Một chuyến tàu về

 Một chuyến tàu về 

Nguyễn Phước Lộc  

Tàu Nhựt Lệ ghé bến Sài Gòn

          Một buổi sáng Chủ Nhựt, còn đang say ngủ trên gác, tôi nghe tiếng mẹ tôi gọi. Giật mình tỉnh giấc, mẹ tôi đang đứng ở đầu giường. Bà nhỏ giọng gọi tôi dậy :

            - Dậy con, dậy đưa mẹ đi chùa.

            Vẫn còn ngái ngủ, tôi hỏi lại mẹ tôi :

            - Sao mẹ muốn đi chùa bữa nay ?

            Bà ngọt ngào trả lời :

            - Ừ ! Thì mẹ muốn đi chùa bữa nay. Có đi được không thì cho mẹ biết.

            Nói xong, bà vội vả bước xuống cầu thang. Trái với thường lệ, tôi không cảm thấy hăng hái chút nào. Tôi còn muốn ngủ nữa vì tối hôm qua đi chơi về quá muộn. Chuyện nầy cũng thường xảy ra. Tàu về bến vào ngày cuối tuần, tôi ít khi có mặt tại nhà trước 12 giờ đêm. Tuy vậy, sợ mẹ buồn, tôi tốc mền ngồi dậy, đi đánh răng và sửa soạn, thay quần áo để đưa mẹ đi chùa.

            Tiếng mẹ tôi từ nhà dưới vọng lên :

            - Mẹ có mua dĩa bánh cuốn chả lụa để trên bàn. Con ăn sáng xong rồi mới đi.

            Tuy tôi đã hai mươi mấy tuổi đầu, có nghề nghiệp hẳn hòi, mẹ tôi vẫn coi tôi như còn bé bỏng ngày nào. Mẹ tôi lo cho tôi đủ mọi chuyện. Trong gia đình, tôi sợ cha tôi nhiều hơn mẹ, ông rất nghiêm khắc. Ông thuộc lớp người bảo thủ, trật tự, trên dưới ngăn nắp. Nhưng tôi thương mẹ nhiều thật nhiều. Thương mẹ là thương mẹ, không có tình thương nào so sánh bằng và không có lời lẽ nào tả hết được. Tình thương đối mẹ thật tự nhiên và thật cần thiết, như đói thì ăn, như khát thì uống. Thương mẹ không cần viện dẫn bất cứ lý do nào. Tình thương đối với mẹ thật thiêng liêng và cao quí, một ân huệ, một hồng ân mà Thượng Đế đã ban cho loài người, cho kẻ làm con.

            Sau khi ăn sáng và sửa soạn xong, tôi báo cho mẹ tôi biết, rồi hai mẹ con lên đường. Trên đường đi tôi không khỏi thắc mắc: "Sao hôm nay mẹ lại muốn tôi đi chùa ? ", vì thường thì bà hay đi chùa với chị dâu tôi. Tuy thắc mắc nhưng tôi cũng không muốn hỏi làm gì. Mẹ muốn tôi đi thì tôi cứ đi cho mẹ vui lòng.

            Vân Sơn Tự, một ngôi chùa nhỏ, tọa lạc trên một khu đất khá rộng. Xung quanh chùa có trồng một ít cây ăn trái. Đặc biệt bên hông chùa có hai cây vú sữa, cây to, cành lá xum xuê, che đầy bóng mát. Thời gian bấy giờ là vào giữa tháng Chạp âm lịch. Không khí Tết nhứt thật rộn ràng. Các phật tử lần lượt tới chùa, kẻ đem trái cây, người đem bông hoa, nhang đèn cúng Phật. Tôi cứ chú ý đến hai cây vú sữa. Cây vú sữa trắng, cho nhiều trái đã chín mùi, một chút vàng vàng, một chút tim tím, bóng lưởng, trông thật ngon lành hấp dẫn. Ở cuối vườn, nhiều bụi trúc vàng được trồng nối tiếp nhau thành một hàng dài rất trật tự. Những thân trúc nhỏ mong manh, ngả nghiêng theo từng cơn gió thổi. Cành lá rung rinh, xào xạc nghe như có tiếng thì thầm to nhỏ. Tôi cũng bắt gặp đó đây nhiều chậu bông cúc vàng, vạn thọ và mồng gà được vun trồng thật vén khéo. Một khoảnh đất nhỏ trồng toàn bông huệ. Một mùi hương thoang thoảng thoáng qua. Tôi hít lấy không khí trong lành buổi sáng và cảm thấy thật dễ chịu và nhìn quanh, chiêm ngưỡng cảnh sắc vui tươi nhưng không kém phần tôn nghiêm, tịch mịch của nhà chùa, nơi được mọi người sùng bái.

            Đang miên man quan sát sinh hoạt nhà chùa trong không khí chuẩn bị đón mừng Tết Nguyên Đán, tiếng mẹ gọi đưa tôi về với hiện tại :

            - Con à, đi theo mẹ !   

            Tôi bước theo mẹ tôi đến một nhóm người đang quây quần trò chuyện thân mật. Mẹ tôi giới thiệu với một người đàn bà có lẽ lớn tuổi hơn mẹ tôi đôi chút :

            - Chị Tám ! Đây là thằng con trai, nó tên Phước.

            Tôi xoay người qua phía người đàn bà và lễ phép cuối đầu chào :

            - Dạ ! Cháu kính chào bác.

            Bà Tám nhìn tôi mỉm cười rồi ngọt ngào nói :

            - Thằng coi được quá hé !

            Nói xong bà hỏi tiếp :

            - Cháu có thường đi chùa không ?

            Tôi thành thật trả lời bà Tám :

            - Dạ ! Ít khi lắm. Hôm nay mẹ cháu muốn cháu đi theo mẹ.

            Mẹ tôi định phân trần thì bà Tám lại tiếp tục :

            - Để tôi gọi cháu Thúy đến chào chị.

            Rồi bà cất giọng :

            - Thúy à ! Lại chào bác Tư và anh đây con.

            Một cô gái tách rời nhóm bạn bè, tiến về phía chúng tôi. Nàng mặc bộ đồ trắng, tà áo nhè nhẹ bay theo từng bước đi. Trong khung cảnh trang nghiêm của ngôi chùa, nàng hiện ra thật rực rỡ như một bông hoa đẹp đầy hương sắc. Chiếc áo vừa vặn, bó sát người, nàng có thân hình tuyệt đẹp. Gương mặt đôn hậu, đôi mắt sáng long lanh, nước da trắng mịn màng. Nàng có đầy đủ yếu tố của một người con gái được trời cho đẹp. Tôi nhủ thầm : chắc có nhiều "cây si" đang trồng ở đây và đang chết lên, chết xuống ? Có thể rồi đây mình cũng nằm trong nhóm người nầy !

