Một chuyến đi

MỘT  CHUYẾN  ĐI

Hồi ký của một Sĩ Quan Hàng Hải Thương Thuyền sống dưới hai chế độ trước và sau 1975.

Nguyễn phú Thiệu (Cơ khí 19)

Thiệu và Liêm đang ngồi nhậu bia San Miguel ở San Fernando - Philippines

               Trong những năm chiến tranh, tôi được may mắn đi trên những chiếc tàu viễn dương thuộc hãng VishipCo Line của ông Trần đình Trường, chở hàng hóa từ cảng Singapore đến những quốc gia khác như Nhật, Đài Loan, Hồng Kông, Nam Dương, Philippines, Thái Lan và Kampuchia. Mỗi năm tôi chỉ về Sài Gòn vào khoảng 5 lần và thời gian còn lại, phần lớn ở tại Singapore.

            Vào thời điểm chiến tranh khốc liệt, tôi chỉ biết tin tức và thời sự VN qua đài BBC. Mãi cho đến 20-4-1975, ông Trần đình Trường điện thoại qua Singapore chỉ thị cho tàu ở lại và sẽ đi Hawai. Tất cả thủy thủ đoàn họp lại và quyết định về lại Sài Gòn. Sau 5 tháng xa Việt Nam, không biết thân nhân và gia đình sẽ ra sao ? Cuối cùng chúng tôi cập bến Sài Gòn vào chiều ngày 28-4-1975. Trên đường về chúng tôi thấy có hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ đang trực chỉ hạm đội 7 của Mỹ đang neo ngoài khơi để chở quân dân cán chính và gia đình di tản.

            Nỗi buồn đến với tôi, cùng với sự lo lắng trong tương lai, không biết mình quyết định đúng hay sai, trong khi tôi trở về thì mọi người lại ra đi. Nỗi vui buồn cứ lảng vảng bên tôi và chỉ hai ngày sau thì cộng sản đã chiếm trọn miền Nam. Thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ thật hỗn độn, mọi người hoang mang, tôi lang thang giữa thành phố Sài Gòn mà lòng ngổn ngang trăm mối. Cho đến sáng ngày 1-5-1975, tôi đến lại văn phòng của hãng VishipCo Line ở đường Hồng thập Tự, thì thấy Ủy ban tiếp quản của cộng sản ra thông cáo : "Tất cả thủy thủ đoàn của chế độ cũ trở lại tàu để nhận chỉ thị" và tôi trở về vị trí cũ trong chế độ mới, có nghĩa là tôi bắt đầu làm việc dưới chế độ cộng sản kể từ ngày 1-5-1975. Lý do rất dễ hiểu mà tôi được ưu tiên là vì cộng sản rất cần những tàu chở hàng cấp tốc ra miền Bắc, và đến ngày 19-5-1975, chuyến tàu chở gạo, sữa đầu tiên ra tiếp tế miền Bắc. Tàu tôi đến Hải Phòng vào ngày 24-5-1975. Là người miền Nam đến những thành phố Hải Phòng và Hà Nội đầu tiên. Thật là xúc động và nỗi buồn lại đến với tôi lần nữa khi chứng kiến những cảnh nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, một thành phố toàn là xe đạp Trung quốc, áo quần toàn là vải kaki màu xanh đậm và màu xanh giống lính bộ đội. Tất cả đàn ông chân đi dép, đầu đội nón cối, đàn bà cũng vậy. Họ nói với nhau khi thấy chúng tôi: "Ối ! Dân Hồng Kông sao sang thế !". Họ đâu ngờ rằng, tất cả anh em chúng tôi là dân miền Nam mà cộng sản lúc nào cũng tuyên truyền dân miền Nam nghèo đói, bị Mỹ kèm kẹp. Cả hai thành phố không có nhà cao tầng, chỉ thấy những căn nhà xiêu vẹo, thật là nghèo không tưởng tượng nổi ! Tôi bị công an nổi và chìm theo dõi thường xuyên. Họ không cho chúng tôi nói chuyện nhiều với dân, nhất là không được tiếp xúc với thủy thủ Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc… Và cũng từ đó, tàu tôi tiếp tế gạo, đường, sữa, bột mì thường xuyên ra miền Bắc. Sài Gòn, Hải Phòng mỗi tháng 1 hay 2 chuyến. Đến tháng 7 năm 1976, tàu tôi chở trấu đi Hồng Kông. Bây giờ trên tàu tăng cường rất nhiều cán bộ cộng sản, ngoài khoảng 6 người chuyên viên chính, còn lại phần đông là CS hay con ông cháu cha. Họ mang súng ống đầy đủ, có luôn chính ủy kiểm soát chính trị. Lúc nầy, không khí trên tàu thật là ngột ngạt, không ai dám nói chuyện với ai, chỉ có tôi và anh Trương văn Tài (người vừa qua đời ở Sydney cách đây 6 tháng) là hiểu nhau và có chung chí hướng. Khi tàu đến Hồng Kông, chúng tôi không được quyền bước lên thành phố và tàu neo cách hải cảng khá xa, chung quanh có rất nhiều tàu của những quốc gia khác và đặc biệt phía trước tôi có tàu Hải quân Mỹ rất lớn, cách tàu tôi khoảng 100 mét. Ý nghĩ tị nạn bắt đầu hiện hữu trong tâm trí tôi. Vào khoãng 2 giờ khuya, tất cả mọi người đang say giấc ngủ, tôi vào phòng anh Trương văn Tài, hai người bàn tính sẽ nhảy xuống biển và lội qua tàu Hải quân Mỹ xin tị nạn. Đây là một hành động rất táo bạo và đầy nguy hiểm. Hai chúng tôi ngồi bàn rất kỹ những bất trắc có thể xảy ra:

