Một bác sĩ cho mười bảy ngàn người
Phan Ba
Chiếc tàu bệnh viện phải đương đầu hiện tượng, là cái đáng giá để giật tít cả một thời gian dài đối với giới báo chí. Một chiếc tàu màu trắng tất nhiên là mang nhiều biểu tượng, và cuộc chiến ở Việt Nam đang là thời sự cho tới mức một hành động nổi bật cho các nạn nhân của cuộc chiến này rất được quan tâm tới. Chiếc tàu bệnh viện đã có được một sự quan tâm và một không gian trong giới báo chí Đức và quốc tế nhiều hơn bất cứ một dự án trợ giúp về mặt y tế nào ở nước ngoài trước đây. Điều đó đối với tôi thật là bất ngờ. Khi báo chí in trước hết là những gì được người đọc của họ quan tâm tới, thì sự quan tâm của người dân trong nước [Đức], trong một quy mô nhỏ cả độc giả ở Mỹ, Úc, Pháp, Philippines, Canada và nhiều nước khác, thật đáng để chú ý đến. Đối với chúng tôi, những người chúng tôi làm việc trên tàu, thì việc đó dường như là hơi được thổi phồng lên một chút, và chúng tôi cảm thấy không thoải mái. Thật ra thì chúng tôi thích làm việc trong sự yên lặng hơn. Chúng tôi đã cải tạo một chiếc tàu du lịch trước đây với 3000 tấn tải trọng tổng thể đã đăng ký thành một bệnh viện nổi có thể hoạt động được và bây giờ muốn làm việc với con tàu đó trong một đất nước cũng rất đang cần đến công việc của chúng tôi. Việc cải tạo con tàu tương đối nhỏ này thành một bệnh viện cỡ trung là khó khăn, nhưng nhờ vào tài năng của các kỹ sư đóng tàu mà đã thành công. Cả hai điều đó, khó khăn và thành công, đều không thể nhìn thấy trước được, nếu như người ta muốn tin vào những dòng tít.

Vào ngày 10 tháng 1 năm 1966, tờ ‘Abendecho’ ở Hamburg cho rằng có một bệnh viện quân đội nổi được chính phủ Mỹ thuê, và trong cùng ngày đó, tờ ‘Hamburger Abendblatt’ có thông tin tốt hơn, rằng chính phủ liên bang [Đức] sẽ thuê một ‘tàu bệnh viện quân đội’ cho Hồng Thập Tự. Trong cùng ngày đó, theo tờ ‘Bild’, chiếc tàu du lịch đã sẵn sàng hoạt động và mười tám ngày nữa dự định sẽ đến đích. Thật sự thì vào ngày 12 tháng 1, theo tờ ‘Frankfurter Rundschau’, chính phủ liên bang đã quyết định gửi một con tàu bệnh viện đến Nam Việt Nam, và đây cũng là lần đầu tiên mà người ta viết về một con tàu bệnh viện, không phải một con tàu bệnh viện quân đội. Từ Lazarett [bệnh viện quân đội] trong tiếng Đức chỉ được dùng để nói đến bệnh viện quân đội. Nhưng đó hoàn toàn không phải là một hoạt động quân sự, ngay cả khi báo chí Đông Đức tuyên bố chúng tôi là tàu chở quân và sau này còn phân cho chúng tôi cả một nhà virus học chuyên làm việc trong lĩnh vực tiến hành chiến tranh virus nữa. Thật ra thì chúng tôi rất cần một nhà virus học, nhưng có muốn cho tới đâu đi chăng nữa thì chúng tôi cũng không thể tạo được chỗ làm việc cho ông.
‘Chuẩn bị ra khơi!’, tờ ‘Abendzeitung’ viết ngày 13 tháng 1. Nhưng vẫn còn cần một khoảng thời gian cho việc đó. Vì công việt tái thiết bị không kéo dài bốn mươi tám tiếng đồng hồ (‘Bild’ ngày 10 tháng 1) và cũng không phải ba tuần (‘Hamburger Abendblatt, 14 tháng 1). Nó kéo dài ba tháng. Và việc cải tạo cũng chỉ có thể được bắt đầu mãi năm tháng sau đó, vì còn phải tham khảo ý kiến nhiều giám định viên.