            Cô gái đến nơi, cúi đầu lễ phép chào mẹ tôi :

            - Dạ cháu kính chào bác Tư.

            Thấy tôi đứng bên cạnh, nàng chỉ nhìn tôi thoáng qua mà không nói chi. Bà Tám nhắc khéo :

            - Anh Phước đây là con bác Tư, con chào anh Phước đi con.

            Cô gái nhìn tôi rồi cất lời thật ngắn ngủi :

            - Chào anh.

            Tôi cũng lịch sự chào lại :

            - Chào cô.

            Cũng từ đó, chỉ có bà Tám và mẹ tôi nói chuyện với nhau. Chuyện phật sự, chuyện sinh hoạt đời sống hàng ngày. Tôi nghe mẹ tôi phàn nàn : "Gạo bữa nay lên giá. Thịt cá cũng lên giá. Cái gì cũng lên giá hết chị ơi ! Thét rồi đi chợ không biết mua gì cho vừa với túi tiền của mình". Rồi biết bao nhiêu chuyện khác nữa. Hai bà rất tương đắc trao đổi với nhau. Tôi và cô gái chỉ đứng nghe mà không có ý kiến gì. Một lát sau, bà Tám lại rủ mẹ tôi :

            - Thôi ! Tôi và chị vào chùa lễ Phật. Hai đứa nhỏ muốn vào thì vào. Không vào thì ở ngoài nói chuyện làm quen với nhau.

            Nói xong, hai bà bỏ đi vào Chánh Điện. Tôi không tránh được một chút ngại ngùng. Tự nhiên đứng đây với một người con gái chưa hề quen biết. Bây giờ tôi đoán được lý do tại sao mẹ tôi lại muốn tôi đi chùa hôm nay. Phần tôi là vậy, nhìn cô gái còn thấy thảm não hơn, nàng không dấu được vẽ thẹn thùng hiện lên trên gương mặt khả ái. Tôi tin là nàng cũng đoán được ý định của bà Tám và mẹ tôi. Tôi thấy rõ sự luống cuống của nàng. Nàng im lặng, tay vân vê tà áo, mắt nhìn bên nầy, bên kia, tuồng như không có tôi trước mặt. Để đánh tan sự bở ngở nầy, tôi mạnh miệng hỏi cô gái :

            - Cô Thúy vẫn thường đi chùa chứ ?

            Giống như câu hỏi mà bà Tám đã hỏi tôi lúc nãy. Nàng nhìn tôi với vẽ đầy ngạc nhiên. Nàng không trả lời tôi mà hỏi lại :

            - Sao anh biết tên em là Thúy ?

            Tôi làm ra vẽ bí mật và trả lời nàng :

            - Biết Thúy lâu rồi ! Tại Thúy không biết đó thôi !

            Cô gái có vẽ lấy lại được sự bình tỉnh đôi chút. Hơi mỉm cười, nàng hỏi tôi :

            - Anh Phước nói thật đi, sao anh biết được tên em là Thúy ?

            Không nở để nàng thắc mắc lâu hơn nữa, tôi thú thật với nàng :

            - Nói chơi chớ ! Tôi biết được tên cô Thúy là do bà Tám vừa mới gọi.

            Nàng bật cười ròn rã rồi nhẹ nhàng trách tôi :

            - Anh nầy thiệt ! Làm người ta hết hồn !

            Tôi mau miệng xin lỗi nàng :

            - Tôi xin lỗi cô Thúy. Tôi chỉ muốn đùa vui một chút thôi !

            Nàng dường như chẳng để ý đến lời xin lỗi của tôi. Nhìn tôi, nàng nói tiếp :

            - Thúy thường đi chùa với bà nội nhưng chưa được thấy anh Phước bao giờ !

            Với chi tiết nầy, tôi biết thêm được một điều : Thúy là cháu nội của bà Tám, tuy bà Tám không lớn tuổi hơn mẹ tôi bao nhiêu. Hẳn ba mẹ của Thúy phải còn trẻ lắm. Tôi nghĩ vậy và trả lời câu hỏi của Thúy :

            - Cô Thúy nói đúng. Đây là lần đầu tiên tôi đi chùa với mẹ tôi.

            Thúy suy nghĩ một chút rồi tỏ ý thắc mắc :

            - Vậy anh là con của bà Tư ?

            Tôi bật cười với câu hỏi nầy và vui vẻ trả lời nàng :

            - Thì chắc chắn như vậy rồi. Tôi không tin tôi là con của ai khác ngoài mẹ tôi !

            Thúy tỏ vẽ không thỏa mãn với câu trả lời nầy. Nàng cũng không để ý đến câu trả lời có một chút pha trò của tôi. Nàng hỏi tiếp :

            - Sao bà Tư không nhỏ tuổi hơn bà nội của Thúy bao nhiêu mà có con còn trẻ quá vậy ?

            Tôi giải thích cho Thúy biết :

            - Chuyện cũng dễ hiểu thôi ! Ba mẹ tôi có chín người con. Người chị thứ Hai của tôi, nếu còn sống, năm nay cũng được 41 tuổi rồi. Chị được sinh ra đời trước tôi 18 năm, được bú sữa mẹ trước tôi 18 năm và tôi là đứa con thứ 'bét".

            Nghe tôi nói thứ "bét", nàng bật cười, vừa cười nàng vừa tỏ ý xin lỗi tôi :

            - Thúy xin lỗi anh Phước vì đã quá tò mò. Như vậy, Thúy phải gọi anh Phước bằng chú !

            Tôi thân mật trả lời câu hỏi mà nàng cho là tò mò :

            - Không biết thì hỏi có sao đâu. Vã lại cũng có nhiều người nghĩ như vậy !

            Lợi dụng dịp nầy để biết được ý nghĩ thật của nàng, tôi hỏi tiếp :

            - Cô Thúy thấy tôi còn trẻ quá sao ?

            Nàng trả lời không do dự :

            - Chú Phước hơn Thúy vài ba tuổi là cùng.

            Nghe nàng gọi thế, một ý nghĩ khôi hài chợt đến, tôi nhìn Thúy rồi bông đùa :

            - Xin đừng ! Xin đừng gọi tôi bằng chú !

            Thúy bật cười thành tiếng rồi vui vẻ hỏi tiếp :

            - Anh Phước chắc đọc nhiều tiểu thuyết của Chu Tử ?

            Tôi chưa kịp trả lời, nàng đã hỏi sang câu khác :

            - Anh Phước không thích đi chùa sao ?

