ chỗ an toàn để chở 12 hành khách, Trường Xuân nay phải tiếp nhận một số khách quá lớn mà không được chuẩn bị dù là tối thiểu. Máy móc đã cũ kỹ, còn bị phá hoại ngầm. Thủy thủ đoàn lại thiếu, chỉ có một phần tư. Có người lên tàu, rồi sau muốn quay trở về. Người khác hoảng hết báo động có đặc công Việt Cộng ở trên tàu. Chuyến đi của Trường Xuân vì thế trở thành một cuộc hải hành có đủ gay cấn, nguy hiểm, bạo hành, đói khát, xen lẫn với những phấn đấu quả cảm, trước những thử thách hư máy, mắc cạn, xô người xuống biển, trôi dạt giữa biển cả.
Trường Xuân là một trong số những tàu Việt Nam chở được nhiều người tị nạn nhất.
Theo thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy (hình bên), trong những buổi chuyện trò năm 1981 và 1999, cùng cuốn Hồi Ký Một Đời Người, Trường Xuân chỉ mới trở lại bến Sài Gòn ngày 17/4 sau bốn tháng ngang dọc vùng biển Đông Nam Á. Tàu lúc ấy lo chuyên chở hàng hóa theo khế ước ký kết với một hãng vận tải ở Tân Gia Ba. Khế ước đáng lẽ đến tháng 6 mới hết hạn, nhưng vào đầu tháng tư thuyền trường Lũy yêu cầu chủ hãng là Vishipco Lines chấm dứt khế ước để tàu trở về Sài Gòn gấp, sau khi Lũy nghe đài phát thanh BBC và Úc Đại Lợi loan báo Cộng quân chỉ cách Sài Gòn chừng 60 cây số mà ít gặp sự chống cự. Lũy cũng như thủy thủ đoàn 24 người đều âu lo cho gia đình ở Việt Nam.
Là người Bắc di cư vào Nam sau hiệp định Genève năm 1954, và từng gắn bó với nhiều đảng viên của Duy Dân, Lũy và gia đình cũng muốn rời Việt Nam lánh nạn cộng sản. Lũy trở lại Sài Gòn vào lúc thành phố đã giao động mạnh. Nhiều người đang xốn xao tìm đường ra khỏi nước. Lủy đề nghị với chủ hãng Vishipco Lines chuẩn bị dùng đoàn tàu của hãng để chở người tỵ nạn, đồng thời chạy được đoàn tàu ra nước ngoài, nhưng đề nghị đó không được chấp thuận.
Điều Lũy quan tâm nhất đối với Trường Xuân là tình trạng máy móc của tàu. Trường Xuân được đóng tại Nhật Bản vào thập niên 1950, và sau chuyến hải hành vừa qua đáng lẽ phải được đại tu bổ. Vì tình hình Việt Nam, việc đưa tàu vào ụ để sửa phải hoãn lại. Tàu chỉ được sửa những bộ phận cần thiết và lo chuẩn bị cho chuyến đi khác
Trường Xuân không có Cơ khí trưởng để thay thế người đã xin nghỉ việc. Lũy đã xin tuyển gấp mà chưa được. Lũy lo ngại có âm mưu phá hoại tàu khi được biết một vài người xuống sửa chữa tàu có những dáng điệu khả nghi. An ninh của tàu cũng không được bảo đảm. Ngày 28/4 Lũy ra thăm tàu, không thấy một thủy thủ nào, kể cả sĩ quan trực. Trong hoàn cảnh ấy Lũy cảm thấy mình bất lực, và hầu như tuyệt vọng, không biết làm cách nào để đưa tàu và gia đình cùng nhiều người khác ra khỏi Việt Nam.
Mãi đến bốn giờ chiều ngày 29/4, sau khi phi trường Tân Sơn Nhứt bị oanh tạc và pháo kích, chủ tàu Trần Đình Trường mới chạy xe tới nhà Lũy, báo tin: “Thuyền trưởng được toàn quyền xử dụng tàu Trường Xuân để chở đồng bào tỵ nạn đi Phú Quốc. Xếp máy Lê Hồng Phi sẽ xuống tàu”, Trường trao cho Lũy giấy phép của Bộ Nội Vụ trưng dụng tàu Trường Xuân để chở người tỵ nạn.
Lúc này nhiều máy bay trực thăng Mỹ đã bay lượn trên bàu trời Sài Gòn để di tản người Mỹ và một số người Việt. Lũy và con trai chạy vội ra tàu. Sĩ quan phụ tá báo cáo xếp máy Lê Hồng Phi đã coi máy móc tàu và cho biết tàu có thể khởi hành hôm sau. Phi đang về nhà đón gia đình ra tàu. Lũy liền quyết định lấy phấn viết lên tấm bảng gỗ treo ở cầu tàu: “Trường Xuân rời Sài Gòn 11 giờ sáng ngày 30/4/75.” Lũy sau đó cũng vội vã về nhà, thông báo cho bà con, thân nhân và lối xóm ngày giờ Trường Xuân rời bến.
Sáng sớm hôm sau, Lũy trở lại tàu. Cả đêm 29 Lũy thức trắng đêm vì lo nghĩ cho chuyến đi, trong lúc Sài Gòn giới nghiêm 24 giờ đồng hồ, và Cộng quân bắt đầu xâm nhập thành phố. Gia đình, thân nhân, hàng xóm, khoảng 200 người, chen chúc nhau lên hai xe vận tải chạy theo sau. Hai xe vận tải bị cảnh sát thương khẩu chặn lại không cho vào. Lũy dơ giấy phép của Bộ Nội Vụ. Cảnh sát từ chối, nói gia đình ông sao đông thế. Một người trên xe liền đưa cảnh sát một phong bì dày cộm. Hàng rào kẽm gai được dẹp sang bên, và cổng được mở cho xe vào.
Nhiều toán người khác cũng hốt hoảng chạy tới, định vượt hàng rào kẽm gai, tràn vào thương cảng. Cảnh sát phải bắn súng thị oai để ngăn chặn. Giữa lúc hỗn độn và sợ sệt đó, sĩ quan vô tuyến điện của tàu Trường Xuân bị lạc vợ con. Không tìm thấy gia đình, anh quyết định ở lại. Mất người hên lạc vô tuyến, Lũy âu lo cho số phận Trường Xuân đi trên biển như người câm điếc. Mấy phút sau Lũy mừng rỡ khi gặp một vô tuyến điện viên của một tàu khác đang tìm đường chạy.
Trường Xuân lúc này đã có mấy trăm người trên tàu. Khi tin Sài Gòn đầu hàng loan đi, dân chúng ùa vào kho 5 Khánh Hội như nước vỡ bờ. Trong chốc lát, Trường Xuân đông nghẹt người.
Những người đến sau còn nói xe tăng cộng quân đã chiếm dinh Độc Lập. Trường Xuân lúc ấy vẫn nằm bất động tại bến.
Mãi đến 12 giờ rưỡi, Lũy mới cho lệnh khởi hành được. Tàu vừa từ từ tách khỏi bến, trục trặc máy móc lộ rõ ngay. Tay lái tàu không ăn theo hướng định lái. Cơ khí trưởng xem xét và khám phá thấy tay lái có nước ở trong, thay vì dầu. Tàu không còn cách nào khác là dùng tay lái phòng hờ để chạy gấp, tuy việc lái tàu phải khó khăn và phiền toái hơn. Một binh sĩ hải quân tình nguyện điều khiển tay lái phòng hờ theo lệnh truyền qua ống loa của thuyền trưởng. Loay hoay mãi đến 1 giờ rưỡi trưa tàu mới rời kho 5. Sau này có tin Trường Xuân vừa chạy qua khỏi kho 18 chừng năm phút, xe tăng cộng quân xông tới ủi xập cổng thương cảng và chiếm đóng toàn khu bến tàu Khánh Hội.
Ra đến Nhà Bè, Trường Xuân bị mấy ghe nhỏ đuổi theo để xin cho người lên tàu. Rồi phòng điện tín được thông báo tàu Việt Nam Thương Tín và tàu Tân Nam Việt  bị phục kích ở gần khu Rừng Sát. Tin này làm Trường Xuân phải chuẩn bị để đương đầu.
Thuyền trưởng Lũy ngay sau khi thấy tàu bị đám đông tràn ngập, trong đó có nhiều người võ trang súng ống, đã cho lập ngay ban tham mưu của tàu, trong đó có một số sĩ quan quân đội. Trung Tá Lưu Bính Hảo, có cả một trung đội cảnh sát dã chiến võ trang đầy đủ đi theo, được cử làm trưởng ban an ninh. Những binh sĩ khác trên tàu cũng được điều động tham gia phòng bị. Trường Xuân may thay không bị phục kích.
Qua khỏi khu Rừng Sát, khoảng năm giờ chiều máy đèn tàu Trường Xuân ngừng chạy khi hệ thống làm nguội máy bị tê hệt. Điện mất, tay lái phòng hờ không điều khiển được. Đầu Lũy xáo động. Cố trấn tĩnh, Lũy cho tàu chạy chầm chậm để tính kế. Tàu không thể thả neo vì thiếu thủy thủ. Để tàu trôi, tàu có thể bị dạt vào bờ mắc cạn theo chiều dài của tàu thì nguy hiểm. Lũy cho tàu chạy chậm, rồi đâm nhẹ vào bờ. Với kiểu mắc cạn này, hầu hết thân tàu nổi trên sông, tàu sẽ được kéo ra dễ hơn.
Thuyền trưởng Lũy chạy vội xuống phòng máy bảo cơ khí trưởng Phi chuẩn bị hơi ép đầy đủ để cho máy chạy lùi rút ra khỏi bãi cạn. Phi thông báo máy đèn bị hư vì ống van hệ thống nước làm nguội bị khóa lại, một dấu hiệu phá hoại. Phi cũng cho hay không có đủ hơi ép để chạy máy chính.
“Cho chạy máy đèn để “sạc” bình hơi,” Lũy nói.
“Cũng không còn đủ hơi ép để chạy máy đèn,” Phi đáp. “Phải cần tới 16 kí lô áp suất. Đồng hồ chỉ còn ghi 12 kí lô thôi.”
Thanh niên được huy động để bơm hơi ép bằng tay. Họ cố bơm hơn 16 kí để có thể nổ máy được vài lần. Khi bơm tới 18 kí thì đầu van bơm bị gãy. Hơi ép xì mất, xuống còn 11 kí. Mang đầu van gãy đi hàn thì thấy giây hàn bị cắt, một dấu hiệu nữa cho thấy có mưu toan phá hoại. Một thợ máy chạy lục soát các nơi ở phòng máy, tìm thấy một đầu van cũ ở gần máy đèn. Việc bơm tay lại được tiếp tục.
Trong lúc tàu mắc cạn, nhiều người sợ Việt Cộng tới tấn công hoặc bắt giữ. Có người vội thủ tiêu giấy tờ trong ví. Người khác làm dấu đọc kinh, người niệm Phật.                                                          
Giữa tình cảnh lo âu, nơm nớp đó, mọi người cầu mong có tàu đi qua để cầu cứu. Niềm mong ước đó không phải đợi lâu. Một tàu nhỏ để kéo xà lan đang từ Vũng Tàu chạy đến. Trước những tiếng kêu cứu, vẫy gọi, tàu kéo vẫn tiếp tục chạy. Mấy loạt súng liên thanh bắn chặn, tàu kéo Song An mới sáp lại. Rồi sau có vài tàu nhỏ của hải quân, trương cờ trắng, cũng ở phía Vũng Tàu chạy về, đã ghé lại phụ giúp Song An kéo Trường Xuân ra khỏi chỗ cạn. Song An sau đấy bắt giây cáp lên mũi Trường Xuân, kéo ra biển. Thuyền trưởng Lũy ví Song An kéo Trường Xuân như “con cóc kéo con bò,” nhưng nhờ có thêm nước triều ròng, tàu được kéo đi dễ dàng.
Kéo đi ngon trớn, Song An không để ý lắm tới mặt nước. Khi nghe thuyền trường Lũy hô lớn “Lái hết sang mặt,” tài công Song An chưa kịp phản ứng thì đã nghe tiếng kêu răng rắc. Song An đã đâm gãy cọc dãy đăng bắt cá mà ngư phủ giăng mờ mờ trên biển gần Vũng Tàu. Lưới cá quấn vào lái và chân vịt, Song An nằm kẹt cứng ở đấy. Lúc đó vào khoảng nửa đêm.
Binh sĩ và thanh niên phải sang gỡ lưới và dùng cưa sắt để cưa cọc. Cả tiếng đồng hồ sau, Song An mới được giải thoát và tiếp tục kéo Trường Xuân đi. Khi gặp nước lớn, Song An kéo rất vất vả. Giây cáp bị đứt mấy lần nữa. Có lúc Trường Xuân bị kéo dạt gần sát Vũng Tàu, nhìn thấy rõ Bãi Trước vào lúc sáng sớm. Nhiều người hồi hộp sợ Việt Cộng cho ghe đuổi theo tàu. Ban an ninh trên tàu đã chuẩn bị tác chiến. Một giờ sau Trường Xuân đi xa khỏi Vũng Tàu, để ra biển khơi.
Không gặp Việt Cộng, Trường Xuân lại bị vài thuyền khác chở đầy người đuổi theo để xin lên. Có thuyền còn bắn súng chỉ thiên để áp đảo, không biết Trường Xuân được võ trang hùng hậu hơn nhiều. Thuyền này được lệnh vứt hết súng xuống biển trước khi được cho người lên.
Tới 10 giờ sáng ngày 1 tháng 5, máy chính của Trường Xuân được sửa chửa, nổ ròn rã. Thân tàu rung chuyển. Mọi người vỗ tay vui mừng. Song An chuẩn bị chia tay. Những người đi trên Trường Xuân hô hào nhau thu góp được hơn chín triệu bạc để tưởng thưởng cho Song An. Lúc Song An giã từ, gần chục người cũng bỏ Trường Xuân để trở về với Song An. Thuyền trưởng Lũy sau này được giới hàng hải cho tin tài công tàu Song An đã bị hạ sát trước khi về tới Sài Gòn, có lẽ vì số bạc tường thưởng trên.
Thoát được tới hải phận quốc tế, không còn sợ Việt Cộng đuổi bắt, Trường Xuân còn phải đối phó với nhiều cam go khác, khi gần 4.000 người chen chúc nhau trên tàu. Họ lại thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau và một số có võ khí. Để duy trì trật tự và phòng ngừa bạo động, lệnh tước khí giới được ban hành. Súng ống mang nộp cho ban an ninh được chất đầy phòng hải đồ và khóa lại.
Đói khát chật chội và mệt mỏi thể hiện rõ trên tàu. Trường Xuân, sau khi từ Tân Gia Ba trở về, đã được tiếp tế 180 tấn nước ngọt và 10 tạ gạo để dự trù cho thủy thủ đoàn trong chuyến hải hành ba bốn tháng tới. Thuyền trưởng Lũy nghĩ số gạo, nước đó có thể giúp những người trên tàu tạm cầm hơi trong chuyến đi ngắn ngủi này. Chính Lũy, sau cả ngày đêm lo cho tàu ra khỏi hải phận, cũng không được ăn uống gì. Bếp tàu báo cáo cơm nấu vừa chín, chưa ra khỏi bếp, đã bị nhiều người tới lấy ăn hết. Nước ngọt cũng bị cạn quá mau lẹ. Người già và trẻ em không có cơm ăn, nước uống trong hơn một ngày đã lộ rõ vẻ mệt mỏi. Vài cảnh dành dật nước uống đã xảy ra. Ban an ninh có lúc phải bắn súng thị uy.
Trong tình trạng khổ cực, căng thẳng đó, có người đã tuyệt vọng. Hai vụ tự tử bằng súng đã xảy ra vào chiều ngày 1 tháng 5, cách nhau clủ có 15 phút. Vụ tự tử cho thấy lệnh nạp khí giới đã không được thi hành triệt để. Một giờ sau hai vụ tự tử, có tiếng kêu: “Người rớt xuống biển!”
Lại tự tử, hay vô tình bị rớt?
Tàu tiếp tục chạy, hay quay lại vớt người? Thuyền trưởng lại phân vân, suy nghĩ. Quay lại vớt, nhỡ máy tàu hỏng thì sao? Liệu có tìm được nạn nhân? Gạn hỏi nhân chứng, biết có người rớt thật, Lũy quyết định quay tàu trở lại. Một số người tỏ vẻ bất bình, cho rằng tìm thấy người giữa biển rộng là việc làm tốn công và vô ích.
Mặt biển lúc ấy êm đềm, chỉ có sóng lăn tăn. Trời vào khoảng năm giờ chiều, hãy còn sáng. Tàu quay trở lại đường cũ chừng nửa giờ thì nạn nhân được phát hiện qua ống nhòm, và được vớt lên. Trong thư viết sau này cho thuyền trưởng Lũy, người được vớt là Vũ Văn Thụ cho hay anh đã bị một vài người xô đẩy xuống biển. Anh đã hoảng hốt chạy lên tàu để đi không mang theo vợ con, khi nghe Việt Cộng về. Lúc ra khơi, anh thấy hối tiếc và tỏ ý muốn quay về Việt Nam. Vài người ở gần nghe nói hền xô anh xuống biển.
Lại có tin lầm Việt Cộng trà trộn trên tàu và mưu toan phá hoại tàu, làm ban an ninh phải lục soát những chỗ khả nghi và theo dõi mấy người bị điềm chỉ.
Tối hôm đó tàu tiếp tục cuộc hành trình ì ạch về phía nam biển Nam Hải. Đến khoảng tám giờ tối, xếp máy Phi cho hay: “Nước vào phòng máy rất nhiều. Thuyền trưởng cho đổ bộ nơi nào gần nhất.”
Tin này làm thuyền trưởng giật mình. Nỗi lo tàu chìm làm Lũy biến sắc. Lũy bị mồ hôi vã ra như tắm khi đo hải đồ vị trí từ tàu tới địa điểm dự trù đến. Đoạn đường gần nhất cũng phải mất 30 giờ, vì tàu lúc ấy hãy còn loanh quanh vùng Côn Đảo. Lũy cố che dấu nỗi âu lo đang cấu xé tâm can.
Tàu chạy thêm nửa giờ nữa thì máy im bặt. Đèn phụt tắt. Tàu thả trôi trên mặt biển. Phòng máy làm việc dưới ánh đèn pin. Máy tắt vì bị nghẹt dầu. Thanh niên lại thay nhau xuống phòng máy tát nước. Đài chỉ huy tối om, không đọc được hải đồ để nghiên cứu lộ trình. Không điện, phòng điện tín cũng không hên lạc được với thế giới bên ngoài. Trường Xuân trải qua một đêm hãi hùng lo sợ. Lệnh giới nghiêm cũng được áp dụng trong đêm.
Sáng ra máy tàu được sửa và nổ lại. Máy bơm đù hoạt động hết sức cũng chỉ đủ giữ cho nước không lên cao trong phòng máy mà thôi. Điện tín cấp cứu được đánh đi trên băng tần quốc tế, báo tin Trường Xuân bị “nước tràn vào phòng máy, có cơ nguy bị chìm… Gần 4000 người Việt trốn chạy cộng sản đang bị đói khát. Nhiều con nít bị bệnh. Cần được tiếp cứu thượng khẩn.
Điện tín đánh đi được 10 phút, Trường Xuân nhận được trả lời của tàu Clara Maersk. Hai tàu tiếp tục liên lạc với nhau. Tàu Đan Mạch cho biết có thể chở đi 1.500 đàn bà và trẻ con.
Tin tàu Đan Mạch sẽ tới nơi vào khoảng trưa làm mọi người trên tàu reo vang. Ai nấy ngong ngóng chờ đợi. Niềm vui đó chưa làm thuyền trường Lũy hết nhức nhối khi nghĩ chỉ có 1500 người được đưa đi. Còn những người khác thì sao?
Chờ tàu đến, mọi người dương mắt ngóng nhìn mặt biển. Một chấm đen xuất hiện, sau biến thành con tàu khổng lồ, gấp bảy tám lần tàu Trường Xuân. Khi tàu Clara Maersk đến gần, tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy cả vùng biển. Thuyền trưởng Lũy sang gặp thuyền trường Anton Olsen của tàu Đan Mạch. Hai người nói chuyện, rồi Olsen đồng ý tiếp nhận tất cả 3628 người trên tàu Trường Xuân. Chuyến tàu chót của Trường Xuân kết thúc sau hơn 50 giờ hành trình.
Lên tàu Đan Mạch rồi, ban tham mưu Trường Xuân liền gửi điện tín kêu gọi thế giới tự do cứu giúp đoàn người vượt biển. Mấy giờ sau, lời cầu cứu được nữ hoàng Anh quốc đáp ứng và chính quyền Hương Cảng chấp thuận tiếp nhận đoàn người tỵ nạn.

