TÀU TUNG PAO

TÀU  TUNG  PAO

Albatros

Thân tặng bạn Hồ Thúc Ngọc và những đồng nghiệp đã từng làm việc trên những thương thuyền TUNG. Để tưởng nhớ đến QT Huỳnh trịnh Tường, Niên trưởng Trần Cẩn Trọng, Cơ Khí Trưởng Trang diệu Qui, SQ Vô Tuyến Ngô kế Thành.

M/S TUNG PAO - tên cũ M/S KAITANGATA

Tháng Chín năm 1974, tàu Trường Xuân đang ăn hàng ở thương cảng Sài Gòn, tôi ngồi trong cabine mình thì chợt có một thủy thủ đến báo tin :

- Ông "Dịch" (Lieutenant), có ông nào muốn gặp ông trên bến kia kìa !

Tôi bèn chạy ra ngoài xem thì hóa ra là Quan Tàu Tường đang cỡi chiếc "xe-gì-kì" màu xanh nước biển (Suzuki) đang đợi tôi trên bến. Tôi vội chạy xuống chào ông. Ông niềm nở bắt tay tôi và nói :

- Sao anh bỏ tôi đi đâu mất ? Tôi đi trên chiếc Trường Hải, nhắn tin tìm anh mà không thấy tăm hơi của anh đâu hết. Bữa nay thấy chiếc Trường Xuân còn đang ăn hàng ở Sài Gòn nên đến tìm anh, tình cờ mới gặp.

- Thưa Quan Tàu, tôi đi trên tàu hàng Trường Xuân, được đi đây đó và ghé bến ở những hải cảng vùng Đông Nam Á, tôi đâu muốn đi trên tàu dầu, chỉ chạy trên mấy cảng miền Trung, buồn thấy mồ !

Ông đặt vấn đề ngay :

- Ê ! Anh có muốn đi tàu Panama không ? Tàu chở hàng chạy đường sông, tiếp tế Nam Vang. Lương mỗi tháng là 200$ dollar, mỗi chuyến lên Nam Vang, anh được trả thêm 100 dollar, tiền prime de risque. Mỗi tháng đi ít nhất một chuyến.

Hồi đó (9/1974), mỗi dollar đổi được ít nhất 700 đồng VN, hối xuất thay đổi liên tục vì đồng bạc Việt Nam bị mất giá do Mỹ cúp bớt viện trợ. Vào lúc đó, lương của Thuyền Trưởng của hãng Vishipco Lines phỏng độ từ 150 000 đồng trở lên. Tôi làm con tính nhẫm, một tháng kiếm được ít nhất 300 dollar thì mỗi tháng tôi cũng kiếm được ít nhất 210 000 đồng VN. Vào thời điểm đó, tôi chỉ là một tên trẻ tuổi mới ra trường, còn độc thân vui tính, tuy mang tiếng đi làm nhưng còn ham chơi, được đi chơi đây đó, thăm viếng các quốc gia khác hơn, thì lời đề nghị của QT Tường không khác nào cơn mưa rào trút xuống miền sa mạc khô cằn, tôi bèn gặt đầu OK cái rụp, chẳng cần suy nghĩ dông dài. Cái lợi hại của chế độ độc thân là ở chổ đó.

- Mà tụi VC nó bắn tàu, anh có chịu bị bắn không ?

Tôi thầm nghĩ, QT Tường vợ con đùm để mà không sợ, còn tôi là dân còn phòng không gối chiếc, là dân bạt mạng lẽ nào lại sợ, sống chết có số mạng.

- Có sao đâu, QT, nó bắn cả đoàn công voa chớ đâu có bắn một mình tôi. 

 QT Tường nói tiếp :

 - Vậy ngày mai, anh đến đại lý Hải Thành ở đường Thái Lập Thành làm thủ tục với tôi.