            Tôi thành thật trả lời nàng :

            - Gia đình tôi, chỉ có mẹ tôi và chị dâu tôi  thường đi chùa. Tuy nhiên chẳng một ai thật sự qui y để trở thành một phật tử thuần túy, có pháp danh hẳn hòi. Những người còn lại trong gia đình chỉ biết mình theo đạo ông bà, thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt mỗi tháng, mẹ tôi thường cho gia đình ăn chay hai ngày, ngày Rằm và ngày Mồng Một âm lịch. Như vậy, có thể kể tôi là người Đạo Phật được không ? Tôi hỏi lại Thúy.

            Có vẽ hơi thẹn thùa, nàng trả lời :

            - Dạ Thúy cũng không biết nữa. Để Thúy hỏi lại bà Nội xem sao.

            Qua những đối đáp nãy giờ, sự ngại ngùng lúng túng giữa chúng tôi như bớt dần. Không tiện hỏi thêm gì nữa, tôi dừng ở đây và định hướng câu chuyện về một đề tài khác. Chưa kịp thực hiện ý định nầy, Thúy đã hỏi tôi :

            - Anh Phước vẫn còn đi học ?

            Không vội trả lời câu hỏi nầy, tôi nhìn Thúy và xin phép được gọi Thúy bằng tên để tỏ ra mình là người lịch sự, tư cách. Câu trả lời của Thúy làm tôi cảm thấy mình thật ngớ ngẩn.

            - Vậy chớ nãy giờ anh Phước gọi Thúy là gì ?

            Tôi đánh trống lảng bằng cách trả lời câu hỏi trước của nàng :

            - Anh học trường Hàng Hải đã tốt nghiệp và đi làm được hai năm.

            Không chủ định, tự nhiên tôi lại xưng anh với nàng và vẫn thấy nàng rất tự nhiên. Nghe tôi nói về trường Hàng Hải, nàng vui vẻ cho tôi biết :

            - Thúy có người anh bà con học ở đây. Anh tên Hòa, Lê Bá Hòa, anh Phước có biết không ?

            Tôi lẹ miệng đáp lời nàng :

            - Anh biết anh Hòa chứ ! Anh Hòa người to con, nước da ngâm ngâm, gân guốc như một võ sĩ nhà nghề. Anh Hòa là sinh viên thuộc khóa đàn anh. Điểm để nhớ ở anh Hòa là anh có đôi chân mày thật rậm.

               Nghe tôi nói biết anh Hòa, nàng có vẻ vui lắm.

            Tôi nhớ về anh Hòa, ngoài vóc dáng "đô" con, anh còn là một người đàn guitare rất giỏi. Một đôi khi, anh đem đàn vào lớp, vào giờ nghỉ, anh đàn cho anh em nghe. Tôi thích nghe anh đàn bản "Le Beau Danube bleu" của Johann Strauss. Tôi không biết hiện giờ anh đang ở đâu và làm gì. Tôi không thấy anh có mặt trên các thương thuyền đang hoạt động, nhưng tôi không muốn hỏi Thúy.

            Câu chuyện giữa chúng tôi đang tiếp nối thì giờ cầu kinh chấm dứt. Bà Tám, mẹ tôi và quí vị phật tử lần lượt rời khỏi Chánh Điện. Không ai bảo ai, Thúy và tôi tự động tiến về phía bà Tám và mẹ tôi đang đi ra. Khi đến gần, bà Tám thân mật nói với tôi :

            - Khi nào rảnh, cháu đến nhà chơi. Nhà ở đường Thành Thái, ngang tiệm uốn tóc Thanh Vân, dễ tìm lắm ! Trước nhà có trồng nhiều cây bông giấy. Nếu cần, cháu cứ hỏi nhà bà Tám thì ai cũng biết.

            Tôi không biết trả lời sao cho tiện, cứ dạ lia dạ lịa. Tôi kín đáo nhìn Thúy xem nàng phản ứng ra sao. Nàng vẫn tự nhiên, xem như không có gì quan trọng. Mẹ tôi xin kiếu từ bà Tám và hẹn gặp lại lần tới. Tôi chào bà Tám và Thúy. Thúy chào mẹ tôi và tôi. Và chúng tôi ra về.

            Trên đường về, mẹ tôi hỏi tôi :

            - Sao ? Con thấy "con nhỏ" thế nào ?

            Tôi trả lời mẹ :

            - Dạ ! Con có thấy gì đâu mẹ !

            Mẹ tôi bực mình :

            - Thôi ! Đừng có làm bộ ngây thơ ! Thì con nhỏ có đẹp không ? Có muốn cưới làm vợ không ?

            Tôi chưa kịp trả lời, mẹ tôi nói tiếp :

            - Theo mẹ, như vậy là đẹp quá rồi ! Mẹ đi chùa gặp con nhỏ nhiều lần. Con nhỏ thật lễ phép, ăn nói nhỏ nhẹ. Tuy còn đi học, việc nhà bếp núc đều giỏi giắn. Thời buổi này, kiếm được người như vậy là khó lắm. Cô ấy còn một đứa em gái nữa, nghe bà Tám nói học hành cũng giỏi lắm ! Con thích có vợ làm cô giáo, mẹ tìm được chổ nầy cho con ! Cô ấy đang học Sư Phạm, một hai năm nữa thì ra trường. Dĩ nhiên là con có thì giờ để tìm hiểu thêm. Nên đến nhà chơi  thường để làm quen. Còn việc tuổi tác, xưng hô không quan trọng. Mẹ biết, có một gia đình thuộc thành phần khá giả, đàng hoàng, trí thức, hai anh em ruột, một người lấy người cô, một người lấy người cháu  vì hai cô cháu tuổi xuýt xoát nhau. Cả hai gia đình đều ở cùng xóm. Họ vẫn sống hạnh phúc, sanh con đẻ cháu đầy đàn. Con lung bung quá, làm ba mẹ không an lòng !

            Tôi im lặng nghe mẹ nói mà không có ý kiến chi nhưng tự hứa với mình : "Nếu có thể, nên làm cho mẹ vui !"

Tàu Nhật Lệ trên sông Hàn - Đà Nẵng

            Những tuần lễ sau đó, vì nghề nghiệp, tôi theo tàu đi đi, về về. Nghề nầy rất thích hợp với người trẻ tuổi như tôi. Được đi nhiều, biết nhiều, được mở rộng tầm mắt. Được nhìn thấy cảnh đẹp, khi mơ màng, khi hùng vĩ của non sông đất nước. Biết được một số khác biệt về sinh hoạt tập quán của người dân, từng vùng, từng địa phương. Lần đầu tiên đến Qui Nhơn, tôi thấy người dân sống về nghề đánh cá ở đây. Họ dùng những chiếc thúng rất lớn, đường kính chừng hai thước để câu cá hoặc để di chuyển qua lại trên mặt biển. Họ chèo thoăn thoắt nhẹ nhàng. Chiếc thúng lại tròn, rất dễ điều khiển, bẻ trái, quẹo phải. Muốn đổi hướng từ tới qua lui, người điều khiển chỉ cần xây mình lại. Tôi thấy lạ lắm ! Ở thôn quê miền Nam, sông ngòi chằn chịt, chiếc xuồng "ba lá" là phương tiện di chuyển phổ thông nhứt cho mọi người. Cũng ở Qui Nhơn, có lần tàu ghé đây, buổi sáng tôi thức dậy thật sớm, một mình thả bộ dọc theo bờ biển, khu vực gần bến tàu. Nơi đây là khu chợ cá lộ thiên.