            - Thứ nhất là nước chảy xuôi về hướng tàu tôi, vì thế dù chỉ cách nhau có 100m, nhưng rất khó lội ngược dòng.

            - Thứ hai là nếu lội đến được thì Hải quân Mỹ sẽ bắn chết tức khắc, vì họ nghĩ là đặc công phá hoại.

            Trong hai ý nghĩ đó đã làm chúng tôi chùn bước, không dám liều lĩnh, nên những ý định đó không thực hiện được. Nhớ lại trước năm 1975, khi tàu cập bến Hồng Kông, tôi và Tài hiên ngang bước lên thành phố, tha hồ ăn chơi thoải mái và bây giờ cũng hải cảng Hồng Kông ngày nào, chúng tôi chỉ đứng nhìn vào. Chúng tôi như chim ở trong lồng, thèm khát tự do và mới thấy cái giá trị đích thực của sự tự do. Ngày nào tôi cũng đứng trên boong tàu nhìn tàu Hải quân Mỹ, cứ mãi ước ao được vào tòa Đại sứ Mỹ. Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng và cuối cùng tôi trở lại Sài Gòn sau một tuần sống trong tưởng tượng đầy ước mơ. Hiện thực lại trở về và tiếp tục cuộc sống đầy dẫy những bất trắc và không có tương lai.

            Như đã nói ở trên, tôi là người rất may mắn được chế độ cộng sản ưu đãi, tôi được lên chức, được cấp nhà, nhất là tiền lương mỗi tháng rất cao, nhưng chẳng thấm vào đâu nếu so với những số tiền tôi thu vào do sự buôn bán những thứ cần thiết giữa hai miền Nam Bắc, và cũng vì lý do nầy, sau gần hai năm, tôi bị thuyên chuyển từ tàu lớn Vàm Cỏ 23 sang tàu nhỏ Sông Bé 12, trong đó có người bạn của tôi là anh Lữ ngọc Sơn, cùng chung số phận, còn anh Trương văn Tài chuyển qua tàu Vàm Cỏ 24.

Tàu Phú Sĩ (tiền thân tàu Sông Bé 12)

            Tôi bắt đầu nhận nhiệm sở mới trong khi tàu Sông Bé 12 đang sửa chữa và Thuyền trưởng là người Nam tập kết. Vào trung tuần tháng 2 năm 1977, tôi rất vui mừng khi hay tin anh Trần phước Hậu xuống nhận nhiệm sở mới thay thế Thuyền trưởng người cộng sản. Thế là giữa 3 chúng tôi đã biết nhau, đã hiểu nhau nhưng vẫn chưa hiểu lòng. Chúng tôi thường đi nhậu với nhau cùng với một người bạn nữa là anh Nguyễn văn Ai. Rồi những buổi gặp gỡ sau đó, anh Hậu, tôi, anh Sơn và anh Ai đồng lòng quyết định sẽ cướp tàu Sông Bé 12 và "Một chuyến đi tức hành trình tìm tự do bắt đầu".