‘Vẫn còn chưa ra khơi’, tờ ‘Frankfurter Allgemeine Zeitung’ thất vọng in vào ngày 15 tháng 1. Bởi vì, như có thể đọc trên tờ ‘Spiegel’ vào ngày 17 tháng 1, tuy chiếc tàu được thiết kế. ‘để cũng có thể chuyên chở thương binh trong trường hợp khẩn cấp’, nhưng người ta không cần đến một chiếc tàu chở thương binh ở Việt Nam. Một chiếc tàu cần phải chở thương binh đi đâu chứ? Cần nhiều thơn là một bệnh viện nổi, nói chung là một bệnh viện. Nhưng xây dựng một bệnh viện ở nông thôn thỉ phải càn ít nhất là hai năm. Kiến lập những trung tâm băng bó hay gởi xe buýt khám bệnh di động vào làng mạc, như nghị sĩ đảng SPD Eppler được cho là đã đề nghị sau một chuyến đi thăm Việt Nam kéo dài bảy ngày, theo ‘Nhật báo Nam Đức’ vào ngày 17 tháng 3, thì chắc chắn là ít có tác dụng hơn. Ưu điểm lớn của một con tàu bệnh viện là tính sẵn sàng hoạt động tương đối nhanh mặc cho tất cả mọi sự trì hoãn.
Thời đó, nhiều người đã nghĩ đến tính thiết thực của chiếc tàu bệnh viện. Ở Việt Nam, người ta hoàn toàn không quan tâm đến một chiếc tàu bệnh viện, Volkmar Hoffmann báo cáo vào ngày 7 tháng 2 năm 1966 trên tờ ‘Frankfurter Rundschau’. Ông cũng viết ai không quan tâm đến điều đó: Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng cả trong chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam của tôi, lẫn một tháng sau đó, lẫn sau này tôi không nhận thấy điều gì khác ngoài sự quan tâm to lớn khác thường của người Việt, người Mỹ và tất cả những người khác. Trong cùng tờ báo đó, tổng biên tập của ‘Telegraf’, Arno Scholz, được trích dẫn, người ủng hộ cho ‘những trạm y tế lưu động có thể đi từ làng này sang làng khác’ và ‘trại đông người’.
Ngay từ này 13 tháng 2, tờ ‘Welt’ đã biết tường thuật về hàng ngàn tình nguyện viên sang Việt Nam, các báo khác (‘Hannoversche Rundschau’ ngày 14 tháng 5) nói về một ngàn bốn trăm người xin việc. Nhưng đó hầu như không phải là những người xin việc thật sự; ví dụ như một người chơi đàn ống rất muốn được tham gia thì có thể làm được điều gì cho có nghĩa lý? Thật sự thì cho tới giữa tháng 5 tôi có được tám đơn xin việc của các bác sĩ và trong số đó đã khuyên nên nhận sáu người. Tức là trong số hơn một trăm ngàn bác sĩ được phép hành nghề trong nước Đức có tám người thật sự sẵn sàng để làm việc ở Việt Nam.
Người ta thảo luận sôi nổi cho tới khi con tàu khởi hành. Một nhóm nhỏ các bác sĩ Hamburg còn viết một lá thư phản đối vào buổi sáng của ngày khởi hành, được hỗ trợ to tiếng bởi tờ ‘Blinkfüer’, và có những người gọi điện nặc danh muốn ‘cho nổ tung’ chiếc tàu (báo ‘Bild’ ngày 10 tháng 8). Thật sự thì chúng tôi, vào buổi tối ngày 9 tháng 8, đã đứng co ro vì lạnh quanh chiếc tàu, do cảnh sát đã coi trọng lần gọi điện nặc danh đó và đã di tản chúng tôi. Mười ngày sau đó, một người đồng hương nặc danh đe dọa thêm một lần nữa từ Hamburg, rằng chiếc tàu sẽ bị nổ tung với một quả bom hẹn giờ ở Kênh đào Suez. Nhưng vì chúng tôi vào Port Said muộn hơn một ngày, việc không ai ở Đức biết, nên lẽ ra là chúng tôi đã nổ tung lên rồi khi tin đó đến được với chúng tôi.
