Phạm Tấn Quốc : Cuộc đời và sự nghiệp
Phạm Tấn Quốc
K 17 Pont

Sau hai năm lang thang từ Đại Học Khoa Học cho đến sở Mỹ cuối cùng rồi tôi cũng nghe lời Mẹ thi vào Trường Hàng Hải Phú Thọ. Tôi rất rét môn Pháp Văn nên chỉ chọn làm môn sinh ngữ hai, do đó khi biết trường Hàng Hải chỉ dạy toàn tiếng Tây tôi rất lo lắng khi đã được nhận vô học. Thú thật trong những tháng đầu tiên vừa được Bố dạy kèm theo mà còn phải chống chọi với căn bệnh Tê Liệt Có Định Kỳ nên cứ nghĩ rằng mình sẽ phải bỏ cuộc nửa chừng. Có lúc tôi nằm bệnh viện Chợ Rẫy để trị bệnh với Bác Sĩ Trần Ngọc Ninh phải bỏ học khoảng hơn một tháng. Thầy Ducasse do có quen với Bố nên ghé qua hỏi thăm tôi. Thầy hứa hẹn với Bố sẽ đưa những bài còn thiếu và sẽ nhận tôi đi học lại khi hết bệnh. Trở lại trường được vài tháng thì Việt Cộng tấn công Mậu Thân, trường đóng cửa và toàn bộ sinh viên phải gia nhập Sinh Viên Học Đường. Vậy mà không biết thế nào tôi qua được giai đoạn huấn luyện cơ bản, được bắn bia bằng súng trường Garant lần đầu tiên và sau đó đi gác tuyến bờ sông Hàm Tử.
Đi học lại vài tháng thì đã đến mùa Hè, tôi được ông Thuyền trưởng Trương Văn Tây nhận làm thực tập dưới chiếc Trường Kỳ. Trong khoảng thời gian nầy ông đang nộp đơn xin đi tàu viễn duyên Việt Nam Thương Tín nên ông khuyến khích tôi cùng học môn Navigation và làm point bằng cách xử dụng sextant và toán hàng hải. Đến khi trở lại trường thì môn Navigation, Sextant, điều chỉnh la bàn, starfinder đều đã rất vững vì thực tập nhiều lần. Ngoài ra môn đánh đèn hoặc hải hành đường sông Saigon, ra vô các hải cảng miền Trung tôi đều rành rẻ. Tôi ra trường năm 1969 với điểm khá cao, Á khoa bằng Viễn Duyên và thủ khoa bằng Cận Duyên. Được nhận trở lại Trường Kỳ với tính cách sinh viên thực tập chính thức. Tháng 7 năm 1969 tôi làm Sĩ Quan Phụ Tá trên chiếc Sao Mai, rồi trở lại tàu Trường Kỳ làm Sĩ Quan Phụ Tá và sau đó lên làm Thuyền phó trong tháng sau đó. Đầu năm 1970 bị động viên vào khóa 1/70 Thủ Đức về phục vụ Hạm Đội Hải Quân từ năm 1970 cho đến 30 tháng 4 năm 1975.
Việt Nam Cộng Hòa tan rã, đi tù cho đến tháng 6 năm 1978 bị đưa về giam lỏng kinh tế mới Lai Khê. Tháng 11 năm 1978 bị đưa qua Kratie làm dân công hỏa tuyến đi xâm mìn. Tháng 1 năm 1979 trốn về Saigon, sau đó được mướn làm thuyền trưởng ghe đăng ký ở Long An. Tháng 9 năm 1979 các ghe đăng ký bị hủy bỏ trốn về Saigon đến tháng 11 thì phụ người bạn đóng ghe chui ở Cầu Chữ Y. Tháng 1 năm 1980 vượt biên thành công được tàu quân sự Mỹ vớt, sang Mỹ tháng 3 năm 1980, sáu tuần lễ sau khi rời Saigon. Tháng 3 năm 1989 đoàn tụ lại với vợ và ba con. Không may vợ bị bệnh nan y và qua đời năm 2009.
Về hưu từ năm 2009, hiện sống tại Nam California với người vợ thứ hai, Thùy Dương.