Bên lề chuyện tình

Bên lề chuyện tình

Nhân Thế (T.H.K 1971)  

trích từ Đặc san Xuân Hàng Hải 1971

                      Tuyết Vân thân,

                   Tạp chí « Làm Quen » còn đặt trước mặt. Tôi đã đọc những hàng chữ tìm bạn của một nhóm nữ sinh có ý muốn trao đổi thư từ trong sự thông cảm và tìm hiểu, cũng như để quên đi vài nổi buồn. Thực ra tôi cũng không ngoài ý  nghĩa nầy khi viết thư cho các cô. Vì ở đây nhìn  ra là biển cả, ngó vào là vùng cát trắng, là dĩ nhiên đôi lúc như hôm nay, tôi không thiếu những nổi buồn tương tự.

                   Tuyết Vân, tôi chỉ là một thủy thủ, thực ra mới chỉ là một sinh viên Hàng Hải. Trên chiếc tàu nầy, ít nhận được những cánh thư. Do đó tôi rất hy vọng lời hồi âm của Tuyết Vân là sự thông cảm lẫn nhau. Chúc vui vẻ nhóm nữ sinh trong đó có Tuyết Vân.

                                                                            Tâm

                                                                            Hộp thư Hải phận

 

                          Đây là một trong những bức thư mà Tuyết Vân đã lựa sơ qua để trả lời, bức thư của một người đi biển đang tập sự trên chiếc tàu vượt đại dương. Nàng cầm bức thư thong thả đọc như cố hiểu những lời mới lạ tiềm ẩn trong lời, khác với các thơ kia. Thật vậy, nàng có phần ngạc nhiên và tưởng như nhận được bức thư từ biển khơi là điều hiếm có. Vì chính nàng cũng ít khi nghe thế nào là Sinh Viên Hàng Hải, và sao lại còn tập sự trên tàu ? Nàng nhẹ nhàng đặt bức thư lên bàn và tự gợi lên một khung trời thích hợp với những lời trong thư. Vẫn chưa tìm thấy. Nàng ngại có nên hồi âm không.

                        Gần 11 giờ, đúng ra nàng bắt đầu nghĩ. Song trong giây lát, thấy như vấn vương mãi, nàng nhất định nắn nót vài dòng :

                        Anh Tâm ,

                   Từ ngoài biển khơi mà là  thư đầu tiên của anh đã đến tận  tay chúng tôi. Tuyết Vân xin thay mặt các bạn, trước hết cảm ơn anh nhiều vì đã có ý thông cảm với chúng tôi trong sự kết bạn tâm thư.

                   Đọc qua những lời của Tâm, chứa đựng lời lẽ chân thật, mới lạ, do đó tôi mong rằng chúng ta có thể hiểu nhiều hơn trong những cánh thư sau. Hơn nữa, anh cũng đang mang nhiều sự buồn. Vậy xin anh cho biết từ những nguyên nhân nào. Vì theo em nghĩ, cuộc đời như thế nầy hẳn bay bướm lắm, bởi ít có ai mà đứng trên tàu nhìn xuống ngắm mặt biển trong xanh vào những buổi chiều nắng ấm… Hình ảnh nầy khiến Tuyết Vân mong Tâm giải thích thêm, được thế, Tuyết Vân hứa sẽ là bạn hay em gái của anh.

                   Chắc anh Tâm mong biết người viết bức thư nầy là ai ! Kẻ nầy có nhiều tâm sự lắm anh ơi. Ngoài việc học, Tuyết Vân chẳng biết làm gì, năm nay đang theo học lớp đệ tam một trường ở Sài Gòn, với lứa tuổi 18, thích đọc sách, chăm học, nên sẵn sàng giao thiệp với những người kinh nghiệm, thành thật.

                   Với đôi lời giới thiệu trên, Tâm sẽ thoáng thấy sự chân thật và cũng sẽ không phụ lòng như giờ nầy Tuyết Vân đang làm. Đã quá khuya, Vân tạm dừng bút, cầu chúc anh gặp nhiều may mắn.