Hai ngày sau khi rời bến, một nhân viên của Bộ Nội vụ cố đánh gục tinh thần của chúng tôi. ‘Phí bạc triệu vô ích’, ‘Tranh cãi lớn vì chiếc tàu bệnh viện Hamburg’, tờ ‘Abendecho’ ở Hamburg nhấn mạnh vào ngày 12 tháng 8 năm 1966. Ông trưởng phòng Heinz Kirchner đã được ‘các cơ quan Việt Nam thông báo không úp mở’, rằng ‘chiếc tàu bệnh viện là quá đắt tiền. Một bệnh viện cố định thật ra rẻ tiền hơn rất nhiều’.
Để trang bị cho một giường của chiếc tàu bệnh viện, người ta đã tốn kém chính xác 22.000 Mark. Nhưng hầu như không thể trang bị cho một giường bệnh trong một bệnh viện ở nông thôn, đó là sự lựa chọn khác, với ít hơn là 45.000 Mark, nếu như bệnh viện đó cần phải có chất lượng giống như là của chiếc tàu bệnh viện.

Một tháng sau đó, giới báo chí lá cải đã có xì xăng đan đầu tiên của chiếc tàu bệnh viện. Ngược lại với ý muốn và sự phản đối của tôi, một cộng tác viên tự do của Đài Truyền thanh miền Tây nước Đức đã lên tàu ở Colombo. Chủ tịch Hội Hồng Thập Tự Đức đã đồng ý. Nhà báo này, người mà sau này tôi hay phải làm việc với ông ta và là người siêng năng điều tra tới mức tôi chỉ còn có thể thán phục ông, phải tự kiếm tiền vì là cộng tác viên tự do. Thế là lần hỏng máy điều hòa nhiệt độ, một sự cố kỹ thuật mà chẳng có chiếc tàu thủy nào có thể hoàn toàn tránh khỏi được, đã trở thành một sự kiện dữ dội trên con tàu bệnh viện.
Nhưng vào ngày 14 tháng 9 thì mọi việc cũng đã vượt qua được, cả ‘những loạt đạn súng máy’ mà tờ ‘Bild’ của ngày 15 tháng 9 đã để cho Việt Cộng đón chào chúng tôi – nhưng chúng tôi thì không nhận thấy họ ở đâu cả.
Và vào ngày 3 tháng 10, Uwe Siemon-Netto của Dịch vụ Nước ngoài thuộc Springer đánh điện về Đức: ‘… Rồi tất cả mọi sự phê phán sẽ trở nên vô nghĩa, nếu như con tàu làm
tròn mục đích của nó’, và : ‘Sự cảm kích tột độ của từng người một trong số 85 bệnh nhân đầu tiên được điều trị hay chẩn bệnh hẳn là minh chứng tốt nhất cho việc đó’.
Vào ngày 24 tháng 10, tờ ‘Spiegel’ khẳng định có chuột trên chiếc tàu bệnh viện và như thế ‘gần như là bệnh dịch hạch rồi’. Thật sự thì không có chiếc tàu thủy nào trên thế giới, tôi đã được thủy thủ của nhiều quốc gia bảo đảm, mà không có chuột trên tàu. Và khi chuột rời tàu thì đó thật sự mới là một điềm xấu như thành ngữ. Chúng tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy một ‘ca dịch hạch’ như tờ ‘Spiegel’ đó nói. Mãi sau này, trong mùa Xuân năm 1967, mới có hai đợt dịch hạch nhỏ ở Việt Nam, ở Vũng Tàu và Vịnh Cam Ranh nhưng đã được các cơ quan y tế khống chế được mà không có khó khăn gì. Trong vòng mười tháng đầu tiên của năm 1966, trong toàn Nam Việt Nam có ba trăm hai mươi lăm bệnh nhân mắc bệnh dịch hạch được ghi nhận, những người được cô lập ngay lập tức.