Thuyền thúng ở Miền Trung

            Tờ mờ sáng, đoàn tàu đánh cá đã về bến. Quang cảnh thật ồn ào náo nhiệt, người mua kẻ bán. Đa số bạn hàng đến đây để mua sỉ rồi về bán lại. Chuyện đáng ghi lại ở đây, tôi thấy hàng chục con cá đuối khổng lồ, bỏ nằm ngổn ngang đó đây trên bãi cát. Có con lớn chừng ba bốn thước đường kính. Tôi chưa từng thấy cá đuối lớn như vậy ở quê tôi hay ở Sài Gòn. Tôi cho đây là một khám phá mới mẻ nhưng thật sự chẳng có gì lạ đối với người dân miền Trung, nhất là dân vùng ven biển.

            Nghề nào cũng có cái sướng, cái cực. Vui khi trời êm biển lặng, nhọc nhằn khi bảo tố phong ba. Con tàu quay cuồng, thủy thủ say sóng. Trong văn thơ, người ta nói : "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở", người thủy thủ thực tế hơn :" Đời chỉ đẹp khi biển lặng trời êm. Một điểm đáng phàn nàn : Với nghề nầy, người ta không được quyền nghĩ đến ngày vui cuối tuần hay ngày lễ lộc. Thậm chí đến ngày Tết Nguyên Đán, có khi tàu lại đang bềnh bồng giữa biển khơi hay ở một bến bờ xa lạ nào đó.

Chợ cá Qui Nhơn 1969

            Tết năm nay, tàu cập bến kho 5 lúc 8 giờ 30 sáng, đúng vào ngày 30 Tết. Mọi người mừng vui hết lớn ! Thế là được ăn Tết ở Sài Gòn ! Ngoại trừ những nhiệm vụ quan trọng, những ai không trực gác được phép về sớm. Tắm rửa xong, quần áo tươm tất, tôi ra khỏi thương cảng, gọi tắc xi, vọt nhanh về nhà. Tôi nghĩ đến mẹ tôi, bà sẽ vui lắm khi tôi có mặt ở nhà ba ngày đầu năm.

            Trên đường về, tôi chợt nghĩ đến Thúy và bổng có ý định ghé thăm nàng một cách bất ngờ. Nhưng tôi lại đắn đo : "Như vậy có tiện lắm không vì không báo trước ? ". Tôi tự bào chửa cho mình :" Cứ đến đại. Nếu nàng và gia đình tỏ ý không thích, tôi sẽ biết được mức độ cảm tình của nàng và của gia đình nàng đối với tôi ra sao" . Vả lại tôi đã được bà Tám mời một cách rất niềm nở. Tôi mạnh dạn thực hiện ý định nầy. Một ý định thật bất chợt, không định trước.

            Đây rồi, tiệm uốn tóc Thanh Vân, bên kia đường, một căn nhà gạch hai từng rất khang trang. Phía trong hàng rào sắt có trồng nhiều cây bông giấy. Tôi bảo người tài xế cho xe vòng lại, đậu trước căn nhà nầy và chờ tôi.

            Sau khi xe đậu xong, tôi xuống xe, thẳng bước đến cổng, không quên mang theo một hộp kẹo mè xửng. Không thấy ai ngoài sân, tuy cửa nhà trong đã mở sẳn. Tôi bấm chuông. Một cô gái chừng mười sáu, mười bảy tuổi, từ trong nhà bước ra. Tôi đoán, chắc đây là em gái của Thúy.

            Cô gái hỏi tôi :

            - Dạ ! Ông muốn tìm ai ?

            Tôi trả lời nàng :

            - Tôi tên Phước, tôi đến thăm bà Tám.

            - Ông chờ chút, để tôi báo cho bà nội tôi biết.

            Cô gái vừa nói vừa bỏ đi. Tôi nghe văng vẳng tiếng nàng gọi :

            - Bà nội ơi ! Có người muốn gặp.

            Tôi cũng nghe tiếng bà Tám trả lời :

            - Ừ ! Để bà ra ngay !

            Vài phút sau, bà Tám đi ra. Nhìn thấy tôi, bà Tám la lên mừng rỡ :

            - Ồ ! Cháu Phước hả ? Vô đây ! Vô đây ! Tàu mới về phải không ? Gặp mẹ cháu ở chùa hôm trước. Mẹ cháu nói : "Có thể cháu sẽ về kịp trong dịp Tết nầy !" Thôi vui quá hé !

            Bà Tám nói một hơi. Bà có vẽ vui lắm. Tôi cũng vui lây với cái vui của bà. Tôi trao và biếu cho bà Tám hộp kẹo mè xửng, nói là tôi mua ở Đà Nẵng. Bà cám ơn tôi và phàn nàn :"Đến chơi được rồi, quà cáp làm chi !".

            Bà Tám cho tôi biết ba mẹ Thúy đi làm sắp về, còn Thúy thì đi lại chợ chiều gần đây để mua cho bà một ít đồ lặt vặt. Đang nói chuyện với bà Tám, tôi nghe tiếng xe gắn máy ngừng lại trước sân nhà. Bà Tám vội nói :

            - Ba mẹ của Thúy về đó !

            Bây giờ tôi mới cảm thấy thật ngại ngùng ! Tôi luống cuống đứng dậy. Bà Tám ra sân nói gì đó với ba mẹ Thúy. Khi ba mẹ Thúy bước vào phòng khách, bà Tám giới thiệu tôi với hai người. Ông bà khoảng trên năm mươi, cả hai đều đẹp người. Ông đến bắt tay  tôi và mời tôi ngồi. Khi biết tôi hành nghề Hàng Hải, ông hỏi tôi về việc tàu bè, thời tiết và sinh hoạt của người dân miền Trung, chuyện nầy, chuyện kia. Ông không đá động gì đến chuyện giữa tôi và Thúy, theo tôi nghĩ ông đã biết.

            Một lúc sau, Thúy về, trên tay cầm một cái giỏ đồ ăn. Khi bước vào nhà, nhìn thấy tôi, nàng tỏ vẻ ngạc nhiên. Mọi người có mặt trong phòng khách đều chăm chú nhìn nàng. Điều nầy làm cho nàng cảm thấy lúng túng. Vẽ thẹn thùng hiện rõ trên gương mặt phúc hậu, dễ thương.