Trường Xuân – Hồi tưởng lại 40 năm trước

Hồi tưởng lại 40 năm trước về chuyến đi định mệnh của tàu Trường Xuân (1975 – 2015)

Phạm ngọc Lũy

Thuyền Trưởng Phạm Ngọc Lũy và phu nhân
Tháng 11/1974, tàu Trường Xuân ra Hòn Khói lấy muối để chở đi Singapore. Gió Đông Bắc thổi mạnh, lùa từng cơn gió giật vào vịnh, khiến những ghe nhỏ không thể cặp vào tầu để vợi muối. Số muối dự định chở sang Singapore phải bỏ lại đến 1 phần 3.
Tàu Trường Xuân rời Việt Nam đang lúc tình hình chiến sự nghiêm trọng. Giao kèo chuyên chở hàng hóa trong vùng Đông Nam Á đến hết tháng 6/75 mới có thể trở về Việt Nam. Tôi thật sự lo lắng miền Nam không thể đứng vững, vì đồng minh đã bỏ chạy, còn Bắc quân có cả một hậu phương rộng lớn: Trung Cộng và các nước trong khối Liên Xô.  Trường Xuân đến Singapore, ghé Bangkok, rồi đi Phi Luật Tân… Hết Cebu đến Manila, qua Ternate Nam Dương rồi đến Balik Papan thuộc Borneo. Trong khi đó coi trên TV thấy tình hình đất nước ngày một khẩn trương. Qua đài BBC, VOA, hết Quảng Trị, Đà Nẵng, Qui Nhơn, đến Nha Trang, miền Cao Nguyên Trung Phần rơi vào tay Cộng Sản. Quân đội miền Nam tiếp tục di tản, cảnh dân chạy loạn thật hỗn loạn, bi thảm. Những sà lan, những ghe thuyền chở đồng bào tị nạn từ miền Trung trôi dạt ngoài biển, không lương thực, không nước uống.

Trường Xuân ghé bến San Fernando – Philippines khoảng năm 1973

Hình ảnh những bao rác đựng xác trẻ con đem từ các sà lan xếp thành hàng dài ngoài bãi biển Vũng Tàu cùng những hình ảnh bầy trẻ lạc cha mẹ trong các trại tị nạn đã gây nhiều bàng hoàng và xúc động mãnh liêt.

Tôi không phải là một sĩ quan trong quân đội cầm súng chống quân thù. Tôi là một nhà hàng hải, có thể giúp được gì cho Quê Hương, cho đồng bào trong cảnh khói lửa điêu linh này ? Tôi rất muốn được giúp đồng bào tôi, được cùng chia xẻ với đồng bào trong giờ phút đau thương này. Ngồi trên con tàu cách xa quê hương ngàn dặm mà lòng tôi bồn chồn như lửa đốt… 

Kho 5 Thương Cảng Sài Gòn ngày 30 tháng 4 – 1975

Tôi cố hồi tưởng và viết lại những sự kiện đã giúp cho 3628 đồng bào chúng tôi bất chấp hiểm nguy, cùng nhau vượt biển khơi để tránh khỏi rơi vào tay Cộng Sản và đi tìm Tự Do. Sau đây là diễn tiến của nhiều việc đã đưa đến chuyến đi định mệnh của tàu Trường Xuân. Những sự kiện mà sau này lúc ngẫm nghĩ lại thì tôi thấy dường như đã được sắp đặt một cách huyền diệu để đưa tàu Trường Xuân ra khơi, để thử thách mọi người trên tàu phải phấn đấu để đạt được niềm ước vọng quí giá là hai chữ Tự Do.

Tàu Trường Xuân rời bến Kho Năm, Khánh Hội, Saigon hồi 1 giờ 25 phút trưa ngày 30/4/1975 sau khi Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, và quân Cộng sản tiến chiếm Saigon hồi 10 giờ sáng…Diễn tiến lịch trình của Trường Xuân như sau :

(1) Ngày 3/4/75, đài phát thanh Úc loan tin: “Quân đội Cộng sản còn cách Thủ đô Saigòn 60 cây số và đang tiến về Thủ đô không gặp sự kháng cự nào.” Tàu cặp bến Pare Pare, tôi loan tin trên cho thủy thủ đoàn. Tất cả đều muốn về với gia đình. Tàu Trường Xuân quyết định chỉ ghé Singapore lấy hàng rồi quay trở về Saigon.

(2) Lúc ghé Singapore, Cơ khí trưởng tàu Trường Xuân đi phố chơi, ăn nhậu say, khi về đến cổng thương cảng thì bị vấp ngã, bị thương ở đầu bất tỉnh nhân sự. Cảnh sát phải chở đi nhà thương điều trị. Tàu Trường Xuân về đến Saigon, Cơ khí trưởng xin tạm nghỉ việc để điều trị vết thương. Vị Cơ khí trưởng này thường phát biểu ý tưởng có nhiều thiện cảm với phe bên kia cho nên tôi nghĩ rằng nếu anh ta không gặp tai nạn thì đến ngày 30/4 chưa chắc anh ta đã chịu xuống tàu để di tản và đến giờ phút cuối cùng thì không dễ gì tìm được một người Cơ khí trưởng.

(3) Tàu Trường Xuân về đến Saigon ngày 17/4/75, cặp bến Thương cảng Khánh Hội gặp nước ròng nên tàu cặp bến quay lái (phía sau tàu) ra biển. Tàu đã đến hạn lên ụ để tu sửa đại kỳ hàng năm. Vì công xưởng hải quân bận việc nên tàu chỉ tu sửa những bộ phận cần thiết ngay tại bến thay vì nằm ụ cả tháng trời. Tàu lấy hàng 300 tấn sắt vụn, lấy 80 tấn dầu, 100 tấn nước ngọt và 10 bao gạo để chuẩn bị đi Manila. Tàu có thể khởi hành ngày 24/4/75 nhưng tôi nấn ná chưa khởi hành vì tình hình đất nước mỗi ngày một nghiêm trọng…

(4) Tôi xin Công Ty Vishipco tuyển dụng Cơ khí trưởng Lê Hồng Phi. Mãi đến sáng ngày 29/4/75 Công Ty mới chấp thuận cho Cơ khí trưởng Phi nhận việc.

(5) 5 giờ chiều ngày 29/4/75, tôi xuống tàu không gặp Cơ khí trưởng Phi, và sĩ quan phụ tá cho biết là Phi đã về nhà đưa gia đình ra bến thương cảng để cùng di tản. Tôi dùng phấn viết lệnh rời bến lên bảng đen cho thủy thủ đoàn: “Tàu rời bến ngày 30/4/75 hồi 11:30 sáng.”

(6) 6 giờ sáng 30/4/75, Trần Khắc Thuyên chở tôi ra tàu cùng với Phạm Trúc Lâm. Đường sang thương cảng Khánh Hội bị chắn nhiều khu phố. Sau khi quan sát tàu, Thuyên đưa tôi về nhà để hướng dẫn hai xe GMC chở khoảng 200 người gồm gia đình, thân nhân và bà con lối xóm, ra thương cảng…

(7) Bình thường trước khi tàu khởi hành, sĩ quan phụ tá phải cho thử tay lái trên đài chỉ huy để bảo đảm chạy tốt, và chính tôi cũng thân hành tự kiểm soát lại. Tuy nhiên sáng 30/4/75, tôi nhớ là đã tự nhủ phải đi kiểm soát lại tay lái xem có gì trục trặc không, nhưng tôi lại quyết định không thử tay lái vì bụng bảo dạ: “Giờ này mà còn đi lo những việc nhỏ… Cộng quân đã tiến vào Saigon rồi… Việc thử tay lái đã có sĩ quan phụ tá lo…” Rồi tôi lại tự trách sao lại đi lo những chuyện không đáng lo. Và thực ra không hiểu vì sao chính sĩ quan phụ tá lần đó cũng quên thử tay lái trước khi nhổ neo, vì nếu được biết trước tay lái đã bị hỏng hay bị phá hoại thì tôi đã không dám cho tàu rời bến. 

(8) 9 giờ sáng 30/4/75, Sĩ quan Vô tuyến điện Nguyễn Văn Diệt yêu cầu tôi ra cổng thương cảng để can thiệp với nhân viên cảnh sát gác cổng cho gia đình anh vào trong lên tàu để di tản. Ra đến cổng thì thấy đồng bào chạy nhớn nhác như một đại nạn đang ập đến. Không thấy gia đình, Diệt xin nghỉ ở lại tìm gia đình… Một thủy thủ đoàn tối thiểu phải có Thuyền Trưởng, Cơ khí trưởng và Sĩ quan Vô tuyến, nhưng bây giờ Sĩ quan Vô tuyến đã xin ở lại. Tôi đành phải chấp thuận vì biết dù có ra lệnh buộc anh phải đi cũng chẳng được… (Ba năm sau anh Diệt di tản bằng thuyền, định cư ở vùng Virginia. Sau bị tai nạn xe cộ đã mất.) 
Tôi buồn bã trở về tàu, trong lòng hoang mang lo ngại vì không biết tìm đâu ra một Sĩ quan Vô tuyến điện trong giờ phút này. Vừa về đến tàu thì gặp anh Nguyễn Ngọc Thanh, Sĩ quan Vô tuyến điện của một tàu khác đến xin nhận việc. Tôi mừng rỡ nhận lời ngay và thầm cảm ơn Trời Phật sao đã khéo léo xếp đặt. (Anh Nguyễn Ngọc Thanh đã mất tại Pháp quốc.)

(9) Khoảng 12 giờ trưa 30/4/75 , dân cũng như quân ào ào đổ xuống tàu. Cầu thang để leo lên tàu đã bị gãy. Cơ khí trưởng Phi báo tin tàu có thể khởi hành và tôi ra lệnh khởi hành. Vừa mở giây buộc cho tàu tiến nhẹ, bẻ nhẹ tay lái sang phải, tàu chạy thẳng. Tay lái không ăn! Tàu ngừng chạy, cặp lại bến. Tôi mới nhận ra là tay lái đã bị hỏng. Hệ thống tay lái dùng dầu ép để điều khiển bánh lái, nhưng sau được biết hệ thống điều khiển bánh lái đã bị kẻ nào phá hoại trút dầu ra và cho nước vào. Thật là một sự kiện kinh hoàng đến choáng óc. Tôi đã thoáng nghĩ đến việc hủy bỏ chuyến đi… Cơ khí trưởng sau khi xem xét lại hệ thống lái, cho biết tay lái phòng hờ còn xử dụng được. Trong suốt cuộc đời làm Thuyền trưởng tôi chưa bao giờ phải xử dụng tay lái phòng hờ, mà bây giờ lại không có lấy được một người thủy thủ biết lái. Chưa biết đối phó với tình huống nan giải thì một người đứng gần đó tự nguyện nhận điều khiển tay lái phụ…

(10) Khoảng 13 giờ, (1 giờ chiều 30 tháng tư-75) nước bắt đầu lớn – thủy triều lên. Tôi cho mở giây ở phía lái tàu để tàu tự động xoay 180 độ trên sông, hướng mũi ra khơi… Ngay lúc tàu vừa rời bến, một cơn gió nhẹ thổi từ bờ đẩy tầu ra giữa sông. 13 giờ 25 tàu khởi hành. Từ đài chỉ huy, tôi ra lệnh lái tàu qua một ống loa dài chừng 20 thước dẫn đến người bẻ bánh lái ngồi trong một cái chòi ở phía sau tàu. Lúc đầu tôi ra lệnh sang phải 10 độ thì tàu lại hướng sang phía trái. Tôi chợt nhận ra ngay là núm điều khiển tay lái phụ chỉ ngược chiều với hướng tàu chạy. Bắt đầu từ đó, muốn tàu sang bên phải thì tôi lại ra lệnh ngược lại. Cứ thế mà đi trên sông.

