SĨ QUAN HÀNG HẢI THƯƠNG THUYỀN TRONG THỜI CHIẾN TRANH VIỆT NAM.
Thuân Châu An Lê
Vendredi 19 Mai 2017
Đa số anh em đồng môn với tôi tại trường Việt Nam Hàng Hải, từ khóa 13 trở về trước hoặc từ khóa 20 trở về sau đều có cơ hội làm việc trên các thương thuyền Việt Nam, Pháp, Panama hoặc các hãng có quốc tịch khác; các khóa ở giữa các khóa trên thì đa phần phải vào quân đội do Lệnh tổng động viên, hoặc là vào hải quân hoặc là vào quân vận.
Lính "nghiệp dư"
Các hãng tàu Messageries Maritimes, Chargeurs Réunis đặt trụ sở của hãng tại Việt Nam tại cảng Nhà Rồng hoặc bên kia đường của cảng Nhà Rồng trên đường Trịnh Minh Thế, Quận 4, Saigon. Các hãng tàu nầy trước đó đều có nhận sĩ quan tập sự hoặc sĩ quan pont hoặc máy người Việt Nam để đi trên các tuyến đường như Ai Cập – Ấn Độ; Đông Dương /Indo-China/ – Trung Quốc-Nhật Bổn; Úc Châu – Madagascar...
Nhờ được trau dồi nghề nghiệp với những “sói biển” người nước ngoài nên sau nầy những sĩ quan hàng hải thương thuyền Việt Nam rất tự tin khi điều khiển các con tàu 10,000 tấn của các hãng tàu như Vishipco Lines, Việt Nam Thương Tín... Có thể nói đội thương thuyền miền Nam lúc đó có tầm vóc khá mạnh so với các nước Đông Nam Á khác.
Dù được đi rất xa ở các nước châu Á, châu Âu hay châu Mỹ, nhưng ít có đồng môn hoặc đồng nghiệp nào của chúng tôi có ý định ở lại nước ngoài sinh sống. Sau nầy, khi tình hình chiến trận càng lúc càng khốc liệt, lịnh tổng động viên được ban hành, mọi thanh niên trong hạn tuổi, dù cho có nghề nghiệp chuyên môn cao cũng phải lên đường nhập ngũ. Chúng tôi, những sinh viên Pont và Máy các khóa đang làm việc trên các tàu ngoại quốc đều lần lượt trở về nước để vào quân đội.
Bản thân tôi lúc đó đang là Sĩ quan tập sự Élève officier/ trên tàu M/T Cypréa của hãng Shell tại Việt Nam, đành giã từ cuộc sống dân sự để vào quân ngũ. Chúng tôi vào Quân trường Sĩ Quan Trừ bị Thủ Đức khóa 21 vào tháng 10-1965. Tại đây chúng tôi gặp lại bạn bè thời trung học mà đã lâu không biết “tung tích”, đứa là kỹ sư nông nghiệp, đứa là trưởng ty ở các tỉnh, có đứa đã là phó quận... thôi thì cùng vào chung một thao trường để cùng nhau đổ mồ hôi... tất cả về đây từ vùng 1 cho đến vùng 4, từ nông thôn cho đến thành thị. Một cuộc gặp mặt đầy thú vị ; trai thời chiến có khác!
Chúng tôi theo học giai đoạn 1 và được huấn-luyện phần căn-bản quân-sự, bộ-binh thuần-túy, từ cá-nhân đến cấp tiểu-đội. Thời-gian là nầy kéo dài khoảng 6 tháng, sau đó anh em có chuyên môn được tuyển chọn về các quân binh chủng khác. Tôi và một số đồng môn trường Việt Nam Hàng Hải được tuyển chọn sang Hải Quân để học tiếp giai đoạn 2, đi trên các chiến hạm Hải Quân như là sinh viên thực tập.
Tôi lần lượt phục vụ trên các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa như sau:
Hỏa vận hạm HQ. 470
Thực tập trên Hỏa vận hạm HQ. 470, dưới dạng sinh viên trừ bị Thủ Đức, giai đoạn 2; đang đi tàu dầu trên thương thuyền dân sự sang quân đội lại cũng là tàu dầu, thoải mái vì có dịp gần nhà nhiều hơn khi còn đi trên tàu M/T Cypréa;
Ghi chú: TT: Trọng tải - KT: dài × rộng × mớm nước - VT: Vận tốc - TD: Thủy thủ đoàn - VK: Vũ khí.