Chúng tôi đã thành công bảy tuần sau đó. Vào ngày 10 tháng 12, tờ Deutsches Ärzteblatt [Báo Bác sĩ Đức] gọi chúng tôi là ‘bệnh viện tốt nhất ở Việt Nam’, và tờ ‘stern’ khen ngợi chúng tôi trong cùng khoảng thời gian đó như là ‘con tàu của niềm hy vọng cuối cùng’. ‘Hãy gửi cho chúng tôi một chục chiếc tàu bệnh viện’, tờ stern viết rằng người Việt đã nói như thế. Tuy vậy, tám tháng sau đó, tờ ‘stern’ cũng đã không ngại ngùng bẻ cong thông tin của một cựu bác sĩ trên chiếc tàu bệnh viện để chúng phù hợp với dòng tít giật gân ‘Chiếc tàu bất lực’.
Trong những lần lập kế hoạch cho chiếc tàu bệnh viện, tất cả những người tham gia đều biết rằng sự kết hợp giữa hai nhóm rất khác nhau của thủy thủ đoàn và đội ngũ bệnh viện sẽ mang lại nhiều khó khăn. Bất cứ người thủy thủ nào cũng đều quen thuộc với cuộc sống tự do, giờ làm việc cố định và được trả tiền cao khi làm thêm ngoài giờ. Thỉnh thoảng vui chơi trong một bữa tiệc và biểu lộ to tiếng niềm yêu đời của mình là những việc mà anh cho là một sự hiển nhiên. Nhưng đối với nhân sự trong một bệnh viện thì việc luôn luôn quan tâm đến bệnh nhân, ý thức trách nhiệm và sẵn sàng làm việc, ngay cả trong thời gian nghỉ, đã trở thành bản tính thứ nhì.
Vì chiếc tàu bệnh viện ở Sài Gòn đã trở thành bệnh viện nhiều hơn là tàu nên đã hình thành một hoàn cảnh mà đối với một vài người trong thủy thủ đoàn thì không phải là một điều hiển nhiên, và cũng đã xảy ra những vụ việc nhỏ nhưng trong đó không có một vụ việc duy nhất nào to hơn là một việc gây bực mình cả. Còn ngược lại nữa, các sự kiện ít ỏi gây bực mình nhưng ngoài ra thì không quan trọng đó ở dưới xa mức độ mà người ta đã dự đoán trước. Công ty hàng hải bắt buộc phải thay thế một vài người thủy thủ, và tất cả mọi việc lẽ ra thì đã xong, nếu như không có giới báo chí Đức.
Nhân viên vô tuyến Otto Behrens, người mà theo lời của chính ông nổi tiếng dưới cái tên ‘Beck’s Otto’ trên những con tàu của tuyến Đông Á vì ‘không bao giờ nhìn thấy mà không có bia Beck’, không chỉ có một hợp đồng thông tin với tờ ‘Quick’: ngay khi con tàu đến Sài Gòn thì người ta đã biết điều đó rồi. Tôi đã xin công ty hàng hải vận động ông từ bỏ hợp đồng đó hay thay thế ông, nhưng không thành công. Vì thế mà ông có thời gian cho tới đầu tháng 2 để nghĩ ra thêm nhiều câu chuyện. Thêm vào đó, ông là người thông tin thường trực của một tờ báo lá cải ở Hamburg và đã điện về quê hương những tường thuật giật gân nào đó. Cuối cùng, ông cũng được thay thế vào đầu tháng 2 năm 1967. Vừa mới về đến Đức, ông đã sản xuất ra một loạt những câu chuyện buồn cười dưới tên ‘Nhân viên vô tuyến Behrens tiết lộ’ trong tờ ‘Das neue Wochenend’ mà trong đó ông không những nói dối mà còn lôi cả những người đứng ngoài cuộc vào: những tấm ảnh chụp người vợ của một nhân viên sứ quán, một người phụ nữ Hàn Quốc, được đăng lên như là bằng chứng cho ‘những buổi tiệc tùng hoang dại’ với phụ nữ Việt Nam.