(11) Đến khúc sông rộng, tàu đang chạy ngon trớn, bỗng Cơ khí trưởng hét lên qua ống loa: « Thuyền trưởng cho bỏ neo ngay! Phải ngừng máy đèn! » Ai bỏ neo bây giờ? Bỏ neo rồi làm sao kéo neo lên? Máy tàu ngưng, tàu vẫn chạy ngon trớn. 
Đầu óc rối như tơ vò! Nhưng lúc này cần phải bình tĩnh, không thể làm một quyết định sai lầm. Tôi biết rằng không thể bỏ neo ngay lúc này khi máy trên tàu bị hỏng và sẽ không dùng máy để kéo neo lên được. Cũng không thể để tàu chết máy nằm dọc bờ sông vì khi nước triều xuống thì tàu sẽ mắc cạn và tầu sẽ lật nghiêng. Cách còn lại duy nhất mà tàu có thể tự cứu vãn là tìm cách cho tàu lên cạn, mũi ghếch lên bờ, chân vịt chìm dưới nước. Chờ máy sửa xong thì tàu sẽ tự rút ra được. Chiều xuống, tàu vẫn đâm mũi vào bờ chờ sửa máy. Hỏa châu của Cộng sản mừng thắng trận nổ vang rền, sáng rực khu Rừng Sát. Tàu không thể rút ra được vì không còn hơi ép cho nổ máy. Cái nguy căn bản nhất là không còn hơi ép để cho chạy máy đèn. Máy đèn chạy mới có thể có hơi ép làm nổ máy cái. Cơ khí trưởng Phi cho biết nhân viên châm dầu đã tự ý khóa hệ thống làm nguội máy đèn… Đây có thể là một hành động vô ý thức hay là phá hoại, nhưng tôi nghĩ bây giờ không phải là lúc xét xử và điều tra mà phải làm sao cứu vãn được con tàu.

M/S Trường Xuân

Tàu ở tình trạng hiểm nghèo. Tôi đã phải tự trấn an: “Cần bình tĩnh! Nếu tàu nằm mắc cạn ở đây chắc chắn Cộng sản sẽ bắt hết mọi người. Cùng lắm chúng xử bắn mình là cùng…” Tự nhủ như thế để tâm trí không bị rối loạn vì nếu làm những điều sai lầm trong giờ phút này là mất hết. Tàu kéo Song An từ Vũng Tàu về đi ngang vào đúng lúc này. Nhiều người lên tiếng kêu cầu cứu nhưng Song An vẫn chạy thẳng. Trong lúc đó có một chiếc tàu Hải quân nhỏ chạy từ hướng Saigon đến. Tàu Hải quân thấy vậy bèn nổ một phát súng thị uy. Tiếng nổ ầm vang chấn dội lồng ngực, Song An phải quay trở lại. Sau nhiều lần cố gắng kéo tàu Trường Xuân giây kéo đều bị đứt. Đến gần tối thì nước lớn, Song An mới kéo được tàu Trường Xuân ra sông, rồi tiếp tục kéo cho mãi đến 8 giờ ngày 1/5/75 mới tới Vũng Tàu.

(12) Rút kinh nghiệm di tản từ miền Trung đã có bạo động trên những xà lan, cho nên tàu vừa rời bến Saigon, tôi đã kêu gọi thành lập Ban Trật tự và Ban Cứu thương. Nhờ sự tận tâm của Ban Trật tự nên không xảy ra bạo động. Nhờ Ban Cứu thương, đã có em bé sinh ra trên tàu, giữa biển cả, được mẹ tròn con vuông.

(13) Vừa tới hải phận quốc tế, (ngày 1 tháng 5-75) lệnh hạ khí giới được triệt để tôn trọng. 
Tàu khởi hành ra khơi mà tám cần trục kéo hàng vẫn chưa được hạ xuống. Thật là may mắn khi chúng ta gặp biển lặng và sóng êm. Nếu biển động những dây buộc cần trục sẽ bị đứt. Cần trục nặng cả tấn sẽ rớt xuống tàu và nhiều người có thể bị thương hay bị thiệt mạng vì tai nạn khủng khiếp này.

(14) Một người rớt xuống biển. Gần tối ngày 1/5/75, sau khi vớt được anh Vũ Văn Thụ, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Tôi tin tưởng đồng bào đều chứng kiến việc làm đầy thiện chí, lo lắng cho sự an nguy của một nhân mạng, mà mọi người cũng sẽ từ bỏ lòng vị kỷ và nghĩ đến những người đồng cảnh ngộ với mình.

Tàu Clara Maersk và Trường Xuân

M/S Clara Maersk đến gần M/S Trường Xuân
(15) Nhờ có Sĩ quan Vô tuyến gửi đi những tiếng kêu cầu cứu nên con tàu thiên thần Clara Maersk (Đan Mạch) đã đến cứu và đưa chúng ta đến bến bờ Tự Do.
(16) Ngày 2/5/75, khi tất cả mọi người đã được chuyển sang tàu Clara Maersk an toàn thì một người từ phòng máy đi lên, thấy tôi vẫn đứng một mình trên đài chỉ huy. 
Lòng tôi vẫn luyến tiếc con tàu đã cứu bao nhiêu đồng bào và gia đình mặc dù họ đã phải trải qua những hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm. Thân hữu này nhìn tôi với cặp mắt thật buồn rồi nói: “Tôi vừa ở phòng máy lên, phòng máy đã ngập nước. Thuyền trưởng phải rời tàu ngay.” Nói xong anh lặng lẽ bước sang tàu Clara Maersk. Tôi đã đi nhiều nơi và gặp nhiều thân hữu Trường Xuân, có để ý tìm gặp vị thân hữu này nhưng vẫn chưa tìm ra.
(17) Hội Ngộ Trường Xuân 30 năm ở Houston vào đúng ngày 30/4/2005, tôi đã gặp Đại Úy Cơ khí trưởng Nguyễn Thế Phiệt, người đã tự nguyện xử dụng tay lái phụ.
(18)Ngày 12/6/2006,  tôi được gặp lại Trưởng Ban Lực Lượng Đặc Biệt Bùi Đăng Sự đi trên chiếc tàu Hải Quân nhỏ từ Saigon chạy ra. Anh đã bắn phát súng thị uy bằng súng phóng lựu M79, nên tàu Song An đã quay lại đưa 3628 người chúng ta ra khơi. Anh Sự và một số người trên tàu Hải quân đã lên tàu Trường Xuân trong lúc tàu Song An buộc dây kéo tàu Trường Xuân ra khỏi cạn. 
(19) 40 năm đã trôi qua mà hình ảnh và diễn tiến chuyến đi định mệnh của tàu Trường Xuân vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi. Những sự kiện dường như đã được tiền định để cho tất cả chúng ta cùng gặp nhau trên con tàu để phải cùng phấn đấu và cùng đến được bến Tự Do. 


Quê hương tôi cỏ lác

QUÊ HƯƠNG TÔI CỎ LÁC

 
Tuấn Thy
Tên thật là Trần Cẩn Trọng sanh năm 1941 tại Vĩnh Long
Tốt nghiệp Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ-Saigon, ngành Hàng Hải Thương Thuyền, Ban Thuyền Trưởng, và Cử Nhân Luật Khoa Saigon.
Tốt nghiệp trường Thương Mại Chambery (Pháp)-Ngành Ngoại thương. Bắt đầu viết truyện ngắn và làm thơ rải rác khi còn là sinh viên cho các nhật báo.
Từ năm 1969, viết chuyên khảo cho nhật báo Cấp Tiến, Dân Quyền, Chính Luận…
Sau khi vượt biên sang Pháp, Tuấn Thy, dưới bút hiệu Xuân Thu và Thy Thy, viết cho các nguyệt san Tự Do Dân Bản, Hồn Việt, Phụ Nữ Diễn Đàn và thường xuyên viết cho Nhân Bản của Tổng Hội Sinh Viên Paris và đặc san của các Hội Đoàn (Ái Hữu Dược Sĩ Người Việt Hải Ngoại, Liên Trường, Diễn Đàn Dân Chủ, Gia Đình Sương nguyệt Anh, v.v…).
Chuyển sang lảnh vực biên khảo chính trị, các bài khảo luận được các nhật báo và nguyệt san ở Pháp, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu tuyển đăng trong nhiều năm qua.
Tuấn Thy được coi là một trong những tác giả truyện ngắn mang màu sắc đặc biệt. Dù là truyện, nhưng Tuấn Thy pha trộn nghiên cứu với văn chương. Đọc Tuấn Thy người ta tìm thấy những nét thân thương của các làng mạc và nét đặc thù của nền văn hóa, văn minh Việt Nam.
Tuyển tập Cội Bần Chưa Dứt là một trong số những bài viết của Tuấn Thy đã được đăng trên các báo Hồn Việt, Việt Nam Tự Do, Gia Đình, Florida Việt Báo, Sài Gòn Nhỏ, Nhân Bản, v.v…
Tác phẩm của Tuấn Thy được ấn hành:
– Một chặng đường dấn thân (biên khảo) – 1997 dưới tên thật.
– Mảnh vụn tâm tình (thơ) – 1992
– Cội Bần Chưa Dứt (tuyển tập) – 1997
 
            Cơn mưa ban chiều đã dứt, những chiếc lá vàng lả tả rơi theo từng cơn gió thoảng. Tôi ngồi yên lặng sau khi xem qua các mẫu vẽ của một người bạn cho nhà sản xuất trang phục Hermes. Đặt tách trà lên bàn, tôi lại nhớ đến ngày Tết cận kề, lẩm bẩm:

– Không mấy chốc lại đến Tết nửa rồi!
Thật là như lời ca của Hoàng Oanh:
– Không chờ mà đến, không hẹn mà trở lại, bốn mùa thay lá, thay hoa lần lượt trôi qua một cách êm ái nhẹ nhàng.
Giọng hát oanh vàng và lời ngâm thơ dịu ngọt của Hoàng Oanh làm cho tôi hồi tưởng lại năm nào, khi làm Thuyền Trưởng đưa tàu ngược dòng sông Cửu Long…

Vượt qua Cửa Tiểu tiến vào Tiền Giang sông Cửu Long, con tàu trở nên hùng vĩ trước vài chiếc ghe tam bản nhỏ nhắn, xinh xinh, cột dọc hai bên bờ vào những gốc cây hay cội bần. Tôi bước lên boong nhìn những xóm nhà lưa thưa trên cánh đồng ruộng mênh mông. Đây không phải là lần đầu tôi nhận nhiệm vụ ngược dòng sông Cửu, nhưng cứ mỗi chuyến đi tôi đều vui sướng được thấy rõ hơn những nét đẹp của quê hương mình và khám phá thêm những điều mới lạ dù tôi đã có dịp nhìn qua và làm cho tôi nhớ lại kỷ niệm trong những lần về quê lúc bãi trường hay vào dịp Tết, khi còn là học trò trung học. Đó là những dịp tôi gặp lại những người bà con thân thích để kể chuyện Sài Gòn…
Theo con nước thủy triều tàu chạy rất mau, nổi sóng làm chòng chành những chiếc thuyền con nên vị hoa tiêu ra lịnh cho bớt máy lại. Dòng sông uốn khúc, làng xóm lưa thưa qua địa phận tỉnh Gò Công và Bến Tre, cảnh vật có vẻ tiêu điều hoang vắng cả hai bên bờ. Những đám dừa xanh nghiêng mình soi bóng nước, êm ả dịu dàng với những tàu lá phất phơ theo ngọn gió.
Ở miệt nầy, dân cư không đông đảo vì đất đai còn là phù sa, bùn sình lầy lội, chưa được khai phá. Trong xa mới thấy vài thửa ruộng trồng lúa theo truyền thống nên có vẻ không trúng mùa cho lắm vì chỉ vài đám lúa vàng chen chúc trên cánh đồng mút mắt. Cỏ lác mọc đầy trải dài như những tấm thảm trên đất đai, đồng ruộng. Đây là vùng đất phù sa vừa mới đấp nên rất thấp, độ cao so với mặt biển khoảng hơn một thước. Nhờ vào các đám cỏ, lác, bần, dừa nước, mà giữ được phù sa, không trôi hết ra biển. Ở gần biển thì rải rác mọc lên các đám ô rô, cóc kèn, cây vẹt và cây đước. Sự hoang vu nầy làm tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương.
Tôi hít mạnh hơi thở vào lồng ngực để tận hưởng các mùi hương đầm ấm của hương sao, hương trứng sấu hay mù u phảng phất bên tôi, đàng kia đưa lại hay cận kề. Hồi còn nhỏ, sau những chiều tan học, tôi vẫn thích đi lượm trái mù u về để ép dầu thắp đèn và những bông mù u rụng lác đác dọc theo đường làng. Bông mù u không sắc sảo như những bông khác, tựa như bông mai, cánh trắng, nhuỵ vàng. Các ông bà trong làng thường gọi một cách văn hoa là Nam Mai mà theo tương truyền là của Vua Gia Long đặt cho bông mù u.
Tàu chạy ngang kinh Chợ Gạo vào xế trưa. Con kinh Chợ Gạo được đào vào khoảng đầu thế kỷ để thông thương từ Mỹ Tho lên Sài Gòn. Các ghe chài theo thủy triều vào kinh để đở nhọc nhân công chèo ghe lúa đi. Con kinh nầy lại có chổ giáp nước của Tiền Giang và sông Lòng Tào nên thường là các ghe xuồng đậu lại mua bán với nhau. Nơi đây người ta có thể tìm thấy được nhiều loại gạo thơm ngon như Gạo Thơm, Nàng Hương, Sóc Nâu, Chợ Đào… Kinh nầy cũng như các kinh không do thiên nhiên mà do sức người. Điều nầy cho ta thấy sự chinh phục thiên nhiên của con người. Về sau, các kinh được đào bằng tàu xáng mút như kinh Đồng Tiến ( khoảng năm 1956/57 ) dẫn vào Đồng tháp Mười, hay kinh Xà No ở Cần Thơ nên gọi là Kinh Xáng.
Ở miền Nam Việt, những chổ giáp nước rất nhiều như Chợ Gạo, Thủ Thừa, Vàm Nao, Ba Thê, Núi Sập… Lúc đầu các ghe xuồng dừng lại nghỉ ngơi, lâu ngày thành ra bến chợ, trở thành những nơi trao đổi hàng hóa, mua bán. Lâu dần người ta cất chợ, lớn nhỏ tùy theo dân cư, nhưng ít nhứt cũng có vài quán hàng hóa hay tiệm nước. Trong khi chờ đợi con nước thuận tiện hoặc đệ trình những giấy tờ cần thiết, người ta lên bờ nhâm nhi tách trà, cà phê hay lai rai vài ly rượu đế với tôm khô củ kiệu hay chim sẽ rô ti. Chén tạc, chén thù sau vài câu chuyện trao đổi, họ trở nên thân thiện, cười đùa không chút ngại ngùng. Để rồi chia tay nhau mỗi người mỗi ngả, không biết bao giờ mới có cơ hội gặp lại nhau. Thế rồi những tâm tình mộc mạc phát xuất qua những câu hò, giọng hát, tương tư:

Trời chiều ngã bóng về Tây
Em thương nhớ bạn như cây nhớ rừng
Con kinh xanh nước chảy không cùng
Em đây với bạn khi nào trùng lai
Phượng Hoàng đậu nhánh cẩm lai
Dặn lòng người ngãi chớ sai lời thề
Đường đi kinh xáng dầm dề
Sao anh không gởi thơ về thăm em
Đến tỉnh lỵ Mỹ Tho, cảnh vật trở nên trang trọng hơn. Những chiếc thuyền con hay ghe chài xuôi ngược tấp nập. Tôi đưa ống dòm nhìn kỹ cảnh vật. Mặc dù tỉnh Mỹ Tho không lớn bằng Sài Gòn, nhưng được xây cất rất khang trang, có vẻ sầm uất vì trước đây là giao điểm về miền Tây Nam Việt. Đường xe lửa được xây cất vào khoảng đầu thế kỷ để tiện việc đi lại cho dân chúng cũng như mua bán. Những năm trước khi Quốc lộ 4 được thành lập, người ta đi xe lửa xuống Mỹ Tho rồi xuống tàu của hãng Compagnie des Messageries Fluviales de Cochinchine về các tỉnh Hậu Giang.
Những con đường trong tỉnh lỵ đều được tráng nhựa, ngay hàng thẳng lối. Đó đây là nhà thương, bưu điện và trường Trung học Nguyễn đình Chiểu. Những nhà lợp ngói hay lợp tôle chen lẫn trong những dãy phố hai, ba từng hoặc hơn. Những bảng quảng cáo được dựng cao trên nóc các khách sạn, nhà hàng hay rạp hát. Chợ tỉnh được xây cất dọc bến sông, quang cảnh tấp nập. Ghe xuồng lớn nhỏ đủ loại, hàng hóa chất đầy, nào là những quài chuối, dài gần mươi nãi. Những trái mít đủ loại, mít nghệ, mít ướt, mít tố nữ… có trái to hàng chục kí lô, dừa xiêm, dừa lửa, những tràng cam, quít, chôm chôm, bòn bon… thôi thì đủ màu sắc rất là đẹp mắt.
Sự phồn thịnh của tỉnh Mỹ Tho được ca ngợi qua những bài thơ, bài hát huê tình của bạn thương hồ:
Cúc mọc dưới sông kêu bằng cúc thủy
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa
Gởi thơ thăm hết mọi nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em

Thật là lễ nghĩa, tình tứ vẹn toàn .