Tôi lật đật trở lên tàu làm đơn xin ở lại một chuyến vì lý do gia đình. Thuyền Trưởng tàu Trường Xuân lúc đó là Phạm Ngọc Lũy, ông nghi ngờ tôi đi luôn nên hỏi thăm dò :

- Này ! Anh tính đi tàu nào đấy ? Cho tôi biết với.

Tôi chối phăng vì sợ có gì cũng còn đường trở lại tàu cũ :

- Đâu có Quan Tàu. Tôi xin nghỉ một chuyến thôi vì có việc nhà. Chuyến sau tôi xuống tàu lại.

Thế là hai thầy trò lên tàu mới trong vòng tuần lễ sau đó. Đây là một chiếc tàu cũ kỹ, trọng tải khoảng 3000 tấn, lớn hơn chiếc Trường Xuân một chút, cabine cũng rộng rãi hơn vì dù sao nó được đóng bởi một hãng ở Tân Tây Lan so với tàu Trường Xuân được đóng tại Nhật, phòng ốc lúc nào cũng chật hẹp. Vì tàu được xử dụng chính yếu chở gạo và các thứ hàng hóa linh tinh khác từ Singapore lên Nam Vang, lòng sông có độ sâu giới hạn. Vì vậy phải xử dụng bài tính calcul d'assiettes được Thầy Ducasse giảng dạy rất kỹ ở trường. Tôi là tên sinh viên ra trường không bao lâu nên phần lý thuyết còn nhớ rất rõ. Đây là dịp tôi thực hành những gì học hỏi được và QT Tường cũng cần tôi trong những con tính nầy.

Trong chuyến đi lên Nam Vang, tàu đi từ Vũng Tàu đi vào cửa Tiểu, qua Mỹ Tho, Sa Đéc, Long Xuyên, Hồng Ngự. Khởi hành lúc chiều đi trên sông thật êm đềm, con tàu trở nên to lớn, uy nghi, lướt chầm chậm tạo thành những con sóng làm chòng chành đám ghe cột sát bờ. Hải hành trong những chuyến đi trên sông đều do hoa tiêu điều khiển, Sĩ Quan chỉ đứng xem thôi. Tàu chạy ngang qua vùng Long Xuyên ban đêm, trong sự vắng lặng của đêm tối chỉ nghe tiếng sóng róc rách đập nhẹ vào mạn tàu và tiếng tụng kinh của am, chùa của Phật Giáo Hòa Hảo vang vang trong khoảng không gian tối đen, nghe buồn não ruột, tiếng tụng kinh ê a trầm bổng như bài ca vọng cổ nghe lòng lâng lâng trong đêm vắng, như mời gọi con người vất bỏ trần ai quay về đường giải thoát. Tàu đến Hồng Ngự vào buổi sáng và neo ở đó để làm briefing với chính quyền để biết những thông tin quan trọng cho chặng đường đến Nam Vang, nhất là những "points chauds", tức là chổ bị phục kích. Điều quan trọng đối với tôi trong buổi sáng nầy là phải ăn cho đầy bụng vì chút nữa đây, khi tàu chạy trên sông và bị bắn thì không có nấu nướng gì hết, vả lại có thức ăn thì cũng không ai còn lòng dạ nào ăn với uống nữa. Tôi có cảm tưởng khi bắt đầu chuyến đi, nhịp tim tôi đập nhanh gấp hai lần, stress 100%, tất cả mọi người ai cũng vậy.