Hộ Tống Hạm Chí Linh, HQ. 11
Khoảng giữa tháng 9, 1966 tôi được thuyên chuyển xuống Hộ Tống Hạm Chí Linh, HQ. 11 sau khi mãn khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Đi công tác dài ngày trên biển; 4 vùng zuyên hải đều có mặt đầy đủ, học hỏi được nhiều với vị Hạm Trưởng, ông Nguyễn Văn May, ông cũng là Sĩ Quan Hàng hải Thương thuyền, tốt nghiệp khóa 5 trường Việt Nam Hàng Hải. Anh em trên tàu đều rất kính trọng ông, về tư cách và hành xữ của ông đối với anh em. Sau nầy tôi lại được làm việc dưới quyền ông một lần nữa khi ông là Chỉ Huy Trưởng Hải đội Chuyển Vận và tôi là một Hạm Trưởng.
Đặc tính chiến hạm:
Trọng tải: Tiêu chuẩn 640 T, chở nặng 903 T; Kích thước: 184.5 X 33.1 X 9.5; Vũ khí: 1 khẩu 3 in (76 ly) 2 khẩu 40 đơn- 8 khẩu 20 ly đôi; Máy chánh: dầu cặn 2000 mã lực, 2 trục; Tốc độ: 15 gút; Thủy thủ đoàn: khoảng 90.
Trợ chiến hạm Nguyễn Ngọc Long, HQ. 230
Sau gần hai năm phục vụ trên HQ. 11 , tôi có lệnh thuyên chuyển về Trợ chiến hạm Nguyễn Ngọc Long, HQ. 230, có dịp thực hành hàng hải thiên văn trên Thái Bình Dương khi đi sửa chữa tàu ở Guam. Chúng tôi rời Saigon vào ngày 17 tháng 12 năm 1968 và về nước ngày 8 tháng 9 năm 1969 để đại kỳ chiến hạm và quan trọng là lấp phần chống B. 40 bao quanh đài chỉ huy và phòng lái chiến hạm. Có dịp ở Philippines nhiều ngày và đi thăm thủ đô Manila và các tỉnh thành của Phi, có kiến thức nhiều hơn về văn hoá, kinh tế, chính trị của nước chủ nhà.
Ông Hạm Trưởng trong thời gian nầy là ông Nguyễn Văn Chuyên, vừa mới mất cách đây bốn ngày, và tôi có đến tám cảnh chùa ở Houston nầy để cầu nguyện cho ông và cho hai người em đã mất của tôi và của vợ tôi.
Sau khi vềnước, chiến hạm hoạt động trên sông Mékong và hộ tống thương thuyền nước ngoài lên xuống Phnom Penh, và sông ngòi miền Nam nhiều hơn là tuần tra trên biển.
Đặc tính chiến hạm:
Trọng tải: tiêu chuẩn 227 T, chở nặng 383 T; Kích thước: 159 X 23.7 X 5.7 bộ; Vũ khí: 1 khẩu 76.2 ly, 4 khẩu 40 ly, 4 đại liên; Máy chánh: dầu cặn 1600 ML, 2 trục; Tốc độ: 14 gút; Thủy thủ đoàn: khoảng 40.
Hộ Tống Hạm Vân Đồn HQ. 06
Sau một năm làm việc ở bờ tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân/Khối Quân Huấn với chức vụ Sĩ quan Liên Lạc giữa Hải Quân và Trường Sinh ngữ Quân Đội kiêm Tiểu đoàn trưởng khóa sinh Hải Quân, tôi lại được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Hạm Đội với chức vụ Hạm Phó Hộ Tống Hạm Vân Đồn HQ. 06 thay thế anh Đoản Hồng Hải-khóa 14 Hải quân, tôi với anh trước đây cùng chung phục vụ trên HQ. 11, anh hy sinh vì tổ quốc một thời gian sau đó khi đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Giang đoàn. Đi trên chiến hạm nầy tôi học hỏi rất nhiều về chuyên môn với vị Hạm Trưởng khả kính, ông Nguyễn Quang Hùng. Chân thành cầu xin hương linh Hạm Trưởng siêu thoát và an bình trên thiên đàng.