Bên kia bờ Tiền Giang là tỉnh Bến Tre nhưng lại nằm sâu vào trong nên không thấy được, chỉ thấy những hàng dừa dầy đặc. Đó là nguồn lợi lớn nhứt của tỉnh Bến Tre, sau đó là tơ lụa và trầu cau (miếng trầu là đầu câu chuyện – ăn cơm chẳng được, ăn trầu giải khuây – miếng kia hạ rộng, miếng nọ hạ quan). Trước thời người Pháp sang, dân chúng sống về nghề ép dầu dừa, sau đó các lò dầu dẹp lần lần rồi ngưng hoạt động quay sang canh tác ruộng vườn. Ba Tri là nơi sản xuất tơ lụa. Còn Cái Mơn, quê hương Ông Trương vĩnh Ký là nơi sản xuất rất nhiều loại trái cây ngon ngọt ít nơi sánh bằng: măng cụt, bòn bon, dâu, chôm chôm… lại trồng được cây ca cao, cà phê.
Con tàu chạy qua Quận Sầm Giang thì mặt trời cũng xuống dần. Nhìn vào quận lỵ, các căn nhà lợp ngói âm dương hay hình bánh ít, mái cong bốn góc chen chúc lẫn nhau. Trên con đường lớn, có lẽ đường chánh của Quận, sừng sững tòa nhà của quận lỵ. Bên cạnh nhà quận là nhà lồng chợ được xây cất gần giống như các chợ quận ở miền Nam, cột sắt tròn cao, to cở vòng tay ôm. Mái ngói màu đỏ sậm, lưa thưa phủ rong rêu hoặc vá víu vài miếng fibro- ciment. Trước chợ là bến sông, quang cảnh có vẻ tấp nập. Nổi tiếng nhứt của Quận Sầm Giang là Trường Đá Gà.
Nền kinh tế và đời sống ở miền Nam Việt chịu ảnh hưởng của thủy triều nên khi nước thủy triều lên thì ghe xuồng tấp nập theo con nước mà tụ về các chợ để mua bán. Khi nước xuống thì theo con nước mà về nhà. Bởi thế khi thủy triều lên thì các bến chợ đều đông đảo.
Nhờ thủy triều nên kinh rạch ở miền Nam chiếm một địa vị quan trọng hơn đường bộ. Để chuyên chở lúa lên các chành ở Sài Gòn, các nhà chuyên chở thường dùng ghe chài lón hoặc sau này dùng các tàu dòng ghe lớn nhỏ, đôi hàng mấy chục chiếc, dài cả mấy trăm thưóc không chừng, tạo nên cảnh trí thật là đẹp mắt. Gia đình dân quê miền Nam, gần như nhà nào cũng có ghe tam bản để đi lại. Khá giả hơn thì có ghe bầu nhưng rất hiếm dùng thường xuyên vì hay để dành cho các cuộc giao tế như quan, hôn, tương, tế.
Mặt trời dần dần xuống ngang qua những hàng dừa dọc hai bên bờ Tiền Giang. Ánh hồng rực rỡ chiếu vào những hàng cây đủ loại bên các con đường đất hay trải đá sơ sài trong xóm làng. Nhìn ven bờ sông, những hàng dừa nước, cốc kèn, chưn bầu, bụi lác chen lẩn, rải rác đó đây. Những người ra chợ buôn bán lần lược chèo ghe ra về. Ngọn gió hây hây phất phới chiếc áo bà ba của các cô gái, hai chân nhẹ nhàng linh động, khoan thai chân nhịp trước sau, trên chiéc thuyền con.
Thỉnh thoảng vẳng lại những giọng hát câu hò huê tình đối đáp trên sông, nghe thật êm tai:
Bớ chiếc thuyền loan
Khoan thai bớt mái
Đặng đây tỏ mấy lời phải trái nghe chơi …
Bớ chiéc ghe sau
Chèo mau em đợi
Kẻo khỏi đoạn kinh nầy bờ bụi tối tăm…
Hoặc những câu:

Hò hơ ơ hờ… Kinh xáng mới đào
Tàu Tây mới chạy
Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình
Chớ con nhạn bay cao khó bắn
Còn con cá ở ao quỳnh ờ ơ… khó câu
Hò hơ ơ ơ… kinh xáng mói múc
Chiếc tàu xà lúp nó chạy cũng thường
Em muốn ăn con lươn nấu với thịt xườn
Muốn về Trà Ba Lớn nọ… hò ơ ơ…
Cho tiện đường thăm anh
Tàu vượt qua giang phận tỉnh Mỹ Tho thì trời cũng bắt đầu tối dần. Giòng nước bàng bạc, nhẹ nhàng, lách tách vỗ hai bên mạn tàu, hòa lẫn với tiếng máy thành một điệu nhạc buồn êm ái. Vị hoa tiêu nói với tôi:
– Quan Tàu à Qua khỏi lạch 78 đến Vàm Chợ Lách, minh sẽ neo lại ở hải lý 83 tức là trong giang phận Vĩnh Long.
– Dạ, tùy theo Bác
– Mình có thể lợi dụng con nước đi thêm nhưng theo lịnh của cơ quan an ninh Hải Quân Tuần giang, mình phải neo lại chờ sáng. Vả lại cũng phải chờ thành đoàn cho họ dễ bảo vệ an ninh cho mình.
– Trời cũng tối rồi. Từ trưa đến giờ chắc Bác cũng mệt rồi. Mình cũng phải neo lại để nghỉ ngơi cơm nước.
– Từ Vĩnh Long đến Tân Châu còn 63 hải lý. Ngày mai mình kéo neo khoảng 8 giờ, hơi ngược nước từ Kinh Đồng Tiến nhưng trễ lắm là khoảng một giờ mình tới nơi.
– Mình còn cả ngày mai neo nghỉ ở Tân Châu. Sau đó mới đi Nam Vang. Bác đừng lo.
Tàu neo lại trước Vàm Chợ Lách, dòng Cổ Chiên như dự định vào lúc 8 giờ tối. Cơm nước xong xuôi, tôi lên boong tàu đứng nhìn giòng nước lặng lẽ trôi nhẹ nhàng. Những đám lục bình dập dều từng nhóm dọc theo bờ sông hay chính giửa sông. Những chiếc thuyền con xuôi mái nhẹ nhàng về các kinh rạch. Những đàn chim lập lờ buông cánh đậu trên các hàng cây hay cội bần ngập nước. Nguyễn Bính đã ghi lại hình ảnh nầy bằng mấy câu thơ :
Sông sâu nước chảy đục lờ
Nắng chiều đã xế qua bờ bên kia
Ngang trời mây trắng bay đi
Chiều nay mây có bay về xứ tôi?…

Vùng nầy thuộc địa phận Tỉnh Vĩnh Long. Bồi đắp bằng phù sa, Vĩnh Long là nơi chôn nhau cắt rún của tôi. Miền quê hương sông nước nầy vẫn mãi in trong trí nhớ. Nằm giữa hai nhánh sông Cửu Long, Vĩnh Long là một tỉnh trong sáu tỉnh đầu tiên của miền Nam Việt Nam được coi là trù phú, ruộng đồng bát ngát, cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi, ghe thương hồ buôn bán tấp nập đêm ngày.

Qua ống viển kính, tôi nhìn thấy thành phố tỉnh Vĩnh Long đã lên đèn. Dầu không thấy rõ lắm, tôi vẫn nhận ra được ánh đèn cao vọi trên nóc của “Miếu Bà Bảy “ mà dân Vĩnh Long gọi là “Cây đa cửa hữu“. Đấy là cổ thành Vĩnh Long bị Pháp phá hủy, rồi gom lại chất thành một gò cao bên cạnh cây đa. Nơi đây cũng là Đài Chiến Sĩ trận vong. Cổ thành này ước chừng một cây số vuông, cửa chánh quay mặt ra song Cổ Chiên, đối diện Cù lao An Thành. Toà Hành Chánh Tỉnh được xạy cất chung quanh gò này. Có rất nhiều giai thoại kể về “ Cây Đa Cửa Hữu “ nhưng đặc biệt nhứt là hai câu ca dao mà hầu hết dân Vĩnh Long đều biết:
Bà già đi lưọm mù u
Bỏ quên ống ngoái chổng khu la làng
Câu ca dao có vẽ tiếu lâm nhưng thực sự là chuyện kể của các bà, các cô chống lại quân Pháp bằng cách lượm mù u rãi trên đường cho quân Pháp trợt té để họ xông ra đánh đập..
Phía Tây Cổ thành là tháp canh có lầu, thường gọi là Cầu Lầu, cất trên bờ sông nối liền Thiềng Đức và Công Xi Heo. Trên sông Cầu Lầu trước kia, có một cây cầu bắt ngang, kéo lên được. Tôi không nhớ rõ đến năm nào cây cầu này mới bị phá vỡ. Bên xa trong Cầu Lầu là đồng ruộng, phần lớn là của một ông đại điền chủ ngày xưa tục danh là Bá Hộ Nọn, sau này đất bị truất hữu cho nông dân.
Xa quê hương từ thưở ấu thời đi lên Sài Gòn tiếp tục việc học, nhưng tôi không thể nào quên được những con đường làng nhỏ nhắn, với tiếng guốc học trò vui reo đến trường. Con đường làng bùn sình khi trời mưa hay bụi cát cuộn bay khi nắng cháy, những hàng trâm bầu dọc theo bờ đê đồng ruộng vẫn mãi mãi là hình ảnh thân thương của tôi.
Nói về địa lợi thì Vĩnh Long cũng như các tỉnh miền Nam Việt, là nơi đất xốp mềm dẽo, dễ trồng trọt, cứ cắt cho sạch cỏ rồi vãi lúa giống xuống là lúa mọc lên không tốn công cày bừa. Nước sông tuy đục mà ngọt, tưới rửa tiện lợi.Vĩnh Long có nhiều di tích lịch sữ, cảnh trí không có nét đẹp hung vĩ của núi non nhưng rất nhiều vườn cây trái sai oằn, cam, quit, bưởi, ổi…và đặc biệt nhứt là mận Hồng Đào ở các cù lao An Tánh, Chợ Lách, Phú Phụng, Bình Hòa Phước.
Không biết bao lâu, tôi ngồi nhìn ánh trăng vằng vặt chiếu sáng cả không gian, lấp lánh trên mặt nước. Trăng tỏ rạng chiếu qua ngàn cây cỏ lá làm tôi không thể bỏ mà đi ngủ được dầu biết rằng mai này còn phải tiếp tục hải trình đến tận Nam Vang. Những ngôi sao tỏa nhẹ ánh sáng từ vòm trời cao vút. ở xa, xa lắm có lẽ. Chung quanh tôi không một tiếng động. Không khí nhẹ nhàng, thoang thoảng mùi cây trái. Đồng quê thiêm thiếp trong cảnh tịch mịch.
Sương bắt đầu rơi nhẹ xuống phủ dần lên mặt sông một màu trắng đục như sửa. Tôi chợt nghĩ trong rừng cây trái của quê hương, đời sống của thảo mộc, thú vật vẫn tiếp tục. Có thể có cả ngàn tiếng động của các loài chim, chuột đồng, chồn cáo, cá lội dưới sông tìm kiếm thức ăn. Rồi chút nữa đây khi mặt trời bừng sáng mọi vật sẽ bừng tỉnh lại như thể một phép màu của đời sống.
Tàu kéo neo khi nước bắt đầu lên. Khoảng 10 phút sau đó, chúng tôi chạy ngang qua phà Mỹ Thuận. Vị Hoa Tiêu ra lịnh cho tàu chạy thật chậm để tránh tạo ra những con sóng có thể làm ngã nghiêng chiếc phà đưa hành khách sang sông Tiền Giang về miền Tây. Trên bến thật là ồn ào với những tiếng rao hang, lời nhạc quê hương, những mùi thơm thực phẩm làm tôi ngây ngất.
Hình ảnh của người đánh đàn độc huyền trên bến phà lại hiện về trong trí óc tôi. Tôi ngậm ngùi không biết người đánh đàn năm xưa còn đó không hay là:
Ôi ! Khanh tướng công hầu chua chát lắm
Con đường tình nồng thắm trở sang ngang
Quãng đời qua, huyển ảnh với phủ phàng
Dòng tâm sự trong tiếng đàn cay đắng …
…..
Rồi lần đó tôi về ngang sông lạnh
Nước trường giang hiu quạnh gió thê lương
Chừng nghe như cung khánh ở vệ đường
Vài lữ khách khấn hương người nghệ sĩ .
( Trích tuyển tập Mảng vụn tâm tình – T.T )
Chúng tôi đến Sa Đéc thì mặt trời đã lên cao khỏi ngọn cây. Đây cũng là một tỉnh trù phú của miền Nam. Chợ Sa Đéc; còn gọi là chợ Vĩnh Phước, được cất dọc theo bờ sông, liên tục dài về phía trong sâu. Những thuyền bè kết đậu khít khao giăng hang, bán tơ lụa, than củi, mây, tre, nhiều nhứt có lẽ là các ghe mắm. Tỉnh Sa Đéc, theo một vài tài liệu thì đó là do tiếng Miên có nghĩa là chợ Thiếc vì nơi đây trước kia tụ tập bán những đồ khí dụng, nay thì dân chúng đổi nghề làm mắm. Và mắm Sa Đéc được tiếng là ngon thơm nhứt miền Nam Việt như mắm cá lóc, mắm cá trê, mắm ruột, mắm thái, mắm tôm, ngoài ra cũng phải kể nước mắm cá linh thì khó có nơi sánh bì.
Các cô gái tỉnh Sa Đéc thì công, dung, ngôn, hạnh không thua ai, đưọc tiếng là nữ công ở huyện Vĩnh An. Người ta thường ngợi khen các bánh khéo ở Sa Đéc cũng như hầu hết các tỉnh miền Nam Việt như bánh bò trong, bánh bột lọc, bánh ích trần, bánh men, bánh xếp, bánh gan. So về phần sáng chế, thì không bằng ngoài Huế như bánh sen làm bằng bột hột sen rồi đem nướng như bánh kẹp hoặc bánh măng nạo từ măng tre làm thành bánh giống như bánh in…
Nói về các danh sĩ thì có Tống phước Hòa và một vài vị quan dưới thời nhà Nguyễn từ miền Bắc vào làm quan như Doãn Uẩn là Tuần Phủ và Nguyễn công Trứ. Sa Đéc là một tỉnh đầu tiên tổ chức việc học bán nội trú. Mỗi ngày học trò đến học được lưu lại ăn cơm trưa, đến xế trưa mới về nhà. Sa Đéc cũng là một nơi gốc cội đầu tiên của ngành sân khấu cải lương. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến Ông André Thận là người đầu tiên vào năm 1917 đã lập ra gánh hát xiệc có thêm ít màn ca ra bộ để thu hút khán giả. Ông đã phối hợp vào hát bội điệu hát Dạ Cổ Hoài Lang (Vọng Cổ) mà người sáng chế là Ông Sáu Lầu ở Bạc Liêu.
Tỉnh lỵ Long Xuyên, trước đây có tên là Đông Xuyên (1908) hiện rõ dần trước mặt chúng tôi. Nhìn sơ qua thôi, người ta cũng đủ thấy đây là một tỉnh trù phú của miền Nam Việt, với những nhà máy xay lúa gạo. Cái đẹp của tỉnh Long Xuyên có thể ví như thành Venise. Trong tỉnh lỵ người ta có thể bơi xuồng đi đến các phố xa không cần phải lên bộ. Ngoài ra còn có con kinh nối liền hai tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá được đào vào năm 1818 dưới quyền điều khiển của Quan Trấn Thủ Vĩnh Thành Thoại Ngọc Hầu. Kinh nầy được gọi là Kinh Ba Thê hay Kinh Núi Sập hay Thoại Hà. Bề rộng con kinh nầy khoảng 30 thước và dài 32 cây số. Thời gian đào kinh mất một tháng ròng rã với 1500 dân làm xâu.
Phần lớn đất đai ở đây do người Triều Châu trước đây khai thác, sau này đến những người Hoa Kiều lai Việt chịu khó cầm cày phát cỏ nên Long Xuyên trở nên giàu có thêm lên. Thật sự tỉnh Long Xuyên chỉ được khai thác vào khoảng năm 1910 trở đi, vì vùng đất này là đất giồng, rất tốt cho việc trồng mía mà không tốt cho việc trồng mễ cốc. Do đó, người ta thấy từ Long Xuyên đến Châu Đốc phần lớn đều trồng lúa xạ.
Chúng ta vẫn thường nghe nói:
“Trai Nhơn Ái, Gái Long Xuyên »
Đó là lời khen tặng các cô gái ở Long Xuyên nổi tiếng về nữ công, nữ hạnh, đặc biệt là ở vùng cù lao Hai Huyện còn gọi là cù lao Ông Chưởng. Ca dao cũng có câu hát:
Ba phen quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Tàu chạy ngang Doi Lửa, tức đầu cồn phía Nam của Cù Lao Tây, rồi đến Chợ Mới, qua kinh Vàm Nao. Kinh này nối liền hai nhánh sông Cửu Long. Trước đây Vàm Nao chỉ là một con kinh nhỏ, người ta có thể chuyền cây từ bên bờ nầy sang bờ kia nhưng nay thì không được nữa vì lưu lượng sông Cửu Long nơi đây rất mạnh làm lở bờ và mỗi năm làm rộng thêm lòng sông.
Nhìn về hữu ngạn Tiền Giang là những cánh đồng bao la bát ngát của vùng Đồng Tháp mà chưa bao giờ tôi có dịp đi tới cũng như nhiều người Việt chúng ta.
Theo sự mô tả của Ông Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười thì đây là miền đất bao gồm hơn 800.000 mẫu tây, chiều ngang từ Hồng Ngự đến Tân An và chiều dọc từ Cao Lãnh đến Sway Riêng. Nếu kể cả khu ở giửa hai sông Vàm Cỏ thì được non một triệu mẫu tây mà chỉ có phân nửa là được canh tác nhưng kỹ thuật hãy còn yếu kém nên sản xuất không được nhìều như bên bờ tả ngạn Cửu Long. Phần còn lại thì là cỏ, lác mọc hoang vu.
Nhà cửa xóm làng thì thỉnh thoảng mới thấy một vài cái hoặc lều lá thấp lè tè của những nông phu gác lúa. Những nông phu đến đây khai thác độ vài mùa rồi dọn đi nơi khác, không ở lâu hơn vì đất trở nên cằn cổi. Vùng đất này do dự bồi đắp của lớp đá basalte và phèn đọng trong đó nên khó trồng được mễ cốc. Đất nầy chỉ thích hợp cho việc trồng khóm nhưng vì kỹ nghệ đồ hộp chưa được phát triển ở Việt Nam và đường chuyên chở không được thiết lập nên người trồng chỉ sản xuất một số lượng vừa đủ cho mức tiêu thụ trong nước. Thật là một điều đáng tiếc lắm thay.
Tuy vậy, đời sống của họ có vẻ nhàn hạ, không bon chen như ở thị thành. Họ chỉ phát một vài công đất ở sau nhà, sạ một vài giạ lúa rồi chờ lúa chín thì gặt. Thế là có đủ gạo để sống một năm trọn vẹn. Còn lại ngày giờ, họ ra đồng bắt cá, câu tôm không cần biết ngày mai ra sao, và có vẻ không cần biết thời tiết thay đổi thế nào:
Một ngày có đủ bốn mùa
Sáng Xuân, trưa Hạ, đêm là Thu, Đông.