Nhưng vẫn còn chưa đủ: với tờ ‘Spiegel’, ông còn sống sượng quả quyết rằng ‘… các thủy thủ còn ở lại’ đã ‘làm tình trong phòng của họ dữ dội tới mức ảnh treo trên tường của phòng bên cạnh đã lung lay rơi xuống’; tờ ‘Spiegel’ cũng không xấu hổ mà đăng điều đó vào ngày 13 tháng 2 năm 1967.
Những gì ở trên tờ ‘Spiegel’ lúc nào cũng là sự thật, người ta cho là thế, và giới báo chí lá cải nhìn thấy một cơ hội để tăng số lượng phát hành. ‘Sex-party’ trong các phòng của tàu bệnh viện, tờ ‘Bild’ nhấn mạnh vào ngày 16 tháng 2 năm 1967 với những dòng thật to, những tờ lá cải khác theo sau. Bà Strobel, Bộ trưởng Bộ Y tế, theo tờ “Westfälische Zeitung’ và ‘Bild’ vào ngày 17 tháng 2 năm 1967, đã để cho người ta xúi giục mà nói rằng: ‘… có phải là không đúng, khi triệu hồi con tàu về’. Vì một thủy thủ nghiện rượu và vì vậy mà bị cho thôi việc đã tung ra những câu chuyện không có thật và những tờ báo lá cải với từ ngữ ‘cuộc truy hoan’ đã đề cập đến những ước mơ và ao ước thầm kín nhất của một dân tộc đang buồn chán? Agence France Press đánh điện ngày 18/02/67 từ Bonn đến các báo tiếng Pháp trên thế giới ‘Biên niên sử xì căng đan’ của chiếc tàu bệnh viện mà ‘viên sĩ quan thứ hai đã tổ chức những cuộc truy hoan với nữ y tá và sĩ quan vô tuyến’ và ‘chuột sống tự do’ ở trên đó … ‘những người mắc bệnh giới tính sống hoàn toàn lộn xộn với nhân viên trên tàu và những người này về mặt họ đã dành hết mình cho những tình bạn đặc biệt’. Trong số các bệnh nhân người Việt của chúng tôi không có đến một người duy nhất mắc bệnh giới tính.
Thật sự đã xảy ra những gì? Gần tám mươi người Đức, những người sống và làm việc trên chiếc tàu bệnh viện ở Việt Nam, đã không làm gì khác hơn là hàng triệu người Đức khác ở quê hương: họ đã có một cuộc sống hàng ngày bình thường, nhưng dưới một khí hậu chết người và dưới những điều kiện sống mà chỉ có một số ít của 58 triệu người Đức ở nhà kia sẽ cho là có thể chấp nhận được. Trong số gần 80 người đó có 43 người phải hoàn thành một khối lượng công việc nhiều cho tới mức ở Đức thì đó ít nhất cũng phải là không bình thường. Chúng tôi có một lương tâm trong sạch.
Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn không hoàn toàn thành công trong việc chấp nhận điều phi lý đó một cách ‘mềm mỏng và điềm tỉnh’, như thông tín viên dpa Ulrich Grudinski đánh điện về Đức, và chúng tôi hầu như cũng không được an ủi, khi Winfried Scharlau vào ngày 21 tháng 2 đã nói về một đội ngũ đã ‘làm việc tốt và ứng xử cá nhân một cách đúng đắn và trong danh dự dưới những hoàn cảnh khó khăn’. Chúng tôi rất buồn và thất vọng, không chỉ về một phần của giới báo chí Đức đã vấy bẩn lên công việc cực nhọc kéo dài hàng ngày mười bốn tiếng của chúng tôi, mà cả về việc Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Käthe Strobel, đã đề cập đến lần trở về sớm của chiếc tàu trong mối liên quan này.
‘Đó là một con tàu bị hiểu lầm rất nhiều’, Curt Werner viết ngày 15/04/1967 trên tờ ‘Ruhr Wacht’.
Source : https://phanba.wordpress.com/2017/11/05/mot-bac-si-cho-muoi-bay-ngan-nguoi-2/