            Mẹ Thúy lấy giỏ đồ ăn trên tay Thúy, rồi mọi người lặng lẽ rời khỏi phòng. Phòng khách chỉ còn lại tôi và Thúy. Tôi cảm thấy ngượng ngùng, khác hẳn với bản tánh dạn dĩ cố hữu thường lệ. Tôi không nghĩ đến tầm mức quan trọng của sự việc hôm nay. Sự có mặt của tôi hiện giờ. Đây không chỉ là chuyện trai gái tìm quen một cách thông thường, trong lớp học, trong những buổi tiệc tùng, đình đám hay trong những dịp nào đó.

            Sự quen biết giữa mẹ tôi và bà Tám. Sự tiếp đón có vẻ thân mật của gia đình Thúy. Với dáng dấp e lệ thẹn thùa pha lẫn một chút vui tươi, tôi nghĩ nàng đã dành cho tôi một chút cảm tình nho nhỏ. Và tất cả hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho những lần giao tiếp về sau. Để phá tan bầu không khí có phần im lặng, tôi hỏi Thúy :

            - Thúy đi chợ mới về ?

            Nàng nhìn tôi, hơi mỉm cười, rồi trả lời :

            - Dạ ! Bà nội muốn có món khổ qua hầm trong mâm cơm rước ông bà chiều nay. Thúy đi mua khổ qua và một ít đồ lặt vặt khác. Chợ cũng gần đây thôi.

            Sau một hồi trò chuyện qua lại, tôi mạnh dạn hỏi nàng :

            - Nếu được Thúy đồng ý, tôi sẽ xin phép bà Tám và hai bác, mời Thúy đi dạo phố một vòng, khu vực chợ Sài Gòn. Tôi muốn được nhìn thấy sinh hoạt ở đây, đặc biệt trong buổi chợ chiều ngày 30 Tết.

            Không nhìn tôi, nàng trả lời thật nhỏ :

            - Dạ ! Không biết nữa ! Anh Phước hỏi bà nội và ba mẹ của Thúy.

            Hỏi xong câu nầy, tôi thấy mình thật hớ hênh, quá gấp gáp ! Có lẽ tôi đi quá nhanh chăng ? Thật sự ý kiến nầy chỉ mới nảy ra, từ khi tôi có mặt ở đây. Tôi không có một chút nào chủ định trước. Cũng may, nàng không dứt khoát từ chối. Tôi vẫn còn một chút hi vọng.

            Chừng để tôi ngồi một mình với Thúy khá lâu, bà Tám bước ra. Tôi đứng dậy lễ phép và thẳng thắn trình bày ý kiến của mình. Nghe xong, bà Tám vui vẽ trả lời :

            - Ồ ! Được chứ ! Được chứ ! Để hỏi lại ba mẹ Thúy xem sao.

            Cũng vừa lúc ba mẹ Thúy bước ra, bà Tám lập lại lời yêu cầu của tôi. Ông bà cười vui vẽ, nhưng không trực tiếp trả lời tôi. Xoay người về hướng Thúy, ông nói :

            - Thúy ! Con đi chơi với anh Phước chút đi. Nhớ chiều về ăn cơm nhà.

            Ông mời luôn cả tôi. Tôi không nghe tiếng Thúy trả lời. Lời yêu cầu của tôi được chấp thuận và quan trọng hơn : Thúy không phản đối. Sẳn dịp, tôi xin kiếu từ mọi người và hẹn sẽ trở lại rước Thúy vào lúc 1 giờ trưa. Tôi cũng không quên từ chối lời mời dùng cơm chiều của ba Thúy vì tôi cũng muốn về nhà dùng cơm chiều với gia đình tôi. Mẹ tôi bao giờ cũng chuẩn bị một mâm cơm cúng rước ông bà rất thịnh soạn. Tôi nhìn Thúy rồi chào tạm biệt nàng. Tôi bước nhanh ra khỏi nhà với tâm trạng mừng vui lâng lâng. Một phút bốc đồng đáng ghi nhớ.

Sài Gòn những ngày cận TẾT

            Trời hôm nay thật đẹp. Bầu trời xanh lơ, không một áng mây. Nắng vàng ấm áp. Ngoài đường xe cộ chạy tấp nập. Không khí chuẩn bị Tết nhứt vẫn còn phảng phất đâu đây. Tôi thấy vài chiếc cyclo với những chậu bông cúc vàng rực rỡ. Phố xá sạch sẽ ngăn nắp. Người vui, cảnh cũng vui. Câu nói thật chí lý.

            Về đến nhà, mẹ tôi mừng rỡ. Mẹ tôi còn vui mừng hơn khi biết tôi có ghé nhà Thúy. Và còn vui mừng hơn nữa khi biết tôi sẽ đưa Thúy đi chơi chiều nay. Mẹ tôi hỏi tôi từng chi tiết một. Tôi thành thật cho mẹ tôi biết từ đầu chí cuối. Nghe xong, mẹ tôi cười và chỉ nói một câu :" Gan dữ hé ! ".

            Để tỏ vẻ nghiêm túc, tôi mặc một chiếc áo chemise dài tay màu trắng, quần xám đậm, thắc chiếc cravate màu xanh lá non và đến đón Thúy đúng giờ. Vừa bước vào nhà, Thúy cũng vừa bước ra phòng khách. Tôi nhìn nàng mà ngẩn ngơ. Nàng đẹp thật ! Với một chút trang điểm, nàng đẹp lộng lẩy trong chiếc áo dài màu xanh đậm, màu nước biển ở độ sâu và chiếc quần trắng tha thước. Chiếc áo may thật vừa vặn khéo léo, làm nổi bật một thân hình rất cân xứng và gợi cảm. Tôi như bị thu hút một cách mãnh liệt vào dáng hình nầy. Thấy tôi chăm chú nhìn mình, nàng tỏ vẽ thẹn thùa, rồi với giọng nói rất nhỏ, nàng hỏi tôi :

            - Bây giờ mấy giờ rồi anh Phước ?

            Biết nàng nhắc khéo mình, tôi vội chào mọi người, hứa sẽ đưa nàng về sớm, rồi cùng nàng bước ra xe. Chiếc taxi với người tài xế đứng tuổi, vui tánh vẫn còn chờ đây, theo lời yêu cầu của tôi.

            Trên xe, dường như chỉ có một mình tôi nói nhiều. Nàng chỉ trả lời tôi khi cần thiết. Thật sự, tôi cảm thấy có một chút gì bỡ ngỡ, mất đi vẽ tự nhiên hằng ngày. Tôi hiểu là tôi phải tạo một không khí thật đầy thân mật, gây một chút cảm tình với người con gái nầy. Coi như đây là buổi hẹn hò lần đầu mà tôi là người đã tạo ra và may mắn có được.