Hàn thử biểu lúc nào cũng chỉ từ 25 đến 30 độ, nên họ chỉ mặc áo ngắn, quần đùi, không bận lòng.
Thật ra cho đến nay chưa ai biết rõ để giải thích một cách tường tận tại sao gọi là Đồng Tháp Mười, tiếng Pháp là Plaine des Joncs. Có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng chỉ có hai giả thuyết gần đúng:
1- Vùng này trước kia có một ngọn chùa tháp của Thổ (Cao Miên) và ngọn tháp đó là ngọn tháp thứ mười kể từ Cao Miên xuống nên gọi là Tháp Mười. Có người lại nói là tháp bị phá hủy, chôn vùi rất nhiều vàng bạc, châu báo, ngọc ngà nên người ta thường đến tìm kiếm.
2- Tháp ở đây là tháp thứ mười của Thiên Hộ Dương cất trên cánh đồng này kể từ sông lớn nên gọi là Tháp Mười. Có sách viết là ngọn tháp này có mười từng chớ không phải là tháp thứ mười.
Trong Đồng Tháp Mười có nhiều rạch và kinh đào, nối liền miền Tây Nam Việt như Rạch Bến Lức, Kinh Mới, Kinh Bà Bèo, Rạch Thủ Thừa, Kinh Phong Mỹ, Kinh Tổng Đốc Lộc, Kinh Bo Bo, Kinh Đồng Tiến (đưọc đào vào khoảng 1956/57 ) và lớn nhứt là Kinh Lagrange ( người địa phương gọi là Kinh Lạc Giăng ) rộng trên 20 thước. Mỗi con kinh đều có một sự tích mà vì phạm vi bài báo, chúng tôi xin phép không viết ra đây.
Chung quanh những xóm nhà lèo tèo đây dó thì toàn là cỏ lác xanh rì thăm thẳm đến tận chơn trời. Đây là vùng đất nghèo nhất của miền Nam Việt Nam, gọi là nước mặn, đồng chua vì phèn quá nhiều. Những nông dân tới đây làm lúa ở lại hàng mấy tháng mới về nhà nên có câu hát:
Trời xanh, kinh đỏ, đất xanh
Đĩa bu, muỗi cắn làm anh nhớ nàng
Bao giờ cho lúa chín vàng
Cắt rồi anh trở về làng thăm em

Tàu chạy qua Cao Lãnh, Cù Lao Tây, Hồng Ngự thì ánh nắng mặt trời bắt đầu gay gắt hơn, nhưng gió đồng thổi mát rượi làm cho tôi cứ mãi ngắm cảnh mà quên mất. Dọc theo các quận, làng, những kiểu nhà thủy tạ, có băng cây đặt trước nhà, có thể là để chủ nhà ra hứng mát hoặc ngắm cảnh khi trăng lên, khi nước lớn, hoặc gọi đò sang sông. Có những nhà trồng cây hay kiểng, uốn cho nhánh giao lại theo hình vòng nguyệt trên lối dẫn xuống mé sông. Những cây dâm bụt, cây trà kiễng hay kim quít được rào chung quanh đệm thêm vẻ trang nhã cho căn nhà.

Phạm Quỳnh ghi lại trong bài Đi tàu thủy từ Mỹ Tho lên Long Xuyên là cứ nhìn cách trang trí và phương tiện của chủ nhân thì biết ngay là thuộc hạng người nào. Nếu có thuyền máy thì đó là nhà của Thầy Cai Tổng hay Điền chủ hoặc Hội Đồng. Bản tánh của người miền Nam là có gì thì chưng ra chớ không dấu diếm như người miền Trung hay người miền Bắc. Thực sự đấy không phải là khoe khoan nhưng họ đưa ra cho biết là có sự thoải mái trong cuộc sống của họ.
Bởi thế, các cô gái ở đất giồng, đất bưng (Rạch Giá – Cà Mau) thường hay mơ ước có chồng ở miền trên như Vĩnh Long – Sa Đéc – Long Xuyên – Châu Đốc…
Ca dao có câu:
Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh

Và cô gái miệt trên thì lại sợ :
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu
Tôi bất chợt nhớ đến những câu hát trử tình vin vào những chuyến tàu xuôi ngược dòng Cửu Long:
Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát
Xuồng câu tôm bơi sát mé nga
Thấy em cha yếu, mẹ già
Muốn vô hoạn dưỡng biết là được không?

Hay là:
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Đất nào dốc cho bằng đất Nam Vang
Một tiếng anh than hai hàng lụy nhỏ
Còn chút mẹ già biết bỏ cho ai
Quận Tân Châu hiện ra trước mắt tôi với những ghe thuyền tấp nập. Dầu đây chỉ là một quận nhỏ thuộc tỉnh Châu Đốc nhưng lại sát biên gới Cao Miên nên có những cuộc giao thưong làm giàu quận lỵ. So với quận Hồng Ngự bên kia bờ dưới một nẻo thì Tân Châu có phần phát triển hơn. Nhà cửa phần lớn được xây cất bằng gạch ngói chớ không có vách ván. Trước đây quận Tân Châu lo phần chuyên chở thư từ cho quận Hồng Ngự, bây giờ thì lo phần phân phối các thổ sản của Hồng Ngự mặc dầu quận Hồng Ngự nằm vào vị trí khá tốt là ở hai vàm rạch lớn là Sở Thượng và Sở Hạ, nhưng lại ở bên kia bờ sông, không có đường xe về miền Tây Nam Việt hay tiện lợi chở hàng về Rạch Giá, Hà Tiên như Tân Châu.
Sự phồn thịnh của quận Tân Châu có lẽ đã có từ lâu rồi nhờ ở các thổ sản như nhãn, bắp và tơ sợi. Chắc hẳn chúng ta không quên là hàng Tân Châu đã một thời nổi tiếng. Vả lại nằm sát biên giới với Cao Miên nên có những cuộc trao đổi hàng hoá hoặc chánh thức hay lậu thuế. Do đó Quan Thuế Tân Châu có một địa vị quan trọng đem lại được lợi tức cho ngân sách tỉnh Châu Đốc.
Ngoài ra, còn có Kinh Vĩnh Tế nối liền Tân Châu đến Giang Thành Hà Tiên. Kinh này được đào vào năm 1819 đến năm 1824 mới hoàn tất. Công tác này đã làm thiệt mạng hàng trăm dân phu do sơn lam chướng khí, thời tiết khắc nghiệt, muỗi, mòng, vắt và ác thú.
Người dân Tân Châu cố cựu đều nhớ bài vè đào kinh như sau:
Chia ba người một thước
Đào sâu xuống nước
Việc mần thật nặng
Kẻ cuốc người rinh
Việc mần cực khổ
Không dám nghỉ ngơi
Mệt đổ hết hơi
Cực đà quá cực
Phần thì nắng nực
Lại không nước uống

Hay những câu than thân buồn thảm:
Chiều chiều mây phủ núi Sam
Chim kêu ghềnh đá, gẫm thân lại buồn
Tuy vậy Kinh Vĩnh Tế đã đem lại nguồn lợi tức cho Châu Đốc nên có câu:

Mắm Châu Đốc, dốc Nam Vang,
Bò Châu Giang, Kinh Vĩnh Tế
Và trai gái dùng con kinh để làm đề tài đối đáp:

Gái hò:
Hò ơ ơ… Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
Đường nào chạy thẳng nối liền hai nơi
Đất nào lắm dốc nhiều đồi
Đường nào cao nhứt, người người đều nghe
Sông nào tấp nập thuyền bè
Hồ nào với biển cặp kè bên nhau
Trai nào nổi tiếng anh hào
Anh nào đối đặng, hò ơ ơ… má đào xin trao …
Trai đáp:
Hò ơ ơ… Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
Con kinh Vĩnh Tế nối liền hai nơi
Đất Nam Vang lắm đất nhiều đồi
Đèn cao Châu Đốc mọi người đều nghe
Sông Cửu Long tấp nập thuyền bè
Biển Hồ hai chữ cập kè bên nhau
Trai Nam nổi tiếng anh hào
Anh đà đối đặng, hò ơ ơ …
Anh đà đối đặng, vậy má đào có trao anh?…
Những câu hò đối đáp của người dân miền Nam không sao kể hết được, vui có, buồn có, đủ loại từ gia tộc, nhơn nghĩa ở đời đến tình cảm.
Tàu buông neo trước quận Tân Châu vào lúc một giờ trưa như dự định. Tiễn vị Hoa Tiêu lên bờ, tôi ngồi nhìn hai bên bờ sông Cửu Long mà lòng buồn rười rượi vì thấy mặc dầu hệ thống kinh đào đã thực hiện đưọc rất nhiều mà vẫn chưa đem lại cho người dân Việt một đời sống sung túc hơn. Bởi thế, những chàng trai sau mùa gieo mạ lại khăn gói lên đường đi làm mướn ở các nơi xa, kiếm thêm tiền hoặc để cầu tiến,hoặc do máu giang hồ hoặc để dành cưới vợ. Thế nên có những bài thơ mộc mạc đầy ý tình:
Lúa mùa rồi trả nợ nần sạch ráo
Để anh đi kiếm chén cháo đổi lấy chén cơm
Trước là cho biết cái xứ Sài Gòn
Sau nữa anh mua quần lãnh với gói bòn bon tặng con bạn tình…

Nhưng ngày trở lại thì không biết đến bao giờ vì thân phận làm mướn cứ phải đi hoài, khó về đúng hẹn hoặc khi về không còn hình ảnh người trai thuở trước mà:
Cây vông đồng không trồng mà mọc
Rễ vông đồng đâm dọc trỗ ngang
Cám trong nong trộn lẫn trấu càng
Thấy anh đi làm mướn …
Mà răng bịt vàng thiệt khó coi…

Hai mươi năm trôi qua cách biệt quê nhà, tôi vẫn tha thiết có ngày trở lại để tìm lại nhũng kỷ niệm ngày cũ trên con tàu ngược dòng Cửu Long như độ nọ. Mong rằng có người bạn nào đó cùng tâm tư như tôi.
Tuấn Thy
Xuân Đinh Sửu 1997

