MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH BÌNH YÊN
Nguyễn Hiếu Liêm
Xuân về… Xuân về … Mùa Xuân đến khi những cơn mưa xa dần và gió chướng thổi từng cơn đem lại cái mát mẻ lành lạnh làm dịu cái nóng oi bức của mùa nắng miền Nam. Cái lạnh chưa đủ để người dân co ro, run rẩy phải khoác thêm tấm áo rét dầy như trong mùa rét ở miền Bắc nhưng người dân miền Nam phải mặc thêm một lớp áo cho khỏi bị lạnh, cái lành lạnh hiếm hoi ở miền đất mưa nắng hai mùa chỉ thấy khi Tết sắp trở về và các cô gái lại có dịp chưng diện khoác lên mình những chiếc áo len đủ màu vốn được cất kỹ trong ngăn kéo. Thành phố như đang khoe mình với chiếc áo mới màu sắc sặc sở như một đàn bướm tung tăng bay lượn khắp nơi.
Mùa Xuân đến báo hiệu bằng tiếng khua rầm rĩ của mái tôn run rẩy đập lên sườn nhà theo từng cơn gió chướng thổi qua làm bửa cơm chiều gia đình quây quần bên nồi cơm gạo mới thơm ngát vừa chín tới và bát canh rau lên hơi nghi ngút thêm phần đậm đà ấm cúng.
Mùa Xuân đến với bầy chim én đậu thành hàng trên đường dây điện trong thành phố chíu chít kêu vang và nghiêng đầu nhìn xuống những người qua lại, lũ chim mang tin Xuân trở về lúc sang mùa bay là đà tìm mồi trên đồng cỏ, ao hồ.
Xuân về trên con ao nhỏ, nước ao cạn nhiều và trở nên trong vắt làm nổi bật màu xanh thẩm của đám rong đuôi chồn; những con sóng nhỏ vổ lách tách vào chân chiếc cầu gổ bắt trên mặt nước làm con ao giống một nhánh sông nhỏ. Bầy cá lìm kìm nổi bập bềnh theo sóng nước và vội ẩn mình dưới đám rong mỗi khi có người đến gần. Trên bờ ao cây bình bát nghiêng mình trên mặt nước, một vài trái chín còn sót lại tỏa mùi thơm ngát. Xuân về trên cánh đồng lúa chín vàng ối, hạt lúa căn phồng báo hiệu một mùa gặt tốt đẹp, từng đàn chim dòng dọc, trao trảo, cu ngói … đủ loại xà xuống ruộng ăn lấy ăn để những hạt lúa đầy nhựa vừa chín. Trên những đám ruộng vừa gặt xong còn trơ những cuống rạ, nước cạn dần đọng thành từng vủng giam hảm bầy cá đang cố tìm đường thoát thân. Những con cò trắng không bỏ lở cơ hội, sục sạo săn mồi bên cạnh bầy vịt đang rút mỏ dưới nước cố tìm những con cá nhỏ đang lẩn trốn dưới bùn. Dọc hai bên lề đường lúa chín vừa đập xong được phơi dài trên những chiếc đệm đan bằng lát, màu vàng tươi của lúa chín bên cạnh đám cỏ xanh um nổi bật lên màu đen thẩm của nhựa đường như một bức tranh .
Xuân về với bầu trời xanh thẳm và trong vắt, không một gợn mây, gió Xuân hây hây, mơn man mang yêu thương tràn ngập nhân gian, tiết Xuân thanh thoát du dương hoà hợp vủ trụ, con người và vạn vật. Không gian phảng phất mùi rạ ẩm quyện lẩn mùi lúa chín, hòa cùng tiếng chim cu gáy vang từng hồi trên ngọn tre đâu đây, hương Xuân lâng lâng, thơm nồng của thuở thanh bình nước Việt ngày nào, men Xuân ngây ngất, bàng bạc đất trời làm rạt rào lòng lữ khách đang rảo bước trở về thăm làng cũ.