Vì chiếc tàu phải chạy trên sông và xuyên qua những điểm phục kích của quân Khmer đỏ và của Việt Cộng nên những chổ trọng yếu của tàu được bảo vệ kỹ lưỡng bằng những bao cát. Phòng lái được bao quanh bằng lớp bao đựng cát dầy ít nhiều tùy theo chổ, có chổ lên đến trên một mét, dưới hầm máy cũng được bảo vệ nhiều nơi, nhất là chổ tableau điện, máy lái … Phòng lái được bảo vệ bằng những bao cát chất chung quanh, phía trước cửa kính nhìn ra ngoài boong tàu cũng chỉ được chừa một khoảng cách nhỏ đủ để người hoa tiêu nhìn xuyên qua nó để điều khiển con tàu. Đoàn công voa trên dưới mười con tàu nối đuôi nhau đi, chiếc đi sau nhìn theo chiếc đi trước. Thời tiết lúc nào cũng tốt. Khi chiếc tàu chạy trước bị bắn thì chiếc chạy theo sau bắt đầu lo, sẽ tới phiên tàu mình, tất cả nhịp tim của thủy thủ đoàn trên tàu đều căng thẳng chờ đợi, không biết số mạng sẽ ra sao. Bọn thủy thủ người Miên thường mang "cà tha", một loại bùa được bao bằng một bao vải nhỏ và mang trên cổ, họ tin rằng như vậy sẽ được phù hộ bình an, đạn bắn không trúng. Mấy thủy thủ Việt Nam cười và nói với tôi : " Thiệt thì đạn có thể không trúng "cà tha", nhưng nó chỉ trúng mình thôi". Lúc tàu bị bắn, có người cầu nguyện, ai có áo giáp và nón sắt của Mỹ mua ở chợ trời thì mặc vào, ai không có thì chỉ trông cậy vào số mạng. Nhiều chiếc tàu bị bắn trúng, có chiếc bị trúng đạn ở tableau điện nên tay lái tàu bị hư, không còn điều khiển gì được nữa, chiếc tàu đâm vào bờ, bị bắn tiếp và bốc cháy, được mấy chiếc tàu của Hải Quân Khmer đến yểm trợ và cứu thoát thủy thủ đoàn, thật may mắn không ai bị thương. Chuyến sau, khi đi ngang qua khúc sông đó, tôi vẫn thấy hàng hóa trên tàu bị nạn vẫn còn bốc khói âm ỉ.

John Swain, một ký giả của tờ Sunday Times đã tháp tùng theo đoàn công voa trên chiếc tàu hàng Bonanza Three năm 1974 đã mô tả chuyến đi như sau :

" Tôi gia nhập đoàn công voa TT173 tại Sài Gòn và chọn chiếc tàu Bonanza Three, phòng lái của con tàu là nơi trú ẩn của chúng tôi được bảo vệ bởi một bức tường dầy bằng bao cát và người chỉ huy là Thuyền Trưởng Herri Pentoh, là một người thật dày kinh nghiệm, theo lời một viên chức viện trợ Mỹ coi về chuyến đi Nam Vang. Thuyền Trưởng Herri Pentoh, người gốc Nam Dương, dẻo dai ở lứa tuổi 27, với mái tóc dài và nhờn, đứng trong phòng lái, nhìn chằm chằm qua ống nhòm vào bờ sông một cách lúng túng, một phần bởi vì bức tường bằng bao cát vững chắc giới hạn tầm nhìn của ông nhưng chính yếu là bởi ông chỉ có một con mắt nhìn rõ, theo Nelson. Con mắt kia, bằng thủy tinh làm nét mặt man dại và nhìn chầm chầm vào người đối diện.

Bonanza Three thả neo trong vùng nước đầy dầu nhớt của thương cảng Sài Gòn, nó giống như một con tàu già nua, xấu xí, hoen rỉ để bán cho hãng mua  sắt vụn thì tốt hơn và đó cũng lý do tại sao nó đã được chọn cho chuyến đi trên sông Cửu Long : người Thuyền Chủ nghĩ rằng có thể hi sinh nó. Và cũng may mắn cho nó, chánh phủ Mỹ cam kết giúp đở cho sự sống còn của Nam Vang và ít nhất cho đến bây giờ, điều đó luôn luôn làm người Thuyền Chủ hưởng lợi khi đánh liều con tàu và cuộc sống của thủy thủ đoàn của họ được sớm trở lại. "Sự nguy hiểm rất cao nhưng một cách tổng quát, lợi nhuận mang lại cũng nhiều như vậy", Johnny Khoo, Giám Đốc của một hảng vận chuyển hàng hải đặt văn phòng ở Singapore coi về điều hành chiếc tàu giải thích. Nên hiểu là lợi nhuận cho mỗi chuyến tàu giao động khoảng 17 000£.