Hồi còi tạm biệt

HỒI CÒI TẠM BIỆT
Trương Văn Tài
            Đoạn dây đỏi sau cùng đã rời khỏi tàu: “Máy tiến chậm, tay lái 5 bên trái…” con tàu từ từ rời bến. Sân cảng lúc này thật vắng vẻ. Những giọt mưa vào Thu bay đượm màu buồn ảm đạm. Lác đác một vài công nhân qua lại càng thêm phần hoang vắng. Quang cảnh im lìm và cô tịch hiện nét buồn bã như cảm thông nỗi lòng kẻ ra đi. Ba hồi còi vang lên như tha thiết, như mời gọi. Đối với mọi người đây là thông lệ hàng hải, nhưng đối với tôi những tiếng còi ngân dài đã tạo nên một cảm giác bâng khuâng khôn tả. Tôi bồi hồi và lặng người đứng trên boong tàu lòng buồn vời vợi ngắm nhìn cảnh vật phía sau.
Thành phố vẫn sừng sững và lặng yên trong đáy mắt. Những cảm nghĩ xoay cuồng trong hồn có lẽ giờ đây mọi người vẫn hăng say trong công việc “cống hiến”. Ngay cả những người thân trong gia đình tôi cũng vô tình không một ai hay biết được một biến chuyển lớn đang có trong tôi. Thật ngậm ngùi đành chấp nhận thành phố bỏ lại sau lưng, tôi cố nhìn lại lần chót để ghi vào ký ức.
Con tàu từ từ xuôi dòng sông Lòng Tảo để ra biển, qua những đoạn sông uốn khúc. Hai bên là cánh đồng lúa vừa gặt xong, nhưng vẫn còn đủ hương vị gợi lại tôi nhớ đến ngày nào cũng trên cánh đồng này những bà con vất vả bỏ công để tạo nên.
Đối với tôi dòng sông Lòng Tảo đã quá quen thuộc, nhưng hôm nay từ chòm cây bụi cỏ, những hàng sậy hai bên bờ sông dường như có một cái gì khác lạ. Không phải cảnh vật đã thay đổi mà chính lòng tôi đã đổi thay. Tôi đã có một quyết định đổi đời, một đời sống Tự Do không gò bó, không bị hạn chế. Như tâm trạng của một người sắp đặt sẳn một biến cố, tôi phải rời xa khỏi vùng đất “ Độc Lập, Tự Do” này.
Tôi nghe lòng lắng lại, một chút sầu muộn vương ngang đôi mắt. Có lẽ đây là lần cuối cùng để nhìn lại những hình ảnh quê hương. Tôi ngậm ngùi xót xa cho các ông cụ, bà cụ đang trĩu nặng trên đôi vai gầy, những gánh lúa cuối mùa đi thẳng tấp trên bờ ruộng, dường như cho một Nông Trường nào gần đây. Tuổi già của quê hương tôi là thế đó. Chỉ biết hy sinh, mượn nhọc nhằn, cần kiệm để lo cho tuổi trẻ, để rồi nhìn lại cuộc đời bằng một gia tài trống không của Nhà Nước để thừa cho. Tuổi già và quê hương như hai hình ảnh dính liền với nhau. Bao công lao khó nhọc để tạo dựng nên và tiếp tục từ đời này qua đời khác và bây giờ lại tiếp tục phục vụ. Những đứa con vừa lớn lên chẳng giúp ích gì cho tuổi gia trong gia đình, để rồi phải đi Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa, cầm súng cho Nhà Nước duy trì và bành trướng cái gọi là học thuyết Thiên Đường Cộng Sản. Tôi bùi ngùi và cay đắng cho sự việc đã và đang xảy ra khắp cùng trên đất nước. người ta cứ phải cuối đầu khuất phục, lặng yên và tuân theo chỉ thị của bọn họ với những hô hào : tăng gia sản xuất, lao động là vinh quang…
Tiếng còi dài của một chiếc tàu chiến Liên Xô ngược chiều trực chỉ hải cảng Sài Gòn làm tôi giật mình và trở lại thực tại. Đoạn sông đủ rộng để hai tàu chạy ngược chiều nhau. Tôi bình thản ngắm nhìn và tiếp tục giang hành. Nhìn thoáng qua, tôi cũng thấy được rất rõ ràng những chiếc quân xa, xe thiết giáp xếp trên hầm tàu làm tôi nghĩ đến: lại chiến tranh! Bọn họ lại tiếp tục mang những thứ ấy để chém giết nữa đây trên các chiến trường Việt Nam và Kampuchia,..
Với 3 năm sống trong không khí mà người ta cho là thanh bình, tôi không tin! Tham vọng của họ vẫn còn, họ đã chà đạp lên Nhân Quyền và tiếp tục như không bao giờ sẽ chấm dứt. Một thanh bình giả tạo, để rồi nhiều đêm vẫn còn nghe tiếng bom nổ từ xa vọng về. Điều này đã khiến bậc cha mẹ lại hằn lên thêm nhiều nỗi lo lắng cho những đứa con thân yêu của mình. Một lần nữa tuổi già lại phải đau khổ và chỉ biết nguyện cầu cho mọi việc yên lành để mong có ngày nhìn lại nét yêu mến của con. Lớp người tuổi trẻ đã bị bọn họ đọa đày trong các chiến trường đẩm máu để phục vụ cho tham vọng ngông cuồng. Tuổi già đã hy sinh cho con cháu bằng biết bao tình yêu thương, bằng hơn 4 ngàn năm ròng rã cười vui gượng gạo.
Chợt tiếng nói của người xung quanh làm tôi nhìn về phía trước, sắp đến một đoạn sông thật uốn khúc, cẩn thận một chút, tôi cho tàu giang hành giữa dòng sông. Dưới những tia nắng chiều yếu ớt sau cơn mưa, đoàn người đi Lao Động dọc theo hai bờ sông đang chuẩn bị trở về sau một ngày công tác Thủy Lợi. Những con đê dài đang xúc tiến thành hình bằng quá trình bóc lột thật nhẫn tâm sức lao động nhân dân mà Nhà Nước dã man chủ trương. Tôi lặng lẽ nhìn đầy sự cảm thông và thương tâm như cho chính mình sự nhọc nhằn mà người dân bị đầy đọa bằng tất cả mồ hôi và nước mắt để hoàn tất kế hoạch bọn Họ đặt ra. Quê hương tôi là những chuỗi ngày sống cho lao động và những đêm dài cho giấc ngủ chập chờn đầy lo âu cho ngày mai. Nhà Nước Cộng Sản vẫn tham vọng khai thác triệt để sức lực con người để phục vụ cho lý thuyết ảo tưởng của họ.
Núi Lớn – Vủng Tàu

Bây giờ trước mặt, ngọn hải đăng Vũng Tàu đã cháy sáng. Con tàu bắt đầu ra khơi, chung quanh là những đèn ghe đánh cá lúc ẩn lúc hiện theo từng đợt sóng nhấp nhô. Đêm bắt đầu xuống, tôi hướng nhìn về Sài Gòn một lần nữa, những tia sáng cuối cùng của hoàng hôn đang dần tàn theo bóng đêm. Các đợt sóng vỗ làm tàu lắc nhẹ và tiếp tục rẽ sóng. Trước mặt tôi giờ đây là một vùng biển mênh mông trong bóng đêm bao phủ. Tôi nôn nóng cho việc hành động cưỡng đoạt tàu sẽ xảy ra, tiếng sóng rẽ của tàu và ngọn hải đăng từ từ xa dần. Tôi quay lại nhìn một lần chót và đây là hình ảnh cuối tôi ghi vào lòng trên bước đường rời bỏ quê hương. Ngọn đèn từ từ chìm khuất dưới chân trời, tàu đang ở một vị trí rất xa ngoài khơi. Thế là hết, không còn nữa, một sự từ bỏ dứt khoát chế độ đã là cách khoảng không gian khiến tôi không còn nhìn được những gì đã và đang xảy ra cho quê hương tôi nữa.
Những sự việc dự tính thành công, con tàu hướng về vùng trời mới, mang theo bao con tim đang khát vọng không khí Tự Do.
Trong những giây phút lắng đọng của tâm tư để hồi tưởng về quá khứ, dư âm hồi còi còn đọng lại trong lòng tôi như những lời giã biệt, âm thanh kéo dài của tiếng còi như tiếng nấc từ đáy lòng của những kẻ ra đi.
Hồi còi ngày xưa là lời chào bến cảng, tôi ra khơi. Ra khơi để hoàn tất chuyến công tác. Sự rời bến trong chuyến đi này là sự rời bỏ vùng đất chết, dưới những bàn tay xem nhẹ Nhân Quyền. Tiếng còi giờ này là lời tạm biệt: tạm biệt quê hương yếu dấu, tạm biệt những người thân, tạm biệt những hạnh phúc, những giàu đẹp chỉ có trên giấy trên tường hay trên những biểu ngữ, bích chương của Nhà nước Cộng Sản trong các chiến dịch thi đua Lao Động, Trăm Hoa đua nở, những loài hoa không hương không thắm, sớm nở tối tàn. Tự Do như có lời mời gọi và tôi đã ra đi.
Bây giờ được hít thở không khí hiền hoà thanh bình thật sự, sống những giờ trên đất nước Tự Do. Mỗi khi nghĩ về quê hương như một tiếng gọi dịu dàng của tình hoài hương. Những tiếng buồn âm thầm trong lòng mỗi khi tưởng đến các bà mẹ, ông cha, các bậc sinh thành đang chịu nhục nhằn và lặn lội trong các Nông trường mất bao nhiêu sự Tự Do dưới sự kềm kẹp sắt máu của bọn họ.
Dù không biết bao giờ, nhưng niềm hy vọng lớn lao và gần nhất vẫn là mong một ngày được trở về quê hương. Ước mong tìm lại cội nguồn, tìm lại những gì đã mất, nối lại vòng tay yêu thương xa cách của nỗi khắc khoải đợi chờ. Ước mong thanh bình thật sự sớm trở lại trên đất nước, màu cờ Tự do được tung bay phất phới.
Âm vang hồi còi ngày xưa như còn ghi lại trong lòng tôi một khích lệ thật lớn cho nỗi hy vọng và động cơ thúc đẩy tìm lý tưởng mới cho cuộc sống. Thực hiện nguyện vọng được vẹn toàn trong ý nghĩa ngày tạm biệt quê hương của thuở nào.

Trương Văn Tài
Wacol Hostel, Brisbane

Tháng 09 năm 1978

Quan tàu Tường

Quan tàu Tường
Nguyễn hiếu Liêm
            Sau cùng thì Quan Tàu Tường cũng được mãn nguyện, được ra đi theo diện « Đoàn Tụ Bạn Bè » để gặp lại những bạn bè cũ đang chờ đợi Ông bên kia thế giới sau bao năm dài xếp hàng chờ đợi. Ông sống cũng buồn lắm với một cơ thể già yếu bệnh hoạn với số tuổi trên tám mươi, đi còn không vững, nên đi đâu phải có người đi kèm ; đối với một người năng động, thích xông xáo hoạt động thì đó là một điều khổ tâm không ít. Những người bạn thân thiết nhất với Ông như anh Tống Hữu Sáo, Mai Hữu Lễ, Nguyễn văn Phước, Reboul Augustin, Lê Hồng Phi … đã ra đi hết rồi và gần đây nhứt là Thầy Jean Ducasse, nhỏ hơn Ông một tuổi thuộc thế hệ của Ông mới vừa ra đi cách đây bốn tháng nên chỉ còn Ông còn sót lại như cây cổ thụ cuối cùng. Ở bên Tây, Hội Hàng Hải thỉnh thoảng có tổ chức ăn chung vài ba tháng một lần, số người chỉ có không đầy một chục gồm cả mấy vị phu nhân, tất cả đều đã về hưu và chỉ có tôi là tên trẻ nhất trong đám và vẫn còn làm việc. Người già sống với dĩ vãng, chỉ nhắc đi nhắc lại những chuyện cũ, trên trời dưới đất, nghe nhiều lần cũng nhàm, ngoài ra thì chẵng có đề tài nào mới và hấp dẫn, nên tôi có nói chuyện cũng ráng nghe. Tôi với Ông thuộc hai thế hệ tuổi cách nhau khoảng hai con giáp nên gặp nhau tôi chỉ có thể hỏi thăm tin tức về sức khỏe và nói chuyện bông lông chớ chẵng biết nói chuyện gì khác. Cuộc đời Ông gắn bó với nghiệp hải hồ, Ông nhớ rõ những chuyến đi trên những chiếc Cypréa, Great Ocean, Bintang Utara, Tung Pao ; những lúc thời tiết thật xấu, làm navigation à l’estime trên chiếc Great Ocean chẵng hạn trên đường đi từ Singapore về Sài Gon, bị bảo, trời bị mây che phủ, không có cái point nào hết, cuối cùng phải chạy đâm vào bờ và nhận ra Poulo Cécir de Mer được Ông kể lại rõ ràng với nhiều chi tiết, cũng như nó mới xảy ra ngày hôm qua.  
M/T Caltex Sydney tiền thân M/T Bintang Utara

Tôi được đi với Ông trên chiếc Cypréa rồi Tung Pao, Bintang Utara cho đến khi mất Sài Gòn và qua Pháp cùng một lượt. Những lúc tàu Bintang Utara neo ở Singapore không trở về Sài Gòn, đêm nào hai Thầy trò cũng thả bộ đi ăn tối ở khu Ngầu Xé Xủi, hoặc ăn mì cà ry ở tiệm mì Hòa Hợp trong khu đó, khi nào đổi món thì có hủ tiếu Sa tê, món đặc biệt của Mã Lai. Đối với dân đi tàu Việt Nam thì những cái tên như Hồng Tấn Mã Thầu, Ngầu Xé Xủi, tiệm Thằng Gù Beauté, Cẩm Chướng là những tên rất quen thuộc đối với giới đi tàu. Khu Ngầu Xé Xủi là khu chợ chuyên bán về đêm, mở cửa đến mấy giờ sáng, có bán quần áo, đồ ăn uống đầy đủ không thiếu, dân đi tàu tụ tập ở đây vì không xa bến tàu, lấy ghe trở về chổ neo tàu không xa. Thật là xứ thanh bình, không biết đến chiến tranh, thiên hạ vui chơi, không lo lắng, chính quyền trong sạch, đi chơi khuya đến sáng cũng không sao, thiên hạ đua nhau làm giàu nhờ … chiến tranh xứ khác, trong khi ở Việt Nam chiến tranh lên đến cao điểm, chết chóc đau khổ ngút trời, quả là hai thái cực ở hai quốc gia cách nhau không xa, như thiên đàng và địa ngục. Thế hệ của Ông gắn liền với những tên tuổi lớn của nghành HHTTVN, của những vị lãnh đạo của Hải Quân Việt Nam, điều đó cũng đễ hiểu vì chính những vị đó cũng xuất thân từ những khóa đầu tiên của Trường Việt Nam Hàng Hải. Viết đến đây tôi cũng mường tượng cảnh ngồi với QT Tường nhậu sò huyết chấm tương ớt với bia Đại Hàn hay lẫu, ở Singapore gọi là Steam Boat khoảng đầu năm 1975, tính đến nay cũng gần 40 năm rồi. Điều đáng để ý, không biết quí vị có nhận thấy không, mấy ông đi tàu, đa số đều chết trước vợ. Quá ! chắc mấy bà hành hạ mấy ông dữ quá, cứ càm ràm, ngắt véo tối ngày trong mấy chục năm trời chịu sao thấu nên họ chiu không nổi, bỏ đi hết không dám trở về, biết đâu xuống dưới tha hồ có bồ mới, khỏi sợ mấy bà đánh ghen, coi bộ khỏe re. Hôm họp mặt tháng 11 năm ngoái, QT Tường có than thở với anh Thụy, tôi cũng có mặt ở đó, nói là có lẽ Ông còn nợ bà vợ nên chưa đi được và nói thêm là khi nào có đám tang Ông anh Thụy nhớ đi dự, phải chăng là lời báo trước về chuyến đi xa cuối cùng của Ông ? Và trong đám tang của Thầy Ducasse, QT Tường có nói trước quan tài rằng « Ông Ducasse đi trước, tôi sẽ theo sau » ; mà quả thật, Ông nối gót theo thật. Trong vòng khoảng 4 tháng, dân HHTTVN đã mất đi hai gương mặt lớn, coi bộ năm Thìn tốt nên nhiều người thích ra đi ? Nhìn cơ thể Ông suy yếu, đi mỗi hai chục thước là Ông phải dừng lại để nghỉ thì cuộc sống đối với Ông quả là một cực hình, chúng ta tuy buồn vì mất đi một gương mặt lớn nhưng nếu tưỡng tượng như QT Tường hiện giờ đang bàn tính đón Xuân với mấy người bạn già như Mai Hữu Lễ, Tống Hữu Sáo, Lê Hồng Phi, Reboul Augustin, Đoàn Luyện…. hay đang nhậu la ve với tôm khô củ kiệu, bù khú với nhau bên kia thế giới thì chúng ta cũng không nên quá đau buồn khi xa cách. Đời sống con người nằm trong định luật Sinh Trụ Hoại Diệt và hồi sinh, hoàn tất một giai đoạn lại tiếp tục giai đoạn kế tiếp, sự tiến hóa không bao giờ chấm dứt, linh hồn con người có chết bao giờ đâu. Bây giờ QT Tường đã rời bỏ thể xác, linh hồn tự do bay nhẩy, bây giờ chạy đua với ổng chưa chắc ai chạy lại. Giờ đây Ông đã đi xa, tôi xin ghi lại đôi dòng tưởng nhớ đến những kỹ niệm xưa, lúc còn đi chung tàu, xin Ông được an nghỉ trong vòng tay thương yêu của Thiên Chúa. Còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán, thông thường lúc nầy Đất Trời đang vào Xuân, chim én đang trở về bay lượn trên những cánh đồng đã gặt còn trơ những cuốn rạ mang tin Xuân, bầu trời xanh lơ cao vút, gió chướng vi vu mang hơi gió lạnh mát. Dù ngoại cảnh có thay ra sao đi nửa, hương Xuân trong lòng mọi người vẫn còn tồn tại mãi mãi không phai lạt với thời gian, mùa Xuân là mùa Hồi Sinh sau mùa Đông băng giá, chúng ta hãy cùng nhau gạt bỏ hết những ưu phiền nặng nề, những cố chấp của đời sống đang đè nặng tâm thức, hướng về sự nhẹ nhàng, tươi đẹp, trong sáng của Càn Khôn Vũ Trụ để chào đón Mùa Xuân đang đến, và nhân dịp nầy cũng kính xin gởi đến Quan Tàu Tường những lời chúc tốt đẹp nhứt cho sự tiến hóa của Ông trong đời sống tiếp tục bên kia thế giới.