Sau thời gian dài tham gia hộ tống thương thuyền ngoại quốc lên xuống Tân Châu, chiến hạm được xữ dụng làm huấn luyện hạm.
Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ.16
Trưởng Khối hành chánh tiếp liệutrên Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ.16. Chúng tôi, hai thủy thủ đoàn khác nhau, đã bay sang Clark Field và đi đường bộ đến Subic Bay của Philippines ngày 21-06-1972 để nhận chuyển giao hai chiến hạm, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt – HQ 16 và Tuần dương hạm Ngô Quyền – HQ 17.
Khi đề cập đến HQ.16, lòng tôi rất bồi hồi và thương tiếc em Nguyễn Văn Duyên đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Em là một người làm việc chuyên cần và liêm khiết mà tôi rất thương mến như người em ruột. Em giúp tôi rất nhiều trong thời gian lảnh tàu tại nước ngoài. Lúc đầu chỉ có tôi và em lo mọi chuyện để nhận phụ tùng cho từng ban ngành, từ cơ khí, trọng pháo, truyền tin, điện tử thám suất, vận chuyển, vật dụng nhà bếp... may mắn là tôi có một anh thượng sĩ Hoa Kỳ phụ giúp tôi, anh ta cũng xông xáo, tận tụy không khác gì em Duyên. Thỉnh thoảng tôi mời hai em nầy ra quán ăn và uống bia philippine San Miguel.
Trước khi mang tàu về nước, Bộ Tư Lệnh Hải Quân/Phòng Tổng quản trị thuyên chuyển nhiều anh em, đủ các cấp, bay sang đây để cùng chúng tôi thử tàu trên biển, học hỏi và thao tác thông suốt các phương tiện được trang bị trên tàu, nên khi mang tàu về nước, thủy thủ đoàn tự tin và hoàn thành tốt công tác được giao.
Đặc tính chiến hạm:
Trọng tải: tiêu chuẩn 1766 T, chở nặng 2800 T; Chiều dài: 310.75 bộ; Chiều ngang: 41.10 bộ; Chiều sâu: 13.50 bộ; Vũ khí: 1 đại bác 5 in (127 ly), 1 hay 2 súng cối 81 ly, nhiều đại liên. Máy chánh: dầu cặn 6080 mã lực, 2 trục chân vịt; Tốc độ 18 gút; Thủy thủ đoàn: khoảng 100.
Tuần Duyên Hạm Kiến Vàng HQ. 603
Giữa năm 1973, tôi được chỉ định giữ chức vụ Hạm Trưởng Tuần Duyên Hạm Kiến Vàng HQ. 603, đây là lần đầu tiên Bộ Tư Lệnh Hải Quân chỉ định một Sĩ quan Hàng hải Thương Thuyền đảm nhận chức vụ Hạm Trưởng. Đây là một vinh dự cho cá nhân tôi và cho anh em Hàng hải Thương Thuyền còn đang phục vụ trong Quân chủng Hải Quân. Tôi hứa với lòng là phải làm đúng mọi việc, đúng chức năng trách nhiệm được ghi chép trong Hải Quy để cánh cửa tiếp tục mở ra cho những anh em Hàng Hải Thương Thuyền khác. Tôi đã làm tốt lời tự hứa của bản thân mình. Nhớ lại những chuyến công tác đầu tiên, tôi đều ăn ngủ không yên vì chưa tin tưởng khả năng chuyên nghiệp của anh em sĩ quan dưới quyền, nhưng sau nầy thì đâu cũng vào đó.
Đặc tính chiến hạm:
Trọng tải: chở nặng 117 T; Kích thước 100.33 X 21.1 X 6.9 bộ; Vũ khí: 1 khẩu 40 ly, 2 hay 4 khẩu 20 ly, 2 đại liên; Máy chánh: dầu cặn, 1900 ML, 2 trục; Tốc độ: 15 gút; Thủy đoàn: khoảng 25.
