Tôi được đi với Ông trên chiếc Cypréa rồi Tung Pao, Bintang Utara cho đến khi mất Sài Gòn và qua Pháp cùng một lượt. Những lúc tàu Bintang Utara neo ở Singapore không trở về Sài Gòn, đêm nào hai Thầy trò cũng thả bộ đi ăn tối ở khu Ngầu Xé Xủi, hoặc ăn mì cà ry ở tiệm mì Hòa Hợp trong khu đó, khi nào đổi món thì có hủ tiếu Sa tê, món đặc biệt của Mã Lai. Đối với dân đi tàu Việt Nam thì những cái tên như Hồng Tấn Mã Thầu, Ngầu Xé Xủi, tiệm Thằng Gù Beauté, Cẩm Chướng là những tên rất quen thuộc đối với giới đi tàu. Khu Ngầu Xé Xủi là khu chợ chuyên bán về đêm, mở cửa đến mấy giờ sáng, có bán quần áo, đồ ăn uống đầy đủ không thiếu, dân đi tàu tụ tập ở đây vì không xa bến tàu, lấy ghe trở về chổ neo tàu không xa. Thật là xứ thanh bình, không biết đến chiến tranh, thiên hạ vui chơi, không lo lắng, chính quyền trong sạch, đi chơi khuya đến sáng cũng không sao, thiên hạ đua nhau làm giàu nhờ … chiến tranh xứ khác, trong khi ở Việt Nam chiến tranh lên đến cao điểm, chết chóc đau khổ ngút trời, quả là hai thái cực ở hai quốc gia cách nhau không xa, như thiên đàng và địa ngục. Thế hệ của Ông gắn liền với những tên tuổi lớn của nghành HHTTVN, của những vị lãnh đạo của Hải Quân Việt Nam, điều đó cũng đễ hiểu vì chính những vị đó cũng xuất thân từ những khóa đầu tiên của Trường Việt Nam Hàng Hải. Viết đến đây tôi cũng mường tượng cảnh ngồi với QT Tường nhậu sò huyết chấm tương ớt với bia Đại Hàn hay lẫu, ở Singapore gọi là Steam Boat khoảng đầu năm 1975, tính đến nay cũng gần 40 năm rồi. Điều đáng để ý, không biết quí vị có nhận thấy không, mấy ông đi tàu, đa số đều chết trước vợ. Quá ! chắc mấy bà hành hạ mấy ông dữ quá, cứ càm ràm, ngắt véo tối ngày trong mấy chục năm trời chịu sao thấu nên họ chiu không nổi, bỏ đi hết không dám trở về, biết đâu xuống dưới tha hồ có bồ mới, khỏi sợ mấy bà đánh ghen, coi bộ khỏe re. Hôm họp mặt tháng 11 năm ngoái, QT Tường có than thở với anh Thụy, tôi cũng có mặt ở đó, nói là có lẽ Ông còn nợ bà vợ nên chưa đi được và nói thêm là khi nào có đám tang Ông anh Thụy nhớ đi dự, phải chăng là lời báo trước về chuyến đi xa cuối cùng của Ông ? Và trong đám tang của Thầy Ducasse, QT Tường có nói trước quan tài rằng « Ông Ducasse đi trước, tôi sẽ theo sau » ; mà quả thật, Ông nối gót theo thật. Trong vòng khoảng 4 tháng, dân HHTTVN đã mất đi hai gương mặt lớn, coi bộ năm Thìn tốt nên nhiều người thích ra đi ? Nhìn cơ thể Ông suy yếu, đi mỗi hai chục thước là Ông phải dừng lại để nghỉ thì cuộc sống đối với Ông quả là một cực hình, chúng ta tuy buồn vì mất đi một gương mặt lớn nhưng nếu tưỡng tượng như QT Tường hiện giờ đang bàn tính đón Xuân với mấy người bạn già như Mai Hữu Lễ, Tống Hữu Sáo, Lê Hồng Phi, Reboul Augustin, Đoàn Luyện…. hay đang nhậu la ve với tôm khô củ kiệu, bù khú với nhau bên kia thế giới thì chúng ta cũng không nên quá đau buồn khi xa cách. Đời sống con người nằm trong định luật Sinh Trụ Hoại Diệt và hồi sinh, hoàn tất một giai đoạn lại tiếp tục giai đoạn kế tiếp, sự tiến hóa không bao giờ chấm dứt, linh hồn con người có chết bao giờ đâu. Bây giờ QT Tường đã rời bỏ thể xác, linh hồn tự do bay nhẩy, bây giờ chạy đua với ổng chưa chắc ai chạy lại. Giờ đây Ông đã đi xa, tôi xin ghi lại đôi dòng tưởng nhớ đến những kỹ niệm xưa, lúc còn đi chung tàu, xin Ông được an nghỉ trong vòng tay thương yêu của Thiên Chúa. Còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán, thông thường lúc nầy Đất Trời đang vào Xuân, chim én đang trở về bay lượn trên những cánh đồng đã gặt còn trơ những cuốn rạ mang tin Xuân, bầu trời xanh lơ cao vút, gió chướng vi vu mang hơi gió lạnh mát. Dù ngoại cảnh có thay ra sao đi nửa, hương Xuân trong lòng mọi người vẫn còn tồn tại mãi mãi không phai lạt với thời gian, mùa Xuân là mùa Hồi Sinh sau mùa Đông băng giá, chúng ta hãy cùng nhau gạt bỏ hết những ưu phiền nặng nề, những cố chấp của đời sống đang đè nặng tâm thức, hướng về sự nhẹ nhàng, tươi đẹp, trong sáng của Càn Khôn Vũ Trụ để chào đón Mùa Xuân đang đến, và nhân dịp nầy cũng kính xin gởi đến Quan Tàu Tường những lời chúc tốt đẹp nhứt cho sự tiến hóa của Ông trong đời sống tiếp tục bên kia thế giới.
Nguyễn Hiếu Liêm