Người đàn bà đơn độc trước quyền lực Mỹ

Người đàn bà đơn độc trước quyền lực Mỹ : Trần Lệ Xuân, người đi trước thời cuộc.

Sao Biển

Bà Trần Lệ Xuân

          Chế độ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa bắt đầu từ 1955 đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, kết thúc vì bị đám tướng lãnh phản loạn đảo chính và thảm sát ba anh em của gia đình Tổng Thống Ngô đình Diệm. Nhận định về thể chế gia đình họ Ngô, có nhiều dư luận khác nhau tùy theo cái nhìn từ phía bên nào. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian dài từ năm 1963 đến nay, với biết bao tài liệu được giải mật và nhiều quyển sách và tài liệu được xuất bản từ những tác giã khác nhau, phía ngoại quốc cũng có và phía Việt Nam cũng có, nhưng những cuốn sách được viết với cái nhìn từ một phía, từ những người chống đối hoặc đã từng cộng tác với chế độ muốn tự biện hộ và đánh bóng vai trò mình nên nhiều sách không thể hiện được tính chất trung thực của vấn đề. Với khoảng thời gian dài trên nửa thế kỷ, khi mà mọi sự kích động, sôi sục, oán hận đã bị chìm sâu vào dĩ vãng và những nhân vật của thời đại cũng đã vĩnh viễn ra đi, và nhân dịp ngày đầu Xuân, chúng ta lật lại trang sử cũ và nhận định về một nhân vật một thời lừng lẫy của quá khứ : bà Trần lệ Xuân.

            Bà Trần lệ Xuân sinh năm 1924 tại Hà Nội, theo học trường Albert Sarrault - Hà Nội, lập gia đình năm 1943. Bà là dân biểu Quốc Hội và cũng là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Liên Đới. Ngày 10-9-1963, bà hướng dẫn một phái đoàn Dân Biểu Việt Nam đi dự Hội Nghị Quốc Tế Nghị Sĩ tại Nam Tư, đồng thời lãnh trách nhiệm giải độc dư luận ở Hoa Kỳ và một số nước ở Âu Châu về tình hình Phật Giáo và chính trị Việt Nam. Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Trần Lệ Xuân và con gái đang  trú ngụ tại khách sạn sang trọng Wilshire Hotel ở Beverly Hill, California thì cuộc đảo chính xảy ra, chồng và anh em chồng bà bị sát hại. Bà mất năm 2011 tại Roma thọ 87 tuổi.

            Bà Trần lệ Xuân được biết đến nhiều nhất qua vai trò của một Đệ Nhất Phu Nhân vì Tổng Thống Ngô đình Diệm không có vợ và hơn nữa trong những cuộc tiếp tân những nguyên thủ quốc gia với phu nhân tháp tùng thì bà đứng ra tiếp xúc với các vị phu nhân. Tôi có dịp xem lại những đoạn vidéo của bà trong dịp đến Mỹ và trả lời những câu hỏi của giới truyền thông, của báo chí Mỹ, bà đã trả lời một cách trôi chảy, thao thao bất tuyệt, bảo vệ chính sách của Tổng Thống Ngô đình Diệm và quyền lợi của Quốc Gia Việt Nam. Bà nói tiếng Mỹ với accent Pháp nhưng không có một chút hơi hám Việt Nam nào hết, nếu không biết trước thì tôi có cảm tưởng đó là một bà đầm Pháp nói chuyện. Trên thế giới hiện nay, những phụ nữ có tài hùng biện và khả năng chính trị, trí thức, chúng ta chỉ thấy một số ít nhân vật như Hillary Clinton, Aung San Suu Kyi hay Thủ Tướng Margaret Thatcher, Golda Meir, Indira Gandhi … Cũng trong clip vidéo, tôi thấy bà qua hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ, thật duyên dáng, thật đẹp, thật bặt thiệp, thật lưu loát, không nao núng chút nào, đôi khi nghiêng đầu dừng lại đôi chút, suy nghĩ, tìm câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa của một đạo quân ký giã đông đảo trong căn phòng họp to lớn tưởng chừng có thể nuốt chửng hai mẹ con bà. Tôi có cảm tưởng bà giống như một nữ tướng đơn độc hiên ngang xông pha trên trận mạc trước những lằn tên của đám ký giã xoi mói tìm kẻ hở để hạ gục đối phương. Phụ giúp bà chỉ có cô con gái Ngô đình Lệ Thủy, giúp mẹ khi bà không nghe rõ câu hỏi, bà đáp ứng không chút nao núng. Trong phần vidéo, tôi cũng nghe tiếng vỗ tay thật lâu trong nhiều lần chứng tỏ bà được nhiều người tán thưởng.