Hạm Trưởng Hỏa Vận Hạm HQ. 472, loại tàu nầy có tổng cổng 6 chiếc dùng để tiếp tế dầu cho các căn cứ tiếp liệu, các chiến hạm… Công tác xa, nếu có, thì cũng rất ngắn ngày so với các loại tàu trên. Có cùng đặc tính như HQ. 470. Vào đầu tháng 2 năm 1975, tôi có Lệnh Thuyên Chuyển về làm Thuyền trưởng cho hãng tàu Vishipco Lines, và chờ vị Hạm Trưởng mới đến thay thế tôi; đến giờ nầy tôi vẫn còn giữ LTC làm “kỷ vật”. Tiếc thay vị đó lại đi học khóa Cao cấp, một vị khác được chỉ định đến thay thế cho tôi, nhưng không biết vì lý do gì cũng chưa trình diện BTL/Hạm Đội để nhận công tác. Ông Chỉ Huy Trường Hải Đội động viên tôi để đi thêm một chuyến công tác. Từ cực nam của miền Nam chúng tôi “dong ruỗi” trên con đường tiếp tế cho từng vùng để các đơn vị, các chiến hạm có đủ nhiên liệu hoạt động trên biển. Từ An Thới, Phú Quốc chúng tôi bơm đầy cho Căn cứ Yểm Trợ Tiếp vận và các chiến hạm hoạt động trong vùng; ghé qua Côn Sơn tiếp tục nhiệm vụ của mình vả trực chỉ Vũng Tàu để vào Cát Lỡ lấy dầu và tiếp tế cho các chiến hạm đang neo đậu tại đây. Nhận được lịnh ra Qui Nhơn để tiếp tế cho các chiến hạm từ Vùng I Duyên Hải trên đường xuôi nam. Tình hình chiến sự trong đất liền thì càng lúc khó khăn cho miền nam, tinh thần anh em dưới tàu không có biểu hiện hoang mang hay lo sợ. Tôi vững lòng vì mọi người trong chúng tôi hiểu lẫn nhau và đã cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn trong một thời gian tương đôi khá dài.
Từ nhiều nguồn quân sự và dân sự tôi biết chắc rằng miền Nam Việt Nam đang trải qua những ngày tháng đen tối, từ sai lầm chiến lược và chiến thuật, chúng ta khó có thể đảo ngược và gìn giữ sự nguyên vẹn của miền nam như trước đây. Giải pháp chính trị nào cho Việt Nam đây? Thi hành Hiệp định Paris chăng? Đành chờ và xem.
Tôi và anh em trên tàu phải làm tròn trách nhiệm mà mình đang gánh trên vai, tuy nhỏ nhoi nhưng chúng tôi phải làm tốt để cuộc triệt thoái được thành công. Sau khi vào lấy dầu tối đa có thể tại Căn cứ xăng dầu của Quân vận, tôi ra lệnh anh em phải cẩn thận vì tối hôm trước đó người nhái Việt cộng toan tính đặt mìn tàu Bệnh viện hạm HQ.400 nhưng may mắn anh em phát hiện được và bắt được hai người, chúng tôi ra neo ở ngoải cảng và cho một số anh em ra phố đi chợ vì thực phẩm trên tàu đã cạn kiệt; anh em đi chợ về và cho biết thành phố gần như bỏ ngõ, chỉ lèo tèo vài anh cảnh sát còn phụ trách lưu thông trên đường phố.
Tôi được nhận được yêu cầu từ Hộ tống hạm HQ. 08 đến tiếp tế dầu; tôi được biết Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lịnh Vùng I Duyên Hải đang trên chiến hạm nầy. Tôi gặp anh Nguyễn Văn Yên, Hạm trưởng, anh là một trong ba bốn anh cùng khóa 15 rất xuất sắc và đảm nhiệm chức vụ Hạm trưởng trên các chiến hạm lớn sớm nhất. Tôi lên đài chỉ huy của chiến hạm và trình diện Tư Lịnh Vùng và nhận thấy ông đang mặc Jacket hải quân và trên mặt có vết sước nhẹ. Trọng tâm của ông trong lúc nầy là rước càng nhiều càng tốt anh em binh sĩ Sư đoàn 3 Bộ binh và hướng dẫn các đơn vị chiến hạm, chiến thuyền của vùng I về Vũng Tàu.
Trích hai trang trong quyển Can Trường trong Chiến Bại
Tách khỏi chiến hạm HQ. 08, thì vào lúc 1:00 chiều ngày 31 tháng 3 năm 1975, chúng tôi đón tiếp HQ. Đại tá Nguyễn Công Hội, Tư Lịnh phó Vùng I Duyên Hải lên chiến hạm chúng tôi để chỉ huy đơn vị trưởng các chiến đỉnh của vùng tập trung lại để cùng về Vũng Tàu. Tôi và ông có quan hệ trong công tác, trước đây ông là Chỉ huy trường Hải đội Tuần Duyên và tôi là Hạm trường một chiếc PGM dưới quyền ông; sau nầy khi ông về vùng I thì tôi lại trình diện ông mỗi khi công tác ở đây.
