CÁC TÀU BUÔN PHÁP VÀ VIỆT NAM

CÁC TÀU BUÔN PHÁP VÀ VIỆT NAM

Bùi Ngọc Hương

Cựu Hoa Tiêu Sông Sàigòn

            Cho đến năm 1954 chưa có một tàu buôn nào mang cờ Việt Nam. Chỉ có chiếc du thuyền của Quốc Trưởng Bảo Đại tên là Hương Giang mang quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ. Chiếc này thường đậu tại cầu Cửu Long ở bến Bạch Đằng ngay đầu đường Paul Blanchy tức là Hai Bà Trưng về sau. Chiếc tàu này do Thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba chỉ huy, bên máy có Cơ khí trưởng Nguyễn Văn Tươi và ban Vô tuyến có thầy ký Hổ.

Cho đến đầu thập niên 1950, những Sinh viên Sĩ quan Hàng hải tốt nghiệp đều xuống thực tập trên các tàu Pháp.

Các hãng tàu Pháp lúc bấy giờ gồm có các hãng sau đây:

Hãng Denis Frères

Trụ sở của hãng nầy đặt ở đầu đường Catinat tức là Tự Do về sau, dựa bến Bạch Đằng. Hãng nầy gồm có các chiếc tàu: Trấn Ninh, Langlard, Courlis, Djiring, Ville de Hải Phòng, Ville de Sàigòn..v.v..

M/S VILLE DE SAIGON

 Hãng Denis Frères vào khỏang các năm 1953-1954  mua hai chiếc tàu mới chở hành khách nối liền các bến Sàigòn, Nha Trang, Đà Nẵng (Tourane) lấy tên là Ville de Saigon và Ville de Haiphong.

Hãng Chargeurs Réunis

Hãng  Chargeurs  Réunis  thường  được  gọi  là Hãng tàu Năm Sao, vì trên lá cờ của hãng có năm ngôi sao đỏ. Trụ sở của hãng dặt đối diện bến Bạch Đằng bên cạnh khách san Majestic. Hãng nầy gồm có các  chiếc: Docteur Roux, Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine, Bokor, Mowgli, Bagherra, Kaa, v.v…

Hãng SMEO

Đó là tên tắc của hãng Société Maritime de l’Extrême Orient. Hãng nầy gồm có các tàu Docteur Yersin, Docteur Laveran, v.v… Hai hãng tàu Chargeurs Réunis va SMEO có cùng một ban Giám đốc, cùng một trụ sở và người phụ trách về trang trí (Armement) là ông Commandant Joly, Capitaine d’Armement.

Đa số các tàu của những hãng trên là thuộc loại tàu PARK. Loại tàu này được đóng vào những năm 1943-1944 trong những năm cuối của Đệ nhị Thế chiến đễ chuyển quân nhu, quân dụng, đạn dược tiếp tế cho chiến trường Âu châu Chống Phát Xít Đức.

Tàu được đóng cấp tốc, thô sơ để chỉ đi một chuyến qua Đại Tây Dương mà thôi. Sau khi đánh bại Đức Quốc Xã năm1945, các tàu nầy được tặng cho các nước Âu châu trong khuôn khổ kế hoạch Marshall. Nước Pháp đã nhận được một số tàu loại PARK và đã mang dùng tại Đông dương  cho dến 1954.  Tàu PARK là một loại tàu 4 hầm, dài lối 100m có đài chỉ huy  (Passerelle) ngay ở giữa tàu, trọng tải lối 4600 tấn. Tầm nước lối 6m, rất thích hợp để vào các bến cảng của Việt Nam..

Các hãng tàu Pháp dùng loại tàu nầy chuyên chở quân trang quân dụng yểm trợ cho chiến trường Đông dương từ năm 1945 đến 1954, đồng thời chở than đá từ các mỏ than Hòn gay, Cam phả về Ba ngòi, Sàigòn.