                                                                                     Tuyết Vân

                   Vân rất thỏa ý với lời lẽ như trên, và có lẽ cũng là lần đầu tiên ntrong việc thay đổi trạng thái của bản tính nàng. Lúc nầy Tuyết Vân là người con gái hay mang nhiều nổi buồn vẩn vơ. Chính nàng cũng tìm thấy sự đổi mới nầy. Nàng không còn giữ lấy tính hững hờ như trước nữa, cũng như không còn coi con trai như « trái banh » mà thời gian trước đây bọn nàng hay chơi trò « bắt thả ». Nét mặt có đậm đà hơn, mái tóc trông gọn gàng, để lộ đôi mắt long lanh nhiều khi như ngấn lệ. Kể ra nàng khá đẹp. Và mỗi lần nói chuyện với giọng dịu dàng, nàng tỏ ra trìu mến, khiến người nghe nhận ra nàng đang mang một tâm trạng lắm suy tư. Đúng là lúc Tuyết Vân bắt đầu nhìn thấy cuộc đời mà lọc lừa nghĩa lý : chăm học, thương em, ân cần thăm hỏi mẹ. Nàng là con gái đầu lòng trong gia đình, kế đến vài ba đứa em. Má nàng độ hơn 40 tuổi, đã thay thế chồng nuôi nấng lủ con với một gia tài khá lớn, Bà là chủ tiệm tạp hóa lớn trong đường phố Sài Gòn. Do đó, đối với Tuyết Vân, nàng chẳng lo gì thiếu thốn, trong khi có vừa đủ phương tiện để tiếp tục học hành. Nhưng nàng phải lo lắng, người con gái đến tuổi trưởng thành, nhìn mẹ với mấy đứa em, hẳn có trách nhiệm trong gia đình. Ba nàng là một vị Sĩ Quan đã qua đời năm năm. Trước cái gánh nặng này, Tuyết Vân chẳng lấy làm khổ ải, vì má nàng còn trẻ đủ sức trang trải gia đình ở mức độ bình thường.

                        Từ ngày viết bức thư cho một thủy thủ, thỉnh thoảng Tuyết Vân cũng tỏ sốt ruột vì khá lâu mà chẳng được thư trả lời. Nàng cũng nghĩ rằng có thể rất lâu hay bị thất lạc vì người nhận làm sao biết cho rằng lá thơ đã đến một nơi nào và không hẹn ngày đến lấy. Hơn một tháng trôi qua, nàng như quên dần câu chuyện dã tràng đó.

                        Buổi chiều một hôm, từ trường về nhà, Tuyết Vân thấy bức thư màu xanh trên bàn. Mỉm cười, vội vả, nàng bóc thư ra xem :

                        Tuyết Vân quí mến,

                   Thật vô cùng hân hạnh, và cũng không khỏi nghẹn ngào khi nhận được thư em. Không ngờ từ thành đô náo nhiệt ấy, có một em gái tâm sự với anh bằng lời thân mật như thế.

                   Em Vân, hôm nay, anh không còn buồn nửa, mà trái lại yêu đời hơn vì anh quả tìm thấy trên đời nầy có nhiều việc đáng quí như để tu bổ cho cuộc sống, chẳng hạn như sự nhìn nhận này. Hai ta có bao giờ biết hay hẹn nhau từ trước. Thế mà anh tin tưởng ngày nào đó, anh em ta gặp nhau mà không ngại ngùng, e lệ.

                   Chiều nay, sau khi làm việc trong xưởng với máy móc khá đầy dẫy, anh nhận được thư em, có lẽ nhờ một chuyến tàu từ Sài Gòn trở ra, và đã đọc ba lần trước khi hồi âm cho em. Em ơi ! Sau những giờ lao đầu vào công việc : làm bạn với dòng điện, làm ếch dưới đáy tàu, vừa mệt cho trí óc, vừa vận động cho tay chân, mà nhận được bức thư nầy, chắc sẳn sàng quên đi mọi thắc mắc và khắc khoải. Anh không đề cao đến mức khó tưởng, nhưng thật vậy. Em thông cảm nhé, như có những ngày rảnh việc, anh chẳng biết làm gì. Sách vở đầy ngăn tủ, thực phẩm khá dồi dào, nhưng không làm quên lảng những nổi niềm, có lẽ vì thiếu đi dáng dấp mỹ miều.