Đoàn công voa vượt qua điểm nguy hiểm thật lớn đầu tiên mà không bị chận lại. Đến Peam Chor ở 15 hải lý cách biên giới, con sông thình lình uốn cong và thu hẹp lại thành con lạch rộng gần 500m,  điểm phục kích lý tưởng và thường xuyên. Rõ ràng trước những đôi mắt căng thẳng của chúng tôi là những khối của hai chiếc xà lan chở đạn bị chìm 10 ngày trước đó trong chuyến đi vừa qua. Tất cả những gì còn sót lại là những phụ tùng của những máy móc hoen rỉ ló trên mặt nước chảy lờ đờ. Với thành phố nhỏ Neak Leung ngáy ngủ trở thành một đốm mờ nhạt phía sau tàu, nguy hiểm dường như đã qua. Ngay cả Thuyền Trưởng Pentoh cũng được xả hơi, mở fermeture chiếc áo jacket và cởi chiếc mủ sắt ra bởi vì ông đã biết rằng không có một đoàn công voa nào bị bắn trong chuyến đi trong gần một năm. Trận phục kích diễn ra nhanh chóng với hỏa tiển tấn công nhắm vào chiếc tàu dẫn đầu, chiếc Monte Cristo, khi nó chạy qua nhà máy ván ép Dey Do chỉ cách Nam Vang có 12 hải lý.

Có hai chiếc tàu chạy theo phía sau chúng tôi, từ trên phòng lái chiếc Bonanza Three, chúng tôi thấy lửa và một làn khói đen bốc trên chiếc Wing Pengh chạy ở phía trước chúng tôi, cách khoảng không đầy 300m cho thấy là nó cũng đã bị trúng đạn nhưng không thể nào ước lượng sự hư hại. Đạn súng liên thanh nổ vang rền và bắn xối xả trên thân tàu. Trong phòng lái, người hoa tiêu dáng vóc bé nhỏ người Cam bốt tiếp tục hướng dẫn tàu với giọng nói điềm nhiên, vững như bàn thạch, nổi lo sợ chỉ bộc lộ ra khi những ngón tay mềm mại của ông nắm chặt quanh tượng Phật bằng ngà. Tiếng "starboard easy" ( qua bên phải từ từ ) vừa thoát ra khỏi đôi môi của ông thì hỏa tiển nổ ngay ở phía cuối tàu. Tiếng nổ vang lên như làn gió thổi phía sau lưng. Không người nào di chuyển hoặc nói lời nào, ngoại trừ Thuyền Trưởng nói " Địa ngục máu ! Mình bị trúng đạn rồi !" và nhìn chung quanh với vẻ lo lắng.

Không một người nào bận tâm rời khỏi phòng lái và quan sát thiệt hại cho đến khi con tàu được cột dây an toàn ở bến tàu màu nâu và dơ bẩn ở Nam Vang trong vòng một giờ nữa hoặc trể hơn. Hỏa tiển đã bắn trệt trục bánh lái tàu, chỉ cách một phần inch (1 inch = 2.5 cm) ; nếu bị bắn trúng phần nầy, chiếc Bonanza Three sẽ quay vòng vòng, không còn điều khiển được nữa. Một máy kéo dây (winch) bị hư hại nặng và tàu bị thủng nhiều chổ, tuy nhiên con tàu vẫn sống sót trong chuyến đi khác trên sông Cửu Long. Một bảng thông cáo của Bộ Tư Lịnh Cam Bốt được gắn trên một tấm bảng đen trong một cuộc họp báo ở Trung tâm báo chí chiều hôm đó thông tin ngắn gọn : " Một đoàn công voa gồm 5 tàu chở hàng, 2 tàu chở dầu và 3 xà lan chở đạn đã đến neo tại cảng Nam Vang sau khi ngược dòng sông Cửu Long mà không gặp trở ngại". "- ngưng trích.