Nguyễn Hiếu Liêm

Cội bần chưa đứt

CỘI BẦN CHƯA ĐỨT
 
Tuấn Thy
 
            Chiếc xe đò đưa chúng tôi về Quận Cái Nhum ngừng lại bên hông chợ thì trời đã giữa trưa. Hành khách còn độ mươi người vì đây là trạm chót. Chú Bảy, lơ xe, nhảy xuống gọn gàng mở cửa, nói với chúng tôi :
– Mấy đứa tụi bây đi lại trước nhà lồng chợ rồi đợi đó nhen. Tao xuống đồ đạc cho hành khách và của tụi bây trên mui xe, rồi lấy xuồng đưa về nhà.
Chợ Cái Nhum – Vĩnh Long

Không dám cãi lời Chú Bảy, là chú bà con cả hai bên Nội Ngoại, bốn anh em tụi tôi đứng vào hàng ba chợ cho đỡ nắng. Bẵng đi một thời gian, mới hơn sáu năm lên Sài Gòn đi học, tôi chưa có dịp trở về quê mà chợ Quận có vẻ khác lạ hơn xưa. Lần đầu tiên trở lại quê nhà, tôi cảm thấy như mình xa lạ vì những đổi thay mau chóng của quang cảnh chung quanh, mặc dầu cũng còn những người quen biết bà con buôn bán trước đây.
Bến xe đò ngày xưa ở cạnh trường Quận, nay được dời đến bên hông chợ, cách dinh Quận không xa, có lẽ để tiện việc trình kiểm giấy tờ hành chánh. Các hàng cột sắt nhà lồng chợ đã được sơn lại bóng láng, có vẻ được săn sóc, bảo trì chu đáo. Trước nhà lồng, chiếc xe nước mía của chú Tư Phồi được trang bị máy móc chứ không còn ép bằng bánh xe quay tay như xưa. Cạnh đó là hàng nước trái cây đủ loại, sơn màu rực rỡ, đề bảng Nước Sinh Tố, nước hột é « lười ươi » và mủ trôm ngâm đường phèn.
Trong nhà lồng, bốn dãy sạp hàng được lót ván sơn dầu, ngay ngắn từ đầu đến cuối chợ, không còn tạp nhạp như xưa, đã được dọn sạch sẽ có lẽ từ hồi trưa, chỉ còn lại thưa thớt, hơn chục sạp bán đồ khô, mắm muối, quần áo, hàng vải hay chiếu nóp.
Thấy chúng tôi đứng khép nép dưới mái chợ, chú Tư Phồi vói miệng hỏi chú Bảy :
– Mấy đứa nhỏ nầy là con anh Ba Thạnh phải không ? Mới có mấy năm mà đứa nào đứa nấy lớn xộn rồi chớ.
– Ừa ! Anh Ba, chị Ba biểu đưa tụi nó về đây ít hôm vì trên Sài Gòn lộn xộn vụ chánh phủ đánh nhau với Bình Xuyên gì đó
Chú Tư Phồi nói tiếp :
– Thấy báo đăng mấy bữa nay mà mầy có đem báo mới về không ? Bà con đợi tin sốt dẽo ở Sài Gòn.
– Có chồng báo mà hổng biết anh ba Luận để đâu ? Thế nào cũng đưa cho chị Giáo Ngữ mà.
Quay qua chúng tôi, chú Tư Phồi nói :
– Tụi bây còn nhớ tao không ?
– Chú là con Bà Sáu, tôi trả lời chú Tư Phồi.
– Ừa ! Thôi, tụi bây lại ngồi trên cái băng ở trước , rồi tao lấy nước cho uống.
Nghe nói được uống nưóc tôi mừng húm còn hơn bắt được vàng, vì từ hồi trưa đến giờ, khát khô cổ họng mà tôi không dám xin chú Bảy vì thấy chú cứ lu bu nhảy lên, nhảy xuống đón tiếp hành khách, kéo chất hàng hóa lên mui xe, nên đành chịu. Tôi cầm ly nước của chú Tư Phồi đưa ra, chẳng biết là nước gì, màu nâu thâm, uống ực một hơi, nghe thơm mùi dầu chuối và trơn tru qua cổ họng, mát lạnh đến cuống ruột. Chú Tư hỏi tôi :
– Uống thêm hông ? Bà Sáu mới ngâm thêm một thùng từ hồi trưa để chờ bán cho hành khách .
Tôi hỏi chú :
– Nước gì vậy ?
– Mèn đét ơi ! Cái thằng nầy, thiệt tình nó quên hết gốc rễ rồi. Thương tụi bây lắm, tao mới cho đó. Nước mủ trôm ngâm đường phèn.
Tôi quả thật không ngờ mình được uống nước mủ trôm. Đây là lần thứ nhứt tôi được nếm cái hương vị ngọt ngào của nước mủ trôm. Hồi nhỏ, tôi thường nghe nói mà có được uống bao giờ đâu và ngồi dưới tàn cây trôm ở nhà việc, không biết ai trồng từ bao giờ, rất lớn, cao khỏi nóc, gốc cây to hơn hai vòng tay người ôm. Lá trôm có cuống dài, đầu cuống có nhiều lá nhỏ tụ lại như lá khoai mì hay lá cao su. Trái trôm lớn bằng trái xoài, trái chín màu đỏ ửng vàng, hình giống như cái mõ. Hột trôm chin màu đen, lớn bằng cở hột sen. Mấy đứa con nít tụi tôi trong làng thường lượm trái trôm rụng xuống gở hột ăn bùi bùi, béo béo hay lấy cây gõ chơi nghe lốc cốc làm thầy chùa, chớ không biết cạy mủ trôm ngâm đường phèn để uống. Vả lại cũng không dễ gì kiếm được đường phèn.
Trên bến, các bạn hàng, phần lớn là các cô gái trẻ, trong khoảng trên dưới hai mươi, đầu chít khăn sọc rằn, quần áo tươm tất, bà ba đen, trắng hay màu nhưng không sặc sở, càng làm tăng nét nhu mì của tuổi dậy thì. Họ tụ năm, tụ bẩy nói chuyện vui vẻ, cười đùa một cách hồn nhiên, trong khi chờ đợi chuyến đò xuôi về nhà nghỉ ngơi, sau buổi chợ quận.
Phần lớn bạn hàng từ những làng mạc không xa lắm, nằm dài trên dòng sông Măng Thích như Tân An Luông, Bàu Sen, Tân Thắng … sáng sớm bơi xuồng hay theo ghe đò đem hàng ra chợ quận Cái Nhum đến xế trưa thì về. Để rồi cứ vậy mà tiếp tục tháng nầy qua năm kia không ngừng nghỉ. Đời sống bình thản yên lành, mặc dầu cũng có đôi chút cạnh tranh trong việc buôn bán nhưng ít khi họ lên tiếng than van. Họ lấy cái tình mà đối xử nhau, qua cuộc bán buôn rồi thì cười đùa vui vẻ, không bon chen giành giựt, xem chuyện bán buôn chỉ là trao đổi những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống thường ngày.
Chung quanh chợ, các tiệm buôn được sơn phết, sửa sang lại khang trang hơn trước đây nhưng quang cảnh chợ chiều ở Quận vẫn buồn thiu vắng khách. Một vài tiệm trong vòng bà con quen biết vẫn còn đây, không thay đổi nhiều.
Chú Chệt Tài, chủ tiệm chạp phô, bán gạo thóc, tương, chao, đủ loại …vẫn như độ nào, ngồi cuốn tròn cái áo thun, phơi bụng tròn ú như ông địa, phe phẩy chiếc quạt con chầm bằng lá dừa nước. Tiệm nước ở góc chợ của bà Năm Xinh, em vợ Thầy Hương Quản trong làng, chỉ có một vài người khách ngồi uống trà hay nước ngọt xá xị con cọp, Birley’s …Ở một góc nhỏ, hai người có vẻ là phu khuân, ngồi gác chân lên ghế, theo kiểu nước lụt, nhậu lai rai chai rượu đế với củ kiệu, tôm khô. Trên bàn, mấy chiếc bánh bao ngọt, cớm ngò đậy trong lồng lưới. Vài người ra vô mua thuốc ở tiệm dựợc trữ của Bà Giáo Thu, vợ Thầy Hương Giáo, có lẽ đem về trong thôn xóm xa, phòng ngừa đau ốm khi tối lửa tắt đèn. Tiệm của Dì Ba, vợ Chú Ngữ, bà con hai bênNội Ngoại, giáo viên ở trường Quận, bán sách báo, tập vở, viết, mực học trò trông vẫn khang trang như độ nào.