                        Tôi thuộc thế hệ trẻ, đáng vào tuổi con bà, không được hưởng ân huệ nào từ chế độ của chế độ cụ Diệm, gia đình tôi cũng không có ai bị đối xử bất công bởi chế độ Tổng Thống Diệm nên cũng không có lý do nào thù hận bà. Tôi theo Phật Giáo nhưng có một cái nhìn của người sống ở thế kỷ 21, với sự phân tích của mình nên có thể không có cùng quan điểm với những người khác. Phía Phật Giáo, nhiều người còn oán hận bà vì những phát ngôn của bà về vụ tự thiêu của một nhà sư Phật Giáo khi trả lời ký giã tờ báo New York Times trong khoảng thời gian đó, theo tôi nghĩ, đó chỉ là những lời không được tế nhị trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ dù rằng sự thật cũng có thể giống như bà nghĩ. Tôi cũng hiểu rằng Phật Giáo thời đó đã bị những cán bộ cộng sản đội lốt nhà sư khuynh đảo cộng với sự tiếp sức của một số nhà sư thân cộng, biến Phật Giáo thành một tổ chức chánh trị hơn là tôn giáo. Cộng sản khai thác và lợi dụng Phật giáo và cộng vào đó, cơ quan quyền lực Mỹ cũng khai thác hình ảnh biến động Phật Giáo để mưu đồ lật đổ chính quyền của Ông Diệm. Cuộc đời bà làm tôi tưởng nhớ đến tấm ảnh của Thiếu Tướng Nguyễn ngọc Loan khi bắn chết tên đặc công Nguyễn văn Trổi, một tấm ảnh đã làm bao người hiểu lầm ông như một kẻ khát máu trong khi sự thật thì trái ngược lại. Tôi nghĩ rằng bà là một người thẳng thắn, nóng nảy, hơn là một người hung ác, độc hiểm như người ta vẫn nghĩ.

             Trước cử tọa, bà mặc chiếc áo dài truyền thống hở cổ, vốn được nối tiếng là "áo dài bà Nhu" và cho đến bây giờ kiểu áo đó vẫn ăn khách, vẫn được yêu chuộng bởi giới phụ nữ Việt Nam. Cái mode đó được tung ra vào đầu thập niên 60, lúc đó cổ chiếc áo dài cổ điển vẫn còn cao nghệu, che phủ hết cái cổ của người phụ nữ, thì nó được coi như một sự táo bạo, một sáng kiến thời trang đi trước thời cuộc, nhưng nó cũng làm cho những ông già của thế hệ cũ phải nhăn mặt, răn đe con cháu không được đi theo thời trang đó. Nhưng giới phụ nữ ở Sài Gòn tiên phong theo mode của bà và giới trẻ của thủ đô lúc đó cũng muốn thay đổi, ăn mặc theo khuynh hướng trẻ trung và tân thời mà bậc cha mẹ cũng không khe khắc lắm vì ở thủ đô Sài Gòn, nhưng ở tỉnh nhỏ hay làng xã, người dân vẫn còn rụt rè, chưa dám chạy theo, đua đòi. Tôi còn nhớ, vào những năm 1968, 69, trong trường trung học chỉ có xuất hiện một vài nữ sinh mặc chiếc áo dài hở cổ "kiểu bà Nhu", tôi nói chỉ hở cổ thôi mà đã làm các nam sinh trố mắt, trầm trồ, coi như một hành động táo bạo. Còn áo dài bà Nhu mặc trong buổi phỏng vấn trong vidéo thì hở gần đến vai. Tôi đứng về phía nam giới, phải thành thật công nhận là kiểu "áo dài bà Nhu" thật là khêu gợi, có thể nói là quá khêu gợi nhưng không quá lộ liễu, không gò bó, mà chính bà Cố Vấn đã lăn xê cái mode nầy thì ai dám phê bình ? Do đó các bậc cha mẹ, nếu không chấp nhận thì cũng không dám công kích chỉ đưa ý kiến thôi. Tôi nói ở trong thời điểm đó, đầu thập niên 60, đạo đức còn gò bó, khắc khe, lăn xê thời trang nầy vào lúc đó, phải nói rằng bà là một người, chẳng những can đảm mà còn táo bạo. Tôi chẳng biết gia đình cụ Diệm nghĩ sao, nhưng nam giới thời ấy và ngay cả bây giờ, hoan hô hết mình. Nếu thi sĩ Nguyên Sa được nổi tiếng với bài thơ Áo lụa Hà Đông : "Nắng Sài Gòn, anh đi mà chợt mát, Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông" thì hình ảnh người con gái mặc áo dài hở cổ càng làm cho nắng Sài Gòn dịu dàng và mơ màng "Bởi vì em mặc áo dài bà Nhu".                       