            Người tài xế taxi thả chúng tôi xuống đường Lê Thánh Tôn, sau chợ Bến Thành, khu vực buôn bán trái cây. Tôi nhìn đồng hồ tay, gần 2 giờ trưa. Nếu tôi đưa nàng về nhà lúc 6 giờ chiều, tôi sẽ có được 4 tiếng đồng hồ với nàng. Tôi phát họa nhanh một chương trình cho buổi đi chơi ngắn chiều nay và tiện tặn từng giây, từng phút. Chúng tôi ngừng lại ở một gian hàng bán trái cây. Một mùi thơm thật dễ chịu thoáng qua, mùi trái táo ! Khi có dịp đi chợ Sài Gòn, tôi thường thích đến đây, có lẽ do cái mùi thơm đặc biết nầy. Tôi hỏi Thúy :

            - Mình mua một ít trái cây ăn nhé ? Thúy thích ăn nho hay ăn táo ?

            Thúy hỏi ngược lại :

            - Ăn ở ngoài đường sao anh  ?

            Tôi vừa cười vừa trả lời Thúy :

            - Có sao đâu ! Nhiều người làm như vậy mà !

Chợ Bến Thành - Sài Gòn - đường Lê Thánh Tôn

            Tôi đến quầy hàng, hỏi mua một ít nho tím và nhờ chị bán hàng rửa dùm. Chị vui vẽ làm theo lời yêu cầu của tôi. Nối bước theo mọi người, chúng tôi nhập vào dòng người đông đảo, vừa đi vừa ăn, vừa trò chuyện có phần thân mật hơn trước. Sự bỡ ngỡ lúc đầu dường như không còn nữa. Nàng hỏi tôi nhiều chuyện về nghề nghiệp, lý do nào tôi chọn ngành Hàng Hải ? Mỗi chuyến tàu đi bao lâu mới về ? Những bến bờ nào tàu thường ghé ? Sự khác biệt giữa ngành Hàng Hải và Hải Quân ? Tôi có cảm giác như mình đang bị phỏng vấn bởi một phóng viên nhà nghề. Tôi cũng được dịp trao đổi với nàng về chuyện học hành của nàng và được biết lý do nào nàng chọn học ngành "Gỏ Đầu Trẻ". Lý do thật giản dị : nàng có người dì làm cô Giáo. Dì Hương, em của mẹ nàng. Nàng coi dì Hương như một thần tượng. Nàng nói dì Hương của nàng đẹp lắm ! Dì Hương lập gia đình sau mẹ nàng một năm. Không biết vì lý do gì, cho đến bây giờ dì Hương vẫn chưa có con.

Chợ hoa Tết trước Ty Hàng Hải

            Nàng là đứa cháu đầu lòng trong hai gia đình, bên nội cũng như bên ngoại, nên nàng được cưng chìu hết biết. Đặc biệt là dì Hương của nàng. Dì Hương thương nàng như con. Khi lớn lên, ngoài cha mẹ, dì Hương dạy nàng từng li, từng tí, cách ăn, cách nói, cách đi đứng. Dì Hương hiểu biết nhiều nên được mọi người kính trọng. Dì Hương rất cởi mở và gần gủi nên được mọi người thương yêu. Ngoài ra, dì Hương còn có biệt tài nấu ăn. Nàng đã học được của dì Hương món cơm gà và được mọi người ưa thích. Nàng được chỉ định nấu món cơm gà khi gia đình có dịp tiệc tùng, giỗ chạp. Nàng thương dì Hương như mẹ. Nàng muốn được trưởng thành như một dì Hương, một "Cô Giáo" như dì Hương.

            Như tôi đã nói với mẹ tôi từ lâu :"Tôi muốn có vợ làm cô giáo". Tôi cũng có lý do của riêng tôi. Nếu dì Hương là thần tượng của nàng thì cô Lệ là thần tượng của tôi. Cô Lệ là cô giáo dạy tôi lớp Nhứt "B", trường Tiểu Học Chợ Quán.

            Nếu mọi việc suông sẻ, thì đây quả đúng là ước muốn của tôi, một giấc mơ đã thành sự thật. Hơn nữa, nàng được sanh ra trong một gia đình nề nếp, lễ giáo. Thật tình mà nói : Có lẽ dáng vóc và sắc diện của nàng đã thu hút tôi ngay tự phút đầu, khi tôi gặp nàng tại chùa Vân Sơn.

            Rồi những chuyến tàu đi, những chuyến tàu về, chúng tôi nôn nao mong được gặp nhau. Khi thì tôi đến nhà nàng, khi thì tôi đón nàng ở trường học. Và bao giờ chúng tôi cũng đưa nhau đi đâu đó. Tuy được sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng những tên như Tân Định, Phú Nhuận, Đa Kao, Gò Vấp, Thủ Thiêm, Nhà Bè, nàng chỉ nghe nói mà chưa lần nào được đặt chân đến. Tôi trở thành một hướng dẫn viên rất đắc lực cho nàng. Nhưng khu vực chợ Sài Gòn vẫn là một tựu điểm chính. Một lần, chúng tôi đang ăn kem ở Givral, một đôi vợ chồng trẻ bước vào, mỗi người ẳm một bé gái độ chừng hai tuổi, cùng mặc một kiểu quần áo và cùng màu. Hai đứa bé sinh đôi thật xinh đẹp, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Hai vợ chồng chọn một bàn trống kế bàn chúng tôi. Thúy mở lời làm quen :

            - Chị có hai đứa cháu đẹp quá !

            Người đàn bà mỉm cười thân thiện rồi trả lời :

            - Trời ơi ! Cực lắm cô ơi ! Để rồi hai vợ chồng có con rồi biết.

            Được dịp tôi chen vào :

            - Cũng sắp rồi đó chị.

            Thúy trố mắt nhìn tôi, mặt đỏ bừng, nhưng không dấu được một nụ cười thẹn thùng thật kín đáo.

            Tôi lại theo tàu với những chuyến đi như thường lệ. Thông thường mỗi chuyến đi như vậy, từ Sài Gòn đi Đà Nẵng rồi trở về Sài Gòn phải mất một tuần lễ. Nhưng lần nầy, tàu lại gặp bảo nên phải ghé vào Vịnh Qui Nhơn để trốn cơn bảo lớn, mất một ít thời gian. Đến Đà Nẵng, thời tiết xấu, mưa nhiều, không cất hàng (gạo) lên được, lại phải chờ. Tàu về đến Sài Gòn trể mất mấy ngày.