                   Thế rồi những buổi chiều, con tàu sắp cập bến, trên boong tàu anh chẳng muốn nhìn xuống mà chỉ ngửa mặt lên trời, thấp thoáng vài đàn lạc lối, đôi mỏm núi xiêng đồi trơ trọi là đá, và một góc trời đỏ lói báo hiệu cho hoàng hôn, anh vô cùng nôn nao được lên bờ. Nhưng hôm nay, dầu cho con tàu vẫn lướt sóng đến một phương trời nào anh chẳng cần biết, ngửa mặt nhìn những vì sao nhấp nháy, ngắm dảy Ngân Hà, nếu trông xuống thì chao ôi là đẹp ! Từng ngụm sao lung lay dưới đáy biển, từng gợn sóng êm đềm giao thoa.

                   Tuyết Vân em, còn biết bao hình ảnh mà sự diễn tả sẽ không bao giờ lột hết. Tạm dừng ở đây là vừa.

                   Chúc em vui vẻ lên, cảm nhận mọi trở ngại để tạo nên một sức mạnh cho mình và làm vừa lòng người khác. Bằng an. Hẹn gặp em ngày gần đây.

                                                                            Anh Tâm.

                   Tuyết Vân man mác buồn, cặp mắt sáng lên biểu lộ sự dứt khoát nào đây. Buồn vì trong thư Tâm đã gợi lên những hình ảnh mà chắc nàng sẽ khó gặp được, dứt khoát vì tình cảm dâng lên đều hướng về người anh biển cả. Vân gấp phong thư vào ngăn tủ, nàng vui vẻ với em. Tâm tư nàng mang một cảm giác mới lạ hơn, và đây cũng là dịp để nàng tiếp tục lối sống êm đẹp nầy.

                        Trong hai năm, nhiều cánh thư trao đổi nhau, và cũng khoảng thời gian nầy hai tâm hồn thấy đẹp nhất đời. Mọi việc đều kể cho nhau nghe. Những lần về bến, Tâm đến nhà hay đón trước cổng trường gặp Vân, càng ngày đôi bạn tâm thư càng tha thiết với cuộc sống. Tuy gặp nhau chưa quá hai lần nhưng tình cảm đã luân lưu bằng những lời tha thiết nhất.

                        Sau cuộc gặp gỡ nầy, Tuyết Vân không nhận được một tin nào của Tâm. Nàng vô cùng lo lắng, suy nghĩ, vì chẳng biết Tâm trôi dạt phương nào. Đối với Tâm, chàng cũng trông mong ghê lắm, trông từng ngày, từng tháng mau mau trở lại quê nhà. Thời gian cách biệt này là một năm, Tâm phải theo chiếc tàu về Singapore để sửa chửa, tu bổ lại, và cũng là thời gian Tâm trở thành vị Sĩ Quan Cơ Khí Hàng Hải. Ở sự hiểu biết và cố gắng rất nhiều, Tâm đã thông hiểu và được quyền điều khiển chiếc tàu, nên chàng đã thành công trước bước đường tiến thân.

                        Tâm biết vài ngày nữa chàng sẽ về, chiếc tàu ghé bến Sài Gòn, không cần ăn cũng đủ no, không cần ngủ cũng chẵng mệt, trông từng giờ, từng phút.

                        Và một lần ghé bến.

                        Tâm hớn hở xách chiếc va li lớn, đẹp bước vào nhà. Đây là nhà của Ba Má chàng, một gia đình công chức trung bình vừa đủ sống, không xa hoa. Cả nhà đều vui mừng vì ngày đứa con đã trưởng thành trở về. Tuy vậy, Tâm hấp tấp xin phép Ba Má đi thăm bạn bè.