Trong sân trường, những người trẻ tuổi e ấp trao nhau những tấm thiệp Xuân đủ màu, các em chúc nhau những gì đây khi mùa Xuân tới ? Có phải các em cầu chúc nhau sự thành đạt trong năm mới hay gởi đến nhau những niềm mơ ước, hi vọng, một tương lai sáng lạn mùa Xuân sẽ đem lại ? Mùa Xuân chính là mùa hi vọng tràn trề, mùa mơ mộng một ngày mai tươi đẹp của tuổi học trò.
Trên con đường quê dẩn về nhà, bác nông dân đang đánh chiếc xe bò chở đầy lúa vào sân, hai con bò cố kéo chiếc xe một cách nặng nhọc chở đầy thành quả của một năm cật lực làm việc của người và vật. Trên chiếc sân đất khá rộng , một cây rơm còn ẩm ướt được chất cao nghệu, phía dưới chân, một bầy gà đang bươi xới cố tìm những hạt thóc còn sót lại, chúng có vẻ sung sướng vì đây là mùa chúng được ăn uống đầy đủ nhất. Bác nông dân sau khi trút hết lúa vào vựa, hả hê đứng nhìn đống lúa chất cao dần, đốt điếu thuốc rê bay mùi khét lẹt và lim dim thả hồn theo khói thuốc, bác đang mong ước gì đây khi mùa Xuân tới ? Có phải bác hi vọng một cuộc sống ngày mai được sung túc hơn ? Năm tới lại được mưa thuận gió hòa để gặt hái nhiều hơn ? Có phải bác đang hài lòng vì bao công lao khó nhọc không bị hoang phí ? Những mong ước của bác chỉ nhỏ bé và khiêm tốn, mong ước của lớp người sản xuất những hạt cơm nuôi sống toàn dân. Mùa Xuân chính là mùa no ấm, mùa gặt hái thành quả của giới tay lấm chân bùn. Trên đường phố, những gian hàng chợ Tết bày la liệt hàng hóa, bánh kẹo đủ màu, những phong bánh in bọc giấy bóng xanh đỏ bên cạnh những viên kẹo đậu phộng bọc đường trắng, hồng chen lẩn những thỏi kẹo mè đen mà người dân miền Nam vẫn quen gọi « thèo lèo cứt chuột » ; những gói mứt bí trắng phao nổi bật bên màu vàng nhạt của mứt gừng. Ở đây không khí Tết lại mang hương vị của chất ngọt của kẹo mứt pha lẩn tiếng chào hàng ôn ào, tiếng cười nói xôn xao của những người đi sắm chợ Tết. Những chiếc loa phóng thanh của những gian hàng thịt khô cao nguyên được vặn lớn, người đi từ xa đã nghe rõ hàng quảng cáo : »Khô nai nhậu lai rai, khô cá thiều nhậu nhiều nhiều » hoặc « ăn chơi đã thấy ngon đừng nói chi ăn thiệt, ăn thiệt lại còn ngon hơn ». Người thương gia bận rộn chào đón, mời mọc khách hàng, sung sướng nhìn thấy sự mua bán được phát đạt, thu nhập lợi tức dồi dào vào dịp Tết. Người thương gia mong ước gì khi mùa Xuân đến ? Có phải họ hi vọng năm mới sẽ mang lại những thương vụ tốt hơn và công cuộc kinh doanh sẽ càng ngày càng phát triển ? Mùa Xuân chính là mùa thịnh vượng, mùa thu hoạch lớn nhất trong một năm của giới thương gia.