            Tất cả mọi người trong chúng ta, ai ai cũng biết sau hơn hai năm dưới sự thống trị của cộng sản, thành phố Sài Gòn sống trong vội vã, lo âu. Mọi người đều xôn xao, bàn tán, tìm đường vượt biên, dù rằng mọi tư tưởng, mọi hành động, đều bị sự kiểm soát vô hình, có nghĩa là không ai tin ai, lúc nào cũng lo lắng có người đang theo dõi rình mò mình, và dĩ nhiên trong hai năm rưởi đó, mỗi người đều có ý định thoát ly, hoặc lên rừng hay xuống biển. Tôi rất may mắn được làm trong ngành Hàng hải, đường biển đối với tôi rất quen thuộc, kể cả vùng biển của những quốc gia mà tôi có dịp ghé qua. Thủy thủ trên tàu tôi, ai cũng mơ ước một ngày nào đó tìm được lối thoát, nhưng không ai dám ngỏ tâm tư thầm kín ấy cho người khác dù là rất thân thiện. Chính cộng sản đã làm cho chúng tôi nghi ngờ lẫn nhau. Điều nầy khiến việc kết tụ một đám đông người để vượt biên thật là khó khăn. Cho nên, 4 người họp lại tuyên thệ, thề không phản bội nhau vào tháng 7 năm 1977. May mắn hơn nửa là trên tàu Sông Bé chỉ có 3 tên cán bộ cộng sản. Những người nầy, ngoài chức vụ về kỹ thuật, còn có bổn phận theo dõi và kiểm soát tư tưởng của thủy thủ đoàn và dĩ nhiên chúng tôi hết sức dè dặt với bề ngoài ra sức làm việc "học tập tốt, lao động tốt", đồng thời "hòa hợp hòa giải", tỏ ra rất thân thiện với họ, cố tạo một bộ mặt hết sức trung thành. Ba người nầy đều là người miền Nam tập kết ra Bắc, nên khi trở về, họ chẳng có gì dù rằng đã bao nhiêu năm chiến đấu chống "đế quốc". Cũng chính vì thế, khi vào Sài Gòn, họ khá bất mãn khi thấy chúng tôi là người sống dưới chế độ tự do mà có đầy đủ, sung túc về mọi mặt kể cả số lương lớn hơn họ. Họ rất ước ao có đời sống sung sướng hơn, lúc nào cũng có tiền để ăn nhậu. Vì thế, chúng tôi thường mời họ đi uống rượu ngoài giờ làm việc. Dần dần chuyện ăn nhậu nầy trở thành thói quen, họ thấy rằng thiếu ăn nhậu là thiếu một cái gì cần thiết, là thiếu một lãng quên.

            Suốt trong 2 tháng, tôi hết sức khéo léo đóng kịch thật tài tình để những cán bộ cộng sản không nghi kỵ và thủy thủ đoàn không chú ý. Chúng tôi không bao giờ đi chung với nhau, ít khi nói chuyện riêng tư trong giờ làm việc, đôi khi giả vờ gây lộn với nhau. Nhưng trong những buổi chiều cuối tuần, bốn anh em hẹn gặp nhau ở những quán ăn xa Sài Gòn để họp và bàn "chuyến đi lịch sử".

            Ai cũng lo âu, dòm chừng những người đi phía sau trên đường đến điểm hẹn. Bí mật và kín đáo lúc nào cũng vây bủa chúng tôi trong mọi lúc. Từ cách ăn mặc, đi đứng nói chuyện hết sức dè dặt, bắt chước y như mọi cán bộ cộng sản. Từ những tư cách nầy, chúng tôi càng ngày, càng tỏ ra gần gủi họ nhiều hơn.