Hãng tàu của tôi lúc đó có ba chiếc tàu cùng kiểu mang tên bắt đầu bằng chữ TUNG như : TUNG PAO, chiếc tàu tôi đi, TUNG LEE và TUNG HER, Thuyền Trưởng là anh Trần cẩn Trọng, bút hiệu là Tuấn Thy và bạn Hồ Thúc Ngọc cùng khóa 19, làm Cơ khí Trưởng. Phải nói là trong khóa tôi, chỉ có bạn Hồ thúc Ngọc lên chức Cơ khí Trưởng sớm nhất. Tàu nào chạy sông Cửu Long tiếp tế Nam Vang đều bị ăn đạn B40 ít nhiều hoặc bỏ xác tại chiến trường, riêng mấy chiếc tàu TUNG thì chỉ bị thương nhưng không bị chìm. Lúc tàu vào vùng bị phục kích thì sợ, nhưng khi đến Nam Vang thì thay đồ lên bờ ăn tối ở nhà hàng Pháp, rồi đi nhảy nhót, cũng vui lắm và quên sợ. Nam Vang ban đêm thì cũng ồn ào náo nhiệt, ăn chơi, cũng giống như Sài Gòn, chiến tranh ở đâu đâu bên ngoài, nhưng ở bên trong thì vẫn sống bình thường. Nam Vang thật đẹp, sạch sẽ, phố xá trật tự vì nó không bị chiến tranh tàn phá nhiều như Sài Gòn. Nam Vang nhỏ hơn Sài Gòn nhưng tất cả nhà cửa, dinh thự, quán ăn đều mang đậm nét kiến trúc Pháp. Ngồi uống cà phê ở Nam Vang cũng có cảm tưởng như ở Givral hay Continental ở Sài Gòn. Người đẹp Nam Vang, nước da ngăm ngăm, da thịt rắn chắc, nhiều cô cũng đẹp, cũng rất dễ thương và dạn dĩ và phần nhiều nói tiếng Pháp. Xe hơi đa số là xe Pháp đủ các hiệu Renault, Peugeot, nhứt là Citroën DS21 rất được ưa chuộng còn được gọi là xe "Vua", một người thủy thủ đã nói với tôi như thế. Xe gắn máy Honda đời mới giá thấp hơn ở Việt Nam. Một cách tổng quát, Nam Vang có vẻ tân thời hơn Sài Gòn. Vật giá ở đây cũng rẽ, đường cát, thịt, cá, trái cây, fromage "La Vache qui rit" ê hề, giá rẽ hơn ở Sài Gòn nhiều. Nói chung, nếu không có chiến tranh thì ở Nam Vang sống đầy đủ và sung túc hơn ở Sài Gòn. Tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với nhiều kiều bào Việt Nam sinh sống nơi đây, họ tỏ ra niềm nở khi gặp người đồng hương và mời đến nhà ăn uống. Tuy là phải sống nơi đất người và bị kỳ thị, nhưng họ vẫn không muốn trở về cố hương vì đời sống ở đây thật sung túc và mục ăn chơi có phần trội hơn đối với Sài Gòn. Một tô hủ tiếu ở đây được phủ đầy thịt nhất là thịt bò, trái cây đủ thứ như cam Battambang thật ngọt, xoài riêng và ngay cả táo, nho cũng không thiếu. Riêng Quan Tàu Tường quen biết nhiều người nên được nhiều mời mọc, đến Nam Vang cũng như về Sài Gòn, mà có thể nói còn hơn ở Sài Gòn vì về nhà còn bận bịu gia đình, còn ở Nam Vang, ông coi như độc thân tại chổ, ông đâu có buồn. Nói chung, ghé bến ở Nam Vang thật dễ chịu, chỉ sợ bị ăn đạn lúc chở hàng. Đoàn công voa chỉ bị bắn khi chở hàng chuyến lên thôi, chuyến về thì thường không bị gì cả nên cũng yên tâm. Tôi còn nhớ lúc đó phim Docteur Zhivago đang được chiếu tại các rạp ở Sài Gòn nên trên đài phát thanh Sài Gòn cho phát đi, phát lại bản nhạc Lara's theme, tối tối không đi bờ, mở radio trên tàu nghe cũng đở buồn và cũng nhớ Sài Gòn. Cách sống của người Khmer cũng giống như cách sống của người Việt, tuy nhiên Nam Vang còn giữ phong cách của văn hóa Pháp nhiều hơn ở Sài Gòn và ngoại kiều Pháp cũng đông hơn. 