            Sau khi về thăm nhà thăm gia đình qua loa, tôi đến thăm nàng ngay. Thấy tôi, nàng mừng ra mặt nhưng không có một nụ cười rạng rỡ như thường lệ. Với giọng nói thật nhỏ, vừa đủ tôi nghe, nàng hỏi :

            - Sao lâu quá vậy anh ?

            Chưa kịp trả lời, tôi nhìn thấy đôi mắt nàng đã ứa lệ. Nàng đã khóc ! Để che dấu, nàng nhìn sang hướng khác. Tôi cảm thấy thật xúc động ! Một cơn xúc động bất chợt trào lên. Không chủ động được, tôi bước tới ôm nàng vào lòng, hôn nhẹ lên má nàng. Nàng trìu mến ngả đầu vào vai tôi. Giây phút rung cảm ngây ngất ngắn ngủi qua thật nhanh. Chúng tôi buông nhau ra. Cũng may, lúc nầy, trong phòng khách chẳng có ai. Dù đã quen nhau khá lâu, dù tình yêu giữa chúng tôi đã sanh sôi nẩy nở, đây là lần đầu tiên tôi hôn nàng. Một chiếc hôn nhẹ bên bờ má, nhưng đã thấm đậm vào tim, vào phổi. Tôi lấy lại bình tỉnh và giải thích cho nàng biết lý do tại sao tàu về trể.

            Thời gian nầy, hai gia đình thường quà cáp qua lại với nhau. Sự thân thiết càng ngày càng thắt chặt, nhứt là mẹ tôi và bà nội của Thúy. Riêng tình yêu của chúng tôi càng ngày càng lớn dần và sâu đậm. Một chút nước mắt vừa rồi làm tôi đánh giá được mức độ tình cảm của nàng đối với tôi.

            Những lần gặp nhau sau đó, chúng tôi bàn định chương trình cho tương lai. Nàng muốn đám cưới sẽ được thực hiện sau khi nàng tốt nghiệp. Nhưng phần quyết định sau cùng, chúng tôi đồng ý dành cho người lớn. Gia đình tôi và gia đình nàng, mà tích cực nhứt là mẹ tôi và bà nội của Thúy, cả hai đều muốn, đám hỏi nên làm càng sớm càng tốt, đám cưới thì chừng nào cũng được. Ý kiến nầy được tôi và nàng đem ra thảo luận và chúng tôi cùng đồng ý. Chuyện cưới hỏi coi như đã tính xong. Chúng tôi rất vui mừng. Thúy đã bộc lộ rõ rệt sự vui mừng nầy. Nàng nói cười nhiều hơn. Chúng tôi nôn nao với niềm hạnh phúc trước mắt, tin vào tương lai tốt đẹp sau nầy. Tôi báo cho Thúy biết, chuyến tới, tàu sẽ đi Bornéo. Khi tàu về, tôi sẽ xin nghỉ phép thường niên để cùng gia đình lo tổ chức làm Lễ Hỏi cho nàng và cha mẹ tôi đã báo cho gia đình nàng biết.

            Vào những năm 1959 – 1960, đội thương thuyền của Miền Nam Việt Nam không nhiều lắm. Đa số đều thuộc hãng tàu Nguyễn Văn Bửu. Thương vụ quan trọng nhứt của hãng tàu là chở gạo ra Miền Trung như Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng. Mỗi nơi đều có Đại Lý riêng lo việc bốc dỡ, lên xuống hàng hóa. Họa hoằn lắm mới có những chuyến đi ra nước ngoài mà thường nhứt là Borrnéo (Nam Dương) và Calcutta (Ấn Độ). Tôi may mắn có được hai niềm vui cùng lúc. Được ra nước ngoài và sắp được có vợ, người mà mẹ tôi đã chọn, người mà tôi yêu thương tha thiết. Tôi xuống tàu với một niềm vui tràn đầy, một tâm trạng háo hức, một chuyến đi hứa hẹn nhiều mới lạ. Cuộc đời quả đẹp thật !

            Kuching là một hải cảng lớn nhứt của Bornéo. Tàu đến thả neo ở cửa biển, như ở Cap Saint Jacques, chờ Hoa Tiêu dẫn vào bến, qua một đoạn sông không dài lắm. Trong khi chờ đợi, các anh em thủy thủ lấy cần ra câu. Cá ở đâu mà nhiều thật ! Mồi vừa bỏ xuống là giựt lên ngay. Một loại cá giống như là cá úc ở Việt Nam. Khi tàu hải hành, thủy thủ đoàn, kể cả Sĩ Quan thường được nhà bếp cho ăn thịt nhiều hơn ăn cá. Nên khi câu được nhiều cá, anh em mừng lắm, họ chia phiên nấu nướng, ăn uống thật vui. Riêng tôi, trời cũng về chiều, tôi mong tàu cập bến sớm để được lên bờ hay đi bờ, theo lối nói của người đi biển.

Tàu Nhật Lệ

            Rồi tàu cũng cập bến. Tôi theo một vài bạn đàn anh đã có dịp đến đây trước. Họ dẫn tôi đến những khu vực ăn chơi, những khu vực buôn bán. Phố xá cũng giống như khu Chợ Cũ Sài Gòn. Người mua kẻ bán tấp nập. Các bạn tôi chỉ cho biết loại hàng nào cần mua, vì giá rẻ hơn ở Việt Nam, nhứt là về mỹ phẩm, đồ trang điểm cho phụ nữ. Đặc biệt ở đây có rất nhiều cửa hàng mà chủ nhân là người Tàu gốc Chợ Lớn. Họ nói tiếng Việt rất rành rẽ. Tôi mua một ít mỹ phẩm làm quà cho Thúy, một vài loại vải may áo dài, với những designs màu mè rất hiếm thấy ở Việt Nam. Tôi nghĩ là Thúy sẽ rất vui với những món quà nầy.

            Thời gian ở Kuching, tôi và một người bạn mướn một chiếc xe và yêu cầu người tài xế đưa chúng tôi vào sâu vùng nông thôn. Chúng tôi muốn tìm hiểu về đời sống và sinh hoạt của người dân ở đây như thế nào. Không khác gì với Việt Nam, người nông dân ở đây, họ cũng lam lũ nghèo nàn, nhà cửa đơn sơ. Dọc theo hai bên bờ sông, thỉnh thoảng tôi thấy phụ nữ tắm sông. Phụ nữ miền quê Việt Nam, một số cũng tắm sông, nhưng có điều khác lạ, ở đây họ để ngực trần.

            Lật bật rồi chuyện lên xuống hàng hóa cũng xong. Tàu được lệnh trở về Việt Nam, chuẩn bị cho một chuyến đi khác. Riêng tôi, tôi đã được phép nghỉ một chuyến tàu với lý do : "Đi hỏi vợ".

