Mua tàu Nguyễn văn Bảy - Nguyễn nhơn Đức

MUA TÀU NGUYỄN VĂN BẢY

 

Tàu NGUYỄN VĂN BẢY tại cảng Hải Phòng năm 1955 - Tàu được đóng vào năm 1922 tại Pháp bởi Hãng Seine Maritime. Tàu đã được lần lượt mang những tên sau đây : 1943 Lercara - 1946 Chef Mecanicien Armand Blanc và 1954 Nguyễn văn Bảy. Tàu bị chìm vào năm 1957 ở Cap Varella - Qui Nhơn Việt Nam

 

Nguyễn Nhơn Ðức

Mến gửi các bạn đồng nghiệp Hàng Hải,

               Mỗi lần tôi nghĩ tới các bạn Hàng Hải, tôi không thể không nghĩ tới chuyện thời xưa. Sau khi đã kể chuyện đi lấy tàu mới hồi đầu năm 1953, hôm nay tôi xin kể chuyện mua tàu Nguyễn Văn Bảy, chiếc tàu đầu tiên của Hàng Hải Việt-Nam mang cờ Việt-Nam Cộng Hòa.  Ai đã lấy quyết định mua tàu? Trong hoàn cảnh nào và để làm gì ?

Sau khi thành lập Quốc Gia Việt-Nam (1949) thì chính quyền Pháp bàn giao và đặt những công sở dưới chủ quyền của người Việt. Trong đó có  Sở  Hỏa  Xa Việt Nam và Giám  Ðốc  là ông Nguyễn Kỳ.  Hồi đó đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước và đốt bằng than.  Ông Giám Ðốc Hoả Xa nhận thấy rằng mỗi năm Sở phải ký hợp đồng với hai hãng tàu chính của Pháp ở Ðông Dương hồi đó là Denis Frères và Chargeurs Réunis (S.M.E.O.) để chở than đá từ Hòn Gay, Cẩm-Phả (trong Vịnh Hạ-Long) về Ba Ngòi (CamRanh) và Saigon với giá chuyên chở rất đắt.

Do đó ông Nguyễn Kỳ đã quyết định mua tàu chở than (coal carrier) để chở than đá từ Bắc vào Nam với những đặc điểm như sau: tàu với tầm cỡ không lớn và tầm sâu (draft) 6 m để có thể vào hai bến Cẩm-Phả và Hòn Gay, chạy bằng than đá với tốc lực khoảng 10 hải lý (knots).

Chiếc tàu Nguyễn Văn Bảy đã được lựa với những đặc điểm này và mua ở Pháp. Chuyến đi từ Pháp về Việt-Nam dưới sự điều khiển của một đoàn Sĩ quan và nhân viên thuỷ thủ người Pháp. Trong chuyến đi đó có hai người Việt đi theo trên tàu để quan sát là anh Lương Văn Phụng (Thuyền trưởng) và Xếp máy Khâm.

Tàu về đến Saigon đầu tháng 1 năm 1954, và chúng tôi, thuỷ thủ đoàn đầu tiên của chiếc Nguyễn Văn Bảy, được đăng ký lên tàu ngày 9/1/1954 gồm có ban chỉ huy Boong và Máy như sau:

Thuyền Trưởng Lương Văn Phụng, Phó Thuyền Trưởng Lương Quang Thọ, hai sĩ quan boong Bùi Ngọc Hương và Nguyễn Nhơn Ðức, Xếp máy Khâm, Máy nhì Xuyến, Máy ba Hướng, Máy tư Có. Vô tuyến điện là anh Dương Xuân Thưởng.

Tàu Nguyễn Văn Bảy đã hoạt động tốt và sau một thời gian ngắn thì anh Phụng đã từ chức và anh Lương Quang Thọ đã lên làm thuyền trưởng, anh Nguyễn Văn Danh đăng ký làm thuyền phó, còn sĩ quan boong thì vẫn là Hương và Ðức.

Tàu Nguyễn Văn Bảy là chiếc tàu cuối cùng đã rời khỏi Hòn Gay trước khi giao nơi đây lại cho Chính Quyền Việt Minh hồi bấy giờ chiếu theo Hiệp Ðịnh Genève. Tiếp theo đó thì tàu tiếp tục chuyên chở di chuyển Ðầu Máy và Toa Xe từ Bắc vào Nam cho đến ngày Ðất Nước chia đôi hoàn toàn.

Tàu Nguyễn Văn Bảy cũng là chiếc tàu đầu tiên chở 400 Công Chức của Việt-Nam Cộng Hoà với nguyên liệu để ra tiếp nhận Qui-Nhơn do Chính quyền Việt Minh để lại.

Sau ngày chia đôi Ðất Nước thì sự khai thác tàu Nguyễn Văn Bảy trở thành phức tạp vì nhiên liệu than đá phải nhập cảng để dùng và Cảng Ðà-Nẵng thì quá nhỏ cho nên mỗi lần đến phải bốc bớt phân nửa ở ngoài khơi. Cảng Qui-Nhơn thì lúc đó chưa xây cất. Cho nên Sở Hoả Xa phải tìm cách cho tàu chạy thuê bên ngoài. Nhờ vậy chúng tôi đã có dịp đi Colombo (Ceylan), Calcutta (Ấn-Ðộ) và Hirohata (Nhật-Bổn). Nhưng rồi tàu chạy quá chậm không thích hợp cho đường xa, cho nên không hãng nào muốn thuê nữa. 

Năm 1958, anh Lương-Quang-Thọ vào Hoa tiêu Sông Saigon thì anh Trần-Ðức-Lưu thế. Năm đó tôi và Hương đi thi bằng thực hành thuyền trưởng. Thi xong thì gặp dịp Hãng Tàu Bà (Việt Nam Hàng Hải Thương Thuyền) thành lập, tôi đăng ký Phó Thuyền Trưởng trên tàu Trường Sơn với thuyền trưởng người Nam-Tư. Anh Danh thì làm Phó TT trên Nhựt-Lệ với anh TT Ân. Anh Hương qua chiếc Phong Châu làm Phó TT với anh Nhẫn.

Tàu NVBảy thì sau đó cũng bị giải bản luôn. Khi mà chiếc tàu không còn thích hợp cho hoạt động thương mãi thì không có lý do gì để tồn tại. Tuy nhiên tàu Nguyễn-Văn Bảy là tượng trưng cho lịch sử Hàng Hải Việt Nam và do sự quyết định can đảm của một vị Giám Ðốc có trách nhiệm đáng được chúng ta lưu ý.

Thân mến chào các bạn.

M/S CHEF MECANICIEN ARMAND BLANC ( tiền thân của tàu Nguyễn văn Bảy) DWT 4600 tonnes - Country of build FRANCE - Builder : Seine Maritime - Name : 1943 LERCARA - 1946 CHEF MECANICIEN ARMAND BLANC - 1954 NGUYEN VAN BAY Lost off Cape Varella - Qui Nhon - Viet Nam