            Trong thời gian ấy, chúng tôi móc nối được một thương gia lo di chuyển thân nhân đến Vũng Tàu, với điều kiện ông ta đưa đi được 38 người và bù lại, ông sẽ đưa được 100 người của ông ấy  đi.

            Chúng tôi rất lo lắng, bây giờ không còn là 4 người nữa, mà có đến 140 người biết chuyện cướp tàu. Nếu chỉ một người nói ra thì sự tù tội và sinh mạng như chỉ mành treo chuông.

            Một tuần lễ trước ngày đi, chúng tôi mất ăn, mất ngủ, lo lắng đủ điều, dù rằng mọi thứ cần thiết đã chuẩn bị sẳn sàng. Bao nhiêu buổi họp cũng chỉ nhằm đúc kết lại một vấn đề là "bảo mật" và rút kinh nghiệm của chiếc Vàm Cỏ 16 đã đi trước. Sau đó, có tin là công an thành đang theo dõi những Sĩ quan Hàng Hải trong công ty. Điều nầy là một trở ngại lớn lao, nhưng vì nhân quyền và niềm khao khát tự do, nên chúng tôi không nản chí.

            Mọi dự tính đã tạm xong, đúng 8 giờ sáng ngày 7-11-1977, tàu Sông Bé 12 bắt đầu khởi hành từ Sài Gòn đi Phú Quốc. Suốt hai ngày đêm 5 và 6 tháng 11, tôi không ngủ được, sự lo âu luôn luôn đè nặng. Con tàu mở dây bắt đầu départ, lòng tôi chùng xuống, nặng trĩu, suy nghĩ thật nhiều, phó mặc cho số phận.

            Đến 10 giờ, anh Hậu và anh Ai mời 3 tên cán bộ cộng sản vào phòng ăn để uống rượu, nhưng chỉ có hai người ưng chịu, còn người thứ ba không muốn uống. Điều nầy là trở ngại mà chúng tôi không dự trù trước. Nhanh trí, anh Hậu dụ anh ta bằng cách bàn chuyện làm ăn ra tiền mà không cần vốn. Anh Hậu sẽ cho mượn tiền mua, một lời thành hai. Cuối cùng, cả ba người cùng uống. Họ uống những ly rượu mà anh Ai đã bỏ sẵn thuốc ngủ. Uống được vài ba ly là thuốc bắt đầu thấm, họ không thể tự kiểm soát được nữa. Bấy giờ thủy thủ đoàn bắt đầu ăn trưa, trong khi con tàu đang lướt sóng trực chỉ Vũng Tàu. Đến 12 giờ, chúng tôi bắt đầu hành động và một số đông anh em thủy thủ hợp tác. Ba người cán bộ bị trói lại, đồng thời chúng tôi tước được 2 khẩu súng trường CKC và một khẩu K54. Tất cả đạn đều đã lên nòng, sẵn sàng phản ứng khi gặp bất trắc. Ba cán bộ cộng sản bị nhốt trong một phòng ở phía ngoài có thủy thủ canh gác. Đến 3 giờ chiều, tàu neo tại Vũng Tàu, khi đó ba cán bộ đã tỉnh rượu nhưng chẳng còn làm gì được. Suốt đêm đó, tàu neo tại Cấp, chờ đêm khuya, những ghe nhỏ chở người lên tàu. Bốn giờ sáng ngày 8-11-1977, tàu bắt đầu nhổ neo khởi hành, bắt đầu chuyến đi định mệnh.