Xuân về trên tiền đồn nhỏ bé nằm bên bờ sông vắng vẻ, lá cờ vàng ba sọc đỏ treo trên cao cây cột tre dựng trên nóc đồn được bao phủ bằng một lớp bao cát dầy đang tung bay phần phật trong gió. Người chiến sĩ vẫn ghìm tay súng canh gát cho sự an toàn của người dân hậu phương, dường như mùa Xuân chỉ là giây phút của một ý niệm nào đó ; ngày nào toàn dân chưa được yên vui, ngày đó người lính vẫn tiếp tục chiến đấu, hi sinh hạnh phúc riêng của mình để người người được an tâm làm lụng. Năm nay không biết là năm thứ mấy, người lính phải ăn một cái Tết xa gia đình, xa bạn bè ; không có dịp ngồi quây quần bên nồi bánh tét sôi sùng sục kê trên ba cục gạch đỏ và chụm bằng vỏ dừa phơi khô tỏa khói trắng nghi ngút cay nồng mùi dừa, mùi miệt vườn thân yêu miền Nam nước Việt ; thưởng thức miếng mức gừng cay cay bên ly nước trà nóng hổi, nói chuyện bâng quơ chờ đón tiếng pháo đêm Giao thừa. Người lính phải chấp nhận sự gian khổ, sự gánh vác trách nhiệm như hành trang cuộc sống vì sự sống còn của đất nước, vì sự yên ấm của toàn dân trong đó có những người thân của mình ; anh nghĩ gì khi mùa Xuân đến ? Có phải anh mơ ước một ngày mai thanh bình trở lại trên quê hương, người dân nước Việt lại có cơ hội sống một cuộc sống hiền hoà, xây dựng xứ xở thân yêu ? Có phải anh đang mơ ước cuộc sống êm đềm bên mái gia đình ấm cúng sau bao năm xa cách ? Mùa Xuân chính là mùa thanh bình, mùa ấm êm, hạnh phúc của toàn dân, mùa hi vọng xây dựng một quốc gia phú cường của người chiến sĩ.
Xuân về trên vùng tâm thức…… Sau bao năm tranh đấu, làm lụng cực nhọc, xây dựng của cải sự nghiệp ; sau bao thăng trầm của cuộc sống ; trong một lúc nào đó con người bổng suy nghĩ và tự hỏi : « Ta sống để làm gì ? Mục đích của sự sống là gì ? Thế nào là ý nghĩa của sự sống ? » Câu hỏi mà con người không hề đặt ra lúc còn tuổi trẻ còn đầy nhiệt huyết, tham vọng ; giờ đây con người mỏi mệt sau bao năm vất vả chạy theo đam mê, tham vọng và trong tuổî trung niên khi sức khoẻ bắt đầu phai tàn con người mới nhận thấy rằng ta cũng chẳng có hưởng thụ được bao nhiêu với những gì đã tạo được và trong lúc tuổi xế chiều, lúc sắp phải ra đi, phải bỏ lại tất cả những gì đã tạo được, kể cả cái thân xác tạm bợ phù du nầy, con người mới cảm thấy cô đơn, hiu quạnh. Sự cô đơn đó bàng bạc trong tâm thức không phải vì không có người thân gần gủi, nhưng đó chính là sự cô đơn của nội tâm, không thể chia sẻ được với người khác. Khi ta nằm trên giường bịnh, chính ta phải gánh chịu sự đau khổ của thể xác, không người nào khác có thể chia sẻ với ta và đến lúc ta phải lìa bỏ thân xác nầy, ta phải ra đi một mình, không người nào có thể giúp ta và đồng hành với ta ; ta sinh ra một mình và phải ra đi một mình. Thế thì con người còn giử được gì cho mình lúc ra đi ? Và cuộc sống tạm bợ như thế kia là vô ích lắm sao ? Con người vào đời với hành trang hai bàn tay trắng và để thỏa mản những tham vọng của mình, con người chạy theo vật chất hào nhoáng bên ngoài và tiêm nhiễm những tính hư tật xấu, những tính ích kỷ, yếu hèn ; đánh mất phần tâm thức trong sáng trước khi vào đời. Con người phải bị dằn vặt, đau khổ triền miên không lúc nào yên trong cuộc sống cho đến lúc nào tự đặt câu hỏi : « Tại sao ta lại đau khổ như thế nầy ? Hạnh phúc nằm ở đâu ? » và lúc đó mới truy tìm nguồn gốc của hạnh phúc. Con người dần dần ý thức rằng hạnh phúc thật sự không phải nằm ở trong thế giới vật chất của cuộc đời nhưng chính trong nội tâm, đó là sự thanh tịnh hằng hửu của tâm thức, đó là sự sống đời đời ẩn tàng trong tâm mọi người. Mà nếu đó là tính chất hằng hửu trong ta thì tại sao ta lại phải đi tìm nó ? Đó là vì tính chất đó đã bị bao phủ bởi sự trần trượt, tăm tối mà ta đã thu hút trong mấy chục năm sống tại thế, làm nó không thể chiếu ánh sáng hạnh phúc ra ngoài soi sáng cho con người. Khi con người ý thức rằng sự hạnh phúc đã tiềm tàng trong ta, lúc đó mới vun bồi, xây dựng, phát triển nó càng ngày càng lớn mạnh hơn bởi vì nó thuộc về ta, không ai có thể tranh giành, cướp giật nó được và ta không bao giờ bị mất nó ; ta vẫn giử nó sau khi lìa đời; hạnh phúc đó chính là mùa Xuân trong tâm thức, mùa Xuân bất diệt đời đời. … Mùa Xuân tâm thức hay mùa hồi sinh của tâm linh bừng tỉnh sau một cơn mê ngủ lâu dài.