                        Chẳng có bạn nào quan trọng hơn Tuyết Vân.

                        Trong căn lầu lặng lẽ, chỉ có cửa sổ mở, Tâm gỏ cửa hai lần. Âm thầm cánh cửa mở ra, Vân trố mắt nhìn chàng, cả hai đều nghẹn ngào, xúc động, chàng nắm tay Tuyết Vân khẻ dắt vào ghế ngồi. Nàng cố nén, nhưng vài giọt nước mắt ràn rụa trên đôi má. Tâm thấy như những hạt trân châu đang rơi rụng vì chưa bao giờ chàng thấy thế. Sau vài phút ngập ngừng, Tâm mở đầu :

                        – Anh thông cảm cho mọi nổi niềm của Vân, như đã có lần anh tưởng ra công việc mà hàng ngày em làm, và chắc rằng dầu cho thời gian qua gần một năm chúng ta xa cách, nhưng chúng ta đều nhớ mãi trong lòng những hy vọng về sau. Em nghe ?

                        Tuyết Vân nhìn Tâm. Nét mặt ngâm ngâm của chàng hôm nay đầy đặn hơn, ẩn hiện ở chàng trai hiểu biết và lanh lợi. Nàng đáp tự nhiên :

                          – Em cũng chẳng biết nói gì hơn vì những lời anh đã nói là tâm tưởng của em. Tuy có trông đợi về tin tức, song có thể chịu đựng được. Vì em thừa hiểu rằng, như em không có quyền ngăn cản sự tiến bước của một người trai, như thế là sai lầm cho một thế hệ. Em vẫn thản nhiên, ấy thế ! Và hôm nay em cũng đã lớn khôn, không như ngày nào chúng ta quen nhau. Chẳng có gì phiền trách anh cả.

                        Vân  không còn là một học sinh nữa, nàng đã được tuyển chọn làm Giáo sư của một trường Bán công nhỏ gần ngoại ô vừa mấy tháng qua. Gương mặt của nàng có vẻ đổi khác. Tâm nhìn nàng, người con gái có một sự hấp dẫn thầm kín, tiềm ẩn ở khuôn mặt hiền từ, ở đôi mắt long lanh, một dáng hình cân đối.

                        – Em không còn đi học nữa ?

                        – Dạ.

                        – Vậy có tiếc rẻ gì không ?

                    – Không sao, học thì không bao giờ đủ cả, sống được ngày nào là ta hiểu biết nhiều thêm. Không phải nhát hay cần tiền, song vì trách nhiệm đối với gia đình và mấy đứa em.

                        Trong giờ phút gặp gở đó, nổi vui mừng tràn ngập và ước vọng của hai người trong giây lát thoáng hiện.

                        – Lần nầy ghé bến, anh sẽ nghỉ lâu hơn để đền bù lại những ngày tháng xa cách.

                        Tâm ngập ngừng như muốn nói tiếp. Nhưng Vân đã bối rối, nàng khẻ mặt xuống rồi ngẩng lên, liếc nhìn chàng. Hai ánh mắt gặp nhau, khiến cả hai mỉm cười thay cho những lời nói.

                        Tâm nét mặt thản nhiên lại gần đến nàng :

                        – Em chắc không có gì làm chúng ta trắc trở, những điều mà có lần mình đề cập đến ?

                        – Dạ… anh hiểu cho rằng em cảm mến anh rất nhiều, tuy nhiên còn đợi ở thời gian.

                        Tâm vuốt nhẹ lên tóc nàng :

                        – Em thùy mị dễ thương quá, thật hảnh diện cho anh.

                        Nàng lặng lẽ và gọi bảo :

                        – Chiều nay chúng mình dạo phố cho vui nha anh.

                        Phố xá đông nghẹt những người. Tay trong tay, mặc cho tiếng động, mặc cho sự rộn rịp ồn ào, đôi trai gái vẫn sánh vai tâm sự nhiều trên đường phố thành đô.