Trong một chuyến công voa, không chuyến thứ hai hay thứ ba gì đó, trên chuyến đi trên sông đến Nam Vang, tàu Tung Pao cũng bị bắn như thường lệ, một mãnh đạn trúng vào cái phoscar, đó là một loại trái khói gắn vào cái phao, khi liệng nó xuống nước, nó nổi trên mặt nước nhờ cái phao và tỏa khói đỏ để đánh dấu nơi người rớt xuống nước. Khói đỏ lan tràn trong phòng lái, QT Tường thấy vừa qua khỏi vùng bắn nên bảo tôi và ông Quận già, Thuyền phó đi xuống liệng nó xuống sông, nhưng khi vừa đặt chân xuống boong phía dưới là hai quả B40 bắn trúng cùng một lượt cabine của Thuyền Trưởng, cách chổ tôi vừa bước xuống độ 2 thước ! Miểng văng tứ tung và tôi bị trúng đạn và bị thương nhưng cũng may mắn là chỉ có những miểng nhỏ trúng phân nửa người phía bên phải. Tàu Tung Pao đến Neak Luong xin tản thương bằng trực thăng về Nam Vang để chăm sóc nhưng phía bên Khmer từ chối. Do đó khi đến Nam Vang tôi được chở ngay đến bệnh viện và nằm ở đó hết một tuần lễ. Mấy thằng bạn đi tàu bên Quân Vận cười, bảo tụi nó đi lính mà không bị thương tích, tôi là thằng chưa biết lính là gì mà bị nếm mùi đạn B40 !

Tôi và Quan Tàu Tường cũng hên, rời khỏi tàu Tung Pao sớm vì sau đó, tình hình chiến sự trên sông Cửu Long trở nên khốc liệt, phía Khmer đỏ được trang bị loại thủy lôi thả dưới nước nên không thể phát giác, đã gây những tổn thất lớn lao cho đoàn tàu tiếp tế. Trong vòng tháng Giêng và tháng Hai năm 1975, đã có tổng cộng 4 tàu kéo, mười lăm xà lan dùng làm khiên đở đạn (shield barge), hai tàu chở gạo, ba tàu chở dầu, ba xà lan chở đồ linh tinh và một xà lan có gắn động cơ bị phá hủy. Với hỏa lực được tăng cường dữ dội, Khmer đỏ đã kiểm soát được những điểm trọng yếu của sông Cửu Long và những chuyến công voa trên sông bị hủy bỏ. SQ Vô tuyến Ngô Kế Thành tàu Tung Pao, người đã có mặt chuyến đi cuối cùng trên sông Cửu Long đã nói với tôi khi gặp lại ở Pháp :

- Những con tàu bị thương hay bị chìm lúc đó nằm la liệt trên sông giống như những con vật trong lò sát sinh. Ai có Phật thì cầu nguyện Phật, ai có Chúa thì cầu Chúa. Mọi người ai cũng nghĩ, giờ phút cuối cùng của mình đã đến.

QT Tường cũng cho biết thêm :

- Anh Arminjon (một người Pháp, T/T chiếc Wing Pengh, thoát chết và trở về sống ở Marseille) đã nói với tôi là khi chiếc tàu anh đi bị trúng thủy lôi và chìm, anh chỉ còn có mỗi cái quần cụt trên người !   