            Bà Trần lệ Xuân được nổi bật trong những vấn đề sau đây :

                        1* Thành lập bộ Luật Gia Đình

                        Đắc cử dân-biểu, đến năm 1958, bà đề nghị bộ Luật Gia-Đình có mục-đích giải phóng phụ nữ về mặt pháp lý (một vợ một chồng, nam nữ bình quyền cả trong quản trị, sử-dụng và phân chia gia sản, thừa kế di sản, v.v.), đã bị đa số vẫn còn tinh thần gia trưởng, gia tộc hoặc đa thê, phản đối ; dù Hiến pháp 26-10-1956 đã nêu cao nam nữ bình quyền nhưng trong thực tế, người phụ nữ vẫn phải phục-tùng chồng.

                        2* Phong trào Liên Đới Phụ Nữ

            Bà tổ chức Phong trào Phụ nữ Liên đới với hình biểu tượng Ngọn đèn, kêu gọi và giúp đỡ người phụ nữ ra đời làm việc xã-hội, thiện nguyện. Bà Nhu kêu gọi tinh thần tái dựng lòng yêu nước.

            Nhân ngày bà từ trần, ký giả Việt Hà đài RFA đã đưa ra nhận định sau :

            " Bà cũng là người sáng lập phong trào phụ nữ liên đới, có thể coi là phong trào vì quyền của phụ nữ sớm nhất tại Việt Nam cách nay hơn nửa thế kỷ. Nhân dịp này, tạp chí phụ nữ xin gửi tới quý vị những tìm hiểu về phong trào này trong mối liên hệ với những tiến bộ mà phụ nữ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua."

Khuyến khích nâng cao trí thức

Nói đến bà Ngô Đình Nhu, người ta không thể không nói đến phong trào phụ nữ liên đới mà bà sáng lập. Đây có thể được coi là phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ sớm nhất ở Việt Nam vào lúc bấy giờ.

Nói về phong trào này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lan, người đã cùng bà Nhu tổ chức phong trào cho biết :

“Mục tiêu là quen biết nhau, học hỏi nhau, khuyến khích nhau, nâng cao trí thức của nhau, nhất là khuyến khích người con gái đi học thêm.” 

Bà Nguyễn Xuân Lan cho biết phong trào được bắt đầu vào khoảng năm 1959 dưới thời của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bà Nhu khi tổ chức phong trào này, đã tìm cách liên hệ, gặp gỡ với những phụ nữ Việt Nam trí thức ở trong nước, lúc đó không phải là nhiều để bắt đầu. Bà Nguyễn Xuân Lan nhớ lại :

“Lúc tôi gặp bà Nhu là tôi mới ở ngoại quốc về, tôi tốt nghiệp đại học ở Paris và có học ở Oxford ở Anh. Lúc đó tôi làm ở bộ Ngoại giao. Lẽ dĩ nhiên tôi biết nhiều thứ tiếng. Khi phong trào phụ nữ liên đới của bà Nhu ra đời thì bà có liên lạc với tôi, nói bà có thể giúp hội phụ nữ một tay. Nếu bà chuyên về ngoại ngữ thì có nhiều người sẽ liên lạc với bà và cho biết tin tức về hội phụ nữ Việt nam.”

Phong trào kêu gọi phụ nữ ở khắp các tỉnh thành liên kết với nhau qua các hội phụ nữ. Bà Nhu và những phụ nữ đi đầu phong trào như bà Xuân Lan tích cực vận động cho việc thành lập các hội này, và tổ chức họp hội. Bà Xuân Lan giải thích về các họat động của phong trào lúc đó như sau :

“Lúc đó là lúc kết hợp các tầng lớp phụ nữ trong xã hội, chẳng những phụ nữ ở tỉnh thành mà phụ nữ ở thôn quê, phụ nữ ở xóm làng. Mỗi nơi như vậy đều có một tổ chức phụ nữ, làng cũng có, xóm cũng có, tỉnh cũng có, mà trung ương cũng có. Họat động cụ thể thì khi có đưa ra đường lối mới về phụ nữ. Ví dụ như ở trong làng thì khuyến khích các bà mẹ cho con em đi học, khi đi học như vậy thì chúng tôi nói với nhà trường cho các em đi học miễn phí. Ở các trường ngoại tỉnh, chúng tôi cũng đến nói chuyện với các trường để khuyến khích các em gái đi học thêm, thi thêm, và nếu có thể thì khi tốt nghiệp ra, đi vào các tổ chức của chính phủ để làm việc y như những người trai trẻ khác.”