            Con tàu trực chỉ hướng Nam. Trong khi đó, hơn 140 người tị nạn được đưa vào bên trong boong tàu để tránh sự phát giác của những tàu tuần cộng sản. Mọi chuyện đều thuận lợi, đến 8 giờ tối, tàu sắp ra đến hải phận quốc tế, thì có một chiếc máy bay, bay ngang thật thấp và có hai chiếc tàu khác trực chỉ về phía tàu Sông Bé 12. Bấy giờ sự lo âu đến với chúng tôi gấp bội phần cho số phận. Không còn cách nào hơn là cho tàu tiến full, xả máy chạy tối đa. May mắn thay, nhìn qua ống dòm, hai tàu kia xa dần và chiếc máy bay cũng biến mất. Đến 11 giờ đêm, Sông Bé 12 đã thực sự ra đến hải phận quốc tế và không còn nhìn thấy hai con tàu kia nữa. Mọi người trên tàu ai nấy đều vui mừng, thở phào nhẹ nhõm, hít được không khí tự do trong lành sau hơn hai năm sống với cộng sản và sau hơn 30 tiếng đồng hồ căng thẳng tinh thần một mất, một còn, bấy giờ mới thấy lòng mình phơi phới, không còn sợ hãi và lo lắng điều gì nữa. Sau đó chúng tôi mở trói cho các cán bộ cộng sản và cho ở phòng tương đối thoải mái hơn. Trông họ bây giờ thật tội nghiệp và chúng tôi không bao giờ có ý định hại họ cả và họ được đối xử rất tử tế, cho ăn uống những khẩu phần ăn dành cho Sĩ quan, kể cả nước uống và thuốc lá. Ngoài ra, họ được rất nhiều an ủi, nhất là tinh thần. Chúng tôi không coi họ như kẻ thù mà là những người bạn không cùng chí hướng. Bấy giờ họ mới tâm sự: "chúng tôi không chống cự, các anh muốn đi đâu cũng được, miễn là sau khi đến nơi đó, chúng tôi được an toàn trở về với gia đình".

            Theo dự tính, tàu sẽ ghé Singapore để xin dầu và lương thực, đồng thời gởi 3 cán bộ cộng sản trở về và sau đó sẽ đi Úc. Nhưng vài ngày sau, tàu đến đảo Pulau Tengah, nơi đây, đang có hơn 2000 người vượt biên chờ đi định cư. Tàu neo phía ngoài từ chiều cho đến 7 giờ tối, anh Nguyễn Đức, phóng viên báo Người Việt Tự Do Nhật Bản lên gặp ban chỉ huy tàu. Anh Đức khuyên đi gấp kẻo gặp trở ngại từ chính quyền Mã Lai và nên ghé Nam Dương chứ không nên ghé Singapore.

            Thế là 9 giờ tối, tàu lại khởi hành mang theo thêm 8 anh em độc thân ở đảo cùng đi Úc Châu. Sông Bé lại xuôi dòng hướng Nam trên đại dương bao la và cuối cùng được cập vào bến Surabaya (Nam Dương) để xin lương thực và dầu.

            Tại đây, chính quyền Nam Dương đối xử với thủy thủ đoàn Sông Bé rất tử tế, họ giúp chúng tôi theo lời yêu cầu. Ở lại Surabaya khoảng một tuần, trong thời gian nầy, họ khoản đãi 4 anh em chúng tôi 2 lần với một tinh thần thán phục, đầy thân thiện. Ngày Sông Bé 12 rời bến Surabaya, có hàng trăm đồng bào và chính quyền sở tại ra bến cảng tiễn đưa, thật là xúc động ! Thế là Sông Bé 12 lại trực chỉ Darwin. Gần đến hải phận Úc, máy bay Hải quân Úc bay lượn sát tàu, cho đến chiều tối, một tàu chiến của Hải quân Hoàng Gia Úc ra hướng dẫn và sang hôm sau, Sông Bé 12 cập bến tại cảng Darwin. Thủ tục giấy tờ được lập ngay tại đó, chúng tôi giao nạp vũ khí cho chính quyền và xin cho tất cả mọi người trên tàu được tị nạn trên đất Úc dù tòa Đại Sứ cộng sản Việt Nam yêu cầu dẫn độ chúng tôi về nước. Thủ tướng Fraiser đã bác lời yêu cầu của cộng sản Việt Nam và cho phép chúng tôi được hưởng qui chế tị nạn, đồng thời gửi 3 cán bộ cộng sản về nước.

            Tất cả hơn 140 người rời tàu để đến trạm quarantine ở Darwin. Thú thực, tôi rất xúc động khi nhìn lại con tàu, giờ đây phải vĩnh biệt nó, tự nhiên tôi thấy buồn và xót xa làm sao ! Trên mảnh đất tự do nầy, tôi thực sự thấy thoải mái và sung sướng, trong khi ấy, những người thân và đồng bào tôi còn ở Việt Nam phải chịu bao khổ sở và đau buồn vô tận !