Đồng thời chúng tôi cũng có chở Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh và các Sĩ quan Tham mưu của ông trên chiến hạm của chúng tôi. Mọi người đều lo lắng cho các đơn vị và binh sĩ dưới quyền. Binh lính của Sư đoàn 3 Bộ binh có mặt trên tàu khá đông song anh em giữ kỷ luật rất tốt.
Đính kèm là trang số40 của Nhật Ký Tư Lệnh do Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh viết:”Tôi cùng đại tá Hội, tư lệnh phó Vùng I Duyên hải sang tàu dầu 542 [ đính chánh472] (hạm trưởng trung úy An Thuận [đính chánhđại úy]) cùng một đoàn tàu nhỏ đi về Cam Ranh.
Sau cùng thì cả đoàn tàu đã về đến Cam Ranh an toàn. Các vị quan khách lần lượt rời chiến hạm, trả lại không gian an bình và sinh hoạt bình thường cho chúng tôị. Trong suốt thời gian qua vì cùng phụ giúp các vị tướng, tá chỉ huy trên tàu nên tôi chỉ ngủ được chừng một tiếng đồng hồ/ngày. Café và trà là nguồn trợ lực rất quý giá cho tôi, ăn uống chỉ là phụ. Ai nấy đều như “xác không hồn”.
Vì tình trạng kỹ thuật tàu của chúng tôi quá tệ, nên tôi được lệnh trực chỉ Vũng Tàu để hy vọng các sửa chửa hạm có mặt ở đây có thể sửa chửa cho chúng tôi. Kết quả là phải vào Ba Son để sửa chửa vì các chiến hạm nầy không có các bộ phận thay thế. Anh em có thân nhân ở Saigon hoặc ở các vùng phụ cận, và bản thân tôi, chỉ mong có vậy sau một chuyến công tác dài ngày trên biển từ cực nam đến cực bắc duyên hải của miền nam. Về đến Saigon tôi cho anh em về nhà để mang gia đình vào sáng sớm ngày hôm sau, để số còn lại sẽ về nhà ngay, trong đó có tôi. Tối hôm đó thì thợ Ba Son xuống tháo ráp máy móc hư hỏng dưới tàu để đem về xưởng, tôi lên BTL/Hạm Đội để gọi về nhà, báo cho gia đình chuẩn bị sẳn sàng để ngay mai khi tôi vềthì có thể rời nhà ngay.
Ngày hôm sau khi tôi về nhà, đang loay quay kêu gọi người thân trong nhà chuẩn bị thì đã có lời kêu gọi hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện của Tổng Thống Dương Văn Minh. Tôi và vợ tôi hy vọng vào các bạn tôi đang neo tàu buôn ngoài sông Saigon, vô ích và không có kết quả, cố gắng vào Cảng Saigon, kết quả cũng không có gì tốt hơn.
Trên HQ. 11
Mặc dầu có nhiều cố gắng nhưng chúng tôi không thành công, thôi thì đành tự an ủi “không thành công cũng thành nhân” nhưng cái giá phải trả lại quá đắt. Mất nước là mất tất cả, đừng bao giờ trông chờ vào sự bao dung độ lượng của đối phương!
Vận nước đến hồi đổi thay để mọi người dân miền Nam cùng chia sẻ với dân miền bắc, cùng chạm mặt chế độ cộng sản, một chế độ đàn áp có hệ thống các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội và tập hợp hòa bình và sẵn sàng trấn áp những ai dám kêu gọi dân chủ, tự do.
Giờ đây giới trẻ đã có ý thức rằng họ phải bảo vệ tổ quốc, và họ đang dấn thân trong việc thực thi dân chủ và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam, bắt đầu tiến trình thoát khỏi chế độ cộng sản cầm quyển với bản tánh ích kỷ, vô lương. Hy vọng đây là mở đầu cho một giai đoạn mới cho tuổi trẻ thức tỉnh và vùng lên để lấy lại chính nghĩa cho tổ quốc.