Ở cuối chợ, giáp mé sông, những đống rau, khoai lang, khoai mì, trái cây đủ loại, cao ngang đầu người, nhất là dưa hấu đầu mùa, vỏ trắng non sèo. Trên sạp gỗ, rải rác những phần dưa mẫu cắt nửa phơi ruột hồng hồng, điểm lấm tấm những hạt dưa non. Bên cạnh đó, vài ba bà lớn tuổi ngồi khuấy nước trong thau, chậu sành chứa cá, nổi bọt, mời mọc người đi qua lại một cách buồn hiu. Trong thau, chậu chỉ còn lại những cá con, thỉnh thoảng nhảy ra ngoài theo nước khuấy động. Mặc dầu trời đã xế trưa nhưng mặt trời vẫn còn sáng rực nóng hổi. May là Quận lỵ nằm sát mé sông nên gió thổi mát rượi làm cho tôi quên đi cái nóng oi bức quanh năm suốt tháng của thời tiết miền Nam thương yêu.
Tiếng lách tách của chiếc mái chèo khua nhẹ trên mặt nước nghe buồn rười rượi. Chiếc đò nhỏ khoảng mươi thước chiều dài, phía sau được đóng vách ván, lợp mui lá dừa, cặp vào cầu xi măng đón hành khách, bạn hàng rong. Cứ mỗi lần một người bước xuống đò thì chiếc đò chòng chành đôi chút rồi trở lại vị trí thăng bằng. Hai vợ chồng người lái đò, kẻ trước mũi, người sau lái, giữ chặt chiếc xuồng, mặc dầu đã cột dây đỏi vào trụ. Các hành khách có vẻ quen thuộc với chiếc đò nên khi bước xuống đã ngồi ngay lên trên tấm ván lót ngang qua lòng ghe. Họ đưa tay vẫy chào những người trên bến, cười nói xôn xao. Thật là một quang cảnh rất thân thương khó quên được.
Phía bên kia sông là làng Tân Long Hội, chính quê của hai bên Nội Ngoại, nơi mà tôi đã sống những ngày ấu thơ ly loạn. Miễu đình làng, cũng là nhà việc, nóc cong quớt bốn góc, nhô lên khỏi rặng cây vẫn còn đấy, có vẽ không thay đổi bao nhiêu. Những hình ảnh, nhà cửa trong làng, trường học, đồng ruộng, sân banh của hơn ba năm chạy giặc sống bên cạnh nhà hương hỏa của gia đình vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi, lần lượt hiện về rõ rệt hơn. Tôi định bụng là ngày mai sẽ đi từ đầu trên tới xóm dưới để nhìn lại cảnh vật sau sáu năm xa cách.
Xô chiếc thuyền con bằng chiếc mái dầm ra khỏi bến, chú Bảy dặn dò chúng tôi :
– Mấy đứa tụi bây ngồi yên nhen, nhứt là thằng Bình đừng có nghiêng mình ra ngoài khuấy nước mà té xuống song. Tao hổng nhảy theo kịp mà vớt đó.
– Chú Bảy đừng lo ! Cháu biết lội mà !
– Ừ ! Nhưng mà mầy kéo theo mấy đứa nhỏ, rồi tao làm sao ? Để tao chèo mau về đến nhà. Một chút nữa nước lớn ngược chèo, tụi bây có nước ngủ lại trên sạp chợ, chớ anh Ba, chị Ba dặn tao là không được làm phiền bà con, cô bác nào cả.
– Thôi thì chú cho cháu bơi phụ với chú.
Chị tôi chen vào nói :
– Gặp tay mầy mà cầm lái chắc là chiếc xuồng quay tròn tròn, chẳng đi tới đâu. Đừng có trả treo nửa, để chú Bảy chèo đi cho lẹ về nhà.
– Chị Hai cứ chê tui hoài. Chị cũng đâu có biết chèo mà ngạo tui.
Chú Bảy nói :
– Thôi ! Tụi bây đừng có cãi nhau nữa.
Tôi ngồi im, ấm ức, nhưng khi nhìn lên bờ, mấy cành dừa xanh cao ngất, vươn mình trên dòng sông nước trong lành, dịu ngọt. Tôi nghe lòng mát rượi, nghĩ đến chút nữa thế nào cũng xin Ông Cố Ba cho uống dừa trong hàng dừa trồng dọc theo rạch dẫn vô nhà Ông. Thảng một vài nơi các cội bần chưa đứt rễ, bám víu vào bờ đất ven sông hay quấn quít các đám ô rô, cóc kèn, lau sậy, như chưa vội lìa xa, buông xác khô cằn cỗi trôi theo dòng nước tuôn ra biển cả. Những trái mù u trôi lềnh bềnh trên mặt sông, có lẽ rụng xuống từ một cây nào đó. Mai kia, những trái nầy tấp vào bờ đất ven sông, nẩy mầm mọc rễ, mọc lên những cây mù u khác.
Tôi bất giác nhớ lại hồi đó có những chiếc xuồng đi vớt mù u để đem về ép lấy dầu đốt đèn, nay không thấy nửa. Chắc là nhà nhà đều dùng đèn dầu hôi, chớ không dùng dầu mù u nủa, vì dầu mù u không sáng tỏ mà lại khói đen mịt mù. Hơn nữa, sau khi ép dầu, vỏ mù u hôi thúi vô cùng, không chịu nổi. Hoạ hoằn thì những nhà trong cánh đồng ruộng xa, không có dịp hay phương tiện ra chợ Quận mua dầu hôi mới phải tạm đốt bằng dầu nầy. Tuy vậy, tôi vẫn cho đốt đèn dầu mù u là nói lên cả một tình thương yêu trong gia đình. Dầu rằng cho thấy sự nghèo nàn khổ cực nhưng nhớ lại hình ảnh trước đây anh em chúng tôi ngồi cặm cụi, tập đồ, tập viết hay học bài ê a bên cạnh ngọn đèn, tôi bất giác nghe như mắt rưng rưng khóc.
Bóng trời chiều xuống từ từ lan rộng trên thôn quê. Gió hiu hiu thổi nhẹ làm cho tôi cảm thấy hơi lạnh. Xa xa những cánh đồng lúa, thửa chín, thửa chưa, như những tấm thảm thiên nhiên, chen lẩn màu sắc xanh vàng, trải dài đến cuối chân trời. Dọc theo làng, vài nhà đã bắt đầu khơi bếp, khói tỏa lên trên nền trời xanh thẩm, mơn man, nhẹ nhàng uốn éo theo chiều gió. Vài căn nhà bắt đầu lên đèn, lấp lánh ánh lửa sau mấy hàng cây đen sẫm. Một cảm giác chợt đến, tôi muốn dang rộng cánh tay ôm lấy cả bầu trời thân yêu này, chôn chặt lại vào lòng, trong trí não, để mà thương, để mà nhớ suốt đời mình.
Chiếc xuồng cập lại cầu dừa, trước nhà Ông Bà chúng tôi thì trời cũng đã tối hơn. Trên bến, mấy đứa em, con chú Tư chúng tôi, lên tiếng chào mừng. Chú Bảy nhảy xuống nưóc cột chiếc ghe vào cột dừa, đưa tay bồng hai em tôi và nói với chị em tôi :
– Cầu dừa trơn lắm, hai đứa bây vịn tay chặt vào cây tre chớ không là té xuống sông nhen.
Mấy đứa em, con chú Tư chúng tôi, nói với chị tôi :
– Chị Hai đưa đồ đây, tụi em xách lên đây cho.
Chị tôi đưa hai cái va li cho Phước và Đức, con chú Tư tôi rồi bước lên theo. Chiếc xuồng con trôi tấp vào mé sông theo con nước bắt đầu ròng.
Đường từ mé sông lên nhà Ông Bà tôi khoảng hai mươi thước. Hàng dừa xiêm trước đây dọc theo bờ sông, có lẽ đã bị đất lở trốc gốc mất rồi. Chỉ còn lại bụi mía và mấy cây cam, bưởi. Cạnh con rạch nhỏ, căn nhà hồi trước của người Cô thứ Sáu chúng tôi đã bỏ trống khi Dượng Sáu theo chân Ba tôi lên Sài Gòn. Tôi nhìn vào căn nhà trống trơn không còn món gì bên trong, cửa phên tre được dở ra, dựng bên hông nhà. Bàn thờ Ông Thiên trước sân nhà vẫn còn trang nghiêm như thuở trước. Tôi nhìn quanh dáo dác tìm cây li ki ma trồng trước nhà, mà tôi thường leo lên đó nằm vắt võng những buổi trưa nắng nóng nực. Đống rơm ở ngoài vườn cao khỏi nóc nhà hầu như y nguyên như trước đây, không thấy thay đổi. Thật sự thì sau mùa lúa thì rơm mới được đem về chất thêm vào chưn.
Bước vào nhà Ông Bà tôi hay gọi đó nhà hương hỏa vì được để lại từ đời Ông Cố của Ba tôi ; cách bày biện vẫn y nguyên như trước đây. Nhang đèn trên bàn thờ đã được thắp sáng và tỏa mùi thơm tinh khiết, hoa quả và phẩm vật được bày cúng chưa dọn xuống. Ở thôn quê Nam Việt, thường là trước khi dùng bửa, đều phải dọn cúng Ông Bà trước rồi con cháu mới được ăn sau. Ngày thường trong năm thì cúng mặn, chỉ đến những ngày Tết mới cúng chay theo lời dặn của Ông Bà trước khi qua đời.
Chúng tôi bước lại cúi đầu thưa Bà Nội chúng tôi, đang ngồi ngoái trầu ở bộ ván gõ, lót giữa gian nhà chánh. Dưới bàn thờ, lò giữ lửa xây bằng xi măng đã lụn tàn nhưng than còn ngún dưới lớp tro. Con cuối đã dụi tắt dựng kế bên, phòng khi cần thiết. Hồi còn nhỏ, ở cạnh bên nhà, Ông Nội tôi thường kể cho tôi nghe về chuyện giữ lửa trong nhà. Đấy là để nói lên cái cảnh ấm cúng, trong tinh thần cũng như vật chất của một mái nhà. Nếu ai bước vào nhà mà không nghe cái hơi ấm ấy, tức thì có cảm giác như nhà hoang chết chủ hay là sự thiếu thốn của một gia đình. Thực tế thì ở nhà quê, sau khi nấu ăn xong, nguời ta thường vùi củi dưới mớ tro xốp để luôn luôn có lửa âm ỉ cháy tối ngày sáng đêm cho ấm căn nhà. Mùi thơm thực phẩm làm cho cơn đói cồn cào trong bụng tôi thức dậy. Giữa lúc đó, Thím Tư tôi từ nhà bếp bước lên nói với chúng tôi :
– Mấy cháu ra ngoài lu nước bên hông nhà, rửa mặt cho tỉnh táo rồi đi ăn cơm. Bà Nội và Thím ăn cơm rồi từ hồi sẳm tối. Ở nhà quê chớ không phải như ở Sài Gòn, ăn cơm sớm lắm.
Chúng tôi, tám đứa, kể cả mấy đứa em con Chú Tư, ngồi vào bàn ăn ở gian nhà chái. Bữa cơm không có gì gọi là cao lương mỹ vị vì đây là quê nhà, cũng như phần lớn các miền quê Nam Việt. Trên bàn gồm có mươi miếng cá lóc kho, bông bí rợ xào thịt ba rọi, canh rau mồng tơi nấu với tôm khô, đậu rồng và một dĩa nước mắm nhỉ. Thúng trái cây cam, quít, bưởi và măng cụt, có lẽ vừa mới hái ban chiều để ở góc nhà. Thật sự có thể nói là một bửa cơm đạm bạc chớ không như ở Sài Gòn, chúng tôi được ăn nhiều món có phần bổ dưỡng hơn trong một bửa ăn như thịt bò, thịt heo hay thịt gà, tôm, cua và các thức khác như bơ, trứng, phó mát, uống sữa sóc với trái cây và kem lạnh tráng miệng nhưng lại dễ sanh bịnh hơn.
Dở nồi cơm thơm phức, tôi múc đầy vào chén, chan canh và lua lấy, lua để, một phần vì đói và một phần vì cảm thấy cơm thơm ngon quá, khác hẳn với cơm của chị Sáu làm bếp cho nhà tôi ở Sài Gòn. Tôi hỏi Thím Tư :
– Cơm ngon quá, chắc là gạo mới phải không Thím Tư ? Cháu chưa ăn gạo ngon như vầy ở Sài Gòn. Loại nầy tên là gì vậy ? Hèn chi mà cơm thơm quá. Ở Sài Gòn má cháu cũng mua gạo thơm về nấu, mà sao cơm không được thơm như vầy. Hay là chị Sáu không biết nấu cơm ?
Bà nội tôi nói:
– Hổng phải vậy đâu, tại ở Sài Gòn nấu cơm bằng dầu hôi nên cơm không thơm ngon . Ở đây người ta nấu cơm bằng củi hoặc than nên hột gạo nở đúng theo sức nóng. Rồi xới cơm đều tay bằng hai chiếc đũa bếp, khi vừa cạn nước. Lò dầu hôi khó canh lửa nên khi cháy mạnh quá, đôi khi táp gạo, làm cho hột gạo nở không đều, mất thơm.
Quay đầu lại nghe Bà Nội tôi nói rồi hỏi tiếp :
– Vậy chớ ở đây mình nấu cơm bằng củi gì ?
– Đủ loại và tùy theo mùa. Những ngày thường thì dùng củi vựa ở sau nhà, đủ loại cây cắt khúc hoặc quơ quào mấy nhánh cây rụng đem về làm củi. Ba năm về trước, hồi Hai Thính, hàng Bác của con, ở ngoài vàm Tân An Luông còn làm than ở Cà Mau thì thỉnh thoảng có đem về cho than đước Nấu cơm bằng than đước cũng ngon lắm.
Trời đã tối sầm, phần đi đường xe mệt mỏi nên mấy đứa chúng tôi ngáp dài. Bà tôi thấy vậy bảo chúng tôi đi ngủ, rồi mai mốt nói chuyện tiếp. Mặc dầu buồn ngủ nhưng tôi vẫn muốn nghe để hiểu biết những gì ở quê tôi. Lúc theo ba tôi lên Sài Gòn thì mới hơn 6 tuổi nên chẳng biết gì. Thỉnh thoảng cũng nhớ lại làng quê nhưng đó chỉ là những hình ảnh kỹ niệm ấu thời mơ hồ không hiểu xâu xa.
Trời vừa tờ mờ sang, khi nghe tiếng gáy của con gà trống cồ là tôi đã choàng dậy. Nhưng không ngờ là Bà Nội và thiếm tôi đã thức dậy rồi. Tôi bước ra ngoài sân, mặt trời chưa ló dạng, khí trời lành lạnh, cảnh vật vẩn còn nằm im trong cơn cuối giấc ngủ đêm. Thỉnh thoảng tiếng gà hàng xóm, tiếng chó sủa vang vọng lại nghe cô đơn, lạc lỏng. Tôi hít mạnh hơi thở vào lồng ngực, nghe mùi thơm man mác lẫn lộn mùi bông bưởi, bông sao, mùi củi cây, mùi lúa chin, mùi rơm khô, mùi rau, mùi đậu. Những mùi thơm nầy chừng như đã thấm trong máu của tôi, trong từng thớ thịt, không dứt ra được.
Tôi bước qua nhà Ông Cố thứ ba chúng tôi, tức là em kế của Ông Cố tôi. Ông sống một mình sau khi Bà Cố qua đời. Năm nay Ông đã ngoài 80 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, ông thường đi múc nước dưới song khi nước lớn, dự trử trong cái mái gầm. Bên hông nhà Ông có 4,5 cái mái gầm, mỗi cái vào khoảng 200 lít, bên trên được đậy kín bằng nắp cây. Những ngày trời mưa thì Ông hứng nước từ mái nhà vào mái để dung. Gần như quanh năm suốt tháng lúc nào nhà Ông cũng có nước mưa ngọt lịm.
Tôi bước vào nhà thì thấy Ông đang ngồi quấn đếu thuốc rê bên cạnh bàn trường kỷ cẩn ốc xa cừ, chân quì, gia tài của Ông Sơ tôi để lại cho Ông.
Tôi cúi đầu nói :
– Thưa Ông Cố
– Ừa ! Tụi con mới về đó à.
– Dạ ! Về từ hồi hôm nhưng không dám qua vì muốn để cho ông Cố nghỉ sớm.
– Ừa ! Ông Cố ngủ sớm lắm.
Ông kéo tôi lại vò đầu và hỏi :
– Ba Má con mạnh khỏe không ?
– Dạ thưa mạnh.
– Con ăn lót lòng chưa ?
– Thưa chưa.
Nghe vậy Ông kéo tôi ra nhà bếp, chỉ cho tô cháo đậu xanh bảo tôi ăn. Cầm tô ra ngoài để múc nước rửa thì thấy Ông Cố tôi đang bang đống vỏ măng cụt ra. Tôi hỏi ông :
– Ông Cố phơi vỏ măng cụt làm gì vậy ?
– Ông phơi nó để chụm bếp. Vỏ măng cụt phơi khô làm củi, nổ lách tách như than đước Cà Mau vậy. Lúc nầy thì có vỏ măng cụt, lúc gần Tết thì ông lượm mấy nhánh sao gảy rớt ở đường làng mà xài. Củi sao đốt lên nghe thoang thoảng mùi mưa phùn, gió bấc. Hồi ông còn nhỏ, ông Sơ của con cứ nói hoài. Ông Bà mình theo Cần Vương vào trong Nam khi Ông chưa sanh ra. Tính ra Ông Bà mình lập nghiệp ở làng nầy hơn một thế kỷ nay. Bụi mía phía sau nhà Ông ngày xưa là hồ cá, cái nhà Ông Cố bây giờ là vựa lúa nuôi nghĩa quân. Đến khi đánh nhau với Tây, nghĩa quân thua trận chạy về đây báo tin, rồi đi khắp nơi. Ông sơ con sợ Tây vào xúc lúa đi nên tuôn lúa dưới hồ.
– Vậy còn cái đống dăm bào kia, Ông Cố để làm gì ?
– Cũng để chụm bếp. Cái thứ nầy tốt lắm và khi nấu lên cơm thơm phức. Ông Cố chứa một đống để nấu cơm ăn quanh năm suốt tháng. Chú Năm thợ mộc ở xóm dưới, cứ vài bữa là đem cho Ông một bao cà ròn. Loại dăm cây nầy là tiện từ những gỗ quí như trắc, cẩm lai, huỳnh đàn nên nó thơm lắm. Ngọn lửa của dăm tiện rất dai dẳng, không tắt, mà mỗi lần ngọn lửa bắt lên, hình ảnh ngọn lửa như ngọn lửa thiêng của dân tộc mình.

Ghe bán trái cây Vĩnh Long

Từ đó về sau, trong suốt hai mươi năm tiếp theo, tôi vẫn thường xuyên về thăm quê nhà. Tôi cảm thấy có một sợi dây vô hình nào ràng buộc tôi với xóm làng. Đôi ba năm xa vắng vì sinh kế, tôi cảm thấy bồn chồn, ray rức, dù rằng tôi chỉ sống một thời gian ngắn ngủi ở đấy. Tôi như cây bần không dứt được rễ khi đã bám vào đất quê hương để lớn lên. Vì vậy cây bần hay bất cứ loại cây nào khác, nếu đem trồng nơi đất khác, khi đã bắt rễ rồi thì dù cây kia có trổ hoa lá xum xê hay màu chói rạng cũng không có được đặc tính nguyên thuỷ của nó. Bởi đó, nay sống xa cách quê hương, nhưng lòng tôi lúc nào cũng hướng về nơi đó. Tôi cũng mạn phép nghĩ rằng mọi người chúng ta chắc hẳn cùng mang tâm trạng như nhau.
Riêng về lời nói của Ông Cố tôi, sau những năm dài suy nghĩ, tôi vẫn chưa hiểu được hết ý của Ông nhưng phải chăng Ông muốn nói đến một lễ tục của nền Văn Hóa Tâm Linh Việt Nam tức là đợt tâm thức quân bình của dân tộc Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa để lại. Nhìn chung, con người Việt Nam, dù nay phải sống trong xã hội Tây Phương, với nền văn hóa khác biệt, nhưng chúng ta phần lớn đã đạt được sự quân bình trong nếp sống vì tất cả mọi người chúng ta có lẽ đều nhận ra được chỗ hội thông Thìên- Địa- Nhân. Hầu như mọi người chúng ta đều giữ lửa trong lòng.

Tháng Tư 1997