Đời sống của con người cũng giống như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông ; mùa Xuân cây cỏ đâm chồi nẩy lộc là lúc mới chào đời, lúc đó con người còn giử tính thiện lành trong sáng chưa bị ô nhiểm cõi hồng trần ; mùa Hạ cây cối phát triển đơm bông kết trái cũng giống như tuổi hoa xuân lúc còn đầy nhựa sống con người chỉ biết ăn chơi, tiêu mòn sinh lực ; mùa Thu lá vàng rơi rụng tàn úa giống như tuổi trung niên khi cơ thể bắt đầu suy yếu do sự tiêu hao sinh lực lúc còn tuổi trẻ ; mùa Đông cây cối chỉ còn cành lá trơ trụi là lúc trí óc suy lão, tàn tạ cho đến lúc ra đi.
Khi con người phải tiển đưa một người thân vỉnh viển ra đi, cảm thấy động lòng thương cảm trước cảnh sinh ly tử biệt ; bùi ngùi trước tính chất tạm bợ phù du của cuộc sống tại thế ; con người lại bâng khuâng tự hỏi : « Bao giờ lại đến phiên ta ? Và ta phải làm gì từ đây đến ngày đó ? » Con người dần dần ý thức rõ giá trị của mỗi giai đoạn của cuộc sống, của sinh, của lão, của bệnh, của tử ; mỗi giai đoạn đều đang giáo huấn con người học hỏi và ý thức cũng như người vừa ra đi, cũng đang học giai đoạn cuối cùng của cuộc sống : ý nghĩa của sự chết. Con người sẽ nhận thức rằng rốt cuộc ta phải quay trở về với chính ta, vun bồi sự thanh tịnh và sáng suốt của nội tâm để thăng hoa lên cõi thanh nhẹ đời đời vẫn chờ đợi ta.
Mùa Xuân của tâm thức đến khi chơn tâm con người bừng sáng ; ý thức đâm chồi hướng về nội tâm và không còn chạy theo những biến động của bên ngoài ; con người mới nhận thức rằng chính ta mới là người giúp ta, chính ta là người có bổn phận đưa ta ra khỏi đám mây mù đang bao phủ, mê hoặc, nhận chìm sự sáng suốt nơi chốn hồng trần ; lúc đó con người mới can đảm chấp nhận bơi ngược sóng sông mê quay về bờ giác ; tìm lại sự thanh tịnh trong tâm mà ta đã quên nó từ lâu, đó là đỉnh bình yên đang ngự trị trong tâm ta. Mùa Xuân thế gian có đến, có đi ; có sinh, có diệt nhưng mùa Xuân tâm thức không sinh, không diệt, mùa Xuân đời đời, trường cửu.
Mùa Xuân trên đỉnh bình yên là tên một bản nhạc Xuân được nhiều người biết đến, được tạm mượn để diển tả về một mùa Xuân khác đang bàng bạc trong tâm thức của mỗi chúng ta mà ta phải tự truy tìm và khám phá để đạt đến đỉnh bình yên vẫn tiềm tàng trong tâm ta và vẫn đợi chờ sự thức tâm của con người tại thế.