Vì hãng tàu là do người Khmer gốc Hoa làm chủ nên thủy thủ đoàn đa số gồm người Hoa và người Khmer, chỉ có Sĩ Quan là người Việt. Thủy thủ người Hoa gọi Thuyền Trưởng là "Xuỳnh chỉ", Thuyền Phó "Dì Phổ", "Dịch Nhất" là "Xám Phổ", Cơ Khí Trưởng "Tài Xế", Cơ Khí Phó "Dì Xế", Cơ Khí Ba "Xám Xế", SQ Vô Tuyến "Phí tìn", Thợ điện "Tài tìn", Intendant "Quảnh Sĩ"… Sau năm 1975, tôi cũng gặp lại vài người của thủy thủ đoàn của chiếc TUNG PAO cũ ở Pháp như "Tài tìn" ở Q 13 hành nghề Thầy bói, có lẽ giờ nầy Thầy đã phiêu diêu miền cực lạc nào rồi, "Quảnh Sĩ", tức Intendant, tôi tình cờ gặp lại anh với vợ trong hầm métro ở Paris trong thập niên 80 , anh mừng lắm quay qua giới thiệu với bà vợ :"Đây là Xám Phổ". Bà vợ ngơ ngác không hiểu, anh đưa ba ngón tay trên vai, ý muốn nói tôi là Third Officer. Sau đó anh cho biết thêm đang mở tiệm ăn ở Paris, bây giờ không biết anh lưu lạc nơi đâu. Riêng "Phí tìn" tức SQ Vô Tuyến Ngô kế Thành thì mất vào năm 2003, "Tài Xế" lúc đó là Niên Trưởng Trang Diệu Qui cũng đã qui tiên ở Mỹ từ nhiều năm trước. "Dì Phổ" tức Thuyền Phó là ông Quận già đã ra đi từ lâu. "Xuỳnh Chỉ", Niên Trưởng Huỳnh Trịnh Tường cũng đã cuốn gói  dong buồm ra khơi đi xa ngút ngàn từ năm 2013. Chỉ còn tôi và Hồ Thúc Ngọc là những tên trẻ tuổi nhất trong đám SQ trên những tàu TUNG cũng đang trong tuổi 60 rồi.

Cách đây không lâu, tôi tình cờ đánh trên trang Google "cargo tung pao", làm chơi mà không dè nó kiếm được tiểu sử chiếc tàu mà tôi muốn kiếm, mừng hết lớn ! Tàu Tung Pao được đóng vào năm 1948 tại Tân Tây Lan mang tên Kaitangata, sau đó nó được bán đi và lần lượt mang những tên như Paladin vào năm 1968, Karana III 1969, Tung Pao 1974 và sau cùng là Gembira 1978. Tàu bị phế thải vào năm 1983 sau khi bị hỏa hoạn trong phòng máy làm con tàu bị hư hỏng hoàn toàn.

Đặc điểm tàu TUNG PAO

Tàu TUNG PAO được đóng xong vào năm 1948 tại Tân Tây Lan với tên KAITANGATA sở hửu chủ là Union Steamship Co of New Zealand, nó đã được bán đi bán lại nhiều lần và lần lượt mang những tên sau đây : 1948 --KAITANGATA – 1968  PALADIN – 1969  KARANA III – 1974  TUNG PAO – 1978  GEMBIRA.  

Length Overall
305'4"  Length B.P.    290'0"  
Beam        43'0" Depth   Mld     19'6"
Draught 17'5"  G.R.T.  2485 tons
DWT     2959 tons

   Tàu TUNG LEE

   Tàu KONUI, một sister ship của chiếc Kaitangata, được đóng  vào năm 1948, sau đó nó được bán lại và đổi tên nhiều lần : 1969:  Bonatrade, 1974:  Tung Lee và năm 1977: Berjaya. Tàu bị phế thải vào năm 1983.                              

M/S TUNG LEE                                                   

M/S TUNG LEE

M/S TUNG LEE tên cũ M/S KONUI