Hãng Messageries Maritimes

Hãng nầy còn gọi là Hãng Nhà rồng, trên lá cờ có hai chữ M.M. Trụ sở đặt ngay bến tàu Nhà rồng nằm ở thượng dòng thương cảng Sàigòn, đối diện với cột cờ Thuận ngữ (Pointe des Blagueurs) ở ngay cửa Sông Bến nghé.

Hãng Messageries Maritimes là một hãng lớn của Pháp có tàu chạy khắp Thế giới, ở vùng Đông Nam Á chỉ có vài chiếc tàu nhỏ như chiếc Sông Bé. Có nhiều Sĩ quan Hàng hải Việt Nam làm Sĩ quan phụ tá (Lieutenant) trong hãng nầy.

Ngoài các hãng tàu lớn kể trên, có nhiều hãng tàu nhỏ khác gồm các tàu DINARD, ADMIRAL VERNON, POUYANNE, JEAN DUPUIS, BERBERE, LIEUTENANT MARK, OUALIDIA, v.v…

Đến năm 1954, đội thương thuyền Pháp bắt đầu rút về nước. Chánh phủ Việt Nam với Sở Hỏa xa đã mua 3 chiếc tàu có tên là Nguyẽn Văn Bảy, Lê Văn Thương va Tôn Thất Kỳ. Đây là những thương thuyền đầu tiên mang quốc kỳ Việt Nam. Đồng thời cũng có những hãng tàu khác với những thương thuyền mang tên Khánh Hòa, Phong Châu, Nam Việt, Nam Sanh, v.v…gia nhập đội thương thuyền Việt Nam.

M/S NGUYỄN VĂN BẢY tên cũ là CHEF MECANICIEN ARMAND BLANC được mua lại từ Pháp năm 1954 và chìm vào năm 1957 ở Cap Varella nằm giửa Nha Trang và Qui Nhơn

Đến cuối thập niên 1950 qua đầu thập niên 1960, dưới chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa thời hưng thịnh, hãng tàu Việt Nam Hàng Hải Thương thuyền còn gọi là hãng Nguyễn Văn Bửu ra đời. Hãng nầy mua một số tàu của Nam Tư trọng tải từ 600 tấn đến 1000 tấn hàng mang tên Trường Sơn, Đại Hải, Thống Nhất, Thăng Long, Tiền Phong, Phú Quốc, Nhựt Lệ, v.v…

Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa, các tàu của hãng Nguyễn Văn Bửu, thường được gọi là “Tàu Bà” được đặt dưới quyền quản trị của Ủy Ban Đặc Trách Khai Thác của Hải Quân Việt Nam. Một số Sĩ quan Hàng hải động viên cũng như nhiều Sĩ quan Hải quân được biệt phái về làm việc trên các thương thuyền nầy.

Giữa thập niên 1960, có một nhà kinh doanh tên là Trần Đình Trường, đã lập ra một hãng tàu mới lấy tên là VISHIPCO LINES. Hãng nầy có những tàu mang tên Sao Mai, Trường Kỳ, Trường Thành, Trường Xuân, Trường Vinh, Trường Giang, Trường Hải, Bông Hồng 9, v.v…

M/T Bông Hồng 9 ở Subic Bay
Tàu Đồng Nai

Ngoài ra có một số hãng tàu nhỏ ra đời với các tàu mang tên Anh Tuấn, Đồng Nai, Tân Nam Việt, Đại Dương, Long Châu, v. v…

Thêm vào đó, vì nhu cầu xuất nhập cảng hãng hóa, công ty VIỆT NAM HÀNG HẢI đã mua một chiếc tàu lớn lấy tên là VIỆT NAM THƯƠNG TÍN I, trọng tải lối 10,000 tấn trang bị Viễn Dương Hàng Hải.

Đội thương thuyền Việt Nam gồm trên dưới 20 chiếc tàu lớn nhỏ đã vươn cao ngọn cờ Việt Nam Cộng Hòa khắp nơi trên Thế Giới.

Bản tham khảo về thương thuyền hoạt động tai Việt Nam chắc chắn phải có nhiều thiếu sót và sai lầm, chúng tôi hoan nghinh mọi ý kiến bổ túc và sữa sai nếu cần.