Tiên phong tại châu Á

Bà Xuân Lan cho rằng phong trào này có thể coi là đi tiên phong trước nhiều các quốc gia khác tại châu Á.

Tuy nhiên phong trào cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu sự ủng hộ của ngay chính người dân, trong đó có cả phụ nữ. Bà Xuân Lan giải thích :

“Có một số không nhỏ rất dè dặt. Họ thấy phong trào như vậy thì họ dè dặt vì phụ nữ là ở nhà lo cơm nước, lo cho chồng, cho con, họ không quen đi ra ngoài hội họp để biết được những phát triển trên thế giới, thành ra phần nào họ học hỏi được thêm nhưng các ông chồng cũng rất dè dặt, vì người vợ đang ở nhà chỉ biết gia đình, cơm nước, chồng con thôi, bây giờ đi ra ngoài học hỏi thêm thì lẽ dĩ nhiên họ dè dặt ghê lắm chứ. Học hỏi thêm để về làm gì ? Để bắt chồng theo ý kiến của mình, bắt chồng thực hiện những ý kiến mới, lẽ dĩ nhiên họ không thích. Cái gì mới cũng vậy, cái gì mới cũng phải có những người theo cũ, nhất là trong gia đình Việt Nam người vợ chỉ ở gia đình mà thôi.”

Phong trào phụ nữ liên đới được bắt đầu một thời gian chưa được bao lâu thì vào năm 1963, tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chính." – ngưng trích - RFA.

                        3* Lực lượng Phụ nữ bán quân sự

            Tổ chức lực lượng Phụ nữ bán quân sự (10-1961) tình nguyện, được huấn luyện tự vệ, xử dụng vũ khí và căn bản y tế. Trưởng nữ Lệ Thủy của bà cũng gia nhập lực lượng này từ khi 16 tuổi. Người phụ nữ được khuyến khích dấn thân trong xã hội, cầm súng hiên ngang tiếp tay, chia xẻ với nam giới trong vai trò bảo vệ quê hương. Địa vị người phụ nữ được nâng cao, vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống gia đình của xã hội nho giáo để gánh vác trách nhiệm của quốc gia như câu : "Giặc đến nhà đàn bà phải đánh". Tinh thần hai Bà Trưng-Triệu được vinh danh hơn bao giờ hết trong thời kỳ bấy giờ.

            Trên nửa thế kỷ sau khi Phong trào Liên Đới Phụ Nử tan rã, những quyền lợi của người phụ nữ riêng tại Việt Nam càng tăm tối hơn bao giờ.  Phụ nữ Việt Nam dưới chế độ Cộng sản bị xuất khẩu làm điếm, rao bán như một con heo, thật man rợ chưa bao giờ thấy trong lịch sữ Việt Nam. Bà Trần lệ Xuân đã đi tiên phong, có thể nói bà đã tiến quá xa so với cái nhìn của những con người thời đó trong lãnh vực bênh vực quyền lợi người phụ nữ trong gia đình và phát triển vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Bây giờ thế giới cũng đang lục tục đi theo những gì mà Phong trào Liên đới Phụ nữ đã chủ trương cách đây hơn 50 năm.

            Thương hay ghét bà thì đó là tùy  theo cái nhìn mỗi người. Nhưng tôi chắc rằng mọi người đều đồng ý ở một điểm : bà không giết Tổng Thống vì một mớ đô la, bà không bán dân tộc, đất nước Việt Nam đổi lấy hàng tỉ đô la bỏ túi xài riêng, bà hết lòng bênh vực quyền lợi đất nước trước bọn quyền lực Mỹ và bà cũng không ngần ngại tố cáo đích danh bọn lobby Do Thái giật dây đứng sau chính phủ Mỹ ngay tại xứ Mỹ, mà ngay chính báo giới Mỹ cũng e dè không dám đả động đến. Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, lễ vinh danh hai bà Trưng Triệu được cử hành thật uy nghi, trọng thể ở thủ đô dưới sự chủ tọa của chính bà Cố vấn với sự tham dự của Lực lượng Phụ nữ bán quân sự. Chưa bao giờ vai trò người phụ nữ lại được quan tâm và đề cao nhiều đến như thế tại Việt Nam. 

            Dù bây giờ bà không còn trên thế gian nữa và Phong trào Liên Đới Phụ nữ đã tan rả từ hơn 50 năm nhưng giá trị của những tranh đấu chống lại những bất công xã hội đè nặng trên giới phụ nữ vẫn được tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Xin thắp một nén hương tưởng nhớ đến bà.

DIễn hành của Lực Lượng Phụ nữ bán Quân Sự tại Sài Gòn