            Trên đường về, tâm tư tôi lúc nào cũng hướng về Thúy. Tôi thấy nhớ nàng làm sao ! Tôi thầm cám ơn mẹ tôi, cám ơn bà Tám, cám ơn Ông Tơ Bà Nguyệt, tất cả đã cho tôi một ân huệ hiếm có trong đời. Rồi tôi tự cười thầm cho chính mình : Bổng nhiên tôi lại tin vào chuyện Ông Tơ Bà Nguyệt se duyên. Tôi không biết một chút nào về điển tích nầy, Ông Tơ Bà Nguyệt là ai ?

            Tàu về đến Sài Gòn vào một ngày nắng đẹp. Tàu đậu ở bến Charner. Điều nầy rất tốt cho tôi. Tôi không phải đi bộ một khoảng đường dài từ chổ tàu đậu đến Cổng Kho 5. Kho 5 là một trong những kho chứa hàng trực thuộc Thương Cảng Sài Gòn. Hàng hóa được các thương thuyền ngoại quốc chở đến Việt Nam, được cất lên và chứa tại đây.

            Sau giờ tan việc, tôi gọi taxi vọt thẳng về nhà với tâm trạng nôn nao khó tả : Tôi sắp có vợ rồi đây ! Đúng như mong ước của ba mẹ tôi, muốn có một đứa cháu nội để ẳm bồng.

            Từ đầu đường, tôi gặp một ít bà con trong xóm. Tôi chào hỏi mọi người như thường lệ. Điều ngạc nhiên là họ nhìn tôi xa lạ. Không thân mật như mọi khi, khác hẳn với không khí thân quen từ bao giờ.

            Chị Hai Huệ, cũng là người trong xóm, từ trong nhà bước ra. Chị thấy tôi, lên tiếng hỏi :

            - Mới về hả ?

            Tôi chưa kịp trả lời, chị đã bỏ đi. Lại thêm một lần nữa, tôi ngạc nhiên về thái độ lạnh lùng của mọi người. Tôi tiếp tục bước nhanh. Định về nhà hỏi mẹ về chuyện kỳ cục nầy.

            Vừa bước chân vào nhà, tôi gặp mẹ tôi. Bà chạy  lại ôm tôi, không nói một lời nào. Rồi bổng nhiên òa lên khóc. Tiếng khóc của mẹ lớn dần và lớn dần !!!...

            Tôi không chịu đựng được nữa. Tôi nắm hai tay mẹ và lớn tiếng hỏi :

            - Mẹ ơi ! Chuyện gì vậy ?

            Bà nghẹn ngào rồi nhỏ giọng :

            - Một tai nạn đã xảy ra và con Thúy không còn nữa. Nó chết rồi !!!

            Không ngăn được cơn xúc động bất chợt và quá lớn, tôi đứng lặng im, không nói được lời nào ! Tôi cảm thấy tê dại, không thấy được gì trước mắt. Đầu óc quay cuồng trống rỗng. Một kích động quá lớn làm tôi cảm thấy chơi vơi, chới với, lững lờ như không có một đối vật nào để bám víu.

            Thấy và hiểu được nổi đau đớn của tôi, mẹ tôi an ủi :

            - Thôi con ! Thôi con ! Hãy bình tĩnh lại ! Số nó như vậy ! Con đừng quá buồn ! Nghỉ ngơi một chút, rồi đi qua thăm và chia buồn cùng gia đình con Thúy.

            Tôi đến thăm gia đình Thúy liền sau đó. Bà Tám thấy tôi là khóc liền. Rồi mẹ Thúy, rồi em Thúy. Phản ứng của tôi là chỉ đứng lặng im, xúc động không nói được lời nào. Vã lại, tôi cũng không biết dùng lời lẽ nào để nói. Vì chính tôi cũng đang cần được an ủi !

            Cơn xúc động đi qua. Bà Tám nghẹn ngào kể lại :

            - Con đi được hai ngày thì tai nạn xảy ra ! Số là trong xóm có một thanh niên, nó tên là Đơn. Nó theo đuổi tán tỉnh con Thúy nhưng con Thúy chẳng chú ý  gì đến nó. Nó đem lòng thù hận. Thành tích của nó trong xóm nầy ai cũng biết, côn đồ, du đảng, chẳng học hành, nghề ngỗng gì. Nó biết chuyện con và con Thúy thương nhau và sẽ đi đến chuyện hôn nhân một ngày rất gần. Nó đón đường con Thúy nhiều lần và hăm dọa con Thúy đừng khi dễ, coi thường nó. Chuyện nầy, con Thúy cũng có cho ba nó biết. Mọi người trong gia đình nghĩ đó chỉ là lời nói suông thôi. Không ngờ nó đã làm thiệt và thật táo bạo dã man !

            Khi Thúy trên đường đi học về bằng chiếc xe đạp và gần đến nhà, thằng Đơn dùng xe gắn máy đụng mạnh vào xe con Thúy, làm nó té lăn xuống đường, đầu bị thương rất nặng và được đưa vào Nhà Thương Chợ Rẫy. Bốn ngày sau thì nó qua đời ! Thằng Đơn bỏ trốn nhưng bị bắt liền sau đó vì có người trong xóm nhìn thấy nó khi tai nạn xảy ra !

            Kể hết câu chuyện, bà Tám nhìn tôi rồi ưu ái nói tiếp :

            - Con được coi như là con cháu trong nhà. Thỉnh thoảng con ghé chơi cho nhà bớt hiu quạnh !

            Sáng hôm sau, tôi được chị dâu tôi hướng dẫn đi thăm mộ Thúy. Đặt vòng hoa trước mộ, tôi đốt cho nàng một nén hương. Tôi bùi ngùi nhớ lại thời gian qua. Thời gian chúng tôi mới quen nhau nơi ngôi chùa cổ kính. Thời gian chúng tôi mới yêu nhau. Những buổi hẹn hò với sự cho phép của cha mẹ Thúy. Và thời gian tình yêu đã chín mùi. Những dự tính cho tương lai. Khi có con, con trai đặt tên gì, con gái đặt tên gì.

            Ôi kỷ niệm ! Biết bao nhiêu là kỷ niệm ! Kỷ niệm tràn về đầy ấp tâm tư. Nguồn cảm xúc dâng trào. Tôi không ngăn được dòng nước mắt xót xa cho Thúy, cho người con gái tôi yêu ! Tôi khóc cho nàng và tôi khóc cả cho tôi !

            Em ơi ! Thúy ơi ! Thôi nằm đây nhé ! Anh sẽ giữ mãi cho anh tiếng cười, giọng nói của em. Anh sẽ giữ mãi cho anh một tình yêu vĩnh cửu !

            Nghĩa trang giờ nầy thật vắng vẻ đìu hiu. Dường như có một cơn gió lạnh đang tràn về.

                                                              Viết xong ngày 12 tháng 8 năm 2007